Một
thiền sư Ni đời Đường bút hiệu Mai Hoa Ni viết một bài thơ. Sư nói mình
đi tìm xuân, lội khắp đầu non, giày cỏ vương mây khắp chốn. Tìm mùa Xuân hay tìm một cành mai, hay tìm một cái gì đó rất đẹp, rất trọn vẹn. Tìm đã đời không ra, quay trở về chợt mỉm cười, té ra cây mai trước sân đã nở đầy. Sư mỉm cười hay nụ mai đang cười giễu cợt sư? Bài thơ không nói rõ vì thơ vốn ít lời, chúng ta chỉ tự hiểu. Tận nhật tầm xuân bất kiến xuân Mang hài đạp biến lãnh đầu vân Quy lai tiếu niễn mai hoa xú Xuân tại chi đầu dĩ thập phân. (Mai Hoa Ni) Tạm dịch: Trọn buổi tìm xuân chẳng thấy đâu Giày gai đạp nát đỉnh mây cao Trở về cười ngất hương mai rộ Xuân ở đầu cành rõ biết bao. Các thiền sư Ni cũng ít nhiều thích trồng hoa. Xem việc chăm sóc hoa kiểng như một công phu học đạo, rất chí tình, rất khổ công. Để đáp lại, xem sư được gì: Thổ lai kiêm quán thủy lai tài Điên đảo công phu nhậm ngã tai Mãn viện xuân phong hoa tự ngữ Bất tương nhan sắc hướng nhân khai. (Siêu Nhất Tử) Siêu Nhất Tử có thể chỉ là biệt danh. Sư là con gái họ Ân, góa chồng sớm, đóng cửa học đạo. Ba năm sau, sư ngồi tịch. Bài thơ trên là một trong những thi phẩm để lại. Ba năm học đạo, sư nhận ra rằng những khổ công của mình rốt cuộc không thành vấn đề gì cả. Nếu có một cái gì để chờ đợi thì làm sao thanh thản ra đi. Bao phen gánh nước vun trồng, Nhọc công chăm sóc mặc tình đảo điên. Gió xuân thổi mát đầy hiên, Hoa cười nhắn nhủ: Chẳng riêng vì người. Hoa có tư cách riêng của hoa, khi muốn nở thì dù giữa núi rừng hay trong chốn nhân gian cũng tự nhiên khoe sắc. Không thích nở hoa thì dù ở
vương cung trong thượng uyển, lệnh vua nghiêm nhặt cũng cứ khép cánh. Một ngày mùa đông, Võ Tắc Thiên muốn ngự giá thăm hoa, vua ra lệnh cho tất cả hoa trong vườn ngày mai phải nở. Tất cả đều y lệnh, chỉ có Mẫu đơn lạnh lùng không chào đón, vua ra lệnh đày hoa xuống Giang Nam. Đó là
chuyện theo các cụ xưa kể lại, chúng ta có thể nghĩ rằng lúc ấy, Võ Tắc
Thiên thương Mẫu đơn chịu không nổi cái lạnh miền Bắc cho nên đưa xuống
Giang Nam khí hậu ấm hơn. Hảo ý của nhà vua có thể bị hiểu lệch đi. Xưa
nay vẫn thế, việc gì được lòng thiên hạ thì đều được tán thưởng, việc gì thiên hạ không ưa thì hoa cũng bị đưa vào cuộc. Trần Thánh Tông, ngày xuân đi qua vườn cũ trong cung, có thể đó là một nơi đã lâu không người qua lại nên rêu phong cổ kính, và giữa cái u trầm tịch mịch của một ngày đáng lẽ phải rộn ràng, những cành hoa xuân cứ chúm chím mừng xuân, bất kể là có người hay không có người. Cung viên xuân nhật ức cựu Cung môn bán yểm kính sinh đài Bạch trú trầm trầm thiểu vãng lai Vạn tử thiên hồng không lạn mạn Hoa xuân như hứa vị thùy khai? (Trần Thánh Tông) Ngày xuân trong vườn ngự nhớ người cũ Cửa cung nửa khép, đường rêu phủ, Ngày lặng đìu hiu vắng bóng người. Muôn tía nghìn hồng đua rực rỡ, Hoa xuân dường ấy nở vì ai? (Nam Trân dịch) Chuyện của con người muôn thuở là rắc rối, hãy bắt chước như hoa chẳng để tâm. Ni Chánh Giác người Triết Giang. Sư trải qua cuộc đời thiếu nữ quý tộc, kết hôn với một học giả trẻ tuổi, rồi sớm làm Ni trong tu viện Pháp
Âm. Thân thế phù du như mưa mùa Xuân, hoa buổi sớm, đến đến đi đi cứ mặc tình. Khi thâm ngộ chỗ an bình xưa nay thì cứ để mọi sự trôi qua thanh thản. Xuân triêu hồ thượng phong kiêm vũ Thế sự như hoa lạc hựu khai Thối tỉnh bế môn chân lạc xứ Nhàn vân chung nhật khứ hồi lai. (Chánh Giác) Sáng xuân hồ gợn gió mưa rơi Thế sự như hoa - rụng - nảy chồi Đóng cửa lặng lui miền chân lạc Mây trời lướt thướt một ngày trôi. Đi suốt mùa Xuân, với những cành hoa nở rộ, rồi một mùa qua, hoa gởi lời tạm biệt. Những bài thơ tâm sự theo hoa chỉ là một chút văn chương trong cõi tạm.