Trở về quê có nghĩa là quay về với khung cảnh chứa đựng nhiều hình ảnh thuộc về kỷ niệm, những kỷ niệm ấu thơ, hồn nhiên, vô tư và vô lo. Một góc quê trong tâm trí của mình - kẻ đi xa chính là những gì thuần hậu, đẹp nhất (như là “láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau”) vẫn vẹn nguyên sau bao nhiêu năm đi xa.
Một góc quê hương - Ảnh: Internet Cảm nhận ấy sống dậy trong những ngày tết khi mình quay về và nhận được sự chào đón nồng nhiệt, bà mẹ góa (mẹ mình) được bà con chiếu cố, giúp đỡ tận tình với tâm niệm “bà ấy có một mình, con đi xa, tội nghiệp”. Thế là khi có chuyện gì rủi ro thì hàng xóm xoắn tay lên giúp, con trai ở xa chỉ biết điện thoại nhắc mẹ thế này, thế nọ, cố gắng vượt qua… Về, nghe mẹ kể mà ấm lòng đến lạ, cảm giác sự ấm áp len lỏi trong lòng và biết ơn quá đỗi, cái tình quê bao đời vẫn thế, vẫn cứ mãi làm mình cảm thấy như được ôm ấp sau khi quay về. Phải chăng vì thế mà nhà thơ Đỗ Trung Quân đã từng ví quê hương là chùm khế ngọt, ngon lành? Một góc quê nhà mùa xuân đẹp, màu xanh của lá non, màu của những dãy núi cận chân ruộng lúa cũng xanh um. Có lẽ mùa xuân cây cối ra lộc. Cái thứ lộc của lá rừng đẹp đến say lòng người, mình từng ăn ngủ trong rừng,
và cũng từng ngắm những hoa chuối, hoa sim, hoa của cỏ dại mọc ven đường khi đi vào phía bìa rừng. Và mình cũng từng đi qua những bờ ruộng được bao phủ bởi màu xanh của cỏ, của mạ non và cả những đám lúa chín vàng rực. Những ngày tết như thế này mình từng đi dạo qua những cánh đồng để đến nhà bạn, ngôi nhà nằm sát chân núi, phía trước là cánh đồng.
Góc quê cứ thế được thu lại qua chiếc máy ảnh kỹ thuật số và chạy mon men qua rìa tâm thức để người đi xa lâu lâu mới về được sống trọn vẹn cùng quê hương, cùng tuổi thơ ngọt lành. Ai không yêu quê hương? Nếu có người nhận mình không yêu quê thì đó là kẻ… bỏ đi! Một người bạn đi xa quê, du học và định cư ở nước ngoài đã
bảo thế. Vậy sao không về cống hiến cho quê hương? Rồi thì bạn định nghĩa rằng cống hiến cho quê hương còn có nghĩa là làm rạng danh tài trí
Việt trên trường quốc tế, giống như giáo sư Ngô Bảo Châu chẳng hạn. Mình gật gù, ừ, đúng! Lại thấy góc quê của mình cũng cần mình cống hiến bằng những chuyến thiên di ở miền xa, như Sài Gòn, để mỗi cái mùa xuân về mình cảm nhận sự sung túc hơn từ gia đình mình cũng như làng quê của mình. Đi và trở về để lại được tiếp sức từ mảnh đất quê hồn hậu, ấm nóng tình người; để mình chiêm nghiệm những giá trị sống cao đẹp cũng như những góc lặng nơi tâm hồn và phả vào lòng tình cảm quê nhà với những giá trị đẹp đẽ, ví dụ như mùa xuân có nghĩa là mùa sum vầy, có nghĩa là dù đi xa nơi nào cũng hướng về (hoặc quay về) bằng cách này, cách khác!
Nguyễn Nguyên