- Phần Giới Thiệu
- Tiểu Sử Pháp Sư Cưu Ma La Thập
- 01. Phẩm Phật Quốc
- 02. Phẩm Phương Tiện
- 03. Phẩm Đệ Tử: Hàng Thanh Văn
- 04. Phẩm Bồ-Tát
- 05. Phẩm Văn Thù Sư Lợi
- 06. Phẩm Bất Tư Nghì
- 07. Phẩm Quán Chúng Sinh
- 08. Phẩm Phật Đạo
- 09. Phẩm nhập “Pháp Môn Không Hai”
- 10. Phẩm Phật Hương Tích
- 11. Phẩm Hạnh Bồ-tát
- 12. Phẩm Thấy Phật A Súc
- 13. Phẩm Pháp Cúng Dường
- 14. Phẩm Chúc Lụy
Tác giả Lê Sỹ Minh Tùng
Phẩm Đệ Tử
(The Disciples’ Reluctance to Visit Vimalakirti)
Hàng Thanh Văn
Tôn Giả La Hầu La (Rahula): Vấn Đề Xuất Gia.
Trước khi xuất gia, Thái tử Tất Đạt Đa đã kết hôn với Công chúa Da Du Đà La của nước Câu Ly và hạ sanh được La Hầu La. Vào đêm mùng tám tháng hai, Thái tử Tất Đạt Đa quyết chí đi tu lúc ấy La hầu La vừa mới sanh được bảy ngày. Trước khi ra đi Thái tử vén rèm nhìn hai người lần cuối. Ngài thương xót cho người vợ trẻ và đứa con còn nhỏ dại của mình, nhưng đối với sự đau khổ của nhân loại thì lòng thương xót của Ngài còn da diết hơn.
Sau khi thành đạo, Đức Phật về lại cung thành Ca Tỳ La Vệ để thăm phụ vương và gia đình. Nhờ nhân duyên nầy mà rất nhiều người trong dòng họ Thích Ca xuất gia theo Phật. Khi Đức Phật về đến rừng Ni Câu Đà, liền gọi Xá Lợi Phất mà dạy rằng:
- Xá Lợi Phất! Cậu bé La Hầu La cứ theo ta xin gia tài. Ta không muốn cho nó thứ tài sản và hạnh phúc mong manh của thế gian mà ta chỉ muốn cho nó bảo bối vô giá mà thôi. Vậy ông hãy cho nó xuất gia làm Sa di đầu tiên của tăng đoàn.
Đức Phật nói xong bèn gọi ông Mục Kiền Liên cạo tóc cho cậu bé, dạy lễ bái Xá Lợi Phất làm thầy và truyền giới Sa di cho La Hầu La. Vì bị bắt buộc xuất gia chớ đâu phải do bổn nguyện của mình nên La Hầu La ương ngạnh khó dạy và thích nói dối gạt người cũng bởi tại quen thói được nuông chìu vì là con của Phật và là cháu của vua. Sau chính Đức Phật dạy dỗ nên ông sửa đổi tâm tính, chuyên cần tu học, giữ gìn giới luật. Đến khi hai mươi tuổi được thọ giới Tỳ Kheo và chẳng bao lâu đắc quả A La Hán. Trong mười vị đại đệ tử của Phật thì tôn giả La Hầu La được Phật khen ngợi là đệ nhất mật hạnh.
Mật hạnh là giới hạnh, là đạo đức sâu kín bên trong chớ không biểu lộ ra ngoài. Một người bên ngoài thì nhìn rất bình thường, thậm chí đôi khi còn tầm thường nữa là khác, nhưng bên trong thì có đầy đủ đức hạnh từ bi hỷ xả, dứt trừ phiền não vô minh, tâm hồn trong sáng tự tại thì mới là mật hạnh. Ngược lại trong thế gian nầy có rất nhiều người bên trong thì dẫy đầy Tham-Sân-Si, mạn, nghi, tật đố, hỷ nộ ái dục nhưng bên ngoài thì làm ra vẽ trang nghiêm điềm đạm, nói năng đạo đức quân tử. Thời nay thì những người giả nhân giả nghĩa hay ngụy quân tử nầy rất nhiều nên nhà Phật mới có câu:
“Giả trang thiền tướng,
Cầu bỉ cung kính” là vậy.
Vì thế đạo Phật khuyên chúng sinh nên phát triển mật hạnh của chính mình vì đây chính là chất xúc tác để mở con mắt tâm mà thấy được Chân Lý.
Nhắc lại ngày xưa, cậu bé luôn theo Phật để xin gia tài thì ngày nay tôn giả đã chứng ngộ tức là đã được Phật trao cho Pháp tài vô tận. Tôn giả chính là thí dụ cụ thể nhất về cái tự ngã của con người. Tự ngã chính là kẻ thù số một của chính mình vì nó là màn vô minh hắc ám đã che lấp tất cả đỉnh cao trí tuệ của con người. Cái bản ngã càng to thì con người càng lún sâu vào vòng sinh tử luân hồi và xa dần ánh sáng Chân lý. Trãi qua bao nhiêu kiếp tinh tấn tu hành thì tôn giả sẽ thành Phật hiệu là Đạo Thất Bảo Hoa Như Lai tức là vị Phật bước đi trên hoa bảy báu. La Hầu La nhập diệt khi nào cũng như năm tháng đản sanh của tôn giả không được kinh sách ghi chép rõ ràng chỉ biết tôn giả nhập diệt trước Đức Phật.
Bấy giờ Đức Thế Tôn gọi tôn giả La Hầu La mà bảo rằng:
- Nầy La Hầu La! Ông hãy đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật.
Ông La Hầu La thưa:
- Bạch Thế Tôn! Con không kham lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh trưởng giả! Bởi vì trước đây có lần các trưởng giả tử trong thành Tỳ Xá Ly đến chỗ con, cúi đầu làm lễ và hỏi con rằng:
- Thưa ngài La Hầu La! Ngài là con của Phật. Ngài bỏ địa vị chuyển luân thành vương đi xuất gia hành đạo. Vậy xin hỏi việc xuất gia đó có được ích lợi gì?
- Bạch Thế Tôn! Con vì các vị trưởng giả tử, nói rõ về cái lợi và công đức của việc xuất gia. Bấy giờ ông Duy Ma Cật đến nói với con rằng:
- Thưa ngài La Hầu La! Ngài không nên nói về cái lợi và cũng không nên nói về công đức của việc xuất gia. Tại sao? Bởi vì không có lợi, không có công đức mới xuất gia. Bởi vì xuất gia thuộc về pháp vô vi. Mà pháp vô vi không có lợi và không có công đức.
- Thưa ngài La Hầu La! Luận về xuất gia là không kia, không đây. Không có cái giữa. Rời sáu mươi hai thứ kiến chấp mà ở chỗ Niết bàn. Là việc của người trí cảm nhận, bậc thánh thường hành. Hàng phục các ma. Cứu độ ngũ đạo. Thanh tịnh ngũ nhãn. Thành tựu ngũ lực. Làm chũ ngũ căn. Không não hại người. Xa lìa xấu ác. Dẹp các ngoại đạo. Vượt khỏi các giả danh. Ra khỏi bùn lầy phiền não. Không có người buộc. Không có ngã sở hữu. Không có cái sở thọ. Lòng không khát vọng. Giữ ý an vui. Thuận theo thiền định. Xa rời các lỗi lầm. Nếu được như thế mới chính là chân xuất gia.
Ông La hầu La nói việc lợi ích và công đức của việc xuất gia thì phải dựa vào những ý nghĩa sau đây:
1)Phiền não chi gia: tức là phải ra khỏi nhà phiền não khổ đau.
2)Vô minh chi gia: tức là ra khỏi nhà vô minh tăm tối để thấy ánh sáng trí tuệ mà được minh tâm kiến tánh, giải thoát giác ngộ.
3)Tam giới chi gia: tức là phải ra khỏi nhà ba cõi là dục giới, sắc giới và vô sắc giới.
- Dục giới là thế giới mà con người còn lệ thuộc vào thực dục và dâm dục. Hằng ngày chúng sinh bị lục dục thất tình tức là còn mừng, giận, thương, yêu, ghét, sợ, muốn chi phối làm cho tâm tánh thêm mê muội mà tạo nhiều phiền não khổ đau. Có càng nhiều thì con người càng muốn thêm, không bao giờ thỏa mãn được lòng tham vô đáy cả.
- Sắc giới là con người sống trong thế giới nầy tuy tâm có phần tự tại vì không còn lệ thuộc vào thực dục và dâm dục nhưng vẫn còn lệ thuộc vào vật chất vì chưa xa lìa được vật chất.
- Vô sắc giới không phải là cõi không có sắc thân. Con người chúng ta sống trên mặt đất nầy mà nếu không có trí tuệ để nhận thức Chân lý mà nẩy sanh ra những tư tưởng có tánh cách hoang đường, thần thoại thì gọi là sống trong cảnh giới không hình sắc. Thí dụ như có người ngồi thiền để xuất hồn về một cõi nào đó hay là hiện tại chúng ta đang ngồi đây mà lo sợ những cãnh tượng hãi hùng ở âm ty địa ngục. Tất cả những tư tưởng hoang đường nầy sẽ dẫn dắt con người vào chỗ mê tín dị đoan như cầu xin đồng cốt, xin xăm bói quẻ, đốt giấy tiền giả cho người âm phủ…Nói một cách khác là sống nhưng xác một nơi còn hồn một nẻo.
Theo Phật giáo thì có những người khi còn sống tạo nhiều phước đức, hoặc có công lớn trong xã hội…mà tánh nóng, tính cương trực vẫn còn. Đối với họ khi còn sống thì làm phước cũng nhiều mà gây ra tội lỗi cũng không ít. Cho nên khi chết họ được sinh vào trong cõi A Tu La tức là cõi Thần để hưởng phước lạc mà cũng chịu nhiều đau khổ. Vì thế nếu con người cầu nguyện thì họ giúp nhưng nếu không thỏa mãn những điều đã hứa với họ hay tâm sân nổi lên thì họ có thể hãm hại con người. Ngày xưa Đức Phật đã thấy được điều nầy nên khuyên chúng sinh chỉ kính trọng họ mà đừng trông cậy, mong cầu gì cả. Khác với hành động của những vị Bô-tát là hoàn toàn vị tha vô ngã, thậm chí nếu chúng ta mắng chửi, đánh đập thì họ vẫn tự tại, không oán hận hay trả thù. Còn các vị Thần nầy vì vẫn còn nằm trong lục đạo luân hồi nên tham-sân-si vẫn còn, tánh hiếu sát chưa dứt. Càng tin vào quỷ thần là càng đi sâu vào tà kiến làm tâm thêm mê muội, không sáng suốt và dĩ nhiên đau khổ càng tăng.
4)Thế tục chi gia: tức là ra khỏi căn nhà thế tục, lìa bỏ gia đình, cha mẹ, vợ chồng con cái, thân bằng quyến thuộc, tiền của, địa vị trong xã hội…để vào chùa giữ trai trì giới, đoạn trừ vô minh phiền não, vượt qua tam giới, ra khỏi sinh tử luân hồi và chứng đắc Niết bàn.
Vì thế ông La hầu La nói việc lợi ích và công đức của việc xuất gia là dựa theo hình Tướng tức là còn thấy có đoạn phiền não và chứng đắc Niết bàn. Đây là pháp bất liễu nghĩa tức là giáo lý phương tiện để hướng dẫn người sơ cơ thấy sự lợi ích và công đức mà phát tâm tu hành. Còn cư sĩ Duy Ma Cật nói không có lợi ích và công đức là dựa theo Thể Tánh tức là dựa vào cái Không Tướng có nghĩa là pháp vô vi. Đây mới thật là pháp liễu nghĩa thượng thừa.
Theo Sự Tướng là dựa theo pháp hữu vi, có sanh có diệt, có hình có tướng, là pháp tương đối thì ông La hầu La nói đúng. Bởi vì kẻ xuất gia vào chùa thì dễ dàng tu hành, ít bị ràng buộc dính mắc, không màng danh lợi, xa lìa gia đình thì mau đạt được thân tâm thường lạc, đoạn trừ phiền não, tự giác rồi giác tha và viên thành Phật đạo. Nếu được như vậy thì dĩ nhiên có quá nhiều lợi ích và vô lượng công đức.
Nhưng ở đây cái nhìn của ông Duy Ma Cật là cái nhìn của Bản Thể Tuyệt Đối. Mà trong Chân Không Diệu Tánh thì không hình không tướng, không tăng không giảm. Pháp vô vi là Bản tâm thanh tịnh thì làm gì có lợi ích hay công đức.
Vậy thế nào là pháp vô vi?
Pháp hữu vi là do nhân duyên hòa hợp nên hữu hình thì hữu hoại. Luật vô thướng sinh diệt không sót một ai chẳng hạn từ những vật nhỏ như hạt cát đến lớn như mặt trời, mặt trăng thì hễ có sinh tất phải có diệt. Ngược lại pháp vô vi là pháp không sanh không diệt, không tăng không giảm, không do ai tạo ra cả mà chính là tự tánh của các pháp tức là thanh tịnh bản nhiên. Vì vô vi là Chân Không nên không thể dùng ngôn ngữ hay văn tự để diễn tả hay so sánh được. Tuy nhiên, để có một ý niệm về Thể Tánh Chân Như, Duy Thức Luận dựa vào sắc tướng để hình dung mà đặt thành sáu pháp vô vi như sau:
1)Hư không vô vi: Vì Chơn Như hay Pháp Tánh là Chơn Không Diệu Tánh nên không do nhân duyên nào kết hợp mà tạo ra nên không có nhiễm ô, đau buồn hay sung sướng. Nó không hình không sắc, không dơ không sạch, không sanh không diệt, rỗng rang tịch diệt như hư không bao trùm khắp không gian vô cùng vô tận nên gọi là Hư không vô vi. Chơn Như là sự thanh tịnh có sẳn trong tất cả mọi người cũng như vạn pháp chỉ vì con người bị vô minh phiền não che lấp nên đánh mất cái thanh tịnh nầy.
2)Trạch diệt vô vi: Trạch là chọn lựa. Diệt là diệt trừ. Do đó Trạch diệt vô vi là nhờ sự chọn lựa trí huệ vô lậu mà diệt trừ các phiền não nhiễm ô nên Chơn Như vô vi mới hiện. Đức Phật dạy rằng Phật tánh, Chơn Như thì luôn luôn thanh tịnh, nhưng tại sao con người còn phiền não khổ đau? Vì tham-sân-si, ái dục để tạo ra phiền não khổ đau là phát xuất từ bên ngoài cho nên nếu con người đừng trụ chấp có nghĩa là các thứ nhiễm ô có đến rồi tự nó đi thì Phật tánh không bị vô minh che lấp. Thấy Phật tánh tức là tâm được thanh tịnh. Cũng như mây đen che lấp ánh sáng mặt trời. Một lúc sau mây tan thì ánh sáng trở lại. Ánh sáng mặt trời không bao giờ tắt cũng như Phật tâm không bao giờ mất mà chỉ bị che lấp mà thôi. Khi con người biết xa lìa phiền não, tránh xa nhiễm ô thì tâm sẽ được thanh tịnh và đây là trạch diệt vô vi.
3)Phi trạch diệt vô vi: Trạch diệt vô vi có được là nhờ biết lìa xa phiền não khổ đau để tâm được thanh tịnh. Nói thế không có nghĩa là Pháp tánh hay Chân Như là do sự diệt trừ phiền não mà có. Bởi vì Pháp Tánh vốn đã có sẵn, xưa nay vốn thanh tịnh, không bị nhiễm ô, không sanh không diệt nên gọi là Phi trạch diệt vô vi. Phi trạch diệt còn có một ý nghĩa thứ hai là mặc dầu con người có tham nhiễm, chạy theo lục dục thất tình nhưng vì thiếu nhân duyên nên các phiền não không thành quả tức không xuất hiện vì thế pháp vô vi thanh tịnh tự hiện ra chớ không cần chọn lựa diệt trừ.
4)Bất động diệt vô vi: Khi con người đã lìa xa các phiền não, ý niệm dấy lên liền dùng thiền quán mà xóa bỏ luôn. Đây chính là tứ thiền, là cõi cao nhất trong Sắc giới và cũng là cõi hoàn toàn thanh tịnh.
5)Tưởng thọ diệt vô vi: Khi đạt được Tứ thiền thì thiền giả có thể đi thẳng tới Diệt Thọ Tưởng định để diệt trừ hết “Thọ” và “Tưởng” thì Chơn Như hiện ra. Sự thanh tịnh nầy gọi là Tưởng thọ diệt vô vi,
6)Chơn Như vô vi: lìa xa vọng thì có Chơn. Lìa xa phiền não điên đảo thì có Như. Năm pháp vô vi ở trên chỉ là hình dung các đức tính của Chơn Như. Chính Chơn Như vô vi mới chỉ đích danh Bản Thể Chơn Như.
Người tu theo Tiểu thừa thì tuy đã phá được chấp ngã nhưng họ còn chấp tướng nên thấy có tu hành, có chứng đắc. Vì thế họ xuất gia, tinh tấn tu hành, lìa xa phiền não để mong cầu chứng đắc Niết bàn. Nhưng thật ra có chứng đắc thật không?
Trong tất cả mọi chúng sinh, không phân biệt nam nữ, già trẻ, thông minh hay khờ dại, không nhất thiết là người Tàu, người Việt, người Tây, hay người Mỹ thì ai ai cũng đều có Phật tánh như nhau. Nói một cách khác là trong tất cả chúng ta đều là Phật cả, nhưng trãi qua bao kiếp sống luân hồi con người bị cái vỏ vô minh che lấp làm cho Phật tánh bị lu mờ. Như thế tu hành là cốt phá tan cái màn vô minh che lấp bên ngoài mà tìm về với con người thật tức là Bản Lai Diện Mục để thấy được Phật tâm sáng suốt đã có sẳn trong ta từ muôn kiếp mà Kinh Viên Giác gọi là Như Lai Viên Giác Diệu Tâm, Kinh Pháp hoa gọi là Tri Kiến Phật và Kinh Đại Niết Bàn gọi là Phật tánh. Như vậy thì có cái gì gọi là chứng đắc thật đâu? Bởi vì chứng đắc là đạt được cái gì mà mình chưa có. Thí dụ như từ nhà chúng ta đi lạc đường nên phải sống trong phiền não khổ đau, lang thang rách rưới. Sau khi trãi qua nhiều kiếp sống nay chúng ta thức tỉnh muốn tìm đường về lại căn nhà xưa. Nếu đi đúng đường thì bớt lo âu phiền não và sau cùng về lại căn nhà xưa thì lòng chúng ta vui sướng và phiền não khổ đau tan biến. Cho nên cái mà con người gọi là chứng đắc chẳng qua chỉ là tìm lại cái bị lãng quên chớ không phải tìm được cái chưa bao giờ có. Vì thế quả A La Hán, Bồ-tát hay ngay quả vị Phật chỉ là cái tên để gọi cho người sắp thấy hay thấy được con người thật của mình tức là Bản Thể chân thật bên trong. Khi diệt hết vô minh, đoạn trừ mọi phiền não thì gọi là thành Phật, nhưng họ không ngờ chúng sinh bản nguyện là Phật tức là Bản Lai Diện Mục thì đâu có phiền não vô minh. Vì thế Tâm Kinh mới có câu:”Dĩ vô sở đắc cố” tức là không có chứng đắc gì cả là vậy. Một thí dụ khác là trước khi chân mình đạp bùn nhơ thì chân sạch chớ đâu có dơ. Sau khi rữa sạch cũng giống như tinh tấn tu hành đoạn trừ phiền não, thấy được Chân Lý thì gọi là sạch tức là đã chứng đắc. Vì thế cái mà ông La hầu La gọi là chứng đắc hay công đức thật ra chỉ là rữa sạch chân dính bùn mà thôi chớ không có chứng đắc hay lợi ích công đức gì hết.
Trong Kinh Kim Cang Đức Phật đã dạy rằng:”Ta đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho đến một chút pháp cũng không chứng đắc thì đây mới gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”. Chính Đức Phật đã khẳng định rằng pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác tức là quả vị Phật chính là Bổn Tính Cố Hữu, là Bản Lai Diện Mục của chúng ta. Đó là viên ngọc đã có sẳn trong tất cả mọi người chớ không phải do người khác ban cho. Nếu trong tâm chúng sinh còn chấp ngã, chấp pháp tức là còn thấy mình là thật, người là thật, thế gian vủ trụ là thật thì không thể nào buông xả và dĩ nhiên không thể nào giải thoát được. Con người chỉ cần biết thức tỉnh quay về sống với tự tánh thanh tịnh thì Chơn Tâm biểu hiện, Phật tánh hiện bày. Thí dụ như nói ông La Hầu La chứng quả A La Hán, nhưng thực ra chỉ là phương tiện để đo lường khả năng đoạn trừ phiền não, phá màn vô minh che lấp của tôn giả chớ thật ra cái quả A La Hán là không do ai ban cho mà chỉ tự mình ông biết mà thôi. Chính Đức Phật phải dùng phương tiện để giúp ông đoạn vô minh phá phiền não chứ Phật không thể cho ông cái thanh tịnh, quả vị được. Nếu chúng ta thi đậu bằng lái xe thì chính quyền cấp cho chúng ta một bằng lái chứng nhận đã thi đậu. Còn ở đây chứng đắc chỉ là giả danh để gọi cho người tu hành trên con đường trở về nhà củ tìm lại hình bóng xưa của mình chớ không phải đạt được cái gì mà mình chưa bao giờ có. Trở về với Bản Tâm thanh tịnh, với Phật tánh nhất như thì lợi cũng không và công đức cũng không thì con người sẽ hết tham và phá tan mọi vọng tưởng. Cho nên Tâm Kinh đã xác định là:’Vô Trí diệc Vô Đắc” có nghĩa là người tu hành khi đã có cái sáng suốt triệt để mà sống với Chân Không Diệu Tánh thì không có trí tuệ để đạt mà cũng không có quả vị để chứng đắc.
Do vậy mà cổ nhân có câu:
Hữu pháp hữu tâm tồn vọng thức
Vô cầu vô đắc chứng chân như
Chân vọng lưỡng đầu câu đã phá
Nhất đạo hàn quang thước thái hư
Dịch là:
Có pháp có tâm còn vọng thức
Không cầu không được chứng chân như
Chân vọng hai đầu đều phá sạch
Một luồng sáng lạnh rực thái hư.
Thêm nữa khi nói về Phật tánh, Chơn tâm thì Kinh Viên Giác gọi nó là Như Lai Viên Giác Diệu Tâm có nghĩa là tâm lúc nào cũng tỉnh giác và sự tỉnh giác nầy lúc nào cũng tròn đầy không khiếm khuyết nên tâm nầy rất mầu nhiệm. Đây là tâm của tất cả loài hữu tình như con người, động vật …Như thế thì Diệu Tâm là tâm mầu nhiệm mà Phật và chúng sinh cùng có như nhau. Ở Phật tâm nầy không tăng và ở chúng sinh tâm nầy không giảm.
Như là bản thể chân như, là chân như thật tướng tức là tỉnh.
Lai là lai thành chánh giác hay diệu dụng tùy duyên tức là động.
Còn Như Lai Viên Giác Diệu Tánh là chỉ cho các loài vô tình như cây cỏ, hoa lá, thực vật…Tất cả loài vô tình cũng có tính mầu nhiệm, tròn đầy, viên mãn và thanh tịnh như loài hữu tình vậy.
Ngày xưa khi vua Lương Vỏ Đế tạo dựng trên 480 ngôi chùa, in kinh và độ cho không biết bao nhiêu Tăng Ni nên hỏi Tổ Bồ-Đề Đạt Ma là việc làm của nhà vua có công đức gì không? Tổ trả lời là không có công đức chi cả. Bởi vì nếu nói có phước đức, công đức là dựa vào hình tướng sinh diệt, còn đối đãi tức là pháp hữu vi. Còn muốn đạt tới tâm thanh tịnh có nghĩa là pháp vô vi, là Chân Không tuyệt đối, không hình không tướng thì làm gì có thể diễn tả được mà nói là có phước đức hay công đức. Thêm nữa, cái mà con người gọi là chứng đắc thì thật ra chỉ là trở về với con người thật tức là Bản Lai Diện Mục, là cái đã có sẳn. Bởi vì cái nầy là không do ai ban cho, không ai hóa giải hay ban tặng cho mà đã có sẳn trong ta thì chả có công đức gì cả. Cũng như hạt ngọc có sẳn trong túi, nếu biết thò tay lấy ra bán thì giàu có chứ có làm ăn cực khổ gì đâu mà kể công kể đức.
Đối với cư sĩ Duy Ma Cật thì Ngài không chú trọng tới hình thức bên ngoài, đầu tròn áo vuông, phải lìa xa gia đình vào chùa tu, mà trưởng giả chỉ chú trọng vào Tâm, bồi dưỡng trí tuệ để nhận thức đúng Chân lý. Nếu tu sửa Tâm để được Minh Tâm Kiến Tánh thì cho dù tu tại gia hay tu ở chùa cũng đều như nhau. Vì thế có bốn trường hợp tu hành như sau:
1)Thân xuất gia, Tâm xuất gia. Nếu có thể lìa bỏ tham-sân-si, diệt trừ mọi vô minh phiền não, lìa xa tam giới thì sẽ sớm viên thành Phật quả.
2)Thân xuất gia, Tâm không xuất gia. Nếu thân đã xuất gia mà tâm còn tại gia tức là tham-sân-si chưa dứt, tánh tham tật đố chưa trừ, danh lợi tài sắc còn tham đắm thì chỉ là xuất gia hình tướng bề ngoài. Xuất gia như vậy chỉ uổng phí tiền của cúng dường của thí chủ và sau nầy mang lông đội sừng, làm thân trâu ngựa mà trả nợ. Đây là những kẻ mượn đạo tạo đời vậy.
Trong bất cứ vườn hoa tươi đẹp nào cũng đều có cỏ dại. Nhưng chính những loài cỏ dại nầy làm tăng thêm vẻ đẹp của các loài hoa. Phật giáo thì cũng thế. Lúc Đức Phật còn tại thế thì cũng đã có rất nhiều Tỳ Kheo vì danh văn lợi dưỡng mà xuất gia theo Phật. Trong thời mạc pháp nầy thì dĩ nhiên hiện tượng nầy không phải là ít. Nhưng vì thế mà chúng ta càng kính trọng những vị đạo cao đức trọng đã tận tụy hy sinh cả đời cho đạo pháp, cho Chân lý.
Chúng tôi xin trích đăng nguyên văn một đoạn trong cuốn The Jewel in the Lotus của giáo sư John Blofeld khi ông viết về Trung Hoa vào đầu thế kỷ thứ 20.
“Khi đó tình hình Phật giáo Trung Hoa đang rơi vào một tình trạng suy đồi trầm trọng. Những bậc cao tăng đạo hạnh thì ít nhưng các người mượn áo tu hành như một nghề nghiệp để kiếm sống thì nhiều vô kể. Tôi đã gặp nhiều nhà sư không biết đọc, biết viết hay hiểu nghĩa một câu kinh mà chỉ thuộc lòng một số nghi thức cúng kiếng như một hình thức sinh nhai. Nhiều người uống rượu, ăn thịt, không giữ giới luật, có người còn có cả vợ con nữa. Phần lớn chùa chiền không còn là những nơi có thanh quy mà chỉ là chốn tụ tập để buôn thần bán thánh, để tín đồ đến cầu tài, cầu lộc hay cầu phước. Thay vì thuyết pháp độ sinh, giảng dạy các chân lý cao thượng thì các sư sãi nầy lại mang những hình thức mê tín dị đoan ra dọa nạt, chiêu dụ tín đồ. Chân lý cao đẹp nhằm đưa đến việc thoát ly sinh tử đã bị các tăng sĩ biến thành một thứ thần quyền với những hứa hẹn hão huyền, các nghi thức cúng kiếng cầu đảo, lên đồng nhập cốt, cúng sao giải hạn…Trước tình trạng hủ hóa nầy, hòa thượng Thái Hư là người đã khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo…”
Khi nói về hiện tượng Phật giáo tại Thái lan, ông viết tiếp:
“…Các tục lệ mê tín di đoan của địa phương như cầu khấn, lên đồng nhập cốt, lấy lá số chiêm tinh, cúng sao giải hạn…đã ăn sâu vào đời sống các tu viện và trở nên một nguồn lợi về tài chánh quan trọng cho các chùa chiền. Người ta không còn coi Đức Phật Thích Ca như một vị thầy hướng dẫn mà biến Ngài thành một vị thần linh. một đấng thượng đế có thể ban phát các điều nầy nọ. Tôi đã nghe nhiều buổi giảng mà tăng sĩ cố tình giảng dạy sai lạc hoặc bóp méo những sự kiện lịch sử để thần thánh hóa Ngài lên…”
Trong thời kỳ Pháp thuộc thì đạo Phật ở Việt Nam lại càng suy đồi. Chúng tôi xin trích lại nguyên văn một đoạn do Thượng tọa Thích Mật Thể viết trong cuốn Việt Nam Phật Giáo Sử Lược:
“…Đến đây từ vua quan cho đến thứ dân, ai ai cũng nghĩ rằng đạo Phật là ở sự cúng cấp, cầu đảo, chứ không biết gì khác nữa. Và phần đông họ chỉ chú trọng ông thầy ở chỗ danh vọng, chức tước, mặc dù ông ấy thiếu học, thiếu tu. Bởi tệ hại ấy, Tăng đồ trong nước lần lần sa vào con đường trụy lạc, cờ bạc, rượu chè đắm trước thanh sắc.
Ở miền trung nguyên Bắc kỳ, về kỷ luật Tăng già bên ngoài còn giữ được nghiêm chỉnh đôi chút, chứ ở Trung kỳ, phần nhiều họ đã có vợ, có con một cách công nhiên, không áy náy. Nhất là ở Nam kỳ lại càng hổn độn nữa…Phần đông Tăng đồ chỉ nghĩ đến danh vọng, chức tước: xin bằng Tăng cang, Trụ trì, Sắc tứ…Còn một hạng nữa, chỉ giữ mình cho được thanh nhàn, ăn chơi tiêu khiển, bảo là giải thoát…
Bởi vậy, các cảnh chùa đã thành những cảnh gia đình riêng, không còn gì là đoàn thể của một tôn giáo nữa. Họ sống trong Phật giáo hầu hết chỉ còn là “dốt” và “quên”…”
Vì sự suy đồi trầm trọng nầy mà tại Việt Nam vào khoảng năm 1920 đến năm 1934 cũng có những phong trào chấn hưng Phật giáo. Nhưng rất tiếc trong khi phong trào chấn hưng đang lên thì thế chiến thứ hai bùng nổ và chiến tranh kéo dài làm phong trào bị bế tắc.
3)Tâm xuất gia, Thân không xuất gia. Tuy sống trong thế tục, có vợ chồng con cái, cha mẹ họ hàng, có địa vị bổn phận trong xã hội nhưng Tâm đã nhẹ nhàng thanh tịnh, vị tha vô ngã. Họ làm việc vì lợi ích cho chúng sinh chớ không mong cầu cho riêng mình. Giới hạnh kiên trì, mật hạnh thông suốt, dựa theo Lục độ Bồ-tát mà làm. Sống trong nhân thế, làm thân cư sĩ mà không đắm nhiễm, gần bùn mà chẳng tanh hôi mùi bùn trái lại còn tỏa hương thơm bát ngát. Công danh phú quý coi như bóng trăng dưới nước hay hoa đóm trên không. Họ rất xứng đáng với câu:
Thân tuy ở chốn Ta bà,
Mà lòng đã gửi bên tòa hoa sen.
4)Tâm không xuất gia, Thân không xuất gia. Vì thấy thế gian là thật, là quyến rủ, là hấp dẫn, là hạnh phúc nên vô minh đã che lấp Phật tính cũng như mây đen che lấp ánh sáng mặt trời làm cho tâm trí mê muội nên họ sống trong điên đảo, sa hầm sụp hố và trôi nỗi trầm luân trong lục đạo luân hồi. Đời nầy qua thì đời khác đến không tìm ra lối thoát. Đối với họ hạnh phúc nhất thời tạm bợ chỉ là những dục lạc của thế gian tuy bên ngoài được che lấp bằng những bông hoa màu sắc rực rỡ huy hoàng nhưng thực chất bên trong chất chứa toàn đau khổ tang thương.
Tóm lại không có một người xuất gia nào muốn mình có phước báo tương đối, sinh diệt cả mà cứu cánh vẫn là giải thoát giác ngộ tức là đi vào thế giới vô vi thanh tịnh. Tu hành mà còn cầu chứng với đắc thì còn tham, còn chấp ngã chấp pháp cho nên nếu xuất gia với lòng vô cầu, vô chứng, vô đắc thì tâm được thanh tịnh và mới thâm nhập Chân Như của trí tuệ Bát Nhã vậy.
Tiếp theo ông Duy Ma Cật nói với các trưởng giả tử:
- Các vị hãy ở trong chánh pháp và nên xuất gia trong chánh pháp. Bởi vì người sanh ra trong đời gặp được Phật là rất khó.
Các trưởng giả tử nói:
- Thưa cư sĩ! Chúng tôi nghe Phật nói rằng nếu cha mẹ không cho thì không được xuất gia.
- Đúng vậy! Ông Duy Ma Cật đáp. Nhưng các trưỡng giả tử đừng lo. Khi nào các vị phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì chính lúc đó được xem như xuất gia rồi và đã thọ giới cụ túc rồi.
Xuất gia trong chánh pháp không phải là Tướng xuất gia nên các vị trưởng giả tử không hiểu vì thế cư sĩ Duy Ma Cật mới nhắc lại là khi nào các vị phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì lúc đó được xem như là xuất gia và đã thọ giới cụ túc rồi. Đây chính là Tâm xuất gia. Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là Vô thượng Bồ-đề. Mà Bồ-đề là giác, là tĩnh thức tức là trí tuệ. Như vậy phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác tức là phát tâm Bồ-đề có nghĩa là phát tâm hướng về trí tuệ, bồi dưỡng trí tuệ và nâng cao trí tuệ. Vậy đây chính là Tâm xuất gia mà Thân không xuất gia. Khi tâm đã trong sáng, hoàn toàn thanh tịnh, vị tha vô ngã thì đây có khác gì những vị xuất gia. Tuy mang thân cư sĩ nhưng có đầy đủ đức hạnh, phát huy trí tuệ và hoằng dương Phật pháp tế độ chúng sinh thì cũng như xuất gia vậy.
Đoạn kinh nầy đề cao lối tu tại gia. Tuy thân không xuất gia, nhưng nếu biết phát tâm hướng về trí tuệ, biết bồi dưỡng và nâng cao trí tuệ để tâm được thanh tịnh và cuộc sống luôn hướng về giải thoát giác ngộ thì cũng như xuất gia chân chính vậy. Thâm ý của trưởng giả Duy Ma Cật trong đoạn kinh nầy là ca tụng, khuyến khích lối tu tại gia nhưng ông không hề đã kích, chống đối xuất gia mà chỉ muốn chúng sinh đừng quan tâm hay quan trọng hóa vấn đề tu tại gia hay xuất gia vì dựa theo Sự Tướng thì đây chỉ là phương tiện, hình thức bên ngoài mà con người cần chú ý đến cứu cánh là Bản Thể bên trong là giữ tâm được thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là Chơn tâm, là Phật tánh, là Như Lai Viên Giác Diệu Tâm, là Tri Kiến Phật. Sáu căn thường sáng tỏ, không dính mắc nơi sáu trần tức là sống với tự tánh thanh tịnh của mình vậy.
Khi bấy giờ có 32 vị trưởng giả tử phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Bạch Thế Tôn! Vì duyên cớ ấy, con không dám lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh.
Nghe xong 32 vị trưởng giả tử đều phát tâm Bồ-đề vì thấy rõ ràng sự khác biệt giữa giáo lý phương tiện Tiểu thừa và pháp liễu nghĩa thượng thừa. Ngay cả tôn giả La hầu La tuy đã phá được chấp ngã nhưng chấp tướng, chấp pháp vẫn còn nên vẫn còn bị kẹt chứ không được an nhiên tự tại như hàng Bồ-tát vì họ đã diệt hết mọi chấp trước khiến tâm hoàn toàn thanh tịnh. Vì thế mà tôn giả không dám đi thăm bệnh.
Cho dù sống trong bất cứ xã hội nào trên thế gian nầy thì giá trị con người được đo lường bằng sự thành công bên ngoài chớ không phải là những thứ gì khác. Con người phải là bác sĩ, kỷ sư, thương gia hay là ông nầy bà kia thì mới xứng đáng có địa vị trong xã hội. Do đó từ trong học đường cho đến tư gia hay công sở xã hội con người cứ nhắc đi nhắc lại một điệp khúc về những tiêu chuẩn, mẫu mực, những con người lý tưởng, những tấm gương bắt mọi người phải noi theo. Vì những ràng buộc nầy mà con người phải cạnh tranh từng ly từng tí để có thể hơn người khác. Do đó trong lịch sử nhân loại từ Đông qua Tây, từ cổ đến kim đã chứng minh một cách hùng hồn rằng muốn có địa vị cao, thành công lớn, ngay cả những người đã và sẽ nắm địa vị quan trọng lãnh đạo quốc gia đều bắt nguồn từ thái độ tranh giành, đố kỵ. Cũng vì quyền lợi mà họ đối đãi với nhau như kẻ thù.
Vì thấy đâu cũng là ràng buộc nên ngay cả Trang Tử cũng thốt lên rằng:”Được tự do sống theo sở thích của mình mới là hạnh phúc”. Ngay cả đức Jesus cũng dạy rằng:”Kẻ giàu có tu hành chẳng khác chi con lạc đà chui qua lỗ kim, một người không thể thờ hai vua, đó là hoặc họ thờ chúa hoặc thờ tiền bạc”. Chính Đức Phật đã dạy rằng con người càng chạy theo tiền tài danh vọng, công danh phú quý thì càng bị ràng buộc và dĩ nhiên khổ đau phiền não cũng vì thế mà tăng. Cái hạnh phúc nhất thời, giả tạo mà phải trả bằng cái giá quá đắc bởi những nghiệp bất thiện. Tất cả những gì có hình tướng trên thế gian nầy đếu là huyễn hóa tức là Không. Thấy thế gian vủ trụ là không thật, tiền tài danh vọng cũng không thật. Ta cũng không, người cũng không thì có gì ràng buộc để phải bận tâm, tranh giành, đố kỵ. Tất cả mọi thứ trên thế gian nầy chỉ là phương tiện để giúp con người sống an vui tự tại trong kiếp nầy mà cứu cánh phải là cái gì cao thượng hơn. Cho dù chúng ta có gom cả thế giới nầy về cho mình thì khi chết cũng phải xuôi tay trả lại hết cho thế gian mà thôi. Do đó nếu con người biết thức tỉnh, biết sống tri túc và quay về sống với tự tánh thanh tịnh của mình thì sáu căn không còn dính mắc nơi sáu trần. Lìa bỏ Sự Tướng giả dối bên ngoài để thấy được Bản Thể chân thật bên trong. Phát Bồ-đề tâm tức là phát tâm hướng về trí tuệ để sống vị tha vô ngã thì sẽ thấy được con người thật của mình tức là Chơn tâm, là Phật tánh, là tâm thanh tịnh hằng có ở trong ta. Tâm vô cầu, vô chứng, vô đắc thì cuộc sống sẽ vô cùng an vui tự tại và Niết bàn còn dùng vào đâu nữa mà chứng với đắc.
Khi nói về con người thật tức là Bản Lai Diện Mục của nhà Phật, có người thắc mắc rằng có phải cái Bản Lai Diện Mục nầy cũng giống như “Nhân chi sơ tánh bổn thiện” nghĩa là con người mới sanh đã có tính thiện của Khổng Tử không?
Xin thưa đây là hai tư tưởng hoàn toàn khác nhau.
1)Dựa theo triết lý Khổng Mạnh thì nhân chi sơ tánh bổn thiện có nghĩa là khi con người vừa mới sanh thì họ hoàn toàn trong trắng, không có dính dấp hay mang theo cái dĩ vãng gì hết. Khi mới sinh thì chưa hấp thụ những thói hư tật xấu của thế gian xã hội nên tâm hồn hài nhi hoàn toàn thánh thiện, không một vết nhơ. Dần dần lớn lên hấp thụ bởi phong tục, hoàn cảnh gia đình, xã hội chung quanh thì đứa bé mới bắt đầu thay tâm đổi tánh mà trở thành khôn ngoan xảo quyệt hay hiền nhân quân tử.
2)Còn cái Bản Lai Diện Mục là cái có sẳn trong con người từ bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp. Có con người là có nó. Nhưng khác với triết lý Khổng mạnh là con người sinh ra trong thế giới nầy hoàn toàn thánh thiện thì Chân Lý của Đức Phật xác định là con người nếu có tái sinh trong thế gian nầy là bởi duyên nghiệp. Tất cả những nghiệp nhân mà chúng ta đã tạo tác từ vô thỉ đến nay cộng với biết bao nhân duyên mới sẽ quyết định về số mạng của con người trong kiếp nầy. Nghiệp chướng là do vô minh che lấp Phật tính mà có. Do đó khi con người tái sinh trong thế giới Ta bà nầy là đã mang theo cái Phật tính thanh tịnh bản nhiên tức là cái Bản Lai Diện Mục cộng với bao nghiệp quả trong tiền kiếp và những nhân duyên mới. Như thế thì nhân chi sơ tánh bổn thiện của nhà nho chỉ nói lên một khía cạnh nhỏ chứ không phản ảnh đúng tất cả những gì trong tâm thức và hình hài của hài nhi mang theo vào thế giới nầy. Thêm nữa phải hiểu rằng Bản Lai Diện Mục là tánh thanh tịnh bản nhiên chứ không dính dấp gì tới tánh thiện, tánh ác cả. Thanh tịnh bản nhiên là Bản Thể tuyệt đối, là pháp vô vi không sanh không diệt, không tăng không giảm, là Chân Không, là Phật tánh. Đối với nhà Phật thiện, ác chỉ là pháp tương đối tức là pháp hữu vi có sanh có diệt không có gì quan trọng. Một người có thể nói đây là hành động thiện thì người khác lại cho là ác. Vì thế Lục Tổ Huệ Năng mới nói có bỏ thiện bỏ ác để tâm được hoàn toàn thanh tịnh thì Chơn Tâm sẽ hiện bày tức là thấy được Bản Lai Diện Mục vậy. Dó đó mới có câu:
Chẳng
cần tìm Phật đâu xa
Tây
phương tại đó Thích Ca nơi nầy.