- 1. Đại cương kinh Pháp Hoa
- 2. Nội dung 28 phẩm kinh Pháp Hoa
- 3. Đại thừa Diệu pháp Liên Hoa Kinh
- 4. Vị trí kinh Pháp Hoa theo cách phán giáo của Ngài Thiên Thai
- 5. Kinh Pháp Hoa giữa các kinh Đại Thừa
- 6. Hình tượng Hoa sen trong kinh Pháp Hoa
- 7. Nhất thừa đạo
- 8. Nhà Như Lai, Áo Như Lai, Tòa Như Lai
- 9. Kinh Pháp Hoa với lời thệ nguyện "Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ"
- 10. Điều kiện đến với kinh Pháp Hoa
- 11. Bồ-tát Thường Bất Khinh
- 12. Nhĩ căn viên thông hay là pháp môn Quán Âm
- 13. Giải thích Phẩm Tựa
- 14. Phân tích Phẩm Phương tiện
Hoà Thượng Thích Thiện Siêu
Tu Viện Kim Sơn ấn hành PL. 2542-1998
Tinh thần của Đại thừa giáo lấy Bồ-tát hạnh làm cao điểm. Trong Bồ-tát hạnh thì kinh Pháp Hoa là kinh tiêu biểu, là kinh đúc kết, tóm thâu tinh thần thuyết giáo của đức Phật trong 45 năm ở cõi Ta-bà.
Kinh Pháp Hoa diễn tả một chân lý linh động qua các hạnh của các vị Bồ-tát, Đức Phật nhìn tất cả chúng sanh đều có Phật tánh cho nên tất cả các việc làm thiện dù là một việc thiện rất nhỏ cũng đều đưa đến Phật quả, như kinh có câu:
"Nhược nhơn tán loạn tâm,
Nhập ư tháp miếu trung,
Nhứt xưng Nam mô Phật,
Giai dĩ thành Phật đạo."
Nghĩa là:
"Hoặc người tâm tán loạn,
Đi vào trong tháp Phật,
Niệm một lần Mô Phật,
Đều đã thành Phật đạo."
Hoặc: "Nãi chí đồng tử hý, tụ sa vì Phật tháp, giai dĩ thành Phật đạo." (Cho đến trẻ con chơi đùa, nhóm cát làm tháp Phật đều đã thành Phật đạo).
Đó là những điều mà các thời giáo trước Ngài chưa nói, đợi đến khi nói kinh Pháp Hoa, đức Phật mới đề cập đến, bởi lẽ những việc thiện dù rất nhỏ cũng xuất phát từ Pháp tánh. Nếu như không có Phật tánh thì không thể có các việc thiện, dù là việc thiện đó trong tán loạn tâm, việc thiện đó cũng đưa đến kết quả thành Phật.
Những năm đầu tiên, đức Phật thuyết giáo với giáo lý căn bản, Ngài muốn đưa tất cả chúng sanh đến Phật quả, nhưng không thể đưa được-như trong kinh Hoa Nghiêm-nên thuyết ra Tam thừa. Trong khi Ngài thuyết Tam thừa, mỗi thừa đều có nhân riêng, quả riêng, hạnh riêng. Thanh Văn thì tu Thanh Văn thừa, Duyên Giác thì tu Duyên Giác thừa, Bồ-tát thì tu Bồ-tát thừa. Nhân của thừa nào thì chứng quả thừa ấy, mỗi thừa đều riêng biệt không tương quan với nhau. Ngay như kinh Bát Nhã, Hoa Nghiêm đức Phật cũng thọ ký cho hàng đệ tử thành Phật. Nhưng Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Ngài chỉ thọ ký cho Bồ-tát; như vậy là Bồ-tát riêng, Thanh Văn riêng, Nhị thừa riêng, Tam thừa riêng. Đợi đến hội Pháp Hoa, Phật mới thọ ký cho hàng Thanh Văn và đưa về Nhất thừa Phật quả. Đức Phật dạy rằng, tất cả các pháp môn Ngài dạy từ trước như Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa...đều là phương tiện để đưa đến Nhất thừa (Phật quả). Phương tiện không có nghĩa là cái đó không có giá trị, mà giá trị đó chỉ trên bước đường dẫn dắt để đưa đến Nhất thừa Phật quả, và chính đó mới là mục đích cứu cánh, là tinh thần của kinh, hoài bảo của Phật vậy.
Đức Phật Thích Ca đản sanh tại vườn Lâm-tỳ-ni, thành Đạo nơi cội Bồ đề và trải qua 45 năm giáo hóa rồi thị tịch tại rừng Sa-la song thọ. Đức Phật đó là đức Phật hóa thân. Vì muốn đem giáo pháp huyền vi dạy cho chúng sanh cho nên Phật mới thị hiện ra đời. Hóa thân thị hiện đó là phương tiện, mà những gì Ngài đạy trước hội Pháp Hoa cũng là phương tiện. Chỉ có Pháp thân và pháp Nhất thừa Phật dạy trong hội Pháp Hoa mới là chân thật. Chính điều đó ngày hôm nay trong hội Pháp Hoa đức Phật mới diễn nói rõ ràng.
Theo ngài Thiên Thai Trí Giả, kinh Pháp Hoa chia ra làm hai phần:
1. Khai quyền hiển thật
2. Khai cận hiển viễn
Đó là hai phần chính trong kinh Pháp Hoa.
Nói tóm lại, vì hai ý nghĩa đó nên kinh Pháp Hoa là kinh tiêu biểu, kinh đúc kết giáo lý của Phật trong 45 năm thuyết pháp độ sanh.
Và cũng theo ngài Thiên Thai Trí Giả, Ngài chia giáo lý của Phật ra làm Năm thời:
1. Hoa Nghiêm: Cũng gọi là thời "Nhật xuất tiên chiếu cao sơn"
2. A Hàm: Cũng gọi là thời "Nhật thăng thứ chiếu hắc sơn"
3. Phương Đẳng: Cũng gọi là thời "Nhật thăng chuyển chiếu cao nguyên"
4. Bát Nhã: Cũng gọi là thời "Nhật thăng phổ chiếu đại địa"
5. Pháp Hoa Niết Bàn: Cũng gọi là thời "Nhật một hoàn chiếu cao sơn".
Nói "Nhật xuất tiên chiếu...", "Nhật một hoàn chiếu..." đó là ví giáo pháp Phật như mặt trời. Giáo pháp Phật khi nói ra lần đầu tiên ví như mặt trời mới mọc. Giáo pháp Phật nói đầu tiên đó là kinh Hoa Nghiêm. Phật nói kinh Hoa Nghiêm ví như đỉnh núi cao, chỉ có hàng thượng căn thượng trí Bồ-tát, đại Bồ-tát mới thấu hiểu, còn tất cả như câm như điếc, cho nên đức Phật phương tiện nói Tam thừa như A Hàm. Thời này ví như ánh mặt trời chuyển chiếu xuống núi thấp - Hắc Sơn - hàng hạ căn mới lãnh hội được.
Đến thời thứ ba là thời Phương Đẳng. Phương Đẳng có 2 nghĩa:
1. Chỉ riêng cho thời giáo thứ ba này như các kinh: Lăng Nghiêm, Lăng Già, Tư Ích, Duy Ma... trừ hai thời trước là thời Hoa Nghiêm, A Hàm và hai thời sau là thời Bát Nhã, Pháp Hoa Niết Bàn.
2. Bao trùm cả bốn thời giáo trừ thời A Hàm.
Thời A Hàm phá ngã nhưng còn pháp chấp, qua thời Phương Đẳng trừ hết cả ngã và pháp chấp. Đến thời Bát Nhã đi về tinh thần cao nhất phá trừ luôn cả hữu sở đắc (vô ngã khả đắc, vô pháp khả đắc) như "Nhật thăng phổ chiếu Đại địa" (Mặt trời cao khắp chiếu mặt đất).
Tuy nhiên, còn có điểm mà thời Bát Nhã chưa nói đến đó là chưa thật sự thọ ký cho tất cả chúng sanh đều thành Phật, mặc dù về lý cũng đã có nói "Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tất cả chúng sanh đều thành Phật". Đến thời Pháp Hoa, đức Phật mới đưa tất cả về Nhất thừa Phật quả. Bởi cho dù Thanh Văn, Duyên Giác... và tất cả các việc thiện, dù là việc thiện nhỏ như nhóm cát làm tháp Phật, không phân biệt hữu sở đắc, vô sở đắc... cũng đều đưa đến Phật quả. Cho nên thời Pháp Hoa bao hàm hết tinh thần chân lý, và hoài bảo của Phật ra đời thuyết pháp độ sanh, nên gọi là "Nhật một hoàn chiếu cao sơn".
Khi "Nhật xuất tiên chiếu cao sơn" cũng chiếu trên mọi căn cơ. Khi "Nhật một hoàn chiếu..." cũng chiếu trên mọi căn cơ. Như vậy nên biết, thời Hoa Nghiêm và thời Pháp Hoa Niết Bàn đều cũng là một chân lý tối thượng y như nhau, nhưng trong thời Hoa Nghiêm đức Phật nói thẳng chân lý tối thượng mà chưa có phương tiện. Khi nói thẳng như vậy chúng sanh không hiểu, đức Phật mới phương tiện nói Tam thừa, sau đó Ngài nói lại chân lý tối thượng để đưa tất cả phương tiện trở về giáo lý tuyệt đối. Như vậy chân lý được nói trong Hoa Nghiêm và chân lý được nói trong Pháp Hoa Niết Bàn là một, nhưng Hoa Nghiêm thì nói thẳng, trực chỉ chơn tâm, còn Pháp Hoa thì phải trải qua các thời phương tiện dắt dẫn, đến lúc thấy căn cơ và trình độ của chúng sanh đã thuần thục, đức Phật mới nói Pháp Hoa, đó là giáo lý cao tột, đưa chúng sanh về Nhất thừa Phật quả.
Trên đây là theo lối phán giáo của ngài Thiên Thai, ngài là tổ của Thiên Thai tông và đã chú thích kinh Pháp Hoa và dùng kinh này lập tông. Sự chú thích ấy cũng ảnh hưởng đến ngài Nhật Liên. Ngài Nhật Liên cũng căn cứ vào phần chú thích đó mà lập ra tông Nhật Liên ở Nhật Bản.
Và cũng nên biết, trong lịch sử đã có ba tông phái đặt kinh này cao nhất: 1) Thiên Thai tông, 2) Nhật Liên tông. Cả 2 tông này đều lấy kinh Pháp Hoa làm căn bản và 3) Tam Luận tông, Tổ sư là ngài Cát Tạng, cũng đặt kinh Pháp Hoa vào vị trí cao nhất. Theo ngài Cát Tạng, ngài chia giáo pháp ra làm ba pháp luân:
1. Căn bản Pháp luân, thời Hoa Nghiêm.
2. Chi mạt Pháp Luân, thời A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã.
3. Nhiếp mạt quy bản Pháp luân, thời Pháp Hoa, Niết Bàn
Thời Hoa Nghiêm, theo ngài Cát Tạng gọi là căn bản pháp luân. Thời giáo này đức Phật nói ra mà chúng sanh không ngộ được nên Ngài phương tiện nói ba thừa. Những thời này là phương tiện của căn bản nên gọi là Chi mạt pháp luân. Mặc dù Bát Nhã là kinh rất cao nhưng Bát Nhã cũng chưa quy tất cả chúng sanh đều thành Phật, nên Bát Nhã cũng còn là Chi mạt pháp luân. Đến thời Pháp Hoa, Niết Bàn gọi là "Nhiếp mạt quy bản..." - trở về gốc - đưa phương tiện về cứu cánh, đưa ngọn về gốc.
Chữ "chuyển pháp luân": Dharma Cakka Pavatana.
Chuyển - Pavatana: Chuyển động, xây dựng, củng cố.
Pháp - Dharma: Trí tuệ, chân lý.
Luân - Cakka: Bánh xe, vương quốc.
Do những định nghĩa trên mà có người dịch là: Củng cố vương quốc trí tuệ, xây dựng vương quốc trí tuệ, vương quốc chân lý chuyển bánh xe pháp.
Chữ "Luân" là bánh xe, có nghĩa là lăn chuyển, lăn chuyển từ tâm người này đến tâm người khác, giáo pháp từ chỗ chứng ngộ của Phật, Ngài truyền đến người khác, cũng như bánh xe lăn từ chỗ này đến chỗ khác vậy.
Lại chữ "Luân" cũng có nghĩa là dần ép, lăn đến đâu ép đến đó, những gì dơ bẩn, gồ ghề đều được dằn ép. Giáo pháp Phật đến tâm chúng sanh thì tâm tham, sân, si, phiền não, tà kiến, cũng bị dằn ép. Đó là ý nghĩa của chữ Chuyển Pháp Luân.
Lại chuyển luân vương có xa luân bảo là biểu hiện chính, để đi đến với muôn dân, đem lại sự an bình thịnh vượng, còn Như Lai Pháp Vương thì có Pháp luân để đi đến với chúng sanh, đem lại an lạc giải thoát.
Tóm lại ngài Cát Tạng - Tổ sư của Tam luận tông - chia giáo pháp Phật ra làm 3 pháp luân, mặc dù Tam Luận tông chú trọng về Bát Nhã, thiên về nghĩa chân không, nhưng ngài đã để kinh Pháp Hoa trong địa vị Nhiếp mạt qui bản. Thế cho biết vị trí Pháp Hoa trong kinh điển Đại thừa là một vị trí rất cao, vị trí kết thúc biểu lộ bản hoài ra đời thuyết pháp của Phật, cốt đưa tất cả chúng sanh về Nhất thừa Phật quả.