Đức Dalai Lama chúc mừng tân Nobel Hòa bình năm 2010
Ấn Độ - Ngày 8-10, từ thành phố Dharamsala, Ấn Độ, Đức Dalai Lama, lãnh tụ tinh thần Tây Tạng đã chúc mừng nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Liu Xiaobo (Lưu Hiểu Ba) sau khi Ủy ban Nobel của Na Uy công bố trao giải Nobel Hòa bình năm 2010 cho ông.
Đức Dalai Lama đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1989 nói: “Việc Ủy ban Nobel trao giải hòa bình cho ông Liu Xiaobo đã phản ánh sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế đối với những tiếng nói ngày càng tăng của nhân dân Trung Quốc trong việc đẩy Trung Quốc hướng tới cải cách chính trị, pháp luật và hiến pháp.”
Lãnh tụ tinh thần Tây Tạng cũng bày tỏ hy vọng nỗ lực của các trí thức Trung Quốc sẽ mang lại kết quả trong tương lai. Ngài nói: “Tôi tin rằng trong những năm tới đây, các thế hệ tương lai của Trung Quốc sẽ có thể vui sướng về những thành quả mà công dân Trung Quốc ngày nay đang nỗ lực tạo ra theo hướng quản trị đầy tinh thần trách nhiệm.
Ông Thorbjoern Jagland, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy
cầm ảnh của Lưu Hiểu Ba khi công bố giải Nobel Hòa bình tại Viện Nobel ở Olso ngày 8-10.
Ca ngợi phát biểu gần đây của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo về tự do ngôn luận là không thể thiếu đối với bất cứ quốc gia nào, Đức Dalai Lama nói điều này phản ánh mong muốn ngày càng gia tăng đối với một Trung Quốc cởi mở hơn nữa. “Cải cách như vậy chỉ có thể đưa đến một Trung Quốc hài hòa, ổn định,thịnh vượng, và Trung Quốc có thể đóng góp rất lớn cho hòa bình thế giới.”
Trong khi đó, Bắc Kinh chỉ trích quyết định trao giải thưởng cho ông Lưu Hiểu Ba của Ủy ban Nobel. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Trung Quốc tuyên bố việc trao giải này đã vi phạm ý nghĩa của giải thưởng, và cảnh báo giải thưởng có thể tổn hại đến quan hệ song phương giữa Na Uy và Trung Quốc.
Ông Liu Xiaobo, nhà văn hoạt động đối lập đã bị tòa án Trung Quốc phạt 11 năm tù vì tội kích động nhằm lật đổ chính quyền và bị tước các quyền chính trị trong 2 năm.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama,Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner cũng đã lên tiếng hoan nghênh giải thưởng và kêu gọi Trung Quốc phóng thích ông Lưu Hiểu Ba.
Tân Nguyễn (theo AFP/Hindustan Times/VOA/Xinhua)