(MỘT TRĂM CÔNG ÁN THIỀN TÔNG)
Thích Mãn Giác dịch
Chùa Việt Nam Trung Tâm Văn Hoá Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ 1988
TẮC THỨ TÁM MƯƠI BA
CỬ: Vân Môn dạy chúng rằng, “Cổ Phật và cột trụ tương giao là cơ thứ mấy?” Rồi lại tự đáp, “Nam Sơn mây nổi, Bắc Sơn mưa rơi.”
BÌNH: Vân Môn Đại sư đào tạo ra hơn tám mươi vị thiện tri thức. Sau khi thầy ta thiên hóa mười bảy năm, thiên hạ khai tháp để xem, thấy nhục thân thầy ta vẫn nghiêm nhiên như xưa. Vân Môn có chỗ thấy minh bạch, cơ cảnh tấn tốc. Phàm các thùy ngữ, biệt ngữ và đại ngữ của thầy ta thì trực tiếp và vời vợi. Công án này cũng giống như đá lửa điện chớp. Đúng là xuát quỉ nhập thần. Khánh Tàng Chủ nói, “Trong tạng giáo còn có được những lời như vậy chăng?”
Người thời buổi này thường dựa vào thiên kiến nói rằng, “Phật là đạo sư của tam giới, từ phụ của tứ sinh, đã là cổ Phật thì làm sao lại tương giao với cột trụ được?” Nếu như các ông hiểu theo kiểu này, các ông chẳng bao giờ rờ rẫm cho ra được. Có người gọi lời nói của Vân Môn là “vô trung xướng xuất.” Đâu có biết rằng những lời nói của các bậc tông sư cắt đứt ý thức, cắt đứt so đo bằng thiên kiến, cắt đứt sinh tử, cắt đứt pháp trần, nhập chính vị song lại chẳng giữ lại một pháp nào cả. Các ông vừa mới lý luận so đo tức là các ông tự trói buộc tay chân.
Thử nói xem, ý của cổ nhân là thế nào? Chỉ cần làm cho tâm cảnh nhất như, là lập tức tốt xấu thị phi không còn dao động mình được nữa. Lúc ấy các ông muốn nói “hữu” cũng được mà muốn nói” vô” cũng được. Có cơ cũng được mà không có cơ cũng được. Đến chỗ này rồi thì bất cứ gì cũng là lệnh cả. Ngũ Tổ nói, “Đại tiểu Vân Môn, té ra lại nhát gan như thế.” Nếu như là sư núi tôi, thì tôi hẳn đã chỉ nói với thầy ta rằng, “Đó là cơ thứ tám.”
Vân Môn nói, “Cổ Phật và cột trụ tương giao là cơ thứ mấy?” Trong một lúc gói trọn tất cả lại trước mắt các ông. Ông tăng hỏi, “Chưa hiểu ý chỉ của thầy như thế nào.” Vân Môn nói, “Mỗi sợi trị giá ba mươi đồng tiền.” Thầy ta đúng là có mắt để đoán định càn khôn.
Bởi vì không ai hiểu cho nên sau đó thầy ta mới trả lời dùm cho họ rằng, “Nam Sơn mây nổi, Bắc Sơn mưa rơi.” Thầy ta mở một lối vào cho những kẽ hậu học. Cho nên Tuyết Đậu chỉ niêm cái chỗ thầy ta đoán định càn khôn lên cho thiên hạ xem mà thôi. Nếu như các ông vừa khởi tâm so đo, lập tức các ông lỡ mất nó, dù rằng nó ở ngay trước mắt các ông. Cần phải trở về tận căn nguồn của tông chỉ của Vân Môn mới có thể hiểu được tâm cơ cao vợi của thầy ta được. Cho nên mới tụng rằng:
TỤNG
Mây Nam Sơn,
Mưa Bắc Sơn.
Hăm tám và sáu thầy trước mặt.
Đã từng thượng đường ở Tân La,
Chưa từng đánh trống ở đại Đường.
Sướng trong khổ,
Khổ trong sướng.
Ai bảo vàng ròng giống như phân?
BÌNH: “Mây Nam Sơn, mưa Bắc Sơn.” Tuyết Đậu mua mũ cho vừa đầu, ngóng gió để căng buồm. Trên lưỡi kiếm lại hạ cước chú cho các ông. Còn như hăm tám (vị Tổ ở Ấn Độ) và sáu (vị Tổ ở Trung Hoa) thầy trước mặt,” đừng nên hiểu lầm. Đây chỉ tụng câu, “Cổ Phật và cột trụ tương giao là cơ thứ mấy?” Sau đó Tuyết Đậu lại mở toang đường, tạo dây dưa để cho các ông thấy được ý của Vân Môn. ”Đã từng thượng đường ở Tân La, Chưa từng đánh trống ở Đại Đường.” Tuyết Đậu nhắm chỗ sấm rền sao bay mà nói, “Sướng trong khổ, khổ trong sướng.” Tuyết Đậu tựa như chắt một đống châu báu ngay đây.
Cho nên sau cùng có một câu rằng, “Ai bảo vàng ròng giống như phân?” Câu này là ở trong bài thơ” Hành Lộ Nan” của Thiền Nguyệt, Tuyết Đậu dẫn ra để sử dụng. Thiền Nguyệt viết, “ Núi cao biển sâu người không dò, cổ vãng kim lai càng trong xanh. Thiển cận phù phiếm đừng tương giao, đất thấp chỉ còn sinh gai góc. Ai bảo vàng ròng giống như phân? Trương Nhị Trần Dư bặt tin tức. Hành lộ nan, hành lộ nan, ngài tự thấy!’ Há không phải đất rộng người thưa sao? Vân Cư La Hán.