Thích Thông Huệ
II- TINH THẦN ÐỐN NGỘ:
“Ðốn” là ngay tức khắc, rất nhanh chóng; “Ngộ” là nhận ra. Ðốn ngộ hiểu theo nghĩa thông thường là nhận ra thể tánh chân thật của mình một cách nhanh chóng thẳng tắt, không qua thứ lớp tu tập. Ðây là sự đột biến trong tâm hành giả, là sự chuyển hoá tận gốc rễ. Nhưng đây cũng là kinh nghiệm tự nội, là trạng thái vô ngôn sâu thẳm của riêng mỗi người, không thể trang trải trên tầng hiển ngôn rườm rà, hoa mỹ. Do vậy, đề cập đến tinh thần Ðốn ngộ cũng chỉ là gượng nói, còn muốn biết nóng hay lạnh thế nào, chỉ tự mình uống mới rõ.
1-Ngộ là kết quả của sự thao thức miên trường nhưng không mong cầu nóng vội:
Nhà Thiền có câu “Mê nghe kinh trọn kiếp, ngộ chỉ một sát-na”. Trọn kiếp nghe kinh, nghiên tầm văn cú, dù thuộc làu ba tạng kinh điển cũng chỉ dừng lại ở văn và tư, tức nghe và suy gẫm. Người ấy trở thành học giả, thành người đạo đức, nhưng chỉ có sự hiểu biết trên bình diện chữ nghĩa chứ không thể thâm nhập vào đạo lý diệu mầu. Những gì không có chiều sâu thường không bền vững, đến khi gặp hoàn cảnh bức bách, e người ấy không có sự trầm tĩnh ứng phó kịp thời.
Người tu đạo Phật có thể không là học giả, nhưng nhất định phải là hành giả. Các Thiền sư ngày xưa không giảng giải dài dòng, mà thường dùng những phương tiện thiện xảo tùy cơ, khiến môn đệ bặt đường suy nghĩ. Các Ngài tạo cho môn đệ một nỗi thao thức miên viễn, ray rứt trăn trở với khối nghi mãi không thôi. Ðúng thời tiết nhân duyên, Thiền sư chỉ cần điểm nhẹ, khối nghi bùng vỡ, thiền sinh đại ngộ.
Sự thao thức đối với thiền sinh như vậy rất quan trọng và cần thiết. Mỗi người có thể có một nghi vấn riêng, hoặc tự mình đặt ra, hoặc do người khác gieo vào. Chẳng hạn ta có thể đặt câu hỏi: “Mặt mũi đích thực của ta là gì ?” hay “Tại sao Ðức Phật bảo chúng sanh đều có Phật tánh mà ta phải sống kiếp cùng tử lang thang?”. Ta phải ôm câu hỏi nầy mọi nơi mọi lúc, và phải tự lực tìm câu giải đáp. Ðại nghi thì đại ngộ, và nghi thì miên trường nhưng lúc ngộ chỉ trong chớp nhoáng, khi trực giác phát sinh. Chúng ta đã khảo sát kỹ vấn đề nầy trong chương “Khối nghi và thuật khai tâm” ở trước.
Tuy nhiên, thao thức vì mối nghi không đồng hoá với sự mong cầu kết quả. Chúng ta làm việc gì cũng đều có hy vọng, có mong mỏi việc làm đạt kết quả mau chóng, tốt đẹp. Việc tu hành cũng vậy, nhất là đối với những người lớn tuổi, thấy quỹ thời gian của mình không còn bao nhiêu, càng nóng vội mong mau đến đích; ai chỉ bảo pháp tu thẳng tắt, chóng ngộ, chóng chứng, hiện đời thành Phật là tu theo. Do không có chánh kiến nên người ấy dễ bị lừa gạt, có khi sa vào đường ma lối quỷ.
Thật sự, trên đời không có đường xa nào mà không có gian nan trở ngại. Ðường đời còn thế, huống chi đường tu. Thành Phật tác Tổ đâu phải chuyện đơn giản dễ dàng mà muốn đạt kết quả trong phút chốc. “Chiến đấu không gian khổ thì chiến thắng không vinh quang”. Chiến đấu với chính bản thân mình lại là cuộc chiến trường kỳ và gian khổ nhất; nhưng nếu thành công, cuộc chiến ấy mới có ý nghĩa đích thực. Ðốn ngộ tuy xảy ra trong một sát-na, nhưng trước khi có sát-na ấy, người tu phải có những điều kiện gì, phải công phu như thế nào, phải chuẩn bị tâm thức ra sao. Ðó là những điều chúng ta cần nắm vững trước khi tiến hành việc lớn của đời mình.
Bài kệ của Tú tài Trương Chuyết có hai câu:
Phá
trừ phiền não trùng tăng bệnh
Thú
hướng chân như tổng thị tà.
Lúc chưa biết tu, chúng ta dung túng phiền não, ai đối xử không tốt với mình thì mình nhớ mãi không nguôi. Khi biết tu, chúng ta lại thấy phiền não là khổ, muốn đoạn trừ phiền não để được an vui. Ta không biết rằng, chính tâm dẹp trừ lại làm ta mất bình an, càng thêm bệnh. Cảnh giới không phiền não mà ta muốn hướng đến chỉ do ý thức vẽ vời ra, chứ không phải cảnh vốn tự tịnh tự an của thể tánh, nên thú hướng “chân như” ấy chính là tà. Người tu chúng ta cần nhận định rõ để khỏi lầm lẫn giữa trạng thái không phiền não do ý thức tưởng tượng ra, và cảnh giới vốn tự bình an khi đạt đạo.
Một ví dụ về kho chứa vật dụmg lâu ngày. Khi dọn dẹp ta vứt bỏ những vật không đáng giá, nhưng còn giữ lại những món có giá trị cao. Tiếp tục dọn dẹp, ta vứt tất cả các thứ, kho trở thành trống rỗng, nhưng vẫn còn giữ lại cái kho trống ấy. Ðây là tâm trạng của người tu chúng ta, lúc đầu bỏ ác tìm thiện, rồi vượt qua cả thiện lẫn ác, mọi ý niệm đều vắng bặt. Tuy nhiên, ta lại chấp chặt vào trạng thái trống vắng của tâm mà không biết đó là cái sở thủ vi tế. Lại nữa, có tâm thủ xả là muốn bỏ cảnh phiền não tìm chốn bình an, tức đem tâm nầy lựa chọn tâm kia, đưa đến sự xung đột nội tâm không dừng nghỉ. Ta cũng không biết rằng, khi ta hướng tâm đến chân như tức xem chân như là một thực tại khách quan, tồn tại ngoài mình; thật ra chân như chính là mình, càng nghĩ càng tìm nó lại càng xa thẳm. Tất cả đều vì chúng ta thấy các pháp đều thật có nên dụng công hữu vi hữu tướng, khổ nhọc nhiều mà kết quả chẳng bao nhiêu. Khéo nhận ra mọi cảnh giới phiền não hay bình an đều như hoa đốm, không thật sanh cũng chẳng thật diệt; khéo an trú nơi bản tâm vô nhất vật thì công phu nhẹ nhàng mà thành tựu viên mãn.
2-Ngộ là Bát-Nhã:
Bát-Nhã là cái biết của trí, là hành vi của trực giác không qua trung gian suy luận, không vận dụng thức tâm phân biệt chủ quan. Bát-Nhã quán triệt muôn pháp trong tận cùng bản chất thâm sâu của chúng, dung nhiếp giữa người và cảnh, giữa chủ thể và đối tượng.
Con người chúng ta khi tiếp duyên xúc cảnh, luôn có ý thức xen vào khiến sự nhận định của mình mang đầy tính cực đoan phiến diện. Ta luôn thấy các pháp theo một khuôn mẫu ước lệ, và đặt tên cho chúng bằng sự tưởng tượng vẽ vời của mình, càng lúc càng xa với thực tại. Thật ra, các pháp tự chúng không đẹp-xấu, hay-dở... mà vô ngại dung thông nhau. Nếu thấy các pháp nơi đầu nguồn cội, nơi trước khi có ý niệm phân ranh, rõ ràng chúng bình đẳng trong Không tánh. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Phóng nhi tắc bao la thế giới, thâu nhi tắc tế nhập vi trần”, buông ra thì cùng khắp pháp giới mà thu lại chỉ trong một hạt bụi. Khi không còn tâm phân biệt thì ý niệm lớn nhỏ không tồn tại, lớn như núi Tu-di hay nhỏ như hạt cải đều bình đẳng không khác. Thất của Ngài Duy-Ma chỉ vuông vức một trượng nhưng chứa hết vô vàn toà sư tử, đây là một hình ảnh huyền diệu diễn tả một cách sống động tinh thần dung nhiếp của vạn pháp. Vấn đề nầy không thể dùng ý thức suy lường, mà phải nhờ cái biết thấu thể thực tướng của các pháp. “Cái biết thấu thể” ấy là Bát-Nhã, là cảnh giới bất khả tư nghì của những bậc ngộ đạo mà kinh Lăng Già gọi là “Cảnh giới Thánh trí tự chứng”.
Một đệ tử lớn của Ðức Phật, Ngài Tu-Bồ-Ðề, sau khi khai ngộ lý Không nơi pháp hội Kim Cang Bát-Nhã, được tôn xưng là bậc Giải Không đệ nhất. Một hôm, Ngài tọa thiền trong thạch động, chư thiên mưa hoa cúng dường. Ngài hỏi :
- Các
ông là ai? Vì sao đến đây mưa hoa khen ngợi tôi ?
Vị
thủ lãnh chư thiên chắp tay thưa :
-
Tôi là Thiên Ðế Thích, mấy vị kia đều là thiện nhơn.
-
Vì sao các vị ân cần khen ngợi tôi như thế ?
-
Chúng tôi kính trọng tôn giả nhập Không tam muội khéo thuyết
Bát-Nhã.
-
Tôi chưa từng nói một chữ Bát-Nhã, cớ sao các ông khen ngợi
?
-
Tôn giả không nói, chúng tôi không nghe. Không nói không nghe
là chơn Bát-Nhã(15).
Không có người nói, không có đối tượng nói, không có pháp để nói, nhưng không phải phủ định tất cả, mà thấu suốt thực tướng của chúng. Cái thấy lìa ngã chấp và pháp chấp, nhìn mọi sự mọi vật trên thực tướng vô tướng mới là Bát-Nhã chân chánh, là cái thấy biết của bậc ngộ đạo.
Ngài Bá Trượng lúc còn tham học với Mã Tổ Ðạo Nhất, theo hầu làm thị giả. Mỗi lần dâng trai phạn, Tổ đều chỉ vào cái bánh hỏi : “Ðây là gì ?”.
Suốt ba năm trường, Ngài vẫn mờ mịt không hiểu. Một hôm, thầy trò đi dạo, thấy đàn vịt trời bay qua. Tổ hỏi:
- Ðó
là cái gì ?
Ngài
thưa :
-
Bầy vịt trời.
-
Bay đi đâu ?
-
Bay qua mất rồi.
Mã
Tổ nắm mũi Ngài véo mạnh, Ngài đau quá kêu lên. Tổ bảo:
-
Sao lại nói bay qua mất ?
Ngài
Bá Trượng nhân đây đại ngộ.
Mã Tổ là bậc Thiện tri thức, thấy môn đệ dụng công ròng rã, hôm nay đã chín muồi, nên mới dùng thủ thuậtthiện xảo. Tác động trực tiếp của Tổ khởi nguồn cho trí Bát-Nhã của Ngài Bá Trượng phóng xuất. Lúc đầu thấy có đàn vịt, lát sau thấy không có đàn vịt, cái thấy biết luôn luôn hiện diện, có vắng thiếu bao giờ? Cho nên khi bị véo mũi, vẫn biết đau, biết la thất thanh. Và đây là đoạn lý thú:
Hôm sau, Mã Tổ vừa lên tòa, chúng nhóm họp xong, Sư bước ra cuốn chiếu. Mã Tổ xuống toà, Sư theo sau đến phương trượng. Mã Tổ hỏi : “Ta chưa nói câu nào, tại sao ngươi cuốn chiếu?”.
Sư
thưa :
-
Hôm qua bị Hòa thượng kéo chót mũi đau.
-
Hôm qua ngươi để tâm chỗ nào ?
-
Chót mũi ngày nay lại chẳng đau.
-
Ngươi hiểu sâu việc hôm qua.
Sư
làm lễ, lui ra(16).
Mới đọc qua, ta thật ngỡ ngàng vì thầy trò đối đáp không ăn nhập vào đâu cả. Nhưng đó là ngôn phong của những người đã sáng mắt. Ngài Bá Trượng cuốn chiếu không cho Tổ giảng pháp, ý thưa với Tổ không cần nói thêm, vì Ngài đã nhận ra lẽ thật. Tổ về phương trượng, Ngài theo sau và thưa: “Hôm qua bị Hòa thượng kéo chót mũi đau”, hôm qua bị Tổ lừa nhưng hôm nay Ngài không còn lầm nữa. Tổ trắc nghiệm lại chỗ thấy biết của Ngài bằng câu hỏi: “Hoâm qua ngươi để tâm chỗ nào?”; nếu trả lời theo câu hỏi tức chạy theo đầu lưỡi của Thiền sư, lại bị lừa thêm lần nữa. Nhưng Ngài Bá Trượng thâït sự đã sống với cái biết hiện tiền, nên trả lời “Chót mũi ngày nay lại chẳng đau”. Do vậy, Mã Tổ đã ấn chứng cho Ngài bằng câu đơn giản “Ngươi hiểu sâu việc hôm qua”.
Từ việc thấy đàn vịt trời đến sự cuốn chiếu và câu đáp “Chót mũi ngày nay”, đều diễn tả cái thường biết sống động hiện tiền, không phải nhờ tọa thiền tập định. Ðiều nầy cho thấy, ngộ đạo là sự phóng xuất chớp nhoáng của trí tuệ Bát-nhã, có thể xảy ra trong bất cứ khoảnh khắc nào, nơi chốn nào, hoàn cảnh nào, khi đủ thời tiết nhân duyên. Ví như trái cây đã chín muồi, chỉ cần một cơn gió thoảng, một cánh chim vụt qua, một đụng chạm nhẹ..., cũng làm trái rụng. Ngài Linh Vân sau ba mươi năm “tầm kiếm khách”, chợt ngộ đạo khi thấy hoa đào nở; Ngài Ðức Sơn ngộ đạo khi Thiền sư Sùng Tín Long Ðàm đưa cho cây nến rồi thổi tắt; Banzan ngộ đạo khi đi ngang chợ, nghe người hàng thịt rao bán hàng của mình ... Thiền sư ngộ đạo là ngộ trong sự sống động của muôn pháp, trong sự biến chuyển không dừng của dòng đời, trong vô thường sanh diệt của thế gian, nên trí tuệ Bát-Nhã là cái thường biết đầy sinh lực. Vì đầy sinh lực nên các Ngài thấy các pháp đều là Phật pháp, nên Ta-bà là Tịnh độ, nên tất cả hoa lá chim muông đều cất tiếng niệm Phật niệm Pháp niệm Tăng!
3- Ngộ là nhận ra bản tâm ngay tại đây và bây giờ:
Một chàng nông dân thấy con thỏ chạy va vào gốc cây và chết. Chàng mừng rỡ, đem con thỏ về nhà. Từ hôm sau, ngày nào chàng cũng đến ngay gốc cây ấy, đợi những con thỏ khác chết theo cách như vậy. Một chàng khác đi thuyền làm rơi kiếm xuống sông. Chàng khắc một dấu lên mạn thuyền để nhớ nơi mình rơi kiếm, đợi thuyền cặp bến mới nhảy xuống nước lặn tìm.
Chúng ta nghe chuyện “Ôâm cây đợi thỏ” và “Khắc dấu mạn thuyền”, cười cho hai chàng nầy quá dại. Nhưng chúng ta liệu có khôn hơn hai chàng không? Ai cũng nhớ nghĩ về quá khứ và mơ màng chuyện tương lai, không biết rằng quá khứ đã qua tương lai chưa đến, tất cả đều không thật. Chúng ta thích ôn lại, sống lại những kỷ niệm xưa, nhất là những khi vui thú. Ngày hôm qua có người khen, ngày nay muốn nghe khen nữa; hôm trước tọa thiền thấy an lạc, hôm nay cũng mong có lại tâm trạng ấy; có khi biết những cơ hội ngộ đạo của các Thiền sư, mình cũng muốn lập lại cơ hội ấy để được ngộ đạo như các Ngài. Học trò gắng công học tập, chịu khổ nhọc gặm rễ đắng của cây học vấn, hy vọng ngày mai nếm quả ngọt; người lao động cần mẫn làm việc, dành dụm, dè xẻn mong ngày mai mình được hạnh phúc giàu sang; người tu tam thường bất túc, tinh cần công phu mong ngày mai thành tựu đạo quả ... Tất cả đều mong đợi sự thành công ở một thời điểm xa vời thực tại.
Chúng ta nghe thêm hai câu chuyện sau đây:
Một người đánh cá chỉ làm việc vào buổi sáng. Trưa và chiều tối anh ta về thuyền nghỉ ngơi, hóng gió, ca hát có vẻ thong dong lắm. Người bạn anh ta thấy lạ, hỏi sao không lo chí thú làm ăn. Người đánh cá hỏi lại:
- Làm
việc cả ngày để chi ?
-
Ðể có tiền nhiều.
-
Tiền nhiều để làm gì ?
-
Ðể mua thêm thuyền, đánh được nhiều cá, trở thành người
giàu có.
-
Giàu có để làm gì ?
-
Ðể về già hưởng phước, nhàn hạ, tha hồ hóng mát, ca
hát.
-
Thì bây giờ tôi cũng đang hóng mát và ca hát đấy thôi !
Câu chuyện thứ hai có tựa là “Phỏng vấn Thượng Ðế” (Interview with God ) đọc được trên Internet. Một người nằm mơ thấy mình lên Thiên đường phỏng vấn Thượng Ðế:
- Thưa Ngài, điều gì ở loài người làm Ngài ngạc nhiên nhất ?
Thượng Ðế trả lời sau một giây suy nghĩ:
- À à... Ðó là lúc nhỏ thì họ mong mau lớn, khi lớn rồi lại mong cho nhỏ lại. Ðó là họ phung phí sức khoẻ để kiếm được nhiều tiền, rồi bỏ tiền ra để phục hồi sức khoẻ. Lúc nào họ cũng lo lắng toan tính cho tương lai, để rồi chẳng sống trong tương lai mà cũng không an nơi hiện tại !
Những câu chuyện có vẻ đùa chơi, nhưng diễn tả đúng đắn bi kịch của kiếp người. Con người thường khát khao hạnh phúc; và dù quan niệm về hạnh phúc có khác nhau, nhưng tựu trung đều mang tâm trạng truy đuổi, rong tìm. Người thế tục chủ trương hạnh phúc ở tài sản, danh vọng, gia đình êm ấm; hoặc ở sức khoẻ, ở cảm thọ thẩm mỹ nghệ thuật. Người tu tìm hạnh phúc xuất thế ở một cõi thanh tịnh an lạc, sau khi lìa bỏ thân nầy. Tất cả hy vọng đều được đặt vào thì tương lai, nên con người như kẻ lữ hành, cứ cắm cúi đi mà không biết bao giờ đến đích.
Thật ra, hạnh phúc đang lung linh ngay thực tại muôn màu muôn vẻ, khi tâm ta an trú trong sát-na bất động, chánh niệm tỉnh giác trên từng biến chuyển của thân tâm cảnh. Các pháp luôn nhiệm mầu toàn hảo từ vô thủy đến vô chung; và ngộ đạo là trạng thái đột biến của tâm khi nhận ra thực tướng toàn vẹn toàn bích của các pháp, trong khoảnh khắc hiện tiền. Tại hội Linh Sơn, Ðức Phật đưa cành hoa lên, Ngài Ca-Diếp mỉm cười, khởi đầu thành lập Thiền tông. Cành hoa đưa lên là một pháp sống động trong giây phút hiện tại; nụ cười Ngài Ca-Diếp cũng là một pháp sống động trong thực tại đang là. Cành hoa không đưa lên nữa, tâm hoa của Ngài Ca-Diếp vẫn nở mãi không tàn. Nếu vắng bặt mọi ý niệm phân tích nhị nguyên, khéo nhận ra thể tánh bất sanh trong dòng sanh diệt của vạn pháp, ta thấy Ðức Phật vẫn còn trên hội Linh Sơn cùng chư Thánh chúng. Cành hoa vẫn tươi, nụ cười vẫn nở, có vắng mặt bao giờ ?
Như vậy, Ngộ là quán triệt thực tướng các pháp ngay tại đây và bây giờ. Nhưng Ngộ từ đâu đến? Ý nghĩa của lời dạy “Tức tâm tức Phật” ra sao?
Kinh Pháp Cú có đoạn:
Tâm
vi tế khó thấy
Truy
đuổi theo dục trần
Người
trí phòng hộ tâm
Phòng
tâm thì an lạc.
Con người khi tiếp xúc với trần cảnh, thường duyên theo trần khởi niệm phân biệt không lúc nào yên. Tâm dong ruổi mọi nơi mọi lúc, cả khi ta đang tọa thiền. Tâm lén lút ma mảnh, lại không có hình tướng rõ ràng, có lúc vi tế khó thấy, dẫn lôi ta quay cuồng theo ngũ dục. Người tu là phòng hộ tâm không để lang thang trăm nơi nghìn chốn, tức chăn không cho trâu tâm ăn lúa mạ người. Tâm được phòng hộ kỹ, tất nhiên được an vui, cho nên tu ngay tâm là tu tại gốc.
Nhà Thiền thường dùng hình ảnh của ba mặt trăng: Mặt trăng thứ ba là thức tâm phân biệt, là cái thấy biết theo duyên, có tính cách chủ quan phiến diện xa rời thực tại. Mặt trăng thứ hai là tánh thấy nghe hay biết thường hằng không biến đổi, thể hiện qua sáu căn, là cái biết không duyên. Mặt trăng thứ nhất là bản tâm thanh tịnh, là nguồn cội của muôn pháp, là bộ mặt thật xưa nay của chính mình. Có vị Thiền sư bảo, không bao giờ có mặt trăng thứ hai, ý Ngài muốn phá tình chấp của chúng sanh ưa phân biệt rạch ròi cái nầy cái khác. Thật sự, lúc còn là phàm phu hay khi ngộ đạo cũng chỉ một tâm chứ không đâu khác. Sự chuyển hoá tận gốc rễ không phải loại bỏ vọng tâm để có chơn tâm, mà siêu vượt cả chơn và vọng; không phải loại bỏ ý thức, mà chuyển thức thành trí. Cũng một niệm mà đời ta mê mờ, cũng một niệm mà đời ta sáng tỏ, ấy là sự chuyển y, rắn hoá rồng không đổi vảy.
Thiền sinh tu theo pháp môn Tri vọng, giai đoạn đầu phải nhận diện và theo dõi từng tâm niệm, biết chúng hư dối, không theo.Vọng khởi liền biết, không bị vọng dẫn lôi là đã tiến một bước dài. Sau một thời gian, dài hay ngắn tùy căn cơ, thiền sinh tự mình khám phá Tánh Biết vọng, tức nhận ra mặt trăng thứ hai theo cửa Ý căn, cửa Phổ Hiền. Lúc nầy, thiền sinh thấy rõ:
Chợt
sinh biết vọng sinh
Chợt
diệt biết vọng diệt
Sinh
diệt đợt sóng tâm
Biển
tâm ngoài sinh diệt.
(Thiên
Chân)
Vọng sanh khởi hay hoại diệt ta đều biết rõ; chỉ cần biết mà không trừ dẹp đè nén, vọng tự biến mất và tâm tự an. Lại nữa, sóng dù nổi hay chìm, dù sanh hay diệt cũng không ngoài biển. Sanh diệt chỉ là tướng trạng của sóng, còn biển thì không sanh diệt bao giờ. Cũng vậy, vọng khởi hay vọng lặng không thể rời tâm thể thường hằng bất biến; đó là nền tảng của vạn pháp, là nguyên uỷ của vũ trụ nhân sinh. Ngài Nam Nhạc dạy : “Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu”(Ðất tâm nếu không, mặt trời trí tuệ tự chiếu). “Tâm Không” chẳng phải không có tâm, mà là không tâm sanh diệt, không tâm phân biệt, còn Tánh Biết vẫn hiện tiền. Nói thế không phải là lúc có vọng, mặt trời không chiếu, chỉ vì bị che lấp nên tạm thời không thấy ánh sáng đó thôi. Ngôn từ đôi khi làm ta rối rắm và sai lạc, nên khi đọc kinh sách không nên chấp chặt vào chữ nghĩa, phải nên lãnh ý quên lời mới mong thấu suốt nghĩa lý.
Như vậy, khi hay biết mọi sự mọi vật mà có ý thức phân biệt xen vào, đó là vọng tưởng. Khi vẫn hay biết tất cả mà không khởi niệm, ấy là sự thấy biết như thật. Tất cả đều chỉ một tâm, nên cả ba mặt trăng thật ra không hai không khác. Và vì giác ngộ ở ngay tâm, nên tức tâm là Phật.
Một số trường phái chủ trương rời bỏ tiểu ngã là thân mình, trở về Ðại ngã là pháp giới. Ấy ví như hòn bọt thấy mình có cùng bản chất nước với biển cả, nên chấp nó chính là biển, nghĩa là bỏ cái nhỏ hòa nhập với cái lớn. Như thế, vẫn còn tình trạng bỏ ngã phàm nhưng trụ ở ngã thánh; trừ được ngã thô nhưng ngã tế chưa sạch. Hành giả bị một lớp sương mù kiêu mạn che mờ tánh giác, chưa ra khỏi vòng đối đãi nhị nguyên tức chưa thoát khỏi sự ràng buộc của ý thức. Ðây là điều rất tế nhị, cần suy gẫm kỹ.