Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Dòng đời xuôi chảy

25 Tháng Tư 201100:00(Xem: 13044)
Dòng đời xuôi chảy

DÒNG ĐỜI XUÔI CHẢY
 Cư Sĩ Liên Hoa

- Kính dâng bài viết nầy như tấm lòng của một người mong được xem là con thảo lên Chư vị đang mang hạnh nguyện“ Truyền Đăng Tục Diệm” làm lợi ích cho muôn người, cho Đời và cho Đạo, nhân mùa An Cư Kiềt Hạ.
- Xin được chia sẻ với tất cả các bạn- Đời hoặc Đạo- chưa quen, chưa biết mặt hoặc những người đã hân hạnh được gặp, quen biết.
- Thương tặng Thanh- người vợ và là người bạn Đạo.
 

Từ trên tầng 95 của Nhà hàng nằm trong khu Johnson Hancock, thành phố Chicago qua cửa kiếng nhìn khung cảnh chung quanh. Kìa bờ hồ Michigan trải mình bên dưới, nước trong xanh. từng con sóng nhỏ tắp vào bờ, sủi bọt trắng.
 
Những dấu ngoằn nghèo, có những con kiến nhỏ nhiều màu sắc di động trên các con đường . Chung quanh, những toà nhà cao sừng sững, vững vàng, hiên ngang, oai vệ dưới bầu trời. Các cửa kiếng của toà nhà đều đuợc dán màu đen nhạt, nên nhìn xung quanh tạo cảm giác như nhìn xuống vực sâu. Phong cảnh thật đẹp, trầm ấm, khoan thai như…

blankMột cuộc đời đã mất
dưới vực sâu u huyền

đá buồn vì héo hon

biển reo vì đợi chờ

bàn tay thảo linh dược

một thoáng dễ buông lơi

sắc màu vờn sóng nhỏ

trùng dương hội biển khơi. 

Minh Thanh

Bữa cơm thịnh soạn được dọn ra, trình bày rất đẹp, bắt mắt, nhưng giá tiền lại không vừa. Những người hầu bàn đi qua lại để phục vụ, thanh lịch, miệng luôn mỉm cười. Dù sao, nhìn thấy nụ cười nở trên môi mọi người cũng đủ làm cho thức ăn thêm ngon. Du khách, ai nấy đến đây đều muốn có cái nhìn quang cảnh xung quanh từ trên độ cao nầy, để thấy được toàn cảnh thành phố Chicago. Phải công nhận rằng cảnh quá tuyệt đẹp. Là một người tập tành viết văn làm thơ, dù rằng văn thơ của mình sáng tác cũng chẳng ai thèm đọc tới, nhưng trước cảnh đất trời nầy, lòng tôi cũng thấy xốn xang như muốn tỏ bày một cái gì đó, nhưng rồi hỡi ơi! văn thơ bay mất.

Gia đình tôi là một gia đình rất thích du lịch. Năm nào cũng vậy, khi những cơn nắng hạ lăn mình, tràn lan, và những trận mưa gàn dở nhảy múa... có nghĩa là gia đình bắt đầu hỏi nhau phải đi du lịch nơi đâu và dành nhiều thời gian để chọn lựa, để đồng ý nơi chốn đến thăm viếngquyết định book vé máy bay. Có lúc thì ra nước ngoài, lúc thì ngoạn cảnh trong nước Mỹ. Có lẽ, một lúc nào đó, sẽ chỉ còn đi trong nước Mỹ mà thôi và không đi xa được nữa, nhất là khi tuổi về già… đi đứng sẽ lụm khụm, đi đâu cũng cần Bác sĩ đi kèm, nhưng không biết “đầu tiên” có đủ hay không…

Đi du lịch cũng là dịp sum họp gia đình sau bao ngày tháng học hành, bận rôn với cuộc sống, cũng là dịp mở mang kiến thức, chia sẻ sự hiểu biết v.v… du lịch cũng để quên những bận bịu, bỏ lại những vướng mắc sau lưng trong một khoảng thời gian nào đó, vì mọi thứ đều ở quá xa, vượt khỏi tầm tay để giải quyết và cũng để thấy, cảm nhận được không gian bao la, thời gian thoáng rộng.

Tôi lần đầu tiên có duyên và đến viếng Chicago. T. thì đã hai lần đến nơi đây, lần nầy là lần thứ ba. Tôi thì chắc một lần thôi cũng đủ, còn biết bao nhiêu chỗ phải đi để học hỏi; đời một người lữ khách vẫn rảo chân bước không dừng. Chỉ mong rằng “tâm dừng” nhưng đời vẫn hoạt hoá để dấn thân vào đời, tùy theo nguyện ước mà làm một cái gì đó, dù nhỏ nhoi nhưng có ý nghĩa..

Gia đình tôi có mặt tại khu Navy Pier vào buổi chiều, ngập bóng người. Dân địa phương cùng du khách đổ về trên bến cảng nầy vui chơi, ca hát và chờ đón xem bắn pháo bông, nổ tỏa sáng rực cả bầu trời, khoảng nửa giờ đồng hồ. Phong cảnh chung quanh nhộn hịp, dòng người đổ càng lúc càng đông, những bước chân dồn dập, chen lẫn nhau trên con đường dọc theo bờ hồ, đủ màu sắc.

Tôi chợt nhớ đền bản nhạc “Chiều trên bến Tam Giang” của Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Ở nơi đây không có cảnh chờ đợi, ngóng trông bồi hồi của người con gái đối với người yêu, người lính chiến đang xông pha ngoài mặt trận, để lòng có nhiều nổi lo âu…” chợt nghĩ đến anh, chợt nghĩ đến những điều không dám nghĩ…”. Một tấm lòng quá đẹp, có lẽ trong một bản nhạc không thể chuyên chở đủ hết chiếu sâu đại dương của nổi lòng đó! Biết bao nhiêu sự cách xa đau lòng đã xẩy ra thường trực trong thời chiến, mà bút mực viết hoài vẫn chưa dứt. Quê hương tôi, chiến tranh nồi da xáo thịt đã qua rồi. Tuy nhiên, có lúc tưởng chừng như đời sống sẽ bình yên, mọi người Việt sẽ được sống trong an bình, no ấm, tự do v.v… làm lại cuộc đời, để bù lại cho sự chết chóc hy sinh của biết bao nhiêu triệu sinh mạng, bao nhiêu tài nguyên, trí tuệ... của cả một dân tộc, cho một chủ nghĩa ngoại lai. Nhưng cho đến giờ phút nầy, người Việt vẫn còn nhìn nhau nhưng trong chia cách, ngờ vực, do bởi đâu? 

Bến cảng nầy chỉ đón chào những niềm vui, những nụ cười, những ly cà rem nhiễu chảy, những chiếc bong bóng nhiều màu bay ngập ngừng khỏi đầu người, những tiếng náo động do số người đông đúc, những tiếng nhạc mang nhiều bản sắc, những trò biểu diễn v.v..

Chicago có nhiều cảnh đẹp và nhiều nơi chốn cần đến tham quan để thưởng thức những nét đẹp của thiên nhiên và các của công trình do con người phối hợp, tạo dựng. Ai chưa đến, cũng nên đến một lần để chiêm ngưỡng dung nhan của thành phố nầy.

Hồ Michigan trong xanh, hiền hoà, màu xanh biếc. gió từ khơi thổi vào. Bây giờ, đã tháng 6 mà gió thổi cũng vẫn còn mang hơi lành lạnh... dù không khí trong lành, dễ chịu. Tôi chợt nhớ đã đọc được ở đâu đó vài câu hỏi nho nhỏ: 

Người bạn đố mọi người biết nước biển màu gì?
- tại sao ta lại nhìn thấy nước biển có màu xanh???

----------

Nước biển không màu nhưng càng sâu bao nhiêu nước biển càng xanh bấy nhiêu...

Nước mưa không màu nhưng mưa càng to nước mưa sẽ thành màu xám bạc...

Nước mắt không màu nhưng nước mắt càng rơi sẽ thành màu sương khói...

Mồ hôi không màu nhưng mồ hôi rơi xuống ruộng sâu mồ hôi sẽ thành màu nâu đất...” ( Sưu tầm )

Ngồi trên chiếc du thuyền Odyssey trôi nổi trên bờ hồ Michigan. Con gái tôi đã đặt chỗ trước cho gia đình để vừa thưởng thức bữa ăn Brunch, cùng thưởng thức nhạc và ngắm cảnh.

Tuy thức ăn là lạ, đơn giản nhưng ăn thật ngon, có thể vì không khí nhộn nhịp lẫn êm đềm trong khoang thuyền như có cái gì rất lạ, rất quyến rũ. Những cơn sóng mấp mô đập vào mạn thuyền, vờn mình, theo đuổi, ngẫng đầu trắng xoá. Tiếng nhạc trổi lên của hai nguời nhạc sĩ: một với chiếc đàn guitar, một với chiếc Keyboard hoà lẫn nhau, thật thoải mái, ngang dọc... Lời ca, tiếng nhạc chảy róc rách làm tâm hồn sảng khoái.

Mọi ưu phiền một lúc nào đó quên lãng, những nhăn mặt nhíu mày biến mất, nụ cười hớn hở trên môi hiện rỏ trên gương mặt của mọi người.

Cùng chạy lên sân thượng của du thuyền Odyssey. Ồ! Cảnh Skyline hiện rõ mồm một. sừng sững những toà nhà cao ốc, cao thấp xen kẻ ẩn trên nền trời trong xanh. Chung quanh nhiều chiếc du thuyền khác xuôi ngược, phơi mình trên mặt nước. Trời xanh, nuớc xanh…sâu thẳm, bung ra như làm cho không gian lớn rộng, không biên giới. Nhịp thở của trời đất cùng nhau hoà hợp…

Mênh mông là nước, xanh xanh sâu lắng, cười đùa. Vung tay là nước, cười ra nước, hồn của nước non. Giữa khoảng không nầy, không gì có thể bám víu

Trong cuộc đời, có nhiều khi chúng ta rơi vào dòng nước chảy, dù hồ, dù biển bao la, dù sóng ngùn ngụt… và giữa biển đời không chỗ nương thân cho cái tâm lăng xăng, có người thấy cô đơn, có người cười ra nước mắt, có người trở nên thầm lặng, rút thân về tâm…để nhìn ngắm mây trời thênh thang. Có người điên cuồng, lao vào vòng xoáy để tìm những ngày đã mất, để vọng tuởng về một tương lai xa gần nào đó với những hy vọng. Chúng ta lao đi như mũi tên bắn vào khoảng không và tự lòng rơi vào tê tái, buốt giá, trống rỗng, vì thực ra trong tâm vẫn đầy là những nội kết, ưu phiền đã quấn ta trong đau khổ.

Chúng takhông gian chung quanh và có quá đầy đủ, nhưng trong tâm ý riêng lại luôn cho rằng không gian mình chật hẹp. Cho nên, đòi hỏi không gian phải lớn hơn, phải rộng hơn vì đó là bước đuờng cần phải đi, phải chiếm đoạt v.v… để che lấp cho sự trống vắng của tâm hồn, trong lúc chỗ đó, nơi đó cũng chứa đầy những tầm thường của thuờng nhật được ta dán tên lên thành những gì cao đẹp. Đó là nổi ao ước trầm luân của con người không có nhìn thấu triệt về thực tại. Thực tại của vị lai không có, thực tại của quá khứ không còn, chỉ còn chỗ "không “ là thực tại, vì bao chứa tất cả. 

Máu, mồ hôi, nước mắt hay là những gì đi nữa theo sau những mơ ước và ước mơ, chưa chắc hoặc chưa hẳn là những gì bao chứa của thực tại.

blankngười vẫn thế trong niềm mê dại
buổi chiều hoang, mưa bước nhẹ nhàng

nắng có thể hình thành ma quái

trong mắt ngời vẫn có sao rơi

Tự tình xưa vang bóng con người
dòng nước vỡ lung linh ánh nguyệt

đời một đến, bao lần giả biệt

bóng chim trời vắng mất trên không

 Minh Thanh 

Một trong các bản nhạc của nhạc sĩ tài ba Trịnh Công Sơn, trong lúc nầy đây, lại vang lên trong tôi ca khúc “Biển sóng”. “Biển sóng, biển sóng đừng xô tôi, đừng xô tôi ngả dưới tim người… ngả dưới chân đồi”. 

Có thể vì nhìn chung quanh thấy đâu đâu cũng biển, cũng màu xanh… Biển sóng lại tượng hình theo bản nhạc. Lời ca da diết như tiếng thở, tiếng rên. Ai có thể xô chúng ta ngả gục đầu trong cuộc đời nầy. Chỉ có chúng ta mơ màng theo hình theo bóng, đuổi bắt những mờ ảo và để rồi vụt mất, bay xa. Lời ca ảo não, rào rạt, bức xúc như lời tâm sự. Dù chúng ta có kêu gào, than thở, chờ mong, nhưng biển sóng vẫn vô tình, thản nhiên đưa đẩy mọi người theo dòng đời, do chuyển lực.

Biết cuộc đời là khổ. Đó là một nhận thức phải tiếp cận, đi vào và cần chuyển hoá. Bên kia cái khổ hay nói đúng hơn- bản chất của khổ là Hạnh phúc. Chúng ta không thể tìm thấy Hạnh phúc bất cứ nơi nào nếu không chuyển hoá cái khổ. Có người không hiểu, dán cho nhản hiệu là «thú đau thương», quên rằng do những cảm xúc bùng nổ đó có thể làm hũy hoại đi cái «bản tâm». Tiền tài, danh vọng, tình yêu v.v… có thể đầy con người đến chỗ bế tắc, sa đọa, tranh giành, đấu tranh, chán nản, đau khổ… nhưng cũng từ chất liệu đau thương nầy hay là bản chất thường tình của con người, dấy lên cuộc cách mạng tâm linh quan trọng chuyển đổi đời người qua sự chuyển hoá, chuyển tâm, dấn thân làm lợi íchcon người, vì các khổ nạn đối diện.

Mỗi người đều có cái khổ. Khổ thân, khổ tâm, khổ vì «bốn đại không điều hoà», khổ Đạo, khổ đời, khổ gia đình, khổ chồng vợ, con cái, thân bằng quyến thuộc, gia tộc, bạn bè… Cái khổ đeo dai dẳng như hình với bóng. Có người đời sống tương đối hạnh phúc, an lạc, nhiều điều kiện thuận lợi so với biết bao nhiêu người khác, nhưng cũng ráng tạo ra cảnh khổ cho mình, cho người thân v.v. để có cái khổ mà mình mong muốn, để gọi đó là cuộc đời «C’est la vie» hay «It is life» cho thêm phần nghiêm trọng.

Khi cái tâm bất an, lăng xăng chạy nhảy, chúng ta lại vô tình hay cố ý tạo ra những tình huống khổ đau cho mình, cho người.

Chúng ta có thể nói rằng những thứ như: tài sắc danh thực thụy- cái cốt lõi của con người bình thường- là vô nghĩa trong cuộc đời đối với ta, bởi vì trong tay mình chưa nắm, chưa có được gì hết. Cũng như khi có đầy đủ tiền bạc, có sức khoẻ, có đủ thứ… ta rất dễ đại ngôn, lên cao vút tận mây xanh như một bậc thượng nhân thứ thiệt, «tám ngọn gió không xoay chuyển được mình» (trong lúc chỉ một ngọn gió bất thường thổi qua, lại nhảy mũi, cảm mạo). Trong lúc, thực tế rất quan trọng là chúng ta có dám chuyển hoá, chuyển thành phương tiện thiện xào có ích cho thân - huệ mạng của mình và người. Đó chính là sống thực. 

Đừng bao giờ cho rằng tôi không bao giờ bệnh, không có đau khổ v.v… khi mỗi ngày mình lại sống, ăn uống đầy đủ bổ duỡng. Đừng bao giờ cho rằng mình thấy xót xa, đau khổ của người, trong lúc mình chưa bao giờ cảm nhận được đau khổ đó như thế nào, để cảm thông, chia sẻ. Đừng bao giờ để một lúc nào đó, thân sẽ hỏi tâm rằng: “Tiểu vấn: Khách tòng hà xứ lai?”= Hỏi rằng: Khách nầy từ đâu đến vậy? (1). Thân còn không biết mình là ai, rất xa lạ. Who are You? Vậy mình ai giữa trời đất nầy?

Hãy nhìn những người dân của đất nước Iraq. Họ sống không có một chọn lựa, chết chóc xảy ra từng giờ từng ngày và không thể kiểm soát được. Họ đau khổ, than khóc, mất nhà mất cửa, mất tất cả và còn chăng- chỉ là tiếng khóc nhức buốt tự cõi lòng. So với nổi thống khổ của họ, chúng ta có thấm thía vào đâu mà lên giọng làm tàng là mình «đau khổ cùng mình».

Một tháng trước đây, tôi thỉnh được một tượng Phật Thích Ca cổ bằng gỗ. Tượng ngồi kiết già, an nhiên tự tại, to cao lớn như một người khổng lồ. Lớp sơn ngoài đã tróc, sần sùi, còn in dấu màu vàng thếp. Gương mặt Tượng thật là đẹp, hiền hoà. Hiếm thấy một Tượng nào được dáng dấp, gương mặt, mắt mũi, nụ cười, tư thế v.v… như vậy. Thực sự cũng không biết Tượng được tạo vào niên đại nào, tuy nhiên, nhìn ngắm Tượng thì biết là Tượng rất là xưa, xưa lắm và làm cho người chiêm bái cảm thấy sự an lạc, ấm cúng, vì từ Tượng như chứa đựng muôn vạn lời Kinh, bao tâm thành của khoảng thời gian nào.

Trong căn phòng vừa là thư viện vừa là chỗ thờ Phật, thờ Tổ Tiên. Với lòng tôn quí, nên tôi thấy cần phải an trí Tôn Tượng Ngài cho trang nghiêm, cho nên việc đầu tiên là phải dời một kệ chứa sách để có khoảng trống cho Tượng. Sau khi đã an vị Tượng và khi sắp xếp lại tủ sách cho gọn gàng, thứ lớp, ngay ngắn. Bỗng một Tượng Phật khác, chỉ là mặt Đức Phật được nung đúc bằng đá đỏ, cứng chắc như khối đá, nặng khoảng 1 kg từ trên kệ sách thứ 5 rơi xuống. Chắc chưa có ai bị búa đập đầu, vì nếu đã từng bị thì sẽ biết cái đau như thế nào. À quên, nếu búa đập đầu thì đã sống dưới lòng đất rồi, đâu còn nói điều gì nữa. Có lẽ Tượng Phật đã chờ đúng thời tiết, đúng nhân duyên… để rơi trên đỉnh đầu của tôi, chứ không thèm rơi vào chỗ khác.

Đau quá, thật là đau kinh khủng. Tôi ngồi bệt xuống, người tôi hoàn toàn bần thần, choáng váng, mất định tâm, đầu tê rần rần, cứng người. Nuớc mắt tự nhiên chảy xuống, tôi ráng sức lấy đôi bàn tay xoa xoa vào chổ đau, vừa niệm chú, niệm Phật. Sợ bị bể sọ đầu. Không lẽ mình ra đi bây giờ, chứ sao người như bị tê dại. Ai mà chết lãng nhách như vậy. Chết phải chết đàng hoàng cho ra vẽ, chứ ai lại chết vì Tượng Phật rớt trúng đầu, mắc cở lắm. Hay là mình sẽ bị điên, bị tửng tửng, nhưng nghĩ cũng không được nữa. Dù sao, đường đường là thân «nam nhi chi khí», vào ra cữa nhà, í quên «vào sanh ra tử», ai lại bị ra đi một cách vô duyên quá vậy.

Tôi chợt nhớ người chị ruột, lớn nhất nhà. Lâu lắm rồi, cả mấy chục năm đã qua. Trong một lần chị em giỡn nhau, tôi chạy trước, còn chị thì chạy đuổi theo sau, vô tình tôi làm rớt đồ và từ trên cao, chiếc bình bông bằng sứ đang đuợc trưng trên kệ bị rơi xuống, đúng ngay đầu chị tôi. Chị khóc tức tưởi, ôm đầu, kêu đau. Tôi chỉ biết nói: «Xin lỗi chị» và thôi. Có lẽ lúc đó còn nhỏ quá, mới 10 tuổi đầu, nên không ý thức được sư nguy hiểm hay đau của cái đau bị đồ vật nặng rơi xuống đầu như thế nào, nên trong bụng cũng còn nghĩ là chị cũng làm bộ nữa. Một ý nghĩ vô cùng xấu, sai lầm. Vì sau đó, mỗi lần trở trời, mưa gió, chị tôi hay bị đau đầu? Nay, chị đã không còn nữa. Duyên chị em ruột thịt chỉ còn có trong một đời nầy và những kiếp sau, ai biết được?

Nay ngồi đây, đau đớn vì bị khối đá nung rắn chắc nầy rơi xuống đầu, tôi mới cảm thấy thấm thía cơn đau mà ngày xưa chị bị và chịu đựng. Chỗ bị thương, sưng vù lên, đè xuống chút xíu, sọ đầu bị lõm. Gặp vợ con tôi đi chợ về, tôi vội nói là vừa bị Tượng Phật rớt trúng đầu, tưởng chết rồi, nhưng đừng nói ai biết, kỳ lắm… Thanh- vợ tôi, sợ hãi, chạy vội đến, lấy tay sờ lên đầu để xem xét. Hai đứa con thì lo lắng, muốn đưa tôi đi bệnh viện để chụp hình đầu, sọ xem sao, có nức hoặc bễ sọ không, có bị máu bầm trong não không?… Tôi nói chắc không sao đâu, vì hiện giờ thì rất tỉnh táo. Có gì, thì đã bị hôn mê rồi.

Nhìn những người thân lo lắng, sợ sệt… khi biết tôi bị như vậy, lòng chợt dâng nhiều xúc cảm. Gia đình tôi là vậy, nỗi đau của người nầy chính là niềm đau của người, chia sẻ từng chút một, từ tâm tình cho đến cuộc sống. Chứ nếu mà thấy bị đau mà cười thì có mà chết. Ai đâu cười trên sự đau khổ của người khác, phải không? Nhất là người đó lại là thân của mình. Người ngoài mình không dám làm vậy, huống chi là người nhà, tàn nhẫn lắm…. «Người cười khi thấy tôi đau. Tôi đau khi thấy người đang mỉm cười». May mắngia đình ai nấy đều lo lắng, quan tâm đến.

Tuy nhiên, cho đến hiện giờ, chỗ sưng đã không còn, nhưng chỗ lõm trên sọ vẫn còn đó. Sờ nhẹ lên trên, người như bị nổi gai, tê rần? Khi trời mưa gió, người hơi bị tê, đầu nặng. Chắc không đến nổi nào? Chắc không sao? Dù gì thì cũng đã mãn nguyện khi sống rồi, chỉ mong rằng khi mình ra đi biết trước ngày giờ để sắp xếp mọi chuyện, để cám ơn mọi người, để nhiếp tâm cho hướng đi mới.

Nhìn dòng nước chảy, xanh biếc, bập bềnh theo thủy triều lên xuống, hiện rõ bóng dáng vô thường của cuộc đời. Sự vô thường làm cho cuộc đời thật đẹp, đẹp hơn, vì sẽ mang lại cho chúng ta sự trân quí cuộc đời nầy và sẽ sống sao cho ý nghĩa…

Có một bài thơ được sáng tác vào năm ngoái 2006, khi quán chiếu thấy cuộc đời huyễn mộng. Có những thứ vượt khỏi tầm tay, xa rời, không thực. Cảm nhận đầy đủ sự vô thường của đời sống, tâm tôi thắt lại, bóp nát rơi rụng những vần thơ tuôn chảy: 

blankĐứng ngắm bên đời, trường ảo mộng
Hàng cây núp bóng, tuổi thơ ngây

Bao năm chăm sóc tình ươm mộng

giọt nước đêm trăng vẫn lặng lờ…

Những buổi chiều hoang, mây lặng lẽ
Lá cây vàng điểm, lá vàng cây

Vi vu gió thổi muôn trăng rụng

từng sóng vô thường chở ánh trăng…

(Trích: «Bên đời- Từng sóng vô thường chở ánh trăng» của Minh Thanh)

 
Trong một bài kinh, Đức Phật cho ví dụ về cái thân xác như là ta có 4 bà vợ: có bà vợ được ta săn sóc, nâng niu, lo lắng từ cái ăn, cái mặc. Có bà vợ được săn sóc về sức khỏe, bệnh hoạn v.v… Nhưng tất cả sẽ rời bỏ ta đi như một cơn gió thoảng, để tìm một thân hình mới, đẹp, trẻ trung hơn. Còn thân chúng ta hiện giờ thì già cỗi, héo tàn theo gió bụi phong sương, theo thời gian dài chồng chất. Chúng ta nghĩ sao khi một lúc nào đó, được báo động rằng: «Thôi bye bye nhé. You già rồi, tôi cần một thân xác khác, mới lạ, đẹp hơn You nhiều lắm…». 

Những lời nói được xuất phát từ cái thân mà chúng ta đã bao năm săn sóc, cúc cung, tận lực, phục vụ… bằng tất cả tấm lòng thương yêu, quí mến và giờ đây, muốn từ giả ta ra đi, vì lý do nầy hay lý do khác… «Không. Không. Tôi không còn, tôi không còn yêu You nữa You ơi!» (Xin lỗi Nhạc sĩ Nguyển Ánh Chín vì đổi lời nhạc «Không»). Thật là thấm thía. Thật là chua xót… cho cái sự vô thường, biến đổi nầy. Có phải bên đời nầy là một trường ảo vọng, nối tiếp, biến chuyển. Sau lớp cây già vẫn còn ẩn tàng của tuổi thơ năm nào, đã được chúng ta chăm sóc, yêu thương, dung dưỡng, nhưng rồi chỉ như là dòng nước vô tình, vô thường lặng lờ chở ánh trăng. 
 
Chấp vào thân, chấp vào những gì mình sở hữu, vào những nội kết giăng bủa bước chân, vào những tấm lòng đối xử tương duyên qua bao thời gian đi theo v.v… chúng ta sẽ đau khổ. Dù chúng ta có kêu gào, có đập đầu vào gối khóc than, có uống nước ngọt Coca Cola để tự tử (Ghi chú: Người bị tiểu đường uống không được nước ngọt), dù có xức dầu cù là, dầu xanh vào mắt cho nước mắt chảy xuống ròng ròng cho tha thiết, ỉ ôi… nhưng tất cả sẽ phản bội ta để ra đi khi đúng thời gian.
 
«Ôi đời người, chỉ dài có một hơi thở». Thở vào mà không thở ra, thì đời sẽ có muôn màu, muôn sắc bong bóng, vì hoa mắt, ngộp thở và nhắm mắt xuôi tay. Chết sẽ không còn thở và nằm im, bất động và có bị thọt lét cũng không thèm cười. Không ai vực dậy một thây ma đã chết để luyến thương, tiếc nuối, để làm những trò hề. Chỉ có chúng ta không ý thức được thân mạng cao quí của con người nên mới làm trò hề trên thân tâm của mình.
 
Thời gian trước, là một người sinh ra trong một gia đình theo Đạo Phật, bình dân và không hiểu gì về Phật Pháp. Nhưng khi lớn lên, lúc còn là sinh viên, tôi lại đến với Đạo Phật bằng sự nghiên cứutu học. Khi bắt đầu nghiên cứu về Đạo Phật, tôi cứ hay bị bâng khuâng, thắc mắc hoài về Tứ Diệu Đế. Rồi sau đó, khi đọc đến Kinh Pháp Hoa nói về: «Ba cõi không an giống như nhà lửa», và «Ái hà thiên xích lãng. Khổ ải vạn trùng ba» cũng như cho đến khi biết đến câu trong Kinh Bát Đại Nhân Giác: Đệ nhất giác ngộ: 
blank

 Thế gian vô thường

 Quốc độ nguy thúy. 

 Tứ đại khổ không

 Ngũ ấm vô ngã

 Sanh diệt biến dị, 

 Hư ngụy vô chủ. 

 Tâm thị ác nguyên, 

 Hình vi tội tẩu. 

 Như thị quán sát

 Tiệm ly sanh tử. 

lòng càng mang nhiều nổi ưu tư, muốn đi sâu vào tận suối nguồn của bản Kinh. Lời Kinh rất rõ ràng, trong sáng, dễ hiểu, nhưng đi vào nội dung, cảm thấy như cách xa vạn dậm. Tuy nhiên, càng về sau, khi cuộc đời đã trải qua bao nhiêu phong trần biến đổi. Quán chiếu lại đời, mới cảm thấy thấm thía và tường tận về nội dung của Kinh dạy. 

Làm sao biết là khổ, biết là ba cõi không an, hay là… là… khi mình không nắm bắt được bản chất của cuộc sống. Như vậy, những gì được diễn tả trong kinh điển không phải là thực tại, mà chỉ được trình bày, chỉ thẳng đến tiêu đích, như ngón tay chỉ mặt trăng. Muốn thể nhập vào thực tại, vào nội dung Kinh, thì phải chứng nghiệm đuợc lời Kinh. Bằng cách nào? Bằng hành trì, bằng sống với, trực nhận với. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi biết rằng là Đạo Phật là Đạo của thực hành, của sống. Kinh nghiệm, thực nghiệm, nhận thức, sống thực v.v… là vươn mình lên trên những nội kết đã bao đời chất chứa, dù tịnh dù nhơ, dù đau khổ, dù hạnh phúc và từ đó, mầm sống thực mới có mặt. Đoá sen được mọc lên từ bùn nhơ và bùn nhơ lại chính là tất cả những nội kết, chất liệu làm cho bông sen thanh khiết, vi diệu, trong sáng. Không có những chất liệu nầy, không thể có đoá sen tuyệt đẹp.

Trong Kinh Phật thuyết Kinh Di Đà, chúng ta nhận thấy rằng chư Phật trong mười phương đã đồng ca ngợi Đức Phật Thích Ca là một vị Giác ngộ đã làm một việc vô cùng khó khăn, hiếm có là vào cõi đời Năm trược: «Kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược», thành Phậtgiáo hoá chúng sanh. Nhưng, chúng ta cũng cần hiểu rằng: Tất cả chư Phật đều thành Phật từ nơi các cõi khổ đau, bất tịnh. Đó chính là nét đẹp tuyệt vời của Đức PhậtĐạo Phật

«đệ tử Phật thì nên hết lòng, ngày cũng như đêm, đọc tụngquán niệm về tám điều mà các bậc đại nhân đã giác ngộ

- Thứ Nhất là giác ngộ rằng cuộc đờivô thường, chế độ chính trị nào cũng dễ xụp đổ, những cấu tạo của bốn đại [1] đều trống rỗng và có tác dụng gây đau khổ, con người do tập hợp của năm ấm [2] mà có, lại không có thực ngã, sinh diệt thay đổi không ngừng, hư ngụy và không có thực quyền. Trong khi đó thì tâm ta lại là nguồn suối phát sinh điều ác và thân ta thì là một nơi tích tụ của tội lỗi. Quán chiếu như trên thì dần dần thoát được cõi sinh tử

- Thứ Hai là giác ngộ rằng càng lắm ham muốn thì lại càng nhiều khổ đau, rằng bao nhiêu cực nhọc trong cõi sinh tử đều do ham muốn mà có. Trong khi đó người ít ham muốn thì không bị hoàn cảnh sai sử, lại cảm thấy thân mình và tâm mình được thư thái

- Thứ Ba là giác ngộ rằng vì tâm ta rong ruổi chạy theo danh lợi không bao giờ biết chán cho nên tội lỗi cũng theo đó mà càng ngày càng lớn. Các bậc Bồ Tát [3] thì khác hẳn: họ luôn luôn nhớ nghĩ đến phép tri túc, an vui sống với đạm bạc để hành đạo và xem sự nghiệp duy nhất của mình là sự thực hiện trí tuệ giác ngộ

- Thứ Tư là giác ngộ rằng tính lười biếng đưa đến chỗ đọa lạc; vì vậy con người phải chuyên cần hành đạo, phá giặc phiền não, hàng phục bốn loài ma, và ra khỏi ngục tù của năm ấm và ba giới [4]. 

- Thứ Năm là giác ngộ rằng chính vì vô minh nên mới bị giam hãm trong cõi sinh tử. Các vị Bồ Tát thì thường xuyên nhớ rằng phải học rộng, biết nhiều, phát triển trí tuệ, đạt được biện tài để giáo hoá cho mọi người, để cho tất cả đạt tới niềm vui lớn. 

- Thứ Sáu là giác ngộ rằng vì nghèo khổ cho nên người ta sinh ra nhiều oán hậncăm thù, và vì thế lại tạo thêm những nhân xấu. Các vị Bồ Tát biết thế cho nên chuyên tu phép bố thí, coi kẻ ghét người thương như nhau, bỏ qua những điều ác mà người khác đã làm đối với mình và không đem tâm ghét bỏ những ai đã làm ác. 

- Thứ Bảy là giác ngộ rằng năm thứ dục vọng [5] đã gây nên tội lỗihoạn nạn. Người xuất gia tuy là người sống trong thế tục nhưng không nhiễm theo cái vui phàm tục, thường quán niệm rằng tài sản của mình chỉ là ba chiếc áo cà sa và một chiếc bình bát, tất cả đều là pháp khí, rằng chí nguyện xuất gia của mình là sống thanh bạch để hành đạo, giữ phạm hạnh cho thanh cao và đem lòng từ bi để tiếp xử với tất cả mọi người

- Thứ Tám là giác ngộ rằng vì lửa sinh tử cháy bừng cho nên mọi loài đang chịu biết bao niềm thống khổ. Biết vậy cho nên ta phải phát tâm Ðại Thừa, nguyện cứu tế cho tất cả mọi người, nguyện thay thế cho mọi người mà chịu khổ đau vô lượng, khiến cho tất cả chúng sinh đều đạt tới niềm vui cứu cánh

Tám điều nói trên là những điều giác ngộ của các bậc đại nhân, Phật và Bồ Tát; những vị này đang tinh tiến hành đạo, tu tập từ bitrí tuệ, đã cưỡi thuyền pháp thân đến được Niết Bàn. Khi trở về lại cõi sinh tử độ thoát cho chúng sinh, họ đều dùng tám điều giác ngộ ấy để khai mở và chỉ đường cho mọi người, khiến chúng sanh ai cũng giác ngộ được cái khổ của sinh tử, lìa bỏ được ngũ dục và hướng tâm vào con đường thánh . 

Nếu đệ tử Phật mà thường đọc tụng tám điều này thì mỗi khi quán niệm diệt được vô lượng tội, tiến tới giác ngộ, mau lên chính giác, vĩnh viễn đoạn tuyệt với sinh tử, thường trú trong sự an lạc» ( * ) 
 
 Một buổi chiều, sau khi đi làm về nhà và ngồi viết những trang giấy nầy như viết những lời tâm tình. Viết, ghi chú và đọc lại lại lời Kinh mà năm xưa Đức Phật đã dạy, lòng tràn trề nổi lòng qui kính, tưởng nhớ đến Đấng Cha Lành với tất cả tấm lòng yêu thương mà Ngài đối với muôn loài chúng sanh
 
Đức Phật- Từ tuổi thanh xuân, chứng Đạo quả và suốt những năm dài trên mọi nẻo đường, một chiếc y, một bình bát… đoạn đường dài đến 49 năm, dấu chân của Ngài không mệt mỏi, dù sau nầy thân đã già yếu của tuổi đời 80. 

Là người Phật tử, nhưng đọc lại nhiều bài Kinh, chúng ta chảy nước mắt. Cuộc đời của Ngài quá đơn giản như tâm địa bao la của Ngài. Có những bài Kinh kể rằng, sau khi đi khất thực trở về Tịnh xá, Ngài xúc miệng, rữa tay và ngồi xuống trên tấm bồ đoàn và những lời Kinh được giảng ra từ lúc đó, tuôn tràn những trận mưa Pháp. Có những khi Ngài tự thuyết vì thấy ích lợi cho mọi người, có khi là thuyết Pháp khi có người thưa hỏi. Tấm lòng đó cao cả quá, dày đặc như cả vũ trụ bao la, chúng ta lấy gì để báo đáp? 

Thân thể do cha mẹ sanh ra, nhưng thân huệ mạng là do những tấm lòng của những Bậc Thánh nhân đó dạy dỗ, trao truyền. Ân đức nầy, chúng ta trả ra sao? Những người con Phật, Phật tử như chúng ta với bao gánh nặng Đạo và Đời trên đôi vai, do duyên lành từ nhiều đời nhiều kiếp, may mắn gặp được Phật-Pháp-Tăng và chuyển hoá đời sống của nội tâm, để mong thoát ra khỏi những đau khổ của kiếp người, nhưng chúng ta sẽ làm gì cho Đời, cho Đạo?

Trong cuộc đời hiện tại, chúng ta thừa hưởng và có quá đầy đủ về mọi mặt. Về vật chất, chúng ta sung sướng hơn người xưa cả vạn lần, thần thông biến hoá đủ thứ được xử dụng trên cõi đời nầy, muốn gì có đó; nhưng tâm hồn chúng ta thì sao?

Có nhiều người nói về tôi rằng không hiểu biết về Phật Pháp. Cuộc sống anh đầy rẫy sự vuớng mắc, chấp trước từ vợ con, danh vọng, tiền tài, nhà cao cửa rộng, tham sân si còn đầy đủ v.v. và v.v., thì làm sao mà tu? làm sao mà làm lợi ích gì cho con người?

Thưa vâng, những lời nói đó thật đúng hoàn toàn. Đã bao lần, trong cuộc đời, đối diện hay gặp phải nhiều giông bão, mưa gió. Đây là nói về những gì xẫy ra trong đời sống, chứ không phải là mưa bão hay giông tố mưa to của thời tiết, vì nếu là giông bão thì tôi đã di tản đi nơi khác để lánh nạn rồi hoặc nếu bị mưa to gió lớn thì đóng cữa ở trong nhà cho yên thân. Nhưng đây là nói về những xáo trộn của nội tâm, của đời sống, những bất hạnh đổ ập tới… tôi có đủ cả những thất tình lục dục để đối đải, để đau khổ, để xúc cảm v.v... nhưng tự trong tâm lại buông những lời thành tâm sám hối. Sám hối những gì tôi đã gặp phải trên đường đời. Sám hối những đau khổ, đắng cay, chua xót… mà có những người đem đến cho tôi với tất cả sự thành thật nhất mà mình có được và cầu xin cho mọi người đều thoát ra khỏi những nghịch cảnh như tôi đã gặp.

Trong Pháp thân (Dharmakaya= Dharma body) của Phật, bàng bạc thực tại và là thực tại, là «nguyên ngôn» v.v… có nghĩa đồng thời tương duyên tương sanh theo Lý Duyên Khởi, cũng có nghĩa là «Một tất cả, tất cả là một».

Tôi có một Đạo Phật của tôi và tôi có quyền đó theo quan niệmnhận thức của riêng mình. Trong «vô thức tập thể = Collective Unconscious» của muôn loài, bàng bạc, ẩn hiện tánh Phật, một thực tại sáng suốt và tương duyên tương sinh. Tất cả đều liên hệ lẫn nhau, hổ tương lẫn nhau và đã bao lần chúng ta cầu nguyện, hồi hướng: «đệ tử và chúng sanh đều trọn thành Phật đạo» hoặc «tình dữ vô tình, đồng thành Phật Đạo». Xé lẻ bầu trời, chia ra làm nhiều mảnh thì chúng ta chỉ có một không gian nằm trong lòng bàn tay. Hãy để bầu trời mở rộng, bầu trời sẽ thênh thang, bao la vô tận.

Thời buổi hiện nay, là thời của thị trường, của marketing. Tất cả đều cố gắng định số trên data, trên số lượng. Nhìn bề mặt, đó là khối lượng lớn, nhưng đi vào chiều sâu, đó là môt sự nguy hiểm. Cái bản chất, cái nội dung là cái hồn của sự kiện, còn dữ kiện chỉ là một đáp ứng, có thể đưa đến bội thực… như viên đá rơi trong hồ nước, làn sóng sẽ lan, lan rộng… nhưng quan trọng vẫn là bản chất giác ngộ, giải thoát của nuớc.

Bạn ạ! Đã bao lần tôi đã chết gục trên dòng sông định mệnh, dòng sông của cuộc đời, của nội kết, của bao ngày qua. của những vọng niệm lăng xăng. chết để cho con người mới sống lại, thay đổi, từng giờ từng phút. chết đi để những hoạt cảnh cũ sẽ chỉ là những chất duỡng tố bồi đắp cho dòng sống mới…

blank

Bóng dáng ai ngày đó
một thoáng đã qua rồi

người bao năm bịn rịn 

hồn đầy những mù khơi

Cánh chim tìm giấc mộng
xoải cánh trên trời xanh

bông nở màu muôn thuở

mây cuối trời ngóng trông.

Minh Thanh 

Là người con Phật, tôi học hỏi hạnh khiêm cung với lòng trung thực “có sao, nói dzậy người ơi”. Tôi chỉ là một Phật tử đơn thuần, giản dị, mộc mạc và không hiểu nhiều về giáo lý cao xa. Lại là người có gia đình, vợ con, lo chạy ăn từng bữa. Những lời giảng dạy nào của Thầy Tổ, của Đức Phật, tôi chỉ tóm lược và áp dụng được chút nào hay chút đó. Nhớ lời Phật dạy: “Con hãy là hòn đảo của chính con” và qua gương hạnh của Ngài, tôi tập tễnh để bắt chước. Đằng sau cái giả tạo của sự bắt chước nầy, mong rằng sẽ trở thành nhát cuốc đào sâu vào nội tâm để trở thành hiện thực.

Bạn có thể là người thông thái, học rộng hiểu nhiều. Có thể bạn đang bay bổng trên mọi phương trời, từ vật chất đến tinh thần. Bạn đang làm những việc vô cùng to lớn, tôi thật mừng cho bạn vì bạn có đầy đủ phước báu, đầy đủ mọi phương tiện v.v… để làm và hãnh diện

Còn tôi, là một người “cùng tử” đã lang thang qua bao nhiêu kiếp và nay được làm con người, nên khi áp dụng Đạo Phật vào đời sống, lại giản lược để ứng dụng trong cái vụng về, giản dị, dễ hiểu. Có gia đình, tôi ráng sống trọn vẹn cho gia đình, vì tôi nghỉ rằng nếu gia đình xáo trộn, bất an… thì chính lúc nầy, tôi đã không có hạnh phúc. Và không có hạnh phúc, an lạc, tôi sợ những gì cho ra của tôi cũng đầy như tâm niệm không hay, không tốt. 

Còn nếu như con cái, những thân duyên ruột thịt của tôi, không nên người, không thành nhân và bê tha, tôi sẽ có nhiều bất an, lo lắng. Như thế, làm sao tôi có thể cống hiến những gì ích lợi cho các đàn trẻ nhỏ khác. Bạn có thể nói tôi chấp nhất, sợ hãi vu vơ, sợ nầy sơ kia sợ nọ và sẽ không làm gì được có lợi cho Cộng đồng, nhưng bạn nghĩ sao nếu tâm tôi đang có nhiều vấn đề, nhiều vấn nạn hoặc như mang nhiều tánh si tham sân, tranh giành quyền lợi, danh vọng v.v... và sẽ đem những vấn nạn đó cho cuộc đời, tôi thấy không ổn.

Con người tiền sử đã bắt đầu kết đoàn khi ý thức sự nguy hiểm rình rập của môi trường chung quanh và tư tưởng thành lập những đoàn thể cũng thành hình. Đó cũng là sự kết hợp của gia đình

Gia đình trở thành quan trọng trong xã hội, vì đó là nền tảng của xã hội. Mỗi quốc gia kết hợp, thành hình bởi nhiều con người và tất cả con người đều từ gia đình mà ra. Giữa một xã hội quá nhiều biến động, thay đổi và những biến chuyển đều ảnh hưởngtác động đến con người. Con người dù ở đâu, bất cứ mội trường nào, đều mang dáng dấp của gia đình- một sự kết đoàn của những nhân tố là con người.

Có nhiều chủ thuyết cố phá bỏ gia đình và tạo điều kiện biến con người thành những động vật, nhưng thất bại. Tôn giáo mà có nhiều người cho là “thuốc phiện ru ngủ con người”, chính là vì muốn đẩy con người theo một hướng nào đó, một lý tưởng nào đó…mà đôi khi với những tiêu đích xa vời, huyễn hoặc.

Đạo Phật ngược lại, vì nhận thức con ngườithiêng liêng, tối ư quan trọng và con người từ gia đình mà có mặt, nên hướng đi của Đạo Phật là trình bày cho con người phương pháp đưa “ tâm trở về thân”. Từ nền tảng nầy, con người chuyển hoá thành đời sống tâm linh của mình, xuất thế- xuất khỏi phiền não, những tâm địa xấu ác, những tạp nhiễm v.v… và đi vào thế cuộc, vào đời sống của con người, của gia đình, của xã hội, đem những sức sống tâm linh nầy để chuyển hoá, xây dựng như lý tưởng: “đồng thành Phật Đạo”.

Trong Đạo Nho cũng có quan niệm, tinh thần về “Xuất” và “Sử”, làm thành nền tảng cao đẹp của con người. Như trong Đạo Lý Người Xưa kể rằng: 

Khi Khổng Tử hỏi học trò của Ngài về : Thế nào là người Trí? Thế nào là người Nhân?.
- Tử Lộ nói: Người Trí là làm cho người ta biết đến mình; người Nhân là làm thế nào để cho người ta yêu mình.

- Tử Cống nói: Người Trí là biết người; nguời Nhân là yêu người.

- Nhan Hồi trả lời: Người Trí là người tự biết mình; người Nhân là người tự yêu mình.

Khổng Tử khen Tử LộTử Cống là người có học vấn. Còn riêng về Nhan Hồi thì được khen ngợi rằng: Đây mới đáng gọi là Bậc Sĩ Quân Tử, vì cái Trí và Nhân nầy bao trùm cả muôn loài, muôn vật. Bởi vì xét người thì dễ, còn xét mình thì rất khó. Nhân thì lấy chữ Tâm làm đầu, nên không tự yêu mình, không chuyển đổi những nội kết khổ đau, những phiền não, ganh tị, oán hờn v.v… đã làm khổ mình, thì làm sao có thể yêu thưong những người khác được”.

 (Trích “Đạo lý người xưa” do Hồng Khanh - Kỳ Anh biên soạn)

Gia đình là nhịp đập trái tim, là duyên nợ mà tôi cần phải chuyển hướng theo tinh thần Phật Pháp, vì tôi là Phật tử và những người thân đó đều là những vị Phật sẽ thành. Làm sao cân bằng giữa đời sống Đạo và Đời? Tôi chỉ mong phải làm sao, khi lìa bỏ thân nầy ra đi, sẽ thấy mình mỉm cười vì đã sống trọn vẹn với tình với nghĩa. 

Văn hoá Việt Nam nói rằng: “Một bồ cái lý, không bằng một tí cái tình”. 

Trên vũ trụ nầy, không có con người thì tất cả đều là vô nghĩa, trống rỗng, vô hồn và do đó, Đạo Phật được gọi là Nhân bản, vì đặt nặng vị trí nơi con người.
 
Thánh Gandhi nói rằng: “Be the change you wish to see in the world”, tôi ứng dụng Đạo Phật theo “cặp kính màu” của mình (như GS. Võ Đình Cường nói), có lẽ đó là điều không hài lòng và không đúng với bạn.

Có khoảng không gian, thời gian lo cho gia đình, dạy dỗ con cái, hướng thiện. Có chua xót, đau khổ, cảm thông khi thấy những hoạn nạn, khổ đau của người khác vì mình từng bị đau khổ, nên cũng đóng góp chút chút cho xã hội, cho con người. Dành chút thời gian để tu tập, để áp dụng những lời dạy của Đức Phật vào đời sống hàng ngày và theo nhận xét của bạn, như thế thì tôi phải qua vô lượng kiếp nữa mới hiểu, mới biết mùi vị Đạo và giải thoát được. Tôi thực sự may mắn như vậy sao?

Tôi chỉ là người làm vườn, săn sóc vườn tâm của mình, sau những ngày giờ lo sinh kế. Không tận diệt si tham sân, nhưng mong lấy những chất liệu làm nên si tham sân, chuyển hoá và tạo thành phân bón nuôi dưỡng tâm. Hoa sen tâm chỉ mọc từ bùn nhơ, nở hoa và toả hương thơm ngát. Không có những chất liệu bùn nhơ, sẽ không có một cánh sen đẹp. Không có những chất tố cấu tạo nên một con người, do si tham sân, do thất tình, lục dục và được chuyển hoá để làm nên duỡng chất để nuôi tâm, thì chúng ta sẽ có một bông sen bằng nhựa, bằng plastic.

Không có đau khổ sẽ không có hạnh phúc. Không có phiền não, sẽ không có Bồ Đề. Tất cả những công trình văn hoá, những công trình văn minh, tâm linh cao quí của nhân loại để phục vụ con người, phục vụ cho trái đất và làm cho tất cả có ý nghĩa kỳ diệu đều đến từ chất liệu được chuyển hoá nầy.

Theo đà tiến hoá của nhân loại, với sự kiện toàn cầu hoá và đến một lúc nào đó, biên giới giữa các quốc gia sẽ ngắn lại, chan hoà. Tất cả các tôn giáo sẽ biến đổi theo hướng của nhập cuộc với trào lưu tiến hoá của nhân loại. và sẽ có những tôn giáo bị đào thải, nhất là những tôn giáo độc thần, mang tính giáo điều, cuồng tín đã bao lần đưa loài người vào những thảm cảnh đau thương, khổ nạn, chiến tranh. Loài người sẽ sáng mắt ra, đem trí tuệ nhìn tận được nguồn cơn, nguồn gốc đã làm cho chiến tranh, hận thù, chém. giết lẫn nhau, giữa con nguời, dù với bất cứ lý do nào. 

Chúng ta không nói như Nhất Chi Mai: “Sống mình không thể nói. Chết mới nói được ra lời”, mà phải nói từ bây giờ, khi còn sống. Đạo Phật sẽ trở nên phổ quát, biến rộng. Phật giáo của kinh viện không còn, mà chỉ lại những con người hành đạo. Bởi vì loài người đã kinh qua một sự đau khổ tận cùng, nên ý thứctôn giáo nào có giá trị ích lợi cho con người

Con người văn minh, tiến hoà là con người đối thoại. Tôn giáo nào thực sự mang lại an lạc, hoà bình cho con người, cho muôn loài, thì tôn giáo đó cũng phải đối thoại, với bao dung, với trí tuệtừ bi

Con người hành đạo chính là sống với những gì mà mình kinh qua, nhận thức thấu đáo và cảm nhận được trung thực những điều đó và có an lạc. Đó là kinh nghiệm và sống với thực tại. Sự hành đạo, sống Đạo cũng chính là sự truyền đạo đúng nghĩa nhất. Vì đó chính là mạng sống tâm linh của mình, của mọi người, phải không bạn?

Ngày 11.07.2007 

______________________________________________

1- Trong “ Hồi hương ngẫu thơ” của Hạ Trí Chương. 
(2) Bản dịch và Chú thích của HT. Thích Nhất Hạnh

(Trích: "Nghi Thức Tụng Niệm", NXB Lá Bối, California, 1989) 

Chú Thích : 

Bốn Ðại là bốn nguyên tố hay là bốn chất cấu thành vũ trụ. Bốn đại gồm có: Ðịa đại, Thủy đại, Hỏa đại, và Phong đại

Năm ấm là sắc, thọ, tưởng, hành, và thức. Sắc là thân thể có hình có sắc. Thọ là cảm thọ vui buồn. Tưởng là tri giác bằng hình ảnh tưởng tượng lại. Hành là dụng tâm làm việc này hay việc khác. Thức là phân biệt, hay biết. Năm ấm cũng còn gọi là năm uẩn

Bồ Tát là dịch âm từ chữ Phạn, dịch âm đầy đủ là Bồ đề tát đỏa, có nghĩa là giác hữu tình Bồ Tát là người, sau khi tin Phật, học Phật, phát nguyện tự độ, độ tha, thậm chí hy sinh cả bản thân mình để cứu giúp người. Muốn làm Bồ Tát trước hết phải có tâm nguyện lớn, chủ yếu là bốn lời nguyện: "Chúng sinh vô biên thề nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, Pháp môn vô lương thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành". Mọi người từ khi phát tâm cho đến khi thành Phật được gọi là Bồ Tát, vì vậy mà có phân ra Bồ Tát phàm phuBồ Tát hiền thánh. Các vị Bồ Tát được nói tới trong các kinh Phật thường là các vị Bồ Tát hiền thánh

Ba giới là dục giới, sắc giới, và vô sắc giới, là ba cõi sống của chúng sinh: Loài người thuộc về dục giới, cõi sống của chúng sinh còn có lòng tham dục. Sắc giới là cõi sống của loài Trời. Ở cõi Trời sắc giới này, chúng sinh đã thoát khỏi mọi lòng dục, nhưng vẫn còn sắc thân. Vô sắc giới là cõi gồm những chúng sinh, không những không còn có lòng dục mà cũng không còn có sắc thân nữa, chỉ còn có tinh thần thuần tuý mà thôi. 

Năm thứ dục vọng là năm thứ ham muốn: sắc, thanh, hương, vị, và xúc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 112)
Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta gặp phải nhiều áp lực và lo lắng từ công việc, cuộc sống xã hội, về giao tiếp theo truyền thống và trên mạng xã hội.
(Xem: 137)
Là Phật tử, chúng ta thường được nghe giảng “đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ”, nhưng ý nghĩa thật sự của đạo Phật là gì?
(Xem: 157)
Trong cuộc sống đời thường, mỗi một cá nhân chúng ta thường không để ý đến hiệu quả của lòng thương trong nhiều trường hợp ứng xử hoặc trong nhiều công việc thường ngày.
(Xem: 158)
Phra Ajaan Lee Dhammadharo (1907-1961), là một trong những vị thiền sư theo truyền thống tu khổ hạnh trong rừng.
(Xem: 185)
Ở đây, này Hiền giả, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tinbất động đối với Đức Phật… đối với Pháp…
(Xem: 233)
húng ta có thân này là do nghiệp. Nghiệp được hiểu đơn giản nhất, đời thường nhất là thói quen.
(Xem: 221)
Trong chùa có một anh câm. Không ai nhớ anh ta đến chùa từ bao giờ, vả lại cũng không mấy người để ý đến anh ta.
(Xem: 232)
Danh và thực trong đời sống xã hội là nói cái tên gọi và thực chất, chức danh và khả năng, danh vị và tài đức.
(Xem: 225)
Theo giáo thuyết nhà Phật, quán tưởng là tập trung tư tưởng để quan sát, phân tích và suy nghiệm một vấn đề, giúp cho thân an và tâm không loạn động, cũng như được chánh niệm.
(Xem: 263)
Theo Phật giáo, hồi hướng được làm với lòng ước nguyện để chuyển đổi những thiện hành trở thành nguyên nhân để giúp một người đạt được toàn giác.
(Xem: 250)
Như người bị trúng tên độc là một trong những ảnh dụ gây ấn tượng mạnh mẽ về những việc cần làm ngay.
(Xem: 211)
Là một công dân, bạn có thể trở nên dễ phục tùng các mệnh lệnh, sẵn sàng nhượng bộ các quyền của bạn hơn vì những lời hứa mơ hồ về sự an toàn.
(Xem: 158)
Chánh kiến là thấy biết đúng sự thật. Thấy biết về thiện và bất thiện, căn bản của thiện và bất thiện;
(Xem: 187)
Đã xuất gia thì không ai là người ác cả, ác Tỷ kheo dùng để chỉ cho những người xuất gia tiến bộ chậm, chưa chuyển hóa các tập khí xấu ác của chính mình.
(Xem: 209)
Con người khổ đau vì không biết và không thể sống đời sống chân thực (real life). Đời sống chân thựctrong bài này được gọi là “thực tại của đời sống”.
(Xem: 294)
Hiện tại chính là thời kỳ mạt pháp, pháp đã đến đoạn cuối của nó. Phần đông không chú trọng vào sự tu hành,
(Xem: 306)
Hôm nọ lúc Đức Thế Tôn đang giảng dạy ở tu viện Kỳ Viên, có một ông say rượu loạng quạng đi vô và nói "Thế Tôn, Con muốn xuất gia đi tu".
(Xem: 386)
Bốn mươi lăm năm thuyết pháp, Đức Phật đã dày công thiết lập nên lộ trình TU CHỨNG duy nhất, là VĂN - TƯ - TU.
(Xem: 360)
Con đường giải thoát, tức là Bát Chánh Đạo. Có thể gói trọn vào một câu, hay hai câu, hay vài câu được không?
(Xem: 341)
Chữ “tu” có nghĩa là “sửa đổi” hay “thay đổi”. Sửa chữa những hành vi bất thiện sai lầm để bản thân trở nên tốt đẹp và lương thiện hơn.
(Xem: 352)
Đức Phật đến với cuộc đời không gì khác ngoài chỉ bày cho con người một nếp sống hạnh phúc an lạc.
(Xem: 609)
Chết an lànhmong mỏi to lớn và sau cùng của một kiếp nhân sinh. Ngoài đời hằng mong sinh thuận tử an.
(Xem: 578)
Pháp giớivũ trụ được các bậc giác ngộ chứng ngộ.
(Xem: 852)
Một số bài pháp hay nhất mà tôi từng nghe là những bài pháp của Đức Phật.
(Xem: 447)
Huyền thoại truyền thống về cuộc đơi Đức Phật kể lại rằng trong suốt thời niên thiếu và vào tuổi trưởng thành, thái tử Siddhattha
(Xem: 681)
Xã hội ngày nay, đời sống hiện đại phần nào làm con người bị cuốn vào guồng xoay vật chất như “thiêu thân”.
(Xem: 500)
Con đường giải thoát, tức là Bát Chánh Đạo. Có thể gói trọn vào một câu, hay hai câu, hay vài câu được không?
(Xem: 487)
Ái là tâm yêu thích. Người đời thì yêu thích nhiều thứ nên biển ái mênh mông.
(Xem: 388)
Chánh kiến là thấy biết đúng sự thật. Thấy biết về thiện và bất thiện, căn bản của thiện và bất thiện;
(Xem: 505)
Thiền sư Sawaki luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hành thiền hơn là học kinh sách hay tham công án.
(Xem: 469)
Cách đây hơn 2500 năm trước, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng dự ngôn
(Xem: 654)
“Sinh ra, tồn tại, suy biến và hoại diệt trong từng thoáng chốc. Thế gian được thấy như thế...”
(Xem: 450)
Một trong những giả định đằng sau Phật giáo đương đại (Contemporary Buddhism) là 'thông điệp' của Phật giáo có thể truyền đến...
(Xem: 853)
Con đường Bồ tát gồm hai sự tích tập trí huệ và tích tập công đức. Hai sự tích tập này đầy đủ thì được gọi là Lưỡng Túc Tôn, bậc hai sự đầy đủ, tức là một vị Phật.
(Xem: 575)
Có người nói thế giới này hư hoại, thật ra thế giới không có hư hoại. Vậy thì cái gì hư hoại?
(Xem: 580)
Buông bỏ là một hạnh lành, không phải người nào cũng làm được. Xả bỏ được bao nhiêu thì nhẹ nhàng và thong dong bấy nhiêu.
(Xem: 974)
Nhân dịp Năm Mới, tôi xin cảm ơn tất cả những người đã gửi cho tôi những lời chúc tốt đẹp, và tôi xin gửi lời chào đến tất cả chư Huynh Đệ trên khắp thế giới.
(Xem: 683)
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, vị thủy tổ đầu tiên về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam là...
(Xem: 575)
Theo truyền thuyết, rồng là loài vật linh thiêng, có thần thông, có khả năng làm mưa, phun ra khói, lửa, thăng, giáng, ẩn, hiện, biến hóa lớn nhỏ một cách tự tại.
(Xem: 876)
Trí tuệ giống như ánh sáng, và có ba cấp độ:
(Xem: 547)
Chúng ta thường nghe dặn dò rằng, hãy tu đi, đừng nói nhiều, đừng lý luận nhiều, đừng dựa vào chữ nghĩa biện biệt sẽ dễ loạn tâm
(Xem: 678)
Trước khi tìm hiểu chủ đề “Nương thuyền Bát nhã là gì? ”, chúng ta cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của từ Bát nhã.
(Xem: 651)
Từ “Phật” (Buddha) đã được biết đến và lưu truyền trước khi Đức Phật xuất hiệnẤn Độ.
(Xem: 628)
Đức Phật, Ngài là con người, bằng xương bằng thịt, như bao nhiêu con người khác...nhưng Ngài là một con người giác ngộ, tỉnh thức...
(Xem: 641)
Tham ái với thân, tập trung lo cho thân tứ đại một cách thái quá, đó là trói buộc.
(Xem: 640)
Trời có lúc nắng lúc mưa, người có lúc may mắn hoặc xui xẻo. Nhưng không có cái gì tự dưng sinh ra hay mất đi, tất cả đều có lý do của do của nó.
(Xem: 535)
Ajaan Dune Atulo (1888-1983) sinh ngày 4 tháng 10/1888 tại làng Praasaat, huyện Muang, tỉnh Surin. Năm 22 tuổi ngài xuất gia ở tỉnh lỵ.
(Xem: 709)
Đức Phật là đấng Toàn giác, bậc trí tuệ siêu việt. Càng hiểu Phật phápcuộc đời, ta càng thấy những gì Đức Phật dạy là vô cùng đúng đắn.
(Xem: 1021)
Một cá nhân hay đoàn thể đệ tử Phật thực sự có tu tập giới-định-tuệ thì được mọi người kính trọng; sống hòa hợp, nhẫn nhịn, không tranh chấp đấu đá lẫn nhau chắc chắn được mọi người thương mến.
(Xem: 1199)
"Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, khi đêm đã qua, vào lúc trời vừa sáng, Đức Thế Tôn đắp y mang bát vào nước Xá-vệ. …
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant