Nguyên tác: The Tibetan Yogas of Dream and Sleep
Nhà Xuất Bản Snow Lion Ithaca, New York, 1998
Việt dịch: Đương Đạo - Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức, 2000
PHẦN MỘT
Bản Tánh của Giấc Mộng
VÔ MINH
Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt ở Tây phương, thế nên trước hết chúng ta hãy hiểu vô minh (ma-rigpa*) nghĩa là gì. Truyền thống Tây Tạng phân biệt hai loại vô minh : vô minh bẩm sanh và vô minh văn hóa. Vô minh bẩm sanh là căn cứ của sanh tử và là tính chất để định nghĩa chúng sanh bình thường. Nó là vô minh, sự không biết về bản tánh chân thực của chúng ta và bản tánh chân thực của thế giới, và nó đưa đến sự mắc bẫy vào những vọng tưởng của tâm thức nhị nguyên.
Nhị nguyên nói lên những đa cực và những lưỡng phân. Nó phân chia sự thống nhất không vết nối của kinh nghiệm thành đây và kia, đúng và sai, anh và tôi. Căn cứ trên những phân biệt ý niệm này, chúng ta phát triển những yêu chuộng biểu lộ ra như bám lấy và ghét bỏ, những phản ứng thói quen, những cái này lập nên hầu hết cái mà chúng ta đồng hóa như là chính chúng ta. Chúng ta muốn cái này, không muốn cái kia ; tin điều này, không điều kia ; kính trọng điều này và khinh bỉ điều nọ. Chúng ta muốn lạc thú, tiện nghi, sức khỏe và danh tiếng, và cố gắng trốn tránh khổ đau, nghèo nàn, nhục nhã và không tiện nghi. Chúng ta muốn những điều ấy cho chính chúng ta và những người chúng ta thương, và chẳng để ý gì đến những người khác. Chúng ta muốn một kinh nghiệm khác với cái chúng ta đã có, hay chúng ta muốn bám vào một kinh nghiệm và tránh những thay đổi không thể tránh sẽ đưa đến sự hoại diệt kinh nghiệm này.
Có một loại vô minh thứ hai là do bị văn hóa quy định. Nó tạo thành từ những tham muốn và ghét bỏ được cơ cấu hóa trong một nền văn hóa và được làm thành điều luật trong những hệ thống giá trị. Chẳng hạn, ở Ấn Độ, người Ấn giáo tin rằng ăn thịt bò là sai và thích hợp hơn là nên ăn thịt heo. Người Hồi giáo tin rằng thích hợp hơn là ăn thịt bò nhưng họ bị cấm ăn thịt heo. Người Tây Tạng thì ăn cả hai. Ai đúng ? Người Ấn giáo nghĩ rằng những người Ấn giáo là đúng, người Hồi giáo nghĩ những người Hồi giáo là đúng, và người Tây Tạng nghĩ những người Tây Tạng đúng. Những niềm tin khác nhau khởi từ những thiên chấp và lòng tin là thành phần của văn hóa – không phải từ trí huệ căn bản.
Một thí dụ khác có thể được tìm thấy trong những xung đột nội tại của triết học. Có nhiều hệ thống triết lý được định nghĩa bởi sự bất đồng ý với một hệ thống khác trên những điểm tinh tế. Dù cho bản thân hệ thống được phát triển với ý định dẫn đưa người ta đến trí huệ, chúng sản sinh ra vô minh bởi vì những người theo chúng bám chấp vào một cái hiểu nhị nguyên về thực tại. Điều này không thể tránh trong một hệ thống ý niệm bởi vì tâm thức ý niệm tự nó đã là một biểu lộ của vô minh.
Vô minh văn hóa được phát triển và bảo tồn trong những truyền thống. Nó thấm khắp mọi phong tục, ý kiến, hệ thống giá trị và tòan bộ tri thức. Cả hai bên, những cá nhân và những văn hóa chấp nhận những yêu chuộng này một cách căn bản đến độ chúng được xem là lương tri chung hay định luật thiêng liêng. Càng lớn lên, chúng ta càng bám luyến vào những niềm tin khác nhau, vào một đảng phái chính trị, một hệ thống y khoa, một tôn giáo, một quan niệm sự vật là thế nào. Chúng ta qua trường sơ cấp, trung học, và có thể đại học và trong một nghĩa mỗi bằng cấp là một phần thưởng cho việc phát triển một vô minh ngụy biện hơn nữa. Giáo dục tăng cường thêm thói quen nhìn thế giới qua một thấu kính nào đó. Chúng ta có thể trở nên một chuyên gia trong một quan kiến sai lầm, trở nên rất chính xác trong cách hiểu của chúng ta, và tùy thuộc vào những chuyên gia khác. Điều này cũng có thể là trường hợp trong triết học, khi người ta học những hệ thống trí thức chi tiết và phát triển tâm thức thành một dụng cụ tra vấn sắc bén. Nhưng cho đến khi nào vô minh bẩm sinh được thâm nhập, người ta chỉ phát triển một thiên chấp được huân tập, chứ chẳng phải trí huệ căn bản.
Chúng ta trở nên bám luyến vào thậm chí những cái nhỏ nhất : một loại xà phòng riêng biệt hay một kiểu tóc cắt theo lối nào đó. Trên một phạm vi rộng lớn, chúng ta phát triển những tôn giáo, những hệ thống chính trị, những triết học, tâm lý học và những khoa học. Nhưng không có ai được sinh ra với niềm tin rằng ăn thịt bò hay thịt heo là sai hay một hệ thống triết lý là đúng và cái khác là sai hay tôn giáo này là đúng tôn giáo kia là sai. Những điều này phải được học. Sự trung thành ủng hộ những giá trị riêng biệt là kết quả của vô minh văn hóa, nhưng xu hướng chấp nhận những quan kiến giới hạn phát sinh trong sự nhị nguyên, nó là biểu lộ của vô minh bẩm sanh.
Điều này không xấu. Nó phải là như vậy. Những bám chấp của chúng ta có thể dẫn đến chiến tranh nhưng chúng cũng biểu hiện như là những kỹ thuật ích lợi và những nghệ thuật khác nhau có lợi lớn lao cho thế giới. Bao giờ chúng ta chưa giác ngộ, chúng ta còn tham gia vào nhị nguyên, và điều đó cũng tốt. Ở Tây Tạng có câu nói, “Khi ở trong thân của một con lừa, hãy thưởng thức vị của cỏ.” Nói cách khác, chúng nên cảm kích và hân thưởng cuộc đời này bởi vì nó tràn đầy ý nghĩa và có giá trị tự thân, và bởi vì đó là cuộc đời chúng ta đang sống.
Nếu chúng ta không cẩn thận, những giáo lý có thể được dùng để hỗ trợ cho vô minh của chúng ta. Người ta có thể nói rằng người nào đắc được một cấp độ cao cấp là xấu hay có chế độ ăn uống kiêng cữ là sai lầm, nhưng đó không phải là điểm cốt yếu chút nào. Hay người ta có thể nói vô minh là xấu hay đời sống bình thường chỉ là sự ngu ngốc sanh tử. Nhưng vô minh chỉ là sự che ám tâm thức. Tham luyến vào nó hay ghê tởm nó cũng là trò chơi cũ kỹ của nhị nguyên, diễn bày trong lãnh vực của vô minh. Chúng ta có thể thấy nó phổ khắp như thế nào. Dù cho những giáo lý phải làm việc với nhị nguyên – chẳng hạn bằng cách khuyến khích sự gắn bó với cái thiện và ghét bỏ cái bất thiện – một cách nghịch lý chúng dùng nhị nguyên của vô minh để đánh bại vô minh. Cái hiểu biết của chúng ta phải vi tế biết bao nhiêu và chúng ta có thể dễ dàng lạc mất biết bao nhiêu ! Đây là tại sao thực hành là cần thiết, để có kinh nghiệm trực tiếp hơn là chỉ phát triển hệ thống ý niệm khác để thi thiết và bảo vệ. Khi những sự vật được nhìn từ một viễn cảnh cao hơn, chúng là bình đẳng. Từ viễn cảnh của trí huệ bất nhị, không có gì là quan trọng hay không quan trọng.
NHỮNG
HÀNH ĐỘNG VÀ KẾT QUẢ :
NGHIỆP
VÀ NHỮNG DẤU VẾT CỦA NGHIỆP
Văn hóa trong đó chúng ta sống quy định chúng ta, nhưng chúng ta mang những hạt giống của sự bị quy định theo với chúng ta bất kỳ nơi nào chúng ta đến. Mọi cái quấy phá chúng ta thực ra ở trong tâm thức chúng ta. Chúng ta trách móc về môi trường, hoàn cảnh gây ra sự bất hạnh của chúng ta và tin rằng nếu chúng ta có thể thay đổi hoàn cảnh chúng ta sẽ hạnh phúc. Nhưng tình huống trong đó chúng ta sống chỉ là nguyên nhân phụ của sự khổ đau của chúng ta. Nguyên nhân chính yếu là vô minh bẩm sanh và lòng tham có ra từ đó mong muốn sự vật phải khác hơn chúng là như vậy.
Có lẽ chúng ta định trốn thoát khỏi những căng thẳng của thành phố bằng cách đi ra biển hay lên núi. Hay chúng ta bỏ sự vắng vẻ và những khó khăn của đồng quê để lấy sự kích động của thành thị. Sự đổi thay có thể tốt bởi vì những nguyên nhân phụ được thay đổi và có thể có hài lòng. Nhưng chỉ một thời gian ngắn. Gốc rễ của sự bất mãn của chúng ta đi theo chúng ta đến nơi ở mới, và từ đó nó làm lớn thêm những bất toại nguyện mới. Chẳng bao lâu chúng ta lại bị giam nhốt trong cái hỗn loạn của hy vọng và sợ hãi.
Hay chúng ta nghĩ nếu chúng ta có nhiều tiền hơn, hay một người bạn đời tốt hơn, hay một thân thể tốt hơn, một công việc, một giáo dục tốt hơn, chúng ta sẽ hạnh phúc. Nhưng chúng ta tự biết điều ấy không đúng. Người giàu không thoát khỏi khổ đau, một người tình mới sẽ không thỏa mãn chúng ta ở một phương diện nào đấy, thân thể sẽ già, công việc mới sẽ dần kém hấp dẫn, và vân vân. Khi chúng ta nghĩ giải pháp cho mỗi bất hạnh của chúng ta có thể được tìm thấy trong thế giới bên ngoài, những tham muốn của chúng ta có thể tạm thời được thỏa mãn. Nhưng không hiểu giải pháp thật sự, chúng ta chòng chành lối này lối nọ theo những cơn gió tham dục, không bao giờ yên nghĩ và thỏa mãn. Chúng ta bị nghiệp của mình cai trị và tiếp tục gieo những hạt giống nghiệp cho những vụ mùa phong nhiêu sẽ tới. Cách hành động này không chỉ làm chúng ta phóng dật khỏi con đường tâm linh, mà nó còn ngăn cản chúng ta không tìm thấy hạnh phúc và thỏa mãn trong cuộc sống hàng ngày.
Bao giờ chúng ta còn đồng hóa với sự bám nắm và ghét bỏ của tâm thức vọng đôïng, chúng ta còn sản xuất những xúc tình tiêu cực sanh ra nơi khoảng trống giữa cái đang là và cái chúng ta muốn. Những hành động phát sanh từ những xúc tình này, gồm hầu hết mọi hành động của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày, đã để lại những dấu vết nghiệp.
Karma* (nghiệp) nghĩa là hành động. Những dấu vết nghiệp* là những kết quả của những hành động, chúng ở lại trong thức và ảnh hưởng vào tương lai chúng ta. Chúng ta có thể hiểu phần nào những dấu vết nghiệp nếu chúng ta xem chúng là những khuynh hướng, những khuôn khổ của thái độ đối xử bên trong và bên ngoài, những phản ứng thâm căn cố đế, những tạo thành ý niệm theo thói quen. Chúng ngự trị, điều động những phản ứng xúc tình của chúng ta đối với những hoàn cảnh, những hiểu biết trí thức của chúng ta cũng như những thói quen xúc tình cá biệt và những cứng nhắc trí óc của chúng ta. Chúng tạo ra và quy định hóa, điều kiện hóa mọi đáp ứng chúng ta thường có đối với mỗi yếu tố của kinh nghiệm chúng ta.
Đây là một thí dụ về những dấu vết nghiệp trên một cấp độ thô, dù cho cùng một động lực cũng tác động trong những cấp độ vi tế nhất và bao quát nhất của kinh nghiệm : một người lớn lên trong một căn nhà có nhiều cãi vã, tranh chấp. Rồi có thể ba, bốn mươi năm sau khi rời khỏi căn nhà, người ấy đi vào một đường phố và ngang qua một căn nhà có người đang cãi và tranh đấu với nhau. Đêm ấy y có một giấc mộng thấy mình cãi vã và tranh đấu với vợ hay người tình. Khi thức dậy, y cảm thấy buồn rầu và mệt mỏi. Điều này người vợ nhận xét ra và phản ứng với tính khí đó, càng làm cho y giận thêm.
Chuỗi kinh nghiệm này chỉ cho chúng ta một cái gì về những dấu vết nghiệp. Khi người đàn ông ấy còn trẻ, nó phản ứng với sự tranh đấu trong nhà bằng sợ hãi, giận dữ và tổn thương. Nó cảm thấy căm ghét tranh đấu, một đáp ứng bình thường, và sự căm ghét này để lại trong tâm thức nó một dấu vết. Hàng chục năm sau nó đi ngang một căn nhà và nghe tiếng cãi vã, tranh đấu; đây là điều kiện phụ kích thích nghiệp xưa cũ, biểu lộ trong một giấc mơ đêm hôm ấy.
Trong giấc mộng, người đàn ông phản ứng với sự khiêu khích của người vợ trong mộng với những cảm giác giận dữ và tổn thương. Sự đáp ứng này bị chỉ huy bởi những dấu vết nghiệp đã tích tập trong thức của nó hồi nhỏ và chắc chắn đã được làm mạnh thêm nhiều lần từ đó. Khi người vợ trong mộng – người chỉ là một phóng chiếu của tâm thức nó – khiêu khích nó, phản ứng của nó là căm ghét, như hồi còn nhỏ. Sự căm ghét nó cảm thấy trong mộng là một hành động mới tạo ra hạt giống mới. Khi thức dậy, nó bị kẹt trong những xúc tình tiêu cực là quả của những nghiệp trước. Nó cảm thấy lạnh nhạt và mệt mỏi với vợ mình. Vấn đề rắc rối hơn khi người vợ phản ứng từ những khuynh hướng nghiệp thói quen đã định, có thể trở nên tức giận, mệt mỏi, hối tiếc, hay quỵ lụy và người đàn ông lại phản ứng một cách tiêu cực, gieo rắc thêm hạt giống nghiệp khác.
Mọi phản ứng với bất kỳ hoàn cảnh nào – ngoài hay trong, thức hay ngủ – được cắm rễ trong thương hay ghét, đều để lại những dấu vết trong tâm thức. Vì nghiệp điều khiển những phản ứng, những phản ứng gieo thêm hạt giống nghiệp, những hạt giống nghiệp này lại điều khiển những phản ứng v.v... Đấy là việc nghiệp đưa tới nghiệp nhiều hơn như thế nào. Đó là bánh xe sanh tử, chu trình không ngừng của hành động và phản ứng.
Dù thí dụ này chỉ nhắm vào nghiệp trên cấp độ tâm lý học, thực ra nghiệp xác định mọi chiều kích của hiện hữu. Nó tạo thành những hình tượng tình cảm và tinh thần trong đời sống một cá nhân cũng như tri giác và sự giải thích về hiện hữu, sự vận hành của thân thể và cơ cấu nhân và quả của thế giới bên ngoài. Mỗi phương diện của kinh nghiệm, dù lớn hay nhỏ, đều bị nghiệp cai trị.
Những dấu vết nghiệp lưu lại trong tâm thức giống như những hạt giống. Và như những hạt giống, chúng đòi hỏi vài điều kiện để biểu lộ. Như một hạt giống cần sự phối hợp đúng của ẩm ướt, ánh sáng, chất bồi bổ và nhiệt độ để mọc mầm và lớn lên, dấu vết nghiệp được biểu lộ khi gặp phải hoàn cảnh thích đáng. Những yếu tố của hoàn cảnh hỗ trợ sự biểu lộ của nghiệp là những nguyên nhân và điều kiện (duyên) thứ yếu.
Ích lợi khi nghĩ về nghiệp như tiến trình của nhân quả, bởi vì điều này đưa đến nhận biết rằng những chọn lựa tạo nên trong sự đáp ứng với mọi hoàn cảnh trong hay ngoài đều có những hậu quả. Một khi chúng ta thực sự hiểu rằng mỗi dấu vết nghiệp là một hạt giống cho hành động bị nghiệp cai quản khác nữa, chúng ta có thể dùng cái hiểu ấy để tránh tạo ra nghiệp tiêu cực trong đời chúng ta, và thay vào đó, chúng ta tạo ra những điều kiện chúng sẽ tác động đến cuộc đời chúng ta theo một chiều hướng tích cực. Hay, nếu chúng ta biết làm, chúng ta có thể cho phép xúc tình phiền não được tự giải thoát ngay khi nó khởi sanh, trong trường hợp này không có nghiệp nào được tạo ra cả.
NGHIỆP TIÊU CỰC
Nếu chúng ta phản ứng với một hoàn cảnh bằng xúc tình tiêu cực, dấu vết để lại trong tâm thức rồi sẽ chín và ảnh hưởng một hoàn cảnh nào đó trong cuộc đời theo một cách tiêu cực. Thí dụ, nếu ai nổi giận với chúng ta và chúng ta phản ứng lại với giận dữ, chúng ta để lại một dấu vết làm cho có khả năng hơn để giận dữ khởi lên lại trong chúng ta, và hơn nữa chúng ta có khả năng hơn để gặp những hoàn cảnh thứ yếu cho phép cơn giận dữ thói quen sanh khởi. Điều này dễ thấy nếu chúng ta có nhiều giận dữ trong đời mình hay chúng ta biết có ai như vậy. Người hay nổi giận liên tục gặp những hoàn cảnh hình như để chứng thực cho sự giận dữ của họ, trong khi người ít giận thì không gặp. Những hoàn cảnh bên ngoài có thể tương tự nhưng những khuynh hướng nghiệp tạo ra những thế giới chủ quan khác nhau.
Nếu một xúc tình được biểu hiện một cách xung động nó có thể gây ra những hệ quả và phản ứng mạnh mẽ. Giận dữ có thể đưa đến đánh nhau hay loại hủy hoại khác. Người ta có thể bị thương tổn về mặt thân thể hay tình cảm. Điều này không chỉ đúng cho giận dữ ; nếu sợ hãi được biểu hiện ra nó cũng có thể được tạo ra căng thẳng lớn lao cho người chịu đựng nó, có thể làm cho người ấy xa lánh những người khác... Không khó để thấy điều này dẫn đến những dấu vết tiêu cực ảnh hưởng đến tương lai một cách tiêu cực như thế nào.
Nếu chúng ta đè nén xúc tình, vẫn còn có một dấu vết tiêu cực. Dồn nén là một biểu lộ của ghét bỏ. Nó xảy ra bằng sự cột chặt cái gì bên trong chúng ta, đặt cái gì sau một cánh cửa và khóa cửa lại, ép buộc một phần kinh nghiệm của chúng ta nằm trong bóng tối, có vẻ như chờ đợi trong thù nghịch, cho đến khi một nguyên nhân thư yếu thích hợp gọi nó ra. Điều này có thể biểu lộ trong nhiều cách. Chẳng hạn, nếu chúng ta đè nén sự ghen tỵ đối với những người khác, cuối cùng nó có thể biểu lộ trong một bùng vỡ xúc tình, hay nó có thể hiện diện trong những phê phán nặng nề những người gần gũi với người chúng ta âm thầm ghen tỵ, dầu chúng ta bác bỏ việc mình có lòng ghen tỵ. Sự phê phán của tâm trí cũng là một hành động, đặt nền trên ghét bỏ, nó tạo ra những hạt giống nghiệp xấu.
NGHIỆP TÍCH CỰC
Thay vì những đáp ứng tiêu cực như vậy – bằng cách bị khuynh hướng nghiệp dẫn dắt vào một thái độ hay bằng cách đè nén nó – chúng ta có thể dừng lại trong giây phút và tiếp thông với chính chúng ta và lựa chọn tạo ra cái đối trị lại với xúc tình tiêu cực. Nếu có ai nổi giận với chúng ta và cơn giận của chúng ta cũng khởi lên, cái đối trị là lòng bi. Sự khơi dậy nó có thể là cưỡng bách và không chính thống lúc ban đầu, nhưng nếu chúng ta thấu hiểu rằng con người đang làm chúng ta tức giận đang bị thúc đẩy bởi sự bị điều kiện hóa của chính nó và hơn nữa thấu hiểu rằng nó đang khổ đau vì một hạn hẹp thúc ép của thức bởi vì nó bị mắc bẫy trong nghiệp tiêu cực của chính nó, chúng ta có thể cảm thấy lòng bi mẫn nào đó và có thể bắt đầu buông bỏ những phản ứng tiêu cực của chúng ta. Khi làm thế, chúng ta bắt đầu tạo hình cho tương lai của chúng ta một cách tích cực.
Sự đáp ứng mới mẻ này, còn căn cứ trên tham muốn – trong trường hợp này là tham muốn đức hạnh hay bình an hay sự tăng trưởng tâm linh – sản sanh ra một dấu vết nghiệp tích cực ; chúng ta đã gieo hạt giống của lòng bi. Lần sau, khi gặp giận dữ chúng ta có khả năng hơn một ít để đáp ứng bằng lòng bi, nó thì thoải mái và khoáng đạt hơn nhiều so với cơn giận chật hẹp của việc bảo vệ bản ngã. Theo cách này, sự thực hành đức hạnh dần dần tu sửa lại sự đáp ứng tiêu cực của chúng ta với thế giới và chúng ta thấy mình chẳng hạn như càng lúc càng ít gặp sự giận dữ cả ngoài lẫn trong. Nếu chúng ta tiếp tục trong sự thực hành này, cuối cùng lòng bi sẽ sanh khởi tự nhiên và không cố gắng. Dùng sự thấu hiểu nghiệp, chúng ta có thể tu sửa lại tâm thức của chúng ta để sử dụng mọi kinh nghiệm, dù là những giấc mộng ban ngày thoáng qua và riêng tư nhất, để hỗ trợ cho thực hành tâm linh chúng ta.
GIẢI THOÁT NHỮNG XÚC TÌNH
Đáp ứng tốt nhất với xúc tình tiêu cực là cho phép nó tự giải thoát bằng cách để nó ở trong tánh tỉnh giác bất nhị, thoát khỏi bám nắm và ghét bỏ. Nếu có thể làm được điều này, xúc tình đi qua chúng ta như một con chim bay qua không gian ; không dấu vết nào của sự đi qua được lưu lại. Xúc tình khởi lên và rồi tự nhiên tan biến vào tánh không.
Trong trường hợp này, hạt giống nghiệp biểu lộ – như xúc tình hay tư tưởng hay cảm giác thân thể hay một xung đột đối với những thái độ riêng biệt – nhưng bởi vì chúng ta không đáp ứng với nắm lấy hay ghét bỏ, không có hạt giống nghiệp tương lai nào được phát sanh. Chẳng hạn mỗi lần ganh ghét được cho phép khởi lên và tan biến vào trong tỉnh giác mà chúng ta không bị nó nắm bắt hay cố gắng đè ép nó, thì sức mạnh của khuynh hướng nghiệp về ganh ghét giảm sút. Không có hành động mới nào để tăng cường nó. Giải thoát xúc tình theo cách này sẽ cắt đứt nghiệp tận gốc của nó. Đó cũng giống như chúng ta đốt những hạt giống nghiệp trước khi chúng có cơ hội lớn lên thành những rắc rối trong đời chúng ta.
Bạn có thể hỏi tại sao tốt hơn là giải thoát xúc tình thay vì phát sanh nghiệp tích cực. Câu trả lời là mọi dấu vết nghiệp đều bó buộc, giới hạn chúng ta vào những bản sắc riêng biệt. Mục đích của con đường là giải thoát toàn triệt khỏi mọi sự bị quy định, bị điều kiện hóa. Điều này không có nghĩa một khi người ta được giải thoát, những tính cách tích cực như lòng bi không hiện diện. Chúng có mặt. Nhưng khi chúng ta không còn bị những khuynh hướng nghiệp sai sử, chúng ta có thể thấy hoàn cảnh chúng ta rõ ràng và đáp ứng một cách tự nhiên và thích đáng, hơn là bị đẩy vào một hướng này hay đưa vào một hướng khác. Lòng bi tương đối khởi lên từ những khuynh hướng nghiệp tích cực thì rất tốt, nhưng tốt hơn là lòng bi tuyệt đối khởi lên không từ nỗ lực và hoàn hảo trong đó cá nhân được giải thoát khỏi sự bị điều kiện hóa theo nghiệp. Nó thì rỗng rang hơn và bao trùm hơn, hiệu quả hơn và thoát khỏi những mê lầm của nhị nguyên.
Dù cho phép xúc tình tự giải thoát là cách đáp ứng tốt nhất, cũng khó mà làm trước khi sự thực hành của chúng ta được phát triển và vững chắc. Nhưng dù sự thực hành của chúng ta mới bắt đầu, tất cả chúng ta có thể quyết định dừng lại một lúc khi xúc tình sanh khởi, rà xét lại trong chúng ta, và chọn lựa hành động một cách khéo léo thiện xảo đến mức tốt nhất có thể được. Chúng ta đều có thể học làm cùn nhụt sức mạnh của xung động, của những thói quen nghiệp. Chúng ta có thể dùng một tiến trình ý niệm, nhắc nhở chúng ta rằng xúc tình chúng ta đang kinh nghiệm chỉ là quả của những dấu vết nghiệp trước kia. Bấy giờ chúng ta có thể thư giãn, buông xả sự đồng hóa của chúng ta với xúc tình hay quan điểm, và bỏ đi sự phòng thủ bảo vệ của mình. Khi nút thắt của xúc tình nới lỏng, bản sắc cá tính trở nên thư giãn và khoáng đạt hơn, rỗng rang hơn. Chúng ta có thể chọn lựa một đáp ứng tích cực hơn, gieo trồng những hạt giống nghiệp tích cực. Lại nữa, quan trọng là làm điều này mà không dồn nén xúc tình. Chúng ta nên thư giãn khi chúng ta phát sanh lòng bi, không phải đè nén một cách cứng ngắc sự giận dữ trong thân thể chúng ta khi cố gắng nghĩ những tư tưởng tốt đẹp.
Hành trình tâm linh không chỉ làm lợi lạc tương lai xa xôi hay đời sắp tới của chúng ta. Khi chúng ta thực hành huấn luyện mình phản ứng tích cực hơn với những hoàn cảnh, chúng ta thay đổi những dấu vết nghiệp của chúng ta và phát triển những phẩm tính, chúng tạo thành những thay đổi tích cực trong những cuộc đời mà chúng ta đang sống ngay từ bây giờ. Khi chúng ta thấy rõ ràng hơn rằng mỗi kinh nghiệm, dù nhỏ nhặt và riêng tư, đều có một kết quả, chúng ta có thể dùng cái hiểu này để thay đổi những cuộc đời và những giấc mộng của chúng ta.
NHỮNG CHE ÁM CỦA THỨC
Những dấu vết nghiệp ở lại với chúng ta như những tàn dư tâm lý của những hành động được thực hiện với bám nắm hay ghét bỏ. Chúng là những che ám của thức được cất giữ trong thức nền tảng của cá thể, trong kunzhi namshe*, (thức a lại da). Dù người ta nói nó là một kho chứa, thức a lại da thực ra tương đương với sự che ám của thức : khi không có những che ám của thức thì cũng không có thức a lại da. Nó không phải là một vật hay một nơi chốn ; nó là động lực làm nền cho sự cấu tạo của kinh nghiệm nhị nguyên. Nó là không bản chất như một tập hợp những thói quen và cũng đầy uy lực như những thói quen cho phép ngôn ngữ có ý nghĩa, những hình sắc phân thành những đối tượng, và hiện hữu xuất hiện với chúng ta như cái gì có ý nghĩa mà chúng ta có thể điều khiển và hiểu biết.
Ẩn dụ thông thường cho thức a lại da là một nhà kho hay nơi chứa giữ không thể phá hủy được. Chúng ta có thể nghĩ thức a lại da chứa giữ một tổng hợp những khuôn mẫu hay giản đồ. Nó là một ngữ pháp của kinh nghiệm bị tác động trong phạm vi lớn hay nhỏ bởi mỗi hành động chúng ta làm bên ngoài hay bên trong, thân xác hay ý thức. Bao giờ những khuynh hướng thói quen hiện hữu trong tâm thức của cá nhân thì thức a lại da có hiện hữu. Khi người ta chết và thân thể tan rã, thức a lại da không hư hoại. Những dấu vết nghiệp tiếp tục trong thức cho đến khi nào chúng được tịnh hóa. Khi chúng hoàn toàn được tịnh hóa, không có thức a lại da nữa và cá nhân ấy là một đức Phật.
NHỮNG DẤU VẾT NGHIỆP VÀ GIẤC MỘNG
Tất cả kinh nghiệm sanh tử được tạo thành bởi những dấu vết nghiệp. Tính khí, tư tưởng, xúc tình, hình ảnh tâm thức, tri giác, phản ứng bản năng, “lương tri”, và ngay cả cảm thức về bản thân chúng ta đều bị những công việc của nghiệp cai trị, điều khiển. Thí dụ, bạn có thể thức dậy với một cảm giác buồn chán. Bạn có bữa ăn sáng, mọi sự có vẻ tốt cả, nhưng có một cảm thức buồn chán không biết từ đâu. Trong trường hợp này chúng ta nói nghiệp gì đó đã chín. Những nguyên nhân và điều kiện (nhân và duyên) đã cùng chung nhau theo một cách để buồn chán biểu lộ. Có hàng trăm lý do để cơn buồn chán này xảy ra trong buổi sáng đặc biệt này, và nó có thể biểu lộ trong muôn ngàn cách. Nó cũng có thể biểu lộ trong đêm như một giấc mộng.
Trong giấc mộng, những dấu vết nghiệp biểu lộ trong thức không bị ràng buộc bởi tâm thức lý tính. Chúng ta có thể nghĩ về tiến trình như vầy : suốt ngày thức soi sáng các giác quan và chúng ta kinh nghiệm thế giới, đan dệt những kinh nghiệm tâm thức và giác quan thành một toàn thể có ý nghĩa của đời sống chúng ta. Vào ban đêm thức rút khỏi những giác quan và ở trong cái nền tảng. Nếu chúng ta đã phát triển một thực hành mạnh mẽ về sự hiện diện với nhiều kinh nghiệm về bản tánh trống không sáng rỡ của tâm thức, bấy giờ chúng ta sẽ biết và ở trong tánh tỉnh giác thuần khiết, trong vắt này. Nhưng đối với hầu hết chúng ta, thức làm hiển lộ những che ám, những dấu vết nghiệp và những cái ấy biểu lộ thành một giấc mộng.
Những dấu vết nghiệp giống như những tấm ảnh chúng ta chụp từ mỗi kinh nghiệm. Mỗi một phản ứng nắm lấy hay ghét bỏ với mỗi một kinh nghiệm – với những kỷ niệm, cảm giác, tri giác giác quan, hay những tư tưởng – thì giống như chụp một tấm ảnh. Trong phòng tối của giấc ngủ, chúng ta chiếu phim. Những hình ảnh được chiếu trong một đêm sẽ được xác định bằng điều kiện phụ vừa mới gặp. Một số hình ảnh hay dấu vết cháy hằn sâu trong chúng ta bởi những phản ứng mạnh mẽ, trong khi những cái khác có từ những kinh nghiệm trên bề mặt, chỉ để lại một chất cặn mờ nhạt. Thức của chúng ta như ánh sáng của một máy chiếu, làm hiển lộ dấu vết đã được kích thích và chúng biểu lộ như những hình ảnh và những kinh nghiệm của giấc mộng. Chúng ta kết hợp chúng thành một cuộn phim, tâm thức chúng ta làm cho nó thành có ý nghĩa, đưa đến một câu chuyện kể tạo thành từ những khuynh hướng bị quy định và những bản sắc thói quen : đó là giấc mộng.
Cùng tiến trình này tiếp tục xảy ra khi chúng ta thức, tạo ra cái chúng ta thường nghĩ như là “kinh nghiệm của chúng ta”. Trong giấc mộng những động lực thì dễ hiểu hơn, bởi vì chúng có thể được quan sát ngoài những giới hạn của thế giới vật chất và tâm thức lý tính. Suốt ngày, dù vẫn dấn thân vào cùng tiến trình tạo thành giấc mộng, chúng ta phóng chiếu cái hoạt động bên trong này của tâm thức lên thế giới và nghĩ rằng những kinh nghiệm của chúng ta là “thực” và ở ngoài tâm thức của riêng chúng ta.
Trong yoga giấc mộng, sự hiểu biết về nghiệp được dùng để huấn luyện tâm thức phản ứng khác khi đối với kinh nghiệm, đưa đến những dấu vết nghiệp mới và từ chúng những giấc mộng sanh ra dễ hướng hơn vào hành trình tâm linh. Điều này không phải là sức mạnh cưỡng ép, ý thức dành quyền áp bức vô thức. Yoga giấc mộng lại dựa vào tỉnh giác và quán chiếu được tăng cường để cho phép chúng ta có những chọn lựa tích cực trong đời sống. Hiểu cơ cấu năng động của kinh nghiệm và những hậu quả của những hành động đưa tới sự nhận biết rằng mỗi kinh nghiệm bất kỳ loại nào đều là một cơ hội cho thực hành tâm linh.
Thực hành giấc mộng cũng cho chúng ta một phương pháp đốt cháy những hạt giống của nghiệp tương lai trong giấc mộng. Nếu chúng ta an trụ trong tánh tỉnh giác suốt một giấc mộng, chúng ta có thể cho phép những dấu vết nghiệp tự giải thoát khi chúng khởi lên và chúng sẽ không tiếp tục biểu lộ như những trạng thái tiêu cực trong đời sống chúng ta nữa. Như trong đời sống lúc thức, điều này sẽ chỉ xảy ra nếu chúng ta có thể ở trong tỉnh giác bất nhị của rigpa*, tịnh quang của tâm thức. Nếu chúng ta không thể làm điều đó, chúng ta còn có thể phát triển những khuynh hướng để chọn lựa thái độ tích cực ngay trong những giấc mộng cho đến khi chúng ta có thể vượt khỏi những yêu chuộng và nhị nguyên.
Cuối cùng, khi chúng ta tịnh hóa những che ám đến độ không có gì còn lại, không có phim, không có những ảnh hưởng nghiệp được che dấu, những cái làm nên màu sắc và hình dáng cho ánh sáng của tâm thức chúng ta. Bởi vì những dấu vết nghiệp là những gốc rễ của giấc mộng, khi chúng hoàn toàn cạn kiệt thì chỉ còn lại ánh sáng thanh tịnh của tánh tỉnh giác : không phim, không câu chuyện, không người mộng và không giấc mộng, chỉ có bản tánh nền tảng sáng ngời là thực tại tuyệt đối. Đây là tại sao giác ngộ là sự chấm dứt của những giấc mộng và được gọi là “tỉnh thức”.
SÁU CÕI CỦA SANH TỬ LUÂN HỒI
Theo những giáo lý, có sáu cõi (loka*) của hiện hữu trong đó tất cả những chúng sanh bị mê lầm đang sống. Đó là những cõi của chư thiên, bán-thiên, người, thú, quỷ đói và địa ngục. Một cách căn bản, những cõi ấy là sáu chiều kích của tâm thức, sáu chiều kích của kinh nghiệm có thể có được. Chúng biểu lộ trong cá nhân chúng ta như là sáu xúc tình tiêu cực, sáu phiền não: Sân, tham, vô minh, ghen ghét, kiêu mạn và phóng dật thích thú. (Phóng dật thích thú là trạng thái xúc tình khi năm xúc tình kia hiện diện trong mức độ cân bằng, hòa hợp quân bình). Tuy nhiên sáu cõi không chỉ là những phạm trù của những kinh nghiệm xúc tình mà cũng là những cõi thực có mà chúng sanh sanh ra trong đó, như chúng ta được sanh vào cõi người hay một con sư tử sanh vào cõi thú.
Mỗi cõi có thể được nghĩ như một dòng tương tục của kinh nghiệm. Chẳng hạn cõi địa ngục tạo lập trong dãy từ kinh nghiệm xúc tình bên trong là giận dữ và thù ghét, cho đến những thái độ tính khí cắm rễ trong giận dữ như chiến đấu và chiến tranh, đến những thể chế, thành kiến và thiên chấp xây dựng trên thù ghét như quân đội, thù ghét chủng tộc, và không khoan dung, đến cõi thực trong đó chúng sanh địa ngục sống. Một cái tên cho toàn bộ chiều kích kinh nghiệm này, từ xúc tình cá nhân đến chỗ có thật, là “địa ngục.”
Giống như những giấc mộng, những cõi là những biểu lộ của những dấu vết nghiệp, nhưng trong trường hợp các cõi, những dấu vết nghiệp là tập thể, cộng nghiệp hơn là biệt nghiệp. Bởi vì nghiệp là tập thể, những chúng sanh trong mỗi cõi chia xẻ những kinh nghiệm tương tự trong một thế giới đồng cảm, như khi chúng ta chia xẻ những kinh nghiệm tương tự với những người khác. Cộng nghiệp tạo ra những thân thể và giác quan và khả năng tinh thần cho phép cá thể tham dự chia xẻ những tiềm năng và phạm trù của kinh nghiệm trong khi lại làm cho các loại kinh nghiệm khác không thể có được. Chẳng hạn, những con chó đều có thể nghe những âm thanh mà con người không nghe được, và những con người kinh nghiệm ngôn ngữ theo một cách mà loài chó không thể.
Dù những cõi có vẽ phân biệt và cứng đặc, như thế giới của chúng ta đối với chúng ta, chúng thật sự là như mộng và không có bản chất. Chúng thâm nhập lẫn nhau và chúng ta đều nối kết với mỗi cõi. Chúng ta có những hạt giống của sự tái sanh vào các cõi khác trong chúng ta, và khi chúng ta kinh nghiệm những xúc tình khác chúng ta tham dự vào một số những tính cách và khổ đau đặc trưng của những cõi khác. Chẳng hạn khi chúng ta bị giam nhốt trong kiêu hãnh tự quy hay trong ghen ghét giận dữ, chúng ta kinh nghiệm cái gì thuộc về tính cách của cõi bán thiên.
Đôi khi những cá nhân có một sự trổi bật về một chiều kích trong sự cấu tạo của nó : nhiều tính thú vật hơn, hay nhiều tính quỷ đói hơn, hay nhiều tính chư thiên hơn. Nó trổi bật như một nét thống trị của tính cách họ, và có thể được nhận ra trong cách họ nói năng, đi đứng và trong những mối quan hệ của họ. Chúng ta có thể biết người luôn luôn hình như bị mắc vào cõi quỷ đói: họ không bao giờ thấy đủ, họ luôn luôn đói khát hơn nữa mọi thứ – thêm nữa bạn bè, môi trường, cuộc sống – nhưng chẳng bao giờ thỏa mãn. Hay có lẽ chúng ta biết người nào có vẻ giống như một chúng sanh địa ngục : giận dữ, thô bạo, điên dại, rối loạn. Thường hơn, người ta có những phương diện của mọi chiều kích trong con người cá thể của họ.
Vì những chiều kích của thức như vậy biểu lộ trong những xúc tình, thì việc chúng là phổ quát như thế nào trở nên rõ ràng. Chẳng hạn, mỗi văn hóa đều biết sự ghen tỵ. Hình thức xuất hiện của ghen tỵ có thể biến đổi bởi vì sự diễn tả xúc tình là một phương tiện thông tin, một ngôn ngữ bằng cử chỉ, cả hai đều do sinh học và văn hóa quyết định, và văn hóa thì sai khác. Nhưng cảm xúc ghen tỵ là như nhau ở bất kỳ nơi đâu. Trong Phật giáo cũng như đạo Bošn, tính phổ quát này được giải thích bằng và liên hệ với sự hiện hữu của các cõi.
Sáu xúc tình tiêu cực không tạo thành một danh sách đầy đủ các phiền não, nhưng vô ích khi nói rằng tại sao không có cõi nào cho buồn bã và sợ hãi. Sợ hãi có thể xảy ra trong bất kỳ cõi nào, cũng như buồn bã hay giận dữ hay ghen tỵ hay tình thương. Dù những xúc tình tiêu cực là những kinh nghiệm cảm xúc mà chúng ta có, và là những kinh nghiệm cảm xúc đặc trưng của các cõi, chúng cũng là những chủ âm tiêu biểu cho toàn thể chiều kích của kinh nghiệm, dòng tương tục từ kinh nghiệm xúc tình cá thể đến những cõi có thực. Và những chiều kích này mỗi cái đều bao trùm những khả tính rộng lớn của kinh nghiệm, gồm cả kinh nghiệm khác nhau.
Sáu phẩm tính của tâm thức được gọi là những con đường bởi vì chúng dẫn đến nơi nào đó : chúng đưa chúng ta đến những nơi chốn để tái sanh cũng như vào những lãnh vực khác nhau của kinh nghiệm trong cuộc đời này. Khi một chúng sanh đồng hóa với một trong những xúc tình tiêu cực, hay bị chúng đánh bẫy bắt, và kết quả xảy ra. Đây là cách nghiệp tác động. Thí dụ, để được sanh làm một con người, chúng ta phải đã dấn thân mạnh mẽ vào những giới luật trong những đời trước. Ngay trong văn hóa quần chúng điều này được diễn tả trong nhận xét rằng cho đến bao giờ tình thương và sự quan tâm cho những người khác trưởng thành mà một người mới được xem là “tính người trọn vẹn.”
Nếu chúng ta sống một cuộc đời mang tính chất của những xúc tình tiêu cực thù ghét hay giận dữ, chúng ta kinh nghiệm một kết quả khác : chúng ta tái sanh vào địa ngục. Điều này xảy ra thực sự, một người có thể tái sanh trong cõi địa ngục, cũng như về mặt tâm lý. Nối kết mình với chiều kích thù hận tạo ra những kinh nghiệm mà thậm chí ngay trong đời này chúng ta gọi là “địa ngục.”
Dầu những cõi có vẻ như hoang đường với người ở Tây phương, sự biểu lộ của sáu cõi có thể được nhận thấy trong chính kinh nghiệm, những giấc mơ và đời sống lúc thức, và trong cuộc sống của những người gần chúng ta. Chẳng hạn, đôi khi chúng ta cảm thấy mất mình. Chúng ta biết làm thế nào tiếp tục thói thường hàng ngày của mình, nhưng ý nghĩa thì trốn tránh chúng ta. Ý nghĩa đi đâu mất, không phải qua sự giải thoát, mà qua sự thiếu thấu hiểu. Chúng ta có những giấc mộng ở trong bùn, hay trong một chỗ tối, hay trên một đường phố không có dấu hiệu. Chúng ta vào một văn phòng không có lối ra, hay cảm thấy bối rối không biết đi hướng nào. Đây có thể là một biểu lộ của vô minh, cõi thú. (Cái vô minh này không giống như vô minh bẩm sinh, nó là một sự mờ đục, một thiếu vắng thông minh.)
Chúng ta kinh nghiệm cái gì của cõi thiên khi chúng ta mất mình trong phóng dật thích thú, hưởng thụ những thời kỳ mù sương của lạc thú và hạnh phúc. Nhưng những thời kỳ này cuối cùng rồi cũng hết. Và khi chúng còn, tỉnh giác của chúng ta phải bị bó chặt. Chúng ta phải ở trong một loại bề mặt cạn cợt và không nhìn khá sâu vào hoàn cảnh chung quanh chúng ta, không biết đến những khổ đau quanh ta. Hưởng thụ những thời kỳ thích thú trong cuộc đời của chúng ta thì cũng tốt thôi, nhưng nếu chúng ta không thực hành, không tiếp tục giải thoát chúng ta khỏi những cá tánh bản sắc bó hẹp và sai lầm, cuối cùng chúng ta sẽ đi qua thời kỳ thích thú và rơi vào một trạng thái khó khăn hơn, không chuẩn bị, nơi chúng ta có khả năng mất mình trong một loại khổ đau. Vào cuối một buổi tiệc hay một ngày rất thích thú thường có một loại hụt hẫng hay thất vọng trên đường về nhà. Hay sau một kỳ nghỉ cuối tuần hạnh phúc chúng ta có thể cảm thấy buồn chán khi trở lại công việc.
Tất cả chúng ta đều có những thời kỳ kinh nghiệm các cõi khác nhau : hạnh phúc của cõi thiên, cơn đau của tham muốn khi thấy cái gì cảm thấy cần phải có, sự nhục nhã của lòng kiêu mạn bị thương, những cơn đau nhói của ghen tỵ, tính địa ngục của cay đắng và thù hận, sự mờ đục và mê mờ của vô minh. Chúng ta di chuyển từ kinh nghiệm của một cõi này đến cõi khác dễ dàng và thường xuyên. Chúng ta thay đổi những chiều kích của kinh nghiệm và thế giới bên ngoài hình như cũng phải thay đổi đối với chúng ta. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Cũng như thế, những chúng sanh trong những cõi khác nối kết với mọi cõi ; cả hai, một con mèo và một a-tu-la bán thiên cũng kinh nghiệm giận dữ, ghen tỵ, đói khát...
Trong cuộc sống như mộng của chúng ta, chúng ta cũng kinh nghiệm sáu cõi. Như sáu xúc tình xác định phẩm tính của kinh nghiệm ban ngày, chúng tạo thành cảm giác và nội dung của những giấc mộng. Những giấc mộng thì vô số khác biệt nhưng mọi giấc mộng do nghiệp đều nối kết với một hay nhiều trong sáu chiều kích.
Dưới đây là một diễn tả về sáu cõi. Theo truyền thống, những cõi được trình bày như những diễn tả nơi chốn và chúng sanh ở đó. Những địa ngục chẳng hạn, có mười tám cái, chín địa ngục nóng và chín địa ngục lạnh. Tất cả những chi tiết của những diễn tả truyền thống là có ý nghĩa, nhưng ở đây chúng ta tập chú vào những kinh nghiệm của các cõi ngay tại đây, trong đời sống này. Chúng ta nối kết với mỗi chiều kích của kinh nghiệm một cách năng động qua một trung tâm năng lực (chakra*) trong thân thể. Nơi chốn được kê ra dưới đây. Những luân xa (chakra) là quan trọng trong nhiều thực hành khác nhau và giữ một giai trò quan trọng trong yoga giấc mộng.
Cõi Địa Ngục
Giận dữ là xúc tình hạt giống của cõi địa ngục. Khi những dấu vết nghiệp của giận dữ biểu lộ, có nhiều diễn tả như ghét bỏ, căng thẳng, phẩn nộ, chỉ trích, tranh luận và bạo động. Khi giận dữ đánh bại chúng ta, chúng ta mất tự chủ và tỉnh giác. Khi chúng ta bị mắc vào thù hận, bạo động và giận dữ, chúng ta tham dự vào cõi địa ngục.
CÕI
Thiên (Devas) Bán thiên (Asuras) Người Thú Quỷ đói (Pretas) Địa ngục |
XÚC
TÌNH CHỦ ĐẠO Phóng dật thích thú Đố kỵ Ghen tỵ Vô minh Tham lam Thù hận |
LUÂN
XA
Đỉnh đầu Cổ họng Tim Rốn Cơ quan sinh dục Lòng bàn chân |
Trung tâm năng lực của giận dữ là trong bàn chân. Cái đối trị cho giận chỉ là tình thương trong sạch vô điều kiện, nó khởi từ vô ngã.
Theo truyền thống, những địa ngục được nói là gồm chín địa ngục nóng và chín địa ngục lạnh. Những chúng sanh sống ở đó chịu khổ vô hạn, bị hành hạ đến chết và tức thời sống lại, cứ thế trở đi trở lại mãi.
Cõi Quỷ Đói
Tham lam là xúc tình hạt giống của cõi quỷ đói (preta). Tham lam khởi lên như một cảm giác cần thiết quá độ không thể đáp ứng được. Thử thỏa mãn tham lam thì giống như khát mà uống nước muối. Khi mất mình trong tham lam chúng ta tìm kiếm bên ngoài hơn là bên trong để thỏa mãn, tuy nhiên chúng ta không bao giờ tìm thấy đủ để lấp đầy sự trống không mà chúng ta muốn trốn thoát. Cơn đói thực sự chúng ta cảm thấy là sự đói khát hiểu biết về bản tánh chân thật của chúng ta.
Tham lam phối hợp với tham muốn tình dục ; trung tâm năng lực của nó trong thân thể là luân xa phía sau bộ phận sinh dục. Rộng lượng, bố thí, sự cho đi rộng rãi cái mà những người khác cần, cởi mở nút thắt cứng cõi của tham.
Những quỷ đói theo truyền thống được hình dung là những chúng sanh với cái bụng khổng lồ, đói khát và miệng và cổ họng thì nhỏ xíu. Một số ở nơi những miền hàng trăm năm không có một ngụm nước. Những quỷ đói khác có thể tìm thấy đồ ăn và thức uống, tuy nhiên nếu lại nuốt một miếng qua miệng, thức ăn bùng cháy thành ngọn lửa trong bao tử và gây rất đau đớn. Có nhiều loại khổ đau cho quỷ đói, nhưng tất cả đều từ tính keo kiệt và chống lại sự rộng lượng của những người khác.
Cõi Thú
Vô minh là hạt giống của cõi thú. Nó được kinh nghiệm như một cảm giác bị lạc mất, mờ đục, bất định hay không tỉnh táo rõ biết. Nhiều người kinh nghiệm một sự tối tăm và buồn rầu cắm rễ trong vô minh này ; họ cảm thấy một nhu cầu nhưng thậm chí không biết mình muốn cái gì hay làm cái gì để mãn nguyện.
Luân xa phối hợp với vô minh là ở trung tâm của thân, ngang mức với rốn. Trí huệ được tìm thấy khi chúng ta xoay vào bên trong và đi đến chỗ hiểu biết bản tánh chân thật của chúng ta là sự đối trị của vô minh.
Chúng sanh trong cõi thú bị bóng tối của vô minh ngự trị. Thú vật sống trong sợ hãi, sợ thú khác và người. Những con thú lớn cũng bị hành hạ bởi côn trùng đào vào da và ở trong thịt. Thú nuôi thì bị vắt sữa, chở nặng, bị thiến, xỏ mũi, không có cách thoát. Thú vật cảm thấy khổ và sướng, nhưng chúng bị vô minh ngự trị không thể nhìn vào thân phận của chúng để tìm bản tánh chân thật của chúng.
Cõi Người
Ghen tỵ là xúc tình gốc rễ của cõi người. Khi bị ghen tỵ chiếm hữu, chúng ta muốn bám lấy và rút về mình cái chúng ta có : một ý tưởng, một sở hữu, một tương quan. Chúng ta thấy nguồn của hạnh phúc là cái gì ở ngoài chúng ta, điều này đưa chúng ta đến bám luyến mạnh mẽ hơn vào đối tượng của tham muốn.
Ghen tỵ liên hệ với trung tâm tim trong thân thể. Cái đối trị cho ghen tỵ là sự mở rộng lòng mình, cái rỗng rang khi chúng ta nối kết với bản tính chân thật của chúng ta.
Chúng ta dễ dàng quan sát sự khổ đau của cõi mình. Chúng ta kinh nghiệm sanh, già, bệnh, chết. Chúng ta phiền muộn vì biến dịch thường trực, những nỗ lực giữ gìn cái chúng ta muốn cuối cùng đều thất bại. Thay vì tùy hỷ với những hạnh phúc của những người khác, chúng ta thường làm mồi cho đố kỵ và ghen tỵ. Dù sự tái sanh làm người được xem là may mắn nhất vì con người có dịp nghe và thực hành giáo pháp, nhưng chỉ có một số nhỏ tìm thấy và lợi dụng được cơ hội vĩ đại này.
Cõi Bán-Thiên
Kiêu mạn là phiền não chính của cõi bán thiên (a-tu-la). Kiêu mạn là một cảm giác nối kết với sự thành công và thường là cục bộ, gây chiến. Có một phương diện ẩn dấu của kiêu mạn là khi chúng ta tin rằng mình tệ hơn những người khác trong một khả năng hay nét đặc biệt nào đó, một thứ tự quy tiêu cực tách lìa chúng ta với người khác.
Kiêu mạn phối hợp với luân xa cổ họng. Kiêu mạn thường biểu lộ trong hành động phẫn nộ, và cái đối trị của nó là thanh bình vĩ đại và khiêm hạ bao la khi chúng ta ở trong bản tính chân thật của chúng ta.
Những bán thiên a-tu-la hưởng thụ lạc thú và sự dồi dào nhưng họ có khuynh hướng đố kỵ và hung nộ. Họ thường đánh nhau, nhưng khổ đau lớn nhất của họ là khi họ tuyên chiến với chư thiên, những người hưởng thụ sự dồi dào còn hơn loài bán thiên. Những thiên thì nhiều quyền lực hơn bán thiên và rất khó giết. Họ luôn luôn thắng trận, và những bán thiên chịu sự hủy hoại của lòng kiêu hãnh và đố kỵ bị thương, và điều này lại dẫn họ đến chiến tranh vô vọng trở đi trở lại.
Cõi Thiên
Phóng dật thích thú là hạt giống của cõi thiên. Trong cõi thiên, năm phiền não tiêu cực cũng hiện diện, quân bình như năm giọng hòa âm của một dàn nhạc. Những thiên bị mất mình trong một cảm thức say sưa của niềm vui lười biếng và lạc thú tự quy. Họ hưởng thụ sung túc và tiện nghi lớn lao trong đời sống kéo dài cả một kiếp. Mọi nhu cầu có vẻ được thỏa mãn và mọi tham muốn được đáp ứng. Cũng đúng như đối với một số cá nhân và xã hội, chư thiên bị mắc vào lạc thú và sự theo đuổi lạc thú. Họ không có cảm thức về thực tại bên dưới kinh nghiệm của họ. Mất tăm trong những tiêu khiển và lạc thú vô nghĩa, họ bị phóng dật và không trở lại con đường giải thoát.
Nhưng hoàn cảnh cuối cùng rồi thay đổi khi những nguyên nhân nghiệp cho sự hiện hữu ở cõi thiên cạn kiệt. Khi cái chết cuối cùng rồi cũng đến gần, họ bị bạn bè và đồng nghiệp bỏ rơi, vì những thiên này không thể đối mặt với bằng chứng về bản chất phải chết của họ. Với thiên nhãn, vị thiên này thấy những điều kiện của cõi khổ mà mình bị sanh vào, và ngay trước khi chết khổ đau của đời tới đã bắt đầu.
Cõi thiên phối hợp với luân xa đỉnh đầu. Cái đối trị với niềm vui ích kỷ của chư thiên là lòng bi trùm khắp khởi lên một cách tự nhiên qua tỉnh giác về thực tại nền tảng của bản ngã và thế giới.
TẠI SAO LÀ XÚC TÌNH “TIÊU CỰC” ?
Nhiều người ở Tây phương không thoải mái khi nghe những xúc tình được đặt tên là tiêu cực, nhưng không phải rằng những xúc tình tự nó là tiêu cực. Mọi xúc tình, tình cảm giúp duy trì và cần thiết cho kinh nghiệm trọn vẹn của con người, gồm những xúc tình tham luyến, giận dữ, kiêu mạn, ghen tỵ... Không có những xúc tình chúng ta sẽ không sống trọn vẹn đầy đủ.
Tuy nhiên những xúc tình là tiêu cực tới một chừng mực mà chúng ta bị giam nhốt trong chúng và mất sự tiếp xúc với những phương diện sâu xa hơn của chúng ta. Chúng là tiêu cực nếu chúng ta phản ứng với chúng bằng bám nắm và ghét bỏ, bởi vì bấy giờ chúng ta chịu một sự bó hẹp của thức và tính cách cá nhân. Bấy giờ chúng ta gieo những hạt giống của những thân phận tiêu cực tương lai, chúng nhốt chúng ta trong những cõi khổ, nơi khó mà tiến hành hành trình tâm linh. Và kết quả này là tiêu cực khi được so sánh với một nhân cách rộng mở hơn và đặc biệt khi so sánh với sự giải thoát khỏi mọi nhân cách giả tạo và trói buộc. Bởi thế quan trọng là phải nghĩ đến những cõi không chỉ như những xúc tình mà như sáu chiều kích của thức và kinh nghiệm.
Có những khác biệt văn hóa về xúc tình. Chẳng hạn sợ hãi và buồn rầu ít được nói đến trong kinh điển, tuy nhiên hầu hết sanh tử đều nhuốm màu cả hai cái đó. Và ý niệm tự giận ghét thì ngoại lai xa lạ với người Tây Tạng, họ không có từ ngữ để diễn tả nó. Khi tôi đến Phần Lan, nhiều người nói với tôi về sự chán nản ; điều này rất ngược với Ý, nơi tôi vừa ở đó và người ta nói rất ít đến chán nản. Khí hậu, tôn giáo, truyền thống và hệ thống niềm tin điều kiện hóa chúng ta và ảnh hưởng vào kinh nghiệm của chúng ta. Nhưng cái cơ cấu tiềm ẩn làm chúng ta mắc kẹt – nắm và bỏ, phóng chiếu và sự tương tác nhị nguyên với cái chúng ta phóng chiếu – thì như nhau ở bất kỳ đâu. Đây là cái tiêu cực trong xúc tình.
Nếu chúng ta thực sự hiểu và kinh nghiệm bản tính trống không của hiện hữu, bấy giờ không có bám nắm và bởi thế không có hình thức thô hơn của xúc tình, nhưng nếu không biết (vô minh) về bản tánh chân thực của những hiện tượng, chúng ta bám nắm những phóng chiếu của tâm thức như thể chúng là thực. Chúng ta phát triển một tương quan nhị nguyên với những vọng tưởng, cảm thấy giận dữ hay tham lam hay những phản ứng khác khi liên hệ với chúng. Trong thực tại tuyệt đối không có thực thể tách biệt nào là đích cho sự giận dữ của chúng ta, hay là đối tượng cho bất kỳ xúc tình nào. Chúng ta tự tạo ra câu chuyện, những phóng chiếu và những phản ứng với những phóng chiếu đó.
Thường ở Tây phương, cái hiểu về những xúc tình được dùng theo lối tâm lý học để cố gắng cải thiện cuộc sống, con người trong sanh tử. Điều này là tốt. Tuy nhiên hệ thống Tây Tạng có một mục đích khác và tập trung hơn vào sự thấu hiểu những xúc tình để chúng ta có thể tự do khỏi sự trói buộc và những quan điểm sai lầm mà chúng ta bám chấp qua sự bám luyến thuộc xúc tình. Lại nữa, điều này không có nghĩa những xúc tình tự chúng là tiêu cực, nhưng chúng là tiêu cực trong mức độ mà chúng ta trói buộc vào chúng hay tự do với chúng.