Nguyên tác: The Tibetan Yogas of Dream and Sleep
Nhà Xuất Bản Snow Lion Ithaca, New York, 1998
Việt dịch: Đương Đạo - Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức, 2000
SỰ THỰC HÀNH YOGA GIẤC NGỦ
Một khi rigpa đã được biết, toàn bộ cuộc sống là để hội nhập với nó. Đây là chức năng của sự thực hành. Đời sống cần mang lấy hình thức nào đó ; nếu chúng ta không tạo hình cho nó, nó sẽ mang lấy một hình thức bị nghiệp thống trị, điều chúng ta không muốn tí nào. Khi sự thực hành được hội nhập càng ngày càng nhiều với đời sống, nhiều thay đổi tích cực sẽ xảy ra.
HỘI NHẬP CỦA TỊNH QUANG VỚI BA ĐỘC
Tịnh quang phải được đem vào hội nhập với ba độc gốc rễ: Vô minh, tham muốn và giận ghét (Tham, sân, si).
Yoga giấc ngủ được dùng để hội nhập cái đầu tiên, vô minh với tịnh quang.
Việc hội nhập tham muốn vào tịnh quang thì tương tự với việc khám phá tịnh quang trong giấc ngủ. Khi chúng ta mất trong bóng tối của giấc ngủ, tịnh quang bị che dấu với chúng ta. Khi chúng ta bị mất trong tham muốn, bản tánh chân thật của chúng ta cũng bị che ám, nhưng trong khi giấc ngủ của vô minh che ám hoàn toàn mọi sự, thậm chí cảm thức về tự ngã, thì tham muốn che ám rigpa trong những hoàn cảnh riêng biệt. Nó tạo ra một sự phân cách mạnh mẽ giữa chủ thể và đối tượng của tham muốn. “Cái muốn” tự nó là một co lại hạn cuộc của ý thức khởi lên từ cảm thức thiếu thốn, cảm giác này còn mãi chừng nào chúng ta không an trụ trong bản tánh chân thật của chúng ta. Dù cho tham muốn trong sạch nhất là mong mỏi cái toàn thể và trọn vẹn chứng ngộ rigpa, nhưng bởi vì chúng ta không trực tiếp biết bản tánh của tâm thức, tham muốn trở thành bám dính với những vật khác.
Nếu chúng ta trực tiếp quan sát tham muốn hơn là trở nên trụ bám vào đối tượng của tham muốn, tham muốn tan biến. Và nếu chúng ta có thể an trụ trong hiện diện thuần túy, thì tham muốn, chủ thể tham muốn, và đối tượng của tham muốn tất cả sẽ tan biến vào tinh túy trống không của nó, để lộ ra tịnh quang.
Chúng ta cũng có thể dùng sự thỏa mãn tham muốn như là một phương tiện của thực hành. Có niềm vui trong sự hợp nhất của tánh không và sự sáng tỏ. Trong ngành tranh tượng Tây Tạng, điều này được tượng trưng trong những hình ảnh những hóa thần nam và nữ kết hợp. Những hình thể ấy tượng trưng sự thống nhất bất nhị của trí huệ và phương tiện, tánh không và sự sáng tỏ, kunzi và rigpa. Niềm vui của hợp nhất thì hiện diện trong bất kỳ sự kết hợp làm một nào của những nhị nguyên hình tướng, kể cả chủ thể tham muốn và đối tượng được tham muốn. Vào lúc tham muốn được thỏa mãn, tham muốn dừng dứt và nhị nguyên bề ngoài giữa chủ thể tham muốn và đối tượng của tham muốn sụp đổ. Khi cái nhị nguyên này sụp đổ, cái nền tảng, cái kunzi, thì ở đó, bày lộ, dù cho sức mạnh của thói quen nghiệp lực của chúng ta luôn luôn mang chúng ta vào một chuyển động mới của nhị nguyên, để lại một khoảng trống trong kinh nghiệm của chúng ta, hầu như một vô thức, hơn là một kinh nghiệm về rigpa.
Thí dụ, có sự thực hành hợp nhất tính dục giữa đàn ông và đàn bà. Bình thường kinh nghiệm của chúng ta về đỉnh cao khoái lạc là một cái gì lờ mờ thích thú, hầu như vô thức, một cạn kiệt tham muốn và không yên nghỉ xảy đến qua sự đáp ứng với tham muốn. Nhưng chúng ta có thể hội nhập cái lạc này với tỉnh giác hơn là bị đánh mất mình, nếu chúng ta duy trì tỉnh giác đầy đủ mà không phân chia kinh nghiệm thành một chủ thể quan sát và kinh nghiệm được quan sát, chúng ta có thể dùng hoàn cảnh để tìm thấy cái thiêng liêng. Tâm thức động vắng bặt trong một khoảnh khắc và để lộ ra nền tảng trống không ; hội nhập khoảnh khắc đó với tỉnh giác, chúng ta có sự hội nhập của tánh không và lạc, điều được đặc biệt nói đến trong những giáo lý tantra.
Có nhiều hoàn cảnh như vậy mà bình thường chúng ta đánh mất mình và thay vì thế chúng có thể là những khoảnh khắc trong đó chúng ta tìm thấy bản tánh chân thật của mình. Chúng ta không chỉ đánh mất mình trong đỉnh cao khoái lạc hay lạc thú cao độ. Ngay trong những lạc thú nhỏ chúng ta cũng thường mất sự hiện diện và trở nên bị trói buộc vào những cảm giác hay những đối tượng của lạc thú. Thay vì thế, chúng ta có thể tự tu hành để cho chính lạc thú là một kẻ nhắc nhở đạt đến tỉnh giác trọn vẹn, đem tỉnh giác vào phút giây hiện tiền, vào thân thể, những giác quan và buông bỏ phóng dật. Đây là một cách để hội nhập tham muốn với tịnh quang. Và nó không giới hạn bất kỳ phạm trù đặc biệt nào của kinh nghiệm ; nó có thể được làm trong bất kỳ hoàn cảnh nào có chủ thể và đối tượng. Khi lạc thú được dùng như một cánh cổng đi vào thực hành, lạc thú không mất đi vô ích ; chúng ta không nhất định phải là người chống lại lạc thú. Khi chủ thể và đối tượng tan biến trong tịnh quang, bấy giờ sự hợp nhất của tánh không và sự sáng tỏ được kinh nghiệm và như thế là niềm vui.
Sự tiếp cận với với giận ghét hay ác cảm thì tương tự. Nếu chúng ta quan sát sân giận hơn là tham dự vào nó hay đồng hóa với nó hay bị nó dẫn đi, bấy giờ mối ám ảnh nhị nguyên với đối tượng của sân giận dừng diệt và sân giận tan biến vào tánh không. Nếu hiện diện được duy trì trong tánh không này, bấy giờ chủ thể cũng tan biến. Sự hiện diện trong không gian trống rỗng này chính là tịnh quang.
“Quan sát trong sự hiện diện thuần túy” không có nghĩa là chúng ta tồn tại như cái ngã giận dữ quan sát cơn giận, mà chúng ta là rigpa, không gian trong đó sân giận xảy ra. Khi được quan sát theo cách này, sân giận tan biến vào tinh túy trống không. Nơi sân giận tan biến là không gian. Đó là sự trong sáng, tịnh. Nhưng ở đó còn có tỉnh giác, sự hiện diện. Đó là ánh sáng, quang. Tánh không và sự hiện diện này được hội nhập với sân giận bởi vì sân giận không che ám tịnh quang nữa. Nếu chúng ta quan sát những tư tưởng theo cách này, và nếu người quan sát và cái được quan sát cả hai đều biến mất, bây giờ có một kinh nghiệm nào đó về rigpa.
Đại Toàn Thiện Dzogchen không phức tạp. Những bản văn Đại Toàn Thiện thường có những dòng như, “Ta quá đơn giản đến độ ngươi không thể hiểu ta. Ta quá gần gũi thân thiết đến độ ngươi không thể thấy ta.” Khi chúng ta nhìn đi xa, chúng ta mất tỉnh giác về cái vốn gần gũi thân thiết với chúng ta. Khi chúng ta nhìn đến tương lai, chúng ta mất hiện tại. Điều này xảy ra trong mọi khía cạnh của kinh nghiệm.
Người Tây Tạng có câu nói : “Trí huệ càng hiện diện bao nhiêu, những tư tưởng càng ít có bấy nhiêu.” Nó gợi ý một tiến trình hai chiều. Khi thực hành trở nên trong sáng và vững chắc, những tư tưởng càng ít khống chế kinh nghiệm. Một số người sợ hãi điều này, sợ rằng nếu họ bỏ sân giận chẳng hạn, họ sẽ không nói lên được điều gì là sai lầm trong thế giới, như thể họ cần sân giận để khởi độâng họ. Nhưng sự cần thiết ấy không thật. Là những hành giả, quan trọng là có trách nhiệm với cuộc đời quy ước của chúng ta. Khi những việc xấu xảy đến, chúng phải được để ý chăm sóc ; khi điều gì là sai lầm, nó phải được nói lên. Nhưng nếu chúng ta không thấy điều gì sai, chúng ta không cần tìm kiếm chờ đợi nó. Thay vào đó, hãy ở trong trạng thái tự nhiên. Nếu chúng ta có sân giận, chúng ta phải làm việc với nó. Nhưng nếu chúng ta không có sân giận, chúng ta không bỏ lỡ bất cứ cái gì quan trọng.
Tôi đã gặp nhiều người nói mình là những hành giả của Đại Toàn Thiện, và được hội nhập. Có một câu nói khác của Tây Tạng: “Khi tôi lên những chỗ cao cả khó khăn nơi vùng biên giới giữa Tây Tạng và Népal, tôi cầu nguyện Tam Bảo. Khi tôi xuống thung lũng đẹp đầy hoa, tôi hát những bài ca.” Dễ dàng nói chúng ta được hội nhập khi sự việc xảy ra êm xuôi. Nhưng khi một khủng hoảng xúc tình mạnh mẽ xảy đến, một khảo hạch thật sự ; chúng ta có là hành giả Đại Toàn Thiện hay không? Có một sự chính xác trong thực hành Đại Toàn Thiện. Chúng ta có thể khám phá cho chính chúng ta mình được hội nhập bao nhiêu với thực hành chỉ bằng cách chú ý chúng ta phản ứng thế nào với những hoàn cảnh xảy ra trong đời sống. Khi một người tình bỏ đi, người mà chúng ta yêu dấu, bấy giờ những lời nói đẹp đẽ về sự hội nhập đi đâu mất? Chúng ta kinh nghiệm khổ đau; và ngay cả khổ đau này cũng phải được hội nhập.
HỘI NHẬP VỚI NHỮNG CHU KỲ THỜI GIAN
Theo truyền thống, một thực hành được bàn luận theo cái thấy, thiền định và hành động. Phần này là về hành động ứng xử. Hành động được diễn tả liên hệ đến những sự thống nhất bên ngoài, bên trong và bí mật với những thời kỳ của thời gian.
Thông thường chúng ta mất năng lực và hiện diện khi chúng ta trải qua ban ngày. Thay vì thế, phát triển sự thực hành, chúng ta học cách dùng sự trôi qua của thời gian đưa chúng ta đến một kinh nghiệm vững chắc hơn về tịnh quang.
Thống Nhất Bên Ngoài: Hội nhập Tịnh Quang vào chu kỳ của Ngày và Đêm
Đối với những mục tiêu của sự thực hành, chu kỳ hai mươi bốn giờ của ngày và đêm được phân thành những thời kỳ có thể được dùng như những nâng đỡ hỗ trợ trong sự liên tục phát triển ở trong tịnh quang của hiện diện thuần túy. Người thời trước theo những thời khóa biểu đặt ra theo chu kỳ tự nhiên của ngày và đêm, nhưng điều này không còn đúng nữa. Nếu thời khóa biểu của bạn khác đi – chẳng hạn bạn có thể làm việc ban đêm – bấy giờ hãy làm cho những lời dạy thích ứng với hoàn cảnh bạn. Dù cho thời gian của ngày ảnh hưởng chúng ta mạnh mẽ, chúng ta không phải tin rằng vị trí của mặt trời ấn định những kinh nghiệm mà giáo lý mô tả. Thay vì thế, hãy nghĩ những thời kỳ ấy của ngày như những ẩn dụ cho những tiến trình bên trong. Tantra Mẹ đặt tên cho bốn thời kỳ như sau:
1.
Sự tan biến của những hình tướng vào trong nền tảng
2.
Ý
thức đạt đến Niết Bàn
3.
Khởi
lên tỉnh giác bổn nhiên nơi ý thức
4.
Quân
bình hai chân lý suốt trạng thái thức
1. Sự tan biến của những hình tướng vào trong nền tảng. Thời kỳ thứ nhất được xem là thời gian giữa hoàng hôn và lúc vào giường buổi tối. Trong thời kỳ này, mọi sự hình như tối dần. Những đối tượng giác quan trở nên không rõ ràng và kinh nghiệm giác quan thu giảm. Những bộ phận giác quan bên trong giảm sức mạnh. Tantra Mẹ dùng ẩn dụ nhiều dòng sông nhỏ chuyển về biển cả: những hiện tượng bên ngoài, những giác quan, cái ngã quy ước, những tư tưởng, tình cảm và ý thức chuyển đến sự hòa tan trong giấc ngủ, trong cái nền tảng.
Bạn có thể dùng tưởng tượng để kinh nghiệm tiến trình này trong buổi chiều tối. Hơn là đi về bóng tối, hãy di chuyển đến ánh sáng lớn lao hơn của bản tánh chân thật của bạn. Hơn là bị phân tán từng mảnh, trải rộng trong những dòng sông và phụ lưu của kinh nghiệm, hãy chảy đến cái toàn thể tính của rigpa. Bình thường chúng ta nối kết với những dòng sông, chúng là trống rỗng, nhưng sự thực hành là lưu lại trong sự nối kết với đại dương, cái nền tảng, nó là tràn đầy. Mọ sự di chuyển về đại dương bao la, yên bình, rạng rỡ của tịnh quang. Khi đêm đến, hãy chảy về sự tròn đầy trong tánh giác bất nhị hơn là về phía vô thức.
Đây là cái thứ nhất trong bốn thời kỳ.
2. Ý thức đạt đến niết bàn. Thời kỳ thứ hai bắt đầu khi bạn rơi vào giấc ngủ và chấm dứt khi bạn tỉnh dậy vào buổi sáng, theo truyền thống là lúc bình minh. Hãy tưởng tượng ra thời kỳ này, sự tĩnh lặng của nó. Bản văn nói rằng khi mọi sự trở nên tối, một ánh sáng khởi lên. Điều này tương tự với một cuộc nhập thất trong bóng tối, nó rất tối khi bạn vào nhưng rồi nó sớm tràn đầy ánh sáng.
Hãy cố gắng ở trong hiện diện suốt giấc ngủ, hoàn toàn hội nhập với tịnh quang. Sau khi những hình tướng bên ngoài, tư tưởng, cảm giác tan vào nền tảng, nếu bạn vẫn hiện diện thì đó rất giống với việc đi vào niết bàn, trong đó tất cả kinh nghiệm sanh tử dứt bặt. Nó hoàn toàn trống không, nhưng có an lạc. Khi điều này được thực hiện, nó là sự hợp nhất của Lạc và Không. Cái ấy là thấy ánh sáng trong bóng tối.
Không phải là bạn phải chờ cho đến giấc ngủ để có kinh nghiệm trong tịnh quang. Hãy cố gắng an lạc trong tịnh quang ngay cả trước khi vào giấc ngủ, hãy an trụ trong rigpa, nếu có thể.
Đây là thời kỳ thứ hai, trong đó những giác quan và ý thức giống như một mạn đà la của bầu trời trong sáng. Hãy tham thiền trong trạng thái này càng nhiều càng tốt cho đến sáng.
3. Khởi lên tỉnh giác bổn nhiên nơi ý thức. Thời kỳ thứ ba bắt đầu khi bạn thức dậy từ giấc ngủ và tiếp tục cho đến lúc tâm thức hoàn toàn hoạt động. Bản văn nói rằng thời kỳ này kéo dài từ bình minh đến lúc hết mặt trời. Hãy tưởng tượng tính chất của thời gian này : những tia sáng xuất hiện trong bầu trời tối và trải rộng trong vẻ đẹp đẽ của ngày. Sự thanh tĩnh tràn đầy với những âm thanh của sự hoạt động, của chim chóc hay xe cộ hay con người. Bên trong, nó là chuyển động từ sự yên tĩnh của giấc ngủ đến sự dấn thân trọn vẹn vào đời sống ban ngày. Những giáo lý đề nghị dậy rất sớm vào buổi sáng. Nếu có thể, hãy thức dậy trong bản tánh của tâm thức hơn là trong tâm thức của quy ước. Hãy quan sát mà không đồng hóa với người quan sát. Điều này có thể dễ dàng hơn trong những giây phút đầu tiên của tỉnh giác bởi vì tâm thức ý niệm còn chưa hoàn toàn tỉnh dậy. Hãy phát triển quyết tâm thức dậy trong hiện diện thuần túy.
4. Quân bình hai chân lý suốt trạng thái thức. Thời kỳ thứ tư bắt đầu khi bạn hoàn toàn dấn thân vào ngày và chấm dứt với hoàng hôn. Đó là ban ngày, thời gian của hoạt động, bận rộn và liên hệ với người khác. Nói là sự chìm ngập trọn vẹn trong thế giới, trong hình sắc, ngôn ngữ, cảm giác... Những giác quan hoàn toàn năng động và bị chiếm chỗ bởi những đối tượng của chúng. Vẫn thế, bạn cần cố gắng tiếp tục trong sự hiện diện thuần khiết của rigpa.
Mất mình trong kinh nghiệm, bạn bị rối bời bởi thế giới. Nhưng an trụ trong bản tánh của tâm thức, bạn sẽ thấy không có vấn đề gì để hỏi hay trả lời. Ở trong hiện diện bất nhị sâu thẳm sẽ thỏa mãn mọi vấn đề, mọi câu hỏi. Biết một cái này sẽ cắt tất cả mọi nghi ngờ.
Đây là thời kỳ thứ tư, trong đó chân lý quy ước và chân lý tối hậu được quân bình trong sự hợp nhất của sáng tỏ và tánh không.
Thống Nhất Bên Trong : Hội nhập Tịnh quang vào chu kỳ giấc ngủ
Sự tiến bộ trong phần này tương tự với phần trước. Tuy nhiên hơn là nhắm đến chu kỳ hai mươi bốn giờ, nó tập chú vào phát triển sự liên tục của hiện diện suốt chu kỳ một thời thức và một thời ngủ, dù đó là một giấc chợp mắt hay toàn thể một đêm. Trước khi đi ngủ, chúng ta phải nhớ rằng chúng ta có dịp may để thực hành. Đây là cái gì tích cực, cái gì chúng ta có thể làm cho cả thực hành và sức khỏe. Nếu sự thực hành được cảm thấy là một gánh nặng, tốt hơn là không làm nó cho đến khi cảm hứng và nỗ lực vui vẻ được phát triển.
Lại vẫn có bốn thời kỳ :
1.
Trước khi ngủ
2.
Sau
khi ngủ
3.
Sau
khi thức dậy và trước khi hoàn toàn dấn thân vào những
hành động của thế giới
4.
Thời
kỳ hoạt động cho đến thời kỳ ngủ kế tiếp
1. Trước khi ngủ. Đây là thời gian từ lúc nằm xuống đến khi giấc ngủ đến. Mọi kinh nghiệm tan biến vào nền tảng ; những dòng sông chảy vào biển cả.
2. Sau khi ngủ. Tantra Mẹ so sánh điều này với pháp thân, tịnh quang. Thế giới bên ngoài của những giác quan là trống rỗng tuy nhiên tánh tỉnh giác tồn tại.
3. Sau khi thức dậy. Sự sáng tỏ ở đó, tâm thức bám chấp còn chưa thức dậy. Điều này giống như báo thân toàn hảo, không chỉ trống không mà còn với toàn thể sự sáng tỏ.
4. Thời kỳ hoạt động. Khi tâm thức bám chấp trở lại năng động, ngay khoảnh khắc ấy tương tự sự biểu lộ của hóa thân. Những hoạt động, những tư tưởng và thế giới quy ước “bắt đầu”, tuy nhiên tịnh quang vẫn còn lại. Thế giới của kinh nghiệm biểu lộ trong rigpa không nhị nguyên.
Thống Nhất Bí Mật : Hội Nhập Tịnh Quang với Trung Ấm
Sự thực hành này là hội nhập tịnh quang với trạng thái trung ấm sau khi chết, bardo. Tiến trình cái chết tương đương với tiến trình rơi vào giấc ngủ. Ở đây nó được chia thành bốn giai đoạn tương tự với những giai đoạn của những phần trước.
1.
Tan biến
2.
Khởi
lên
3.
Kinh
ngiệm
4.
Hội
nhập
1. Tan biến. Trong giai đoạn đầu tiên của cái chết, và những nguyên tố của thân thể bắt đầu tan rã, kinh nghiệm giác quan tan biến, những năng lực của những nguyên tố bên trong được giải phóng, những xúc tình ngừng dứt, sinh lực tan và ý thức tan biến.
2. Khởi lên. Đây là trung ấm đầu tiên sau cái chết, trung ấm thanh tịnh bổn nhiên (kadag). Điều này giống như khoảnh khắc rơi vào giấc ngủ, bình thường là một thời kỳ vô thức. Thiền giả thành tựu có thể giải phóng mọi cá tính nhị nguyên và giải thoát trực tiếp vào tịnh quang ở giai đoạn này.
3. Kinh nghiệm. Trung ấm của kinh nghiệm nhãn quan khởi lên, đó là trung ấm tịnh quang (od-sal). Điều này tương tự với sự khởi lên từ cái không có gì của giấc ngủ vào một giấc mộng, khi ý thức được biểu lộ trong nhiều hình sắc. Hầu hết người ta sẽ đồng hóa với một phần của kinh nghiệm, thiết lập ra một bản ngã nhị nguyên, và phản ứng một cách nhị nguyên với những đối tượng bề ngoài của ý thức, như trong một giấc mộng sanh tử. Trong trung ấm này, cũng thế, thiền giả đã chuẩn bị và thành tựu có thể đạt giải thoát.
4. Hội nhập. Tiếp theo là trung ấm của đời sống (si-pé-bar-do). Hành giả đã chuẩn bị hợp nhất thực tại quy ước với rigpa bất nhị. Đây là sự làm quân bình hai chân lý, quy ước và tuyệt đối. Nếu khả năng này chưa được triển khai, cá nhân sẽ đồng hóa với cái ngã quy ước mê lầm và liên hệ một cách nhị nguyên với những phóng chiếu của tâm thức, điều này tạo ra kinh nghiệm nhãn quan. Tái sanh trong một cõi của sáu cõi luân hồi là kết quả.
Bốn thời kỳ này là những giai đoạn trong tiến trình chết. Chúng ta phải tỉnh thức trong đó để nối kết với tịnh quang. Khi cái chết đến, nếu có thể, chúng ta an trụ trong rigpa trước khi kinh nghiệm thuộc cảm giác bắt đầu tan biến. Chớ có đợi cho đến khi vào trung ấm. Chẳng hạn khi sự nghe đã đi rồi nhưng sự nhìn thấy vẫn còn, đó là một tín hiệu của sự hiện diện trọn vẹn thay vì bị phóng dật bởi những giác quan khác. Trọn vẹn buông thả vào rigpa ; đó là sự chuẩn bị tốt nhất cho điều đang xảy ra.
Mọi thực hành giấc mộng và giấc ngủ, trên một mức độ, là những chuẩn bị cho cái chết. Cái chết là một ngã tư đường: mọi người đều phải đến đó và người thì đi đường này, người thì đi đường khác. Điều xảy ra tùy thuộc vào sự vững chắc của thực hành, vào việc người ta có khả năng an trụ trọn vẹn trong rigpa hay không. Thậm chí trong một cái chết bất ngờ như tai nạn xe cộ, luôn luôn có một khoảnh khắc để nhận biết cái chết đang đến, dù cho rất khó làm điều này. Ngay khi vừa có sự nhận biết này, người ta phải cố gắng hòa nhập với bản tánh của tâm thức.
Nhiều người có những kinh nghiệm cận tử. Họ nói rằng sau đó sự sợ chết đi mất. Điều này bởi vì họ đã sống cái khoảnh khắc ấy, họ biết nó. Khi chúng ta nghĩ về khoảnh khắc của cái chết, chúng ta không sống thực tại mà chỉ sống trong một tưởng tượng về nó, cái này chứa nhiều sợ hãi hơn là khoảnh khắc hiện thực. Khi nỗi sợ không còn, việc hội nhập với thực hành trở nên dễ hơn.
Ba Sự Thống Nhất : Kết Luận
Cả ba hoàn cảnh này – chu kỳ hai mươi bốn giờ trong ngày, chu kỳ ngủ và thức, và tiến trình cái chết – theo một trình tự giống nhau. Trước hết là sự tan biến; rồi pháp thân, tánh không; rồi báo thân, sự sáng tỏ; rồi hóa thân, sự biểu lộ. Nguyên lý là luôn luôn ở lại trong sự hiện diện bất nhị. Sự phân chia những tiến trình – như trong yoga giấc mộng và yoga giấc ngủ – chỉ để cho dễ dàng hơn việc đem tỉnh giác của chúng ta vào những khoảnh khắc đang trôi qua, cho chúng ta cái gì để nhìn về phía trước, để tập cho chúng ta sử dụng những kinh nghiệm không thể tránh được như là một hỗ trợ cho thực hành về hiện diện thuần túy.
Hành động xử sự liên hệ đến tiến trình bên ngoài của thời gian. Không hề có sự ngắt quãng với trạng thái tự nhiên của tâm thức trừ phi chúng ta ngắt quãng cách hở với nó. Để nối kết mọi kinh nghiệm với thực hành, hãy tỉnh thức. Dĩ nhiên, hoàn cảnh phụ có thể ích lợi cho thực hành ; đó là tại sao thời gian được đưa vào như những hoàn cảnh thứ yếu. Buổi sáng sớm là có ích, hay cái ngày sau khi không ngủ, hay khi chúng ta kiệt sức, hay khi chúng ta hoàn toàn ở yên. Có nhiều phút giây dẫn đến sự hội nhập, như là phút giây thoát bỏ khi chúng ta thực sự cảm thấy cần vào nhà vệ sinh và đi ra, hay kinh nghiệm đỉnh cao tình dục, hay khi chúng ta hoàn toàn kiệt sức do mang vác vật nặng và để nó xuống nghỉ. Ngay cả mỗi hơi thở ra là cả một chỗ nương dựa cho kinh nghiệm về rigpa, nếu làm với tỉnh giác. Có nhiều giây phút chúng ta kiệt sức vài phần và thức tỉnh vài phần. Chúng ta phải đem mình đến cái thường hằng tỉnh thức; rồi chúng ta có thể đánh thức dậy cái gì đang kiệt sức và đang ngủ. Khi chúng ta đồng hóa với cái mệt mỏi lớn dần và rơi vào giấc ngủ, sự tỉnh thức bị che ám. Nhưng những đám mây không bao giờ thực sự che ám ánh sáng mặt trời, chỉ có người đang tri giác mặt trời tự che ám.