HT Thích Thanh Từ
Tập 2
PHẦN V: THƠ KỆ
Trần Nhân Tông là một ông vua thương dân yêu nước, rất sùng đạo Phật từ thuở bé. Khi còn trai trẻ ông đã làm xong bổn phận với quốc dân. Đến tuổi già truyền ngôi cho con lên núi Yên Tử xuất gia học đạo. Sau trở thành Sơ Tổ phái Thiền Trúc Lâm.
Xin trích vài bài thơ để chúng ta gẫm lại tinh thần đạo lý của Ngài.
1. Cư Trần Lạc Đạo
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.
Dịch:
Trong đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền
Nơi mình sẵn ngọc đâu tìm nữa
Trước cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền.
2. Xuân Vãn
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không
Nhất xuân tâm sự bách hoa trung
Như kim khám phá Đông hoàng diện
Thiền tọa bồ đoàn khán trụy hồng.
Dịch:
Thuở bé chưa từng rõ sắc không
Xuân về hoa nở rộn trong lòng
Chúa Xuân nay bị ta khám phá
Chiếu trải giường thiền ngắm cánh hồng.
3. Đăng Bảo Đài Sơn
Địa tịch đài du cổ
Thời lai thu vị thâm
Vân sơn tương viễn cận
Hoa kình báo tình âm
Vạn sự thủy lưu thủy
Bách niên tâm ngữ tâm
Ỷ lan hoành ngọc địch
Minh nguyệt mãn hung khâm.
Dịch:
Đất vắng đài thêm cổ
Ngày qua xuân chửa nồng
Gần xa mây núi ngất
Nắng rợp ngõ hoa thông
Muôn việc nước trôi nước
Trăm năm lòng nhủ lòng
Tựa lan nâng ống sáo
Đầy ngực ánh trăng lồng
4. Chân Vọng
Ông Tăng Phục lễ ở Trung Quốc đời Đường làm kệ "Chơn Vọng" để hỏi học giả trong thiên hạ:
Chơn pháp tánh bổn tịnh
Vọng niệm hà do khởi
Tùng chơn hữu vọng sanh
Thử vọng hà sở chỉ
Vô sơ tức vô mạt
Hữu chung ưng hữu thủy
Tương hoài mộng tư lý
Nguyên vị khai huyền diệu
Tích chi xuất sanh tử
Dịch:
Chơn pháp tánh vốn tịnh
Vọng niệm từ đâu khởi
Từ chơn có vọng sanh
Vọng này chừng nào dứt
Không đầu thì không cuối
Có sau phải có trước
Hằng mờ mịt lý này
Mong vì khai huyền diệu
Vạch ra thoát sanh tử.
Quốc Sư Thanh Lương Đáp:
Mê chơn vọng niệm sanh
Ngộ chơn vọng niệm chỉ
Năng mê chi sở mê
An đắc thường tương tợ
Tùng lai vị tằng ngộ
Cố thuyết vọng vô thủy
Tri vọng bổn tự chơn
Phương thị hằng diệu lý
Phân biệt tâm vị vong
Hà do xuất sanh tử
Dịch:
Quên chơn vọng niệm sanh
Ngộ chơn vọng niệm dứt
Hay mê, chẳng bị mê
Đâu thể hằng tương tợ
Từ lâu chưa từng ngộ
Nên nói vọng vô thủy
Biết vọng vốn tự chơn
Mới là hằng diệu lý
Tâm phân biệt chưa quên
Làm sao thoát sanh tử.
Thiền Sư Khuê Phong đáp:
Bổn tịnh bổn bất giác
Do tư vọng niệm khởi
Tri chơn vọng tức không
Tri không vọng tức chỉ
Chỉ xứ danh hữu chung
Mê thời hiệu vô thủy
Nhân duyên như huyễn mộng
Hà chung phục hà thủy
Thử thị chúng sanh nguyên
Từng chi xuất sanh tử
Bất thị chơn sanh vọng
Vọng mê chơn nhi khởi
Ngộ vọng bổn tự chơn
Tri chơn vọng tức chỉ
Vọng chỉ tợ chung mạt
Ngộ lai tợ sơ thủ
Mê ngộ tánh giai không
Giai không vô chung thủy
Sanh tử do thử mê
Đạt thử xuất sanh tử.
Dịch:
Sẵn tịnh vốn bất giác
Do đây vọng niệm khởi
Biết chơn vọng liền không
Biết không vọng liền dứt
Chỗ dứt gọi là chung
Khi mê nói là thủy
Nhân duyên như huyễn mộng
Nào chung lại nào thủy
Đây là nguồn chúng sanh
Tột độ ra sanh tử.
Chẳng phải chơn vọng sanh
Mê chơn nên vọng khởi
Ngộ vọng vốn tự chơn
Biết chơn vọng liền dứt
Vọng dứt tợ rốt sau
Ngộ ra dường mới đầu
Mê ngộ tánh đều không
Đều không chẳng sau trước
Sanh tử do mê này
Đạt nó ra sanh tử.
Thiền Sư Huệ Hồng, Tự Giác Phạm Đáp:
Chơn pháp tánh bổn tịnh
Tùy duyên nhiễm tịnh khởi
Bất liễu hiệu vô minh
Liễu tri tức Phật trí
Vô minh toàn vọng tình
Tri giác toàn chân lý
Đương niệm tuyệt cổ kim
Để xứ tầm chung thủy
Bổn tự ly ngôn thuyên
Phân biệt tức sanh tử
Dịch:
Chơn pháp vốn không tánh
Theo duyên nhiễm tịnh khởi
Chẳng rõ gọi vô minh
Rõ đó là Phật trí
Vô minh thảy vọng tình
Tri giác đều chân lý
Đương niệm bặt cổ kim
Tột chỗ tìm chung thủy
Vốn tự lìa nói bàn
Phân biệt liền sanh tử.