Việt dịch: Sa môn Thích Bảo Lạc
Chùa Pháp Bảo Sydney và Chùa Viên Giác Đức Quốc xuất bản PL. 2552 DL 2008
Bách Trượng Hoài Hải biên soạn tại núi Bách Trượng
vào đời Đường tại Hồng Châu.
Tỳ Kheo Nghi Nhuận chứng nghĩa, chùa Chân Tịch tại Hàng Châu.
Trụ Trì chùa Giới Châu Diệu Vĩnh duyệt lại tại Việt Thành vào đời Thanh.
Chương bốn: Ân Đức Tổ Sư
Ngày mồng 3 tháng 10 lễ giỗ Nam Sơn tông chủ, Đạo Tuyên luật sư. Nghi thức giống như cúng Tổ Đạt Ma. Trước tiên cử tán: Nam Mô Nam Sơn tông chủ Đạo Tuyên luật sư (3 lần).
Tiếp theo tụng Kinh Phạm Võng, bài kệ phẩm Bồ Tát tâm địa rằng:
Người sáng nhẫn huệ mạnh
Trong lúc đạo chưa thành
Hay giữ được pháp này
Đạt được năm điều lợi:
Một là 10 phương Phật
Thương tưởng hộ niệm luôn
Hai là lúc mạng chung
Chánh niệm tâm hoan hỷ
Ba là sanh chỗ nào
Bồ Tát kết bạn lữ
Bốn là nhóm công đức
Giới độ đều thành tựu
Năm là đời này, đời sau
Phước huệ trọn đầy đủ.
Như thế, này chư Phật tử, kẻ trí khéo suy nghĩ: người nào ưa chấp ngã trước tướng không có khả năng tin pháp này. Người thọ diệt chấp chứng đắc cũng không hạ quyết tâm gieo căn lành; muốn nảy mầm Bồ Đề sáng soi rọi thế gian, phải nên quán sát kỹ. Các pháp tướng chân thật, không sanh cũng không diệt; không thường cũng không đoạn; không một cũng không khác; không đến cũng không đi; trong thể nhứt tâm ấy, phương tiện để trang nghiêm. Chỗ đáng làm của Bồ Tát cần phải tuần tự học:
nơi học nơi vô học, chớ sanh tướng phân biệt. Đó gọi là đệ nhứt đạo, cũng gọi là ma ha diễn; hết thảy ác hý luận, ắt theo đó mà tiêu diệt. Chư Phật tướng vắng lặng, hẳn từ đây ra. Vì thế chư Phật tử, nên phát tâm đại dũng mãnh nơi tịnh giới chư Phật gìn sạch như minh châu. Chư Bồ Tát quá khứ cũng đã học như thế, và vị lai sẽ học, hiện tại nay đang học. Đây là Phật hành xứ, bậc thánh chúa xưng tán. Ta đã tùy thuận nói phước đức, nhóm không lường đem ban cho chúng sanh, cùng hướng tới nhứt thiết trí. Nguyện người nghe pháp này, chóng đạt thành Phật đạo.
Tiếp theo tụng chú biến thực, cam lồ, phổ cúng dường… giống nghi cúng Tổ Đạt Ma, chỉ thay đổi lời bạch như:
Cung kính nghe rằng giới luật còn ở đời, Thánh đạo vững nền. Ngài Ưu Ba Ly kết tập luật tại Ấn Độ; còn đại sư xuất thân nơi Đông Độ, kế thừa lãnh đạo, truyền pháp tại Chung Nam (Nam Sơn), Trung Hoa, cùng ngưỡng phục, giới quang tinh khiết được tôn xưng luật chủ. Cảm kích sự hộ vệ của trời người, nhận rằng Phật (Xá Lợi) để biểu tượng. Y theo Phật dạy mà lập giới đàn cho đời sau nương theo mãi mãi; theo lời chư thiên để tập truyền ký, bao hàm tư liệu thời mạt pháp. Nay gặp ngày húy nhựt tôn sư xin tỏ chút lòng thành tinh khiết. Lại nguyện, luật nghi vững thạnh, ấn Tổ thêm tỏ rạng, hương giới phủ che khắp 9 châu; mưa pháp đượm nhuần trong 7 chúng.
Tiếp theo cử tán:
Ưu Ba Ly tái thế
Luật học đang phát huy
Giáo chủ Nam Sơn âm chấn động
Ba tụ (giới) hai trì biển giới lóng trong
Chánh pháp mãi mãi hưng long.
Nam Mô Nam Sơn tông chủ Đạo Tuyên Trừng Chiếu luật sư (3 lạy).
Chứng nghĩa ghi rằng: Tông chủ húy Đạo Tuyên, tự Thật Tướng, hiệu Trừng Chiếu, là Tổ nguyên sơ làm hưng long luật tông. Đời Đường Cao Tông sắc phong là Thiên Hạ tự viện, cho lập đồ hình tạc tượng phụng thờ. Khải Tông sắc phong Ích Trừng Chiếu Thánh Sư, có đăng tải đầy đủ trong Tống Cao Tăng truyện quyển 14. Nay dâng cúng tụng Kinh Phạm Võng bài kệ cuối cùng phân thành 3 đoạn:
Đoạn 1, 16 câu: tánh thưởng ý nghĩa trì giới có lợi ích
Đoạn 2, 24 câu: quán sát thật tướng ý nghĩa giới thể
Đoạn 3, 16 câu: khuyên giữ gìn tịnh giới và ý nghĩa hồi hướng tự lợi cũng như lợi tha.
Ngưỡng nguyện nhân lễ dâng cúng này mà niệm nghĩ khắc ghi nơi tâm thức. Cũng có thể phát nguyện tụng 2 giới, xem chương Trụ Trì ở sau, phần dâng hương; nên tụng nhuần nhuyễn mới tĩnh tâm mà tự răn dè mình đó.