Người xuất thế, đấng toàn năng giáng độ
Ôi hân hoan! Ôi hạnh phúc dường nào!
Ba nghìn năm thuở nhiệm mầu hiếm có,
Lâm-tỳ-ni bừng nở đóa vô ưu,
Lòng chúng sanh lịch kiếp vẫn truyền lưu,
Ngày kỷ niệm “ra đời đức Từ Phụ”
Hôm nay, ngày đản sinh của đấng Trí Tuệ lại một lần nữa trở về với nhân loại. Không những nơi đây mà khắp nơi trên thế giới, hàng triệu con
tim đang thành kính đón mừng ngày lịch sử của ánh sáng từ bi. Giờ khắc này gợi lại cho chúng ta nhớ đến sự ra đời và lịch sử của một con người vĩ đại nhất thế giới. Tính chất vĩ đại ở đây không phải vì uy quyền, bạo
động, vũ khí hay khủng bố, mà vĩ đại vì lòng thương và trí tuệ. Không những nay mà muôn ngàn năm sau, loài người vẫn còn kinh ngạc và thán phục một con người sanh ra cách đây hơn 25 thế kỷ đã có thể tuyên bố con
người với con người vốn bình đẳng, phụ nữ cũng có đủ các khả năng như đàn ông, thế giới này được quyết định bởi bàn tay con người, chứ không phải thần linh, thượng đế hay đấng siêu nhiên nào, và sau cùng là con người đều có khả năng tiến bộ (giác ngộ).
Đức Phật ra đời là mang
lại cho thế gian niềm tin và hạnh phúc tuyệt đối. Ngài là người kêu gọi
và khen ngợi một cuộc sống không thù hằn và cuộc sống hướng đến tiến bộ. Chính vì thế mà trong suốt chiều dài lịch sử truyền giáo khắp đó đây, Phật giáo không hề vô tình hay cố ý nhúng tay vào những cuộc đổ máu, cũng không lôi cuốn ai lao vào con đường diệt vong đó.
Trước
đây hơn 25 thế kỷ, tại thành Ca-tỳ-la-vệ, vua Tịnh Phạn cùng nhân dân vui mừng khi thái tử Tất-đạt-đa ra đời bao nhiêu, thì hôm nay Phật tử khắp năm châu, những người đã được tắm gội trong giáo pháp từ bi cũng tràn đầy niềm hân hoan thanh khiết bấy nhiêu để đón mừng lễ kỷ niệm Phật
đản, PL 2549. Vì lòng bi mẫn muốn cứu độ chúng sanh, muốn chúng sanh giác ngộ, thoát khỏi những cái đau khổ do sanh lão bệnh tử mang lại, đức
Phật đã thực hiện hai lần ra đi rất là cao cả. Lần thứ nhất, Bồ-tát Hộ Minh từ giã cung điện Đâu Suất nguy nga lộng lẫy đầy ánh sáng. Lần thứ hai, thái tử Tất-đạt-đa từ giã vương thành Ca-tỳ-la-vệ ra đi tìm đạo trong đêm khuya. Hạnh phúc thay cho chúng ta, vì đức Phật ra đời là thế giới được ánh sáng để chúng ta có thể chiến đấu với ác ma, với kiếp sống
mê muội, với đầu óc phi nhân. May mắn thay cho chúng ta, nhờ đức Phật mà ta có được người hướng đạo để vượt qua biển khổ. Kể từ đó đến nay, biết bao nhiêu người đã hưởng được hương vị giải thoát của giáo pháp mà được an lạc hạnh phúc. Ngày nay trên thế giới diễn ra những cảnh giết hại nhau, gây oán cừu và khổ cho nhau, tạo sự nghi kỵ và khủng bố là đều
do xa rời giáo pháp của Phật.
Ngày Phật xuất thế là một tiếng chuông cảnh tỉnh mọi người hãy buông vũ khí thù hằn nguy hiểm của tham sân si xuống và mang lên những gì hiền hòa của lòng từ bi để lợi người lợi vật. Muôn loại ca vang vì ngày này mà nước mắt bớt chảy, oán giận nguôi dần, thù hằn giảm xuống, và cũng nhân ngày này mà mọi người có thời gian nhớ lại những đức tính hiền lành và khả năng giác ngộ đã bị chôn vùi từ vạn kiếp trong chủ nghĩa cực đoan, trong thành kiến mê lầm. Ngày này, không những loài người, mà luôn cả chim muôn, thú vật cũng đều
vui mừng hớn hở, được tự do sống ngày thanh thản, không lo âu hãi hùng cảnh máu chảy đầu rơi hoặc cảnh chảo dầu lò nướng như những ngày kỷ niệm
linh đình khác.
Ngày Phật xuất thế là ánh dương mầu nhiệm soi rọi khắp trần gian, soi thấu tâm tư thầm kín mà mỗi khi bước đến gần ngày này thì lòng người cảm thấy một năng lượng dịu hiền bát ngát tràn ngập trong người, xóa bỏ bao lớp biên cương của ích kỷ vị ngã, để sống gần nhau hơn, thương yêu nhau hơn trong một bản thể cao quý. Có được duyên lành lại gần đức Phật, ta mới thấy ta bao la vĩ đại, cao thượng; ta với mọi người, mọi vật không còn cách biệt lạ thường như xưa kia đã lầm tưởng theo tâm lượng hẹp hòi u tối.
Cử hành lễ kỷ niệm Phật đản, chúng ta phải noi gương cao cả của Ngài, đem hết năng lực để phục vụ chúng sanh theo đúng chánh pháp, theo phương châm “Cúng dường chúng sanh tức cúng dường Phật”; cúng dường đây có nghĩa là làm việc thiện ích
cho chúng sanh, đem lại sự an vui cho chúng sanh, làm thế nào giữa chúng sanh nói chung, loài người nói riêng không còn cảnh tàn sát lẫn nhau, bắt bớ tù đày hay nghi kỵ giam lỏng lẫn nhau. Nhân loại chỉ biết đem trí thông minh xảo trá, tâm lừa dối để tàn hại lẫn nhau trong khi đức Phật lại dùng trí giác ngộ để bảo toàn tánh mạng cho chúng sanh, lắm
lúc dùng ngay cả thân mạng mình, cả cuộc đời của mình để bảo vệ một lý tưởng, một truyền thống hay một chính nghĩa. Cho nên, chúng ta phải ý thức rằng chúng ta kính cẩn làm lễ Phật đản không phải vì đức Phật, mà chính là vì nhân loại, vì chúng sanh.
Ngày lễ kỷ niệm sự kiện ra đời của đức Phật là ngày lịch sử vĩ đại nhất trong tim của hàng triệu Phật giáo đồ trên thế giới, ngày quý báu nhất của chúng ta. Để phát huy hết tính năng vĩ đại và quý báu ấy, chúng ta phát tâm rộng lớn, thực hành nhiều Phật sự với tất cả sự tích cực linh động trong tinh thần chân
Phật giáo, dẹp tan quan niệm của một Phật giáo thụ động.
Đời càng đau khổ chừng nào chúng ta phải càng thực hành giáo lý đạo Phật chừng đó, vì chỉ có giáo lý của Phật mới có thể xóa tan được nỗi thống khổ của chúng sanh, làm lắng dịu tâm niệm thù hằn, xảo trá, phi đạo đức,
phi nhân bản. Để có thể có những kết quả như thế, chúng ta phải loại trừ tận gốc những tư duy và hành động lệch lạc, xây dựng một cuộc sống đạo chân chính, không vụ lợi… Trách nhiệm của chúng ta là làm sao cho ánh sáng của một đạo Phật quang minh chính đại tỏa rạng khắp trong ta và
trong nhân gian. Nếu làm được như thế mới có thể gọi là thật sự đền đáp
thâm ân của Phật trong ý tưởng cử hành lễ Đản sanh. ❑
Nguồn: Tập San Pháp Luân 14