Đỗ Hồng Ngọc
Nhân vô ngã và pháp vô ngã như hai cánh chim bay lượn. Như Đồ long đao phải có Ỷ thiên kiếm! Như Ỷ thiên kiếm phải có Đồ long đao! Khi lấy được bí quyết giấu trong Đồ long đao,dẹp được giặc ngoại xâm rồi thì Trương Vô Kỵ về… vẽ lông mày cho Triệu Minh! Khi đánh đuổi xong giặc Nguyên Mông rồi thì Trần Nhân Tông rửa tay gác kiếm, một mình một ngựa quay về Yên Tử!
Cái “đối cảnh vô tâm” ở đây mới thật là tuyệt vời đó vậy!
Lại nói về Tu Bồ Đề,sau khi đã hỏi rõ tên kinh, sau khi đã ngậm ngùi rơi lệ, cảm thán bao nhiêu năm theo Phật mà bây giờ mới được nghe lời dạy thâm sâu thế này, bỗng đứng lên lặp lại câu hỏi lúc đầu lần nữa, cứ y như chưa hề nghe gì cả! Lạ thật! Chẳng lẽ Tu Bồ Đề đã “lẫn”, đã “lẩm cẩm” đến độ vậy sao? Điều đáng ngạc nhiên là Phật không hề rầy la “Ông chớ nói vậy!” mà trái lại còn trả lời một cách ân cần hơn! Chắc phải có điều chi bí ẩn ở đây!
Học Kim Cang, tôi cứ rơi từ chưng hửng này sang chưng hửng khác, từ bỡ ngỡ này sang bỡ ngỡ khác. Chắc hông phải vô cớ mà Phật chọn Tu Bồ Đề để dạy Kim Cang cũng như chọn Xá Lợi Phất để dạy Tâm kinh! Ở đây một thầy một trò đã tung hứng, sắm vai (role playing) rất khéo để hướng dẫn một lớp đệ tử mới, những người dấn thân, sẵn sàng xuống núi cứu khổn phò nguy chớ không im lìm khổ hạnh dưới những tàn cây tìm đường giải thoát cho riêng mình.
Cho nên suốt Kinh Kim Cang, Phật nhắc đi nhắc lại, động viên các đệ tử hãy “vị nhơn diễn thuyết”, hãy “quảng vị nhơn thuyết” dù chỉ tứ cú kệ đẳng, dù chỉ một câu một chữ! Một câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” đủ khiến Lục tổ Huệ Năng tỉnh ngộ, một chữ “từ bi hỷ xả” đủ để mang lại hạnh phúc cho mình, cho người! Xuyên suốt Kim Cang, ta thấy Đức Phật muốn truyền bá Chánh pháp rộng rãi, làm cho bánh xe pháp mau lăn đi, kịp cứu người ra khỏi “căn nhà lửa”! Tình trạng lửa cháy mà nhẩn nha, rù rì hoài sao được. Phải hành động.
Phải nhanh chóng. Dập tắt lửa. Cứu người. Thậm chí có kẻ nào vì cứu người mà bị cháy xém, bị hiểu lầm, bị chê cười, chế giễu, sỉ nhục… thì cũng nên hiểu rằng ấy là “nghiệp” xưa phải trả, nợ xưa phải đền.Cứ nhẫn nhục. Cứ tinh tấn. Không nản chí. Không dao động. Thế nhưng cái nguy cơ vẫn còn rình rập ở đó, bởi lại dễ có khuynh hướng xây nên những bức tường mới ngăn chặn mọi mầm móng phát triển do chấp bám, kiêu căng, tự mãn.
Cho nên mặc dù đã dạy rốt ráo ở phần trước rồi, Đức Phật không quên nhắc đi nhắc lại rằng “pháp” mà Phật dạy là bất khả đắc, bất khả thủ, là vô thực vô hư, là chiếc bè qua sông, là ngón tay chỉ trăng! Nhưng trong cái không khí háo hức, sôi nổi của buổi truyền trao “gươm báu” này không khéo lại nảy sinh những vấn đề mới!
Có lẽ nhận ra cái “tâm” chưa an, chưa trụ chút nào của thính chúng, Tu Bồ Đề đành phải nhắc lại câu hỏi lần nữa! Không hề có chuyện “lẫn”, chuyện “lẩm cẩm” ở đây!
Nhưng, thật ra, cả phần đầu của nửa bộ kinh Kim Cang, Phạt mới chỉ dạy…một nửa!Còn một nửa nữa!Phần nửađầu bộ kinh nhấn mạnh đến việc có một thứ “pháp” để hành, nếu muốn được tâm thanh tịnh. “Bồ tát ư pháp, hành ư…”. Nghĩa là cứ theo pháp đã dạy đó mà thực hành. Nào bố thí, nào trì giới, nào nào nhẫn nhục… cứ thế, miễn là làm theo một cách mới. “Bố thí mà không phải bố thí”. Vượt qua, vượt lên, không vướng, không kẹt vào tướng, không trụ vào đâu cả! Còn tướng là còn “hư vọng”. Phải thấy tướng chẳng phải tướng mới thấy đúng bản chất, sự thật, chân như.
Nói khác đi, tướng vẫn còn là cái gì đó rất “vật chất”, là cái thấy nghe, nếm ngửi, rờ rẫm được.Cái đó nói chung, “ly” không khó, rời bỏ không khó. Cứ trốn vào hang núi, trốn vào rừng sâu là xong. Tắt cái đài (TV) thì hết chuyện, bấm cái nút thì hết nghe… dù đang ở trong một thế giới phẳng! Giả mù, giả điếc, giả câm, không khó! Chuyện dễ òm vậy mà lâu nay sao nó vẫn làm khổ ta, hớp hồn ta, quay ta như quay dế, làm ta thất điên bát đảo, để rồi khi “nhìn lại mình” thì “đời đã xanh rêu”, để rồi khi “chiều hôm thức dậy, ngồi ôm tóc dài” thì giật mình”chập chờn lau trắng trong tay”(TCS)!
“Ly tướng” dễ ư? Vậy có cái gì “ly” khó hơn nữa chăng? Có đó!Mối tình đầu bao giờ cũng đẹp. Người xưa bao giờ cũng… tuyệt vời (miễn là đừng gặp lại!). Một lời nói của kẻ thù bao giờ cũng sôi sục. Mười năm quân tử…trả thù chưa muộn! ”Thù trả chưa xong đầu đã bạc”! Cái gì làm ta sôi? Cái gì làm ta sục? Cái gì làm ta thấy đẹp hơn xấu hơn? Không phải là tướng nữa rồi mà là tưởng, là tâm, là niệm.
Lá cái không hình không sắc, không mùi vị, chẳng âm thanh…Nó “núp” ở đâu đó trong ta, từ một kho chứa “vô hình” nào đó, sẵn sàng bùnh lên ngọn lửa phừng phừng trong ta với đủ thứ phép màu đó vậy? “Ngày xưa mưa rơi thì sao, bây chừ nghe mưa lại buồn…” là không phải tại mưa mà là tại ta.Căn gặp trần mới là cảnh, là tướng, khi có tâm vào mới thành tưởng, mới sinh chuyện! Chữ Hán tượng hình viết rất khéo! Dính tám vào đâu thì nó dính cứng ngắt, ngủ cũng chiêm bao! Nhớ thương biết bao giờ nguôi!” (CT).
Trốn chạy nó cách nào, hàng phục nó cách nào, trụ nó cách nào, cái tâm “sinh sự” đó? Câu hỏi quá hay chớ? Đáng hỏi cho rõ ngọn ngành chớ! Tóm lại mộ nữa trước Kim Cang dạy ta cách “ly tướng”, một nửa cuốn kinh sau dạy cho ta cách “ly niệm” (ly tâm). Cái dễ dạy trước, cái khó dạy sau!
Rõ ràng cách trả lời là không giống nhau cho một câu hỏi giống nhau! Lúc mới phát tâm sơ sơ thì phải làm như vầy như vầy, bây giờ đã “đương sanh như thị tâm” rồi, dễ tưởng mình có “pháp” để truyền, có “pháp” để thuyết nên còn dễ vướng bận hơn xưa, dễ dính mắc hơn xưa, dễ vác bè khi đã qua sông, dễ bắt mọi người nhìn ngón tay mình..!
Phật dạy gì? Chả có pháp gì để đắc cả đâu! Cái gọi là “A-nậu-đa-la-Tam-miệu-Tam-bồ-đề” gì đó nó đã sẵn có đó rồi, ai cũng sẵn có rồi, chẳng qua bị che khuất đi mà thôi. Tìm thấy một món sẵn có sao gọi là “đắc”? Thế nhưng cũng không phải là không có. Nó có mà là không. Nó không mà là có. Vô thật vô hư. Thú vị là khi thấy được điều ẩn tàng bên trong mọi “pháp”, vượt qua tướng để thấy “thật tướng” thì pháp nào cũng là pháp Phật cả : “Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp”. Pháp ở đây không còn khu trú ở nghĩa một cách thế, mộ phương pháp nữa mà đã là toàn bộ sự vận hành của tâm, nội dung của tâm.
Và như vậy, pháp vô ngã cũng như nhân vô ngã!
Tu Bồ Đề, nhược Bồ tát thông đạt vô ngã pháp giả, Như lai thuyết danh chơn thị Bồ tát. Bồ tát phải thông pháp vô ngã cũng như thông nhân vô ngã, mới xứng danh là Bồ tát! Nhân vô ngã và pháp vô ngã như hai cánh chim bay lượn.
Như Đồ long đao phải có Ỷ thiên kiếm! Như Ỷ thiên kiếm phải có Đồ long đao! Khi lấy được bí quyết giấu trong Đồ long đao, dẹp được giặc ngoại xâm rồi thì Trương Vô Kỵ về… vẽ lông mày cho Triệu Minh! Khi đánh đuổi xong giặc Nguyên Mông rồi thì Trần Nhân Tông rửa tay gác kiếm, một mình một ngựa quay về Yên Tử!
Cái “đối cảnh vô tâm” ở đây mới thật là tuyệt vời đó vậy!