BÓNG
ÁO NÂU
TẬP
SÁCH VỀ CUỘC ĐỜI THƯỢNG TỌA THÍCH CHƠN THANH
Phần III:
Những bài
viết về thầy
Hành
trang để lại
Trong
phật học viện Huệ Nghiêm những năm ấy, thầy là tăng sinh
nhỏ tuổi nhất nhưng sức tu và lực học không kém các
huynh đệ đồng môn. Ngoài những giờ chấp tác, hầu hết
thời gian thầy đều dành cho việc tu học. Những khi nhàn
rỗi, thầy thường bách bộ trong khuôn viên chùa với phong
thái thanh thản nhẹ nhàng. Khi nghe hỏi :
- Thầy
khỏe không?
Thầy
đáp:
- Trong sanh tử, khỏe sao được.
- Sao
thầy vui vậy?
- Ðược
xuất gia học đạo, không vui sao được.
- Thầy
có buồn không?
- Ta
bà không buồn sao được.
Những
câu trả lời vui vui của thầy đã thể hiện một cuộc sống
thong dong, phóng khoáng của một con người con Phật.
Mỗi
lần gặp chướng duyên, thấy tôi sầu não, thầy nhắc nhở:
“Bộ con tưởng thật hả? Cứ thấy cảnh là chạy theo”.
Thế là, tôi được thầy anh minh gỡ giúp ra khỏi vòng vây
triền phược ấy. Những lời nhắc nhở chân tình và sâu
sắc của thầy thể hiện một nội tâm vững chãi, tự tại
và an lạc của một bậc chân tu đầy bi trí.
Tôi
nhớ mãi câu nói lập đi lập lại của thầy khi gặp tôi
bất cứ nơi đâu: “Ni tu khó lắm, con tu được không?
Quý sư bà có thương con không? Có ai ăn hiếp con không? Con
phải cố gắng thật nhiều!”. Lời khuyên mộc mạc nhưng
đầy ắp đạo tình sâu lắng của một bậc huynh trưởng
đối với đàn em trên đường tìm về nơi cội nguồn đầy
hoa thơm cỏ lạ nhưng cũng lắm chông gai và thử thách.
Những
tình cảm thiên liêng cao đẹp của quí thầy đã giúp tôi
thêm ý chí phấn đấu trên đường tu học và tự thấy mình
luôn phải có phần nào trách nhiệm đối với Tổ Ðình Huệ
Nghiêm. Mỗi năm vào ngày giỗ tôn sư, tôi được về cúng
dường và phục vụ, thầy thường ghé ngang qua khu nhà trù,
thăm hỏi và dặn dò chúng tôi cố gắng tu học.
Với
tánh thái nhẹ nhàng, ung dung, tự tại, trãi qua mấy mươi
năm cho đến khi thầy viên tịch, tôi chưa một lần nghe thầy
bực bội than thở điều gì dù công việc của thầy cũng
gặp biết bao phiền não. Thầy đã hiến dâng cả đời mình
cho đạo pháp, cho con người. Tình thương và trí tuệ thầy
đã ban rãi cho tất cả. Những gì làm được thầy đã làm,
những điều đáng nói thầy đã đem vào lòng hết thảy
chúng hữu duyên.
Kể
từ đây, ngôi nhà Phật pháp thế gian đã vắng bóng thành
viên ưu tú. Giáo hội thiếu một cánh tay đắc lực, tăng
ni mất một sư huynh, một pháp đệ, một người bạn đồng
hành, một bậc thầy khả kính; hàng Phật tử tại gia bất
hạnh không còn được một vị thầy đầy từ bi đạo hạnh
dìu dắt. Nhưng với tất cả những gì thầy đã để lại
cho chúng ta, cũng đủ làm thành một hành trang vô cùng thiết
thực trên con đường tìm về Chánh Pháp.
Tịnh
Nghiêm
An
cư kiết hạ
nguồn
sinh lực của tăng già
An
cư kiết hạ là một thông lệ từ lâu của các đạo sĩ Ấn
Độ khi tăng đoàn Phật giáo hãy còn chưa xuất hiện. Thời
tiết Ấn Độ có vẻ khác hơn Việt Nam hay Trung Quốc cũng
như các quốc gia khác: Từ tháng một đến tháng tư là mùa
xuân, từ tháng chín đến tháng mười hai là mùa đông. Ấn
Độ không có mùa thu. Một năm chia làm ba mùa rõ rệt như
thế, nên các đạo sĩ qui định vào những tháng mưa gió nên
an trú một nơi nhất định để bảo tồn sức khoẻ và tăng
cường đạo lực. Giáo đoàn Phật giáo hợp thức hoá thông
lệ này bắt đầu từ Lục quần Tỳ kheo (sáu thầy tỳ kheo
chuyên gia khai duyên cho Phật chế giới). Suốt mấy tháng mùa
mưa, nhóm sáu thầy tỳ kheo này lang thang du hoá khắp nơi không
kể gì mưa gió, đạp dẫm lên hoa cỏ mùa màng mới đâm chồi
hay những loài côn trùng vừa sanh nở. Cư sĩ chê trách hàng
sa môn Thích tử thật quá đáng, các đạo sĩ khác vẫn có
những tháng sống cố định, ngay đến loài cầm thú vẫn
có mùa trú ẩn của nó, còn các vị hành đạo này thì luông
tuồng không biết nghỉ chân vào mùa nào cả. Lúc ấy, đức
Phật ở tại nước Xá Vệ, trong thành Cấp Cô Độc, biết
được sự việc xảy ra liền ban hành quyết định cấm túc
an cư cho toàn thể tăng đoàn trong các tháng đầu mùa mưa,
tức từ mồng một trăng tròn của tháng A-sa-đà đến hết
trăng tròn của tháng A-thấp-phược-đê-xà (Theo ngài Huyền
Trang là nhằm 16 tháng 5 của Trung Quốc, sau vì muốn lấy ngày
rằm tháng bảy Vu Lan làm ngày Tự tứ nên chọn ngày An cư
là 16 tháng 4). Phật giáo Việt Nam cũng tuân theo nguyên tắc
này nhưng thời gian có khác một chút. Nghĩa là thời tiết
Việt Nam tuy thể hiện rõ rệt chỉ có hai mùa nắng và mùa
mưa, nhưng vẫn qui định theo bốn mùa như Trung Quốc: xuân,
hạ, thu, đông. Như vậy thời điểm để tu sĩ Phật giáo
Việt Nam an cư là bắt đầu từ ngày rằm tháng 4 đến rằm
tháng 7 (mùa hạ), đó gọi là tiền an cư. Hậu an cư là dành
cho trường hợp đặc biệt, có duyên sự khẩn thiết thì
có thể bắt đầu an cư từ 17 - 4 cho đến 17 - 5, và kết
thúc dĩ nhiên cũng phải đủ 90 ngày như tiền an cư (cùng
làm lễ Tự tứ, nhưng phải ở lại cho đủ số ngày). Riêng
hệ phái Nguyên Thuỷ chọn thời điểm kiết hạ vào ngày
rằm tháng 6 cho đến ngày rằm tháng 9. Tuỳ theo quốc độ,
địa phương mà có những mùa an cư không hoàn toàn giống
nhau, ở Việt Nam, một vài nơi còn có thêm kiết đông bắt
đầu từ rằm tháng 9 đến rằm tháng 12 là dựa theo tinh thần
của Luật Bồ Tát.
Vì
sao lại phát sinnh thêm kiết đông thay vì chỉ có kiết hạ?
Có phải an cư là thời gian để tăng già tích luỹ nguốn
sinh lực hay không?
Hàng
xuất gia trong giáo đoàn Phật giáo bao giờ cũng tâm niệm
hai nhiệm vụ cần phải sớm thành tựu: thượng cầu Phật
đạo và hạ hóa chúng sanh. Song lộ trình tiến đến quả
vị Phật hay Thánh quả thật gian truân cách trở, không phải
là vấn đề một sớm một chiều hay một kiếp. Vì vậy việc
tự lợi là một nhu cầu cần thiết cho bất cứ một hành
giả nào còn vương mang pháp hữu lậu, chưa có phần dự vào
dòng Thánh. Nếu như thời gian dành cho việc đi lại bên ngoài
quá nhiều, mà căn bản phiền não vẫn còn sâu kín bên trong
thì kết quả hoàn toàn sai với tinh thần hóa độ của đức
Phật. Người bị trói tất nhiên không bao giờ cởi trói được
cho người khác. Người có thật nhiều hạnh phúc, vượt lên
trên những khổ đau triền phược mới có thể đưa người
ra khỏi dòng tục bến mê. Hóa độ thì xem như chia phần,
bớt đi. Mặc dù một ngọn đèn có thể thắp sáng hàng trăm
nghìn ngọn đèn khác. Song một khi ngọn đèn ra trước gió,
thì sự an nguy cũng giống như một người hành đạo chưa
liễu đạo mà phải đương đầu với ngũ dục trần lao. Thế
mới biết, an cư là thời gian quý báu để người tu hành
có điều kiện nhìn lại chính mình, soi thấu bệnh tật phiền
não hoặc mới huân tập hoặc lâu đời mà đoạn trừ, trị
liệu. Ngoài ra việc tránh ngộ sát côn trùng hay không ảnh
hưởng mùa màng của người thế tục cũng là một duyên cớ
để trưởng dưỡng lòng từ bi. Song lý do trước mới là
tinh thần chính yếu của việc cấm túc an cư.
Bộ
Luật Tư Trì Ký định nghĩa: Lập tâm một chỗ gọi là Kiết;
bộ Nghiệp Sớ định nghĩa: Thu thúc thân vào chỗ tịch tĩnh
gọi là An. Như vậy dù kiết hạ hay kiết đông an cư thì
mục đích chính vẫn là thúc liễm thân tâm, trau dồi giới
đức. Tỳ kheo hay tỳ kheo ni nào không quan tâm đến việc
tu tập thiền định để bồi dưỡng trí tuệ thì thật không
xứng đáng là bậc mô phạm tỉnh thức. Sự khắc khe này
cũng chỉ vì đức Phật muốn bảo hộ sức sống của tăng-già
bằng việc triển khai năng lực tu tập của mỗi cá nhân.
Nếu ai trong hàng xuất gia đệ tử Phật không tôn kính vâng
giữ lời huấn thị của đức Phật, xem an cư là một điều
bó buộc, một phương tiện nhỏ nhặt thì quả thật người
ấy không những tự chối bỏ phần tự lợi mà gây ảnh hưởng
không tốt cho tăng đoàn. Cũng như bác nông phu mỗi năm phải
làm ruộng, nếu năm nào bỏ bê không chăm lo đến mùa màng
thì bác sẽ bị nghèo nàn đói thiếu. Hàng Bí Sô nếu không
có những ngày tháng cùng sinh hoạt cộng trú để sách tấn
lẫn nhau thì làm sao có điều kiện để tạo thành năng lực
hoà hợp và kiểm chứng giá trị thanh tịnh? Kết thúc khoá
an cư là Tự Tứ, một hình thức tối quan trọng để tổng
kết quá trình tu tập tiến triển hay lui sụt của từng cá
nhân qua ba tiêu chuẩn: thấy, nghe, nghi. Những ai vượt ra khỏi
phạm vi giới luật, buông lung theo ba nghiệp, hành động theo
bản năng cố hữu thì sẽ bị cử tội giữa đại chúng để
bổ khuyết sửa chữa.
Một
lần, sau mùa an cư các thầy tỳ kheo lần lượt về vấn an
đức Phật và trình bày công phu tu tập của mình. Đức Phật
hỏi:
- Vừa
qua các ông có được an lạc không?
- Thưa
an lạc lắm ạ!
- Thế
trong ba tháng ấy các ông tu tập pháp gì?
Các
thầy tỳ kheo vui vẻ trả lời:
- Bạch
Thế Tôn, chúng con thực hành pháp tịnh khẩu, tự mỗi người
giữ im lặng tuyệt đối.
- Đức
Phật quở trách:
- Các
ông thật vô trí, được sống chung sao không chịu trao đổi
hay nhắc nhở nhau tu tập mà lại thực hiện pháp câm như
thế, vậy an cư được lợi ích gì chứ? Các ông phải luôn
sinh hoạt trong niệm đoàn kết, trên dưới thuận hoà, cùng
thống nhất ý kiến, cùng bàn bạc trao đổi và học hỏi
lẫn nhau, lẽ nào không thấy được giá trị của thấy, nghe
và nghi làm tiêu chuẩn để thanh lọc mỗi người. Các ông
đã bỏ phí một mùa an cư. Các ông đã hành động phi pháp.
Năng
lực của đại chúng quả thật như biển (Đức chúng như
hải) sẽ nâng đỡ những con thuyền lành tốt, khôn khéo chiều
theo từng đợt sóng, và sẽ đào thải tất cả những con
thuyền hư thủng ra khỏi lòng đại dương. Tăng đoàn muốn
hòa hợp theo đúng bản chất của nó như nước với sữa
thì buộc mỗi cá nhân phải tự nỗ lực, trang nghiêm chính
mình. Ngày nay, những người trí thức ở phương Tây luôn
tranh thủ cho mình một khoảng thời gian một tháng hay nhiều
hơn trong năm để tu nghiệp, tức là bồi dưỡng thêm nghề
nghiệp. Người tu sĩ Phật giáo lấy trí tuệ làm sự nghiệp
lẽ nào không đầu tư vào công phu thiền định. Không có
thời gian để cùng nhau nhắc nhở giới luật. Tứ niệm xứ,
Tứ thánh chủng… Một mình một cõi du hóa lơ lỏng trong
nhân gian thì rất khó cho việc thành tựu tuệ giác, hóa độ
viên mãn.
Cũng
như những giáo hội khác, ngày nay ở Việt Nam không còn giống
như thời Phật ở Ấn Độ là hàng xuất gia không phải mỗi
người du hóa một phương, mang theo ba y một bình bát và ngủ
dưới gốc cây, nhưng lối sống theo từng tông phái, chùa
riêng, tổ đình riêng, thầy riêng đệ tử riêng thì cũng
xem như rời rạc, chưa đoàn kết hoà hợp. Vì lẽ chưa dung
hoà đó mà Kiết hạ an cư đã trở thành qui luật rất cần
thiết để làm phương thuốc hồi sinh, làm sống lại tình
Linh Sơn cốt nhục mà lắm lúc vì những nguyên do gì đó,
vì bệnh nghiệp cá biệt nào đó đã làm cho anh em cùng nhà
phải bút chiến, khẩu chiến phân tranh cao hạ, làm cho sư
tử phải trọng thương chỉ vì loài trùng ăn gặm trong thân
sư tử. Hơn nữa, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hôm nay nhắm
vào tinh thần thống nhất về tổ chức (thống nhất ý chí
và hành động) thì Kiết hạ an cư là một phương tiện thuận
lợi cho giáo hội xây dựng tăng đoàn đoàn kết hòa hợp
và thống nhất mọi mặt theo phương châm: “Đạo pháp - Dân
tộc - chủ nghĩa xã hội”.
Rõ
ràng, ba tháng an cư, cửu tuần tu học đích thực là nguồn
năng lực quí báu làm nóng lại và bền vững hơn tinh thần
thanh tịnh hòa hợp của tăng-già. Chúng ta sẽ dễ dàng nhìn
thấy sự hưng thịnh của Phật pháp khi chốn tòng lâm ngày
ngày giới luật nghiêm minh, đêm đêm toạ thiền niệm Phật,
trên dưới hoà hợp, tu tập trong niệm đoàn kết an hoà.
Mùa
An Cư - PL 2544
Thích
Chơn Thanh.