KIM CANG NGŨ THẬP TAM GIA
CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI
131.ÂM:
Tu Bồ Đề bạch Phật ngôn: "Thế Tôn! Phật đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, vi vô sở đắc gia ?".
Phật ngôn: "Như thị! Như thị! Tu Bồ Đề! Ngã ư A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, nãi chí vô hữu thiểu pháp khả đắc, thị danh A nậu đa la tam miệu tam bồ đề".
NGHĨA:
Tu Bồ Đề bạch Phật: "Bạch đức Thế Tôn! Phật đặng đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, là không có chỗ chi đặng sao?".
Phật nói: "Thiệt vậy! thiệt vậy! Này Tu Bồ Đề! Ta đối với đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho đến không có một chút pháp chi mà gọi là đặng; vậy mới thiệt là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác".
Giải : Vương Nhựt Hưu giải: Phần nầy đại khái đồng nghĩa với phần thứ bảy, đến đây còn lập lại nữa là vì những thính giả đến sau.
Phật ngôn : "Như thị ! Như thị !" là rất nhận cái lời nói là phải.
- A nậu đa la v.v... là trong chơn tánh không có một chút pháp chi mà đặng. Đã không có chi đặng thì lộng lộng trống không; không phải lấy hình tướng và ngôn thuyết chi mà cầu đặng, chỉ kêu là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác vậy thôi.
Trần Hùng giải: Đàn kinh có nói: "Diệu tánh vốn không, không có một pháp chi đặng". Đã không một pháp chi mà đặng, mà sao có ông Tu Bồ Đề chứng quả đặng? Phật ta không chi đặng, không chi chứng, không danh chi mà đặt cho đặng, chỉ cưỡng danh là A nậu đa la vậy thôi.
Nhan Bính giải: Cho là có pháp chi mà đặng, ấy là bị cái pháp nó buộc, không pháp chi mà đặng mới gọi là giải thoát. Ông Tu Bồ Đề dùng câu "Không có chỗ chi mà đặng" hầu đáp với Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn lại dùng câu: "Như vậy như vậy", làm chứng cớ.
Phật lại nói: "Ta đối với đạo Vô thượng cho đến không có một chút pháp chi mà gọi là đặng, chỉ cưỡng danh vậy thôi".
Trí Giải Thiền sư giải:
Tụng:
Trí chư Phật Diệu giác, Thể giác vẫn bao la.
Nhân bởi sao thành Phật, Chứng vì tại chẳng tà.
Tánh mầu tuy khó sánh, Lý đúng hẳn không sai.
Mê chấp mà chưa ngộ, Lạc ngàn dặm nẻo xa.
Lý Văn Hội giải: Bằng có một chút pháp chi mà đặng chi cũng là trước tướng.
Ông Chí Công có nói:
Trần thức mảy may vừa động niệm,
Bị ma dắt lối quỉ đem đàng.
Trong Kinh có nói:
Muốn biết rõ ràng cảnh giới Phật.
Rèn lòng thanh tịnh tợ hư không.
Những người học đạo chỉ đối với cả thảy các pháp: không thấp không bỏ, thấy như chẳng thấy, nghe như chẳng nghe, lòng như cây đá, dứt bỏ những điều thâu thập cho trong ngoài thanh tịnh mới thiệt một người tiêu diêu tự tại.
Kinh Pháp Cu có nói: "Tuy trọn ngày thấy, cũng như không thấy, tuy trọn ngày nghe, cũng như không nghe".
Ông Thảo Đường Thanh Hòa Thượng có tụng:
Khẻ đã lửa văng chạt,
Chớp giăng rồi lại tắt.
Vực trong mấy trượng sâu,
Hiện thức trời in tạc.
Ông Tiêu Diêu Ông có nói: "Trong giác thì thân tâm không, ngoài giác thì muôn việc không, phá hết các tướng, tự nhiên không còn chấp, không còn tranh: ấy tức là Thiền duyệt ".
Người đại minh liễu ngộ, đừng cho có mảy may nào ngăn ngại, vi trần nào nhiễm trược, trày trày chẳng biến, mới là Vô thượng sĩ Bất động tôn cho.
Kỳ Thiền sư giải: Động niệm tợ Thích Ca xuất thế, đứng đi đường Di Lặc giáng sanh, dùng trí của Văn Thù đặng biện phân, theo hạnh của Phổ Hiền mà vận dụng. Môn môn thảy đều cam lộ, mùi mùi tất cả đề hồ. Chiên đàn rừng đẹp đừng ra khỏi. Hoa tạng cảnh mầu cứ ở yên. Nếu như vậy thì đi đứng nằm ngồi, đối với sự thấy là duyên, tuy ứng dụng cả muôn ngàn cũng rỗng rang thanh tịnh.
Xuyên Thiền sư giải: Cầu người chẳng bằng cầu mình.
Tụng:
Nước đông thành giá, sắc trong veo.
Liễu lục, đào hầm vẻ gấm thêu.
Xuân sẵn có hoa, thu có nguyệt,
Hà tằng lóng đợi Chá cô ([139]) kêu.