TÌM HIỂU ĐỜI SỐNG AN LẠC
Hàn Lâm NGUYỄN PHÚ THỨ
Trước
đây, tôi có viết bài CHỮ AN để góp phần mọn cho đời
sống hằng ngày, có đoạn về sự bất An của cuộc đời
con người tôi, xin nhắc lại như sau :
…..
«Nhớ lại thuở còn tuổi học trò ở quê nhà, tôi cũng phải
tranh đấu với bạn bè cùng lớp từ bậc tiểu học, rồi
trung học và đại học, cứ tưởng khi ra trường đi dạy
làm thầy sẽ thoải mái và sung sướng hơn tuổi học trò
đầy mơ mộng. Nhưng than ôi! khi đến tuổi lập thân, nên
người và có sự nghiệp trong tay rồi, thì tôi cũng tiếp
tục tranh đấu vì sự sống hằng ngày, mà chẳng thực hiện
được chữ An, nhớ lại cái tuổi học trò, sống với Cha
Mẹ, thì thật là sung sướng vô cùng, mỗi ngày chỉ vui chơi,
rồi đi học, về nhà thì được Cha Mẹ nuông chiều, lo cơm
áo đầy đủ, duy chỉ có cái lo học cho được điểm cao
ở nhà trường và mỗi lần có cuộc thi làm bài trúng và
được chấm đậu là xong, chớ nào có hay biết Cha Mẹ phải
tranh đấu để làm ra tiền của, để nuôi dưỡng cho mình
ăn học đâu? Thành ra cuộc đời tuổi học trò thật là An
vui, mà tôi không bao giờ hay biết, mà tôi còn cứ than Khổ
mỗi khi phải lo học hành, đến ngày nghỉ cuối tuần mới
được rông chơi với bạn bè hoặc vào dịp nghỉ hè được
nhà trường tổ chức đi thăm viếng danh lam thắng cảnh quê
hương mình và nhìn lên bục giảng bài của những vị thầy,
những vị giáo sư, thì tôi cũng không An, với tuổi học trò
đầy mơ ước sau này sẽ trở thành những vị ấy, sẽ sung
sướng và hảnh diện và An vui hơn cái tuổi học trò. Thế
rồi, nước chảy ngày tới, thời gian cứ trôi qua, tôi đã
thật sự thành công cái mơ ước của mình, thì tôi lại thấy
cái tuổi học trò quả thật An vui hơn, mà tôi không chịu
An hưởng cái An hiện có của mình, cho nên cái tuổi học
trò tôi vẫn mất An là thế đó. Vì thế, tôi mới tiếc rẻ
cái An của cái tuổi học trò, vì nhứt nhứt sự sống, từ
cái ăn, cái mặc đều do Cha Mẹ lo lắng đầy đủ cả, chớ
đâu phải như ngày hôm nay… »
Nay, tuổi tôi trên đường đi đến thất thập niên, nhìn lại quảng đời đã đi qua, mới thấy cuộc đời: « Khi còn trẻ, đứng dưới chân núi nhìn lên thấy núi cao lớn, nhưng khi leo lên đến ngọn núi, thì thấy ngọn núi kia nhỏ bé so với Trời cao, Biển rộng không khác sự hiểu biết khi đến tuổi đã già vậy, cho nên tôi thấy : <Càng học lại càng dốt>. Bởi biển học mênh mong vô tận, nhưng sức người hiểu biết rất hạn hẹp không thể thấu hiểu biết hết được.»
Hôm nay, tôi xin mạo muội viết tiếp bài TÌM HIỂU ĐỜI SỐNG AN LẠC, để góp phần mọn cho đời sống. Như chúng ta điều biết và thấy được :
«Loài người sanh ra do vận hành của Trời Đất tạo thành, không khác hột kim cương, có đủ loại, đủ cở. Vì thế, mỗi người có mỗi ý và có số mạng khác nhau, cho nên đã làm con người thì không bao giờ giống nhau hay toàn bích hơn người khác hết được.
Do vậy, chúng ta đừng bao giờ lẩm cẩm hay khờ dại bắt buộc người khác giống mình hoặc chỉ biết xét lỗi người mà quên lỗi mình, làm cho tâm mình bất an không lợi lộc cho bản thân mình, mà nên xét lỗi mình và nên có tấm lòng thường người như thể thương thân ».
Quả đúng vậy : Con người chúng ta do Trời Đất tạo thành không có người nào giống người nào, mặc dù có sanh đôi cùng Cha Mẹ chăng nữa, bởi vì, mọi người có đời sống riêng biệt và có phúc đức tiền kiếp ông bà, cha mẹ không giống nhau. Do vậy, có cuộc sống về tương lai cũng khác nhau.
Tại sao hai
người sanh cùng : Giờ, Ngày, Tháng, Năm và cùng Quê Hương.
Nhưng Không Giống Nhau
về Tương
Lai Sự Nghiệp ?
Khi nói đến trường hợp hai người sanh đôi, chỉ khác giờ, tôi nhớ lại giai thoại diễn ra dưới triều Lê, hai người không những giống nhau như sanh đôi, mà còn sanh cùng giờ và cùng quê hương nữa, nhưng tương lai sự nghiệp lại khác nhau, xin trích dẫn như sau : Khi Lê Thái Tổ thành đại nghiệp, lên ngôi vua, trở về quê hương đất tổ, một ông lão người cùng quê hỏi Tướng Trần Nguyên Hãn rằng :
Tôi với bệ hạ sanh cùng : Giờ, Ngày, Tháng, Năm và cùng Quê hương, thế sao bệ hạ làm vua, mà tôi thì vẫn là dân?
Tướng Trần Nguyên Hãn đáp :
Đó là Phúc cả, Cung Phúc của Chúa tôi và ông đều có Thiên Đồng tọa thủ tại Hợi. Nhưng ngôi mộ tổ ông lại không để trúng long mạch, ngược lại ngôi mộ tổ Chúa tôi để trúng long mạch, nên được hưởng. Bởi giống nhau, nên tướng mạo của ông và Chúa tôi giống nhau tương tự.
Tôi nghï rằng : Số ông cũng có phần nào giống Chúa tôi chứ! Ông làm nghề gì?
Ông lão đáp :
Tôi làm nghề nuôi Ong, hiện nuôi được 9 tổ Ong.
Tướng Trần Nguyên Hãn nói : Đó, tôi nói có sai đâu? Bệ hạ tôi làm Chúa 9 Châu, còn ông làm chủ 9 tổ Ong, tổ nào cũng có vua, có tướng, có quan mà.
Do vậy, chúng ta có thể kết luận rằng : <Mỗi con người đều có cái số riêng cả, không ai tránh khỏi vận mạng cuộc đời của mỗi người, bởi vì, có người sao giàu sang quá, trong khi có người khác lại nghèo nàn, khổ cực>
Hơn nữa, cuộc đời khó ai biết được tương lai, để chọn sự sống được sung túc thoải mái về vật chất lẫn tinh thần suốt đời.
Nhân nhắc đến <vận mạng cuộc đời của mỗi người>, thì chúng ta đã thấy: Con người cũng bị chi phối các vận hành trong Trời Đất tạo nên, dù giàu hay nghèo, cho nên không thoát khỏi Sanh, Lão, Bịnh, Tử. Bởi vì, mọi người đã hiểu biết và thấy được: <Cuộc đời vô thường và đều có số mạng hết cả>.
Vì thế :
Số
Không là số trời ban,
Không
ai tránh khỏi bước qua kiếp người.
Quả
đúng vậy, Số không là số thần kỳ.
Bởi vì, là số bắt đầu tức số không dương khi chúng ta lọt lòng để chào đời và số chấm dứt tức số không âm khi chúng ta nhắm mắt lìa đời, không một ai tránh khỏi của cuộc đời Có Không, Không Có này.
Hơn nữa, khi chúng ta chào đời hay khi lìa đời cũng trắng tay, mặc dù người đó có giàu sang, danh vọng như thế nào cũng không mang theo hết được.
Từ đó, chúng ta mới thấy được tất cả đời sống có được hiện tại chỉ là tạm bợ kể cả bản thân, chớ không phải của riêng của ai mãi mãi và mỗi người có số mạng cả trong thời gian nào đó. Do vậy, nếu chúng ta tự suy nghĩ sẽ thấy và nên làm ngay: Không bao giờ tranh đua hơn nhau một lời nói hay ích lợi vật chất vô ích nữa, đôi khi để đưa đến sự mất lòng nhau, mà chúng ta nên thương yêu mọi người như thể thương thân, phải biết Nhẫn Nhục, Từ, Bi, Hỉ, Xả với mọi người và nên cho những nụ cười với nhau để có đời sống được An Lạc.
Trái lại, nếu chúng ta cứ không từ bỏ cứ tiếp tục: ganh ghét, hơn thua, sân hận và hỉ, nộ, ái, ố… mỗi khi khi thấy người khác hơn mình, thì phải nói xấu người cho bằng được để triệt hạ và đôi khi phải bỏ ăn, mất ngủ làm hại sức khoẻ mình để suy nghĩ rồi dựng chuyện hoặc làm những điều độc ác để làm lợi cho mình mà không nghĩ đến sự đau khổ của người khác, để rồi sẽ mang vào thân hậu quả khó lường về sức khoẻ và tuơng lai sau này.
Ngoài ra, chúng ta cũng đừng bàn chuyện thiên hạ để lãnh nợ, lọt vào Bốn Cái Ngu của người xưa đã từng nói : «Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu », mà chúng ta nên :
Tăng
ái bất quan tâm,
Trường
thân lưỡng cước ngọa.
Chuyện
thương ghét chẳng bận lòng,
Nằm
thẳng hai chân mà an giấc.
Viết
đến đây, tôi nhớ lại các trang phụ, xen vào sau khi hết
tiểu mục của các quyển sách của tôi, xin trích dẫn trang
132 quyển Tử Vi & Địa Lý Thực Hành như sau :
Người
xưa đã nói : "Ái Nhân như kỷ" (愛 人 如 己)
tức
"Thương người như mình"
hoặc
là :
"Kỷ
sở bất dục vật thi ư nhơn" (己 所 不 欲 勿 施 于 人)
tức
"Điều mình không muốn, chớ làm cho người"
Riêng tôi,
Thương người như thể thương thân, xem mọi người như họ hàng thân tộc từ đời đời kiếp kiếp luân hồi với nhau, cho nên lúc nào cũng tận tình trợ giúp từ vật chất đến tinh thần và cũng đừng bao giờ làm những gì mình không thích cho mọi người, mà nên làm những gì mình thích cho mọi người. Có vậy mới chấm dứt sự đau khổ triền miên ở trần gian này nữa. Mong lắm thay !
Một đặc điểm khác nữa,
Người ta thường ví : Cuộc đời giống như canh bạc, có kẻ thắng người thua. Nếu quả thật vậy, thì tâm của mình sẽ bất an, vì chỉ lo nghĩ đến sự thắng thua mà quên đi hưởng an lạc cuộc đời.
Do vậy, nếu muốn hưởng được cuộc đời an lạc, thì người ta nên nhứt quyết không thèm lo nghĩ sự thắng thua của nó là quan trọng nữa.
Hơn nữa, nếu chúng ta thực hiện được Tri túc, tri chỉ (Biết đủ, biết thôi) hoặc là: Tri túc tiện túc, hà thời túc - Tri nhàn tiện nhàn, hà thời nhàn (Biết đủ thì đủ - Biết nhàn thì nhàn) Và xin trích dẫn bài thơ dưới đây :
Biết
đủ sẽ đủ
Các
bình chậu hủ đựng lủ khủ,
Biết
dùng chúng nó đời sẽ đủ,
Không
tranh đủ thiếu được an ngủ,
Vui
sống mọi người trong hoàn vủ
thì
cuộc sống sẽ được An Lạc trên trần gian này.
Ngoài ra, chúng ta đã từng biết, mỗi người có mỗi ý cho nên đừng cho rằng ý tôi là tuyệt đối, là hay hơn cả, mà nên áp dụng câu : «Le moi est haïssable» của Blaise Pascal (1623 - 1662) đã để lại cho đời «Cái tôi thật đáng ghét» đáng suy ngẫm vậy.
Nhân nhắc, mỗi người có mỗi ý, có cái nhìn khác nhau xin trích dẫn chuyện xa xưa <hai cha con mua Ngưa trở về nhà> (Ngựa hay Lừa?, nhưng tôi thấy con vật nào cũng không quan trọng, tuy nhiên, tôi thấy con Ngựa có lý hơn con Lừa, vì nó có sức mạnh để cho hai cha con cùng cỡi và nội dung cốt chuyện mới quan trọng) như sau :
Chuyện kể, có hai cha con người kia đi mua được một con Ngựa, trên đường trở về nhà người cha bảo người con lên cỡi con Ngựa, dọc đường bị người ở bên đường quở rằng: «Người con bất hiếu, bởi vì người con còn tráng kiện, trong khi người cha già yếu lại đi dưới nắng nóng bức mùa Hè».
Người cha nghe nói có lý, nên bảo người con xuống và nhường con Ngựa để người cha lên cỡi. Nhưng đi được một khoảng đường, thì bị người qua đường lại quở rằng : « Ông già này không biết thương con, trong khi trời nắng trưa mà để đứa con đi bộ với con Ngựa như vây?».
Người cha nghe vậy, cũng cho rằng có lý, cho nên ông bảo đứa con cùng lên ngồi trên con Ngựa để cỡi về nhà. Nhưng đi được một đổi đường, thì bị người qua đường lại quở: «Tại sao hai cha con người này rất nặng mà bắt con Ngựa để cỡi, không biết thương thú vật »
Người
cha nghe vậy, cũng cho rằng có lý, cho nên ông bảo đứa con
cùng ông tuột xuống, không cỡi con Ngựa nữa, từ đó hai
cha con cùng đi bộ với con Ngựa cho chắc ăn và tin rằng lần
này đi đến nhà sẽ không bị thiên hạ phê bình. Nhưng khổ
thay, cha con ông chỉ đi được một khoảng đường, thì cũng
bị phê bình : «Tại sao hai cha con ông dạy dột, không biết
dùng con Ngựa để làm phương tiện cỡi con Ngựa đi về nhà
cho khỏe, mà phải đi bộ cực nhọc? Bởi vì, phàm ở đời
<vật dưỡng nhân>».
Qua
câu chuyện này, tôi nhớ lại câu chuyện Năm Người Mù Xem
Voi, vì bị mù, cho nên mỗi người rờ Voi và cho rằng con
Voi hình dáng khác nhau, nào là Voi giống như: Cái Quạt, tấm
thớt, vòi nước….
Ngoài
ra, tôi còn nhớ một người kia mới dự định cất một ngôi
nhà ở bên đường cái, thiên hạ đi ngang qua, bảo nên cất
quay về hướng này, người thì bảo hướng khác, phải làm
cửa chánh và các cửa sổ như thế nào? để sau này làm ăn
được sung túc, hạnh phúc, giàu có….
Nhưng
nếu Ông Bà chủ nhà cứ theo ý của mọi người, thì tôi
tin rằng việc cất nhà sẽ không bao giờ thực hiện được
một căn nhà.
Do vậy, chúng ta muốn hiểu biết tường tận một vấn đề gì cần phải là người trong cuộc hay chúng ta đã từng thực hành rồi, thì mới có một kết luận chánh xác, chớ nên tin tưởng qua sách báo hay lời nói của người trọn vẹn, để đánh giá vội vàng hư thực của mọi vấn đề, để rồi đưa đến sự thật hiểu lầm đáng tiếc sau này.
Nhân đây, xin kính chúc mọi nhà được An Vui và thân tâm An Lạc.
Hàn Lâm NGUYỄN PHÚ THỨMùa Vu Lan Báo Hiếu 2008
Source: thuvienhoasen