4. Kinh Viên Giác
Giáo nghĩa cốt tủy của kinh Viên Giác là lời Phật chỉ bày "Tánh Viên Giác" đều có sẳn nơi mỗi chúng sanh. "Viên Giác" là kết quả tu tập hay là Viên Giác là sự sáng suốt, tánh tròn đầy, là Phật quả. Muốn đạt đến Viên Giác phải dùng "bản nhân địa' để thấu suốt vô minh vì vô minh và bản giác cùng chung trong tâm, nên tánh giác không thể không có vô minh. Có vô minh hay không có vô minh đều bỏ là tùy thuận tánh tịnh Viên Giác. Qua bài kệ sau, đức Thế Tôn muốn truyền lại ý nghĩa của kinh: (Các đoạn, hoặc kệ Phật nói trích trong kinh Viên Giác do TS. Thích Thanh Từ dịch từ Hán Văn)
Văn Thù ông nên biết
Tất cả các Như Lai
Từ nơi bản nhân địa
Đều dùng giác trí tuệ
Thấu suốt được vô minh
Biết kia hoa trong hư không
Là hay khỏi luân chuyển
Lại như người trong mộng
Khi tỉnh chẳng có gì
Tánh giác như hư không
Bình đẳng không động chuyển
Giác khắp mười phương cõi
Liền được thành Phật đạo
Huyễn diệt không nơi chốn
Thành đạo cũng không đắc
Tánh nó tròn đầy
Hay phát tâm Bồ Đề
Các chúng sanh đời sau
Tu theo đây khỏi tà kiến
Tất các vị Phật đều dùng Giác Trí Tuệ làm phương pháp tu tập để biến vô minh thành Tánh Giác. Phật chỉ bày "vô minh từ vô thủy đến bây giờ, các thứ điên đảo như nguời mê bốn phương đổi chỗ; họ vọng nhận tứ đại là tự thân, bóng dáng duyên theo sáu trần làm tướng tự tâm. Giống như con mắt bệnh thấy hoa đốm trong hư không và mặt trăng thứ hai. Này Thiện nam tử! Hư không thực không có hoa mà người bệnh lầm chấp, do vọng chấp nên chẳng những lầm tự tánh của hư không mà cũng lầm luôn hoa ở trong hư không không thật có chỗ sanh. Do vọng chấp này mà có luân hồi sanh tử cho nên gọi là vô minh."
Muốn thấu suốt vô minh, chúng ta cần phải biết thế nào là Giác Trí Tuệ, để làm bản nhân địa tu tập. Thật ra Vô Minh là dòng Tâm Thức của chúng ta. Kết cấu tâm thức như chúng ta đã biết, khi nhận thức sự vật là ta đã dùng ý trí tác động với lục căn hòa hợp với lục trần mới có lục thức hay tâm thức. Thí dụ như nhãn căn, khi mắt nhìn một vật, là thể không của sự vật hội tụ ở võng mạt mắt, và thể không của ý trí (Trí) đồng thể không của sự vật, nên mới hòa hợp thành nhãn thức. Nhãn thức hay tâm thức do duyên hợp của lục trần và lục căn mới thành hình. [Bóng dáng sự vật in hình trong hư không, cho nên ta thấy tướng không của nó hội tụ ở võng mạt mắt. Hư không thì cố định có sẵn, không khởi diệt và thường hằng, còn bóng dáng sự vật thì không thật và luôn luân chuyển hay duyên sanh]. Vậy tâm thức không thật, luôn biến đổi và sanh diệt. Ý trí tác năng [hư không] thì thường hằng, không thay đổi, cố định. Tâm thức đó đồng nghĩa với vô minh.
Thật vậy, vô minh là sự nhận thức lầm lẫn của căn trần, ví như nhãn căn, khi ta thấy được một vật gì, thì chỉ thấy hình ảnh bóng dáng nó mà thôi, ta tưởng là thấy sự vật thật; cũng vậy, ta tưởng thân tứ đại là tướng tự thân, và lầm chấp tâm thức (lục thức) cho là tự tánh của hư không. Phật nói: "Thiện nam tử ! Vô minh này chẳng thật có cái thể cố định.
Ví như người trong mộng, trong khi mộng thì chẳng phải không, mà khi thức dậy rõ ràng không thể có. Như các hoa diệt ở trong hư không, chẳng phải nói là có chỗ diệt nhứt định.
Vì cớ sao? Vì không có chỗ sanh vậy. Tất cả chúng sanh ở trong vô sanh mà vọng thấy có sanh diệt cho nên gọi là luân hồi sanh tử. Người tu Viên Giác nhân địa của Như Lai biết được "KHÔNG HOA" nầy là dứt luân chuyển. Cũng không có thân tâm thọ cái sanh tử lìa.
Chẳng phải do làm nó không mà bản tánh nó là không vậy. Cái tri giác kia giống như hư không. Biết cái hư không đó là tướng không hoa cũng không thể nói là không có tánh tri giác. Có không đều bỏ ấy gọi là tùy thuận tánh thanh tịnh Viên Giác. Vì cớ sao? Vì tánh hư không là bất động. Trong Như Lai Tàng không có khởi diệt, vì không có tri kiến như pháp giới tánh rốt ráo viên mãn khắp cả mười phương. Ấy gọi là nhân địa pháp hạnh. Bồ Tát nhân đây ở trong Đại Thừa phát tâm thanh tịnh. Những chúng sanh đời sau y đây tu hành thì chẳng rơi vào tà kiến." Giống như vàng ròng trong quặng vàng hay sửa ròng trong nước sửa, khi lọc được vàng ròng hay sửa ròng thì chẳng trở lại quặng hay nước sửa. Phật nói kệ rằng,
"Kim Cang nên biết
Tánh tịch của Như Lai
Chưa từng có sau trước
Nếu dùng tâm luân hồi
Suy nghĩ cũng luân hồi
Chỉ đến mé luân hồi
Không vào được biển Phật
Ví như người lọc vàng
Vàng chẳng do lọc được
Tuy xưa đã là vàng
Sau đó loc thành tự
Một khi thành vàng ròng
Chẳng trở lại thành khoáng
Sanh tử va Niết Bàn
Phàm phu cùng chư Phật
Là tướng hoa trong không
Suy nghĩ đều huyễn hóa
Huống là kết hư vọng
Nếu hay rõ tâm nầy
Nhiên hậu cầu viên giác."
Nhắc lại, Giác Trí Tuệ là tri nhận đầu nguồn của Giác Trí và xa lìa nó ngay. Nói rõ hơn là khi chúng ta nhận thức niệm đầu của Cảm Giác (Sensation) để có Giác Thức nguyên sơ (Pure Perception hay first consciousness), lập tức tri nhận Giác Thức nguyên sơ ấy để được Giác Trí (Cognition là Giác Trí có thời gian) và xa lìa giác trí ngay mới có Giác Trí Tuệ (Vô thời gian). Vì Giác Trí Tuệ là Tri Thức Nguyên Thủy (Pure Cognition) của Chân Trí (Vô thời không). Thí dụ, chúng ta thấy con voi là giác thức hay tâm thức, vì thấy hình ảnh đối tượng hay con vật trước (Cảm Giác) rồi nhận thức (perceive) con vật đó là con voi (hay biết được là con voi, biết nầy thấy biết của căn, luôn luôn đi kèm theo cảm giác, nên thấy con voi, biết tên đối tượng là cái thức hay tâm thức hay giác thức. Nên thức là thực tại duyên khởi hay giả danh mà thôi). Rồi chúng ta tri nhận (dùng ý trí) giác thức ấy để có giác trí. Vậy khi chúng ta nhận thức niệm đầu của con voi (thấy biết con voi đầu tiên) là ta có giác thức nguyên sơ, lập tức ta tri nhận (Hay Biết: Cognize chớ không phải là perceive) giác thức nguyên sơ ấy để có giác trí tuệ và phải xa lìa cái biết ấy nữa thì mới có giác trí tuệ toàn diện. Giác trí tuệ là phương pháp tu tập, thắp sáng hiện hữu trong từng khoẳnh khắc, khi được thâm tâm chí đến Bồ Đề tâm đến khi "Tánh Giác (Giác trí tuệ) như hư không, bình đẳng không động chuyển, Giác mười phương cõi, Liền được thành Phật đạo..." Tánh Giác là hư không vô tận, cố định, không khởi diệt, bình đẳng với Tâm Thức hay Vô minh hay thay đổi, sanh diệt, nhưng không còn dính với vô minh nữa. Trong tâm thể chỉ có tánh giác thì đó là chơn tâm, vì khi giác trí tuệ liên tục không kẻ hở tỏa khắp hư không vô tận, liền thành Phật đạo hay là Tánh Viên Giác bao trùm khắp mười phương.
Như chúng ta biết rằng "Huyễn tới nơi Giác sanh," Phật giải thích, "Nầy Thiện nam tử ! Tất cả chúng sanh, các thứ huyễn hóa đều sanh nơi Như Lai Viên Giác diệu tâm. Vì như hoa đốm trong hư không, từ hư không mà có. Hoa huyễn tuy tuy diệt mà tánh hư không chẳng hoại. Tâm huyễn của chúng sanh lại y nơi huyễn mà diệt, các huyễn hết mà cái giác tâm bất động. Y nơi huyễn mà nói giác cũng gọi là huyễn. Nếu nói có giác vẫn chưa có lìa huyễn. Nói không giác cũng lại như thế. Cho nên huyễn diệt gọi là bất động."
Muốn lìa huyễn phải dùng các pháp huyễn để trừ huyễn, như khi đạp gai, phải lấy gai lễ gai; hết bệnh thì các gai đều bỏ. Giác tướng (Giác thức hay tâm thức) là pháp huyễn dùng để trừ huyễn. Khi huyễn trừ xong, giác tướng trở thành Giác Tánh hay Viên Giác. nói rõ hơn là huyễn diệt tức là Thức chuyển thành Trí.
Phật dạy gốc rễ của sanh tử luân hồi là ái dục, nếu còn tâm tham dục, thì phải đọa lạc nơi sanh tử luân hồi. Có hai chướng ngại trong việc tu hành Viên Giác là: 1) Lý chướng hay sở tri chướng do tư tưởng cháp pháp, và 2) Sự chướng hay phiền não chướng do chấp ngã. Ba pháp môn sau đây là Viên Giác thân cận tùy thuộc, Phật kệ rằng:
Oai Đức ông nên biết
Vô thượng đại giác tâm
Bản tế không hai tướng
Tùy thuận các phương tiện
Số nó là vô lượng
Như Lai tổng khai thị
Liền có ba chủng loại
Tịch tịnh Xa-Ma-tha (tức là Chỉ)
Như gương hiện hình tượng
Như huyễn Tam-Ma-đề (Quán)
Như đất làm mầm tăng trưởng
Thiền-na chỉ tịch diệt
Như hoàn trong món đồ
Ba thứ diệu pháp môn
Đều là tùy thuận giác
Mười phương chư Như Lai
Và các vị Bồ Tát
Nhân đây được thành đạo
Ba việc đều tròn chứng
Gọi cứu kính Niết Bàn
Tóm lại, hành giả muốn chứng nhập Viên Giác, sau khi giữ giới luật nghiêm minh như ái dục, tham sân si, cùng tránh lý chướng và sở chướng v.v..., dùng ba pháp môn để tu tập, đó là Xa-Ma-tha là Chỉ hay Định để thanh lọc vọng tâm, Tam-Ma-đề là Quán thân tâm như huyễn, dùng đại bi tâm để độ sanh, và Thiền-na là lìa bốn tướng (Tác, nhậm, chỉ, diệt) và đoạn phiền não, đạt vô ngã. Khi thực hành Giác Trí Tuệ như đã trình bày trên, thì năng sở đã song vong. Vậy,
* Tri Thức đúng cái tri thức sai lầm của chủ khách (nhị nguyên) là giải thoát mọi phiền não, nhân duyên chằng chịt, là tùy thuận giác và cũng là Vô thượng đại giác tâm
* Giác Ngộ tức là Giải Thoát, chính là tri nhận Thực Tại một cách toàn diện không thêm không bớt, là vượt khỏi Thời Không, là thể nhập Cõi Vô Cùng Hằng Hữu, vì Hư Không ảo tưởng và Thời Gian huyễn hóa làm ngăn cách thế giới Hiện Tượng với Cõi Vô Cùng.
* Nhận thức niệm đầu của Cảm Giác để có Chơn Thức (Giác Thức nguyên sơ). Tri nhận Chơn Thức mới có Giác Trí Tuệ (Tri Thức Nguyên Thủy), và xa lìa Tri Thức đó (Vô thời Gian).Trong tâm thể chỉ có tánh giác thì đó là chơn tâm, vì khi giác trí tuệ liên tục không kẻ hở tỏa khắp hư không vô tận, liền thành Phật đạo hay là Tánh Viên Giác bao trùm khắp mười phương.
Tham Khảo
Kinh Viên Giác Giảng Giải. TS. Thích Thanh Từ, trích những đoạn, kệ dịch từ Hán văn trong kinh xuất bản Phật Lịch 2542 - 1998