Không biết tự bao giờ, hình ảnh cái hàng rào quê bình dị, thân thương gắn liền với tuổi thơ nhọc nhằn nhưng cũng nhiều niềm vui đã in sâu trong tâm thức của tôi.
Từ bụi tre đầy gai măng mới nhú những búp xinh xinh, từ những buổi vây cút, vây quốc, từ những trưa chơi trốn tìm. Tất cả như lúc nào cũng ở trong tôi như một nguồn nhựa sống không gì thay thế được.
Hàng rào & tuổi thơ - Ảnh minh họa Tuổi thơ quê nghèo
vui nhất là những trưa hè nắng, chui lủi những hàng rào quanh xóm cùng lũ bạn
trang lứa, tìm bắt ổ chim, hái chùm dủ dẻ. Rồi thì rủ nhau chơi trốn tìm, đánh
trận giả mê say cho đến khi ba vác roi đi tìm mới lật đật chạy về trong tâm
trạng đầy tiếc nuối. Những ngày ấy hồn nhiên quá. Mọi cái đến và đi quanh quẩn
trong lối xóm, trong những lối rào đầy hương dủ dẻ, đầy tiếng chim, đầy tiếng
nói cười háo hức, ngây thơ Không chỉ là điểm
tụ họp, vui chơi của trẻ, hàng rào quê còn lưu giữ, còn in dấu những thú vui,
những sinh hoạt đầy tính văn hóa của người dân quê tôi. Chơm chớm tháng
mười âm lịch, khi những trận lụt đã ngập hết đồng bãi, khi cái lạnh đã hiện
diện trong từng ngôi nhà, từng ngõ xóm thì cũng là lúc người ta rủ nhau đi tìm
nấm mối trong những lối hàng rào. Nấm mối cũng có "cái duyên" của nó nên không
phải ai tìm cũng thấy. Nhiều lúc, cả chục người đi qua mà không thấy, mặc dù
cũng vạch lá tìm rất kỹ. Nhưng đôi khi ai đó nhìn bâng quơ lại thấy. Vậy là í
ới gọi nhau, người cầm nón, kẻ cầm rổ, vào cuộc nhổ nấm mối. Không bao nhiêu,
lại phải rúc trong hàng rao gai tre, dây chìu, đôi lúc có rắn nữa nhưng khuôn
mặt ai nấy đều rạng rỡ, vui vẻ. Dần dần, người dân
quê giờ đã chặt bỏ, phát quang hết những hàng rào trong lối xóm. Thay vào đó là
những đoạn tường rào bằng gạch, xi măng và lưới B40. Hình như tình xóm giềng
cũng không còn như xưa. Thay vì những buổi gọi nhau hái nấm mối giờ người ta lâu lâu lại chửi nhau loạn xạ, thậm chí đánh nhau vì muốn lấn
qua nhau vài thước đất để xây hàng rào. Trẻ con trong xóm cũng không còn những
buổi trưa đầy niềm vui hồn nhiên quanh những bờ rào tre, dúi mà rủ nhau xuống
phố, vào internet, lao vào những trò chơi bạo lực cả ngày đêm. Cái hàng rào quê
xưa chỉ là tre, là dây leo, là cành lá, là bụi cây nhưng có một giá trị phân
chia rành rọt. Nó giữ gìn sự bình yên cho từng ngôi nhà, từng con người quê.
Đâu cần đóng cổng, khóa cửa mà cũng không sợ trộm cắp, phá phách. Giờ, hàng rào
bê tông, hàng rào gạch có thêm lưới B40 hoặc mảnh chai rắc lên trên vẫn không
ngăn được những vụ trộm cắp, những trò phá hoại nhau ngay giữa ban ngày Giờ, tìm được vài
đoạn hàng rào quê mỏng manh cây lá để ngồi nghỉ ngơi, để tìm lại một chút gì
thân thương, gắn bó, chân chất của quê nhà thì thật là quá hiếm hoi. Và chắc
chắn rồi đây, hình ảnh cái hàng rào quê ấy cũng chỉ còn trong tiềm thức, với
những kỷ niệm đẹp và thiêng liêng của những ai còn nặng lòng với quê nhà, nặng
lòng với những giá trị văn hóa đậm đà tính dân tộc mà dần trở thành vang bóng
Tạp bút của Nguyễn Thành Giang