Cư Sĩ Nguyên Giác
Phật Tử vẫn thường nằm lòng với câu 183 trong Kinh Pháp Cú, “Đừng làm ác, hãy làm thiện, giữ tâm trong sạch. Đó là lời chư Phật.” Nơi đây, hãy suy nghĩ về một câu hỏi xa hơn: có phải rằng Niết Bàn, cảnh giới mà Phật gọi là không tham sân si, không sanh diệt, không trở thành, không tạo tác... cũng là cảnh giới xa rời thiện ác? Từ đây, câu hỏi sẽ khảo sát trong bài này sẽ là, có phải Đức Phật cũng dạy pháp vượt qua thiện ác?
Để dễ tiếp cận, chúng ta sẽ nêu câu hỏi cụ thể, rằng “Ai đã vượt qua cả thiện và ác?” và các trích dẫn nơi đây sẽ chỉ tập trung riêng vào Kinh Pháp Cú (Dhammapada).
Đọc kỹ Kinh Pháp Cú, chúng ta sẽ thấy Đức Phật:
- nói trong đoạn 39 rằng người đã buông bỏ cả thiện và ác thì không sợ hãi gì;- nói trong đoạn 97 rằng người đã phá hủy các nhân duyên cho mọi pháp thiện và ác là người tối thắng;
- nói trong đoạn 126 rằng người không trụ vào tất cả pháp thiện và ác thì thành tựu Niết Bàn;
- nói trong đoạn 267 rằng người đã ném bỏ hết mọi pháp thiện và ác thì được gọi là một vị sư;
- và nói trong đoạn 412 rằng người vượt qua sự trói buộc của mọi pháp thiện và ác thì được Phật gọi là một vị Bà La Môn.
Dưới đây sẽ trích dẫn 5 bản dịch Kinh Pháp Cú sau: 2 bản Việt dịch bởi HT Thích Thiện Siêu và HT Thích Minh Châu, 2 bản Anh dịch của Thanissaro Bhikkhu và Acharya Buddharakkhita (các đoạn dẫn ra, sẽ được dịch ra Việt ngữ trong bài này). Các liên kết mạng cho 4 bản này sẽ ghi ở cuối bài này. Riêng trường hợp bản của Ngài Thiện Siêu có kèm bản Anh dịch của Đại Sư Narada, mà chúng ta sẽ dẫn ra chỉ một câu trong đoạn 97 của Pháp Cú. Riêng Ngài Thiện Siêu còn cẩn thận dịch 2 cách, trước là dịch nghĩa theo văn xuôi, rồi mới chuyển thành văn vần cho dễ tụng, dễ nhớ.
Sau đây là các đoạn Pháp Cú 39, 97, 126, 267 và 412.
Đoạn 39.Bản dịch HT Thích Thiện Siêu:
39. Người tâm đã thanh tịnh, không còn các hoặc loạn, vượt trên thiện và ác, là người giác ngộ chẳng sợ hãi.
39. Người tâm không ái dục,
Không bị sân nhuế hành,
Vượt trên mọi thiện ác,
Tỉnh giác, hết sợ quanh.
Bản dịch HT Thích Minh Châu:
39. Tâm không đầy tràn dục,
Tâm không (hận) công phá,
Ðoạn tuyệt mọi thiện ác,
Kẻ tỉnh không sợ hãi.
Bản dịch Thanissaro:
39. For a person of unsoddened mind, unassaulted awareness, abandoning merit & evil, wakeful, there is no danger no fear. (Dịch: Với người có tâm không ái dục, có tuệ không dao động, xả ly thiện và ác, tỉnh thức, sẽ không còn nguy hiểm, không còn sợ hãi.)
Bản dịch Acharya Buddharakkhita:
39. There is no fear for an awakened one, whose mind is not sodden (by lust) nor afflicted (by hate), and who has gone beyond both merit and demerit. (Dịch: Sẽ không còn nỗi sợ nào cho người đã tỉnh thức, người có tâm không nhiễm ái dục, không nhiễm sân hận, và người đã vượt qua cả thiện và ác.)
Đoạn 97.
Bản dịch HT Thích Thiện Siêu:
97. Những vị A la hán chẳng còn phải tin ai, đã thấu hiểu đạo vô vi, dứt trừ vĩnh viễn nguyên nhân cùng quả báo ràng buộc, lòng tham dục cũng xa lìa; Thật là bậc Vô thượng sĩ.
97. Không tin nơi người khác,
Thông đạt lý vô sanh,
Cắt đứt mọi hệ lụy,
Triệt tiêu các mối manh (Bản của Ananda: who has put an end to occasion [of good and evil]; Dịch: người đã kết thúc mọi nhân duyên cho thiện và ác.)
Tận diệt mọi tham ái,
Bậc thượng sĩ tu hành.
Bản dịch HT Thích Minh Châu:
97. Không tin, hiểu vô vi.
Người cắt mọi hệ lụy
Cơ hội tận, xả ly
Vị ấy thật tối thượng.
Bản dịch Thanissaro:
97. The man faithless / beyond conviction; ungrateful / knowing the Unmade; a burglar / who has severed connections; who's destroyed his chances / conditions; who eats vomit: / has disgorged expectations: the ultimate person. (Dịch: Người không còn cần đức tin / đã vượt qua tín điều; không còn gì để bất đồng / hiểu được cái Không Tạo Tác; người đã phá ngục / người đã cắt mọi nhân duyên; người đã hủy các cơ duyên / các điều kiện; người đã nhai thuốc để ói mửa [xả ly]: / người đã xả ly mọi mong đợi: bậc tối thượng.)
Bản dịch Acharya Buddharakkhita:
97. The man who is without blind faith, who knows the Uncreated, who has severed all links, destroyed all causes (for karma, good and evil), and thrown out all desires — he, truly, is the most excellent of men. (Dịch: Người không còn niềm tin mù quáng, người biết cái Không Tạo Tác, người cắt mọi liên hệ, phá hủy mọi nhân duyên (với nghiệp là, thiện và ác), và xả ly mọi tham ái -- người đó thực sự là bậc tối thượng.)
Đoạn 126
Bản dịch HT Thích Thiện Siêu:
126. Con người sinh ra từ bào thai, nhưng kẻ ác thì đọa vào địa ngục, người chính trực thì sinh lên chư Thiên, còn cõi Niết bàn chỉ dành riêng cho những ai đã diệt sạch nghiệp sanh tử.
126. Một số sanh bào thai,
Kẻ ác đọa ngục hình,
Người hiền lên thiên giới,
La hán chứng vô sinh.
Bản dịch HT Thích Minh Châu:
126. Một số sinh bào thai,
Kẻ ác sinh địa ngục,
Người thiện lên cõi trời,
Vô lậu chứng Niết Bàn.
Bản dịch Thanissaro:
126. Some are born in the human womb, evildoers in hell, those on the good course go to heaven, while those without effluent: totally unbound. (Dịch: Một số sẽ sinh vào bào thai [cõi người], kẻ ác xuống địa ngục, người thiện sinh lên trời, người không nhiễm nghiệp: sẽ vào cõi vô sanh.)
Bản dịch Acharya Buddharakkhita:
126. Some are born in the womb; the wicked are born in hell; the devout go to heaven; the stainless pass into Nibbana. (Dịch: Một số sinh vào bào thai; kẻ ác sinh vào điạ ngục; người thiện tín sẽ lên trời; người vô nhiễm sẽ vào Niết Bàn.)
Đoạn 267
Bản dịch HT Thích Thiện Siêu:
267. Bỏ thiện và bỏ ác, chuyên tu hành thanh tịnh, lấy “Biết” chánh pháp mà ở đời, mới thật là Tỷ kheo.
267. Ai siêu việt thiện ác,
Sống đức hạnh tuyệt vời,
Thấu triệt được lẽ đời,
Là tỳ kheo đích thực.
Bản dịch HT Thích Minh Châu:
267. Ai vượt qua thiện ác,
Chuyên sống đời Phạm Hạnh,
Sống thẩm sát ở đời,
Mới xứng danh tỷ kheo.
Bản dịch Thanissaro:
267. But whoever puts aside both merit & evil and, living the chaste life, judiciously goes through the world: he's called a monk. (Dịch: Bất kỳ ai vượt qua thiện ác, sống được đời thanh tịnh, cẩn trọng vượt qua thế giới này: vị đó là một nhà sư.)
Bản dịch Acharya Buddharakkhita:
267. Whoever here (in the Dispensation) lives a holy life, transcending both merit and demerit, and walks with understanding in this world — he is truly called a monk. (Dịch: Bất kỳ ai nơi đây [trong giáo đoàn] sống đời thánh hạnh, vượt qua cả thiện và ác, và đi với hiểu biết trong thế giới này -- vị đó chân thực là một nhà sư.)
Đoạn 412
Bản dịch HT Thích Thiện Siêu:
412. Nếu ở thế gian này không chấp trước thiện và ác, thanh tịnh không ưu lo, đó gọi là Bà la môn.
412. Người siêu việt thiện ác,
Dứt phiền não buộc ràng,
Thanh tịnh sống thênh thang,
Bà la môn ta gọi.
Bản dịch HT Thích Minh Châu:
412. Người sống ở đời này
Không nhiễm cả thiện ác,
Không sầu, sạch không bụi
Ta gọi Bà-la-môn.
Bản dịch Thanissaro:
412. He has gone beyond attachment here, for both merit & evil — sorrowless, dustless, & pure: he's what I call a brahman. (Dịch: Người đã vượt qua mọi dính mắc nơi đây, xả ly cả thiện ác – không buồn phiền, không vương bụi & giữ trong sạch: Ta gọi đó là một Bà La Môn.)
Bản dịch Acharya Buddharakkhita:
412. He who in this world has transcended the ties of both merit and demerit, who is sorrowless, stainless and pure — him do I call a holy man. (Dịch: Người nào trong cõi này đã vượt qua cả thiện và ác, người không buồn, vô nhiễm, và thanh tịnh – Ta gọi đó là một thánh nhân.)
Ngôn ngữ vượt qua thiện ác nêu trên của Kinh Pháp Cú, sau này được giữ làm pháp an tâm của Tổ Sư Thiền, trong đó Lục Tổ Huệ Năng nói cụ thể trong Pháp Bảo Đàn Kinh -- bản Việt dịch của Minh Trực Thiền Sư, nơi phẩm Định Huệ sẽ trích như sau.
Nhưng thế nào là pháp của Lục Tổ Huệ Năng:
“...Chư Thiện tri thức, pháp môn của ta đây từ trên truyền xuống, trước hết lập Không Niệm (Vô Niệm) làm tông, Không Tướng (Vô Tướng) làm thể, Không Trụ (Vô Trụ) làm gốc. Không niệm nghĩa là trong khi niệm, lòng không động niệm. Không tướng nghĩa là đối với sắc tướng, lòng lìa sắc tướng. Không trụ có nghĩa là đối với các điều lành dữ, tốt xấu ở thế gian, cùng với kẻ thù, người thân, đối với lúc nghe các lời xúc phạm, châm chích, khinh khi, tranh đấu, Bổn tánh con người xem cả thảy như không không, chẳng nghĩ đến việc đền ơn trả oán. Trong niệm niệm lòng không nghĩ đến các cảnh mình đã gặp trước. Nếu niệm trước, niệm nay, niệm sau, niệm niệm nối tiếp nhau chẳng dứt, thì gọi là bị buộc ràng. Đối với các pháp, niệm niệm lòng không trụ vào đâu thì khỏi bị buộc ràng. Ấy là lấy Không Trụ làm Gốc...”(hết trích)
Như thế, ở cái nhìn này, Pháp Bảo Đàn Kinh là một ấn bản mới của Kinh Pháp Cú, và lời Đức Phật dạy về pháp xả ly mọi thiện ác, lành dữ, tốt xấu, ân oán buộc ràng... đã được Ngài Huệ Năng diễn lại một cách sinh động.
GHI CHÚ LIÊN KẾT:
Kinh Pháp Cú (Dhammapada). Bản Việt dịch của HT Thích Thiện Siêu và bản Anh dịch của Đại sư Narada: http://hoavouu.com/D_1-2_2-57_4-10916_5-150_6-2_17-384_14-1_15-2/ Bản Việt dịch của HT Thích Minh Châu: http://hoavouu.com/D_1-2_2-57_4-4522_5-150_6-2_17-384_14-1_15-2/ Bản Anh dịch của Thanissaro Bhikkhu: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/dhp/dhp.intro.than.html Bản Anh dịch của Acharya Buddharakkhita: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/dhp/dhp.intro.budd.html Pháp Bảo Đàn Kinh, phẩm Định Huệ: http://hoavouu.com/D_1-2_2-57_4-17639_5-30_6-1_17-384_14-2_15-2/#nl_detail_bookmarkSource: thuvienhoasen