Minh Tâm
Hàng năm cứ đến ngày rằm tháng bảy âm lịch, các chùa và hội đoàn Phật giáo đều tổ chức lễ Vu Lan rất trang nghiêm và long trọng không kém lễ Phật đản. Các Phật tử đến chùa cúng dường chư Tăng, dự lễ cầu siêu cho hương linh cửu huyền thất tổ và thường được nghe các bài Pháp nói về đạo Hiếu của con cái đối với cha mẹ, cùng những phước lạc về sự cúng dường chư Tăng. Nhưng, thực chất của Vu Lan thì ít khi được nói đến, thành ra bị coi nhẹ, kém quan trọng, người ta chỉ chú ý đến ngọn cành mà quên mất gốc rễ.
Đa số các Phật tử đều biết sự tích ngài Mục Kiền Liên vào địa ngục dâng cơm cứu mẹ nhưng chúng ta đừng quên rằng ngài Mục Kiền Liên, dù đắc thần thông đệ nhất trong các đệ tử Phật cũng không cứu nổi mẹ là bà Thanh Đề đang đọa địa ngục, mà phải nhờ oai lực của chư tăng hiệp lực, chú nguyện, chú tâm rồi mới cảm ứng đến tâm bà Thanh Đề.
Điều quan trọng nhất là chính bà Thanh Đề phải thức tỉnh, thành tâm sám hối, niệm Phật mới được sinh về cõi trời Hoa Quang. Tóm lại cần ba yếu tố:
1. - Tự lực của ngài Mục Kiền Liên không đủ mà phải nhờ đến chư Tăng chú nguyện.
2. - Tha lực của chư Tăng, mạnh mẽ cao siêu sau ba tháng kiết hạ an cư cùng tự lực của ngài Mục Kiền Liên mới cảm ứng, chuyển hóa tâm hồn bà Thanh Đề.
3. - Chính bà Thanh Đề phải thức tỉnh, chuyển tâm sám hối, niệm Phật mới thoát khỏi địa ngục. Tâm bà có thanh tịnh mới sinh về được cõi trời.
Thực
chất Vu Lan chính là sự kết hợp của tự lực với tha lực,
từ bi với trí tuệ, tu và học, tri hành đi đôi, đó là điều
kiện tất yếu để đi đến giải thoát. Người tu hành cần
phát tâm dũng mãnh, tự mình thắp đuốc mà đi, học hỏi
giáo lý rồi đem ra thực hành, tự giác, giác tha lần lần
mới đủ phước huệ, đó là tự lực. Nhưng tu hành một
mình khó tiến bộ, có những chỗ khó hiểu không ai chỉ bảo,
có khi thối chí, ngã lòng không ai khuyến khích. Vậy cần
thầy hiền bạn tốt, đồng tu đồng học, đồng tâm hiệp
lực thì mới cùng nhau tiến bước trên đường giác ngộ
hòng giải thoát. Ngoài ra còn có chư Phật, chư Bồ Tát, Thiên
Long, Hộ Pháp độ trì cho kẻ tu hành chân chính tránh khỏi
các trói buộc trong màn lưới vô minh của thất tình lục
dục: đó là tha lực. Tuy nhiên, yếu tố thứ ba mới là quan
trọng hơn cả. Đó là sự thức tỉnh của nội tâm, sự nhận
định rõ ràng về lẽ vô thường, biến dịch của vạn vật.
Lý vô ngã của xác thân và các vọng thức, tham sân si chính
là nguồn gốc của sinh tử luân hồi và chỉ có Trung Đạo
của Phật dạy mới đưa đến chỗ hết khổ, an vui; thức
tỉnh rồi quay đầu lại đã thấy bờ giác, đó chính là
điều đức Phật ân cần dạy dỗ các đệ tử. Ba yếu tố:
Tự lực, tha lực, và sự thức tỉnh mới là thực chất của
lễ Vu Lan. Lễ Vu Lan không phải chỉ để dành riêng cho việc
cầu siêu chư hương linh hoặc cúng dường chư Tăng Ni mà chính
là ngày Phật hoan hỷ, ngày chư Tăng xuất hạ, lễ Tự Tứ,
ngày chư Tăng thêm tuổi hạ sau ba tháng tinh tấn tu hành và
chuẩn bị lên đường hoằng dương giáo pháp. Chính lễ Tự
Tứ để tăng ni tự mình sám hối, nói ra những lỗi lầm
của mình nhờ các bạn đồng tu chỉ dẫn để sửa đổi.
Chính nhờ sự thanh tịnh và tu chứng của chư Tăng đồng
tâm hiệp lực chú nguyện nên có Sự kiện bà Mục Liên Thanh
Đề được giải thoát khỏi cảnh giới địa ngục là do
tổng hợp của ít nhất là hai yếu tố, yếu tối nội tại
và yếu tố ngoại tại. Yếu tố ngoại tại là do sức
chú tâm, chú nguyện của chư tăng, sau ba tháng tịnh tâm đã
kích thích được tâm của bà. Điều quan trọng là chính tâm
của bà phải tự nỗ lực chuyển hoá, việc làm xấu ác của
chính mình, phải thức tỉnh, sám hối những điều ác đã
gây ra. Nếu bà không tự thức tỉnh thì oai lực của
chư Tăng cũng không giải cứu được.
Các
oai lực chuyển hoá tâm bà Thanh Đề nói riêng và các Hương
linh nói chung, do đó các vong linh ở trong ngục tối mới thức
tỉnh, ăn năn sám hối. Vào dịp Vu Lan ngài Mục Kiền Liên,
đệ tử hạng nhất của đức Phật mà còn không cứu nổi
mẹ, thì oai đức của một vị tăng dù có cao siêu đến đâu
cũng khó mà cứu vớt được vong linh. Phải có đủ ba yếu
tố: Tự lực, tha lực và thức tỉnh mới có kết quả tốt
đẹp. Đức Phật còn dạy trong kinh Vu Lan rằng chư vị tăng
ni hưởng của cúng dường phải tinh tấn tu hành, giữ tròn
giới đức, khi bưng bát cơm ăn cần nhớ công ơn thí chủ,
ăn bát cơm này để có sức khoẻ mà tu, mà học và thực
hành rồi thành tâm hồi hướng công đức cho khắp mọi chúng
sanh, như thế thì cơm mới tiêu. Sự hỗ tương giữa hai giới
xuất gia và tại gia rất là cần thiết, đáng quí, cả hai
cùng là con Phật, một bên lo tinh thần, một bên lo vật chất,
thương yêu, kính mến lẫn nhau mà tu hành. Đừng quên rằng
ai tu nấy chứng, ai tội nấy mang, chẳng ai tu dùm ai, chẳng
ai gánh tội cho ai. Kinh địa tạng nói về vấn đề này rất
rõ.
Nhân dịp Vu Lan, chúng tôi chí thành cầu nguyện chư vị Tăng Ni theo đúng lời dạy của Phật, nắm vững thực chất Vu Lan để tinh tấn tu hành giữ giới lục hòa, diệt trừ kiêu mạn, xứng đáng là trưởng tử của Như Lai, làm gương sáng cho các Phật tử. Chúng tôi cũng cầu nguyện chư vị Phật tử tại gia sáng suốt phát tâm tự tu, tự học, tự thắp đuốc mà đi để việc tu hành có kết quả tốt đẹp. Chúng con nguyện cầu chư Phật, chư Bồ Tát chiếu ánh sáng từ bi, trí tuệ vào địa ngục để các vong linh chóng thức tỉnh, sám hối, quay đầu về nẻo giác, tâm tịnh thì quốc độ tịnh, địa ngục biến thành cõi cực lạc.
Source: thuvienhoasen