Taxila là một trong những khu di tích khảo cổ học nổi tiếng nhất trên thế giới. Có thời gian nó đã trở thành trung tâm của Phật giáo, trung tâm của nghệ thuật điêu khắc Gandhara nổi tiếng thế giới, và còn là trung tâm học thuật, văn hóa.
Tháp Dharmarajika
Taxila là vùng đất có nhiều di tích quan trọng của Phật giáo và là trung tâm chính của Gandhara, có trên 3.000 năm tuổi. Taxila phát triển chậm dưới triều đại Mauryan và đạt đến mức độ phát triển đáng kể dưới thời Đại đế Ashoka.
Trong năm thứ 2 trước TL, Phật giáo đã được thừa nhận là quốc giáo. Phật giáo đã phát triển mạnh mẽ và chiếm ưu thế trong hơn 1.000 năm. Trong suốt quãng thời gian đó, Taxila, Swat và Charsadda (Pushkalavati cũ) đã trở thành ba trung tâm quan trọng về thương mại, văn hóa và học thuật.
Hàng trăm tu viện và bảo tháp đã được xây dựng cùng với các đô thị như là Sirkap và Sirsukh. Sirkap và Sirsukh, trong nền văn minh Gandhara, không chỉ là các trung tâm có sức ảnh hưởng tâm linh mà còn là cái nôi của nền văn hóa, nghệ thuật và học thuật Gandhara nổi tiếng thế giới. Từ các trung tâm này mà nghệ thuật điêu khắc độc đáo được sản sinh và được biết đến với tên gọi là “nền nghệ thuật Gandhara” trên toàn thế giới.
Khu di tích của tu viện Jaulian
Ngày nay, những tác phẩm điêu khắc Gandhara chiếm một vị trí quan trọng trong các viện bảo tàng của Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và Afghanistan, và nhiều bộ sưu tập cá nhân trên thế giới, cũng như bộ sưu tập vĩ đại trong các viện bảo tàng của Pakistan. Phật giáo đã để lại một di sản bất hủ và phong phú về nghệ thuật và kiến trúc ở Pakistan. Dù cho có sự thay đổi bất thường qua nhiều thế kỷ, vùng Gandhara vẫn giữ được rất nhiều tác phẩm thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật. Phần lớn di sản này trong hiện tại vẫn còn nhìn thấy ở Pakistan.Có hơn 50 địa điểm khảo cổ nằm rải rác trong bán kính 30km xung quanh Viện bảo tàng Taxila. Một vài trong số các khu di tích quan trọng nhất ấy là tu viện và bảo tháp Dhamarajika (300 trước TL - 200), khu di tích Bhir Mound (600-200 trước TL), khu di tích Sirkap (200 trước TL - 600), chùa Jandial (250 trước TL) và tu viện Jaulian ( 200 - 600).
Những mô hình đầu tiên của nghệ thuật Phật giáo không phải là những hình tượng mà là những hình ảnh mang tính biểu tượng và được phổ biến trong các tiểu lục địa, ngay cả sau khi Đức Phật nhập Niết bàn. Sở dĩ như vậy là vì Đức Phật không khuyến khích việc tôn thờ hoặc làm hình tượng. Khi Bồ tát Tất Đạt Đa thành Phật, trở thành bậc giác ngộ hoàn toàn, Ngài luôn là một mô hình mẫu dưới vai trò của một con người để mọi người noi theo, nhưng không thần tượng hóa.
Về bản thân, Đức Phật nói rằng: “Ngài chỉ là người chỉ đường”. Đây là lý do tại sao những cống hiến nghệ thuật sớm nhất cho Đức Phật là biểu tượng trừu tượng, diễn tả những sự kiện quan trọng và những thành tựu trong đời sống cuối cùng của Ngài, và trong một số trường hợp thì diễn tả tiền kiếp của Ngài.
Một số tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu sớm nhất về Đức Phật gồm có những dấu chân của Phật, thường được tạo ra tại nơi Ngài đã biết đến và đã đến đó. Trong số những hình ảnh biểu tượng ấy, dấu chân của Đức Phật đã được tìm thấy ở thung lũng Swat và bây giờ có thể được nhìn thấy trong Viện bảo tàng Swat.
Khi Đức Phật nhập Niết-bàn, xá lợi của Ngài được phân phối cho bảy vị vua, và các vị vua ấy đã dựng bảo tháp để tôn thờ xá lợi của Phật. Về sau, vua Ashoka đã được cho biết điều này và đã đào chúng lên rồi phân phối các xá lợi ấy trên một phạm vi rộng lớn hơn, và xây dựng 84.000 bảo tháp. Với các bảo tháp hiện hữu để bày tỏ lòng tôn kính, từ đó trở đi những người Phật tử bắt đầu dâng phẩm vật cúng dường các bảo tháp.
Với sự gia tăng của các bảo tháp Phật giáo, các nghi thức cúng dường bảo tháp đã phát triển thành một nghi lễ chính thức. Bảo tháp Harmarajika (Taxila) và bảo tháp Butkarha (Swat) ở Jamal Garha là hai trong số những bảo tháp đầu tiên của Gandhara. Những bảo tháp này đã được xây dựng theo lệnh của vua Ashoka và trong đó phụng thờ các xá lợi của Đức Phật.
Vào năm 1918, tại Taxila, Chính phủ Pakistan đã cho xây dựng Viện bảo tàng Taxila để lưu giữ và trưng bày các di vật khảo cổ về một thời vàng son của Phật giáo, về nền nghệ thuật điêu khắc Gandhara nổi tiếng thế giới. Vào năm 1980, Taxila được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Minh Phú (Theo Britannica Encyclopedia)
Send comment