Từ ngày bước vào cổng trường Đại học, tôi rất ít trở về thăm quê nhà, sự phồn hoa náo nhiệt đã làm nhòa mắt, tôi trở nên đam mê ánh đèn phố thị, đam mê cái hạnh phúc hiện thực vật chất mà không còn nghĩ đến bất cứ điều gì.
Tôi bắt đầu lập chí, cố gắng học tập để đạt được điều mong ước. Nghĩ đến viễn cảnh tương lai huy hoàng đã nung nấu, tôi ra sức học tập mà không hề thấy mỏi mệt. Cuối cùng rồi tôi cũng đã được sở nguyện, được sống nơi phố thị, và đã tạo dựng sự nghiệp từ sự nỗ lực của chính mình
Mẹ! Người mà khi tôi cất tiếng khóc chào đời cũng là người ôm ấp vỗ về, sú mớm từng giọt sữa, từng thìa cháo cho đến lúc lớn khôn, ấy mà khi tôi thành danh trong xã hội, dường như tôi không còn tha thiết lắm với âm thanh ru hời ngày nào của mẹ, không còn nhớ đến món canh rau đạm bạc ngày nào mẹ vẫn dành phần cho chúng tôi.
Bố đã ra đi trong một cơn bạo bệnh, để lại mấy đứa con thơ dại cho mẹ yếu đuối, mẹ làm mẹ, lại vừa kiêm chức bố trong khi mẹ không có một địa vị trong xã hội, chỉ sống dựa vào mảnh vườn và sự tảo tần bươn chải mà cưu mang con trẻ. Mẹ vốn chưa một lần đặt chân đến phố thị, thậm chí tôi kết hôn tổ chức cũng tại thành phố, và sau đó chỉ một lần duy nhất đem vợ con về thăm quê. Sau khi kết hôn, tôi vì cuộc sống gia đình, vì mưu sinh mà tất bật, cho đến nay con tôi đã 5 tuổi mà tôi vẫn lại chưa đưa cháu về thăm bà dù phương tiện ngày nay không phải là điều khó khăn. Cho đến một hôm con tôi đã biết nói tiếng nhớ “Nội” quá! mà tôi vẫn không thể đáp lại sự mong mỏi của con thơ. Sau cùng vợ chồng tôi quyết định gọi mẹ lên thành phố ở với chúng tôi mấy hôm, thế là mẹ già từ quê khăn gói lặn lội lên thành phố thăm cháu con.
Đặt bước đến phố thị, mẹ dường như không thích hợp với sự nhộp nhịp, sầm uất, tấp nập của phố phường, nhưng con, cháu vẫn là món quý báu mà mẹ có được. Mẹ chuẩn bị những món quà giản đơn ở quê mang theo, món quà ấy là những cọng râu từ chính bàn tay bà trồng, những hạt đậu được hái từ chính ngôi vườn của bà mang nhưng nó là cả tấm lòng bà dành cho cháu con, mặc dù bà biết những thứ ấy con bà có thể mua một cách dễ dàng nơi đô thị sầm uất…
Đến ở với gia đình con, bao sự vụng về của một người mẹ nông thôn đã khiến con trai bà có lúc bực bội mà không nói được nên lời. Bà biết điều kiện sinh hoạt hiện tại của con so với ngôi nhà bà cách biệt rất xa, thêm vào đó sự hào hoa lộng lẫy bày trí theo phong cách Phương Tây hiện đại khiến cho bà càng thêm lúng túng… càng cảm thấy mình không thích hợp với phố phường, nhưng cái tình mẫu tử vẫn là động lực vô hình khiến bà bỏ qua bao mặc cảm tự ti mà hòa nhập với con cháu. Ở nhà con trai, bà trăn trở thâu đêm mà vẫn không sao chợp mắt được, hơn nữa tuổi già khó đi vào giấc ngủ, đến khi ru được giấc ngủ thì đã đến lúc con dâu chuẩn bị đi làm, thế là mẹ trở dậy xem con mình có cần phụ giúp gì không! Bà biết công việc hiện tại của con là đều không dễ gì có được nên bà chỉ ở nhà nô đùa với đứa cháu nhỏ, mà không một chút than phiền. Nhìn thấy sự thành đạt hiện tại của con bà vô cùng hạnh phúc. Chỉ tiếc thay bà không thể giúp con được gì trong việc chăm sóc gia đình, vì những gia cụ trong nhà quá hiện đại thêm vào đó quá nhiều sự dặn dò của cô con dâu khi giao nhà cho một người mẹ nông thôn như bà giữa thành phố muôn vàn điều bất trắc lo sợ. Bà không thể nào nhớ nỗi nên sử dụng thế nào để tránh nguy hiểm… do vậy lòng không thể tránh khỏi sự ái ngại mỗi khi con và dâu trở về nhà.
Vào buổi trưa nọ, dưới cái nắng chang chang oi bức, cậu con trai thình lình trở về, mùi ga nồng nặc tỏa ra từ bếp, trong khi cháu bà đang ngủ say, chỉ có bà ngồi một mình nơi phòng khách. Thấy con về, bà nói, mẹ cảm thấy trong người không khỏe, thế nhưng người con trai không hề trả lời mà chỉ bước ngay vào bếp đóng lại bình ga và mở tung tất cả các cánh cửa trong sự bực bội. Thấy thế, bà lo sợ không biết chuyện gì đã xảy ra. Nhìn con trai bà hỏi, có chuyện gì xảy ra sao con? Sắc mặt anh ta trông rất đáng sợ vẫn không một tiếng trả lời, bà cuối xuống và thầm nghĩ, chắc là mình đã làm sai điều gì, nên không dám hỏi tiếp! Chỉ mới được ba hôm, bà nhớ nhà, nhớ ruộng vườn, nhớ những người láng giềng thân cận trong lúc tối lửa tắt đèn, hơn thế, sự nhộn nhịp của phố phường dường như không thích hợp với mình, bà chỉ mong cho ngày qua nhanh để mà trở về căn nhà thân yêu của mình. Thấy con được no cơm ấm áo, có được địa vị xã hội là đều bà vô cùng hạnh phúc, thầm mong cho con một đời được nệm ấm chăn êm.
Nào ngờ hôm nay bà phải lại tất bật lên thành phố vì gia cảnh của con. Con dâu đã dắt cháu nội ra đi để lại con trai với hai bàn tay trắng, sự nghiệp trong gia đình chỉ nháy mắt đã tan rã không còn gì, cái điều mơ ước mà con bà từng ôm ấp bấy lâu nay trở thành số không, giờ chỉ là giấc mộng. Tội nghiệp cho con nhưng bà đành âm thầm theo dõi con trong từng phút giây, sợ con làm chuyện dại dột. Nỗi buồn ngày càng lún sâu vào tâm hồn, anh chỉ biết tìm đến những quán rượu để giải sầu, rốt cuộc, một ngày nọ, do say bí túy anh đã gây ra sự cố giao thông, phải nằm nhà điều dưỡng đến nữa năm. Lúc này người đầu ấp tay gối đã không còn, bạn bè cũng dần lánh xa, chỉ còn có mẹ là người có thể cảm thông cho tâm trạng của anh lúc này. Bao sự tủi hỗ anh không muốn mẹ biết cũng không muốn mẹ đến chăm sóc mình, thế nhưng mẹ vẫn là người hơn ai cả hiểu con mình, bà tình nguyện đến chăm sóc cho con. Không bao lâu bà cũng đã thích nghi được với phố phường náo nhiệt, bà chăm sóc con như khi con còn nhỏ.
Nằm trên gường bệnh, anh bắt đầu nghĩ về những tháng ngày đã qua, ký ức như quay ngược về dĩ vãng, về cái thời mà anh lẩn quẩn bên chân me, vòi vĩnh những chiếc bánh, những viên kẹo, gói xôi, cái khoai… khi mẹ đi chợ về. Hiểu được tâm trạng của con, bà luôn an ủi động viên để con có thêm nghị lực mà mạnh mẽ làm lại từ đầu. Anh tự nghĩ, đã ăn học khá nhiều nhưng anh chưa bao giờ thể nghiệm cái triết lý nhân sinh, chưa thể hội cái giá trị tình mẫu tử, mà câu nói của người Trung Hoa đã lưu lại cho bao thế hệ: “可怜天下父母亲” đáng thương yêu nhất trong thiên hạ chính là cha mẹ mình. Trong ánh mắt cảm thông của mẹ tôi đã đọc được điều đó, mặc dù mẹ chẳng bao giờ thổ lộ bằng lời. Nhìn mẹ cặm cụi lo cho tôi từng bữa ăn trên giường bệnh, lòng cảm thấy mình quá bất hiếu, chỉ ích kỷ nhỏ nhoi với cái hạnh phúc mà tôi cho là của riêng mình để rồi hôm nay cái hạnh phúc ấy chỉ làm cho tôi ngày nay đau khổ tột cùng mà không thể nào trách ai được. Bất chợt tôi thèm được gọi tiếng “mẹ ơi” như ngày xưa tôi từng gọi thế mỗi khi đi học về, nhưng sao lại không thốt được thành lời, cổ họng cứ ngẹn cứng, tôi đã quá nhỏ nhặc với mẹ, quá ích kỷ với cuộc sống của mình mà chẳng hiểu được lòng mẹ bao la đến ngần nào. Nhạc sĩ Phương Uyên, có lẽ cô đã cảm nhận tấm lòng mẹ bao la vô ngần và sự khoan hậu của mẹ nên đã viết lên bản nhạc “Mẹ yêu” với ca từ mặn mà rung động lòng người ta đến thế: “Sinh con ra trong bao nhiêu khó nhọc, mẹ ru con yêu con tha thiết, mong cho con luôn luôn ngoan hiền giấc no say. Vì đàn con thơ ngây bao yêu dấu, đã hy sinh cho con bao nhiêu tuổi đời. Mẹ đã bên con, Mẹ đã cho con lớn lên…” Ôi từng lời từng lời như xé tâm can tôi, sao tôi lại bất hiếu với mẹ đến thế… “Luôn khuyên răn con, mong con nên người, mẹ yêu thương con hơn yêu cuộc sống, mong cho con luôn luôn yêu đời, sống vui tươi. Tình yêu bao la cho con biết mấy, có những đêm ôm con trong tay khóc ước vai con…”
Nghe bước chân mẹ mang cơm vào, tôi cố gạt đi nước mắt, mà thầm trách bản thân mình.
Không ngờ, mẹ đã tìm đến những người láng giềng nhờ họ mua dùm bà một chiếc máy vi tinh để tặng tôi, bà nghĩ rằng chiếc máy có thể giúp tôi tìm nỗi khuây khỏa, đồng thời có thể giúp tôi tìm được công việc, bà nghĩ rằng chiếc vi tính rất có ý nghĩa đối với con trai bà trong lúc này. Nhìn chiếc vi tính mẹ mua cho mà lòng tôi lại một lần quặn thắc, quặn thắc hay tủi hổ tôi vẫn không thể nào lý giải được. Tôi chưa bao giờ biết an ủi mẹ lúc trái nắng trở trời, chưa một lần dâng lên mẹ món ngon vật lạ, chưa một lần cảm thông với sự vụng về của người mẹ nông dân…
Nửa năm sau, tôi hoàn toàn bình phục và bắt đầu cuộc sống mới, công việc mới, tâm tình ngày càng tốt hơn, tôi biết quan tâm đến mẹ, biết hỏi han, biết hỏi thăm sức khỏe, biết tâm sự với mẹ… Anh thổ lộ! Nếu như lần thất bại này không có mẹ, không có sự cổ vũ, động viên của mẹ, không có chiếc vi tính mẹ tặng, có lẽ anh sẽ mãi mãi nằm trong trạng thái tự ty mặc cảm mà không thể bắt đầu cho cuộc sống mới được! nghe thế, mẹ cười và nói. Chỉ vì “mẹ là mẹ của con”.
Người ta nói: “thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương lòng, chỉ cần chúng ta hiểu biết, cảm thông, khoan dung và có sự chia sẻ, thì nỗi đau nào cũng có thể đẩy lùi vào dĩ vãng, xóa đi cái tự ty mặc cảm mà đứng dậy bằng tinh thần và đôi chân của mình. “Không có sự thành công nào vĩnh viễn, mà mỗi sự thất bại là bài học kinh nghiệm để chúng ta học cái thành công.” Anh bắt đầu cuộc sống mới, công việc mới, và cũng bắt đầu cuộc hôn nhân mới, quên đi tất cả những bất hạnh đã xảy ra. Anh hoàn toàn trở thành một người khác, biết lo lắng, biết quan tâm và biết trân quý tình mẫu tử.
Anh không đủ can đảm đối diện với mẹ để tỏ lòng sám hối những sai lầm trước kia của mình, anh viết mấy dòng rồi đặt dưới chiếc gối mẹ nằm, hy vọng mẹ sẽ hiểu được lòng anh. “Không có tình yêu nào thâm sâu hơn tình yêu của mẹ, không có điều gì khiến con có thể tỉnh ngộ chính là tình thương của mẹ”.
Ba tháng trước, vào một buổi sớm trời còn chưa hửng sáng, bên ngoài mưa lất phất, cái lạnh thấu xương như ngấm vào da thịt dù tôi đã quắn chặc mình trong chăn, cái lạnh vẫn cứ len lỏi vào căn phòng, mơ hồ trong giất ngủ tôi nghe tiếng ai gọi tôi, gọi cái tên mà ngày xưa chỉ có mẹ mới gọi tôi như thế. Tiếng gõ cửa đã làm tôi tỉnh giất, thì ra là mẹ đến thăm chúng tôi. Mắt nhắm mắt mở, vội vội vàng vàng xỏ đôi dép lê đến mở cửa vì không biết ở quê nhà đã xảy ra điều gì mà mẹ lại đến đây trong lúc trời còn chưa hửng sáng.
Nhìn thấy mẹ tôi mừng nhưng lại lòng không an tâm, tôi liền hỏi mẹ đã đến đây sớm như vậy chắc gia đình đã có chuyện gì sao? Để trấn an sự lo lắng của tôi, mẹ nói chỉ vì đêm qua xem ti vi thấy ông tỉnh trưởng nọ vì tham ô mà phải chịu cảnh tù đày, bị nhân dân nguyền rủa là người có ăn học mà lại làm ra nông nỗi thế… lòng mẹ không an, bèn đến xem các con cuộc sống thế nào? Sau đó mẹ hỏi chúng tôi đã mua căn nhà còn thiếu bao nhiêu cho mẹ hay? Sự lo lắng của mẹ tôi đoán biết được mẹ sợ tôi lại một lần nữa vấp phải lối mòn, tôi nói xin mẹ đừng quá bận tâm.
Thở phào nhẹ nhõm một hơi, mẹ nói: thấy ông thị trưởng đó bị xử phạt tử hình, mà lòng mẹ vô cùng lo lắng, sợ con mình tham công danh sự nghiệp mà sa vào vòng lao lý, làm ô nhục gia đường, vì thế suốt đêm không ngủ yên được nên chưa hửng sáng đã đến đây hỏi xem các con còn thiếu bao nhiêu khi tạo dựng nhà cửa? Mẹ liên tiếp nói: người thị trưởng trước khi bị phán quyết chỉ biết nói lời tạ lỗi với tổ tông, gia đường rồi bật khóc nức nở… Mẹ nói: “nuôi con không dễ, mà dưỡng con thành người tài đức lại càng khó hơn. Có con làm quan to cha mẹ cũng nở mày với thiên hạ, nhưng con vì lạm dụng chức quyền mà lầm đường lạc lối, làm điều sai trái còn hơn là cầm dao mà giết cha mẹ vậy”. Khi người ta thuận lợi trên công danh thường dễ mắc sai lầm, mẹ suốt đêm lo nghĩ, không yên tâm… vẫn chưa dứt, mẹ nói tiếp. “Lúc gia đình khó khăn, con biết chịu thương chịu khó, bữa đói bữa no mà học hành thành tài, ngày nay mới có danh phận, địa vị với xã hội, chớ có vì tham vọng món tiền phi nghĩa mà đánh mất thanh danh, làm ô nhục tổ tông cha mẹ.” Đừng bao giờ quên lời mẹ nói hôm nay! Mẹ yêu thương các con hơn bản thân mẹ, mẹ sống vì các con, mẹ vui vì miền vui của các con.
Bữa cơm sáng xong, mẹ vội vã trở về quê nhà, nhìn bóng mẹ xa dần, xa dần, nhìn cái dáng nhỏ nhoi yếu đuối, đôi bờ vai gầy guộc, ấy vậy mà mẹ vẫn cứng cỏi trên từng dặm đường xa xôi tảo tần tìm sự sống, tương lai, hạnh phúc cho anh em chúng tôi mà không một lời than vãn. Năm tháng trôi qua, chúng tôi đều đã trưởng thành, mẹ lại một mình lầm lũi nơi quê nhà, không muốn chúng tôi lo lắng bận lòng nên mẹ vẫn tự mình lao động để có chén cơm khi mà tuổi đã về chiều. Đời mẹ tuy không phải làm nghề đưa đò tri thức nhưng mẹ cũng đã dùng chiếc đò tình thương và sự bảo bọc của mình để đưa chúng con đến bến bờ bình yên nhất.
Mẹ đã đi xa, nhưng lời dặn dò sáng sớm hôm nay vẫn còn văng vẳng quanh tôi. “Đừng làm gì có tội với tổ tiên, với cha mẹ nghe con…” tôi một đời sẽ khắc ghi lời dặn dò lúc tiễn mẹ ra về.
Quả thật tình mẹ nếu như diễn tả hẳn không thể dùng giấy mực hay bất cứ ngôn từ nào đủ để xưng tán. Chúng ta mỗi người nên tự mình thể nghiệm giá trị của tình mẫu tử thì mới thực hiện được cái nghĩa hiếu hạnh. Xin mượn lời nhạc của Phương Uyên dâng lên mẹ trong mùa Vu Lan, Mùa “Hiếu hạnh” “…Mẹ có biết con yêu mẹ nhiều, dù câm nín nhưng con thật lòng muốn nói… Ánh sao đêm cho con sáng soi là mẹ yêu, khúc hát ru con trong giấc mơ là mẹ yêu. Mẹ là cánh chim cho con bay thật xa, mẹ sưởi ấm cho tâm hồn con mẹ yêu, dắt con đi qua bao nỗi đau là mẹ yêu, tiếng con yêu gọi tới suốt đời là mẹ yêu, mẹ đừng mãi ra đi cho con mồ côi, ơi mẹ yêu!”
Phúc Kiến, Quý Hạ, 2010