- 01. Phẩm Tựa
- 02. Phẩm Phương Tiện
- 03. Phẩm Thí Dụ
- 04. Phẩm Tín Giải
- 05. Phẩm Dược Thảo Dụ
- 06. Phẩm Thọ Ký
- 07. Phẩm Hóa Thành Dụ
- 08. Phẩm Ngũ Bá Ðệ Tử Thọ Ký
- 09. Phẩm Thọ Học Vô Học Nhân Ký
- 10. Phẩm Pháp Sư
- 11. Phẩm Hiện Bảo Tháp
- 12. Phẩm Ðề Bà Ðạt Ða
- 13. Phẩm Trì
- 14. Phẩm An Lạc Hạnh
- 15. Phẩm Tùng Ðịa Dũng Xuất
- 16. Phẩm Như Lai Thọ Lượng
- 17. Phẩm Phân Biệt Công Ðức
- 18. Phẩm Tùy Hỷ Công Ðức
- 19. Phẩm Pháp Sư Công Ðức
- 20. Phẩm Thường Bất Khinh Bồ Tát
- 21. Phẩm Như Lai Thần Lực
- 22. Phẩm Chúc Lụy
- 23. Phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự
- 24. Phẩm Diệu Âm Bồ Tát
- 25. Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn
- 26. Phẩm Ðà La Ni
- 27. Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự
- 28. Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát
Phẩm Trì Thứ Mười Ba
Trì là nắm giữ.
Giữ gìn kinh này chẳng cho rơi mất.
Cố gắng khắc sâu vào lòng mà hiển lộ ra ngoài đó là phụng trì, đọc tụng, biên chép, giảng thuyết. Nghĩa là phải diễn đạt sự khắc sâu ấy bằng lời nói, bằng việc làm để tự lợi, lợi tha.
“Lúc bấy giờ Ngài Dược Vương Bồ Tát và Ngài Đại Nhạo Thuyết Bồ Tát Ma Ha Tát cùng chung với quyến thuộc hai muôn vị Bồ Tát đều ở trước Phật nói lời thệ rằng: Cúi mong Đức Thế Tôn chớ lo, sau khi Phật diệt độ, chúng con sẽ phụng trì, đọc tụng, diễn nói kinh này”.
Từ những phẩm trước chúng hội đã liễu tri về “Tri Kiến Phật”, nhận ra “Tri Kiến Phật” nơi tự thân mình. Nhưng tri kiến Như Lai ấy được hiển lộ là nhờ Diệu Pháp. Diệu Pháp thâm mật này cần phải kiên trì, kham nhẫn, tinh tấn, dõng mãnh thì mới có thể nhận được.
Vì sau khi Đức Như Lai diệt độ, chúng sinh căn lành càng ít, bạc nhược, si mê, không có “viễn đại chí”, được ít cho là đủ. Lại khởi tâm khinh mạn, đắm mê nơi ngũ dục, xa rời “lý đạo Nhất thừa”. Do vậy, các vị Đại Bồ Tát hiện hành phát khởi đại bi tâm, vì chúng sinh mà ban pháp âm vi diệu.
Dù có khó khăn đến đâu, dù ở cảnh giới nào các Ngài cũng hiện sức trí tuệ vi diệu chẳng tiếc thân mạng, vì chúng sinh mà lưu truyền Diệu Pháp Liên Hoa, để chúng sinh có cơ duyên phát khởi Đại thừa tâm trở về “tự tánh sáng soi, tự tánh chân chính, tự tánh thanh tịnh” của mình.
Do vậy, đoạn kinh được viện dẫn: “Đời ác sau chúng sinh căn lành càng ít, nhiều kẻ tăng thượng mạn, tham lợi, dưỡng cúng dường, thêm lớn căn chẳng lành, xa lìa đạo giải thoát. Dầu khó có thể giáo hóa, chúng con sẽ khởi sức đại nhẫn nhục, đọc tụng kinh này, thọ trì, giải nói, biên chép, dùng các món cúng dường cho đến chẳng tiếc thân mạng”.
Điều đó cho chúng ta thấy rằng: chỉ có chư vị Đại Bồ Tát mới có thể phát lời thệ nguyện thọ trì kinh này ở nơi cõi Ta bà, mà các hạng Thanh văn chẳng kham được.
Nên, “Lúc đó trong chúng có 500 vị A la hán đã đặng lãnh thọ ký đồng bạch Phật rằng: Thế Tôn! Chúng con cũng tự thệ nguyện nơi cõi khác rộng nói kinh này”.
Lại có bậc học và vô học tám ngàn người đã đồng lãnh thọ ký đồng từ chỗ ngồi đứng dậy chắp tay hướng về phía Phật nói lời thệ rằng: Thế Tôn! Chúng con cũng sẽ ở nước khác nói kinh này. Vì sao? Vì người trong nước Ta bà nhiều điều tệ ác, ôm lòng tăng thượng mạn, công đức cạn mỏng, giận hờn, dua vạy, tâm không chân thật”.
Do vậy, chúng ta mới thấy rõ hơn là trong thế giới ngũ trược, người gánh vác huệ mạng Như Lai phải là bậc đại căn đại trí, không thể dùng tiểu tâm khiếp nhược mà gánh vác nổi. Bởi tà kiến, tham, sân, si ẩn tàng trong tâm thức. Lời nói nhiều khi bóng bẩy nhưng sự sống lại không có chút nào xứng hợp với tri kiến Như Lai.
Năm trăm vị A la hán, và tám ngàn vị hữu học cùng vô học tuy đã nhận lãnh lời trao ký thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nhưng các Ngài vẫn thị hiện sự e dè đối với đời ác ngũ trược ở cõi Ta bà này.
Các Ngài đã nhắc nhủ cho chúng ta thấy rõ rằng: việc trì kinh thì ai ai cũng có thể trì được. Từ bậc Đại Bồ Tát, bậc A la hán, xuống đến hàng hữu học, vô học, Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni... nghĩa là bậc đại trí giàu đức tính vô ngã vị tha, xuống bậc đã trừ sạch nhân hữu lậu trong ba cõi, những bậc nhập lưu theo chiều hướng giải thoát. Hạng người quyết tâm cầu đạo giải thoát đều có thể lãnh hội thọ trì kinh Pháp Hoa. Nhưng muốn truyền trao Diệu Pháp tối thượng thừa này cần phải có các đức tính vô ngã, vị tha, nghị lực phi thường, biện tài vô ngại, rõ thông các pháp thế gian và xuất thế gian, sống xứng hợp với tự tính thanh tịnh và truyền trao Diệu Pháp bằng nhiều phương tiện. Đó mới là người trì kinh Pháp Hoa. Các vị Tỳ kheo Ni sau khi được Đức Thế Tôn thọ ký sẽ đặng thành bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cũng chỉ xin thọ trì kinh này “ở cõi nước khác” chứ không ở cõi Ta bà này.
Điều đó đủ nói lên rằng dù căn cớ nào, hạng loại nào, nếu nằm trong cảnh duyên trái nghịch ô nhiễm mà liễu tri cùng sống xứng hợp với tánh lý nhất như mới là bậc đại trí, đại Bồ Tát vậy.
Hơn nữa, muốn nắm giữ kinh này, nắm giữ được chân lý tối hậu của chư Phật truyền trao, để tạo cho chúng sinh nhận chân được lý tánh thì phải mặc áo giáp nhẫn nhục. Nghĩa là phải hết sức chịu đựng trước sự tấn công của muôn vạn thứ ma chướng quấy nhiễu, mới vì chúng sinh mà tuyên thuyết kinh này.
Nên đoạn kinh đã viện dẫn: “Các vị Đại Bồ Tát ở trước Phật lớn tiếng như sư tử rống mà phát thệ rằng: “Thế Tôn! sau khi Như Lai diệt độ, chúng con đi giáp vòng qua lại, khắp mười phương thế giới hay khiến chúng sinh biên chép kinh này, thọ trì, đọc tụng, giải nói nghĩa đó, nghĩ nhớ chân chính đúng như Pháp mà tu hành”. Tức thời các vị Bồ Tát đều đồng tiếng nói kệ rằng:
Cúi mong Phật chớ lo,
Sau khi Phật diệt độ,
Trong đời ác ghê sợ,
Chúng con sẽ rộng nói
Có những người vô trí,
Lời ác mắng rủa thảy,
Và dao gậy đánh đập,
Chúng con đều phải nhẫn
Tỳ kheo trong đời ác
Trí tà lòng dua vạy,
Chưa được nói đã được,
Lòng ngã mạn dẫy đầy.
Hoặc người mặc áo nạp,
Lặng lẽ ở chỗ vắng,
Tự nói tu chân đạo,
Khinh dễ kẻ nhân gian,
Vì tham lam danh lợi,
Nói pháp cho bạch y,
Được người đời cung kính,
Như lục thông La Hán,
Người đó ôm lòng ác,
Thường nghĩ việc thế tục,
Giả danh A Luyện Nhã,
Ưa nói lỗi chúng con.
Lời kệ trên các vị Đại Bồ Tát đã nêu ra các trường hợp có thể diễn ra trong đời ác năm trược. Như hạng giả danh Tỳ kheo mặc áo kẻ tu hạnh đầu đà, nghĩa là mặc phấn tảo y thường đi khất thực, ngồi một chỗ mà ăn, ăn vật thực trong bát mình xin được, qua giờ ngọ không ăn nữa, ở nơi chỗ vắng vẻ, thường ở cội cây, nơi chỗ trống, nơi mộ đá, thường ngồi ít nằm... lại giả danh A Luyện Nhã, là giả danh tu hạnh đầu đà như đã nêu trên mà khinh rẻ mọi người. Tâm lại thường tham lam lại lợi, tự cho là đạt thành quả vị và nói là chúng con vì tham lợi dưỡng nói luận nghĩa của ngoại đạo, mà:
Tự làm kinh điển này,
Dối gạt người trong đời,
Vì muốn cầu danh tiếng,
Mà giải nói kinh này,
Thường ở trong đại chúng,
Vì muốn phá chúng con,
Đến quốc vương, quan lớn,
Bà la môn, cư sĩ,
Và chúng Tỳ kheo khác,
Chê bai nói xấu con,
Bảo là người tà kiến,
Nói luận nghĩa ngoại đạo.
Đó là những kẻ vô trí, chẳng hiểu được lý kinh mà cho người trì kinh này là tà kiến, làm gì chúng sinh lại có “tri kiến Như Lai”.
“Chúng con vì kính Phật,
Đều nhẫn các ác này,
Bị người đó khinh rằng,
Các người đều là Phật,
Lời khinh mạn dường ấy,
Đều sẽ nhịn chịu hết.
Vì kính Phật trọng pháp mà kẻ xấu ác lại mỉa mai cho là “các ngươi đều là Phật”, lời mỉa mai nặng nề ấy chúng con đều kham nhẫn được.
Trong đó ác kiếp trược,
Nhiều các sự khủng bố,
Quỷ dữ nhập thân kia,
Mắng rủa hủy nhục con,
Chúng con kính tin Phật,
Mặc áo giáp nhẫn nhục,
Vì để nói kinh này,
Nên nhẫn các việc khó,
Con chẳng tiếc thân mạng,
Chỉ tiếc đạo vô thượng,
Chúng con ở đời sau,
Hộ trì lời Phật dặn,
Thế Tôn đã tự biết,
Tỳ kheo đời ác trược,
Chẳng biết Phật phương tiện,
Tùy nghi nói ra pháp,
Nhăn mày nói lời ác,
Luôn luôn bị xua đuổi,
Xa rời nơi chùa tháp,
Các điều ác như thế,
Nhớ lời Phật dặn bảo,
Đều sẽ nhẫn việc ấy.
Đó là sức phương tiện, Đức Thế Tôn một Phật thừa phân biệt nói thành ba. Lại đắm chấp chê bai cho các vị Bồ Tát dùng phương tiện giáo hóa chúng sinh là ngoại đạo.
Các thành ấp xóm làng,
Kia có người cầu pháp,
Con đều đến chỗ đó,
Nói pháp của Phật dặn,
Con là sứ của Phật,
Ở trong chúng không sợ,
Con sẽ khéo nói pháp,
Xin Phật an lòng cho,
Con ở trước Thế Tôn,
Mười phương Phật đến nhóm,
Phát lời thệ như thế,
Phật tự rõ lòng con.
Như thế phẩm Đề Bà Đạt Đa và phẩm Trì đều nói lên sự chướng ngại có thể làm cho chúng sinh xa rời tánh giác. Trước chướng duyên, trước kẻ nghịch dễ làm cho chúng sinh dao động. Chúng sinh vì nhiễm trước mà vọng động nên vô minh bao trùm “tự tánh nhiệm mầu”.
Do đó, Đức Thế Tôn đã thương xót chỉ bày sự liễu ngộ tự tâm, trở về với “bản giác diệu minh thanh tịnh” vừa mới trực nhân đó, chớ để những lời chướng duyên bao phủ mà vọng tâm dấy khởi.
- Đại Bồ Tát Dược Vương có ý nghĩa tượng trưng cho bậc đại y vương tài giỏi có đủ khả năng trị các bệnh tà kiến, tự tôn, tự ti của mọi loài.
- Bồ Tát Đại Nhạo Thuyết có ý nghĩa tượng trưng cho bậc biện tài vô ngại, có khả năng diệt trừ tà kiến, đưa chánh kiến trở về cho muôn loài.
Đó là chư vị Bồ Tát thị hiện để chỉ cho chúng hội rằng: chỉ có trí tuệ Bát Nhã, và biện tài vô ngại thì mới có thể triển khai giáo pháp Tối thượng thừa. Nghĩa là triển khai Diệu Pháp Liên Hoa. Nếu không có đủ trí lực và pháp lực thậm thâm vi diệu, mà chỉ vì danh tướng, lại dám tuyên thuyết kinh này thì bánh xe pháp sẽ quay ngược lại.
Bệnh tà kiến, biên kiến, kiến thủ sẽ phủ mờ chân tánh, nó biến thành mũi tên lao nhanh vào địa ngục. Luận Hiển Dương Chánh Giáo ghi:
Tâm sinh chủng chủng pháp,
Tùy duyên thủy thượng âu,
Tánh chân như bất biến,
Như thủy bổn thanh trừng,
Bất biến tùy duyên chân thử tánh,
Tùy duyên bất biến thị tha tâm,
Minh tâm, minh liễu âu bào thượng,
Kiến tánh thâm tri thúy diện trừng.
Dịch:
Tâm sinh ra muôn pháp,
Tùy duyên sóng nước xao,
Tánh chân như bất biến,
Như nước vốn lặng trong,
Bất biến tùy duyên là tánh ấy,
Tùy duyên bất biến chính tâm này,
Minh tâm nhận rõ lao xao sóng,
Kiến tánh nhìn sâu mặt nước bằng.