- 01. Mùa Hoa Năm Nào
- 02. Sống
- 03. Vườn Cải Hoa Vàng
- 04. Bệnh Nan Y
- 05. Sư Ông và Lãng Tử
- 06. Hữu Công, Hữu Tội
- 07. Bức Tranh Phù Thủy
- 08. Những Giọt Lệ Hồng
- 09. Hai Cha Con
- 10. Tiếng Gọi
- 11. Mẹ Tôi
- 12. Khai Bút
- 13. Xuân Tâm
- 14. Họa Phúc Trùng Trùng
- 15. Dốc Mơ Đồi Mộng
- 16. Phụ Trương - Phật Mẫu
- 17. Phụ Trương - Sống Tức Là Tương Quan
DỐC MƠ ĐỒI MỘNG
Tu Viện Trúc Lâm Canada Xuất Bản PL. 2547 DL. 2003
Trong
ký ức tuổi thơ khô cằn của Ngọc Châu, chỉ có một bóng
mát duy nhất, tuy nhỏ nhoi nhưng quí báu vô cùng. Đó
là hình ảnh bà ngoại lui cui tưới đám cải ngọt hay chăm
sóc dây bí xanh mướt đầy hoa vàng leo trên dàn tre cạnh hàng
rào cây bằng gỗ tạp.
Căn
nhà mái tôn ở ven biên Sài Gòn, vào mùa hè, nóng nung như
lò than, là nơi Ngọc Châu chào đời – Và sống qua suốt
thời gian mười mấy năm – không khắc ghi được một kỷ
niệm nào êm đẹp trong lòng nàng.
Nếu
không có bà ngoại là nơi nương tựa tinh thần chắc Ngọc
Châu đã hóa điên với người cha lúc nào cũng say sưa nhậu
nhẹt và nổi nóng thường xuyên vì sự túng hụt của gia
đình.
Mẹ
nàng tảo tần ngoài chợ để vừa nuôi con vừa nuôi chồng,
thêm bà mẹ đã ngoài sáu mươi. Có lẽ vì gánh nặng
của cả nhà đè nặng trên vai mẹ nên trông mẹ già sụm
dù chỉ mới bốn mươi.
Sáng
ra chợ sáng, chiều ra chợ chiều, mẹ tất tả ngược xuôi
như người đàn ông tháo vát, về đến nhà thì mệt nhoài. Để trút cái lo, cái mệt, bà chỉ biết càu nhàu, trách móc
chuyện nọ, chuyện kia: “Tụi bây để nhà dơ quá; sao
áo quần phơi để khô cháy mới đem vô; thằng Hai lại trốn
học, trường gởi giấy về đây nè, sao ổng không chịu để
mắt tới giùm; còn thẳng quỷ nhỏ đâu rồi…”
Bà
tuôn ra một loạt những lời nghe chẳng chút êm tai. Nếu
cả nhà im lặng chịu trận thì yên nhưng nếu hôm nào thiếu
rượu, ba Châu sừng sộ lại thì thế nào cũng có trận ẩu
đả giữa hai người.
Căn
nhà không tiếng cười. Nơi đó ba mẹ gấu ó đánh nhau,
anh Hai thì lêu lỏng; còn hai đứa em thì đánh lộn hoài, nếu
không đánh nhau vì giành miếng bánh trong nhà thì ra đường
cũng đập lộn với hàng xóm.
Châu
chỉ cảm thấy dễ chịu khi vào trường học nhưng dù vậy,
mặc cảm thua sút vẫn làm cô bé rụt rè, thu mình trong vỏ
ốc nín câm.
Bà
ngoại thì tìm an ủi trong mấy luống cải mà tự tay bà đã
lên giồng. Dù mắt đã bắt đầu kéo mây chỉ thấy
lờ mờ, bà vẫn đủ sức cuốc đất. Như người làm
rẫy chuyên nghiệp, bà biến khoảnh đất chai cứng nứt nẻ
ở sau nhà thành nơi trồng trọt. Chính bà đi lượm cứt
bò, cứt ngựa ở xóm trên về ủ làm phân rồi chặt rơm
trộn chung vào. Đó là thức ăn mầu mỡ cho đất. Và đất vì nặng ơn săn sóc, đã cho bà những lướng cải
xanh tươi. Bà lên liếp trồng được bốn luống cải,
chừa một luống làm giống thì số còn lại đủ ăn cho cả
nhà. Chính những cây cải chừa làm giống đã trổ hoa
vàng làm cho mảnh vườn có vẻ tươi mát. Những đốm
hoa vàng tí xíu nổi bật trên những lá cải xanh già, đong
đưa theo những cơn gió hiếm hoi của mùa hạ làm mát rượi
tâm hồn cô bé đang tuổi dậy thì. Thỉnh thoảng vài
chú bướm vàng nhở nhơ đùa cùng hoa cải, giúp cô bé được
vài phút mộng mơ.
Ngọc
Châu không dám trách cha cũng không nỡ phiền mẹ. Đầu
óc đơn giản hiền hòa khiến Châu chỉ biết an phận.
Nhưng đôi khi nàng cũng thầm mong cha tìm được việc làm
để không có thì giờ nhậu nhẹt và mẹ cô, ước gì bà
gọi tên những đứa con trong nhà một cách dịu dàng thay vì
gọi Châu là “con ma lờ đờ”, anh Hai là “thằng trời
đánh”, em kế cô - thằng Chiến – là “quỉ lớn” và
em út - Thắng – là “quỉ nhỏ”.
Chẳng
biết có phải vì ngày nào mẹ cũng kêu réo quỉ ma như vậy
nên cảnh nhà lục đục hoài, không lúc nào được êm ả
thuận hòa dù họ chỉ gặp nhau trong bữa ăn chính. Mỗi
người có một chỗ để tìm sự yên thân.
Ngoài
giờ học ở trường, anh Hai la cà nơi nhà bè bạn, Chiến
và Thắng thì đánh đáo, tạt lon, đánh banh ở khu nghĩa địa;
bà ngoại lui cui miết ở sân sau; riêng Ngọc Châu, với chiếc
xe đạp cũ kỹ, thường tới Chùa Giác Viên ngồi dưới mái
hiên mát rượi để học bài và làm bài.
Đôi
khi cô bé tựa đầu vào tường vách rêu phong, tận hưởng
sự im vắng mát mẻ và ngủ quên. Mãi đến khi tiếng
chuông công phu chiều thong thả tan trong gió, dịu dàng đánh
thức cô dậy, cô bẽn lẽn dụi mắt lên xe trở về.
Chiều
nay Châu về nhà hơi trễ; chưa bắc nồi cơm, chưa làm cá
lặt rau sẵn cho ngoại nấu ăn. Cô bé gò lưng nhấn mạnh
bàn đạp. Xe lại sút dây sên. Xui thật! Loay
hoay mãi. Tới đầu hẻm, trời đã nhá nhem tối.
Trái
với lệ thường, hôm nay mọi người tụ tập xôn xao, có
vẻ nghiêm trọng, chợt có người nhận ra Châu, họ la lớn:
-
Châu ơi, em mầy bị xe đụng chết rồi! Cô bé quăng
đại chiếc xe và tập vở, ùa chạy vào nhà.
Căn
nhà trống trơn, chỉ còn bà ngoại ngồi ôm đầu cúi mặt,
cái khăn rằn đỏ vắt lệch trên vai run run theo tiếng nấc. Bà ngẩng mặt lên, đôi mắt kéo mây đục lờ giờ đỏ au,
sưng húp. Mặt bà co rúm lại, các nếp nhăn hằn sâu
như trái táo tàu phơi khô.
Bà
nắm tay Châu, mếu máo:
-
Xe hơi cán nó bể đầu… chở vô nhà thương Chợ Rẩy, cứu
không được con ơi! Nó mê trái banh chạy ra đường bất
tử, xe nào thắng kịp. Tội quá!
Cái
chết thình lình của Thắng càng làm cho gia đình Châu thêm
khó thở. Ba của Châu có cớ đi uống rượu nhiều hơn
để “giải sầu”. Uống ghi sổ. Cuối tháng chủ
quán đòi tiền mẹ, thế là ông bà có dịp gây gổ đập
lộn định kỳ.
Anh
Hai bỏ học đăng lính thủy, lại bắt đầu uống rượu y
như ba. Thằng Chiến cũng bỏ học luôn, đi bán cà ren
để tự kiếm sống.
Mẹ
Châu giờ như bà điên. Bà ăn nói lộn xộn không đầu
không đuôi, lấp ba lấp bấp, mở miệng là sẵn sàng để
chửi rủa. Bà mắng Châu luôn miệng đã đành, là còn
đổ tội cho bà ngoại: “Cháu hư tại bà. Bà không
coi chừng, coi đổi, để nó đi chơi lu bù xe cán nó. Thử cột chân thằng quỉ nhỏ ở nhà, xe nào vô đây cán
được!”
Ngoại
lặng câm như hến. Nhiều lần Châu thấy ngoại ngồi
khóc sau hè, cạnh mấy luống cải giờ đã còi cọc. Hình như cây cỏ sầu úa cùng với nỗi đau của ngoại. Ngoại khóc vì bị buộc tội oan? Vì thương thằng cháu
út của bà? Thương bà quá, Châu bỗng nảy sinh ra ý định
chở bà đi chùa mỗi khi Châu đến đấy học bài. Ít
ra phải cho bà một nơi mát mẻ dễ chịu như hiên chùa để
tránh cái oi nồng của căn nhà lợp tôn.
Thấy
bà ngần ngại, Châu thuyết phục:
-
Bà ốm nhom nhẹ hều mà, chở ngoại như chở cái cặp táp
của con vậy, không sao đâu ngoại à!
Và
quả nhiên, cảnh tĩnh mịch của ngôi chùa cổ nằm giữa những
cây cổ thụ tỏa bóng mát quanh năm, có tiếng chim ríu rít
trên cành quả là cảnh giới lý tưởng, là thiên đàng hạ
giới cho bà lão. “Mát quá!” Bà đi tới đi lui
hít thở không khí dễ chịu ở chung quanh tưởng chừng như
chưa bao giờ được hạnh phúc như vậy.
Sau
khi đi lòng vòng quanh chùa chiêm ngưỡng mấy cái tháp đen
xám bám đầy rêu xanh, bà quan sát những vùng đất còn trống
liệu xem có thể trồng trọt gì được không? Rồi bà
lân la vào bếp mượn cây chổi quét sân.
Mỗi
ngày tình nguyện quét sân chùa, dần dần bà trở thành quen
thuộc với mọi người. Từ sư cụ hiền hòa có đôi
mày bạc trắng như tiên ông đến các vị sư trẻ và chú
tiểu Minh.
Tiểu
Minh chỉ có ba vá tóc trên đầu, là cậu bé lí lắc và thích
chuyện trò. Trước đây hay mon men làm quen với Ngọc
Châu nhưng cô nàng chỉ ậm ừ cho qua chuyện khiến chú cụt
hứng tìm qua nhóm học trò khác dễ bắt chuyện hơn.
Từ
ngày có bà cụ đến quét sân, chú như được gặp một người
bạn sẵn sàng nghe chú nói, hơn nữa, chú còn có dịp xổ
ra những câu đạo lý – mà chú từng nghe lóm được khi hầu
quạt sư cụ - Khiến bà lão phục chú sát đất.
Có
lần chú thắc mắc hỏi bà:
-
Sao bà không ở nhà nghỉ cho khỏe? Vô chùa quét sân mệt
thấy mồ!
Bà
ngưng tay quẹt mồ hôi trán, nhìn cái sân dài và rộng phủ
đầy lá trước mặt:
-
Làm công quả vừa vui vừa được phước chú à.
Như
chú đó, chắc kiếp trước đã tu rồi nên kiếp này còn nhỏ
mà được nương cảnh Phật. Còn tôi vụng tu, đời tôi
khổ quá!
Tiểu
Minh buông ra một câu mà chú đã nằm lòng.
-
Đời là bể khổ mà!
Rồi
chú tình thật tâm sự:
-
Ở chùa cũng khổ, tại bà không biết đó! Kỷ luật
gắt lắm. Lớp đi học chữ ở trường, lớp học kinh,
học chữ nho trong chùa, không thuộc phải quì hương. Tôi không được đánh đáo, bắn bi, đá dế, buồn lắm!
Bà
lão mến sự trong sáng chân thật của Minh, hơn nữa chú cũng
trạc tuổi Thắng. Bà muốn giải thích cho tiểu Minh biết
là chú đang hưởng phước:
-
Ờ, thì chịu buồn chút xíu thôi mà khỏi khổ. Chớ
như tôi suốt đời gánh gồng buôn bán, tuổi già tuy đỡ
nhọc nhằn nhưng mà khổ tâm lắm!
Minh
tròn xoe đôi mắt sáng:
-
Sao vậy?
Bà
ngoại cười buồn:
-
Chú còn nhỏ, lại ở lại trong chùa, đâu hiểu chuyện đời! Tôi ước gì được sống luôn trong chùa để tai khỏi nghe
những lời thô lỗ cộc cằn, mắt khỏi phải nhìn những
cảnh éo le bực bội, như vậy đủ hạnh phúc rồi.
Tiểu
Minh chợt nhớ sư cụ mới giảng giáo lý tuần rồi, nói về
cảnh giới Cực Lạc, chú lập lại một cách trơn tru những
gì mà chú còn nhớ vì thấy hay hay:
-
Bà biết không, sư ông dạy rằng cách đây xa lắm, về phương
Tây có thế giới tên là Cực Lạc. Nhân dân trong nước
đó không biết đau khổ là gì. Khí hậu mát mẻ dễ
chịu, thức ăn uống, đồ dùng muốn gì có nấy, tuổi thọ
thì vô lượng, nhà cửa, đường xá thì làm bằng bảy báu,
đẹp ghê lắm. Ai được sanh về Cực Lạc rồi thì khỏi
trở lại trần gian nầy, không còn chịu cảnh sanh già bịnh
chết nữa. Họ tu riết rồi thành Phật luôn.
Bà
lão há mồm lắng nghe. Đây là một hình ảnh kỳ diệu,
một đất nước lý tưởng, theo bà, nó chỉ có trong sự ao
ước, trong tâm tưởng của những người đang khổ thôi. Nhưng sư cụ đã nói như vậy, lẽ nào không có thật sao?
Ngoại
thắc mắc muốn hiểu thêm nhưng tiểu Minh dường như không
biết gì hơn, chỉ nhăn răng sún ra cười khi bà hỏi dồn: “Làm sao về đó được?” Rồi chú nhún nhẩy bước
chân chim, tấp vào nhóm học sinh gần đó.
***
Chỉ
sau mấy tháng được ở luôn trong chùa để làm công quả,
bà Tư đã trồng được những luống cải bẹ trắng, cải
ngọt, cải làm dưa, xanh mướt mượt. Cải ngọt đang
đúng lứa, mơn mởn xấp hàng trên những luống đất xốp
có phủ rơm, chờ nhổ.
Trưa
chủ nhật, Ngọc Châu lăng xăng phụ bà ngoại cắt bỏ rể
cải cho chùa. Những cây cải bụ bẫm, khỏe và tươi
chong khiến nàng mơ tưởng đến một bữa ăn gia đình đông
đủ vui vẻ có tô canh nóng hỏi do chính tay ngoại nấu và
nồi cơm gạo mới thơm lừng cộng thêm món trứng chiên tôm
khô, củ hành hay vài con cá chiên tỏi.
Từ
ngày ngoại vô chùa ở, cảnh nhà vốn đã đìu hiu giờ càng
thêm quạnh quẽ. Mẹ không còn hơi sức đâu để gây
gỗ đánh lộn với ba. Không có ai để kiếm chuyện,
ổng hay la cà ngoài đường xá, trong các quán cóc để giết
thì giờ dư thừa đã trở thành nhàm chán.
Nhanh
tay cắt gốc xếp cải lại, cột thành từng bó, bà Tư nói
giọng vui tươi:
-
Sự cụ biểu ngoại chừng nào nhổ cải thì đem về một
mớ. Sẵn có con đây, con chở ngoại về nhà nghe. Tính ra ngoại ở chùa cũng nữa năm rồi, mau quá!
Ngọc
Châu dừng tay nhổ cải, đứng lên nhìn ngoại, cười lộ
hàm răng trắng phau. Cô sung sướng thấy ngoại khỏe
mạnh, hạnh phúc với nụ cười luôn nở trên môi. Ngoại
cũng muốn truyền hạnh phúc ấy cho cô bằng cách khuyên cô
nhiếp tâm niệm Phật A-Di-Đà, đừng nghĩ ngợi vẩn vơ.
Nhưng
cô bé chẳng làm được như bà. Tâm cô hãy còn rong duổi
xa gần, đây đó nên cô chưa nếm được vị an lạc mà ngoại
đang hưởng.
Khi
Châu chở ngoại về tới nhà, hai bà cháu lui cui ôm mấy bó
cải vào. Căn nhà còn nóng hanh. Ba Châu ở trần,
nằm quạt phành phạch trên chiếc ghế xếp dài đặt sau cánh
cửa đang mở.
Thấy
bà già vợ bước vô nhà, chàng rể ngồi bật dậy, mặt mày
còn đỏ gay và mùi rượu nồng trộn lẫn trong giọng nói
nhừa nhựa:
-
Sao bữa nay về nhà vậy? Chán cảnh chùa rồi hả?
Nghe
giọng nói “móc lò” của ba, Châu cau mặt. Sợ ngoại
buồn, cô đỡ lời:
-
Ngoại về chơi, đem cải cho ba má. Mai trở lại chùa.
Bà
Tư lợm giọng vì mùi rượu lại vừa tức thằng rể vô công
rồi nghề thường mượn hơn men để nói năng vô phép với
bà. Nghĩ thương con gái vô phước bạc phần, lấy chồng
như rước nợ vào thân, trả cả đời không hết.
Ngày
xưa, không biết bao nhiêu giọt nước mắt của bà đã âm
thầm rơi trên đám cải sau nhà, giờ đây nước mắt cũng
từ từ ứa ra. Bà tự trấn an, im lặng ôm mớ cải đi
thẳng vô bếp.
Trong
trạng thái ưu phiền ấy, đột nhiên giòng suối từ kết
bằng vô số chuỗi niệm Phật tuôn chảy trong tâm bà. Bà lão nhớ lại mình đã phát nguyện vãng sanh Cực Lạc,
bà không muốn để những hệ lụy của thế gian quấy rầy
mình nữa. Bà hít vào một hơi dài và thầm niệm Phật
theo hơi thở ra vào. Dần dần, tâm bà trở nên an ổn.
Từ
ngày được sư cụ giảng rõ về thế giới Cực Lạc cùng
đại nguyện của đức Phật A-Di-Đà và dạy cho pháp niệm
Phật cầu vãng sanh, bà Tư sung sướng vô vàn. Bà không
còn thiết gì chuyện đời, ngày đêm chuyên chú niệm Phật
không xao lãng. Lạ thay, dù chưa xả bỏ xác thân phàm
tục để vãng sanh Cực Lạc, bà đã cảm thấy an lạc rồi.
Một
hôm, trong lúc bà Tư cặm cụi xách nước tưới cải, sư cụ
bước ra sân. Nhìn vẻ mặt rạng rỡ của người đệ
tử muộn màng qui y nhưng quyết tâm giải thoát, sư cụ hài
lòng. Sư cụ dạy bà Tư ngưng tay làm việc để nghe thầy
nói chuyện.
Thầy
hỏi:
-
Đệ tử cầu vãng sanh Cực Lạc để làm gì?
-
Bạch Thầy, đời con đã khổ, gia đình con ai cũng khổ, còn
chung quanh con thì chẳng mấy ai hoàn toàn sung sướng. Bởi vậy khi nghe thầy dạy có nước Cực Lạc toàn vui, không
khổ, con muốn sanh về để thoát cảnh khổ trần gian.
Nhà
sư cười thật hiền. Dáng thầy gầy guộc trong chiếc
áo nâu già, nổi bật trong nắng mai. Gió sớm phất phơ
tay áo thầy.
-
Con muốn về cõi Phật thì phải chuẩn bị Phật tâm. Phật không bao giờ nghĩ chuyện cá nhân tư lợi mà luôn luôn
thương tưởng đến chúng sanh, tìm cách cứu họ ra khỏi biển
khổ trầm luân. Như đức Phật Thích Ca, tuy là thái tử
nhưng đã lìa bỏ cung vàng điện ngọc, chịu gian nan khổ
nhọc, đi tìm chân lý cứu khổ sinh tử cho mọi người. Ngài Địa Tạng Bồ Tát nguyện vào địa ngục độ tận chúng
sanh. Còn đức Phật A-Di-Đà, do bi nguyện mà tạo ra cõi
Cực Lạc để tiếp dẫn chúng sanh về đấy tu hành chớ không
phải ngài tạo ra để thọ hưởng. Muốn xứng danh là
con Phật chúng ta phải phát tâm Bồ Đề, trên cầu Phật đạo,
dưới nguyện độ quần sinh. Vừa tự độ mình, vừa
lo độ người chớ không phải tu cho riêng phần mình mà thôi. Tu cho riêng mình là tiểu hạnh, tiểu chí, không đáp ứng
được hoài bảo của chư Phật, chư Tổ.
Bà
Tư rụt rè thưa:
-
Bạch Thầy, con vừa ngu dốt, vừa già nua, đâu dám nghĩ đến
đại sự như Thầy nói.
Sư
ông rõ căn cơ của bà Tư, không tiện giảng nói nhiều, chỉ
vắn tắt hỏi:
-
Con niệm Phật thế nào?
-
Bạch Thầy, mỗi khi niệm Phật, con thấy trong lòng an vui.
-
Hãy tìm cách giúp người chung quanh cũng được an lạc như
con. Đó là độ người, con hiểu không?
-
Dạ hiểu!
Từ
đó, mỗi khi xách nước tưới cải, bà Tư đều nguyện rằng: “Nguyện cho ai ăn được cải tôi trồng đều bỏ ác về
thiện, đều biết tu Tịnh Độ, niệm Phật cầu vãng sanh”.
… Bà Tư chuẩn bị bữa cơm chay thật ngon cho cả nhà. Trong
lúc hai tay làm việc, đầu óc bà suy nghĩ, tình cách “độ”
thằng rể. “Tại nó nhậu nhẹt quá không ai dám mướn
thành ra thất nghiệp dài dài chớ nghề mộc của nó cũng
khéo lắm. Cái nhà này tự tay nó cất chớ ai. Nếu
nó có công ăn việc làm như mọi người chắc cũng không đến
nỗi tệ. Phải lấy công tâm mà nói vậy”.
Ngọc
Châu vừa đặt bàn dọn cơm xong thì mẹ nàng về. Thấy
bà già lui cui trong bếp, bà bước tới ôm lưng mẹ một cách
trìu mến không ngờ. Ngoại mau nước mắt đã đành,
mẹ nàng tuy bề ngoài cứng cỏi khô khan nhưng cũng lộ vẻ
xúc động lắm.
Mẹ
nói, giọng run run:
-
Má về con mừng quá! Chèn ơi! Bà già chịu cơm chùa,
mới đây mà mập rồi. Lên cân ba kí lô chớ không ít.
Thấy
mẹ vui, Châu đùa:
-
Ý, má đừng quở!
Thằng
Chiến cũng vừa bước vô nhà. Thấy ngoại, nó buông
thùng cà rem, chạy tới ôm cứng lấy bà. Trong cảnh tranh
tối tranh sáng của chiều tà, bà nhận nó không muốn ra:
-
Cháu tôi mau lớn quá! Hai bà cháu có nhiều điều để
hỏi han nhau, thỉnh thoảng mẹ và Châu cũng xen vào. Câu
chuyện nổ dòn như bắp rang.
Ba
của Châu có cảm giác mình bị bỏ rơi, bị đứng bên lề
của gia đình. Mặc cảm cô đơn, vô tích sự kích thích
tự ái khiến ông sinh bực bội. Bởi vậy, khi vào bữa
ăn, liếc sơ một cái, ông cự nự liền, để tỏ uy quyền
của một người đàn ông, người chủ trong nhà:
-
Bửa nay sao không có thịt cá gì hết vậy? Ăn vầy làm
sao nuốt vô?
Bà
Tư đáp, giọng dịu dàng, ngọt xớt:
-
Quí à, con ăn thử coi, cơm chay cũng ngon miệng lắm. Nếu
con ăn chay được, má sẽ xin sư cụ cho con việc làm. Làm cho chùa phải ăn chay mới được.
Hai
tiếng “việc làm” có sức thu hút mạnh. Cả nhà im
lặng lắng nghe. Châu lén quan sát phản ứng của ba, thấy
mắt ông ánh lên sự mừng rỡ tuy vẫn cố giữ thái độ
lầm lì ban nãy.
Sau
khi lùa cơm vào miệng, lập bập nuốt, bà Tư chậm rãi tiếp:
-
Sư cụ muốn cất lại nhà bếp của chùa, lợp ngói đàng
hoàng. Có ông thợ nào đó đòi năm ngàn đồng, chùa
không đủ tiền. Nếu con lãnh rẻ hơn, chừng bốn ngàn,
chắc thầy sẽ đồng ý. Má biết con tay nghề giỏi,
có thể làm được vụ này.
Quí
nói liền, giọng đầy tự hào:
-
Cái đó dễ ợt!
Mẹ
Châu thấy câu chuyện có mùi hấp dẫn, vui vẻ xen vô:
-
Vậy mình lãnh mối này đi mình!
Lâu
lắm rồi, Quí mới nghe vợ nói tiếng “mình” ngọt lịm. Ông cảm thấy hăng hái nhưng còn đắn đo:
-
Phải có người phụ chớ làm một mình sao được.
Thằng
Chiến lanh lợi khôn ngoan, biết đây là cơ hội hiếm có cho
ba, nó nói liền, không do dự:
-
Con nghỉ bán theo phụ ba được không?
Ngoại
mừng đến rơi nước mắt. Mẹ Châu cảm động cúi xuống
và cơm trong khi Quí nhìn bà già vợ với đôi mắt biết ơn
và hối lỗi.
***
Phật tử đi chùa thấy nhà bếp mới rộng rãi, vừa chắc chắn vừa đẹp mắt, họ liền mời Quí tu bổ sửa sang lại nhà họ, hết mối này tới mối kia. Hai cha con Quí có việc làm đều đặn. Không còn nữa cảnh thất nghiệp chán chường với những ngày say rượu triền miên.
Gia đình Châu từ đây bắt đầu có tiếng cười, có những giây phút cả nhà ngồi lại cùng dự tính chuyện tương lai. Niềm mong ước chung của họ là thay nóc nhà “tôn” bằng ngói cho đỡ nóng “nhà ngói coi lịch sự hơn!” Mẹ Châu nói với sự thèm thuồng thấy rõ.
Quí hiểu điều đó. Ông lo chí thú làm ăn để chuộc lỗi xưa. Không đầy một năm sau Quí và con trai đã lợp được mái ngói đỏ au. Căn nhà trở nên mát mẻ dễ chịu. Họ có bóng mát trong cuộc đời với hạnh phúc bình dị, đơn sơ.
… Ngày ăn mừng nhà ngói, có bà ngoại về dự. Bà con làng xóm đang ăn uống, rượu vào lời ra, cười nói rộn ràng nhưng khi thấy bà Tư bước vào trong chiếc áo nhựt bình màu xám tro và khăn lam phủ trên đầu, họ đều im lặng đưa mắt nhìn. Sự quí kính hiện rõ trên những gương mặt dày dạn nắng mưa vì lao động. Bà trông thanh thoát quá!
Bà Tư dịu dàng chấp tay cúi chào mọi người bằng cách thế của người xuất gia: “A Di Đà Phật.” Những bàn tay cầm rượu trở nên ngập ngừng, miếng thịt béo tự nhiên nuốt không trôi, họ tự động ngưng bữa tiệc để theo dõi bà Tư.
Bà thân mật đến với từng người, hỏi han gia cảnh, công việc làm ăn, nhắc nhở câu “ở hiền gặp lành”.
Lát sau, bác phu xích lô, sau cái gật đầu ra dấu của bà Tư, khệ nệ ôm vào nhà những bó cải tươi tốt xanh um. Bà tự tay trao từng bó cải cho từng người, khuyên họ tập ăn chay, niệm Phật.
Tưởng bà sẽ ở lại qua đêm như mọi khi về thăm nhà, dè đâu bà đã dặn bác phu xe đợi chở bà trở lại chùa. Trước khi ra về, bà nắm tay Châu, vuốt tóc cô cháu gái thùy mị dễ thương rồi choàng tay ôm đứa con gái một đời khổ cực. Nhưng sự xúc động chỉ thoáng qua trong phút giây, bà đứng dậy ngay:
- Thôi, má phải về cho kịp thời sám hối.
… Đó là lần cuối cùng Châu được gặp ngoại. Sư cụ kể lại rằng tối hôm đó, sau khi lạy sám hối, bà tìm đến phương trượng lễ thầy rồi lui ra, không nói một lời.
Thời công phu sáng không có mặt bà. Mãi một lúc sau, mọi người mới hay bà đã vãng sanh. Trong tư thế nằm nghiêng bên tay phải; xoay về hướng Tây, tay còn cầm xâu chuổi bồ đề, mặt bà phảng phất nụ cười an lạc, chẳng biết bà đi lúc nào, toàn thân đều lạnh nhưng đảnh đầu còn ấm.
Lễ an táng của ni cô Diệu Liên được cử hành trang nghiêm trong sự ngưỡng mộ của mọi người. Lòng tin đối với Phật pháp được dấy khởi, nhất là gia đình, bè bạn, lối xóm của Châu đều bắt đầu đi chùa, tham dự các lớp học giáo lý và thỉnh sổ công cứ về lo niệm Phật.
Nhưng giòng đời đâu dễ êm xuôi cho mọi người có thì giờ tu niệm. Tháng tư năm 1975; nào hiệp ước, nào dự đoán, nào tin đồn. Xôn xao sóng đời, sợ hãi sóng tâm.
Anh Hai đột ngột về nhà vào tối 28 tháng 4, hối người nhà ra bến Sài Gòn xuống tàu đi Mỹ. “Việt Cộng vô tới rồi, chiếm luôn miền Nam. Phe Việt Nam Cộng Hòa mình phải di tán ra ngoại quốc”.
Ba má Châu lắc đầu dứt khoát: “Mình già rồi, còn ham đi đâu. Thôi ở lại đây lo tu như ngoại, để về xứ Phật thì hay hơn.”
Châu thì do dự, không dứt khoát; anh Hai dọa: “Mày ở lại Việt Cộng bắt mày gả cho thương phế binh!” Lời hăm này có tác dụng ngay. Cô rươm rướm nước mắt bước theo anh, chỉ có Chiến là khoái được đi tàu hải quân, được đi Mỹ.
… Lênh đênh sóng nước, sóng đời. Châu nhìn bể cả mênh mông không biết tương lai rồi sẽ ra sao. Cô hướng về quê hương yêu dấu đang từ từ xa cách, lâm râm khấn bà ngoại: “Xin ngoại phù hộ cho chúng con và cho những người còn lại. Thế giới này chẳng bao giờ được bình yên. Nếu mọi người đều được như ngoại, biết xả bỏ, biết khoan dung, biết hướng thượng thì Cực Lạc ắt không tìm đâu xa”.