Tuyển tập truyện ngắn thắp lên tinh thần Đạo Giác Ngộ giữa chốn vô minh
Gió Đông xuất bản 2002
Linh Linh Ngọc
Nắng không gắt lắm nhưng gió rất khô và mây rất xanh. Mùa hè ở Cali thường bắt đầu như thế. Nắng ấy, gió ấy và mây ấy làm rộn rã lòng người, khiến ta như không đứng ngồi đâu lâu được, vì như có cái gì chờ đợi ở đâu đó !
Tờ lịch vừa bóc, rơi trên bàn. Con số và hàng chữ, 29 tháng sáu, lại gợn lên trong lòng tôi niềm tưởng nhớ nao nao.
Chỉ mới hai năm qua thôi, sao tôi có cảm tưởng như mình đã già thêm đến hai mươi tuổi. Hai năm trước, dù tóc đã điểm sương, tôi vẫn còn hăng hái cắp sách trở lại trường, học thêm một số ngoại ngữ. Tôi chăm chỉ đến mức thầy, cô nào cũng nhận ra rằng suốt 5 khóa học, tôi không hề bỏ một giờ nào, ở bất cứ lớp nào.
Bây giờ, tôi cũng đang chăm chỉ, nhưng là chăm chỉ đến chùa để mong học có một chữ NHẪN mà học mãi chưa xong. Với tôi, tôi tự nhủ nên học Pháp Nhẫn cho thuần rồi hãy mon men tới những Pháp lớn khác như Từ Bi Hỷ Xả, vì nếu tôi chưa thể nhẫn nại trước việc khó, chưa thể nhẫn nhịn khi bị khích bác, chưa thể nhẫn nhục khi bị chê bai thì con đường đạt tới Tứ Vô Lượng Tâm còn xa lắm !
Trong lớp thiền đang theo học, tôi tự biết mình là thiền sinh tệ nhất, vì những giờ tọa thiền, tuy tôi có thể ngồi rất yên trong thế kiết gìa nhưng tâm thì không yên được như thân. Vọng tưởng cứ khởi lên từng quãng. Nhớ bài học, chỉ nhận diện chúng, biết vọng đang khởi mà thôi, đừng để nó bám vào lăng kính phân biệt mà nẩy sinh nhiều vọng khác, cũng đừng vận dụng trí huệ mà xua đuổi nó. Vọng không nơi dựa, vọng sẽ tự buông và ta lại trở về với chân tâm tĩnh lặng.
Tôi cũng được nghe giáo-thọ-sư giảng về lẽ vô thường vô ngã. Lý, thì hiểu bản chất muôn loài không thật, mà tình, thì đôi lúc vẫn vương mang. Tình ở đây là cảm thọ, nói chung. Nếu ta có thể quán chiếu sâu sắc trong chánh niệm để thấy được những đối tượng của cảm thọ là không thật thì cảm thọ sẽ tự tan đi. Biết thế, nhưng thực hành mới khó, vì vọng tưởng vô minh đã được huân tập lâu đời, chất đầy thành những cuộn phim bất tận, lúc nào cũng sẵn sàng chiếu lại....
Như buổi chiều nay, một tờ lịch rơi đủ gợi bao nhớ tưởng. Còn nhớ tưởng là còn kẹt trong ái dục, dù đối tượng nhớ tưởng là ai, là gì.
Mỗi khi thất bại vì dễ dãi, để mình trôi theo vô minh, nhìn vô thường là thường, vô ngã là ngã, thì tôi lại nhớ về một trang sách, viết về thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế. Đó là khi Đức Phật nhận tin Đại Đức Xá-Lợi-Phất viên tịch. Đại Đức Xá-Lợi- Phất là vị đệ tử lớn, đã theo Phật hơn bốn mươi năm và rất được Phật thương yêu, tin tưởng. Vậy mà, khi Đại Đức viên tịch, không được có Phật ở bên ! Khi chú tiểu Cunda, thị gỉa của Đại Đức, trình lên Phật áo cà-sa, bình bát và xá lợi của thầy mình thì Đức Phật đã ngồi yên lặng thật lâu .....
Tôi từng ao ước vô vàn, nếu được biết phút giây yên lặng đó, Đức Phật đã nghĩ gì, nhớ gì về người đại đệ tử thân yêu ? Phải nghĩ thế nào, nhớ thế nào, để trong sự vượt thoát của ràng buộc nhớ tưởng, ta vẫn không vô tình gỗ đá !
Chiều
nay, ngồi dưới gốc bưởi, vườn sau, tôi đang để lòng
tôi như giòng sông. Sông sẽ trôi về nơi nước thuận tới.
Và giòng-sông-tôi đang trôi về mùa hè ở Paris, mùa hè cuối
cùng chúng tôi còn có giáo sư Roland Bellugue, vị giáo sư khả
kính dạy lớp Pháp văn ....
Ngày
này, hai năm trước, giáo sư Bellugue dẫn 42 học sinh của ông
qua Pháp một tháng, trong chương trình trao đổi sinh viên các
quốc gia trên thế giới, qui tụ về Paris trong mùa hè. Tôi
là một, trong số sinh viên đó.
Theo quy chế của ban tổ chức, các giáo sư hướng dẫn đều có chung cư khang trang ngoài phố, nhưng thầy Bellugue đã tình nguyện ở trong học xá với chúng tôi.
Ngay khi tới Paris, chúng tôi phải qua một cuộc thi trắc nghiệm trình độ, và sau đó, được phân tán mỏng, nhập vào sinh viên khắp nơi. Hai ngày sau, khóa học tại đại học Sorbonne bắt đầu với những giáo sư ở Pháp. Người hướng dẫn nhóm nào, chỉ còn là cố vấn của nhóm đó mà thôi. Đó chính là lý do giáo sư Bellugue muốn ở trong học xá để sẵn sàng giúp đỡ khi chúng tôi cần đến.
Giáo sư thanh toán mọi công việc cá nhân vào buổi sáng, khi chúng tôi đi học. Sau giờ ăn trưa, cửa phòng ông mở rộng đến nửa đêm, nếu còn học trò cắp sách đến hỏi bài. Với giáo sư các nhóm khác thì khi tới Paris họ chỉ còn nhiệm vụ cùng du ngoạn với sinh viên theo những lịch trình vạch sẵn thôi. Thắc mắc bài vở là việc của các giáo sư ở Sorbonne.
Vậy mà giáo sư Bellugue đã bỏ qúa nhiều thì giờ cho chúng tôi. Một tháng ở Paris ông đã dạy nhiều hơn số giờ thường dạy tại Cerritos College ở Mỹ. Trong những buổi sinh hoạt chung, chúng tôi thấy ông thường húng hắng ho. Ông bảo, trước khi đi đã gặp bác sỹ để lấy thuốc ho, sẽ phải chụp hình phổi, làm một vài thí nghiệm này nọ, nhưng vì ngày đi gần kề, ông hẹn ở Pháp về sẽ xúc tiến. Ông còn nói, bác sỹ nào cũng muốn làm đủ thủ tục thôi, chứ ho lai rai mà có gì quan trọng.
Ngờ đâu, ngày trở lại Mỹ, chỉ qua một tấm hình quang tuyến, ông được cho biết bị ung thư phổi. Khoá học mới, bắt đầu 14 tháng tám, thầy trò chưa kịp khoe nhau những tấm hình chụp trong chuyến đi thì ông báo tin buồn.
Đó
là lần chót, đám học trò thấy ông.
Ông
không đến trường nữa !
Ban giám đốc trấn an là ông chỉ nghỉ ít lâu để tĩnh dưỡng. Lớp Pháp-văn bắt đầu với giáo sư mới, nhưng cứ mỗi buổi lại dăm ba học trò bỏ lớp. Chỉ đến buổi thứ tư thì nhà trường phải hủy bỏ, vì không còn ai vào lớp nữa !. Hộp thư của giáo sư Bellugue không ngày nào là không có những tấm thiệp chúc ông mau khỏe lại.
Nhưng
bao nhiêu tấm lòng yêu thương của học trò cũng không thắng
được con bệnh vô hình.
Ngày
26 tháng 12 năm 2000, ông vĩnh viễn ra đi.
Ông đã bỏ dở những cuốn sách đầy tâm huyết mà ông đang cặm cụi soạn cho học trò. Ông đi nhanh quá, nhẹ quá, nên học trò của ông đều cảm thấy như ông vẫn quanh đây. Và mỗi dấu mốc thời gian, mỗi câu chuyện nào gợi lại, đều làm cho đám học trò của ông thổn thức .....
Tôi cũng không tránh khỏi điều đó, khi lại nhớ về tháng hè cuối cùng với giáo sư.
Đó là mùa hè năm 2000.
Từ cuối tháng sáu, hơn 5000 sinh viên khắp nơi, lục tục đổ về kinh đô ánh sáng và ở rải rác khắp các ký túc xá tại Paris. Nhóm tôi gồm 42 sinh viên, may mắn được ở ngay tại Cité Universitaire, trung tâm điểm gồm nhiều ký túc xá nhỏ, mang biểu tượng và kiến trúc đặc thù của các quốc gia trên thế giới.
Trạm métro ngay bên kia đường, tha hồ mà .....đi lạc !
Chuyến đi, như tinh thần của cuốn phim hài hước gỉa tưởng <Back to the future> do Michael J. Fox đóng. Tôi sống lại đời sống sinh viên khi tóc đã muối tiêu ! Tôi phải hòa nhập hoàn toàn với giới trẻ. Mỗi sáng leo lên hai chuyến métro tới lớp, học hai tiếng liền với ông thầy nói tiếng Tây như .....Tây, chẳng cần biết đám học trò tạp chủng có nghe kịp không ! Khi ông đọc dictée, bọn học trò tưởng như đang nghe hát, mà âm nhạc là ngôn ngữ thế giới, cần chi phải hiểu ông đang hát gì !
Thế mà khi trả bài, tôi được phê <Bon travail> mới là chuyện lạ !
Hết lớp littérature, chúng tôi có nửa tiếng để đi bộ từ đại lộ Raspail, băng qua vườn Luxembourg để tới lớp phonétique ở đường St. Jacque. Một giờ, ra khỏi lớp, lại vội vã leo lên métro về ký túc xá để ăn trưa ở cafétéria. Hôm nào giáo sư Bellugue cũng chờ chúng tôi trên bực thềm trước nhà ăn để hỏi han xem hôm nay học thế nào ? Rồi thầy trò cùng vào ăn trưa.
Tại
đây, mỗi bữa ăn rất đầy đủ thịt cá, rau cải, trái
cây tươi, kem, sữa .....Lại có cả rượu vang nữa. Vậy mà
chúng tôi chỉ trả có 14F9, tương đương với 2.6 dollars. Ăn
trưa xong là chỉ còn kịp thì giờ về phòng bỏ bớt sách
vở ra cho đỡ nặng, rồi chạy tới điểm hẹn của nhóm
mình để thầy dẫn đi ...... phiêu lưu ký.
Những
ngày trong tuần, sau buổi sáng đi học, chúng tôi thường theo
thầy, thăm những danh lam thắng cảnh, lâu đài, bảo tàng
viện quanh Paris.
Thôi thì, hôm nay tới tháp Eiffel, bò lên tận đỉnh nhìn xuống đường phố Paris để phục lăn mấy bác tài Tây, lái nhanh mà còn luồn lách như rồng rắn ! Mai, tới đại lộ nổi tiếng Champs-Elysées, ngắm nghía những công trình điêu khắc trên Arc de Triomphe rồi cùng thầy, leo đủ 284 bậc thang hẹp lên tận nóc đài, bấm vài tấm hình, xong, lại lạch bạch xuống. Mốt, tới nhà hát lộng lẫy Opéra Garnier xem vũ ballet. Rồi đi tàu trên sông Seine, nhìn thành phố lên đèn, tới La Sainte Chapelle nghe giàn hòa tấu Les Archets de France trình diễn nhạc cổ điển .....Rồi thăm Louvre, viện bảo tàng vĩ đại ở Paris mà người ta nói rằng, nếu mắt ta dừng lại một phút trên mỗi tác phẩm trưng bầy ở đó thì phải mất ít nhất một năm rưỡi mới nhìn hết !!!..... Nhưng phải nói là bọn tôi gần tắt thở khi leo lên tận nóc gác chuông nhà thờ Notre Dame, nơi chàng lưng gù xấu xí Quasimodo đu dây chuông từ trên tháp cao xuống để cứu nàng kỳ nữ kiều diễm Esmeralda trong cuốn phim bất hủ <Notre Dame de Paris>.
Trước chuyến đi, chúng tôi đã được dặn dò là sẽ phải đi bộ nhiều lắm ! Nhưng thật không ngờ là đi nhiều đến thế. Mới chưa đầy hai tuần lễ, đôi giầy tôi mua trước hôm đi đã vẹt gót !
Những ngày cuối tuần thì chúng tôi rời Paris, đi thăm những nơi xa.
Lâu đài Vaux-Le-Vicomte là một tuyệt tác nghệ thuật kiến trúc từ thế kỷ mười bẩy. Người Pháp vẫn hãnh diện gọi lâu đài này là <Le Chef-d oeuvre du XVII Siècle Francais>, dù khó mà quên được câu chuyện thương tâm của chủ nhân ! Sau năm năm ròng rã, từ 1656 tới 1661, ngôi lâu đài tráng lệ mới xây xong. Chủ nhân của nó, ông Nicolas Fouquet đã mời vua Louis XIV và hoàng hậu tới dự dạ tiệc khánh thành. Toàn lâu đài mênh mông và trên tất cả các cửa sổ đều chỉ dùng nến trắng, nên nhìn từ ngoài, lâu đài như một tinh cầu vừa hiện ra ở hạ giới !
Đêm hoa đăng đã trở thành đại họa !
Vị vua trẻ choáng ngợp trước những gì cực kỳ huy hoàng, cực kỳ tráng lệ, và khó chấp nhận, một thứ dân lại có được những gì vua còn chưa có !
Thế là, chỉ ba tuần lễ sau, tỷ phú Nicolas Fouquet bị tống giam với những tội danh, cho đến nay vẫn còn đầy nghi vấn.
Ông đã chết trong tù, sau 19 năm bị giam giữ !
Sao ông ta có thể sống nổi 19 năm uất hờn, oan ức như thế nhỉ ? Không hiểu ông ta có biết gì về Đạo Phật không, mà giữ được lòng nhẫn chịu và an nhiên đến thế !
Chúng tôi cũng đã đi qua những ruộng nho mênh mông, nơi sản xuất rượu nho từ thế kỷ 13, để tới Loire thăm lâu đài cổ Azay-le-Rideau, viếng vườn Villandry, vườn hoa nổi tiếng đến nỗi lâu đài của nó phải mang cùng tên. Cũng chuyến đi này, trên đường đến lâu đài Ussé, chúng tôi đã thấy những cánh đồng vàng rực hoa hướng dương, bát ngát tận chân trời. Không biết người ta sẽ làm gì với đồng hoa mênh mông đó ?!
Tất cả những danh lam thắng cảnh, đền đài nguy nga mà chúng tôi đã tới, với tôi, cũng chỉ là cảnh vật. Giơ máy lên, bấm vài tấm hình làm kỷ niệm, thế thôi !
Tôi tưởng thế.
Không ngờ tôi đã để lại những xúc động mãnh liệt trong chuyến đi 3 ngày cuối tuần khi rời Paris đi Normandy và Brittany.
Hôm đó, trời đổ mưa tầm tã. Đây là một điều bất thường. Đa số chúng tôi không chuẩn bị đủ áo ấm. Tới Caen, trời ngớt mưa nhưng gío và mây xám vẫn vần vũ. Chúng tôi được ghé vào bảo tàng viện ở Caen, nơi trưng bầy và lưu giữ những hình ảnh về cuộc đổ bộ vĩ đại của quân đội đồng minh ngày 6 tháng 6 năm 1944.
Tại đây, tôi mua nhiều postcard về ngày lịch sử đó.
Chúng tôi chỉ dừng ở Caen hai tiếng, rồi lại lên xe bus để tới viếng nghĩa trang quân đội Mỹ ở bãi biển Omaha. Bãi biển này là nơi mà hơn nửa thế kỷ trước, hàng trăm ngàn quân đội đồng minh đã được đổ xuống để chiến đấu cho Tự Do, và biết bao người đã chết dưới những họng đại bác của quân Đức ! Trong số này, hơn 9500 thanh niên Mỹ đã hy sinh dưới lá cờ của Tổ Quốc họ.
Con đường dẫn tới địa danh lịch sử đó là một ngôi làng nhỏ. Ngôi làng này, tuy vẫn chỉ khiêm nhường với những cánh đồng cỏ thả bò, cừu, những mái nhà thấp, những đền thờ rêu phong, nhưng gía trị tinh thần thì vô gía vì đây chính là linh hồn Normandy. Ngôi làng Vierville đã đi vào lịch sử thế giới cùng với bãi biển máu Omaha !
Khi xuống xe bus ở trước nghĩa trang, trời lại mưa nhẹ hạt. Mỗi lần, trước lúc di chuyển, tôi đều kiểm lại máy hình xem còn phim không. Lần này, nhìn thấy con số 26, tôi yên trí đây là cuộn phim 36 tấm.
Đứng trước tượng đài, nơi vinh danh những người đã chết cho Tự Do và 1557 người mất tích, tôi giơ máy lên, bấm một tấm. Đối diện tượng đài là một hồ lớn, trồng hoa súng đủ mầu. Tôi lại bấm một tấm. Cuối hồ là nghĩa trang với 172 mẫu trải cỏ, xanh ngắt mênh mông, trên đó, 9386 cây thánh gía trắng toát khắc tên những người đã được an táng và 307 mộ bia vô danh. Nơi đây, tôi đã đứng nghiêm, giơ tay chào, và nhờ người bạn bấm cho một tấm.
Dọc theo nghĩa trang là bãi biển Omaha. Tôi cảm thấy cực kỳ rung động khi biết rằng mình đang đứng trên nền đất lịch sử thế giới.
Để cảm nhận được đầy đủ, tôi cúi xuống, tháo giầy. Khi đôi chân trần vừa chạm vào nền cát lạnh thì trời bỗng nổi gío lớn. Gío lộng ào ào như cơn lốc bất chợt từ đâu tới. Mọi người vội vã chạy rạt vào trong. Tôi nghe các bạn gọi tôi cùng chạy nhưng tôi không bước nổi ! Hình như có ai giữ tôi lại. Không những không chạy vào, tôi còn bình tĩnh nhắm mắt lại, chờ đợi. Lúc đó, tôi chỉ cảm thấy mình sẽ đứng yên, chờ đợi, mà không biết là chờ đợi cái gì !
Gío vẫn hú từng cơn. Tôi cảm thấy chao đảo, nhưng không sợ hãi. Hình như có nhiều người xung quanh đang xô đẩy nhau. Nhiều ngôn ngữ trộn lẫn trong tiếng gío. Gío càng lớn, người càng đông, ngôn ngữ càng đầy .....Tới một lúc, tôi nghe được tiếng thúc giục rộn rã, rất rõ ràng <Tiến lên ! Tiến lên đi ! Tự Do ở trước mặt kìa ! Hãy tiến lên ! Hãy tiến lên đi !...!...!...>
Một
vòng tay ôm lấy tôi.
Tôi
mở choàng mắt ra.
Gío
đã lặng.
Người
bạn cùng nhóm vừa lắc vai tôi, vừa hỏi:
-Are
you OK ?
-Yes,
I am.
Nhưng
không thể kìm giữ cảm xúc, tôi ôm mặt, oà khóc.
-Are
you sure you OK ?
-Yes.
-Why
are you crying ?
-I
am really moved by their courage.
Người
bạn gật gù, lẩm bẩm <It is sad !>.
Tôi biết chắc rằng, cái cảm giác <sad> của cô bạn không thể nào so sánh với cơn lốc mà tôi vừa trải qua. Cảm giác sad, nhẹ nhàng qúa mà cơn lốc thì mãnh liệt vô cùng. Cơn lốc đó là tim óc, là máu xương, của bất cứ ai còn biết khao khát tự do và nhân quyền, khi hai thứ đó bị tước đoạt.
Dân tộc tôi đã <đổ bộ> biết bao lần trong lịch sử, và vẫn đang phải <đổ bộ> cho Tự Do vì hai tiếng thiêng liêng đó vẫn ở ngoài tầm tay !
Có ai đã dựng nghĩa trang cho bao anh hùng liệt nữ đã <đổ bộ> trong suốt chiều dài lịch sử của quê hương tôi ? Hay là, ngay cả cái nghĩa trang khiêm nhường, giản dị ở Thủ Đức cũng bị Cộng Sản đào sới tan nát !
Trước khi rời bãi biển Omaha, tôi giơ máy, bấm một tấm. Không thấy ánh flash !. Nhìn vào máy thì hỡi ơi, phim vẫn nằm ở số 26 , có nghĩa, đây là cuộn phim 24 tấm, số tăng tới 26 chỉ vì đó là 2 tấm phụ trội thông thường mà thôi !
Trời hỡi, tôi đã chụp biết bao cuộn phim, sao lại có thể sơ sót đến thế ! Sao lại có thể không có một tấm hình nào ở nơi đầy di tích lịch sử như thế này !!!
Rời Normandy, mọi người đều nao nức vì điểm tới là St. Malo, một thành phố cổ kính ven biển mà chúng tôi sẽ nghỉ đêm tại đó. Lấy phòng xong, ai cũng vội vã ra phố. Chỉ có tôi ngồi lại, buồn bã giở xấp carte postal mua ở Caen. Tôi rụng rời khi thấy trong đó có một tấm, chụp cảnh ở nghĩa trang quân đội Mỹ. Tấm postcard chia làm 4 phần, ghi lại những cảnh ở đúng bốn nơi tôi đã chụp mà máy hết phim ! Đúng bốn nơi đó, không hơn không kém. Cả những góc cạnh mà tôi đã ngắm qua ống kính, không sai lệch chi tiết nào !
Có phải đó là tín hiệu cho tôi ? Có phải những người năm xưa, trong một phút giây thiêng liêng mãnh liệt đã ở cùng tôi ? Sự trùng hợp qúa lạ lùng khiến càng nhìn tấm poscard tôi càng tin như thế. Chính tấm poscard này là thông điệp thầm lặng cho tôi biết rằng, cơn lốc bất chợt trên bãi biển Omaha và những tiếng thúc giục huyền bí không phải là ảo tưởng .....
Khi đi qua phòng tôi, thấy còn ánh đèn, giáo sư Bellugue đã gõ nhẹ. Tôi mở cửa, mời ông vào, đưa cho ông xem tấm postcard và nói với ông những xúc động đầy ắp trong lòng.
Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu ông cho rằng tôi qúa nhạy cảm mà tưởng như thế.
Nhưng tôi đã sửng sốt khi ông dịu dàng nhìn tôi, nói rằng, có thể, tôi đã vừa được <gặp> họ, vì những người năm xưa đó cũng như vạn hữu này, không có sinh cũng chẳng có diệt. Nếu nhìn cho kỹ, nhìn sâu sắc, nhìn bằng sự trong suốt của tâm linh, ta có thể thấy được sự sinh diệt, còn mất chỉ là sự chuyển hóa. Sự chuyển hóa không ngừng nên cái sinh diệt, còn mất, chỉ như những cuộc vân hà du thử, thanh thản dong chơi, gặp đồng tâm thì giao cảm, qua sát na đó, lại nhẹ như mây, hòa vào vạn hữu. Vạn hữu là muôn thực thể không tên. Cái gì, khi đã có tên, là vì cái đó đã hội đủ cơ duyên mà thành.
Thấy tôi mở lớn mắt, kinh ngạc, giáo sư Bellugue chỉ cái ghế trong phòng, nói rõ thêm rằng, như cái ghế này đây, nó chỉ có tên là cái ghế sau khi đã hội đủ những cơ duyên từ rừng cây về tới xưởng mộc. Tại đó, nó gặp cơ duyên với người thợ mộc, với đinh, với búa, với cưa, với bào, với đủ thứ linh tinh nó mới có thể thành một cái, được đặt tên là cái ghế. Tách rời tất cả mọi thứ đó ra thì nó không còn là cái ghế nữa. Cũng nhìn như thế với rừng cây, với người thợ mộc, với cái đinh, cái búa, cái cưa, cái bào v..v.. thì khi không hội đủ cơ duyên, những gì ta tưởng là có sinh diệt, còn mất, chỉ là những phần tử dong chơi trong giòng chuyển hóa bất tận của vạn hữu.
Chính đó mới là bất diệt.
Ngày đó tôi không hiểu rõ lời giáo sư Bellugue vì tôi đã để cái lăng kính phân biệt che mờ trí tuệ. Cái lăng kính phân biệt đó, bận rộn với những ngạc nhiên và thắc mắc rằng, giáo sư là người Tây phương, sao cũng mang những tư tưởng sâu sắc về Đông phương như vậy ?
Hai năm đã trôi qua.
Nhiều khi, tôi ao ước được tâm sự với giáo sư rằng, đôi lúc tôi nhìn thấy hình bóng bà ngoại trong đóa quỳnh nở đêm qua, thấy lá cỏ bên hồ là con bướm thường hút nhụy sen mùa trước. Đó là những phút giây hiếm hoi mà cả thân, tâm, ý đều an trú trong chánh niệm. Phút giây đó, nếu tiếp xúc với thế-giới-sinh- diệt là thế-giới-tích- môn, có thể, ta sẽ <chạm> được vào thế-giới-không-sinh-không- diệt là thế- giới- bản-môn.
Ở
đó, mọi hiện tượng đều vượt thoát khỏi không gian và
thời gian.
Ở
đó, ta thấy được sự mầu nhiệm vô cùng của vạn hữu.
Ở
đó, ta nhận ra được, trong cái có đã chứa cái không, trong
sinh diệt đã sẵn mầm bất diệt.
Đó có thể không chỉ là bóng mây !
Đó có thể là giáo sư Bellugue.
Ông sẽ ôm tập bài soạn bìa xanh quen thuộc, bước vào lớp, vui vẻ bắt đầu buổi học bằng câu < Bonjour tout le monde >.