HT Thích Thanh Từ
TẬP 1
ĐỜI THỨ BA SAU LỤC TỔ
B. Phái Hoài Nhượng
14. THIỀN SƯ PHỔ NGUYỆNNam Tuyền - (749 - 834)
Sư họ Vương, quê ở Tân Trịnh, Trịnh Châu. Ðời Ðường niên hiệu Chí Ðức thứ hai (758 T.L.), Sư theo Thiền sư Ðại Huệ ở núi Ðại Ngung xuất gia học đạo. Năm ba mươi tuổi, Sư lên núi Cao Nhạc thọ giới cụ túc. Lúc đầu, Sư học tập Tướng tông và Luật tông, kế tìm đến các nơi giảng Kinh Luận thọ học. Sư đã học được kinh Lăng-già, Hoa Nghiêm, Trung Luận, Bách Luận...
*
Sau, Sư đến Mã Tổ bỗng nhiên "được cá quên nôm" (đạt lý quên lời), được du hí tam-muội (chánh định ngao du tự tại). Một hôm, Sư bưng cháo cho chúng Tăng, Mã Tổ hỏi:
- Trong thùng thông là cái gì?
Sư thưa:- Ông già nên ngậm miệng, nói năng làm gì?
Mã Tổ bèn thôi.
Từ đây về sau, những bạn đồng tham học không ai dám gạn hỏi Sư điều gì.
*
Niên hiệu Trinh Nguyên thứ mười một (795 T.L.), Sư tạm biệt Mã Tổ đi tìm nơi cất am. Sau khi rời Mã Tổ, Sư đồng đi với Thiền sư Bảo Vân, Trí Thường, Trí Kiên cả thảy bốn người. Ðến giữa đường, sắp từ biệt nhau, Sư cắm gậy xuống đất bảo:
- Nói được cũng bị cái ấy ngại, nói không được cũng bị cái ấy ngại.
Trí Thường liền nhổ gậy, đập Sư một gậy, rồi nói:
- Cũng chỉ cái ấy, Vương lão sư (thầy già họ Vương) nói cái gì ngại, chẳng ngại?
Bảo Vân nói:- Chỉ một câu này truyền khắp thiên hạ.
Trí Thường hỏi:- Lại có cái chẳng khắp chăng?
Bảo Vân đáp:- Có.
Trí Thường hỏi:- Thế nào là cái chẳng khắp?
Bảo Vân ra bộ tát tai.
*
Bốn vị ngồi uống trà. Bảo Vân đưa chung trà lên nói:
- Khi thế giới chưa thành vẫn có cái ấy.
Sư bảo:- Người nay chỉ biết cái ấy, chưa biết thế giới.
Trí Thường nói:- Phải.
Sư bảo:- Sư huynh đâu đồng cái thấy này.
Trí Thường lại đưa cái chung trà lên bảo:
- Khi thế giới chưa thành nói được chăng?
Sư ra bộ tát tai, Trí Thường đưa mặt nhận tát tai.
*
Sư đến núi Nam Tuyền cất am, ở mãi hơn ba mươi năm chưa từng xuống núi. Niên hiệu Thái Hòa năm đầu (827 T.L.), Liêm sứ thành Tuyền Châu là Lục Công Tuyên nghe đạo phong của Sư bèn cùng Giám quân đồng đến thỉnh Sư xuống núi, với tư cách đệ tử thỉnh thầy. Từ đây, Sư mở rộng đạo huyền, số người tham học không khi nào dưới vài trăm. Các nơi gọi Sư là "người mô phạm đất Dĩnh".
*
Dưới núi Nam Tuyền có một Am chủ, có người nói: "Gần đây có Hòa thượng Nam Tuyền ra đời, sao ông không đến yết kiến?" Am chủ bảo: "Chẳng những Nam Tuyền ra đời, dù có ngàn đức Phật xuất thế, tôi cũng chẳng đến." Sư nghe lời này, bèn sai Tùng Thẩm (Triệu Châu) đi khám phá. Tùng Thẩm đến làm lễ, Am chủ chẳng thèm nhìn. Tùng Thẩm từ Ðông qua Tây, lại từ Tây qua Ðông, Am chủ cũng chẳng nhìn. Tùng Thẩm bảo: "giặc cỏ đại bại", bèn bỏ tấm mành xuống ra về. Tùng Thẩm về thuật lại Sư nghe. Sư bảo:
- Ta từ lâu nghi lão ấy.
Một hôm, Sư đến Trang sở, Trang chủ dự bị đón tiếp. Sư hỏi:
- Lão tăng ra vào thường không cho người biết, sao Trang chủ biết trước mà bày biện như vậy?
Trang chủ thưa:
- Ðêm qua thổ địa mách ngày nay Hòa thượng đến.
Sư bảo:- Vương lão sư tu hành vô lực bị quỉ thần xem thấy.
Thị giả hỏi:- Hòa thượng đã là thiện tri thức, vì sao bị quỉ thần xem thấy?
Sư bảo:- Trước thổ địa để một phần cơm.
*
Tùng Thẩm hỏi:
- Ðạo chẳng ngoài vật, ngoài vật chẳng đạo, thế nào là đạo ngoài vật?
Sư liền đánh. Tùng Thẩm nắm gậy lại, nói:
- Từ đây về sau chớ có đánh lầm người.
Sư bảo:- Rồng rắn dễ phân biệt, nạp tử (tăng sĩ) khó lường.
*
Một hôm, Sư đóng cửa phương trượng (nhà thầy trụ trì ở vuông vức một trượng), lấy tro rắc ngoài cửa, bảo:
- Nếu có người nói được liền mở cửa.
Có nhiều vị Tăng nói, mà không hợp ý Sư.
Tùng Thẩm nói:- Trời xanh.
Sư liền mở cửa.
*
Sư dạy chúng:
- Mã Tổ ở Giang Tây nói "tức tâm tức Phật", Vương lão sư chẳng nói thế ấy, mà nói "chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật", nói thế có lỗi chăng?
Tùng Thẩm lễ bái đi ra.
Khi ấy có vị Tăng theo hỏi Tùng Thẩm:
- Thượng tọa lễ bái đi ra, ý thế nào?
Tùng Thẩm bảo:- Thầy nên hỏi Hòa thượng.
Vị Tăng ấy đến hỏi Sư:
- Hành động vừa rồi của Thượng tọa Thẩm, ý thế nào?
Sư bảo:- Ông ấy đã nhận được ý chỉ của Lão tăng.
*
Nhà Ðông, nhà Tây tranh nhau con mèo. Sư trông thấy, liền bảo chúng:
- Nói được là cứu con mèo, nói không được thì chém nó.
Chúng Tăng đều ngơ ngác không nói được. Sư liền chém con mèo. Tùng Thẩm ở ngoài đi vào, Sư dùng câu nói trước hỏi. Tùng Thẩm liền cổi giày để trên đầu đi ra. Sư bảo:
- Giá khi nãy có ngươi ở đây, đã cứu được con mèo.
*
Lục đại phu hỏi Sư:
- Trong nhà đệ tử có một phiến đá, hoặc khi ngồi, hoặc khi nằm, nay tính đem làm tượng Phật được chăng?
Sư đáp:- Ðược.
Ðại phu hỏi:- Chẳng được chăng?
Sư đáp:- Chẳng được.
Ðại phu hỏi:- Ðại Bi Bồ-tát dùng nhiều mắt tay như thế để làm gì?
Sư hỏi lại:- Quốc gia dùng Ðại phu để làm gì?
*
Sư thượng đường dạy chúng:
- Vương lão sư từ nhỏ nuôi một con trâu đực, tính thả ăn ở khe Ðông sợ e không khỏi phạm nước cỏ của quốc vương, tính thả ăn ở khe Tây cũng sợ e không khỏi phạm nước cỏ của quốc vương, chi bằng tùy thời nhận chút ít trọn chẳng thấy được.
*
Sư thượng đường bảo:
- Phật Nhiên Ðăng nói "nếu tâm tướng khởi nghĩ sanh ra các pháp là hư giả chẳng thật". Vì cớ sao? Vì tâm còn không có, lấy gì sanh ra các pháp, ví như bóng phân biệt hư không, như người lấy tiếng để trong rương, cũng như thổi lưới muốn được đầy hơi. Cho nên Lão túc bảo "chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật". Nói thế là dạy các huynh đệ chỗ đi vững chắc. Nói: "Bồ-tát Thập địa trụ chánh định Thủ Lăng Nghiêm được pháp tạng bí mật của chư Phật, tự nhiên được tất cả thiền định giải thoát thần thông diệu dụng, đến tất cả thế giới khắp hiện sắc thân, hoặc thị hiện thành Phật chuyển bánh xe đại pháp, vào Niết-bàn, khiến vô lượng vào một lỗ chân lông, nói một câu trải vô lượng kiếp cũng không hết nghĩa, giáo hóa vô lượng ngàn ức chúng sanh được vô sanh pháp nhẫn, còn gọi là sở tri ngu vi tế." Sở tri ngu cùng đạo trái nhau. Rất khó! rất khó! trân trọng.
*
Sư thượng đường dạy chúng:
- Các ngươi! Lão tăng lúc mười tám tuổi đã biết kế sống, có ai biết kế sống ra trình, sẽ cùng ngươi thương lượng, người ấy mới đáng ở núi.
Sư lặng thinh giây lâu, nhìn đại chúng chấp tay, nói:
- Vô sự! Trân trọng! Mỗi người tự tu hành.
Ðại chúng vẫn ngồi yên.
Sư bảo:
- Huynh đệ người thời nay gánh Phật để trên vai mà đi, nghe Lão tăng nói: "tâm chẳng phải Phật, trí chẳng phải đạo", bèn hội họp suy nghĩ. Lão tăng không có chỗ để các ngươi suy nghĩ. Nếu các ngươi trói hư không lấy gậy đập được, Lão tăng sẽ cho suy nghĩ.
Có vị Tăng ra hỏi:
- Từ Thượng Tổ cho đến Ðại sư ở Giang Tây đều nói: "tức tâm là Phật", "tâm bình thường là đạo". Nay Hòa thượng nói "tâm chẳng phải Phật, trí chẳng phải đạo", học nhân chắc sanh nghi ngờ, xin Hòa thượng từ bi chỉ dạy.
Sư đáp:
- Ngươi nếu là Phật thì đâu còn phải nghi, lại hỏi Lão tăng chỗ gì? Có nhà bên cạnh nghi Phật như thế đến, Lão tăng chẳng phải Phật cũng chẳng từng thấy Tổ sư, ngươi nói như thế, tự tìm Tổ sư đi!
Tăng thưa:- Hòa thượng nói như thế, dạy học nhân làm sao phù trì được?
Sư bảo:- Ngươi mau lấy tay bắt hư không đi!
Tăng thưa:- Hư không không tướng không động, làm sao mà bắt?
Sư bảo:
- Ngươi nói không tướng không động tức là động vậy. Hư không đâu biết nói "ta không tướng không động". Ðây đều là tình kiến của ngươi.
Tăng thưa:
- Hư không không tướng không động còn là tình kiến, trước Hòa thượng dạy con bắt hư không là còn vật gì?
Sư bảo:
- Ngươi đã biết không nên nói bắt, mà lại nghĩ làm sao phù trì?
Tăng thưa:
- Tức tâm là Phật đã chẳng được, thị tâm tức Phật được chăng?
Sư bảo:
- Thị tâm thị Phật, thị tâm tác Phật, do tình chấp mà có, đều bởi tưởng mà thành. Phật là người trí, tâm là chủ nhóm phân biệt, khi đối vật phát ra diệu dụng. Ðại đức chớ nhận tâm, nhận Phật, dù nhận được cảnh ấy vẫn còn bị người gọi là Sở tri ngu. Cho nên Ðại sư ở Giang Tây bảo: "Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật." Vả lại đã dạy người sau các ngươi chỗ đi như thế. Người học thời nay mặc y phục nhà bên cạnh nghi như thế, muốn được rảnh việc có được chăng?
- Ðã chẳng phải tâm chẳng phải Phật chẳng phải vật, nay Hòa thượng lại nói "tâm chẳng phải Phật, trí chẳng phải đạo", chưa biết thế nào?
- Ngươi chẳng nhận tâm là Phật, trí là đạo, Lão tăng chợt được tâm lại để chỗ nào?
- Ðã hoàn toàn chẳng được thì đâu khác hư không?
- Ðã chẳng phải vật làm sao so với hư không, lại nói cái gì là khác chẳng khác?
- Chẳng lẽ không cái chẳng phải tâm chẳng phải Phật, chẳng phải vật?
- Ngươi nếu nhận cái ấy, lại thành tâm Phật rồi.
- Thỉnh Hòa thượng nói.
- Lão tăng tự chẳng biết.
- Tại sao chẳng biết?
- Bảo ta nói làm sao?
- Ðành chẳng cho học nhân hội đạo sao?
- Hội đạo gì? Lại làm sao hội?
- Con không biết.
- Không biết lại tốt. Nếu lấy lời Lão tăng cho là người nương tựa thông suốt, dù thấy Phật Di-lặc ra đời vẫn bị Ngài nhổ hết lông đầu.
- Dạy người sau thế nào?
- Ngươi tự xem, chớ lo những người sau.
- Trước Hòa thượng chẳng cho con hội thông, giờ lại bảo con tự xem, chưa biết thế nào?
- Thầm hội, diệu hội, làm sao cho ngươi hội?
- Thế nào là diệu hội?
- Lại muốn học ngữ của Lão tăng, dù có nói, là Lão tăng nói, Ðại đức thế nào?
- Con nếu tự hội thì đâu phiền xin Hòa thượng từ bi chỉ dạy?
- Không thể chỉ Ðông chỉ Tây lừa người, ngươi khi còn khóc tu oa! tu oa! Sao chẳng đến hỏi Lão tăng? Bây giờ khôn ngoan mới nói con chẳng hội, mong cái gì? Nếu người đời này lọt lòng mẹ bèn nói ta xuất gia làm Thiền sư, vậy khi chưa xuất gia từng làm việc gì, hãy nói xem, ta sẽ cùng ngươi thương lượng?
- Khi ấy con chẳng biết.
- Ðã chẳng biết thì hiện nay nhận được, có thể phải sao?
- Nhận được đã chẳng phải, không nhận được phải chăng?
- Nhận, chẳng nhận là lời nói gì?
- Ðến trong ấy con càng chẳng hội.
- Ngươi nếu chẳng hội, ta cũng chẳng hội.
- Con là học nhân tức chẳng hội, Hòa thượng là thiện tri thức phải hội.
- Chỉ nói với ngươi chẳng hội, ai luận thiện tri thức.
Chớ khôn xảo, xem như Mã Tổ lúc còn tại tiền, có một học sĩ đến hỏi: "Như nước không gân xương, hay thắng thuyền muôn đấu, lý này thế nào?" Mã Tổ bảo: "Trong ấy không nước cũng không thuyền, luận gì gân xương." Huynh đệ! học sĩ ấy bèn thôi, đâu không tỉnh lực. Sở dĩ thường thường nói với các ngươi Phật không hội đạo, ta tự tu hành, dùng biết để làm gì?
- Thế nào là tu hành?
- Không thể nghĩ lường, đâu thể nói với ngươi tu thế này, hành thế này, đại nạn!
- Lại cho học nhân tu hành chăng?
- Lão tăng không thể ngăn ngươi.
- Con làm sao tu hành?
- Cần hành thì hành, không nên chuyên tầm bọn khác.
- Nếu không nhờ thiện tri thức chỉ dạy thì không do đâu được hội? Như Hòa thượng mọi khi nói "tu hành phải hiểu mới được, nếu không hiểu thì rơi vào nhân quả, không có phần tự do", chưa biết tu hành thế nào khỏi vào nhân quả?
- Lại chẳng cần thương lượng. Nếu luận tu hành thì chỗ nào chẳng hành được?
- Thế nào hành được?
- Ngươi không thể theo bọn kia tìm được.
- Hòa thượng chưa nói dạy, con làm sao tìm?
- Giả sử nói chỗ tìm đó, vả như ngươi từ sáng đến tối chợt đi Ðông, đi Tây, ngươi còn không suy nghĩ nói, đi được chẳng được, người khác không thể biết được ngươi.
- Ngay khi đi Ðông đi Tây toàn không suy nghĩ, là phải chăng?
- Khi ấy, ai nói là phải chẳng phải?
*
Có vị Tăng hỏi:
- Trong hư không có một hạt châu làm sao lấy được?
Sư bảo:
- Chặt tre làm thang bắc trong hư không lấy.
- Trong hư không làm sao bắc thang?
- Ngươi nghĩ thế nào lấy?
*
Sư dạy chúng:
- Chỉ hội được tánh từ vô lượng kiếp đến giờ không biến đổi tức tu hành, diệu dụng mà chẳng trụ tức là hạnh Bồ-tát. Ðạt các pháp không, diệu dụng tự tại, sắc thân tam-muội rõ ràng. Hành lục ba-la-mật không, thì nơi nơi không ngại, dạo trong địa ngục như xem vườn đẹp, không thể nói y chẳng được tác dụng. Chúng sanh từ vô lượng kiếp đến giờ quên bản tánh, chẳng tự liễu ngộ chân thể, bị mây trần che lấp, đắm mê sắc dục, như mây bay thấy trăng chạy, thuyền đi thấy bờ dời, tạm thời chia đường, chẳng được tự tại, thọ các thứ khổ chẳng tự hiểu biết. Ðến hôm nay hội được tánh bản lai, tánh ấy cùng hiện giờ không khác.
*
Sư sắp tịch, đệ nhất tọa hỏi:
- Sau khi Hòa thượng trăm tuổi đi về chỗ nào?
Sư bảo:- Làm con trâu dưới núi.
Tăng hỏi:- Con theo Hòa thượng được chăng?
Sư bảo:- Nếu ngươi muốn theo ta phải ngậm theo một bó cỏ.
Niên hiệu Thái Hòa thứ tám (834 T.L.) ngày rằm tháng hai, Sư có chút bệnh. Sáng hôm sau, Sư bảo chúng:
- Sao che đèn huyễn lâu vậy, chớ bảo ta có đi lại. Sư nói xong liền tịch, thọ tám mươi bảy tuổi.