Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sách Văn Học Phật Giáo
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Phần 08

Monday, September 5, 201100:00(View: 8300)
Phần 08

KIM CÁC TỰ
YUKIO MISHIMA
Đỗ Khánh Hoan và Nguyễn Tường Minh dịch

8

Tôi vẫn tiếp tục cất bước đi tới trước nhà ga Tango-Yura trên đường xe lửa Miyazu. Ngày trước trong cuộc du ngoạn do trường trung học Đông Maizuru tổ chức, chúng tôi đã tới đây cũng theo con đường này và khi về cũng đáp tầu ở nhà ga này. Trên con đường cho xe hơi chạy trước cửa nhà ga không có một bóng người khiến ta có thể thấy ngay dân miền này kiếm ăn vào những ngày hạ ngắn ngủi khi có nhiều du khách lũ lượt đổ về đây.

Tôi quyết định dừng chân trong một quán trọ nhỏ bé, nơi tôi thấy treo một tấm bảng: “Quán Yura - Lữ quán dành cho người tắm biển.” Tôi kéo tấm cửa kính mài ở cổng và đánh tiếng. Nhưng không có ai trả lời. Cát bụi phủ đầy các bậc thềm trước cửa. Cửa sổ khép kín và trong nhà tối om. Chẳng thấy một bóng người nào hết.

Tôi đi ra cửa sau. Có một mảnh vườn nho nhỏ, gọn ghẽ với vài khóm cúc úa tàn. Một xô nước ngất ngưỡng trên một giá gỗ cao dành cho khách đi nghĩ hè dùng thay cái hoa sen để dội hết những hạt cát bám vào mình mẩy sau khi tắm biển lên.

Cách căn nhà chính một khoảng ngắn có một căn nhà nhỏ, chắc là nơi chủ quán sống với gia đình. Tôi nghe thấy tiếng máy thu thanh lọt qua những khung cửa kính khép kín. Trong tiếng máy mở to một cách vô ích có một vẻ trống rỗng khiến tôi nghĩ rằng thực ra không có một người nào ở trong nhà cả. Trước cửa ngoài ra có đôi ba đôi guốc gỗ nằm lăn lóc. Tôi đứng ở ngoài và cứ mỗi lần tiếng máy thu thanh bớt rầm rĩ là lại lên tiếng gọi. Nhưng, như tôi đã đoán trước, trong nhà cũng chẳng một ai trả lời hết.

Một bóng người hiện ra ở đàng sau. Mặt trời mờ nhạt thấm qua bầu trời đầy mây. Mãi đến khi chợt nhìn thấy đường vân gỗ trên cái hộp dựng người đàn bà đang nhìn tôi chằm chằm. Bà ta béo múp nên đường nét tấm thân trắng nõn hơi phệ ra; hai mắt ti hí bé đến nỗi mình khó có thể nói là ba ta có mắt hay không nữa. Tôi hỏi thuê một phòng. Cũng chẳng thèm bảo tôi đi theo, người đàn bà lẳng lặng quay gót bước về phía cổng ngoài của lữ quán.

Người ta dẫn tôi lên một căn phòng nhỏ trong góc tầng nhìn, quay mặt ra biển. Phòng này đã đóng kín từ lâu và ngọn lửa yếu ớt từ cái lò sưởi mà người đàn bà đã đem vào cho tôi chẳng mấy lúc bốc khói um lên làm không khí trong phòng khét lẹt hầu như không chịu nổi. Tôi mở cửa sổ rồi vươn cả thân mình ra ngoài hướng về làn gió từ phương bắc thổi lại. Về phía mặt biển các đám mây này hình như là phản ánh của một xung động vô mục đích nào đó của thiên nhiên. Ở một vài chỗ giữa các đám mây mình có thể nhìn thấy những mảng trời - những kết tinh nho nhỏ, xanh xanh - của lý trí minh mẫn. Còn chính biển cả thì lại chẳng thấy đâu hết.

Đứng gần cửa sổ, tôi bắt đầu theo đuổi những tưởng niệm trước kia của mình. Tôi tự hỏi tại sao tôi lại không nghĩ đến việc giết chết Lão sư phụ trước khi nghĩ đến việc hỏa thiêu Kim Các Tự nhỉ. Bấy giờ tôi mới thấy là ý định giết chết Lão sư phụ đã có lần thoáng qua óc tôi; nhưng tôi tức thời hiểu ngay làm như vậy thực là vô hiệu. Vì lẽ giả như tôi có giết được Lão sư phụ đi nữa thì cái đầu thầy chùa trọc lóc và cái ác tính vô lực ấy của ông vẫn sẽ cứ ẩn ẩn hiện hiện mãi mãi ở chân trời tối om. Thường thường, sự vật như Kim Các Tự được phú cho một cuộc sống thì không có cái nhất hồi tính nghiêm mật là chỉ hiện hữumột lần vào rồi cho mãi mãi. Nhân gian chỉ được chia cho có một phần những thuộc tính của thiên nhiên, và nhờ phương pháp thay thế hữu hiệu, con người đã đem phần ấy ra truyền bá và làm cho nó sinh sôi nẩy nở. Nếu đối tượng của sự giết người là tiêu diệt cái nhất hồi tính của nạn nhân, thì sự giết người ấy đã căn cứ trên một sự tính toán vĩnh viễn sai lầm. Cứ thế tư tưởng của tôi đưa tôi tới chỗ nhận định càng lúc càng rõ ràng hơn rằng giữa sự tồn tại của nhân gian có một sự tương phản hoàn toàn. Một mặt, có một ảo tưởng về sự bất tử thoát ra từ dáng vẻ khả diệt của nhân gian; mặt khác, vẻ đẹp dường như bất hoại của Kim Các Tự lại làm cho nhân gian thấy được khả năng tiêu diệt chính ngôi chùa ấy. Chẳng thể làm sao mà tuyệt trừ tận gốc những sinh vật có sống có chết như con người, nhưng những sự vật bất diệt như Kim Các Tự thì lại có thể bị tiêu diệt. Tại sao chưa ai nhận ra điều này nhỉ? Không ai có thể nghi ngờ tính chất độc sáng trong kết luận của tôi cả. Nếu rồi đây tôi có nổi lửa hỏa thiêu Kim Các Tự từng được chỉ địnhQuốc bảo từ năm Minh Trị thứ ba mươi (1897) tức là tôi đã có một hành vi phá hoại thuần túy và một hành vi phá diệt không sao cứu chữa được, một hành vi thực sự đã làm suy giảm trong số khối lượng của cái đẹp mà nhân gian đã tạo tác trên cõi đời này.

Trong khi tiếp tục suy nghĩ về những dòng này, tôi lại còn thấy hài hước nữa mới lạ chứ. Tôi tự nhủ nếu thiêu hủy Kim Các Tự thì tức là tôi đang làm một việc có hiệu quả giáo dục lớn lao. Bởi lẽ việc làm này của tôi sẽ dậy cho người đời biết suy loại mà thấy rằng nói đến bất diệt thực là vô nghĩa. Người đời sẽ hiểu rằng Kim Các Tự vẫn tiếp tục tồn tại, vẫn tiếp tục đứng sừng sững gần Kính Triều trì trong suốt năm trăm năm mươi năm qua thật chẳng phải là một sự bảo chứng nào cho nó hết. Người đời sẽ đắm chìm trong một không khí bất an khi ý thức rằng cái tiền đề tự - minh mà cuộc sống chúng ta đã gán trước cho ngôi chùa có thể sụp đổ chỉ trong sớm tối mà thôi.

Quả thực như vậy, cuộc đời chúng ta được bảo tồn là nhờ đã được bao quanh bằng chất ngưng đọng của thời gian kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định. Hãy lấy ví dụ một cái ngăn kéo nhỏ mà người thợ mộc đã đóng để làm đồ gia dụng. Với thời gian trôi qua hình thái thực sự của cái ngăn kéo này đã bị chính thời gian vượt qua, và sau vài chục năm, vài trăm năm thì dường như thời gian đã trở nên ngưng đọng và mang lấy hình thái ấy. Một khoảng không gian nhỏ bé nhất dịnh mà vật thể này chiếm cứ ban đầu bây giờ bị thời gian kết đặc thay thế. Thật ra nó đã trở thành hóa thân của một thứ linh thần nào đó. Trong phần mở đầu cuốn Phó Tang Thần Ký, một tập truyện thần tiên Trung cổ, có đoạn sau đây: “Âm Dương tạp ký có viết rằng qua một trăm năm thì khí vật hóa thành tính linh, lòng người đã bị lừa dối, và cái đó được gọi tên là Phó tang thần ký. Thế tục vẫn có thói quen mỗi năm trước ngày lập xuân đều dọn dẹp các đồ dùng cũ kỹ trong nhà rồi đem vất những thứ đó và ngõ hẹp và người ta gọi việc ấy là ‘Môi phất’ hay ‘Quét dọn trong nhà’. Cũng theo khuôn phép đó cứ trong một trăm năm thì có một trăm con người phải chịu những tai nạn của Phó tang thần.” Như vậy hành vi của tôi sẽ làm loài người mở mắt trước những tai nạn của Phó tang thần và cứu nạn cho họ. Bằng hành vi của mình, tôi sẽ nhét cái thế giớiKim Các Tự vào trong một thế giới khôngKim Các Tự. ý nghĩa của thế giới chắc chắn sẽ đổi thay.

Càng nghĩ về việc đó tôi càng cảm thấy vui thích là sự sụp đổ và chấm dứt của thế giới - của cái thế giới lúc này đang bao vây và nằm trước mắt tôi kia - không còn xa nữa. Ánh mặt trời lặn nằm vắt ngang mặt đất. Kim Các Tự hẳn là sẽ tuột rơi khỏi kẽ tay người ta vậy.

*

* *

 

Cuộc nghỉ chân dừng bước của tôi tại quán Yura chấm dứt ba ngày sau, khi bà chủ quán nghi ngờ, vì thấy trong suốt thời gian này chẳng lúc nào tôi bước ra khỏi phòng, bèn đi gọi cảnh sát. Khi nhìn thấy người cảnh sát sắc phục đàng hoàng bước vào phòng, tôi sợ là ông ta có thể sẽ phác giác ra kế hoạch của tôi; nhưng sau đó tôi thấy liền là chẳng có lý do gì để tôi sợ điều đó cả. Để trả lời những câu hỏi của ông ta, tôi kể hết đầu đuôi những việc đã xẩy ra - tôi muốn xa lánh nếp sinh hoạt trong chùa trong một thời gian ngắn và tôi đã đi trốn. Rồi tôi đưa cho ông ta xem giấy tờ chứng minh tôi là sinh viên và sau đó tôi lại dụng ý trả tiền thuê phòng ngay trước mặt ông ta nữa. Kết quả là người cảnh sát đã có thái độ che chở đối với tôi; ông ta tức khắc gọi điện về Lộc Uyển tự để hỏi xem câu truyện tôi kể có đúng hay không, rồi bảo tôi rằng chính ông ta sẽ đưa tôi về chùa. Để tránh mọi sự tai hại có thể xẩy ra cho “tương lai của tôi”, theo lời ông ta, ông ta sẵn lòng thay đổi bộ sắc phục trong chuyến đi này.

Trong khi chúng tôi đứng chờ xe lửa ở ga Tango Yura thì mưa rào đổ xuống, và vì không có mái nên nhà ga lập tức ướt sũng nước mưa. Người cảnh sát, lúc này mặc thường phục, dẫn tôi vào trong phòng bán vé; tại đây ông ta tỏ ra hết sức hãnh diện mà cho tôi biết rằng người xếp ga và các nhân viên đều là bạn của ông ta cả. Thế mà vẫn chưa hết truyện; ông ta lại còn giới thiệu với mọi người rằng tôi là thằng cháu từ Kyoto đến thăm ông ta nữa.

Tôi hiểu rõ tâm lý những nhà cách mạng. Những người viên chức miền quê này, ông xếp ga và ông cảnh sát, bây giờ đang cười cười nói nói tán gẫu với nhau quanh đám than hồng trong chiếc hỏa lò bằng sắt, chẳng hề linh cảm thấy sự biến động lớn lao của cái thế giới đang tiến dần đến ngay trước mắt họ, về sự băng hoại của cái trật tự nằm ngay trước mắt họ.

Một khi Kim Các Tự đã bị thiêu hủy rồi - phải một Kim Các Tự đã bị thiêu hủy thì thế giới của những con người này sẽ thay đổi hẳn bộ mặt, cái trật tự vàng son trong nếp sống của họ sẽ bị đảo lộn, cái thời khắc biểu ghi các chuyến tầu tới tầu đi sẽ rơi vào hỗn loạn hoàn toàn, luật pháp của họ sẽ trở nên vô hiệu. Tôi thấy sung sướng khi nghĩ những con người này đã hoàn toàn không biết rằng thằng bé dáng vẻ ngây thơ, vô tội đang ngồi giơ hai tay sưởi ấm trên bếp lò ngay cạnh họ đây là một phạm nhân tương lai.

Một nhân viên hỏa xa trẻ tuổi, hoạt bát đang oang oang kể cho mọi người nghe về một cuốn phim anh ta sắp sửa đi xem vào ngày nghỉ sắp tới. Đó là một cuốn phim thật hay thế nào cũng làm người ta nhỏ lệ va lại có tình tiết ly kỳ nữa. Đúng thế, vào ngày nghỉ sắp tới thế nào anh ta cũng sẽ đi xem chớp bóng! Người thanh niên này, trông lực lưỡng hơn tôi nhiều, tràn trề nhựa sống hơn tôi nhiều, sắp sửa đi xem chớp bóng vào ngày nghỉ sắp tới; anh ta sẽ ngồi trong rạp chiếu bóng quàng tay ôm một thiếu nữ nào đó và rồi sẽ đi ngủ với cô ta. Anh ta cứ tiếp tục vừa trêu chọc ông xếp ga vừa kể truyện bông đùa vừa nhận những lời trách mắng nhẹ nhàng của cấp trên và lăng xăng chạy đi chạy lại hết bỏ thêm than vào lò sưởi rồi lại viết những con số lên tấm bảng đen. Trong một chốc lát tôi cảm thấy mình một lần nữa sắp sữa thành thằng tù làm tôi mọi cho cái vòng mị hoặc của cuộc đời hoặc cho sự ghen ghét đối với cuộc đời. Xét ra tôi vẫn có thể tự ngăn chặn ý định hỏa thiêu Kim Các Tự, tôi có thể vĩnh viễn xa rời ngôi chùa, cởi áo thầy tu hoàn tục và vùi mình vào cuộc sống giống như anh chàng trẻ tuổi này. Nhưng tức khắc những sức mạnh đen tối đã đưa tôi trở lại với chính tôi và cưỡng bách tôi dứt bỏ những ý tưởng như thế. Đúng vậy, thế nào tôi cũng phải hỏa thiêu Kim Các Tự. Chỉ đến lúc đó một cuộc đời chưa từng nghe thấy đặt riêng cho tôi mới thực sự bắt đầu.

Người xếp ga trả lời điện thoại. Sau đó ông ta đi ra đứng trước gương soi và cẩn thận đội lại cái mũ thêu kim tuyến trên đầu. Ông ta hậm họe ho rồi ưỡn ngực bước ra sân ga như thể đang bước vào phòng đại lễ. Trời đã tạnh mưa. Liền sau đó người ta có thể nghe tiếng đoàn tàu ầm ầm, ướt át khi lao mình chạy trên đường sắt xuyên qua vách đá và một lúc sau lướt vào nhà ga.
 
 

Tôi đến Kyoto lúc tám giờ thiếu mười, người cảnh sát trong bộ thường phục dẫn tôi tới tổng môn Lộc Uyển tự. Đêm tối giá lạnh. Vừa nhô đầu ra khỏi rừng thông tối tăm và đi tới tổng môn sừng sững nghễu nghện, tôi thấy mẹ tôi đang đứng ở đó. Bất đồ bà lại đang đứng ngay cạnh tấm biển có viết chữ: “Kẻ nào vi phạm những luật lệ này sẽ bị xử phạt theo quốc pháp.” Dưới ánh đèn ngoài cổng, trông như thể từng sợi tóc bạc phơ đang dựng đứng thẳng tắp trên cái đầu rối bù của bà. Ánh đèn phản chiếu làm cho tóc bà thêm bạc phơ đang dựng đứng thẳng tắp trên cái đầu rối bù của bà. Ánh đèn phản chiếu làm cho tóc bà trông bạc trắng hơn thường lệ. Đóng khung trong mái tóc bạc phơ dựng đứng này, khuôn mặt nhỏ bé của bà trông không có một nét chuyển động nào hết.

Thân hình nhỏ nhắn của Má trông có vẻ to lớn một cách lạ lùng. Sau lưng bà bóng tối trải dài khắp tiền đình mà tôi nhìn thấy qua cánh cửa bỏ ngỏ. Vóc dáng to lớn của bà hiện ra lờ mờ trước bóng tối; bà mặc chiếc áo rách tả tơi trông thật ngớ ngẩn, bên ngoài quấn một dải lưng thêu chỉ vàng đến bây giờ đã nát bươm. Bà đứng đó trông chẳng khác gì một người đã chết.

Tôi ngần ngại không muốn tiến lại gần bà. Lúc ấy tôi không hiểu làm thế nào mà bà ta lại đến đó được, nhưng về sau hỏi ra tôi mới biết khi phác giác ra là tôi đã bỏ trốn. Lão sư phụ đã thăm dò tin tức nơi Má ở, bà đã hết sức chấn động và đã tới Lộc Uyển tự ở lại chờ cho đến lúc tôi về.

Người cảnh sát đẩy tôi đi tới. Lạ thay, khi tôi càng tiến lại gần, thân mình Má lại càng nhỏ bé dần dần. Mặt bà ở phía dưới mặt tôi. Và khi bà ngước lên nhìn tôi thì khuôn mặt bà nhăn nhó, xấu xí không sao chịu nổi.

Hiếm khi tôi lại bị cảm giác đánh lừa, nhưng bây giờ nhìn rõ những con mắt sâu hoắm, giảo hoạt, nhỏ bé của bà tôi thấy rõ rằng mình thực có lý làm sao khi đem lòng ghét bỏ Má. Sự ghét bỏ dẳng dai thứ nhất là đối với việc bà đã sinh ra tôi ra làm người, những hồi tưởng điều ô nhục sâu xa ấy mà bà đã bắt tôi phải chịu - một sự ô nhục như tôi đã giải thích nhiều lần không dành một miếng đất thừa nào để cho tôi phục thù, nhưng thay vào đó chỉ làm cho tôi tuyệt tình với má. Thật khó mà cởi gỡ được những sợi dây ràng buộc ấy. Tuy nhiên, lúc này đây trong lúc phỏng chừng thấy rằng bà đã chìm đắm tới nửa người trong nổi bi thương của một người mẹ, tôi đột nhiên cảm thấy là mình đã được tự do. Không hiểu vì sao, song tôi cảm thấy Má chẳng bao giờ còn có thể ăn hiếp tôi được nữa.

Có tiếng nức nở nghẹn ngào nghe như thể có ai đó đang bị thắt cổ đến chết. Thế rồi Má đưa tay ra và bắt đầu phát nhẹ vào má tôi.

“Thằng con bất hiếu! Thế con không biết tri ân ai hết sao?”

Người cảnh sát đứng lặng nhìn trong lúc tôi chịu đựng những cái tát. Những ngón tay Má đã bắt đầu rối loạn và dường như không còn một tí sức mạnh nào nữa; vì vậy đầu móng tay bà đã lách cách đập vào má tôi như những hạt mưa đá rơi rơi. Tôi nhận thấy mặc dù đang đánh tôi, Má vẫn nhìn tôi với con mắt ai oán, van lơn và tôi quay nhìn đi nơi khác.

Sau một lúc bà đổi giọng: “Con đã như thế - con đã như thế và đã đi xa trên con đường ấy,” bà nói. “Con làm như thế nào để có tiền được?”

“Tiền? Má muốn biết ư? Con vay một thằng bạn đấy!”

“Có thực không?” Má nói. “Con không ăn cắp rồi trốn đi đấy chứ?”

“Không, con không có ăn cắp.”

Má buông một tiếng thở dài nhẹ nhõm làm như thể đó là điều duy nhất đã khiến bà thắc mắc lo âu.

“Thực không? Như vậy thì con chưa làm điều gì bậy bạ hết, có phải không?”

“Không. Không đâu, Má.”

“Thực hả? Vậy thì cũng chưa đến nỗi nào. Dĩ nhiên, dù sao con cũng phải đến năn nỉ xin lỗi Phương trượng. Chính Má đã xin lỗi người rồi, nhưng bây giờ con phải đến cắn rơm cắn cỏ mà xin Phương trượng tha thứ cho. Phương trượng là người rộng lượng và Má nghĩ người sẽ bỏ qua câu truyện này. Nhưng rồi ra con sẽ phải ăn năn sửa mình bằn không thì người mẹ già yếu, đáng thương của con chắc đến chết mất thôi! Má nói thật đấy, con ạ. Nếu con không chịu sửa mình thì chắc Má chẳng sống làm gì. Và con còn phải trở thành một tu sĩ tiếng tăm nữa chứ… Nhưng, trước tiên con phải đến và van lạy người đi đã.”

Tôi và người cảnh sát lẳng lặng bước theo Má. Bị quá khích động nên bà quên cả những lời chào hỏi thường lệ đối với người cảnh sát. Bà bước những bước ngắn và nhanh. Khi nhìn đến dải lụa mõng nhẹ buông thõng đằng sau lưng bà, tôi tự hỏi không biết cái gì đã làm Má trông xấu xí đến thế. Và rồi tôi hiểu. Cái đã làm cho bà trông xấu xí chính là - hy vọng. Niềm hy vọng bất trị, ngoan cố, giống như những vẩy nhọt cứng dắn, ươn ướt và đo đỏ ăn sâu vào lớp da nhiễm độc, tạo nên sự nhức nhối thường xuyên nhất định, không chịu lùi bước trước bất cứ một ngoại lực nào.

*

* *

Mùa đông đã tới. Quyết tâm của tôi càng ngày càng trở nên vững chắc hơn. Biết bao lần tôi phải trì hoãn việc thi hành kế hoạch; tuy nhiên, tôi không thấy chán nãn vì sự trì hoãn mãi mãi này. Suốt nữa năm ấy điều làm cho tôi bận tâm lại là một việc hoàn toàn khác hẳn. Cứ cuối mỗi tháng Kashiwagi lại thúc dục tôi trả lại món tiền nó đã cho tôi vay. Nó thường báo cho tôi biết tổng số món tiền kể cả vốn lẫn lời, rồi lại còn dùng đủ lời lẽ tục tĩu để sỉ vả tôi nữa. Tuy thế, tôi vẫn không có ý định trả lại món tiền đã mượn nó. Nếu mà tránh mặt không đến trường nữa thì tôi đâu còn sợ phải gặp mặt Kashiwagi nữa.

Mỗi khi đã quyết tâm như vậy xem ra thì có vẻ kỳ lạ là tôi đã không giải thích, tôi đã sớm trở nên nôn nả và xốn xang làm sao. Sự thực là những sự nôn nả, xốn xang như thế bây giờ đã thuộc về quá khứ. Trong suốt thời gian nửa năm này mắt tôi cũng đăm đăm dán chặt vào một điểm duy nhất trong tương lai. Rất có thể là vào giai đoạn tôi hiểu biết ý nghĩa hạnh phúc.

Trước hết là đời sống của tôi trong chùa trở nên vui thú hơn. Khi tôi nghĩ rằng dù cho nó xẩy ra việc gì đi nữa, Kim Các Tự cũng sẽ bị thiêu hủy, thì tôi lại thấy những điều có vẻ không sao chịu đựng nổi lại trở nên hoàn toàn chịu đựng được. Cũng như một người dự cảm là mình sắp chết, bây giờ tôi bắt đầu tìm cách làm đẹp lòng tất cả những người khác ở trong chùa. Cách ứng đối của tôi trở nên trong sáng, dễ chịu hơn và tôi cố gắng hòa giải lòng tôi với tất cả mọi việc. Tôi cũng hòa giải với cả thiên nhiên nữa. Hết buổi sáng này đến buổi sáng khác trong mùa đông khi nhìn mấy con chim bé nhỏ đến rỉa những gì còn sót lại trên cây mai, tôi đều nhìn cái ức mịn lông của chúng với con mắt thực là thân thiện.

Tôi cũng quên cả sự ghét bỏ của mình đối với Lão sư phụ! Tôi thấy mình được tự do - tự do đối với mẹ tôi, đối với bạn bè, tự do đối với tất cả mọi thứ. Tuy nhiên, tôi cũng không đến nỗi quá điên rồ mà nghĩ rằng cái nếp sống an vui mới tìm thấy này là do sự thành tựu của tôi trong việc làm thay đổi bộ mặt thế giới mà không cần phải mó tay vào việc. Khi nhìn từ điểm chung cục thì bất kỳ cái gì cũng thấy có thể tha thứ được. Khi khiến cho chính mình nhìn sự vật từ điểm chung cục, khi khiến cho chính mình cảm thấy rằng cái quyết định thực hiện chung cục này nằm ngay trong tay mình - ý thức tự do của tôi căn cứ ở điểm đó.

Tuy quyết định hỏa thiêu Kim Các Tự của tôi đã nẩy sinh từ một tưởng niệm một cách đột nhiên như thế, song nó lại rất thích hợp với tôi hoàn toàn, giống như một bộ âu phục được đo cắt cho thực vừa với thân mình tôi vậy. Thật như thể đã ôm ấp cái chí ấy ngay từ khi mới lọt lòng mẹ. Ít nhất thì ý nghĩ này dường như vẫn đang nẩy nở trong con người tôi chờ đợi ngày khai hoa ngay từ lúc tôi còn nhỏ theo Ba đến vãn cảnh Kim Các Tự lần đầu. Việc Kim Các Tự làm một thằng bé như tôi phải lóe mắt vì vẻ đẹp tuyệt vời tự nó cũng đã chứa đựng mọi thứ lý do để đưa tôi đến việc phóng hỏa đốt chùa rồi.

Ngày 17 tháng 3 năm Chiêu Hòa thứ 25 (1950) tôi học xong khóa dự bịĐại học Otani. Ngày 19 là ngày tôi vừa tròn hai mươi mốt tuổi. Thành tích của tôi trong ba năm theo học Dự khoa thật quá ư rực rỡ. Trong số 79 sinh viên tôi đã cố gắng đứng tới hạng bảy mươi chín. Điểm thấp nhất của tôi trong các môn học làvề môn Quốc văn, vì về mon này tôi được có 42 điểm. Trong số 616 giờ học tôi đã vắng mặt 218 giờ - tính ra hơn 1/3 tổng số giờ. Tuy nhiên, vì ở đại học này tất cả đều dựa vào lòng từ bi của nhà Phật nên không có truyện đánh trượt ai, và nhờ thế ngày từ đầu tôi được phép học lên khóa chính. Lão sư phụ cũng mặc nhiên chấp nhận điều này.

Tôi vẫn tiếp tục xao lãng việc học, và trong những ngày đẹp trời từ cuối xuân đến đầu hạ, tôi thường đi chơi các đền chùa ở nhiều nơi khác nhau mà vào cửa không phải trả tiền. Tôi thường cuốc bộ cho đến khi nào chán thì thôi. Tôi nhớ rõ một ngày như thế.

Đang đi trên con đường chạy qua trước cửa chùa Diệu Tâm thì tình cờ tôi để ý tới một sinh viên đang thả bộ ở đằng trước cũng một nhịp bước như tôi. Người này dừng lại ở một cửa hiệu bán thuốc lá nhỏ hẹp trong một tòa nhà với những mái hiên cổ kính, và tôi để ý tới nét mặt nhìn nghiêng dưới vành mũ sinh viên trong lúc anh chàng này đứng đó mua một gói thuốc lá. Nét mặt nhìn nghiêng ấy với cặp lông mày hẹp trông có vẻ trắng trẻo, sắc sảo. Nhìn cái mũ anh chàng tôi có thể biết anh chàng là sinh viên đại học Kyoto. Anh chàng liếc mắt nhìn tôi. Thật như thể là hình ảnh đen ngòm các luồng ánh mắt đang chụm lại với nhau. Trong thâm tâm tôi cảm thấy ngay rằng: “Đây là một thằng mắc chứng điên ham phóng hỏa đốt nhà.

Lúc đó là ba giờ chiều - chẳng phải thời gian thuận hợp cho việc phóng hỏa. Một con bướm bốc cánh bay khỏi mặt đường nhựa, nơi xe buýt qua lại rồi là đà bay đến đậu trên một bông hoa xuân trà ủ rủ cắm trong một cái bình ở trước cửa hiệu bán thuốc lá. Những cánh hoa khô héo của bông hoa xuân trà trắng phau trông như thể đã bị một ngọn lửa vàng khè đốt cháy. Mãi sau mới có một chiếc xe buýt chạy tới. Cái đồng hồ treo lửng lơ trên con đường đã ngưng chạy.

Tôi không hiểu tại sao, nhưng tôi biết chắc người sinh viên này đang từ từ đi từng bước một tới chỗ đi phóng hỏa đốt nhà. Tôi nghĩ chỉ vì hắn trông có vẻ một thằng điên ham mê phóng hỏa. Hắn đã táo bạo chọn ngay giữa ban ngày, thời gian khó khăn nhất để phóng hỏa. Và bây giờ hắn đang từ từ cất bước về chỗ hắn đã quyết chí thực hiện hành vi đó. Trước mặt hắn là lửa đỏ và phá hoại; đằng sau hắn là cái thế giới của trật tự mà hắn đã rời bỏ ra đi. Đằng sau bộ đồng phục của hắn có một cái gì nghiêm khắc, ảm đạm đã khiến tôi cảm thấy điều này. Có lẽ vì từ ít lâu nay tôi vẫn tưởng tượng rằng cái lưng một thằng điên ham nổi lửa đốt nhà trông phải giống như thế; cái lưng áo bằng nỉ xẹc đen ngòm của hắn - trên đó ánh mặt trời đang chiếu rọi - chứa đầy những sự bất tường và hiểm độc.

Tôi chậm bước lại và quyết định đi theo người sinh viên này. Trong khi theo sau hắn và thấy vai trái của hắn hơi sệ xuống thấp hơn vai phải một chút, tôi cảm thấy lưng hắn quả thật giống hệt lưng tôi. Hắn trông đẹp mã hơn tôi nhiều, nhưng tôi biết chắc chắn cũng đang bị thúc đẩy nhúng tay thực hiện một hành vi giống như chính tôi vì có cùng một nỗi cô độc như tôi, một niềm bất hạnh như tôi, có cùng những vọng niệm về cái đẹp như tôi. Trong lúc bước theo hắn tôi bắt đầu cảm thấy mình đang tự mình nhìn thấy trước hành vi của chính mình.

Những sự việc như thế rất dễ xẩy ra vào một buổi chiều xuân muộn vì ánh sáng trong trẻo và không khí buồn thảm. Tôi phân thân trở thành hai con ngườicon người kia của tôi đã mô phỏng trước những hành vi tôi sẽ làm như thế đã cho tôi thấy rõ cái con người mà tôi không làm sao thấy được một khi đã đến lúc thi hành kế hoạch của mình.

Xe buýt vẫn chưa tới, tuỵêt đối không có một bóng người đi trên đường. Cổng Nam Môn to lớn ở chùa Chính Pháp Diệu Tâm dần dần lại gần. Hai cánh cửa to phía bên trái và bên phải đều mở rộng và tổng môn hình như sẵn sàng nuốt trọn đủ mọi hiện tượng có thể xẩy ra. Ở trong cái khung cảnh tráng đại của nó, như tôi ngắm nhìn theo khía cạnh đặc biệt của con mắt mình, cổng này đã tập trung các hàng cột chập trùng của Sắc Sứ Môn với Sơn Môn hai tầng, với những mái ngói Phật điện, những hàng thông, một mảnh trời xanh bị tách hẳn khỏi toàn bộvô số những cụm mây nhạt màu. Càng tiến lại gần cổng tôi càng thấy thêm nhiều thứ khác nữa - lối đi trải đá chạy dọc chạy ngang bên trong khuôn viên rộng lớn của ngôi chùa, các bức tường bao quanh những ngọn tháp và biết bao nhiêu thứ khác nữa. Và một khi đã bước qua cổng chính, mình thấy ngay rằng kiến trúc thần bí này chứa đựng bên trong nó cả bầu trời xanh xanh lẫn từng đám mây lẻ loi lơ lửng trên bầu trời ấy. Một đại thần đường tất nhiên phải như thế.

Người sinh viên bước qua cổng. Hắn đi vòng phía bên ngoài Sắc Sứ Môn rồi dừng chân bên cạnh ao sen đằng trước Sơn Môn. Rồi hắn ra đứng trên cây thạch kiều theo lối kiến trúc đời Đường bắc ngang qua cái ao và ngước mắt nhìn lên Sơn Môn sừng sững trên đầu hắn. Tôi nghĩ Sơn Môn này hẳn phải là mục tiêu cho hắn phóng hỏa.

Cái Sơn Môn tráng lệ thực rất đáng để cho ngọn lửa bao vây. Vào một buổi chiều trong sáng như thế này có lẽ người ta sẽ không nhìn thấy ngọn lửa. Làn khói sẽ cuồn cuộn quanh cái cổng và bốc lên cao trong không khí; tuy nhiên mình chỉ có thể nói những ngọn lửa vô hình ấy đang liếm tới bầu trời khi quan sát xem nền trời trong xanh đã bị vít xuống và đang run rẩy làm sao. Khi người sinh viên tới gần Sơn Môn thì tôi đi tránh sang phía đông để khỏi bị hắn nhìn thấy và để có thể dòm ngó hắn thật sát. Chính vào lúc này các tăng sĩ khất thực trở về chùa và tôi nhìn thấy một nhóm ba người trong bọn họ đang đi trên con đường nhỏ phía đông. Họ bước đi sông hàng trên lối mòn nhỏ, chân đi giầy cỏ và tay cầm nón mây đan. Lúc đi qua mặt tôi, họ rẽ sang bên phải. Họ tiếp tục cất bước trong im lặng hoàn toàn, giữ đúng qui luật của tu sĩ khất thực theo đó họ không được phép đưa mắt nhìn quá ba bốn thước về đằng trước cho đến khi trở về phòng kín.

Người sinh viên vẫn còn lẫn quẩn gần Sơn Môn. Thế rồi hắn dựa lưng vào cây cột và móc gói thuốc lá vừa mới mua từ trong túi ra. Hắn nhìn quanh có vẻ luýnh quýnh. Thấy có một làn khói tôi chợt nghĩ là, không còn nghi ngờ gì nữa, hắn sắp sửa đốt cái cổng này. Như tôi đã đoán trước, sau đó hắn liền đưa một điếu thuốc lá lên miệng quay mặt về đằng trước và bật một que diêm.

Trong nháy mắt chiếc diêm bùng lên một tia lửa sáng trong nho nhỏ. Trong như thể, ngay cả người sinh viên ấy cũng không trông thấy mầu lửa. Như vậy là vì vào lúc ấy mặt trời chiều đã bao trùm ba mặt Sơn Môn chỉ có một mặt quay về phía tôi chìm trong bóng tối. Vì chỉ trong một chớp mắt que diêm đã sinh ra một cái gì giống như một bong bóng lửa, lóe sáng gần ngay khuôn mặt người sinh viên trong lúc hắn đứng đó tựa người vào cột cổng chùa bên ao thả sen. Thế rồi hắn vung tay thật nhanh và tắt que diêm đi.

Ngay cả khi que diêm đã tắt rồi, người sinh viên có vẻ vẫn chưa hài lòng. Hắn vứt que diêm xuống một hòn đá xây móng chùa rồi chăm chỉ lấy chân di đi di lại. Sau dó rít điếu thuốc lá một cách thích thú, hắn băng qua thạch kiều rồi đi qua Sắc Sứ Môn, hoàn toàn vô tình đối với sự thất vọng của tôi đang đứng đó trong cô đơnvắng lặng. Sau cùng hắn mất hút sau Nam Môn mà qua đó người ta có thể nhìn thấy đại lộ và một dẫy nhà mập mờ thấp thoáng chạy dài mãi về phía xa.

Đây không phải là thằng điên ham phóng hỏa mà chỉ là một sinh viên đi tản bộ phất phơ. Rất có thể đây là một thanh niên hơi nghèo túng, hơi chán chường.

Tôi đã đứng ngắm nhìn hắn từng ly từng tí và tôi có thể nói là trong con người hắn cái gì cũng làm tôi bực mình hết - tính nhút nhát đã khiến hắn phải cẩn thận nhìn quanh nhìn quẩn - không phải vì hắn sắp sửa phá bỏ quy luật để hút một điếu thuốc lá; sự vui thích tầm thường, rất điển hình của bọn sinh viên khi thoát khỏi khuôn phép và cái cách hắn đã lấy chân cẩn thận di đi đi lại que diêm đã tắt lửa rồi; và nhất là cái “dáng vẻ con ngườivăn hóa có giáo dục” của hắn. Thật chính nhờ cái dáng vẻ rẻ tiền của con nhà có giáo dục này mà ngọn lửa nhỏ bé của hắn đã được kiểm soát an toàn. có lẽ hắn đã lấy làm đắc ý rằng chính hắn đã là người kiểm soát được que diêm của mình, người kiếm soát mau mắn, vẹn tròn đủ che chở xã hội khỏi những ngọn lửa của nguy hiểm.

Một điều lợi của lối dậy dỗ này là kể từ thời Duy Tân tới nay, những ngôi chùa cổ ở trong hay ngoài thành phố Kyoto ít khi bị thiêu hủy. Ngay trong những dịp hiếm hoi khi chẳng may có bùng lên đám cháy nào thì ngọn lửa cũng bị bao vây, chia cắt và dập tắt ngay tức khắc. Trong quá khứ chẳng bao giờ được như thế cả. Tri ân viện đã bị cháy rụi vào năm Vĩnh Hương thứ ba (1431) và sau đó còn bị thần hỏa thăm viếng nhiều lần nữa. Chính điện của Nam Thiền tự bốc cháy vào năm Minh Đức thứ tư (1389), thiêu rụi mất Phật điện, Pháp đường, Kim Cương điện, Đại Vân am và nhiều tòa nhà khác nữa. Năm Nguyên Qui thứ nhì (1571) Diên Lịch tự biến thành tro bụi. Kiến Nhân tự trở thành hoang địa vì ngọn lửa vào năm Thiên Văn thứ 21 (1552). Năm Kiến Trường nguyên niên (1249) Tam Thập Tam Gian đường cháy rụi, Bản Năng tự bị thần hỏa thiêu hủy trong cơn binh lửa năm Thiên Chính thứ 10 (1582).

Vào thời đó những ngọn lửa thường thân thiện với nhau lắm. Chúng không bị phân chia thành những mảnh nhỏ và bị coi thường như ngày nay, mà đã được phép bắt tay nhau đến độ vô số ngọn lửa cách biệt nhau có thể họp lại thành một biển lửa to lớn. Con người thời đó có lẽ cũng như vậy. Bất kỳ lúc nào hễ có một ngọn lửa ở nơi này thì nó có thể kêu gọi ngay một ngọn lửa ở nơi kháctiếng gọi của nó được đáp lại tức thì. Trong các cuốn ký lục về những đám cháy không bao giờ người thời đó cho là vì có kẻ phóng hỏa mà luôn luôn cho là vì tai nạn hoặc vì cháy lan hoặc vì binh lửa. Ví dù thời đó có thằng nào giống như tôi nữa thì chắc hẳn cũng chỉ cần nén hơi nấp mình ở một chỗ nào đó mà chờ đợi. Chẳng chóng thì chầy các ngôi chùa cũng phải bị cháy rụi. Lửa thì rất nhiều và luôn luôn được buông thả. Nếu hắn biết chờ đợi thì ngọn lửa đang rình mò cơ hội sẽ bùng lên dễ dàng, ngọn lửa này sẽ nắm tay ngọn lửa khác và chúng sẽ chung sức làm xong công việc phải làm. Thật là nhờ may mắn ngẫu nhiên hiếm có mà Kim Các Tự đã không bị làm mồi cho Thần hỏa. Vì những nguyên lý và phép tắc của Phật giáo đã chi phối chặt chẽ thế giới - lửa có bùng lên cũng là sự tự nhiên, sự diệt vong và phủ định vẫn là những việc xẩy ra hàng ngày, những ngôi chùa lớn lao đã được xây cất từ lâu chẳng làm sao tránh khỏi bị cháy rụi. Dù cho có những thằng điên thích phóng hỏa đốt nhà đi nữa chúng cũng buộc lòng phải kêu gọi sức mạnh của Thần hỏa một cách tự nhiên đến nỗi không một sử gia nào có thể tin rằng sự tàn phá xẩy ra sau đó lại là kết quả của việc có kẻ nổi lửa đốt nhà.

Mặt đất thời đó là một nơi bất an. Bây giờ năm Chiêu Hòa thứ 25 (1950) mặt đất cũng bất an không kém. Giả sử có bao nhiêu ngôi chùa bị cháy rụi vì sự bất an này thì bây giờ có lý nào Kim Các Tự lại không bị thiêu hủy được nhỉ?
 
 

Mặc dầu lười biếng không chịu đến nghe giảng ở đại học, nhưng tôi vẫn thường lui tới thư viện, và một ngày tháng năm tôi chậm trán với Kashiwagi mà từ lâu tôi đã cố ý tránh mặt. Khi thấy tôi cố ý lánh mặt, nó liền hớn hở đuổi theo. Thấy rằng nếu tôi bỏ chạy thì với đôi chân què quặt nó không tài nào đuổi kịp, nên tôi ngừng chân đứng lại. Kashiwagi chộp lấy vai tôi. Nó thở chẳng ra hơi. Hôm ấy bài giảng đã chấm dứt và tôi đoán chừng lúc đó vào khoảng năm giờ rưỡi. Để khỏi gặp Kashiwagi, sau khi rời thư viện, tôi dã đi vòng phía sau trường rồi rẽ vào con đường nhỏ nằm giữa bức tường đá cao và những căn nhà trại rộng lớn, xấu xí dùng làm lớp học. Những cây cúc dại mọc chi chít trên mảnh đất hoang, rải rác đó đây là những mảnh giấy bẩn và những vỏ chai không mà người ta vất ra đó. Một vài đứa trẻ lén chui vào trong và đang chơi trò bắt bóng. Những tiếng la hét ầm ỉ của chúng làm người ta cũng chẳng để ý đến những lớp học vắng không mà người ta có thể nhìn thấy qua các khung cửa kính vỡ. Sau giờ học tất cả sinh viên đã ra về hết và trong lớp học chỉ còn lại hàng bàn ghế đầy bụi im lìm.

Tôi đi qua dẫy nhà trại và tới tòa nhà chính của đại học bên phía tây. Tôi dừng chân bên ngoài một căn phòng nhỏ trên đó ban dậy cắm hoa có treo một tấm biển đề chữ “Công phòng”. Mặt trời chiếu trên hàng cây nam mộc trồng theo bức tường và bóng lá nhỏ nhắn dịu dàng phản ánh khắp mái căn phòng nhỏ tới bức tường gạch đỏ của tòa nhà chính. Những hòn gạch đỏ trông thật tươi tắn dưới ánh tà dương.

Kashiwagi đứng tựa người vào bức tường, thở hổn ha hổn hển. Bóng lá cây nam mộc rọi sáng đôi má nó vốn đã tiều tụy trông lại càng thêm tiều tụy hơn và làm đôi má nó có một vẻ rập rờn lay động lạ lùng. Có lẽ vì phản ánh của bức tường gạch đỏ, rất không thích hợp với Kashiwagi nên đã làm cho tôi thấy thế.

“Năm nghìn một trăm yen hồi đó cậu nhớ chứ!” nó nói “Tính đến cuối tháng năm này là 5100 yen rồi đấy. Cậu tự làm cho càng ngày càng khó trả lại tiền cho tớ hơn.”

Nó móc tờ chứng vay nợ tôi đã ký từ túi áo trước ngực, nơi lúc nào nó cũng dắt mang theo, rồi trải ra ngay trước mặt tôi. Đoạn hẳn là nó sợ tôi sẽ thò tay ra cướp lấy mà xé vụn tờ giấy nên nó vội vã gấp lại và bỏ vào túi áo như cũ. Trước mắt tôi không còn thấy gì ngoại trừ cái dự ảnh của vệt in tay độc địa, đỏ chót, cái vệt in tay ấy của tôi trông thực thê thảm hết chỗ nói.

“Trả tiền cho tớ sớm đi!” Kashiwagi nói. “Càng sớm càng lợi cho cậu. Tại sao cậu không dùng tiền học hoặc món nào đó để trả nợ cho xong có được không?”

Tôi im lặng không trả lời. Liệu người ta có nghĩa vụ phải trả nợ trả nần trước khi thế giới sụp đổ không nhỉ? Tôi có ý định thoáng gợi cho Kashiwagi biết về điều tôi đang ấp ủ trong đầu óc, nhưng ròi tôi tự ghìm lại được.

“Tớ không hiểu nổi cậu cứ nhất định không nói năng gì cả.” Kashiwagi nói. “Làm sao vậy? Cậu xấu hổ vì tật nói lắp ư? Bây giờ cậu còn sợ gì nữa. Chứng nói lắp của cậu ai mà không biết - kể cả cái này nữa. Đúng. Kể cả cái này nữa! Nó đấm mạnh tay vào bức tường gạch mầu đỏ đang phản chiếu ánh mặt trời lặn. Nắm tay nó dính một làn phấn gạch nâu nâu, vàng vàng.

“Kể cả bức tường này cũng biết thế nữa. Khắp trong trường này có ai là người không biết điều đó đâu!”

Tôi vẫn đứng im lặng đối diện với nó. Vào lúc ấy trong đám trẻ con có một đứa bắt hụt quả bóng nên quả bóng lăn tới giữa hai đứa chúng tôi. Kashiwagi bèn cúi gặp người xuống cố nhặt quả bóng lên để ném trả về cho lũ trẻ con. Nhìn thấy thế lòng tôi tràn ngập một hứng thú tai ác là muốn nhìn xem Kashiwagi sẽ loay hoay với cặp chân què để hất quả bóng đang nằm cách đó chừng một thước xa ra làm sao để nó có thể lấy tay mà với tới được. Mắt tôi hình như đã nhìn về phía cặp chân nó một cách vô ý thức. Kashiwagi nhận thấy liền, nhanh chóng hầu như thần tốc. Trước khi mình có thể nói liệu nó có thực sự cố gắng cúi mình xuống hay không thì nó đã vươn thẳng người lên, lạnh lùng nhìn tôi chằm chằm với một ánh mắt ghét bỏ ghê gớm hết sức xa lạ đối với nó. Một đứa trẻ trong bọn rụt rè tiến lại gần chúng tôi nhặt quả ở giữa hai đứa rồi chạy vụt đi. Cuối cùng Kashiwagi nói với tôi: “Thôi được. Nếu cậu có thái độ như thế thì tớ cũng có cách. Trước khi trở về nhà vào tháng tới, thế nào tớ cũng lấy được món tiền của tớ càng nhiều càng tốt cho mà xem. Rồi cậu sẽ mở mắt ra. Cậu nên sửa soạn sẵn đi thì vừa.”
 
 

Sang tháng sáu những giờ giảng trọng yếu càng ngày ít đi và các sinh viên đang lục tục trở về quê. Ngày mồng mười tháng sáu là ngày tôi sẽ bao giờ quên được. Trời mưa rả rích từ sáng sớm và đến chiều thì lại mưa to như thác đổ. Sau bữa dược thạch, tôi vào phòng riêng đọc một cuốn sách. Vào khoảng tám giờ tối tôi nghe thấy tiếng chân người tiến lại gần dọc theo hàng hiên giữa Khánh điện và Đại Thư Viện. Đây là một trong những buổi tối hiếm hoi mà Lão sư phụ lại không đi ra ngoài. Hiển nhiên là ông có khách viếng thăm. Nghe những tiếng chân ấy thấy có gì thực là kỳ dị. Vang vang như tiếng những hạt mưa lộp độp nện vào một cánh cửa gỗ. Tiếng chân người đồ đệ mới đi trước dẫn khách đến phòng Lão sư phụ thường êm nhẹ, đều đều và hầu như luôn luôn bị những bước sải dài của người khách nhận chìm làm cho những tấm ván cũ kỹ lát hàng hiên kêu cót két một cách hết sức kỳ lạ.

Tiếng mưa rơi vang ầm khắp Lộc Uyển tự. Mưa đêm đổ xuống ngôi chùa cổ kính rộng lớn và tiếng mưa rơi tràn ngập những căn phòng mốc thếch, trống rỗng, bao la. Ở trong nhà bếp, trong am ông chấp sự, ông Điện ti, trong Khách điện không nghe tiếng gì khác ngoài tiếng mưa rơi. Bây giờ tôi nghĩ tới trận mưa đã đổ ụp xuống Kim Các Tự. Tôi khẻ đẩy tấm cửa kéo phòng tôi. Cái sân giữa nhỏ bé, chỉ có toàn đá, lúc đó đang ngập tràn nước mưa và có thể nói là tôi nhìn thấy cái lưng của làn nước lấp loáng đen ngòm khi nó len lỏi từ phiến đá này sang phiến đá khác.

Người đồ đệ tân nhập từ khu phòng Lão sư phụ trở về thò đầu vào phòng tôi.

“Ở đó có thằng sinh viên tên là Kashiwagi đến thăm lão sư. Có phải nó là bạn cậu không?”

Tôi thấy xốn xang cả người. Người đồ đệ tân nhập đeo kính trắng, ban ngày đi dậy ở một trường tiểu học, sắp sửa cáo lui, nhưng tôi níu hắn lại và bảo hắn vào phòng tôi. Tôi đang tưởng tượng ra đủ mọi thứ truyện về cuộc đối thoại diễn ra trong Đại Thư Viện và tôi thấy nếu ngồi một mình thì không thể làm sao chịu nổi.

Năm sáu phút trôi qua. Bất chợt chuông phòng Lão sư phụ reo vang. Tiếng chuông lanh lảnh giục giã át hẳn tiếng mưa rơi, rồi ngưng bặt. Người đồ đệ và tôi nhìn nhau.

“Chuông gọi cậu đó,” hắn nói. Tôi gắng gượng đứng dậy.

Khi tới phòng Lão sư phụ, tôi quì ở bên ngoài. Tôi có thể nhìn thấy tờ giấy vay nợ với dấu tay của tôi nằm trên bàn giấy của ông. Lão sư phụ cầm một đầu tờ giấy lên đưa cho tôi xem. Ông cứ để mặc tôi quì dưới hàng hiên bên ngoài căn phòng.

“Đây có phải là dấu tay của con không?”

“Thưa phải”

“À, thế ra con đã làm một việc hay thật là hay, phải vậy không? Từ giờ trở đi nếu vì con ta còn phải gặp những chuyện rắc rối như thế này nữa thì ta sẽ không làm sao có thể để cho con ở lại trong chùa nữa đâu. Con nên thức tỉnh nghĩ lại mà coi. Đây không phải là lần đầu tiên…” Có lẽ vì có cả Kashiwagi ở trong phòng nên ông bỏ lửng câu nói. “Ta sẽ bỏ tiền túi ra trả,” ông tiếp lời, “nên bây giờ con có thể lui về phòng.”

Nghe những lời này tôi mới dám nhìn thẳng vào mặt Kashiwagi. Nó đang ngồi trên sàn nhà, nét mặt nhơn nhơn như vừa làm xong một việc rất đáng ca ngợi. Tuy nhiên, nó cũng phải nhìn đi phía khác. Khi làm một việc gì ác độc, Kashiwagi luôn luôn có dáng vẻ hết sức thuần khiết, như thể người ta đã hút ra cái nhụy trong tính chất của nó mà nó hoàn toàn không hay biết gì cả. Chỉ có mình tôi là biết được điều này.

Khi trở về phòng riêng, tôi mới ý thức rằng đêm nay trong tiếng mưa rơi dữ dội trong nỗi cơ đơn của riêng mình, tôi đã được giải thoát.

“Ta cũng không làm sao có thể để con ở lại trong chùa thêm nữa đâu - lần đầu tiên tôi được nghe Lão sư phụ nói ra lời này, lần đầu tiên ông đã nói cho tôi nghe lời đoan quyết này. Đột nhiên, mọi sự đều trở nên rõ ràng. Lão sư phụ đang nghỉ đến truyện tống cổ tôi khỏi chùa. Mình phải cấp tốc thi hành quyết định mới được.

Nếu Kashiwagi đã không hành động như nó đã hành động đêm ấy thì có lẽ tôi đã không có cơ hội được nghe Lão sư phụ thốt ra những lừi nói ấy và tôi vẫn còn trì hoãn chưa thi hành quyết định của mình. Nghĩ rằng chính Kashiwagi là người đã đem lại cho tôi sức mạnh để vươn qua sự trì trệ của mình tôi thấy biết ơn nó một cách thực lạ lùng.

Không có dấu hiệu gì là cơn mưa sẽ tạnh cả. Trời tháng sáu mà thế này thì lạnh quá và căn hậu phòng nhỏ bé vách gỗ bốn xung quanh trông thực hoang lạnh dưới ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn điện. Đây là nơi tôi đang ở và có lẽ sắp bị trục xuất khỏi phòng. Chẳng có một vật trang trí nào cả. Cái mép đen đen của cái chiếu nhạt màu tren sàn nhà đã rách mướp, xoán lại quăn queo để lộ từng sợi cói cứng nhắc. Thường thường khi bước vào căn phòng tối om này và bật đèn lên tôi thường vướng những ngón chân vào cái mép chiếu rách nát ấy, nhưng tôi đã không buồn khâu vá lại. Sự tha thiết của tôi đối với cuộc đời không có quan hệ gì với chiếu cói cả.

Bây giờ sắp tới mùa hè, căn phòng nhỏ bé này nồng nực mùi khen khét từ thân thể tôi tiết ra. Kể cũng buồn cười mặc dù tôi là một thày chùa ấy thế mà thân mình tôi lại vẫn có cái mùi riêng biệt của thân mình những thằng thanh niên tầm thường. Mùi này đã thấm vào những cây cột đen bóng, cũ kỹ ở bốn góc phòng và vào cả bức vách gõ nữa. Bây giờ cái mùi hôi hám của một sinh vật trẻ tuổi rỉ ra ở giữa những mắc gỗ mà thời gian đã làm cho bóng lên. Những cây cột, những bức vách đã biến thành những vật sống động - bất động nhưng tiết ra mùi gây gấy, tanh tanh.

Thế rồi những bước chân là lạ tôi đã nghe thấy lúc trước bây giờ đang tiến lại gần dọc theo hành lang Kashiwagi đang đứng sững ở đó, giống như một bộ phận cơ giới bất chợt dừng lại. Phía sau nó, ánh đèn từ khu phòng Lão sư phụ chiếu sáng cây lục chu tùng hình chiếc thuyền ở trong vườn và tôi có thể thấy cái lùm cây như mũi thuyền ở trong vườn và tôi có thể nhìn thấy cái lùm cây như mũi thuyền xanh đen, ướt át vươn cao trong màn tối.

Tôi nhoẻn một nụ cười thấy thật thỏa mãn khi nhận ra rằng lúc nom thấy nụ cười này Kashiwagi lần đầu tiên đã để lộ nét mặt gần như là hoảng hốt.

“Sao cậu không vào phòng tớ chơi cái đã!” tôi nói.

“Ừ ừ. Đừng có làm cho tớ hoảng sợ chứ! Cậu thực là một con người kỳ lạ, có phải không?”

Kashiwagi bước vào phòng tôi; và liền sau đó nó loay hoay nghiêng người ngồi xuống cái bồ đoàn với những động tác chậm chạp quen thuộc khiến người ta tưởng nó đang cố gắng nằm bò ra. Nó ngẩng đầu lên và nhìn quanh căn phòng. Bên ngoài, tiếng mưa rơi vây chặt lấy chúng tôi giống như một tấm màn dầy. Giữa tiếng nước bắn tung tóe trên đầu hàng hiên không có mái che mình có thể nghe thấy những hạt mưa từ những tấm cửa kéo giấy bồi dội bật ra khắp mọi nơi trong nhà.

“Phải,” Kashiwagi nói, “cậu cũng chẳng nên oán tớ, cậu ạ. Kết cục chỉ tại cậu mà tớ đã phải làm như thế. Thôi bỏ qua đi là hết.” Nó rút từ trong túi ra một cái phong bì trên đó có in hình Lộc Uyển tự rồi đếm các tờ giấy bạc đựng ở bên trong. Tất cả chỉ có ba nghìn yen tiền giấy - những tờ giấy bạc mới tinh rõ ràng là mới phát hành từ tháng giêng năm nay.

“Những tờ giấy bạc ở chùa này đều đẹp và sạch, có phải không?” tôi nói. “Lão sư phụ của chúng tớ rất ư khó tính nên cứ ba ngày một lần, ông lại bắt ông Phó ti ra ngân hàng đem bạc lẻ đổi lấy tiền mới.”

“Nhìn đây này!” Kashiwagi nói. “Tất cả chỉ có ba tờ. Cậu có một ông hòa thượng tính toán thật xít xao, có phải vậy không? Ông ấy bảo ông ấy không chấp nhận việc anh em bạn học mà lại cho nhau vay tiền lấy lãi. Tuy vậy, chính ông ta thì lại bóp hầu bóp cổ thiên hạ bằng thích.”

Thấy Kashiwagi bị thất vọng bất ngờ, tôi cảm thấy hết sức khoái ý. Tôi phá ra cười và Kashiwagi cũng cười theo. Trong giây lát hai đứa chúng tôi làm lành với nhau nhưng bỗng dưng Kashiwagi nín bặt tiếng cười và nhìn chằm chằm vào một chỗ nào đó trên trán tôi rồi nói như thể nó đang lột trần hết con người tôi ra. “Tớ biết”, nó nói, “mấy ngày gần đây trong đầu óc cậu đã nẩy sinh ra một kế hoạch phá hoại nào đó, có phải không?”

Tôi thấy khó khăn lắm mới chịu đựng được cái ánh mắt nặng nề của nó. Rồi tôi nhận thấy rằng nó hiểu chữ “phá hoại” theo một nghĩa hoàn toàn khác với sự tính toán của tôi, và tôi lấy lại dáng vẻ bình thường. Tôi trả lời thật trơn tru, không hề có một dấu vết gì của tật nói lắp. Tôi nói: “Không làm gì có.”

“Có thực thế không?” Cậu là một thằng kỳ cục. Cậu thực là thằng kỳ cục nhất từ xưa đến giờ tớ mới thấy lần đầu.”

Tôi biết nhận xét này đã bắt nguồn từ nụ cười thân thiện vẫn chưa tàn hẳn trên miệng tôi. Rõ ràng là chảng bao giờ Kashiwagi hiểu được ý nghĩa của sự cảm tạ bừng nở trong lòng tôi; nghĩ như vậy tôi lại càng mỉm cười thích thú hơn nữa.

“Kỳ này cậu có trở về quê nhà không?” tôi hỏi nó với giọng bạn bè thân thiết.

“Có chứ, ngày mai tớ sẽ về. Mùa hè ở Sannomiya. Tuy vậy ở đó cũng chán lắm”.

“Ờ, hai đứa mình sẽ không gặp nhauđại học một thời gian”.

“Sao? Cậu có bao giờ đến trường đâu mà nói.”

Vừa nói Kashiwagi vừa vội vã cởi khuy áo trước ngực ra rồi mò tay vào cái túi bên trong.

“Trước khi về quê tớ quyết định mang cho cậu những cái này,” nó nói. “Tớ nghĩ những cái này sẽ làm cho cậu vui lòng. Cậu vẫn hằng đánh giá hắn cao lắm, có phải không?”

Nó vứt xuống bàn học của tôi bó thư nho nhỏ. Tôi ngỡ ngàng đọc tên người gửi trên phong bì.

“Hãy đọc hết đi”, Kashiwagi nói với một giọng tự nhiên. “Đó là tập lưu niệm Tsurukawa gởi cho tớ.”

“Thế ra Tsurukawa và cậu là bạn bè với nhau hả?” tôi hỏi.

“Ừ, xem nào. Đúng, tớ nghĩ là một người bạn theo cách riêng của tớ. Hồi sinh tiền chính Tsurukawa rất ghét ai coi nó là bạn của tớ. Đồng thời tớ cũng là người duy nhất nó có thể thổ lộ nỗi lòng. Nó qua đời đã được ba năm rồi, nên tớ nghĩ rằng đem những lá thư này cho mọi người xem thì cũng chẳng sao. Cậu thân với nó lắm, nên tớ nghĩ để riêng một mình cậu xem mà thôi. Từ trước tớ đã có ý vào một ngày nào đó để cho cậu xem những lá thư này.”

Ngày tháng ghi trên những lá thư này đều vào khoảng tháng năm Chiêu hòa thứ 22 (1947) ngay trước khi nó chết. Nó viết những lá thư ấy từ Tokyo và gửi cho Kashiwagi hầu như đều đặn mỗi ngày. Nó chẳng gửi một lá nào cho tôi, nhưng đã viết cho Kashiwagi đều đặn mỗi ngày sau khi trở về Tokyo. Chắc chắn là những lá thư này là của Tsurukawa - làm sao mà lầm được nét chữ trẻ con, gẫy góc, vụng về của nó. Tôi cảm thấy hơi ghen tị. Hình như Tsurukawa chưa bao giờ thèm để ý dấu tôi những cảm tình trong sáng của nó; đôi khi nó đã nói xấu Kashiwagi và cố gắng ngăn cản tôi giao du với thằng này, vậy mà chính nó đã giao du bí mật với chính thằng này.

Tôi bắt đầu đọc những lá thư theo thứ tự ngày tháng. Những lá thư viết bằng thứ chữ nhỏ bé trên những tờ giấy chép bài mong mỏng. Văn chương rất là vụng về. Tư tưởng hình như hơi lộn xộn khiến cho người đọc khó có thể theo dõi một cách dễ dàng. Tuy nhiên, đằng sau những câu văn rối loạn, lộn xộn có cả một nỗi niềm thống khổ mịt mờ; và khi tôi đọc đến lá thư cuối cùng tất cả những thống khổ mà Tsurukawa đã trải qua hiện ra rành rành trước mắt tôi. Trong lúc tôi tiếp tục đọc thư, nước mắt tôi tuôn tràn và đồng thời tôi thấy bàng hoàng cả người trước nỗi bất hạnh, thống khổ tầm thường của Tsurukawa.

Chẳng qua chỉ là một truyện tình vụn vặt, tầm thường - mối tình đau đớn của một thanh niên thiếu kinh nghiệm trường đời với một người con gái nào đó mà cha mẹ không bằng lòng. Rồi trong lá thư có một câu đã làm tôi ngạc nhiên hết sức. Có thể là Tsurukawa đã vô tình nói quá để tả rõ tình cảm của mình, nhưng tác dụng chẳng kém phần mãnh liệt.

“Bây giờ mỗi khi nghĩ đến truyện ấy,” nó viết, “mối tình đau khổ của tớ dường như đã là hậu quả trực tiếp của tâm hồn bất hạnh của tớ. Tớ sinh ra đời với một tấm lòng u tối. Tớ nghĩ tớ chưa hề bao giờ biết vui vẻdễ chịu là thế nào.”

Lá thư cuối cùng có một giọng điệu sôi sục khiến khi đọc tới, tôi thấy lòng mình tràn ngập một nỗi nghi ngờ từ trước đến giờ chưa hề bao giờ tôi có thể tưởng tượng được.

“Có lẽ nào nó đã…” tôi nói.

Kashiwagi gật đầu và chặn lời tôi. “Phải, đúng thế. Nó tự tử đấy. Mười phần tớ tin chắc cả mười là như vậy. Gia đình nó có lẽ ỉm truyện đó đi để giữ thể diện nên đã bịa ra câu truyện cái xe cam nhông và gì đó nữa.”

“Cậu viết thư trả lời nó, có phải không?” tôi tức giận lắp bắp hỏi dồn.

“Ừ, nhưng tớ biết khi thư tới thì nó đã chết rồi.”

“Cậu viết những gì?”

“Tớ chỉ viết là nó không được chết. Có vậy thôi.”

Niềm tin vững chắc của tôi cho rằng tôi không bao giờ có thể bị những cảm giác riêng tư của mình đánh lừa đã tỏ ra sai bét. Kashiwagi đã phá vỡ ảo tưởng này của tôi.

“Mà này, cậu thấy thế nào?” nó nói. “Những lá thư này đủ thay đổi quan điểm của cậu về cuộc đời phải không? Các kế hoạch của cậu đã vỡ tan vỡ nát hết rồi chứ gì?”

Bây giờ tôi hiểu Kashiwagi đã cho tôi xem những lá thư này sau ba năm dài đằng đẵng. Tuy nhiên, mặc dù bị xúc động, tôi vẫn còn giữ vẹn một ký ức - ký ức về ánh mặt trời buổi sáng đổ như suối tràn qua các cành cây rải những bông hoa nắng trên chiếc áo sơ mi trắng của người thanh niên nằm trên bãi cỏ rậm mùa hè. Tsurukawa đã chết và ba năm sau đó đã bị biến dạng ra như thế này. Thật dường như những gì tôi đã gửi gấm vào nó biến đi với cái chết của nó, nhưng thay vào đó chính vào khoảnh khắc này nó đã được tái sinh với một hiện thực tính mới mẻ. Thế rồi tôi đâm ra tin tưởng vào thực chất của ký ức hơn là vào ý nghĩa của ký ức ấy nữa, thì cuộc sống tự nó sẽ băng hoại. Trong khi Kashiwagi đứng đó nhìn tôi với con mắt kẻ cả, hiển nhiênhoàn toàn mãn nguyện là đã táo bạo giết chết mối cảm xúc của tôi.

“Sao vậy?” nó nói. “Bây giờ đã có một cái gì sụp đổ trong lòng cậu có phải không? Nhìn một thằng bạn cứ ôm ấp mãi trong lòng một cái gì lúc nào cũng sẵn sàng đổ vỡ là tớ không sao chịu được. Tình thân thiết thực sự của tớ là ở chỗ phá vỡ những cái như thế.”

“Và nếu điều ấy vẫn chưa sụp đỗ thì sao?” tôi hỏi.

“Thôi đừng có làm bộ làm tịch một cách trẻ con như thế nữa!” Kashiwagi nói với nụ cười chế nhạo. “Tớ chỉ có ý làm cho cậu hiểu mà thôi. Cái đã làm cho thế giới này thay đổi hình dạng - chính là sự hiểu biết. Cậu có hiểu tớ nói gì không? Chẳng có cái gì khác ngoài sự hiểu biết là có thể làm thay đổi thế giới này đồng thời lại vẫn để thế giới này trong trạng thái bất biến. Khi nhìn thế giới với con mắt của sự hiểu biết cậu sẽ thấy rằng thế giới thực ra vĩnh viễn bất biếnđồng thời cũng lại vĩnh viễn biến mạo. Cậu có thể hỏi như vậy có lợi gì cho ta. Thôi hãy nói theo cách này - con người có được sự hiểu biết làm võ khí để có thể chịu đựng được cuộc sống. Đối với súc vật những cái đó không cần thiết. Súc vật không cần ý thức hoặc cái gì tương tự để có thể chịu đựng được cuộc đời. Nhưng con người cần phải có một cái gì đó và với sự hiểu biết con người có thể làm cho chính cái tính cách không sao chịu nổi cuộc đời trở thành một võ khí mặc dù lúc ấy cái tính cách không sao chịu nổi của cuộc đời không hề giảm bớt lấy mảy may. Tất cả chỉ có vậy.”

“Cậu nghĩ có phương pháp nào khác để chịu đựng được cuộc sống không?”

“Không. Tớ không biết. Ngoài cái cách ấy ra thì chỉ còn điên cuồng hoặc cái chết.”

“Hiểu biết quyết chẳng bao giờ có thể làm thay đổi bộ mặt thế giới”, tôi buộc miệng nói, suýt nữa phơi gan rạch ruột một cách nguy hiểm. “Chỉ có hành động mới có thể làm thay đổi bộ mặt thế giới. Chỉ có cách ấy mà thôi.”

Đúng như tôi mong đợi, Kashiwagi tránh né câu nói của tôi với một nụ cười lạnh lùng trông có vẻ như được dán trên mặt nó.

“Cậu tin thế hả!” nó nói. “Hành động, cậu nói. Nhưng cậu không thấy rằng vẻ đẹp của thế giới mà cậu ham thích đang thèm khát muốn ngủ; mà muốn có thể ngủ được nó cần phải được sự hiểu biết che chở. Cậu có nhớ truyện “Nam Toàn Trảm Miêu” mà tớ đã có lần kể cho cậu nghe không? Con mèo trong truyện ấy đẹp tuyệt vời. Lý do khiến các tu sĩ lưỡng đường cãi lộn với nhau là vì cả hai đều muốn che chở con mèo, chăm nom săn sóc nó để cho nó ngủ ngon êm ấm bên trong những tấm áo hiểu biết riêng biệt của họ. Bấy giờ Thượng tọa Nam Toàn lại là một con người hành động, vì thế ông đã lấy cái liềm và cắt cổ con mèo đi. Nhưng đến khi Triệu Châu chợt tới, anh ta đã cởi giầy và đội lên đầu. Ấy là Triệu Châu muốn nói thế này. Anh ta hiểu rõ rằng cái đẹp là một cái gì cần phải ngủ yên và khi ngủ cần phải có sự hiểu biết che chở. Tuy nhiên, không làm gì có sự hiểu biết riêng rẽ, một thứ hiểu biết riêng của một người hay của một nhóm nào. Hiểu biết là biển cả của nhân gian, cánh đồng của nhân gian, dạng thức tồn tại của tất cả cuộc sống nhân gian. Tớ nghĩ đó là điều anh ta muốn nói. Bây giờ cậu muốn đóng vai Nam Toàn phải không? Ừ, cái đẹp - cái đẹp mà câu ham thích ghê gớm - là ảo ảnh của bộ phận còn lại, bộ phận thặng dư đã được ủy thác cho sự hiểu biết. Nó là ảo ảnh của ‘phương pháp khác để chịu đựng cuộc sống’ mà cậu đã nói. Người ta có thể nói thực ra không làm gì có cái gọi là đẹp. Điều đã đem cho ảo ảnh một sức mạnh như thế, điều đã làm cho ảo ảnh có nhiều hiện thực tính như thế, đích thực là sự hiểu biết rồi còn gì. Theo quan điểm của sự hiểu biết thì cái đẹp không bao giờ là một niềm an ủi cả. Nó có thể là một người đàn bà, có thể là một người vợ, nhưng chẳng bao giờ nó là một niềm an ủi hết. Tuy nhiên, từ sự kết hôn giữa cái đẹp vốn không bao giờ là niềm an ủi một bên với sự hiểu biết một bên đã có nẩy sinh một cái gì đó. Nó thường mong manh như một cái bọt nước và tuyệt đối vô vọng. Song, đã có một cái gì đó ra đời. Đó là cái thế gian gọi là “nghệ thuật”.

“Cái đẹp…” tôi buột mồm lắp bắp một thôi một hồi thật là dữ dội. Nó là một ý tưởng không bờ cõi, không giới hạn. Trong óc tôi thoáng vụt một mối nghi ngờ rằng rất có thể chính quan niệm của tôi về cái đẹp đã khiến cho tôi mắc tật nói lắp. “Cái đẹp, những sự vật đẹp đẽ”, tôi tiếp tục. “những cái ấy bây giờ là kẻ thù tớ oán hận bậc nhất.”

“Cái đẹp là kẻ thù cậu oán hận à?” Kashiwagi vừa nói vừa trợn tròn đôi mắt. Thế rồi khuôn mặt đỏ ửng của nó lại có dáng vẻ sảng khoái, quen thuộc của nhà triết học. “Nghe cậu nói vậy tớ mới thấy trong con người cậu có một sự thay đổi thực là lớn lao! Quả tình tớ phải điều chỉnh lại cái lăng kính nhận thức của tớ mới được.”

Chúng tôi tiếp tục một hồi lâu. Đã lâu lắm hai đứa mới lại nghị luận với nhau một cách thân tình như thế. Mưa vẫn chưa tạnh. Lúc sắp sửa ra về, Kashiwagi đã nói cho tôi hay về Sannomiya và hải cảng Kobe. Tôi chưa bao giờ đến một trong hai nơi này và bây giờ nó một tả những chiếc tầu to lớn dang drời hải cảng vào mùa hè. Hồi tưởng lại Maizuru tôi thấy những cảnh ấy thật là sống động. Ít nhất cũng có một lần ý kiến chúng tôi phù hợp với nhau. Hai thằng sinh viên nghèo kiết xác chúng tôi đã cùng nhau chia xẻ những không tưởngđồng ý với nhau rằng cả nhận thức lẫn hành động, chẳng có cái nào có thể đem đến niềm vui cho bằng niềm vui được giương buồm vượt biển đi xa.
 

Hết phần 8
Send comment
Off
Telex
VNI
Your Name
Your email address
(View: 4488)
Tư Tưởng Phật Giáo Trong Thi Ca Nguyễn Du - HT Thích Như Điển
(View: 3665)
Phật Giáo Việt Nam Tại Châu Âu - HT Thích Như Điển
(View: 8596)
Tư Tưởng Phật Giáo Trong Văn Học Thời Trần - Tác giả: Nguyễn Vĩnh Thượng
(View: 6129)
Emily Elizabeth Dickison là nhà thơ lớn của Mỹ trong thế kỷ thứ 19. Bà sống phần lớn cuộc đời trong cô độc.
(View: 4658)
Ni Giới Việt Nam Hoằng Pháp tại Hoa Kỳ - Thích Nữ Giới Hương. Hồng Đức Publishing. 2020
(View: 3539)
Tác phẩm “Xây dựng hạnh phúc gia đình” của Hòa thượng Thích Thắng Hoan là cẩm nang hướng dẫn xây dựng hạnh phúc cho người Phật tử tại gia.
(View: 13478)
“Nói Thiền tông Việt Nam là nói Phật giáo Việt Nam. Và những bậc cao Tăng làm sáng cho Phật giáo, làm lợi ích cho dân tộc từ thế kỷ thứ 6 mãi đến nay đều là các Thiền sư.”
(View: 5574)
Ai đã truyền Việt Nam Phật Giáo qua Trung Quốc: Khương Tăng Hội, người Việt Nam. Vào năm nào: năm 247 tây lịch.
(View: 4358)
Tư tưởng Phật giáo trong văn học thời Lý bản PDF - Nguyễn Vĩnh Thượng
(View: 10421)
Thầy Tuệ Sỹ Là Viên Ngọc Quý Của Phật Giáo và Của Việt Nam - Nguyễn Hiền Đức
(View: 8644)
Dưới Bóng Đa Chùa Viên Giác - hồi ký về một ngôi chùa đã đi vào lịch sử Phật giáo tỉnh Quảng Nam. Viên Giác Tùng Thư 2019 - Nhà xuất bản Liên Phật Hội
(View: 27723)
Tác phẩm Trí Quang Tự Truyện bản pdf và bài viết "Đọc “Trí Quang Tự Truyện” của Thầy Thích Trí Quang" của Trần Bình Nam
(View: 6419)
Tôi đặt bút bắt đầu viết "Lời Vào Sách" nầy đúng vào lúc 7 giờ sáng ngày 21 tháng 6 năm 1995 sau khi tụng một thời kinh Lăng Nghiêmtọa thiền tại Chánh điện.
(View: 6156)
Có lẽ đây cũng là một trong những viễn ảnh của tâm thức và mong rằng những trang sách tiếp theo sẽ phơi bày hết mọi khía cạnh của vấn đề, để độc giả có một cái nhìn tổng quát hơn.
(View: 6797)
Ai trói buộc mình? Không biết có bao giờ chúng ta tự đặt câu hỏi đó với chúng ta chưa? Đến chùa học pháp hay đi tu chỉ để cầu giải thoát. Mục đích tu hoặc xuất gia là cầu giải thoát sinh tử. Giải thoát có nghĩa là mở, mở trói ra. Cầu giải thoát là đang bị trói. Nhưng ai trói mình, cái gì trói mình? Khi biết mối manh mới mở được.
(View: 6868)
Sống Trong Từng Sát Naphương pháp thực tập sống tỉnh thức, sống và ý thức về sự sống trong từng mỗi phút giây. Đây là phương thức tu tập dựa trên tinh thần Kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm.
(View: 6079)
Nguyên bản: How to practice the way to a meaningful life. Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma. Anh dịch: Jeffrey Hopkins, Ph. D. Chuyển ngữ: Tuệ Uyển
(View: 8652)
Mối Tơ Vương của Huyền Trân Công Chúa (Phóng tác lịch sử tiểu thuyết vào cuối đời Lý đầu đời Trần) HT Thích Như Điển
(View: 5157)
Nguyệt San Chánh Pháp Số 84 Tháng 11/2018
(View: 13044)
Nhẫn nhục là thù diệu nhất vì người con Phật thực hành hạnh nhẫn nhục thành thục, thì có thể trừ được sân tâm và hại tâm, là nhân tố quan trọng để hành giả thành tựu từ tâm giải thoátbi tâm giải thoát.
(View: 22480)
Tác giả: Diệu Hạnh Giao Trinh sưu tầm và kể chuyện, Nguyễn Minh Tiến hiệu đínhgiới thiệu
(View: 6922)
Cảm Đức Từ Bi - tác giả Huỳnh Kim Quang
(View: 7998)
Một bản dịch về Thiền Nhật Bản vừa ấn hành tuần này. Sách nhan đề “Thiền Lâm Tế Nhật Bản” của tác giả Matsubara Taidoo. Bản Việt dịch do Hòa Thượng Thích Như Điển thực hiện.
(View: 7311)
Tuyển tập “Bát Cơm Hương Tích” của Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng là một phần lớn của đời tác giả, ghi lại những gì Thầy mắt thấy tai nghe một thời và rồi nhớ lại...
(View: 6764)
Quyển sách "Hãy làm một cuộc cách mạng" trên đây của Đức Đạt-lai Lạt-ma khởi sự được thành hình từ một cuộc phỏng vấn mà Ngài đã dành riêng cho một đệ tử thân tín là bà Sofia Stril-Rever vào ngày 3 tháng giêng năm 2017.
(View: 9111)
THIỀN QUÁN VỀ SỐNG VÀ CHẾT - Cẩm Nang Hướng Dẫn Thực Hành - The Zen of Living and Dying A Practical and Spiritual Guide
(View: 6602)
Mùa An Cư Kiết Hạ năm 2016 nầy tôi bắt đầu viết tác phẩm thứ 67 để sang năm 2017 xuất bản với nhan đề là "Nước Mỹ bao lần đi và bao lần đến"
(View: 6104)
Người đứng mãi giữa lòng sông nhuộm nắng, Kể chuyện gì nơi ngày cũ xa xưa, Con bướm nhỏ đi về trong cánh mỏng, Nhưng về đâu một chiếc lá xa mùa (Tuệ Sỹ)
(View: 15055)
TĂNG GIÀ THỜI ĐỨC PHẬT Thích Chơn Thiện Nhà xuất bản Phương Đông
(View: 21464)
Người học Phật có được một tài liệu đầy đủ, chính xác, đáng tin cậy, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ tra cứu khi cần...
(View: 7535)
Tác phẩm nầy chỉ gởi đến những ai chưa một lần đến Mỹ; hoặc cho những ai đã ở Mỹ lâu năm; nhưng chưa một lần đến California...
(View: 7236)
Từ Mảnh Đất Tâm - Huỳnh Kim Quang
(View: 6826)
Một năm lại sắp trôi qua với những vết tích điêu tàn, khổ nạn để lại trên khắp trái đất. Nhìn lại, chúng ta không khỏi giật mình, và chạnh lòng thương tưởng
(View: 6901)
Chung trà cuối năm uống qua ngày đầu năm. Sương lạnh buổi sớm len vào cửa sổ. Trầm hương lãng đãng quyện nơi thư phòng..
(View: 6428)
Một năm lại sắp trôi qua với những vết tích điêu tàn, khổ nạn để lại trên khắp trái đất. Nhìn lại, chúng ta không khỏi giật mình, và chạnh lòng thương tưởng
(View: 8019)
Nước lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về, lại thêm nước từ đập thủy điện ồ ạt xả ra. Dân không được báo trước.
(View: 7954)
Trải hơn 25 thế kỷ, Chánh Pháp của Phật vẫn được tuyên dươnglưu truyền bởi hàng đệ tử xuất gia lẫn tại gia, đem lại giải thoátgiác ngộ cho...
(View: 9132)
Là người mới bắt đầu học Phật hoặc đã học Phật nhưng chưa thấm nhuần Phật pháp chân chính, chúng tôi biên soạn...
(View: 6955)
Hôm nay là ngày 10 tháng 6 năm 2015, tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc, tôi bắt đầu viết tác phẩm thứ 65 của mình...
(View: 7325)
Bắt đầu vào hạ, trời nóng bức suốt mấy ngày liền. Bãi biển đông người, nhộn nhịp già trẻ lớn bé. Những chiếc...
(View: 11054)
Phật giáo ra đời từ một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại - Ấn Độ - và nhanh chóng phổ biến tại các nước phương Đông...
(View: 21117)
Trong tập sách nhỏ này tôi đã bàn đến hầu hết những gì mọi người đều công nhậngiáo lý tinh yếu và căn bản của Đức Phật... Con Đường Thoát Khổ - Đại đức W. Rahula; Thích Nữ Trí Hải dịch
(View: 30877)
Tôi cảm động, vì sống trong đạo giải thoát tôi đã tiếp nhận được một thứ tình thiêng liêng, trong sáng; một thứ tình êm nhẹ thanh thoát đượm ngát hương vị lý tưởng...
(View: 16786)
Tập sách do Minh Thiện và Diệu Xuân biên soạn
(View: 20521)
Phật GiáoVũ Trụ Quan (PDF) - Tác giả: Lê Huy Trứ
(View: 11523)
Hạnh Mong Cầu (sách PDF) - Lê Huy Trứ
(View: 15210)
Đọc “Dấu Thời Gian” không phải là đọc sự tư duy sáng tạo mà là đọc những chứng tích lịch sử thời đại, chứng nhân cùng những tâm tình được khơi dậy trong lòng tác giả xuyên qua những chặng đường thời gian...
(View: 8173)
Báo Chánh Pháp Số 48 Tháng 11/2015
(View: 10897)
Nguyệt san Chánh Pháp Tháng 10 năm 2015
(View: 8300)
Báo Chánh Pháp Số 46 Tháng 9/2015 - Chuyên đề Vu Lan - Mùa Báo Hiếu
Quảng Cáo Bảo Trợ
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM