Các “Tăng sĩ phát triển” ở vùng Isan đang giúp đỡ những người dân nghèo trong các nhu cầu về kinh tế, giáo dục. Họ là những minh chứng sống động cho lý do tại sao các nhà sư vẫn có vị thế quan trọng.
Ba vị “Tăng sĩ phát triển”
Sư Luang Por Ang là vị trụ trì lớn tuổi của chùa Huay Bueng ở
huyện Dan Khun Thot, Nakhon Ratchasima cho hay: “Tôi chỉ có học xong lớp 4. Tôi chưa bao giờ nghĩ như vậy là thiệt thòi. Tuy nhiên, sự khó khăn luôn hiện rõ xung quanh tôi. Ngay từ khi tôi mới trở thành một tu sĩ, tôi luôn tự hỏi mình rằng, tôi có thể làm gì để đền đáp lại ân tình của những người dân quê nghèo khó, những người đã nuôi dưỡng tôi”.
Sư
đã hướng dẫn dân làng xây dựng đường sá và cầu cống để người bệnh có thể đi đến bệnh viện và nông dân có thể buôn bán nông sản của họ. Sư đã thành lập kho dự trữ thuốc chữa bệnh, và học cách sử dụng kim tiêm để chữa bệnh cho dân nghèo khi cần thiết.
Sư còn tự học làm thợ máy
để sửa chữa máy móc, học làm thợ xây để xây dựng nhà cửa, và sẵn sàng đi làm ruộng bất cứ khi nào những cánh đồng lúa cần thêm lao động. Sư đã
giúp dân làng xây dựng quỹ tiết kiệm cộng đồng và các quỹ phúc lợi xã hội. Sư còn thành công trong việc thuyết phục người dân hiến tặng đất để
xây dựng một hồ chứa để sử dụng cho những mục đích nông nghiệp.
Khi
hoàng hôn buông xuống, các vị Tăng sĩ hoàn thành nhiệm vụ trong ngày của mình bằng cách thuyết giảng cho dân làng nghe về việc áp dụng giáo pháp của Đức Phật vào trong đời sống của mỗi người.
Bên cạnh sư Luang Por Ang còn có sự hỗ trợ của các vị “Tăng sĩ phát triển” khác, như
là sư Phra Kru Amornchaikhun ở chùa Asom Dhamatayat tại Korat, Thái Lan, và sư Luang Por Chair. Các sư đã cộng tác với nhau rất khăng khít và đã giúp xây dựng khu dân cư trong vùng ngày càng phát triển. So với 40 năm về trước, Isan ngày nay đã thay đổi nhiều.
Sư Phra Kru Somsri, trụ trì chùa Bhodhikaram Roi Et, cho hay: Kiến thức - cả về kỹ thuật công nghệ và kỹ năng quản lý - hiện đóng vai trò quan trọng.
Ngôi
chùa của sư Phra Kru Somsri sinh hoạt như một trung tâm giáo dục không chính thức, cung cấp một loạt các chương trình đào tạo nghề miễn phí, điều này đã đem đến cho lớp thanh niên những kỹ năng và cơ hội mới.
Chùa
còn thành lập một cửa hàng tạp hóa cộng đồng, do dân làng quản lý, hoạt
động như là một hợp tác xã. Quỹ tiết kiệm cộng đồng cũng đã phát triển thành một ngân hàng cộng đồng, vận hành một cách minh bạch bởi một Ủy ban do dân làng bầu ra, nhằm cung cấp các khoản vay với lãi suất thấp, và lợi nhuận ấy sẽ đưa vào nguồn quỹ phúc lợi xã hội.
Khi cấu trúc quản lý mở, mang tính cộng đồng đã được sắp đặt ổn định thì cộng đồng có thể đối phó với bất kỳ thách thức mới nào, bao gồm cả việc phân chia đảng phái chính trị. Sư Phra Kru Somsri vui vẻ nói thêm: “Khi ở trong chùa, họ cũng có cơ hội để cầu nguyện, để phản quan tự kỷ, để gần gũi với giáo pháp nhằm hướng dẫn cuộc sống của họ”.
Nguyên Quý (Theo Bangkok Post)