CUỘC ĐỜI TRƯỚC MẶT
Lời dịch: Ông Không
PHẦN MỘT
XVI
C |
húng ta đã và đang nói về những nhân tố gây thoái hóa trong sự tồn tại của con người, và chúng ta đã nói rằng sợ hãi là một trong những nguyên nhân cơ bản của sự thoái hóa này. Chúng ta cũng đã nói rằng sự tuân phục vào uy quyền trong bất kỳ hình thức nào, dù tự áp đặt hay được thiết lập từ phía bên ngoài, cũng như bất kỳ hình thức nào của sự bắt chước, sự sao chép, đều gây hủy hoại cho sáng kiến khởi đầu, cho sự sáng tạo, và nó ngăn cản sự khám phá của cái gì là sự thật.
Sự thật không là cái gì đó mà có thể được theo đuổi; nó phải được khám phá. Bạn không thể tìm ra sự thật trong bất kỳ quyển sách nào hay qua bất kỳ sự tích lũy của trải nghiệm nào. Như ngày hôm trước chúng ta đã bàn luận, khi trải nghiệm trở thành một ghi nhớ, sự ghi nhớ đó hủy diệt sự hiểu rõ sáng tạo. Bất kỳ cảm thấy nào của hận thù hay ganh tỵ, dù nó có lẽ yếu ớt đến chừng nào, cũng hủy diệt sự hiểu rõ sáng tạo này mà nếu không có nó không có hạnh phúc. Hạnh phúc không thể được mua bán, nó cũng không đến khi bạn theo đuổi nó; nhưng nó hiện diện ở đó khi không có xung đột.
Lúc này, liệu không quan trọng, đặc biệt trong khi chúng ta vẫn còn ở trong trường học, phải bắt đầu hiểu rõ ý nghĩa của những từ ngữ, hay sao? Từ ngữ, biểu tượng, đã trở thành một việc hủy diệt nhất cho hầu hết chúng ta, và chúng ta không nhận biết được điều này. Bạn biết tôi có ý gì qua từ ngữ biểu tượng? Biểu tượng là cái bóng của sự thật? Ví dụ, cái đĩa hát không là tiếng nói thực sự; nhưng tiếng nói đã được thâu vào cái đĩa, và chúng ta lắng nghe cái này. Từ ngữ, biểu tượng, hình ảnh, ý tưởng không là sự thật; nhưng chúng ta tôn sùng hình ảnh, chúng ta tôn thờ biểu tượng, chúng ta trao tặng ý nghĩa vô cùng cho từ ngữ, và tất cả điều này rất hủy hoại; bởi vì, lúc đó từ ngữ, biểu tượng, hình ảnh trở thành quan trọng nhất. Đó là lý do tại sao những đền chùa, những nhà thờ, và vô vàn những tổ chức tôn giáo khác nhau cùng những biểu tượng, những niềm tin và những giáo điều của chúng, đã trở thành những nhân tố ngăn cản cái trí không vượt khỏi và khám phá sự thật. Vì vậy, đừng bị trói buộc trong những từ ngữ, trong những biểu tượng, mà một cách tự động vun quén thói quen. Thói quen là một nhân tố hủy diệt nhất; bởi vì khi bạn muốn suy nghĩ một cách sáng tạo, thói quen chen vào cản trở.
Có lẽ bạn không hiểu rõ toàn ý nghĩa của điều gì tôi đang trình bày; nhưng bạn sẽ hiểu rõ, nếu bạn suy nghĩ về nó. Thỉnh thoảng hãy ra ngoài dạo bộ một mình và suy nghĩ ra những điều này. Hãy tìm ra nó có nghĩa gì qua từ ngữ như ‘sống’, ‘Thượng đế’, ‘bổn phận’, ‘đồng-hợp tác’ – tất cả những từ ngữ lạ thường đó mà chúng ta sử dụng quá cẩu thả.
Bạn có khi nào tự hỏi chính mình từ ngữ ‘bổn phận’ có nghĩa gì? Bổn phận đối với cái gì? Đối với những người lớn tuổi, đối với điều gì mà truyền thống nói: bạn phải hy sinh vì cha mẹ của bạn, vì quốc gia của bạn, vì những Thượng đế của bạn. Từ ngữ ‘bổn phận’ đó đã trở thành có ý nghĩa cực kỳ đối với bạn, đúng chứ? Nó chứa đầy ý nghĩa được áp đặt vào bạn. Bạn đã được dạy bảo rằng bạn có một bổn phận đối với quốc gia của bạn, đối với những Thượng đế của bạn, đối với người hàng xóm của bạn; nhưng điều gì còn quan trọng hơn từ ngữ ‘bổn phận’ là tìm ra cho chính bạn sự thật là gì. Cha mẹ và xã hội của bạn sử dụng từ ngữ ‘bổn phận’ như một phương tiện của đúc khuôn bạn, định hình bạn tùy theo những đặc điểm riêng của họ, những thói quen thuộc suy nghĩ riêng của họ, những ưa thích và không ưa thích của họ, nhờ đó hy vọng bảo đảm sự an toàn riêng của họ. Vì vậy, hãy dành ra chút ít thời gian, hãy kiên nhẫn, hãy phân tích, hãy thâm nhập tất cả điều này và tìm ra cho chính bạn điều gì là đúng thật. Đừng chỉ chấp nhận từ ngữ ‘bổn phận’, bởi vì nơi nào có ‘bổn phận’, không có tình yêu.
Tương tự như thế, hãy thâm nhập từ ngữ ‘đồng hợp tác’. Chính thể muốn bạn đồng hợp tác cùng nó. Nếu bạn đồng hợp tác cùng cái gì đó mà không hiểu rõ, bạn chỉ đang bắt chước, đang sao chép. Nhưng nếu bạn hiểu rõ, nếu bạn tìm ra sự thật của điều gì đó, vậy thì trong đồng hợp tác bạn đang sống cùng nó, đang chuyển động cùng nó; nó là bộ phận của bạn.
Vì vậy, rất cần thiết phải nhận biết được những từ ngữ, những biểu tượng, những hình ảnh mà đang làm què quặt sự suy nghĩ của bạn. Nhận biết được chúng và tìm ra liệu bạn có thể vượt khỏi chúng là điều cốt lõi nếu bạn muốn sống một cách sáng tạo, một cách hợp nhất.
Bạn biết, chúng ta cho phép từ ngữ ‘bổn phận’ giết chết chúng ta. Ý tưởng rằng bạn có một bổn phận đối với cha mẹ của bạn, đối với những nguời thân thuộc, đối với quốc gia, hy sinh bạn. Nó bắt buộc bạn ra ngoài để chiến đấu, để giết chết, và bị giết chết hay bị tàn phế. Người chính trị, người lãnh đạo nói rằng rất quan trọng phải hủy diệt những người khác để bảo vệ cộng đồng, quốc gia, học thuyết hay cách sống; thế là giết chóc trở thành bổn phận của bạn, và chẳng mấy chốc bạn bị cuốn hút vào tinh thần quân đội. Tinh thần quân đội khiến cho bạn vâng lời, thuộc thân thể nó khiến cho bạn rất kỷ luật; nhưng phía bên trong cái trí của bạn từ từ bị hủy diệt bởi vì bạn đang bắt chước, đang sao chép, đang tuân theo. Bạn trở thành một công cụ duy nhất của những người lớn tuổi, của người chính trị, một dụng cụ của sự tuyên truyền. Bạn có được sự chấp thuận giết chóc để bảo vệ tổ quốc của bạn như một điều không thể tránh khỏi bởi vì người nào đó đã nói điều đó là cần thiết. Nhưng không đặt thành vấn đề ai nói đó là cần thiết, bạn không nên suy nghĩ ra nó rất rõ ràng cho chính bạn, hay sao?
Chắc chắn, giết chóc là hành động thoái hóa và hủy diệt nhất trong sống, đặc biệt khi giết chết một con người khác; bởi vì khi bạn giết chóc, bạn đầy hận thù, dù bạn nói bạn có lý luận nó đến chừng nào, và bạn cũng tạo ra hận thù trong những người khác. Bạn có thể giết chóc bằng một từ ngữ cũng như bằng một hành động; và giết chết những người khác không bao giờ giải quyết được bất kỳ vấn đề nào của chúng ta. Chiến tranh đã không bao giờ chữa trị được những bệnh tật thuộc xã hội hay kinh tế của chúng ta, nó cũng không tạo ra sự hiểu rõ lẫn nhau trong sự liên hệ của con người; và tuy nhiên toàn thế giới này đều luôn luôn đang chuẩn bị cho chiến tranh. Nhiều lý luận được đưa ra để bào chữa vấn đề tại sao lại cần thiết phải giết chết những con người; và cũng có nhiều lý luận để không giết chóc. Nhưng đừng bị trôi giạt đi bởi bất kỳ lý lẽ nào; bởi vì hôm nay bạn có lý luận tốt lành cho việc không giết chóc, và ngày mai bạn có lẽ có lý luận còn mạnh mẽ hơn nhiều cho việc giết chóc.
Trước hết, hãy thấy sự thật của nó, hãy cảm thấy không giết chóc là cần thiết biết chừng nào. Không cần lưu tâm điều gì có lẽ được giải thích bởi những người khác, từ uy quyền cao nhất đến uy quyền thấp nhất, hãy tìm ra cho chính bạn sự thật của vấn đề; và khi phía bên trong bạn được rõ ràng về nó, vậy thì bạn có thể lý luận ra những chi tiết. Nhưng đừng khởi sự bằng một lý luận, bởi vì mọi lý luận có thể được gặp gỡ bởi một lý luận ngược lại và bạn sẽ bị trói buộc trong mạng lưới của lý luận. Điều quan trọng là thấy một cách trực tiếp cho chính bạn sự thật là gì; và sau đó bạn có thể bắt đầu sử dụng lý luận. Khi bạn nhận biết được cho chính bạn điều gì là đúng thật; khi bạn biết rằng giết chết một người khác không là tình yêu; khi phía bên trong bạn cảm thấy sự thật rằng phải không có hận thù trong sự liên hệ với một người khác của bạn, vậy thì không lý luận nào có thể hủy diệt sự thật đó. Vậy thì, không người chính trị, không người giáo sĩ, không người cha hay người mẹ nào có thể hy sinh bạn cho một ý tưởng hay cho sự an toàn riêng của họ.
Những người lớn tuổi luôn luôn hy sinh những nguời trẻ tuổi; và đến phiên của bạn, khi bạn lớn lên, bạn sẽ hy sinh những người trẻ tuổi. Bạn không muốn kết thúc sự hy sinh này, hay sao? Bởi vì nó là cách hủy diệt nhất của sống, nó là một trong những nhân tố nghiêm trọng nhất của sự thoái hóa của con người. Muốn kết thúc nó, bạn, như một cá thể phải tìm ra sự thật cho chính bạn. Không phụ thuộc vào bất kỳ nhóm người hay tổ chức nào, bạn phải khám phá sự thật của không giết chóc, của không hận thù, của cảm thấy tình yêu. Vậy thì, không những từ ngữ nào, không những lý luận xảo quyệt nào có thể dụ dỗ bạn giết chóc hay hy sinh một người khác.
Vì vậy, rất quan trọng, trong khi bạn còn trẻ tuổi, phải suy nghĩ ra, phải cảm thấy tất cả những điều này cho chính bạn, và thế là đặt nền tảng cho sự khám phá của sự thật.
Người hỏi: Mục đích của sự sáng tạo là gì?
Krishnamurti: Bạn thực sự quan tâm điều đó? Bạn có ý gì qua từ ngữ ‘sáng tạo’? Mục đích của sống là gì? Tại sao bạn sống, đọc sách, học hành, vượt qua những kỳ thi? Mục đích của sự liên hệ là gì – sự liên hệ của cha mẹ và con cái, của người chồng và người vợ? Sống là gì? Liệu đó là điều gì bạn có ý khi bạn đặt ra câu hỏi này, ‘Mục đích của sự sáng tạo là gì?’ Khi nào bạn đặt ra một câu hỏi như thế? Khi phía bên trong bạn không thấy rõ ràng, khi bạn bị rối loạn, đau khổ, tối tăm, khi bạn không nhận biết hay cảm thấy sự thật của vấn đề cho chính bạn, lúc đó bạn muốn biết mục đích của sống là gì.
Lúc này, có nhiều người sẽ bảo cho bạn mục đích của sống; họ sẽ bảo cho bạn điều gì những quyển sách thiêng liêng đã nói. Những người khôn ngoan sẽ tiếp tục sáng chế những mục đích khác nhau của sống. Nhóm chính trị sẽ có một mục đích, nhóm tôn giáo sẽ có một mục đích khác, và vân vân và vân vân. Và làm thế nào bạn sẽ tìm được mục đích của sống là gì khi chính bạn bị hoang mang? Chắc chắn, chừng nào bạn còn bị hoang mang, bạn chỉ có thể nhận được một đáp án mà cũng là hoang mang. Nếu cái trí của bạn bị rối loạn, nếu nó không thực sự yên lặng, bất kỳ đáp án nào bạn nhận được sẽ qua bức màn này của rối loạn, lo âu, sợ hãi; thế là, đáp án sẽ bị biến dạng. Vì vậy điều quan trọng là không phải hỏi mục đích của sống là gì, nhưng dọn dẹp sự rối loạn bên trong bạn. Nó giống như một người mù lòa đang hỏi, ‘Ánh sáng là gì?’ Nếu tôi cố gắng bảo cho anh ấy ánh sáng là gì, anh ấy sẽ lắng nghe tùy theo sự mù lòa của anh ấy, tùy theo sự tối tăm của anh ấy; nhưng từ khoảnh khắc anh ấy có thể thấy, anh ấy sẽ không bao giờ hỏi ánh sáng là gì. Nó hiện diện ở đó.
Tương tự như thế, nếu bạn có thể dọn dẹp sự rối loạn bên trong bạn, lúc đó bạn sẽ tìm được mục đích của sống là gì; bạn sẽ không phải hỏi, bạn sẽ không phải tìm kiếm nó. Muốn được tự do khỏi sự rối loạn bạn phải thấy và hiểu rõ những nguyên nhân tạo ra sự rối loạn; và những nguyên nhân của sự rối loạn rất rõ ràng. Chúng bị bám rễ trong ‘cái tôi’ mà luôn luôn đang mong muốn tự-bành trướng chính nó qua sở hữu, qua trở thành, qua thành công, qua bắt chước; và những triệu chứng là sự ghen tuông, ganh tỵ, tham lam, sợ hãi. Chừng nào còn có sự rối loạn phía bên trong này, bạn luôn luôn đang tìm kiếm những đáp án phía bên ngoài; nhưng khi sự rối loạn phía bên trong được dọn dẹp, vậy thì bạn sẽ biết ý nghĩa của sống.
Người hỏi: Nghiệp là gì?
Krishnamurti: Nghiệp là một trong những từ ngữ kỳ lạ mà chúng ta sử dụng, nó là một trong những từ ngữ mà sự suy nghĩ của chúng ta bị trói buộc. Người nghèo khổ phải chấp nhận sống theo một lý thuyết. Anh ấy phải chấp nhận sự khổ cực, đói khát, tồi tàn, bởi vì anh ấy không được ăn uống đầy đủ và không có năng lượng để phá vỡ và sáng tạo một cách mạng. Anh ấy phải chấp nhận điều gì sống trao tặng anh ấy, và vì vậy anh ấy nói, ‘Nó là nghiệp của tôi để phải sống như thế này’; và những người chính trị, những người quan trọng, khuyến khích anh ấy chấp nhận sự khổ cực của anh ấy. Bạn không muốn anh ấy phản kháng chống lại tất cả điều này, đúng chứ? Nhưng khi bạn trả cho người nghèo khổ quá ít ỏi trong khi bạn có quá nhiều, đó là điều rất có thể xảy ra; thế là bạn sử dụng từ ngữ nghiệp vì mục đích khuyến khích sự chấp nhận thụ động của anh ấy về sự khổ cực trong sống của anh ấy.
Con người có giáo dục, con người đã đạt được, con người đã thừa hưởng, đã đến tột đỉnh của mọi việc, con người có quyền hành, địa vị và những phương tiện của tham nhũng – anh ấy cũng nói, ‘Nó là nghiệp của tôi. Tôi đã tử tế trong một đời trước và bây giờ tôi đang gặt được phần thưởng của hành động quá khứ của tôi’.
Nhưng liệu đó là ý nghĩa của từ ngữ nghiệp – chấp nhận những sự việc như chúng là? Bạn hiểu rõ chứ? Nghiệp có nghĩa chấp nhận những sự việc như chúng là mà không nghi ngờ, mà không một tia lửa của phản kháng – mà là thái độ nhiều người chúng ta có? Vì vậy, bạn thấy quá dễ dàng làm sao khi những từ ngữ nào đó trở thành một mạng lưới mà chúng ta bị trói buộc trong nó, bởi vì chúng ta không thực sự đang sống. Ý nghĩa thực sự của từ ngữ nghiệp đó không thể được hiểu rõ như một lý thuyết; nó không thể được hiểu rõ nếu bạn nói, ‘Đó là điều gì kinh Bhagavad Gita nói’.
Bạn biết, ‘Cái trí so sánh là cái trí dốt nát nhất trong tất cả, bởi vì nó không suy nghĩ; nó chỉ nói, ‘Tôi đã đọc một quyển sách như thế, và điều gì ông nói cũng giống như nó’. Khi bạn nói điều này, bạn đã không còn suy nghĩ; khi bạn so sánh, bạn không còn thâm nhập để tìm ra điều gì là đúng thật, không liên quan gì đến bất kỳ quyển sách đặc biệt hay vị đạo sư nào đã nói. Vì vậy, điều gì quan trọng là quẳng đi tất cả những uy quyền và hãy thâm nhập, hãy tìm ra, và không so sánh. So sánh là sự tôn sùng của uy quyền, nó là sự bắt chước, không suy nghĩ. So sánh là chính bản chất của cái trí mà không thức dậy để khám phá điều gì là đúng thật. Bạn nói, ‘Đó là như thế, nó giống như điều gì đã được nói bởi Phật’, và bạn nghĩ thế là bạn đã giải quyết được những vấn đề của bạn. Nhưng muốn thực sự khám phá được sự thật của bất kỳ thứ gì, bạn phải cực kỳ năng động, mãnh liệt, tự tin; và bạn không thể có sự tự tin chừng nào bạn còn đang suy nghĩ một cách so sánh. Làm ơn, hãy lắng nghe tất cả điều này. Nếu không có sự tự tin, bạn không còn tất cả khả năng để thâm nhập và tìm ra điều gì là đúng thật. Sự tự tin mang lại một tự do nào đó để cho bạn khám phá; và khám phá đó bị khước từ bởi chính bạn khi bạn đang so sánh.
Người hỏi: Liệu có một yếu tố nào đó của sợ hãi trong sự kính trọng?
Krishnamurti: Bạn nói gì? Khi bạn thể hiện sự kính trọng đối với giáo viên của bạn, cha mẹ của bạn, vị đạo sư của bạn, và không kính trọng đối với người giúp việc của bạn; khi bạn xua đuổi những người không quan trọng đối với bạn, và liếm giầy những người trên bạn, những viên chức, những người chính trị, những người quan trọng – không có một yếu tố của sợ hãi trong việc này, hay sao? Từ những người quan trọng, từ giáo viên, người giám thị, người giáo sư, từ cha mẹ của bạn, từ người chính trị hay người giám đốc ngân hàng, bạn hy vọng kiếm được cái gì đó; vì vậy, bạn kính trọng. Nhưng những người nghèo khổ có thể cho bạn cái gì? Thế là những người nghèo khổ bạn không thèm lưu tâm, bạn đối xử với họ đầy khinh miệt, thậm chí bạn không cần biết họ tồn tại ở đó khi họ đi ngang qua bạn ngoài đường phố. Bạn không thèm nhìn họ, nó không liên quan đến bạn khi họ run lập cập vì lạnh lẽo, khi họ bẩn thỉu hay đói khát. Nhưng bạn sẽ biếu xén cho những người quan trọng, cho những người vĩ đại của quốc gia, thậm chí khi bạn chẳng có bao nhiêu, vì mục đích để kiếm được nhiều thêm nữa ân huệ của họ. Trong việc này, dứt khoát có một yếu tố của sợ hãi, đúng chứ? Không có tình yêu. Nếu bạn có tình yêu trong quả tim của bạn, bạn sẽ bày tỏ sự kính trọng của bạn đối với những người không có gì cả cũng như những người có mọi thứ; bạn không sợ hãi những người giàu có cũng như không khinh miệt những người nghèo khổ. Sự kính trọng trong hy vọng nhận được phần thưởng là kết quả của sự sợ hãi. Trong tình yêu không có sợ hãi.