Nắm Hạt Trai
Thuật giả: Thích Tâm Nguyên
Hôm nay theo thứ lớp khất thực Ðạo sĩ A La phải đặt chân vào một chiếc cổng cổ kính, nhưng không kém phần tráng lệ và mỹ thuật của một thương gia, có tiếng chuyên môn buôn bán lớn về ngọc ngà vàng bạc.
Ðạo sĩ đưa chiếc gậy tre ấn nhẹ cánh cổng, rồi khoan thai bước vào! Người thong thả rảo bước theo hàng dậu, để lần đến một nếp nhà cao sang nằm chễnh chề giữa một khu vườn vuông vắn.
Chung quanh người hoa lá đang nhộn nhịp trong nắng sớm và trước mắt người cảnh giàu sang đang phô bày diễm lệ. Nhưng bình minh trong sạch như lòng, Ðạo sĩ vẫn trầm tĩnh, nét mặt vẫn bình dị, đôi mắt người vẫn dịu hiền và cả nụ cười không thay đổi ý nghĩa giải thoát của một nhà ÐẠO SĨ.
Xa xa, đàn ngỗng trắng đang đùa giỡn trên đám cỏ xanh mềm; bỗng chúng cất tiếng kêu vang, làm ngừng tay viên thương chủ, giữa lúc chàng mãi chọn lấy hạt trai, để xâu lại thành chuỗi… Ðạo sĩ khất thực!
Cả một hình dáng yên lành và thanh tịnh đang nhẹ tiến về phía chàng… sung sướng, chàng để luôn cả nắm hạt trai xuống đất, chắp tay vái chào Ðạo sĩ, rồi vội vàng đi lấy cơm dâng cúng cho người.
Trong lúc ấy, đàn ngỗng đứng bên cạnh, trông thấy nắm hạt trai óng ả chúng lầm tưởng một món ăn ngon, quên cả sự có mặt của Ðạo sĩ, một con lớn nhất trong đàn, lanh lẹ chạy đến và đớp đại lấy nắm hại trai… Ðạo sĩ hoảng hốt đưa tay đuổi… nhưng muộn lắm rồi, cả nắm hạt trai, trong nháy mắt, đã dễ dàng trôi qua cổ họng con ngỗng khốn nạn.
Trong trường hợp này, Ðạo sĩ tự thấy lo ngại, nhưng người trầm tĩnh lại ngay và yên lặng chờ đợi.
Giữa lúc ấy, chàng thương chủ đã từ nhà đi ra, mang theo một bát cơm sốt dẻo. Chàng cung kính quỳ trước Ðạo sĩ để dâng cúng cho người.
Nhưng chàng bỗng sửng sốt kinh lạ khi nhìn lại nơi chàng để nắm hạt trai. Một lần nữa chàng đưa mắt nhìn kỹ xung quanh, và nhìn lại nơi đã để hạt trai, rồi bỗng chàng đưa mắt lên nhìn Ðạo sĩ, mà người đang yên lặng đứng trước mặt chàng.
Chàng đứng ngay dậy, tay chàng run lên, mắt chàng như nẩy lửa, và chàng cất tiếng mỉa mai: “Chắc Ðạo sĩ không gì trước cử chỉ thất lễ đột nhiên của tôi chứ? Mong người trả lại nắm hạt trai quý giá cho chúng tôi”.
Trước cử chỉ và lời lẽ của thương chủ, Ðạo sĩ A La vẫn bình tĩnh không trả lời.
Thái độ yên lặng và thản nhiên của Ðạo sĩ, càng làm cho thương chủ tức giận sôi gan, chàng lớn tiếng mắng Ðạo sĩ và gọi gia đình bắt trói Ðạo sĩ lại, đồng thời cho mời hương chức để tra hỏi.
Nhưng Ðạo sĩ vẫn yên lặng chịu đựng, trước những lời lẽ đang nhiên chua chát của thương chủ; trước hình phạt tra tấn của hương chức. Nhưng người sức có hạn. Ðạo sĩ không chịu đựng được nữa, người té xỉu và ngất lịm trên vũng máu.
Giữa lúc ấy con ngỗng trắng khốn nạn kia, bỗng cất cánh bay lại bên Ðạo sĩ, chìa mỏ hút lấy dòng máu. Sẵn cơn tức giận, thương chủ không một thương tâm tha thứ, chàng xách gậy chạy đến và đánh chết ngay con ngỗng… Ðạo sĩ A La vừa hồi tỉnh, nghe động, đưa mắt nhìn sang, người hoảng hốt kêu cứu cho con ngỗng.
Nhưng làm sao kịp nữa; con ngỗng đáng thương của Ðạo sĩ chỉ còn lại cái xác không hồn; động lòng TỪ BI, ÐẠO SĨ cố lấn lại bên thi hài con ngỗng, người đưa tay vỗ về và lâm râm đọc kinh cầu nguyện…
Cử chỉ tự nhiên, thái độ chí thành của Ðạo sĩ trong sự cầu nguyện đã làm cho thương chủ yên lặng quên cả sự đánh mắng. Vài phút sau, Ðạo sĩ A La chống gậy đứng dậy và chậm rãi nói với thương chủ: “Nắm hạt trai của người chính con ngỗng này đã nuốt vào bụng nó, trong khi người vắng mặt”.
Nghe xong, thương chủ vội bảo người nhà đem mổ bụng con ngỗng để chàng xem hư thật.
Quả như lời Ðạo sĩ: Nắm ngọc trai óng ả được đưa ra với nắm ruột khốn nạn của con ngỗng bạc phước.
Thương chủ vừa trông thấy, chàng liền sụp đầu sát chân Ðạo sĩ, cầu xin người mở lượng TỪ BI cho chàng sám hối.
Chàng phân phiền: “Sao Ðạo sĩ không cho tôi biết trước, để tôi lầm lỗi thế này”.
Một câu nói ý nghĩa, đã vội nở trên đôi môi nhà Ðạo sĩ: “Hỡi thương chủ! Lòng TỪ BI không giới hạn, ta đã nguyện mở rộng trước mọi đau khổ của chúng sanh”.
Vì thế, nếu ta đem chuyện con ngỗng lầm dại, nói ngay với người từ trước, như vậy là ta đã gián tiếp giết hại con ngỗng! Việc ấy ta không bao giờ làm.
Vả lại ta không thể trái lời Phật dạy, manh tâm lưu hại cho chúng sanh, chỉ vì sự an lạc của chúng sanh nhỏ hẹp!”.
Thương chủ như mở bừng đôi mắt; đến đây chàng mới nhận rõ cái cử chỉ yên lặng từ trước của Ðạo sĩ là một ý nghĩa cao quí, làm sống lại lời Phật dạy và tỏa rộng đạo TỪ BI.
Chàng tự than: “Nếu tất cả nhân loại chúng sanh, ai cũng biết sống đúng theo lời Phật dạy và thực hành theo hạnh TỪ BI như Ðạo sĩ, thì còn đâu nữa mọi nỗi đau khổ của chúng sanh.
Hơn nữa, nếu biết xem thường vật chất thì đến nỗi nào phải tối tăm và lỗi lầm như chàng đã lầm lỗi”.
Giờ phút này lòng chàng như cởi mở và rộng rãi bao la… Ðưa mắt nhìn về dĩ vãng, chàng cảm thấy đời chàng như một căn phòng tối tăm, thấp thỏi!
Và có lẽ từ đây, chàng không thể sống lại một cuộc đời nhỏ hẹp, chỉ biết bo bo với vàng bạc ngọc ngà; chàng cũng không thể sống lại một cuộc đời nô lệ đầy tội lỗi chỉ biết tìm lạc một cuộc đời cho tự thân… Một ý niệm trong đẹp nẩy nở trên tâm thức: “Chàng phải từ giã tất cả để đền trả tội xưa; chàng phải từ giã tất cả, để làm những gì mà lòng chàng ao ước hoài vọng”.
Ðưa mắt nhìn lại ngôi nhà sang trọng của mình rồi chàng mạnh mẽ hướng về Ðạo sĩ, chàng cúi đầu đảnh lễ, và cầu xin noi chí rộng rãi của người, chàng phát nguyện: “Chàng sẽ là một viên đá nhỏ, trong vô số viên đá khác, để chung góp xây đạo TỪ BI. Chàng sẽ là một tia sáng nhỏ, trong vô số tia sáng khác, để cùng nhau nêu cao lời Phật dạy, để đem lại hạnh phúc giải thoát và giác ngộ cùng khắp cho tất cả mọi loài”.