KHỞI ĐẦU CHO MỘT HÀNH TRÌNH
TƯỜNG THUẬT KHÓA TU BẮC MỸ LẦN THỨ NHẤT TẠI THÀNH PHỐ OXNARD, CALIFORNIA, VÀO CÁC NGÀY 27-31 THÁNG 10 NĂM 2011
Thứ Năm, ngày 27.10.2011
Sau
hơn 5 giờ bay khởi hành từ Toronto, chiếc xe bus chở 56 học viên do TT.
Tâm Hòa hướng dẫn, được ban tổ chức rước từ phi trường Los Angeles, dừng trước sân khách sạn Embassy Suites, thành phố Oxnard vào đúng 3 giờ
chiều thứ Năm, ngày 27.10.2011.
Hành trang cho một chuyến đi xa kéo
dài một tuần không tránh khỏi nặng nề, luộm thuộm. Chợt nghĩ, năm xưa, khi đến nghe pháp, người ngày xưa có từng như thế chăng? Với tăng, ba y một bát, sao quá nhẹ nhàng, thong thả. Hàng chục chiếc va-li hành lý được kéo lê trong cảnh rộn ràng của những phút đầu bỡ ngỡ trong khuôn viên của khách sạn Embassy Suites khá sang trọng, thuộc hướng bắc của thành phố Los. Dưới bầu trời nắng ấm Cali, những học viên nơi xứ lạnh được sự đón tiếp chân tình của phái đoàn tăng ni và cư sĩ hộ đạo nơi bản
xứ. Địa điểm tu học là đây, với những tiện nghi sinh hoạt thường nhật được ban tổ chức chu đáo sắp xếp ổn thỏa cho khoảng gần 400 người gồm cả
tăng ni và học viên đến từ khắp nơi.
Sau các thủ tục ghi danh và nhận chìa khóa phòng, ổn định nơi nghỉ ngơi, ban tổ chức hướng dẫn học viên tới nhà ăn An Lạc Hạnh, cách khách sạn khoảng 1/2 cây số, nằm trong
một khuôn viên xanh mượt mà cỏ và cây. Thả bộ từ nơi tu học đến đó, mọi
người được thưởng thức một khung cảnh thật đẹp, và hít thở khí trời ôn hòa thoáng mát. Dọc đường đi có một lối rẽ ra biển theo con đường trải đầy cát trắng.
Sau giờ dược thực, các học viên như được nạp năng lượng sau một chuyến đi dài. Tỉnh táo về thể chất lẫn tinh thần, các học
viên theo sự sắp xếp của ban tổ chức quy tụ về hội trường của khách sạn
dùng làm nơi bố trí Chánh điện với đầy đủ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, hương đèn, chuông mõ, hoa quả, cờ Phật Giáo và những câu đối khuyến tấn tinh thần tu học của mọi người.
Đúng
7 giờ đêm, thầy-trò mở một cuộc họp thông qua chương trình và quy luật của khóa tu học. Buổi sơ ngộ đầu tiên của Khóa Tu Bắc Mỹ lần thứ nhất diễn ra thật ngắn gọn với những phút đầu trang nghiêm khi hội chúng lắng tâm thành dâng lời niêm hương đảnh lễ Tam Bảo. Sau đó quý Ôn và quý
Thầy lần lượt nói lên những lời tâm sự của riêng mình, tán thán đồng đạo, cũng như không giấu được nỗi vui mừng khi khóa tu học Bắc Mỹ lần thứ nhất này cuối cùng cũng được thành tựu. Tuy nhiên, có mặt lắng nghe những ưu tư của quý thầy mới biết được những khó khăn trở ngại trong tiến trình tìm ra nơi chốn tu học cho số đông, nhất là về địa điểm và tài chánh. Có như vậy mới thấy tinh thần vượt khó của các thành viên hộ
đạo trong ban tổ chức, vì sự lợi lạc cho số đông đã cống hiến hết mình về tâm lực và tài lực. Nhân đây, quý thầy thay nhau nhắc nhở, khuyến tấn
các học viên nên biết trân quý giờ phút tu học ngắn ngủi trong 4 ngày này mà tinh tấn tu tập để gặt hái được nhiều lợi lạc để chia sẻ cho những người thân cũng như sơ chưa có duyên cùng nhau tu học lần này.
Sau
gần hai giờ đồng hồ với những tràng pháo tay khiến hội trường vui rộn bao nhiêu thì giờ đây chỉ trong 15 phút tọa thiền, theo thói quen thường
nhật không thể bỏ, một số học viên lắng lòng để chấn chỉnh lại tâm tư những mong tránh khỏi trăn trở khi sắp phải dỗ giấc ngủ của đêm đầu tiên nơi xứ lạ...
Thứ Sáu, ngày 28.10.2011
Sáng
nay thức dậy lúc 5 giờ để chuẩn bị cho giờ công phu. Thực ra đêm qua chỉ có thể chợp mắt mơ màng vì lạ chỗ. Trên con đường ngắn từ nơi an trú
đến nơi sinh hoạt chung, không thấy sương rơi trong bóng mờ sáng, nhưng
hơi sương thấm lạnh đôi má trần. Chánh điện đã đông những chiếc áo lam yên vị trên tọa cụ. Đúng 6 giờ đại chúng chắp tay trang nghiêm cung đón quý thầy vào trong để hướng dẫn học viên nghi thức công phu sáng. Lời niêm hương trong buổi sáng tinh sương của vị Hòa Thượng chủ sám đã làm tan chảy những khối mờ ảo trong tâm sáng nay. Cùng đại chúng sụp lạy đức
Từ Phụ đang ngự trên tòa cao nhìn xuống đàn con tinh tấn. Chắc Người đang vui lắm khi nhìn hàng Tăng sĩ xuất gia trong màu áo vàng tươi hướng
dẫn đoàn cư sĩ áo lam đảnh lễ Tam Bảo. Đạo tràng ngồi yên như núi, nhiếp tâm theo tiếng hô canh trầm ấm cất cao rồi lan tỏa dần khắp không gian tối mờ khi tất cả các bóng đèn điện được chỉnh độ sáng tới mức thấp
nhất. Cùng hội chúng nhất tâm xưng niệm hồng danh A Di Đà Phật ba lần, rồi không gian chìm dần vào sâu lắng, im lặng như tờ. Mắt trần đã khép lại từ lâu nhưng ánh hào quang chư Phật vẫn còn sáng ngời trên đỉnh tâm thức. Vậy mà chỉ vài phút sau tâm đã lao xao, vọng tưởng biết bao chuyện
trên đời, nhưng rồi lại được sự gia bị của chư Phật và chư Tăng, liền quay về với nhịp thở vào ra, từ đó thấy lại chính mình đang hiện hữu. Khoảng thời gian chánh niệm ấy không lâu, chỉ trong chốc lát, nhưng khi xả thiền với cả một cảm giác an lành vô hạn. Lời tán Phật được hỗ trợ bởi tiếng trống, chiêng và khánh tiếp tục bắt đầu cho thời kinh vi diệu với phẩm Tựa Lăng Nghiêm, rồi bài Sám Quy Mạng cảm động. Dị khẩu đồng âm
của gần 400 người con Phật đã tạo nên một làn sóng vi diệu như hải triều âm ngoài kia đang rì rào vỗ. Nguyện cầu an lành và hồi hướng cho tất cả chúng sanh...
Khi
tâm tư đã được gội rửa sau thời kinh sáng, đại chúng mong đợi lời khai thị của Hòa Thượng Chánh Văn Phòng Hội đồng Giáo phẩm GHPGVNTN-HK, thượng Thắng hạ Hoan. Ngài nhắc nhở rằng Tăng sĩ và Cư sĩ phải có bổn phận đem ánh sáng từ bi trí tuệ đến khắp nơi có mặt của sự đau khổ, đó là trách nhiệm của người đệ tử Phật. Ngoài trách nhiệm với đức Thế Tôn, còn có trách nhiệm với dân tộc Việt Nam. Muốn được vậy, Tăng già phải luôn luôn hòa hợp, đoàn kết, làm lý tưởng cho cư sĩ nương tựa. Đồng thời, Cư sĩ phải tu tập giáo lý thâm diệu giải thoát cho cá thể và mọi người. Cư sĩ phải biết đoàn kết hỗ trợ Tăng già để đạo pháp được trường tồn. Nền tảng của con đường đó là văn, tư, tu. Nhắm vào con đường hợp tác tu tập của hai giới xuất gia và tại gia, nên GHPGVNTN Hoa Kỳ và Canada đã hợp tác cùng nhau mở Khóa Tu học Phật Pháp Bắc Mỹ lần thứ nhất
này, để trao đổi kinh nghiệm giữa đời và đạo, cùng nhau đốt sáng ngọn đuốc của đức Thế Tôn.
Một tràng pháo tay để ghi nhớ lời Hòa thượng dạy dỗ. Sau đó là giờ thiền hành và tập thể dục buổi sáng do một vị tăng
và một vị ni hướng dẫn. Học viên chia thành hai nhóm, nhóm theo thầy Phổ Khai xuống biển Mandalay, nhóm vào công viên dưới sự hướng dẫn của ni sư Khánh An. Một thân thể khỏe khoắn sẽ mang lại một tinh thần lành mạnh. Một buổi sáng thân và tâm đều được khởi động điều hòa, hy vọng mọi
người sẽ có những giờ cầu nguyện và tu học hiệu quả như ý.
Sau giờ điểm tâm tại nhà hàng của khách sạn, đại chúng trở lại Chánh điện vào lúc 9 giờ sáng cùng ngày để làm Lễ Khai Mạc chính thức Khóa Tu Học Phật Pháp Bắc Mỹ lần thứ nhất năm 2011.
Đạo tràng y áo trang nghiêm, chỉnh
tề hàng ngũ, chắp tay niệm hồng danh Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật để cung nghinh chư tôn giáo phẩm, chư Trưởng lão Hòa thượng, Thượng Tọa, Đại đức, Tăng Ni từ ngoài tiền sảnh vào chánh điện. Khi đoàn áo vàng đông đủ trước tôn tượng Như Lai, lễ khai mạc bắt đầu bằng nghi thức chào cờ Mỹ, Việt và Phật Giáo kỳ. Nhạc vừa dứt, phút nhập Từ Bi Quán để quán chiếu công ơn hai ngàn năm Chư lịch Đại Tổ Sư gầy dựng Phật Giáo nước nhà, để nhớ công ơn chư vị tiền bối hải ngoại đã dày công xây dựng Phật Giáo nơi xứ người, tưởng nhớ các anh hùng chiến sĩ vị quốc vong thân và đặc biệt cầu nguyện cho nền kinh tế khủng hoảng toàn cầu sớm được phục hồi.
Sau
phút Từ Bi Quán là phần giới thiệu chư tôn đức Tăng Ni. Tính tới thời điểm này, ban tổ chức đã nêu danh khoảng 45 chư vị tăng ni chủ yếu đến từ Hoa Kỳ và Canada, trong số đó có vài vị đến từ Đức quốc và Na Uy (xin
cáo lỗi vì không thể liệt kê danh sách khá dài trong bài tường thuật này, xin xem thêm tin tức phần hình ảnh khóa tu để biết thêm chi tiết quý danh từng vị). Và nghe đâu những ngày kế tiếp sẽ có thêm khoảng 50 vị Tăng Ni trẻ cũng về đây cùng tu học với đại chúng.
Tiếp
theo, Hòa Thượng Thích Thông Hải, Trưởng ban tổ chức Khóa tu học Phật Pháp Bắc Mỹ lần thứ nhất, được mời đọc diễn văn Khai Mạc. Trước khi đọc bài Diễn văn khai mạc, Hòa Thượng đã nêu khái quát quá trình hình thành các đạo tràng Phật học tại hải ngoại, tri ân các bậc tôn sư đi trước đã kiến tạo, giữ gìn và phát triển Phật giáo trên xứ người. Hòa thượng cũng
giới thiệu sự kiện lịch sử của các Khóa Tu Phật Pháp Châu Âu, cũng như Khóa Tu Phật Pháp Úc Châu và Tân Tây Lan. Qua đó, Hòa thượng muốn nhắn gửi đến hàng học viên rằng, chìa khóa của người con Phật trong tất cả mọi hoàn cảnh, mọi quốc gia và thời đại là Tuệ học qua Văn, Tư, Tu. “Khóa Tu Học Phật Pháp Bắc Mỹ do chư tôn đức Tăng Ni tại Hoa Kỳ và Canada phối hợp tổ chức không ngoài mục đích trao đến quý học viên phật-tử chiếc chìa khóa ấy. Có được chìa khóa trên tay, quý vị có thể vững tin nơi kiến giải và tư duy của mình; kiểm soát và điều hướng lời nói, hành động, cũng như đời sống thường nhật của mình theo chánh đạo; và tinh tấn thực hiện chánh niệm, chánh định để đạt được an lạc, hạnh phúc chân thật trong hiện tại và tương lai.”
Tràng
vỗ tay bày tỏ sự đồng tình của hội chúng vang dội khắp chánh điện, cũng
là những tiếng hoan nghinh chào đón Đạo từ của HT. Thích Tín Nghĩa. Trước hết Hòa thượng tán thán tinh thần cầu học tiến tu của tất cả quý học viên, vượt qua những trở ngại về không gian và thời gian về đây tham
dự, cùng ban tổ chức thiết lập một đạo tràng trang nghiêm trong một thời gian ngắn. Thứ hai, Hòa thượng khuyến tấn học viên thúc liễm thân tâm trong từng phút giây tu học, hãy lắng tâm học hỏi, chí thành tụng niệm, thành thật trao đổi và xây dựng với nhau, sao cho khóa tu học này trở thành một đạo tràng tiêu biểu của Tuệ học Phật giáo tại Bắc Mỹ này. Thứ ba, Hòa thượng mong các học viên nỗ lực duy trì được tinh thần cầu học tiến tu đó, giới thiệu, khích lệ và tạo duyên lành cho thân thuộc và
những bạn đạo khác, đó là thực hành hạnh lợi tha như lời Phật dạy.
Đạo
tràng hoan hỷ đứng lên làm lễ cầu Phật gia bị cho Khóa Tu học, do HT. Thích Tín Nghĩa làm chủ sám. Ngài niêm hương hướng dẫn chư tôn đức và học viên đảnh lễ Tam Bảo. Mỗi cá nhân học viên tụng đọc bài Bát Nhã Tâm Kinh như tự nhắc nhở mình về tính Không của vạn pháp, để tự quán chiếu năm uẩn của tự thân, để biết rằng bản ngã của mỗi người đều không thật có. “Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha” dồn dập ngân vang như từng đợt sóng, sóng sau vượt sóng trước.
Đại diện cho hàng chư tôn giáo phẩm, HT. Thích Bổn Đạt đọc lời phát nguyện trước hai vị Đại Bồ Tát Quán Thế Âm và Đức Bồ Tát Địa Tạng. Giọng đọc thành tâm của Hòa thượng khiến hàng học viên bên dưới phải lắng đọng tâm
tư. Hạnh lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ của Ngài Quán Thế Âm. Nguyện noi theo hạnh của Bồ tát Địa Tạng, có mặt bất cứ nơi nào mà bóng tối khổ đau tuyệt vọng còn đang trấn ngự, mang đến nơi ấy ánh sáng niềm
tin, hy vọng và giải thoát. Nguyện đã phát khởi rồi, người con Phật cư
sĩ sẽ noi gương những bậc trưởng tử Như Lai mà thực hành lời nguyện ấy trong tất cả ý nghĩ, hành động của người con Phật.
Tất
cả đệ tử tại gia hoặc xuất gia đều tâm thành hướng về Tam Bảo Phật Pháp
Tăng, nguyện đem công hạnh truyền giáo tại khóa tu và công hạnh tiếp thu Phật pháp của toàn thể học viên hồi hướng cho thế giới hòa bình, cho
phong ba bão táp, chiến tranh, lũ lụt khắp đó đây hoàn vũ sớm được chấm
dứt. Nguyện cho những oan hồn uổng tử không may bỏ mình trong các tai nạn chiến tranh đều thấm nhuần giáo lý Phật đà, siêu sinh Phật cảnh. Phổ
nguyện âm siêu dương thới, pháp giới chúng sinh, tình dữ vô tình đều tròn Phật đạo.
Những ai tham dự thời kinh này sẽ thấy tâm lượng đại từ đại bi của người con Phật thật cao quý biết chừng nào, luôn nghĩ đến tất cả chúng sinh, không bỏ sót một loài nào.
Hôm nay có 3 bài Pháp, xen kẽ giữa ba thời pháp thoại là giờ ăn trưa, nghỉ trưa, hoặc dược thực tại nhà ăn An Lạc Hạnh.
Bài Pháp thoại đầu tiên của HT. Thích Thắng Hoan với đề tài Duy Thức Căn Bản, Giá Trị Khảo Sát Vạn Pháp của Duy Thức Học.
Hòa thượng giảng chi tiết về giá trị hiểu biết của 8 Tâm Thức, bao gồm:
Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức. 5 thức này, mỗi thức chỉ có khả năng hiểu biết sự vật trong lãnh vực của mình mà không có khả năng hiểu sang các lãnh vực khác. Thức thứ 6 chỉ có khả năng hiểu
biết tánh chất, giá trị và ý nghĩa (Pháp trần) của vạn pháp về phương diện phân biệt mà không có khả năng hiểu biết sang các lãnh vực khác như
nhìn thấy hình tướng, nghe tiếng, ngửi mùi, nếm vị, cảm xúc, v.v... Thức Mạt Na thứ 7 chỉ có khả năng hiểu biết vạn pháp về phương diện so đo chấp trước và quản lý hồ sơ (chủng tử) trong Tạng thức mà không có khả năng hiểu biết sang các lãnh vực khác, giống như sự hiểu biết của Ý Thức thứ 6 và 5 Tâm Thức trước. Còn Thức Alaya (a lại da) thứ 8 chỉ có khả năng hiểu biết vạn pháp về phương diện tàng trữ và bảo trì hồ sơ (chủng tử) về phương diện xây dựng hệ thống sinh lý thân thể, phát triển
cơ năng, duy trì sự tồn tại sinh mệnh của vạn pháp. Thức Alaya này không có khả năng hiểu biết vạn pháp giống như sự hiểu biết của 7 Tâm Thức kể trên. Nguồn gốc phát sinh ra Tạng thức Alaya thứ 8 là Tạng Như lai (là kho chứa thể giới pháp tánh chánh báo và y báo của mười phương chư Phật ở trong và xây dựng ba thân chánh báo: Pháp Thân, Báo Thân, Ứng Hóa Thân)... Thời gian có hạn mà đề tài quá rộng lớn lại sâu xa, nên
Hòa thượng chỉ trình bày tóm lược những điểm căn bản của Duy Thức Học. Nói tóm, mọi chúng sanh hữu tình, lớn như con người và nhỏ như vi trùng đều có 8 hiểu biết, gọi là 8 Tâm Thức sinh hoạt quan hệ lẫn nhau. Trong 8
Thức, thiếu một Thức là thiếu một bộ phận nhận thức vạn pháp. Chỉ có chúng sanh vô tình như cỏ cây, sông núi, trăng sao, v.v... chỉ có 2 tâm Thức sinh hoạt để hiện hữu là Thức Mạt Na thứ 7 và Thức Alaya thứ 8. Vạn
pháp do 2 Tâm Thức này sinh hoạt để hiện hữu với tánh cách làm đối tượng y báo giúp cho chúng sanh hữu tình nương tựa tồn tại.
Bài Pháp thoại thứ hai của HT. Thích Thái Siêu với nội dung về Bát Quan Trai Giới. Có lợi ích gì khi chúng ta sống viễn ly gia đình một ngày một đêm để tu học?
Sức mạnh của một đạo tràng đông đảo những người cùng chung ý nguyện tu hành là một năng lực lớn khuyến khích mọi người trau dồi phẩm chất đạo đức, tư cách, học hỏi làm người thánh thiện hơn để xây dựng một tập thể tốt đẹp hơn. Cơ hội tập sống đời sống xuất gia để tạo nhân lành cho những đời sau xuất gia được thành tựu, vì chỉ có xuất gia mới chứng được
Thánh quả. Và lợi ích nữa là, đức Phật dạy, công đức xuất gia cao hơn núi Tu Di, sâu hơn biển cả, rộng lớn như hư không. Nhưng muốn có được những lợi ích như vậy, trước hết Phật tử phải phát nguyện trước vị thầy truyền giới để đắc giới thể và nhận lãnh giới tướng, bởi vì đó chính là năng lực vô biểu, vô cùng mạnh mẽ trong tiến trình tu học. Song song với
những lợi ích này, Hòa thượng giảng lại ý nghĩa của Bát Quan Trai Giới,
cách thức thọ trì BQTG bằng cách sơ lược lịch sử BQTG, tư cách vị thầy truyền BQTG cho Phật tử, cách sám hối, thời gian và địa điểm hành trì. Cuối cùng Hòa thượng khuyên thường xuyên tu tập BQTG, khuyến khích bạn đạo và phát triển nhiều nơi tu tập BQTG... Đề tài không xa lạ gì với những ai từng là người con Phật nói chung và toàn thể học viên hôm nay nói riêng. Nhưng với phong cách giảng giải thoải mái của Hòa thượng, đề tài quen thuộc đó trở nên vui nhộn và thú vị qua những câu chuyện thực tế mà chính ngài đã từng trải nghiệm trong thời gian học đạo và hành đạo
ở những xứ sở xa xôi khác.
Bài Pháp thoại cuối ngày hôm nay của HT. Thích Nguyên Siêu, với Phương pháp và năng lực nào giúp chúng ta xây dựng Tịnh độ nhân gian.
Nguyên nhân cuộc sống con người không được bình yên và hạnh phúc là do lòng người nhiều tham lam, sân hận và si mê. Ngoài ra còn có tâm sở ác, bất thiện nhẹ hơn nhưng vẫn không nằm ngoài tam độc tham sân si. Ngũ độn
sử (tham, sân, si, mạn, nghi) và ngũ lợi sử (thân kiến, biên kiến, kiến
thủ, giới cấm thủ, tà kiến). Bằng cái nhìn thấu suốt từ nhân đến quả, từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, sự tạo nghiệp do con người gây nên
trên tiến trình tạo nhân bất thiện mà lãnh thọ quả báo bất thiện, từ đó
tác thành nhân duyên sinh tử luân hồi. Do đó, để diệt trừ các phiền não
bất thiện nêu trên, đức Phật đã từ bi thiết lập giáo pháp thọ trì Tam Quy Ngũ Giới cho hàng Phật tử. Đó là hàng rào, là nhân tố thiết yếu, là giáo pháp thù thắng để tạo sự bình an, hạnh phúc cho mọi người, mọi gia đình, quốc gia, xã hội. Nếu người Phật tử hướng tâm lập nguyện một cách trang nghiêm, thanh tịnh trên giáo pháp Tam qui và Ngũ giới thì đây chính là phương pháp và năng lực giúp chúng ta tạo dựng cõi Tịnh Độ nhân
gian. Một khi chúng ta trở về nương tựa nơi Phật, Pháp, Tăng một cách đúng nghĩa và giữ gìn Ngũ giới như giá trị sống đích thực thì sự hạnh phúc và niềm an lạc sẽ hiện hữu trong ta và thế giới ngoại tại được thái
bình an vui.
Bài Pháp thoại này của HT. Nguyên Siêu kết thúc vào lúc
9 giờ đêm. Mỗi bài pháp thoại mang một sắc thái riêng, mỗi vị thầy một phong cách giảng dạy, nhưng tựu chung đều trao truyền giáo lý thâm diệu của Phật. Tất cả học viên tham dự đều vô cùng hoan hỷ bằng rất nhiều tràng pháo tay xen giữa bài thuyết giảng. Những gì học hỏi được trong ngày hôm nay khiến lòng hân hoan, niềm vui này có mặt trong suốt 15 phút
thiền tọa trước khi về phòng chỉ tịnh.
Thứ Bảy, ngày 29.10.2011
Không
gian tĩnh lặng trong sương mờ. Giờ thiền tọa và tụng kinh công phu sáng
bắt đầu lúc 6 giờ vẫn tiếp tục duy trì trong suốt mấy ngày tu còn lại. Hội trường đông đủ ấm áp những gương mặt đã bắt đầu thân quen hơn. Một ngày mới bắt đầu bằng sự an nhiên tĩnh tọa, thấy hạnh phúc và bình yên nhất là giây phút an định này. Không lăng xăng, chộn rộn, không ai hối thúc, bắt buộc, chẳng có gì phải vội vã, chẳng có việc gì phải làm trong
lúc này, chỉ việc bình tâm mà theo dõi hơi thở của sự sống còn... Thời kinh quen thuộc của buổi sáng hôm trước lại vang lên, ngân vọng những lời dạy thâm huyền, với lòng thành sám hối, chí tâm nguyện cầu và hồi hướng đến tất cả chúng sanh. Một ngày khởi đầu bằng sự an lành như thế, “cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm một ngày nữa để yêu thương.”
Sáng
hôm qua lần chân xuống biển, sáng nay lại vào khuôn viên xanh cỏ nắng vàng. Hít thở khí trời trong lành khi nắng ấm lên. Thấy đất trời bao la
một màu trong vắt. Trở về để kịp dùng điểm tâm nơi nhà ăn của khách sạn, để sau đó tiếp tục nghe thêm 3 thời pháp khác theo lịch trình của khóa tu.
Sáng nay HT. Thích Thông Hải giảng với đề tài Ái Ngữ-Lời đẹp ý thơ.
Ái ngữ là một phần rất quan trọng trong Tứ Nhiếp Pháp (Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, Đồng sự). Ái ngữ là lời nói dịu dàng, êm ái, ngọt ngào, dễ thương, phát xuất từ lòng từ bi hỷ xả, từ tâm thanh tịnh. Ái ngữ có tác dụng đem lại an vui, bình yên, thanh thản cho người nghe. Trong cuộc sống đời cũng như đạo, lời nói và tiếng cười đúng lúc, đúng nơi sẽ mang lại cho người nói lẫn người nghe nhiều lợi lạc. Dùng ái ngữ để an ủi, vỗ
về những tâm hồn đang bi lụy, giúp họ vượt thoát ra nỗi khổ đau, lấy lại được tâm quân bình thư thái, để họ sáng suốt giải quyết những bế tắc
một cách triệt để. Dùng ái ngữ để tán thán một việc làm ý nghĩa của kẻ khác “tùy hỷ công đức” sẽ có được công đức thù thắng.Thực hiện ái ngữ sẽ
giúp tâm chúng ta nhẹ nhàng, mọi người yêu mến, tôn trọng. Mỗi người trong chúng ta hòa bình thì cuộc sống bình yên tự tại... Những gì Hòa thượng giảng đều có dẫn chứng trong nội dung những câu thơ, tục ngữ, ca dao và cả những lời dạy trong kinh Phật hoặc của người xưa để lại.
Chiều
nay hội chúng sẽ chia ra làm 2 lớp học riêng biệt. Cho nên vào cùng một
thời điểm, 2 lớp sẽ nghe 2 bài pháp thoại khác nhau, sau đó 2 vị giáo thọ này sẽ chuyển đổi lớp học cho nhau sau khi đã giảng xong phần giảng của mình, để giảng lại chủ đề mà quý Thầy đã giảng cho lớp trước đó. Giữa những thời pháp đều có thời gian nghỉ ngơi và dược thực.
Buổi chiều là thời pháp của TT Thích Tâm Hòa. Làm thế nào để được bình an và hạnh phúc.
Chủ đề này được Thượng tọa khởi đi từ một lời dạy của Phật “Tránh làm các việc ác. Gắng làm các việc lành. Giữ tâm ý trong sạch.” Địa vị, danh
vọng, vật chất sẽ mang đến cho chúng ta một thứ hạnh phúc ảo không thật. Hạnh phúc chân thật chỉ tìm thấy khi chúng ta biết quay về với nội
tại của chúng ta: Hạnh phúc như ngọc trong đá, như mật trong hoa. Chúng
ta không an lạc bởi bao phiền muộn, lo toan, tính toán. Do vậy, phương pháp để trở về hạnh phúc an lạc chính là thực hiện lời Phật dạy như trên. Ngoài việc tránh làm các điều ác, gắng làm các việc lành, quan trọng hơn hết là chúng ta nên giữ tâm ý cho trong sạch trong mọi tình huống: thăng, trầm, vinh, nhục; cũng như mọi thời gian, không vướng nhiễm bởi tiền bạc, danh vọng, địa vị, thành tựu. Muốn được vậy chúng ta
phải biết cách chuyển hóa những khổ đau trong cuộc sống. Thượng tọa giải thích thêm rằng, từ nhân đến quả phải nhờ vào duyên (sở duyên duyên, tăng thượng duyên, đẳng vô gián duyên), nhờ vậy mà ta có thể thay
đổi nghiệp của mỗi người. Thay đổi chánh báo của tự thân bằng cách tu tập thì y báo sẽ trang nghiêm theo. Biệt nghiệp của mỗi người lãnh thọ là chính từ nơi chánh báo của người ấy. Vì bản chất của cuộc sống là vô thường, nên biết chấp nhận để được an lạc, tự tại, giữ lòng trong sạch dù hạnh phúc hay khổ đau. Sau đó Thượng tọa nêu ra 5 phương thức mà Phật
tử từng tiếp xúc thông qua 5 dạng người như sau: 1. Người có lời nói tốt nhưng hành động và ý nghĩ không tốt. 2. Người có hành động tốt nhưng
lời nói và ý nghĩ không tốt. 3. Người có ý nghĩ tốt nhưng lời nói và hành động không tốt. Với ba hạng người này ta nên nhìn vào duy nhất một điểm tốt của họ mà khởi tâm vui vẻ hòa thuận. 4. Người có tất cả hành động, lời nói và ý nghĩ đều xấu thì ta nên khởi niệm thương xót. 5. Người có tất cả hành động, lời nói, và ý nghĩ đều tốt thì không nên khởi
tâm đố kỵ, mà nên khởi niệm tùy hỷ, sẽ được gặt hái công đức. Qua đó, Thượng tọa muốn Phật tử hiểu rằng, đừng mong cầu vạn sự như ý bởi “nhân vô thập toàn”. Nhưng để chuyển hóa được như mong muốn, chúng ta nên phát
tâm, lập nguyện, vì như thế những gì phát khởi từ lúc ban đầu sẽ trở thành một nguyện lực thúc đẩy, nhắc nhở ta luôn tìm cách hoàn thiện mình
trong mọi tình huống.
Bài giảng cuối cùng của khóa tu này với đề tài Quan Âm Bồ tát qua tinh thần giới định tuệ
của HT. Thích Bổn Đạt. HT giảng giải mạch lạc về một số hình tượng pháp
tướng trong kinh A Di Đà. Nhờ vậy mà Phật tử hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn về ý nghĩa ẩn tàng của bộ kinh mà mình thường thọ trì tụng đọc. Tinh thần Giới Định Tuệ lần lượt được khái quát qua cách giải thích ý nghĩa nhiều hình tượng Quán Thế Âm. Vì lòng từ bi mà giữ gìn pháp giới (thân, khẩu, ý). Pháp giới chú phổ môn là xuất phát từ bản thể Đại Bi do đại nguyện vô tận của Ý, đại thệ vô tận của Ngữ, và đại hạnh vô tận của Thân
mà khởi sanh thành tựu. Có 5 Thiền Quán đưa đến Định, đó là Chân Quán (Quán chiếu các pháp không có thực thể, chúng sanh đều có Phật tánh), Thanh Tịnh Quán (sự quán chiếu hoàn toàn thanh tịnh để thấy bản thể vắng
lặng trong mọi sự hiện hữu), Quảng Đại Trí Tuệ Quán (thấy tự tánh 5 uẩn
đều không trong kinh Bát Nhã), Bi Quán (khả năng quán chiếu và thị hiện
cùng khắp trong nhân gian để tùy duyên mà hóa độ), Từ Quán (đem khả năng thương yêu và hiến tặng rộng lớn cho tất cả muôn loài). Có Định sẽ phát sinh Tuệ. Tuệ Học của Phổ Môn thanh tịnh không ô nhiễm, nên không còn các phiền não để chướng ngại và cũng không bị vô minh là chướng ngại
tuệ giác. Tóm lại, khi chiêm ngưỡng một tôn tượng Quán Thế Âm, hay mỗi khi niệm hồng danh của Bồ Tát, người con Phật nên nhìn lại nội tại của bản thân mình để thấy rằng phiền não và bồ đề là một, cũng như Phật và chúng sanh không khác, cùng là một bản thể tâm, quay về với bản thể thanh tịnh của ấy thì Phật ngự ngay trong chính tâm ta.
Ba thời thuyết giảng đã mang lại cho thính chúng những giờ pháp lạc vô cùng quý báu. Bài Pháp nào cũng được học viên lắng nghe chăm chú và bày tỏ niềm hoan hỷ, tri ân bằng những tràng pháo tay giòn giã.
Và
song song với 2 thời thuyết giảng bằng Việt ngữ này, ban tổ chức đã mở thêm những lớp giảng bằng Anh Ngữ do 2 vị Đại Đức người ngoại quốc đảm trách. Đây là lớp học dành cho những con em thanh thiếu niên sinh trưởng
nơi hải ngoại này dễ dàng thông suốt giáo lý của Phật Đà bằng ngôn ngữ chính là tiếng Anh mà họ dùng để giao tiếp, để họ không cảm thấy xa lạ, không thấy được khoảng cách giữa hai thế hệ, hai nền văn hóa. Họ sẽ cảm thấy thoải mái hơn, gần gũi hơn với truyền thống mà ông bà tổ tiên còn giữ lại cho đến ngày hôm nay.
Trở về phòng nghỉ ngơi. Lại thêm một đêm nữa với giấc ngủ cùng sóng biển...
Chủ nhật, ngày 30.10.2011
Chánh
điện sáng nay đông hơn bởi sự có mặt của phái đoàn Phật tử chùa Phật Tổ
(Long Beach), đến để chủ trì Nghi lễ tụng kinh và niệm Phật sáng nay. Trên 90 màu áo tràng nâu tô điểm cho chánh điện đẹp hơn, nổi bật hơn. Khởi xướng là bài Tán Liên Trì với sự hỗ trợ của các Pháp khí mà trống là âm thanh nổi bật nhất. Giọng ngân cao vút khiến mọi người tưởng mình đang ở cung trời nào đó được mời đến quốc độ của Phật để được nghe thuyết giảng Kinh A Di Đà. Một buổi tụng kinh bằng Hán ngữ với những âm thanh của pháp khí đã để lại trong lòng những người học viên đến từ phương xa một ấn tượng khó quên.
Thời
khóa cộng tu đã xong, đạo tràng vẫn yên vị chờ lời giáo huấn và khuyến tấn tu tập tịnh nghiệp của chư tôn đức giáo thọ sư. Từng vị Hòa thượng, Thượng tọa thay nhau nói lên lời tán dương các học viên đã sắp xếp thời gian để đến đây tu học một cách nghiêm túc, nhắc nhở hành trì những gì đã học trong mấy ngày nay, đem những gì trau dồi được chia sẻ cùng mọi người từ thân bằng quyến thuộc đến những kẻ sơ giao; cố gắng tinh tấn giữ gìn ba ngôi Tam Bảo của tự thân, để mỗi người là một ngọn đuốc, mỗi người là một vị Bồ tát hóa thân vào cuộc đời, mang lại lợi lạc an vui cho mình và tất cả chúng sinh.
Có
lẽ thú vị nhất trong các thời khóa tu học lần này là giờ Thi Giáo Lý vào lúc 9 giờ sáng nay. Học viên ai nấy cũng vui tươi chờ đợi phút giây này. Kẻ hồi hộp, người khẩn trương, nhưng phần lớn thì vô tư lự chờ đến giờ thi cử. Thật ra đề thi được rút ra từ những điểm chính mà quý Ngài đã gửi gắm trong bài thuyết giảng của mình. Chỉ cần chú tâm lắng nghe là
có thể yên tâm vượt qua kỳ thi này. Phần thi này đã được thông báo từ trước, cốt là một phương thức khác để sách tấn học viên tham dự khóa tu giốc lòng vào chuyện tu học để không lơ là, không phí phạm thời gian quý
báu trong khi nghe pháp. Thời gian 60 phút thi thật thoải mái bởi Ban Giám Thị không gây bất kỳ một áp lực nào. Kỷ niệm của một thời đi học năm xưa quay về chỉ trong thoáng chốc, vì còn phải dành thời gian cho việc thi cử. Thương nhất là những cụ già, mắt mờ mà vẫn cứ xuống phòng thi, chăm chú đọc đề thi trong tay. Không biết các cụ, các bác thi cử ra
sao, chứ riêng người viết thấy cảnh nhiệt tình ấy cũng muốn ban ngay một tấm bằng khen thưởng với tinh thần hòa nhập không phân biệt tuổi tác, không giãi đãi khi tuổi già sức yếu. Hình ảnh tinh tấn ấy, ngay chính quý cụ cũng không biết mình đang làm một tấm gương cho hàng Phật tử trẻ noi theo.
Giờ
Pháp Đàm được thiết lập ngay sau giờ thi giáo lý, do chư tôn đức chứng minh và hướng dẫn. Những vấn đề chung đến vấn đề riêng tế nhị đều được học viên mạnh dạn hỏi qua phương thức viết ra giấy và gửi lên quý Thầy từ trước. Những nghi vấn về đời sống thường nhật liên quan đến vấn đề tu
tập. Cách để giải quyết một số vấn đề thường nhật cho thật rốt ráo theo
chánh pháp. Tất cả những thắc mắc đều được quý Ngài hoan hỷ thay nhau giải đáp tận tình. Với sự hiểu biết của mình, quý Ngài đã không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm tu tập ngõ hầu giải tỏa những gút mắc của
những cư sĩ tại gia vẫn còn nhiều thử thách trên bước đường tu tập giữa
đời thường.
Trong buổi Phật Pháp vấn đáp hôm nay cũng có đôi phút sự
hiện diện của nhị vị managers khách sạn. Những ngày hội tụ tâm linh nơi
đây đã cảm hóa được những người bản xứ. Họ đã chia sẻ đôi lời cảm kích,
cảm động về tất cả những gì chúng ta làm trong mấy ngày qua từ cung cách sinh hoạt, qua những con người nhu hòa dễ mến, và nhất là các nghi lễ Phật Giáo đã cho họ nhiều sự quan tâm ngưỡng mộ. Từ một tâp thể nhỏ này, họ có thể hiểu khái quát hơn về Đạo Phật từ bi vốn luôn mong muốn mang đến sự hòa bình cho nhân loại.
Cuối
buổi Phật Pháp tọa đàm, trước giới truyền thông báo chí, Hòa thượng Thích Nguyên Trí đã đứng lên gửi gắm đôi lời cho tất cả thính chúng về tình hình ma chướng bên ngoài trong suốt thời gian qua. Ngài dõng mãnh với niềm tin rằng Khóa Tu Phật Pháp Bắc Mỹ lần này là một sức mạnh minh chứng cho sự đoàn kết của Giáo hội PGVNTN Hải Ngoại, cụ thể là hai Giáo hội Hoa kỳ và Canada đã đồng tâm chứng tỏ quan niệm, lập trường của mình
vì lợi lạc cho số đông Phật tử và vì lợi ích chung của việc hoằng dương
chánh pháp, vì sinh mệnh đạo pháp và dân tộc Việt Nam trên xứ người.
Lúc
12 giờ trưa, nắng ấm trải dài trên suốt con đường dẫn đến nhà ăn An Lạc
Hạnh. Đoàn trưởng tử Như Lai rực vàng dưới cơn nắng đẹp với cờ, lọng dẫn đầu. Khá yên lặng phía sau là nhóm áo nâu, áo lam kéo dài như một đoàn người du phương khất thực. Trong mái nhà ăn An Lạc Hạnh, hầu hết chư tăng ni đã an vị, chỉ có quý thầy trong Ban Tổ Chức còn đứng bên ngoài làm lễ tác bạch cúng dường trai tăng. Các món ăn đã chuẩn bị sẵn đầy đủ trên bàn. Một thời kinh cất lên giữa khoảng trời xanh bao la trong vắt. Bao quanh dãy nhà ăn là mấy trăm chiếc áo lam áo nâu cùng góp
duyên trợ niệm. Muôn sinh linh có mặt nơi đây dù có hình tướng hay không cũng đều quy tụ về, lắng nghe những câu niệm chú chất chứa cả một tấm lòng đại từ đại bi của người con Phật trước khi ngọ thực. Nguyện không quên bất kỳ một công ơn nào của đàn na tín thí khi có được thức ăn
trước mặt...
Trong
khi quý Ngài dùng cơm trong chánh niệm, hàng trăm Phật tử khác cũng được phục vụ ăn trưa chu đáo. Khi sinh hoạt cùng nhau dù trong chánh điện lúc nhiếp tâm tu học, hay cùng nhau ăn trưa, ăn sáng, ăn chiều, hoặc cùng nhau trao đổi điều chưa thấu suốt, chúng ta những người bạn đạo không cùng chung trú xứ, nay đã hội tụ về đây, quây quần bên những bậc trưởng tử thâm thúy đạo mầu, mỗi mỗi đều thấy sự an vui lợi lạc khôn
cùng. Cảnh sinh hoạt rộn vui trên những thảm cỏ xanh rờn khiến những người dân bản xứ phải ghé mắt trầm trồ...
Trưa
hôm nay nhiều chiếc xe bus sẽ chở cả phái đoàn thầy-trò về Tu Viện An Lạc-Ventura của HT. Thông Hải, chỉ cách khách sạn chừng 30 phút. Lễ Tưởng Niệm Cố Đại lão Hòa Thượng thượng Thuyền hạ Ấn - Chứng Minh Đạo Sư
GHPGVNTN HK và cố Hòa Thượng thượng Thiện hạ Hương-thành viên Hội Đồng Giáo Phẩm GHPGVNTN HK. Và ngay sau đó, trước giới tuyền thông báo chí, thân hào nhân sĩ, là Lễ Bế Mạc Khóa Tu Học Phật Pháp Bắc Mỹ lần thứ nhất
với đầy đủ nghi thức chào cờ, mặc niệm và thời kinh ngắn hồi hướng. TT.
Tâm Hòa thay mặt Ban Tổ Chức đọc bài Diễn Văn Bế Mạc. Thầy phát biểu rằng, khởi đầu của khóa tu năm nay là một thành quả tốt đẹp, là bước đi ban đầu cho cả một tiến trình dài lâu đang mở ra trước mắt. Khóa tu năm nay kết thúc thật ngời sáng và vinh dự. “Ngời sáng niềm vui học Phật, vinh dự làm những người tiên phong, đặt những bước chân đầu tiên để khơi mào cho những khóa tu học Phật Pháp Bắc Mỹ về sau.”
Tiếp
đến HT. Thái Siêu công bố kết quả thi (gồm 1 giải nhất, 1 giải nhì và 9
giải 3), phát thưởng trao chứng chỉ cho những học viên đạt được điểm cao trong kỳ thi giáo lý sáng nay. Kế đến, đại diện học viên của khóa tu
Bắc Mỹ đã nói lên lời cảm niệm tri ân sự tận tâm dạy dỗ của tất cả quý Chư tôn đức Tăng ni trong suốt mấy ngày qua. Kế đến, HT Thông Hải tuyên dương, trao quà lưu niệm thay lời cảm tạ các thiện nguyện viên trong các
ban ngành đã bỏ thời gian và tâm sức ra phục vụ cho tất cả những người tham dự khóa tu được yên tâm tu hành. Các vị là những Bồ tát hóa thân trong mọi nhân duyên đưa đón, thủ tục giấy tờ, sức khỏe, nơi ăn, chốn ở,
từ việc nhỏ đến việc lớn đều được thành tựu.
Cuối
cùng là buổi cơm thân mật và chương trình văn nghệ do quý Tăng Ni sinh trẻ phụ trách tại Vườn Thiền Tu Viện An Lạc diễn ra đến tận 10 giờ đêm.
Xe bus của ban tổ chức lại đưa học viên quay về khách sạn nghỉ ngơi.
Mấy
ngày nay, sáng ra biển hoặc vào công viên, nơi nào cũng mang một màu xanh của vạn vật dẫy đầy sức sống. Phút này trời đã tối om. Sóng biển ầm
ì ngoài khoảng trời đen mịt. Tâm ta là khối nước biển ngoài kia, một chút gió phiền não khởi lên, sóng tâm ta nổi dậy kêu gào. Vọng tâm chính
là những cơn sóng bạc đầu mãi hoài uốn lượn không mệt mỏi... Thả bộ ra biển đêm theo tiếng sóng gọi mời. Nửa vầng trăng sáng ngời giữa bầu trời
đầy sao lấp lánh. Lấy máy ghi lại hình ảnh đẹp của đêm cuối cùng còn lưu dấu... Trở về phòng thao thức cùng biển đêm nay. Nghe tiếng sóng âm vang từ cõi tâm mình vọng lại. Sóng vọng lại từ chốn vô cùng, tâm thức cũng từ cõi vô cùng ấy mà tìm thấy lại sự bình an...
Hừng đông. Chút lạnh của buổi sớm mai theo sương phủ trắng không gian tĩnh mịch. Bao giờ
trở lại chốn này? Nỗi vấn vương chưa kịp tìm ra lời giải đáp, lại phải hòa cùng nhóm người lao xao trong giây phút chia tay, kẻ ở người đi và mọi người cùng hứa hẹn sẽ đoàn tụ vào khóa tu học năm tới tại San Jose ngày 02/8 do Hòa Thượng Thái Siêu tổ chức. Đoàn chúng tôi sắp phải rời xa nơi đây để bắt đầu cho một chuyến hành hương khác trên miền đất Cali nắng ấm...
Khi xe lăn bánh trong ánh ban mai, chợt nghiệm ra, sự thành tựu của khóa tu năm nay chỉ là một điểm son khởi đầu cho một hành trình dài vô tận tìm cầu đến mục tiêu tối hậu giải thoát giác ngộ...