- Tuyển tập 01
- Tuyển tập 02
- Tuyển tập 03
- Tuyển tập 04
- Tuyển tập 05
- Tuyển tập 06
- Tuyển tập 07
- Tuyển tập 08
- Tuyển tập 09
- Tuyển tập 10
- Tuyển tập 11
- Tuyển tập 12
- Tuyển tập 13
- Tuyển tập 14
- Tuyển tập 15
- Tuyển tập 16
- Tuyển tập 17
- Tuyển tập 18
- Tuyển tập 19
- Tuyển tập 20
- Tuyển tập 21
- Tuyển tập 22
- Tuyển tập 23
- Tuyển tập 24
- Tuyển tập 25
- Tuyển tập 26
- Tuyển tập 27
- Tuyển tập 28
- Tuyển tập 29
- Tuyển tập 30
- Tuyển tập 31
- Tuyển tập 32
- Tuyển tập 33
- Tuyển tập 34
- Tuyển tập 35
- Tuyển tập 36
- Tuyển tập 37
- Tuyển tập 38
- Tuyển tập 39
- Tuyển tập 40
- Tuyển tập 41
- Tuyển tập 42
- Tuyển tập 43
- Tuyển tập 44
- Tuyển tập 45
- Tuyển tập 46
- Tuyển tập 47
- Tuyển tập 48
- Tuyển tập 49
- Tuyển tập 50
- Tuyển tập 51
- Tuyển tập 52
- Tuyển tập 53
- Tuyển tập 54
- Tuyển tập 55
- Tuyển tập 56
- Tuyển tập 57
- Tuyển tập 58
- Tuyển tập 59
- Tuyển tập 60
- Tuyển tập 61
- Tuyển tập 62
- Tuyển tập 63 & 64
- Tuyển tập 65
- Tuyển tập 66
- Tuyển tập 67
- Tuyển tập 68
- Tuyển tập 69
- Tuyển tập 70
- Tuyển tập 71
- Tuyển tập 72
- Tuyển tập 73
- Tuyển tập 74
- Tuyển tập 75
- Tuyển tập 76
- Tuyển tập 77
- Tuyển tập 78
- Tuyển tập 79
- Tuyển tập 80
- Tuyển tập 81
- Tuyển tập 82
- Tuyển tập 83
- Tuyển tập 84
- Tuyển tập 85
- Tuyển tập 86
- Tuyển tập 87
- Tuyển tập 88
- Tuyển tập 89
- Tuyển tập 90
- Tuyển tập 91
- Tuyển tập 92
- Tuyển tập 93
- Tuyển tập 94
- Tuyển tập 95
- Tuyển tập 96
- Tuyển tập 97
- Tuyển tập 98
- Tuyển tập 99
- Tuyển tập 100
- Tuyển tập 101
- Tuyển tập 102
- Tuyển tập 103
- Tuyển tập 104
- Tuyển tập 105
- Tuyển tập 106
- Tuyển tập 107
- Tuyển tập 108
- Tuyển tập 109
- Tuyển tập 110
- Tuyển tập 111
- Tuyển tập 112
- Tuyển tập 113
- Tuyển tập 114
- Tuyển tập 115
- Tuyển tập 116
- Tuyển tập 117
- Tuyển tập 118
- Tuyển tập 119
- Tuyển tập 120
- Tuyển tập 121
- Tuyển tập 122
- Tuyển tập 123
- Tuyển tập 124
- Tuyển tập 125
- Tuyển tập 126
- Tuyển tập 127
- Tuyển tập 128
- Tuyển tập 129
- Tuyển tập 130
- Tuyển tập 131
- Tuyển tập 132
- Tuyển tập 133
- Tuyển tập 134
- Tuyển tập 135
- Tuyển tập 136
- Tuyển tập 137
- Tuyển tập 138
- Tuyển tập 139
- Tuyển tập 140
- Tuyển tập 141
- Tuyển tập 142
- Tuyển tập 143
- Tuyển tập 144
- Tuyển tập 145
- Tuyển Tập 146
- Tuyển Tập 147
- Tuyển Tập 148
- Tuyển Tập 149
- Tuyển Tập 150
TUYỂN TẬP THƠ MẶC GIANG
Tuyển tập 10 bài - thơ Mặc Giang - Số 13
(Từ bài số 121 đến số 130)
Loay hoay cho hết một ngày 121
Tôi người tài xế tắc xi 122
Nương thân quán trọ, cuộc chơi vô cùng 123
Tôi thương 124
Tôi chỉ là tôi 125
Ta còn nhớ ta 126
Tạ từ, chưa vẹn tình quê ! 127
Xin nguyện làm người Nước Việt Nam 128
Non nước Việt Nam, non nước tôi 129
Miền Bắc quê hương tôi-1 130
Loay Hoay, Cho Hết Một Ngày
Tháng 6-2004
Loay hoay cho hết một ngày
Một ngày đã hết loay hoay vẫn còn
Ngay từ tấm bé tí hon
Đến trăm tuổi hạc cũng còn loay hoay
Than thầm trách lẫn thương thay
Càng lay lắt lẻo càng quay vật vờ
Lay qua, lay lại mệt khờ
Quay quanh, quay quẩn xác xơ thân tàn
Cái gánh, cái quảy, cái mang
Cái nai, cái xách, cái quàng phiêu linh
Cho dày cái nhục, cái vinh
Cho mo cái đáy phù sinh phong trần
Nhân gian nào phải riêng phần
Trần gian nào phải lựa lần riêng ai
Sự đời gọt, giũa, dùi, mài
Cuộc đời thưng, thảy, dầu dai, dãi dầu
Buồn trông nước chảy qua cầu
Biển dâu khéo vẽ sắc màu tang thương
Cho mềm cát bụi phong sương
Cho tan sỏi đá bên đường vỡ toang
Loay hoay như nước sóng cồn
Đêm dài đã hết sóng cồn còn lay
Mờ đông đánh động ban ngày
Hoàng hôn phủ xuống còn lay sóng cồn
Vì đời, thêm một vết son
Còn hơn ủ dột mỏi mòn mà chi
Trần gian một bến ngại gì
Nhân gian một cõi ngại gì trần gian
Loay hoay cũng thể mây ngàn
Không lay cũng thể mây ngàn bay bay
Có ta, cũng hết một ngày
Không ta, cũng hết một ngày loay hoay
Cuộc đời, như thế, ai hay !!!
Tôi Người Tài Xế Tắc Xi
Tháng 6-2004
Tôi người tài xế tắc xi
Muốn đi đâu đó, mời đi, xe này
Tắc xi tôi chạy suốt ngày
Phải chăng giá cả tỏ bày thiệt hơn
Đường xa chớ ngại mắc òm
Đường gần kiếm chút tiền còm đổ xăng
Xe tôi, bốn bánh chạy lăn
Chỉ trừ bến đậu, gối khăn, đi về
Bao năm lăn lộn trong nghề
Đường nào cũng biết chẳng chê đường nào
Đường đi đến tận cửa ô
Đường ra bến cảng, đường vô nội thành
Đường này mấy khúc vòng quanh
Đường kia mấy đoạn tròng trành lao chao
Đường trần cũng chẳng có sao
Đường trơ cát bụi ai nào làm ngơ
Đường sáng đường tối đường mờ
Đường mong khách đợi, đường chờ khách đi
Có người, tôi lấy làm vì
Có người, chẳng lấy, còn xì hầu bao
Người sang, tôi chẳng tơ hào
Người cùng, chở giúp, lựa nào mấy ai
Giùm cho chút nữa bác tài
Giùm cho chút nữa, một mai mới là
Đường đời vạn nẻo còn xa
Trường đời muôn lối, ai qua muôn trùng
Tắc xi, tôi chạy khắp vùng
Khắp phường, khắp phố, ai dùng tắc xi
Đường nào tôi cũng chạy đi
Đường nào cũng chạy chẳng khi đường nào
Thoáng trông thấy khách vẫy chào
Tôi quành xe lại, thưa nào, đi đâu
Đời tôi đâu có đâu mâu
Chẳng vòng quanh lộn, chẳng câu thêm giờ
Chẳng kỳ giá cả vu vơ
Chẳng kèo khó dễ, ỡm ờ thiệt hơn
Đừng gieo chi nỗi oán hờn
Đừng gây đãi bạc khinh lờn tắc xi
Người ta cần cấp mới đi
Người ta cần kíp, mới đi với mình
Ở đời lương thiện, mới vinh
Ở đời trọng nghĩa chân tình, mới quang
Đường đi, cần đến bên đàng
Đường đi không đến, ai màng tắc xi
Đường đi, xin rước khách đi
Đường về, xin đón, có chi ngại ngùng
Trần gian, một bến tương dung
Nhân gian, một cõi vẫy vùng trần gian
Đường đời lắm nẻo dọc ngang
Ở sao cho phải, chẳng sàn lựa ai
Tắc xi, tôi đó, còn dài
Một đời tận tụy, miệt mài tắc xi.
Nương Thân Quán Trọ, Cuộc Chơi Vô Cùng !!!
Tháng 7-2004
Có một hôm, tôi ngồi yên, như như bất động
Không nhúc nhích, mắt nhắm hờ, đếm từng hơi thở vào ra
Lục lại trong tâm tư những quá khứ đã qua
Trí tưởng đưa tôi đi
Đến những nơi tôi đã đi
Và đi những nơi tôi chưa tới
Tâm trí ơi, ta nói ngươi nghe, ngươi thật là dịu vợi
Ngươi tinh khôn, nhanh nhẩu đến tuyệt vời
Ta lặng yên, cùng ngươi, không nói một lời
Nhưng ngươi cùng ta, có mặt khắp nơi nơi
Tận ngằn mé, vượt qua, không biên giới
Diễn trạng muôn trùng, ngươi lên tiếng gọi
Quá khứ đã qua, trọn cõi đi về
Hiện tại hôm nay, không hẹn không thề
Tương lai sắp tới, cần chi định hướng
Tôi gõ cửa trước muôn ngàn ảnh tượng
Đối cảnh nào rồi cũng đi qua
Bước dừng chân đâu phải là nhà
Tôi chỉ là nét chấm phá của ba thời gian, nương mình quán trọ
Vũ trụ mênh mông, tôi chưa từng có
Càn khôn vô tận, tôi chẳng lìa xa
Lặng yên, tịch vắng, như những nấm mồ ma
Còn phưởng phất chút hình hài tôi đó
Từng kiếp đã qua, cơ hồ không rõ
Một kiếp này thôi, chợt có chợt không
Nghe gì từ cõi trống không
Nghe gì từ cõi mênh mông chưa về
Mình tôi, tỉnh tựa như mê
Mênh mông một cõi, tứ bề mênh mông
Đưa tay nắm bắt trống không
Vương hình cát bụi cũng đồng thế thôi
Khói lan, mờ tỏa lưng đồi
Sương sa góc biển, sóng nhồi nhấp nhô
Tử sinh từng kiếp, ô hô
Trần gian mời gọi, đội mồ đứng lên
Vọng vang từ tận đầu ghềnh
Reo cùng nhân thế thênh thênh giữa trời
Cho hay cõi mộng trong đời
Tử sinh như những cuộc chơi vô cùng !!!
Tôi Thương
Tháng 7-2004
Tôi thương bác nông phu, giữa đồng xanh lúa nắng
Tôi thương em bé mục đồng, trên đường vắng nghêu ngao
Tôi thương cô thôn nữ giặt áo cạnh bờ ao
Tôi thương bóng mẹ già, bên mái nhà tranh vợn khói
Tôi thương em bé học trò, những buổi tan trường đứng đợi
Tôi thương cô nữ sinh, tà áo trắng bay bay
Tôi thương anh phế binh, lê lết qua ngày
Tôi thương người góa phụ, đượm sầu màu hoa trắng
Tôi thương người dân quê, trải cuộc đời mưa nắng
Tôi thương những người nghèo, mua gánh bán bưng
Tôi thương người dân phu, mỏi gối còng lưng
Tôi thương người di dân, khẩn hoang xây cuộc sống
Tôi thương những xóm nghèo, giữa đầm lầy nước đọng
Tôi thương những phố phường, ngất ngưởng vươn cao
Tôi thương người lịch thiệp, ăn nói thanh tao
Tôi thương người khốn khó, nhưng sống đời chân thật
Tôi thương em bé nghèo, vùi tuổi thơ lây lất
Tôi thương người bần cùng, lặn lội mua bán ve chai
Tôi thương người chật vật, kiếm sống từng ngày
Tôi thương người đổ sức cần lao, không đầy ba bữa gạo
Tôi thương những trại mồ côi, một năm, may ra thêm một bộ quần áo
Tôi thương những trại cùi, nặng mùi lở lói, tanh hôi
Tôi thương những trung tâm khuyết tật, ngất ngưỡng, nằm, ngồi
Tôi thương những người điên, vùi tấm thân giữa đời phiêu đãng
Tôi thương giới kinh thương, trải những khi vò đầu, bóp trán
Tôi thương giới tiểu thương, quần quật từ sáng đến khuya
Tôi thương công nhân viên, mòn sức lực nọ kia
Tôi thương người giáo chức, lao tâm với chồng trang sách cũ
Tôi thương những chính nhân, giữa chính trường thác lũ
Tôi thương người quân nhân, đem xương máu nhuộm sa trường
Tôi thương người tàn tạ cuộc đời tục lụy phấn hương
Tôi thương các em, lỡ bước phiêu bồng lây thuốc trắng
Tôi thương cho những ai, đọa đày lầm than cay đắng
Tôi thương cho những ai, đôi lần may mắn thành công
Tôi thương quê tôi, bên cạnh dòng sông, mưa nắng ruộng đồng
Tôi thương nước tôi, mảnh đất hình cong, đã dài lịch sử
Tôi thương và tôi thương. Còn, và còn nhiều nữa chứ
Bởi tình thương vô bến, nên biết nói sao cùng
Hỡi người nhân gian hòa tiếng gọi kêu chung
Hãy trang trải tình thương cho vơi lòng nhân thế !!!
Tôi Chỉ Là Tôi
Tháng 7-2004
Tôi chỉ là mây bay bốn phương
Gom trong hơi nước để lo lường
Một mai đâu đó trời khô nắng
Đổ những cơn mưa mới tỏ tường
Tôi chỉ là chim bay khắp nơi
Hát ca chim chíp dẫu không lời
Tiếng ca thanh thoát reo nhân thế
Hòa lẫn tiếng chim ca hát chơi
Tôi chỉ đem hong ánh nắng vàng
Để mang nắng ấm rải thênh thang
Gởi đi khắp chốn từng tia nắng
Cho trọn từng ngày sống chứa chan
Tôi gọi hoàng hôn báo nắng chiều
Đêm về đang đợi bóng cô liêu
Ngày tàn bương sống đà mòn mỏi
Đêm đến vơi đi sức phỉ nhiều
Tôi chỉ là viên gạch lót đường
Lấp đi những đổ nát tang thương
Cho đời bình thản thôi lồi lõm
Thân thiện cho nhau bớt chán chường
Tôi chỉ là một hạt cát thôi
Cùng chung cát đá góp cho đời
Dựng xây ý mỹ hòa chân thiện
Đừng bỉ dè nhau những đãi bôi
Tôi hát vang lên giữa núi rừng
Rừng khua núi động nhạc tưng bừng
Gió lay rải khắp thềm cây cỏ
Sức sống lan đi khúc nhạc rừng.
Ta Còn Nhớ Ta !
Tháng 7 - 2004
Năm mươi năm trong cõi đời
Năm mươi năm nữa ai người nhớ ta
Trần gian đâu chẳng là nhà
Nhân gian đâu chẳng là ta với mình
Nhớ từ cất bước tử sinh
Riêng ta nguyên vẹn bóng hình này thôi
Dù cho cát đá lở bồi
Dù cho bèo bọt nổi trôi muôn trùng
Ta luôn hiện hữu vô cùng
Năm mươi năm đã bước chung trong đời
Năm mươi năm nữa đầy vơi
Mịt mờ nhân ảnh trùng khơi mịt mờ
Nửa đời như một giấc mơ
Trăng soi đáy nước bóng chờ đầu non
Đường xưa rêu phủ lối mòn
Hong sương giọt nắng có còn gì không
Lặng yên một cõi trống không
Riêng ta một cõi nụ hồng điểm son
Nghiêng nghiêng ánh ngọc chưa tròn
Lung linh châu tỏa sắc mòn chưa pha
Nửa đời phiêu lảng đi qua
Nửa đời đứng lại còn ta với mình
Ta xin lưu lại bóng hình
Một mai dù có tử sinh đôi bờ
Thời gian còn đó, câu thơ
Không gian còn đó, trăng mờ điểm sương
Chiều tà nắng rọi tơ vương
Ráng chiều ửng mộng trên đường tầm không
Mênh mang về với mênh mông
Từ trong huyễn ảo, nụ hồng điểm son
Hư vô, nào có mất còn
Hỏi ta ta nhớ, ta còn nhớ ta !!!
Tạ Từ, Chưa Vẹn Tình Quê !
Tháng 7 - 2004
Tạ từ, chưa vẹn tình quê
Tôi mang một chút bốn bề tôi đi
Mười năm còn lại được gì
Hai mươi năm nữa, thôi thì thời gian
Tôi nghe nằng nặng âm vang
Bếp hồng khói quyện bên hàng tre xanh
Có con chim nhỏ hoàng oanh
Líu lo tiếng hát trên cành thùy dương
Tôi mang tiếng hát lên đường
Tiếng kêu tình tự vương vương bên lòng
Nước đi đi mãi theo dòng
Non cao cao mãi chờ mong chưa về
Nước đi chưa vẹn câu thề
Tôi đi chưa vẹn tình quê tạ từ
Phần ba thế kỷ đã dư
Non trông bến nước lắc lư ngày về
Thái Bình ngóng đợi sơn khê
Trường Sơn lan tỏa, vỗ về biển đông
Núi cao, gối tựa non sông
Sông sâu in bóng, non bồng núi cao
Ba mươi năm những đưa vèo
Thời gian đếm mãi đẳng đeo chạnh lòng
Trời quê cô đọng chờ mong
Tình quê cô đọng theo dòng thời gian
Nỗi niềm réo rắc mênh mang !!!
Xin Nguyện Làm người Nước Việt Nam
Tháng 7 - 2004
Tôi chỉ là người nước Việt Nam
Ngàn năm tọa thị tại phương nam
Đông tây thầm bảo cùng phương bắc
Nể mặt phi thường nước Việt Nam
Tôi chỉ là người nước Việt thôi
Năm ngàn năm trước đến nay rồi
Núi sông một dãy liền sông núi
Lấp biển dời non, chẳng đổi dời
Việt Nam tổ quốc quê hương tôi
Thời thế thế thời dẫu đổi ngôi
Lịch sử năm ngàn không biến đổi
Truyền trao thế hệ mãi tô bồi
Chữ “S” cong cong vịnh cơ đồ
Miền Bắc khai nguyên thuở dựng cờ
Lần kéo về Nam, Trung chính giữa
Tình Nam Trung Bắc đẹp như mơ
Kiếp sau nếu có được làm người
Tiếng khóc quên đi cất tiếng cười
Nở nụ cười vang thay tiếng khóc
Cho người nước Việt mãi xinh tươi
Ngước mặt ngẩng đầu sống dọc ngang
Cho hay con cháu giống da vàng
Kiếp sau nếu được làm người nữa
Xin nguyện làm người nước Việt Nam.
Non Nước Việt Nam, Non Nước Tôi
Tháng 7 - 2004
Từ thuở Long Quân tuyên phất cờ
Trăm con một bọc mẹ Âu Cơ
Hùng Vương mở nước con giữ nước
Chữ “S” hình cong vững bến bờ
Tổ quốc Việt Nam thật mến yêu
Cầu tre lắt lẻo nhịp cầu kiều
Đò ngang đò dọc non liền nước
Cẩm tú giang sơn thật mỹ miều
Quê hương một dãy kết ba miền
Sông núi muôn đời của Tổ Tiên
Uống nước nhớ nguồn cây nhớ cội
Ngàn năm rạng rỡ giống Rồng Tiên
Từ ngàn năm trước đến ngàn sau
Tuế nguyệt phong sương dẫu đổi màu
Máu đỏ da vàng không biến đổi
Việt Nam muôn thuở mãi cho nhau
Từ Nam Quan đến mũi Cà Mau
Non nước nước non quyện một màu
Đồi núi đồng bằng ra biển cả
Kết tinh thành nước Việt minh châu
Non nước Việt Nam non nước tôi
Nước non non nước bốn phương trời
Nước non vang vọng hồn non nước
Non nước này là non nước tôi.
Miền Bắc Quê Hương Tôi – 1
Tháng 7 - 2004
Miền Bắc quê tôi nước Việt Nam
Cái nôi dân tộc năm ngàn năm
Tôi đi khắp phố phường Hà Nội
Phảng phất hồn thiêng thán phục thầm
Miền Bắc quê hương nước Việt này
Ngàn xưa lưu lại đến hôm nay
Tôi đi lên ải nhìn non nước
Đến tận ngàn sau chẳng đổi thay
Nhớ thuở bình mông nhớ thuở nào
Thăng Long hoài cổ nhớ làm sao
Xưa nay tình tự còn vang bóng
Miền Bắc khai nguyên tự thuở nào
Miền Bắc quê tôi đó một miền
Phần ba sắc thắm núi hồn thiêng
Miền Nam kết lại Miền Trung nữa
Đất nước ba miền của Tổ Tiên
Quê hương Miền Bắc của tôi ơi
Cảnh cũ người xưa vật đổi dời
Bãi biển nương dâu dù biến đổi
Quê hương ta đó giữ muôn đời
Nhớ về Miền Bắc quê hương tôi
Khói quyện bay bay nhớ núi đồi
Sông Thái sông Hồng con sóng nước
Nhắc nhau từng thế hệ em tôi.