- Tuyển tập 01
- Tuyển tập 02
- Tuyển tập 03
- Tuyển tập 04
- Tuyển tập 05
- Tuyển tập 06
- Tuyển tập 07
- Tuyển tập 08
- Tuyển tập 09
- Tuyển tập 10
- Tuyển tập 11
- Tuyển tập 12
- Tuyển tập 13
- Tuyển tập 14
- Tuyển tập 15
- Tuyển tập 16
- Tuyển tập 17
- Tuyển tập 18
- Tuyển tập 19
- Tuyển tập 20
- Tuyển tập 21
- Tuyển tập 22
- Tuyển tập 23
- Tuyển tập 24
- Tuyển tập 25
- Tuyển tập 26
- Tuyển tập 27
- Tuyển tập 28
- Tuyển tập 29
- Tuyển tập 30
- Tuyển tập 31
- Tuyển tập 32
- Tuyển tập 33
- Tuyển tập 34
- Tuyển tập 35
- Tuyển tập 36
- Tuyển tập 37
- Tuyển tập 38
- Tuyển tập 39
- Tuyển tập 40
- Tuyển tập 41
- Tuyển tập 42
- Tuyển tập 43
- Tuyển tập 44
- Tuyển tập 45
- Tuyển tập 46
- Tuyển tập 47
- Tuyển tập 48
- Tuyển tập 49
- Tuyển tập 50
- Tuyển tập 51
- Tuyển tập 52
- Tuyển tập 53
- Tuyển tập 54
- Tuyển tập 55
- Tuyển tập 56
- Tuyển tập 57
- Tuyển tập 58
- Tuyển tập 59
- Tuyển tập 60
- Tuyển tập 61
- Tuyển tập 62
- Tuyển tập 63 & 64
- Tuyển tập 65
- Tuyển tập 66
- Tuyển tập 67
- Tuyển tập 68
- Tuyển tập 69
- Tuyển tập 70
- Tuyển tập 71
- Tuyển tập 72
- Tuyển tập 73
- Tuyển tập 74
- Tuyển tập 75
- Tuyển tập 76
- Tuyển tập 77
- Tuyển tập 78
- Tuyển tập 79
- Tuyển tập 80
- Tuyển tập 81
- Tuyển tập 82
- Tuyển tập 83
- Tuyển tập 84
- Tuyển tập 85
- Tuyển tập 86
- Tuyển tập 87
- Tuyển tập 88
- Tuyển tập 89
- Tuyển tập 90
- Tuyển tập 91
- Tuyển tập 92
- Tuyển tập 93
- Tuyển tập 94
- Tuyển tập 95
- Tuyển tập 96
- Tuyển tập 97
- Tuyển tập 98
- Tuyển tập 99
- Tuyển tập 100
- Tuyển tập 101
- Tuyển tập 102
- Tuyển tập 103
- Tuyển tập 104
- Tuyển tập 105
- Tuyển tập 106
- Tuyển tập 107
- Tuyển tập 108
- Tuyển tập 109
- Tuyển tập 110
- Tuyển tập 111
- Tuyển tập 112
- Tuyển tập 113
- Tuyển tập 114
- Tuyển tập 115
- Tuyển tập 116
- Tuyển tập 117
- Tuyển tập 118
- Tuyển tập 119
- Tuyển tập 120
- Tuyển tập 121
- Tuyển tập 122
- Tuyển tập 123
- Tuyển tập 124
- Tuyển tập 125
- Tuyển tập 126
- Tuyển tập 127
- Tuyển tập 128
- Tuyển tập 129
- Tuyển tập 130
- Tuyển tập 131
- Tuyển tập 132
- Tuyển tập 133
- Tuyển tập 134
- Tuyển tập 135
- Tuyển tập 136
- Tuyển tập 137
- Tuyển tập 138
- Tuyển tập 139
- Tuyển tập 140
- Tuyển tập 141
- Tuyển tập 142
- Tuyển tập 143
- Tuyển tập 144
- Tuyển tập 145
- Tuyển Tập 146
- Tuyển Tập 147
- Tuyển Tập 148
- Tuyển Tập 149
- Tuyển Tập 150
TUYỂN TẬP THƠ MẶC GIANG
Tuyển tập 10 bài - thơ Mặc Giang - 79
(Từ bài số 781 đến số 790)
81. Em là Vũ Trụ Thần Tiên 781
82. Hành trình bất diệt 782
82. Tiếng khóc Nhiệm Mầu 783
84. Khúc nhạc Tình Người 784
85. Cảm thương Sư Cô Trí Bửu 785
86. Sóng vỗ đôi bờ ! 786
87. Màu Hoa trăng trắng phủ dày 787
88. Nâng vành tang trắng 788
89. Mẹ đi, lối cỏ hoa cài 789
90. Đóa Hoa Song Đường 790
Em là Vũ Trụ Thần Tiên !
Tháng 7 – 2007
Em hỡi em, có biết không em hỡi !
Mỗi chúng ta, là vũ trụ riêng mình
Mỗi vi sinh, một vũ trụ nguyên trinh
Ta riêng ta giữa muôn ngàn sinh thể
Vũ trụ kia, có cái riêng của nó
Trời đất kia, không đá động tới ai
Mỗi hiện sinh là một cõi phương đài
Ta tự sống, đứng, đi, nằm, ngồi, hít, thở
Em riêng em, tự ngàn xưa, vô thỉ
Em riêng em, đến vô tận, ngàn sau
Mỗi tử sinh, chỉ là những nhịp cầu
Em đi mãi trên hành trình bất diệt
Đừng vướng sầu trên bài ca thi thiết
Đừng nghẹn lời khi tình tự đau thương
Em đưa tay, vẽ bức ảnh miên trường
Treo bất tuyệt giữa rừng tranh nhân thế
Khi thì khóc, đừng để khô dòng lệ
Khi thì cười, đừng để mất niềm vui
Hoa nhân gian, xin trao tặng mọi người
Hoa chân lý, ngát mười phương thế giới
Sống đi em, xin em đừng có hỏi !
Sống đi em, xin em đừng tìm cầu
Em là em, có bao giờ mất đâu !
Một Vũ Trụ Thần Tiên riêng em đó !
Hành trình bất diệt !
Tháng 7 – 2007
Ta thấy rồi, không ngại gì sinh tử
Ta thấy rồi, không ngại gì hồi luân
Mỗi sắc thân, một móc xích tuần hoàn
Nếu không một, thì ngàn muôn biến mất
Trong diệu hữu, chính ta đây, có mặt
Cuộc tử sinh, tự ta bước vào ra
Không ai cho, không ai lấy kia mà
Đừng phó thác, đổ thừa Thần Sống - Chết
Trong vũ trụ, có ta, không còn mất
Trong hư vô, có ta, một hiện sinh
Chính ta mang hình bóng của riêng mình
Để góp mặt với muôn ngàn tinh thể
Nếu không ta, vũ trụ kia buồn lắm
Nếu không ta, hư vô kia trống trơn
Vậy thì ta có mặt, vẫn còn hơn
Kẻo vạn hữu tịch băng, không sự sống
Đã bước đi, có khi gặp ghềnh láng
Có khi băng qua đỉnh dốc núi đèo
Có khi ngồi trên tảng đá cheo leo
Để ca hát tiếng triều dâng sóng vỗ
Khi thì vào nghĩa địa thăm cổ mộ
Hát vô thường an ủi những hồn ma
Khi thì vào nơi bất hạnh trầm kha
Hát đau thương sẻ chia người thống khổ
Thế, ngại gì sinh tử
Thế, ngại gì khổ đau
Nếu không ta, vũ trụ sẽ biến màu
Hư vô tịch, thì con quay thôi động
Ta bước mãi chan hòa muôn điệu sống
Ta bước đi dòng máu đỏ thêm hồng
Như giọt mưa đem nước đổ về sông
Và sông kia bềnh bồng ra cửa biển.
Tiếng khóc nhiệm mầu
Tháng 7 – 2007
Khóc đi em, khi trái sầu đã chín
Kẻo úa tàn, ũng thối trái tim đau
Khóc đi em, khi nước mắt lên màu
Cho dòng lệ đừng khô nguồn thổn thức
Nếu cuộc đời không trải nhiều bức xúc
Thì trần gian đâu có bãi tang thương
Bản nhạc kia, ai tấu khúc đoạn trường
Trong nhân thế, ai ca bài thống khổ
Hoa có héo, hoa có tàn, xuân về hoa mới nở
Lá có vàng, lá có rụng, thu tím mới thê lương
Rét có căm, lạnh có buốt, mới thấm những mùa đông
Chói có chan, nóng có nồng, mới xót xa hạ nắng
Ta hiểu rồi, môi em, mềm trái đắng
Ta hiểu rồi, mắt em, thấm niềm đau
Hãy khóc đi, tiếng khóc thật nhiệm mầu
Kẻo một mai, dễ gì buông tiếng khóc
Em sẽ tiếc, lệ sầu sao biến mất
Vành mi khô, lệ ướt nghẽn đâu rồi
Nên khóc được, sung sướng lắm em ơi
Giọt nước mắt, vơi nguồn cơn than thở
Xin cảm ơn những giọt sầu lệ nhớ
Xin cảm ơn những giọt đắng lệ cay
Em ấm lòng nắm lại đôi bàn tay
Vẽ thành nét dấu yêu bờ mi thẳm.
Khúc nhạc tình người
Tháng 7 – 2007
Ta muốn khóc, nhưng nước mắt không chảy
Không phải ta thiếu rung động cuộc đời
Không phải ta khô dòng lệ đầy vơi
Hay trái tim không biết nghe thổn thức
Ta muốn khóc, khi thấm niềm bức xúc
Khi khối đầu, cơn động não đi qua
Nhưng dòng lệ không nhỏ giọt châu sa
Nên đời ta tràn đầy tình thế thái
Hãy lắng nghe nỗi trầm kha khổ ải
Hãy trĩu lòng nỗi trầm thống bi thương
Đốt tâm can cho cháy hết đoạn trường
Để người người khơi bếp hồng sưởi ấm
Không còn chiến tranh và thù hận
Không còn bạo lực và tham tàn
Không còn cay đắng và lầm than
Đường đi tới, nẻo thông thương, mở cửa
Bắc nhịp cầu, Phá Tam Giang, bỏ ngõ
Người với người trao thân thiện hòa vang
Bản trường ca nhân thế khảy cung đàn
Reo khúc nhạc tình người chan nhựa sống.
Cảm thương Sư Cô Trí Bửu
Sau khi dự Lễ nhập quan, siêu độ, thành phục
vào lúc 6pm ngày 13-6-Đinh Hợi tại Linh Sơn,
trở về bổn tự và viết để cảm thương Sư Cô Trí Bửu,
thọ thế 76 tuổi, một vị xuất gia viên tịch thứ 2, sau
Sư Cô Diệu Pháp tại tiểu bang này.
Mười mấy năm xuất gia học Phật
Nương cửa thiền cất bước Tây quy
76 tuổi thọ, rồi chẳng có gì
Hay trăm tuổi hạc, cũng phải buông tay, nhắm mắt
Cách nay hơn tuần, tôi vào thăm Sư Cô trên giường bịnh
Vừa thấy dáng tôi, Cô lổm ngổm ngồi lên, tay chắp hoa sen
Tôi ôn tồn, Cô cứ nằm yên
Cô cảm động, sợ rằng thất lễ
Người bịnh mà Cô, có gì mà thất lễ hay không thất lễ
Học bát kỉnh pháp, kỉnh pháp thâm sâu, kỉnh pháp ở trong tâm
Ứng xử, ngôn từ, đối đãi, chỉ ở ngoài thân
Cô mới an lòng, và Thầy Trò nói chuyện
Cô cho biết,
Thầy Tịnh Đạo từ Melbourne cũng đã thương tình đến viếng
Sư Cô trụ trì Linh Sơn, Chư Ni, thỉnh thoảng ra vô, vừa mới đi về
Cô đọc mấy câu Thầy Tịnh Đạo viết, cho nghe
Tôi han hỏi chuyện gần, chuyện xa, Cô đều nhớ hết
Tôi nhắc Hòa Thượng Bổn Sư, Cô rưng rưng nước mắt
Tôi nhắc Sư Cô Trí Lợi, Cô nói, còn nằm chỗ cũ bạch Thầy
Tôi hỏi các số điện thoại, nếu cần, liên lạc, Cô liền nói ngay
Nào của Hậu, của Phượng, của Tâm, của Vui, của Mỹ
Nhớ niệm Phật nghe Cô,
Căn nhà xưa, nằm trong tâm ý
Nhớ buông xả nghe Cô,
Nơi trở về, nằm chỗ tâm như
Tôi nhắc thêm chuyện hai mươi mấy năm
Khi đó, có một mình Hậu
Rồi lần lượt vượt sóng trùng khơi
Hai bờ đại dương, hai mảnh địa cầu
Chốn quê nhà, đành đoạn chìm sâu
Mẹ con, anh chị em, kẻ trước người sau đoàn tụ
Lìa nơi cắt rốn chôn nhau
Lìa xa quê cha, đất tổ
Tự nguyện lưu đày, khách thổ tha phương
Dấu mờ khép kín quê hương
Bờ rêu thấm lạnh nhớ thương lên màu
Quê người không có mưa ngâu
Mà sao thấm cả thịt thau da gầy
Quê người không có mưa bay
Mà sao thấm cả nỗi này tình kia
Dòng sông mấy khúc phân chia
Núi non mấy nẻo xa lìa sơn khê
Thế rồi hôm nay, Cô đã về Tây
Trước Tam Bảo, khói hương trầm lan tỏa
Tiếng chuông ngân, hòa vang theo tiếng mõ
Sau, di ảnh Cô, báo thân nằm ngủ, yên giấc kim quan
Chung quanh đây, pháp lữ, bạn đạo, người thân
Cung tiễn Cô, thương tiếc, ngậm ngùi, lời kinh tiếng kệ
Này, Sư Cô Trí Bửu ơi,
Thân tứ đại vô thường, rồi ai ai cũng thế
Cuộc đời là trọ quán, Thánh – Phàm cũng vậy thôi
Nhìn kia, băng giá lên ngôi
Phong sương tuế nguyệt, núi đồi xanh xanh
Nhìn kia, bốn biển lênh đênh
Chúng sinh lặn hụp, trầm luân vô bờ
Đấng Từ Nghiêm, huệ mạng thâm ân, đạo lý Phật Đà
Thuyền Bát Nhã, bờ giác bến mê, đáo đầu bỉ ngạn
Nhớ ngày nào, chính nơi đây
Có khi Cô chống gậy, chống nạn
Có khi Cô đứng lên, ngồi xuống
Cố mím lòng, chịu đựng, nghe đau
Còn hôm nay, Cô an nhiên về cõi nhiệm mầu
Bạn đạo bùi ngùi, hiếu quyến vành khăn thấm lệ
Tiếng Mẫu Thân, chìm sâu trong nỗi nhớ
Tiếng Mẫu Từ, thầm khóc trong niềm thương
Mùa Vu Lan đến rồi, lành lạnh thê lương
Xin chắp đôi bàn tay, tròn đầy Hiếu Hạnh
Đây bát cơm đầy, con hiền cháu thảo
Đây tấm chân thành, nặng nghĩa tứ ân
76 năm, một cuộc đời, trả lại phù vân
Nắm tro tàn, lưu dấu tích, sinh thành cốt nhục
Mùa đông lạnh, mưa bay lất phất
Mỗi đêm về, ủ dột mùi sương
Nghe lòng, nát cõi tình thương
Từ nay, hai tiếng Song Đường còn đâu
Biển dâu xanh ngát một màu
Cháu con đứng lại bên cầu từ ly
Nhớ thương gởi bến sầu bi
Hiếu ân gởi bến tư nghì thiên thu
Cô đi đi, cõi nhiệm mầu thanh thoát
Chốn hồng trần, trả huyễn ảo, hoàn chơn
Hôm nay, đang độ trăng tròn
Còn trăng mười sáu, lối mòn dặm băng
Phật ân vi diệu thường hằng
Mười phương tỏa rạng pháp âm nhiệm mầu.
Sóng vỗ đôi bờ
Tháng 7 – 2007
Hai bờ đại dương
Hai mảnh tinh cầu
Một cõi quê nhà, đành đoạn chìm sâu
Đâu rồi, nơi cắt rốn chôn nhau
Đâu rồi, nơi quê cha đất tổ
Mang thân phận, tha phương khách thổ
Kiếp lưu đày, mờ mịt trùng khơi
Quê cha, lời nói nghẹn lời
Đất mẹ, se thắt da mồi tóc sương
Dấu mờ, khép kín quê hương
Bờ rêu thấm lạnh, nhớ thương lên màu
Xa xa nhìn mấy nhịp cầu
Biển khơi sóng vỗ, chìm sâu muôn trùng
10 năm, chưa có điểm cuối cùng
20 năm, chưa băng qua điểm mốc
30 năm, thuyền viễn xứ vẫn phiêu du
Mỗi năm, qua một mùa thu
Ba mươi năm đã mấy thu lá vàng
Lá nào theo gió bay ngang
Lá nào vùi dập bên đàng rêu xanh
Tâm can vướng nhện tơ mành
Đoạn trường mấy khúc treo cành tàn khô
Hồn ai thổn thức dưới mồ
Hồn ai khắc khoải trên bờ ly tan
Đường kia, kinh tuyến băng ngang
Đường này, vĩ tuyến bẽ bàng biển dâu
Quê người không có mưa ngâu
Mà sao thấm cả thịt thau da gầy
Quê người không có mưa bay
Mà sao thấm cả nỗi này tình kia
Dòng sông mấy khúc phân chia
Núi non mấy nẻo xa lìa sơn khê
Còn đâu là lối đi về
Còn đâu là lối lê thê dặm trường
Tiếng quê hương, gởi lên đồi gió hú
Tiếng tự tình, gởi xuống hố tịch băng
Bóng thời gian mờ sương gió rêu phong
Bóng không gian giữa đôi bờ sóng vỗ.
Màu Hoa trăng trắng phủ dày !
Tháng 7 – 2007
Mẹ ơi mẹ, tiếng mẹ hiền còn đâu nữa
Bóng mẫu từ, hương thờ nhả khói mờ sương
Mẹ đi đâu trên khúc rẽ vô thường
Con tìm mẹ giữa ngàn dâu xanh biếc
Con tìm mẹ bên dòng sông ly biệt
Nghe lạnh lùng Cầu Ái Tử ngân vang
Sông phân ly, còn gặp nhau qua lối băng ngang
Dòng sinh tử, vĩnh viễn giữa đôi bờ sóng vỗ
Quán trọ của cuộc đời, xưa nay là thế
Ai tạo nên chiếc quán trọ mà chi
Chỉ một lần, Mẹ cất bước ra đi
Là đi mãi, không bao giờ trở lại
Vành tang Mẹ, biết bao lần thấm lệ
Mảnh khăn sô, biết mấy lớp thê lương
Tiếng mẫu từ, đổ xuống bến tình thương
Tiếng mẹ yêu, trôi bờ sông ly cách
Mùa đông lạnh, mưa bay lất phất
Mỗi đêm về, ủ dột mùi sương
Nghe lòng nát cõi tình thương
Nhiều khi thổn thức canh trường mẹ ơi
Con tìm mẹ leo đồi gió hú
Đỉnh đơn côi vò võ sơn khê
Biển Đông sóng vỗ xô bờ
Con đi tìm mẹ, mịt mờ bụi bay
Còn đâu tình mẹ đong đầy
Màu hoa trăng trắng phủ dày thiên thu.
Nâng vành tang trắng
Tháng 7 – 2007
Mẹ ơi mẹ,
Lục thân quyến thuộc còn đây, nhưng mà sao trầm lắng
Mẹ ơi mẹ,
Con hiền cháu thảo còn đây, nhưng mà sao lặng thinh
Còn mẹ thì nằm yên, nằm chỉ một mình
Nhắm mắt lại, không bao giờ mở nữa
Còn đâu nữa, bóng mẹ hiền muôn thuở
Còn đâu nữa, tình thương mẹ thiêng liêng
Con nhìn mẹ mà nước mắt rưng rưng
Cuộn thành dòng, hai hàng, lăn trên má
Gió lay động thì thầm khua kẽ lá
Sao lưa thưa ủ dột khóc trăng vàng
Mẹ đã đi xa, cánh nhạn mây ngàn
Thế gian, trả lại trần gian cho đời
Mẹ về một cõi xa xôi
Giã từ nhân ảnh lở bồi phù sinh
Mẹ về một cõi vô thinh
Lắng nghe tiếng gọi một mình thiên thu
Con tìm mẹ trong đêm mờ tăm tối
Bóng đơn côi, đom đóm thắp canh trường
Vành áo nào thấm đượm ướt ngân sương
Chan giọt lệ đầy vơi mòn mi mắt
Khói quyện trầm hương, vẽ hai chữ vô thường, nghi ngút
Chiếc cầu hợp tan, gãy một nhịp Ái Tử, biệt ly
Trăm năm còn lại được gì
Bờ dâu thăm thẳm, xanh rì trăm năm
Nói chi đến nữa ngàn năm
Bên thềm băng giá lạnh căm xa mờ
Mẹ ơi, như một giấc mơ
Đêm đêm tỉnh mộng, vật vờ hồn đau
Mẹ ơi, chuông mõ kinh cầu
Nâng vành tang trắng trên đầu rụng rơi.
Mẹ đi, lối cỏ hoa cài !
Tháng 7 – 2007
Mẹ tôi khép cửa trần gian
Tôi đi tìm mẹ trên đàng đơn côi
Mẹ tôi khép lại cuộc đời
Tôi đi tìm mẹ, chơi vơi muôn trùng
Mẹ tôi khép chữ vô chung
Tôi đi tìm mẹ tận cùng hồn đau
Mẹ ơi, bãi biển nương dâu
Ngàn năm hoang lạnh khối sầu thiên thu
Lá vàng rụng mấy mùa thu
Còn bao chiếc lá ngàn thu lá vàng
Dòng sông mấy khúc băng ngang
Để cho sóng vỗ trường giang mịt mờ
Đâu là bờ vô thỉ
Đâu là bến vô chung
Cõi trần gian mộng mị
Cõi mầu nhiệm vô cùng
Hai bờ mi nằng nặng
Nghẹn ngào rơi giọt đắng
Đội vành khăn tang trắng
Thổn thức đếm giọt cay
Con tìm mẹ đến suốt đời, quên thương, gởi nhớ
Con tìm mẹ đến suốt đời, quên nhớ, gởi thương
Hương thờ nhả khói mờ sương
Từ ly mẫu tử trên đường đơn côi
Âm vang không nói nên lời
Mẹ hiền khuất bóng suốt đời bơ vơ
Dòng sông xưa, thôi rồi, xin dừng chuyến
Bến đò ngang, thôi nhé, rẽ đôi bờ
Mẹ đi, sương khói hương mờ
Con về thầm khóc giấc mơ đêm dài
Mẹ đi, biết thuở nào phai
Con về, lối cỏ hoa cài thiên thu.
Đóa Hoa Song Đường
Tháng 7 – 2007
Viết nhân Mùa Hội Vu Lan Đinh Hợi – 2007 đang đến để chia sẻ những ai không còn cha mẹ,
và nhắc nhở những ai còn cha mẹ trong đời.
(Hoa Song Đường, theo tôi, là bất cứ đóa hoa nào khi người con với tấm lòng thành dâng đóa hoa đó lên cho Cha Mẹ).
Tiết tháng Bảy, mưa ngâu lạnh giá
Hội Vu Lan, cháu thảo con hiền
Ôi Mùa Hiếu Hạnh thiêng liêng
Bông hồng, bông trắng, trên viềng áo ai
Gắn nhè nhẹ, hoa cài lệ thắm
Tạo thành màu hoa đắng không tên
Mẹ Cha, ngủ dưới hoàng tuyền
Cho con lạc lõng giữa miền trần gian
Mỗi một năm, Vu Lan lại đến
Biết làm sao trọn vẹn hiếu ân
Hoa này là của mẫu thân
Còn bông hoa của phụ thân đâu rồi
Hoa Song Đường nghẹn lời không nói
Một bông hoa tên gọi là hai
Không tên, mà chính hoa cài
Cánh hoa lành lạnh đêm dài ngấn sương
Cánh hoa này, mẹ thương cơm áo
Cánh hoa kia, dưỡng giáo công cha
Nắng mưa ủ dột mái nhà
Bốn mùa sương gió lệ nhòa song thân
Vẽ bốn chữ thâm ân nghĩa nặng
Cất một nơi sâu thẳm tâm hồn
Tôn thờ thành kính vẹn toàn
Đáp đền muôn thuở, không cần luận suy
Theo ánh Đạo Từ Bi thấm nhuận
Bóng Từ Quang trùng chấn muôn phương
Đóa hoa cao cả Song Đường
Dâng Mùa Hiếu Hạnh, không lường thâm sâu
Tam đồ khổ, bắc cầu bỉ ngạn
Cứu đảo huyền, Thắng Hội Vu Lan
Trên thời đền nghĩa Tứ Ân
Dưới thời đáp cả hàm linh muôn loài
Vu Lan - Hiếu Hạnh ai ơi
Hoa Song Đường đó, người người nhớ ghi.