CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC
Tác giả: Viên Minh
Đồng tác giả: Trần Minh Tài
TIẾN TRÌNH GIẢI THOÁT
Pháp chân đế (paramattha sacca) luôn tự thể hiện trong chân như thực tánh (yathābhūtā sabhāva) và độc lập với vô minh dục vọng của con người, nhưng với vô minh ái dục con người đã tự dựng lên bản ngã, tư kiến và thời gian để rồi tự chuốc lấy khổ đau phiền muộn, cũng từ đó chân đế hay thực tánh chỉ còn là bản vẻ đầy hư cấu và ảo ảnh trong thế giới khái niệm của tưởng tri và thức tri. Quá trình huân tập của bản ngã vừa phát xuất từ vô minh ái dục lại vừa làm sâu dày thêm vô minh ái dục, thế rồi pháp chân đế tuy vẫn luôn hiện hữu nhưng con người chỉ thấy cái giả tướng do chính mình thiết lập. Vì vậy, muốn phá cái giả tướng ấy để phục hồi thực tánh cũng phải trải qua một quá trình thời gian nhất định, Đạo Phật gọi đó là tiến trình giải thoát. Lý thì có thể đốn ngộ nhưng sự thì tất yếu phải tiệm tu.
Nói tới tiến trình tức là chấp nhận có thời gian và sự tiến bộ. Nhân loại trong mấy thế kỷ gần đây, quả thật đã tiến bộ khá xa trong lãnh vực khoa học kỹ thuật, văn minh vật chất và đã thành công phần nào trong nỗ lực chinh phục thiên nhiên, đem lại nhiều lợi ích đáng kể cho tiện nghi đời sống, nhưng cũng đã để lại không ít những hiệu ứng tàn hại khôn lường trong hiện tại lẫn tương lai lâu dài. Còn tiến bộ tinh thần, nhất là về phương diện đạo đức thì sao? Con người đã thực sự độc lập đối với những điều kiện ngoại giới chưa? Và con người có quan tâm đến sự tiến bộ trong lãnh vực giải phóng chính mình ra khỏi thế giới ảo tưởng, như Đức Phật và các bậc Thánh Hiền Đông Tây đã làm hay không?
Một nhà tư tưởng nói: "Tỏ ra mình hơn người khác chưa phải là hay, hay hơn hết là có thể tỏ ra rằng: hôm nay mình đã hơn chính mình ngày hôm qua". Sự tiến bộ mà nhà tư tưởng trên vừa nói là một sự tiến bộ thật sự khó khăn nhất mà cũng đáng khuyến khích nhất.
Đức Phật cũng dạy Đại Đức Ānanda: "Như Lai không khen ngợi sự chùn bước và ngưng trệ, mà chỉ khen ngợi sự tiến bộ". Tiến bộ ở đây có nghĩa là hướng thượng (opanayiko), một trong những nghĩa chính của Pháp (Dhamma). Như chúng ta đã nói, sự tập thành của bản ngã và vô minh ái dục càng sâu dày thì con người càng sa đọa, cho dù có văn minh tiến bộ trong lãnh vực khoa học kỹ thuật, vì nói như nhà phân tâm học nổi tiếng Freud thì văn minh chỉ là kết quả của tính dục. Vậy tiến trình giải thoát bản ngã phải là một tiến bộ có tính hướng thượng. Hướng thượng, thực ra, chỉ có nghĩa là thoát ra khỏi vô minh ái dục, thoát ra khỏi thế giới ảo vọng của bản ngã để trở về với nguyên tánh của pháp chân đế mà thôi, chứ không phải hướng đến một mục đích tuyệt hảo nào đó trong lý tưởng giả lập của con người.
Vậy tiến bộ trong nghĩa hướng thượng của Dhamma phải trải qua những giai đoạn nào? Điều nầy hầu như bất cứ ai nghiên cứu Phật học cũng đều biết ba giai đoạn hướng thượng của Dhamma là Sīla (giới), Samādhi (định) và Pannā (tuệ). Có giới, định, tuệ mới có giải thoát và giải thoát tri kiến, nên đó chính là ba giai đoạn trong tiến trình giải thoát, từ mê đến giác từ phàm đến thánh.
Tuy vậy trước khi bước vào ngưỡng cửa của tiến trình này, người Phật tử phải trải qua một thời gian dự bị để un đúc đức tin (saddhā) vì đó là sức mạnh tất yếu khả dĩ thúc đẩy họ đặt bước chân đầu tiên vào cuộc hành trình một cách tự tin và kiên định.
Đức tin trong Phật giáo không có nghĩa là lòng tin tưởng mù quáng, mà là kết quả của nhận định sáng suốt. Tiến trình đi đến giải thoát của người Phật tử được ví như sự phát triển của một hạt giống. Trước hết phải có sức mạnh cần thiết để mầm phá vỡ lớp vỏ dày bao phủ bên ngoài và bắt đầu tiến trình phát triển. Sức mạnh tất yếu đó là đức tin. Kế đến, khi đã thoát ra khỏi vỏ, mầm cây bắt đầu nẩy rễ để giúp thân con đâm cành trổ lá, rễ càng dài càng vững chắc thì thân cây càng mau lớn. Rễ ví như giới, thân cây ví như định và cuối cùng khi đã lớn mạnh, cây mới có thể đơm hoa kết trái. Hoa ví như tuệ giác (magganāna: Đạo Tuệ) và quả là giác ngộ giải thoát (phalanāna: Quả Tuệ).
Chúng ta đã đề cập đến đức tin như một điều kiện tiên quyết và tất yếu để bước vào tiến trình giải thoát tự ngã. Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu ba giai đoạn chính của tiến trình này.
1. Giới (Sīla): nhằm mục đích ngăn ngừa và diệt trừ phiền não hay bất thiện pháp ở mức độ thô, biểu hiện qua thân hành và khẩu hành. Giới cũng được định nghĩa là patimokkha, biệt biệt giải thoát, vì mỗi học giới có công năng loại trừ được một hình thức bất thiện nhất định nào đó. Ví dụ giới không sát sanh ngăn ngừa hành động sát hại, giới không trộm cắp ngăn chận hành vi tham lam v.v.
Giới không phải là những điều cấm đoán mà là những điều học (sikkhāpadāni) qua đó giúp chúng ta thấy ra động cơ thúc đẩy từ nội tâm. Nhờ vậy chúng ta có thể điều chỉnh hành động, nói năng được trong sạch, hiền thiện.
Như vậy giới là bước đầu giúp thân khẩu thoát ra khỏi hành động và nói năng bất thiện đưa đến phiền não khổ đau. Nếu giới được trong sạch tâm sẽ không bị những phiền não thô do hành động bất thiện của thân khẩu gây ra, không bị ray rứt ân hận mà người ta thường gọi là lương tâm cắn rứt, do đó tâm được lắng dịu, khinh an, nhu nhuyến, chánh trực, dễ thích ứng v.v. Vì vậy giới còn là nền tảng cho định dễ phát sinh: Giới năng sinh định.
2. Định (Samādhi): Có những phiền não hay bất thiện pháp phát khởi trong tâm, làm ô nhiễm và rối loạn tâm nhưng chưa biểu hiện ra ngoài qua thân hành, khẩu hành, thì giới không thể chế ngự được. Chỉ có thiền định mới có thể làm cho tâm an ổn tĩnh lặng.
Chế ngự tâm là một việc làm khó khăn, vì tâm con người biến đổi cực kỳ nhanh chóng, chỉ trong giây lát đôi khi có cả hàng trăm hàng ngàn ý nghĩ, tình cảm khác nhau sinh diệt; tệ hại nhất là những niệm bất thiện như tham lam, dục vọng, sân hận, tật đố, nham hiểm... có thể làm cho tâm hồn đảo điên, mù quáng.
Đời sống của chúng ta, không phải chỉ bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng có ý thức, mà còn bị chi phối bởi những hoạt động chìm sâu trong vô thức, điển hình nhất là lúc ngủ, nhiều giấc chiêm bao đã làm cho ta hãi hùng kinh sợ.
Bởi thế trong kinh Dhammapada Đức Phật dạy:
"Chế ngự được tâm là quý, vì cái tâm thật khó kiểm sát, nó không ngừng chạy theo tham dục. Tâm được chế phục sẽ đem đến hạnh phúc".
Thiền định không những giúp tâm thanh tịnh mà còn là một phương pháp phát huy sức mạnh tinh thần hữu hiệu nhất, theo đó hành giả chú tâm vào một đối tượng cho đến khi tâm an trú, không còn dao động. Trong khi chuyên niệm, nhiều thiền giả phát huy được một số tịnh quang tâm sở (sobhanacetasika) gọi là thiền chi.
Năm thiền chi (jhānānga) có khả năng đối trị năm triền cái (nivārana) như:
Tầm (vitakka) là tâm sở hướng đến đối tượng thiền định, có khả năng loại trừ được trạng thái thụ động uể oải của hôn trầm thụy miên (thīna middha).
Tứ (vicāra) là sự cố gắng giữ thăng bằng trên đối tượng thiền định, có khả năng chế ngự trạng thái phân vân, bất quyết của nghi hoặc (vicikicchā).
Hỷ (pīti) là trạng thái hân hoan, phấn khởi, vui thích trên đối tượng thiền định, có khả năng đối trị sự bực bội, căng thẳng của sân hận (vyāpāda).
Lạc (sukha) là trạng thái cảm thấy an lạc, lắng dịu, vừa ý với đối tượng thiền định, có khả năng hoá giải tâm thái dao động, bất an của trạo cử hối quá (uddhacca-kukkucca).
Nhất tâm (ekaggatā) chính là định, trạng thái buông xả, tĩnh lặng và an trú trên đối tượng, có khả năng trấn phục sự lăng xăng tầm cầu thỏa mãn ham muốn giác quan của lòng tham dục (kāmachanda).
Khi các triền cái đã được loại ra khỏi tâm, thì tinh thần trở nên định tĩnh, an lạc, nên Đức Phật gọi là hiện tại lạc trú (dittha-dhamma-sukha-vihāra). Mặt khác, định là một nguồn năng lực vô song, khiến cho thiền giả có thể đạt đến mức thần thông biến hóa dễ dàng. Thực vậy, sức mạnh của tâm còn vĩ đại hơn cả nguyên tử lực vì nguyên tử chỉ biến đổi được hình dạng của vật chất, trong khi định lực có thể chuyển hoá được một "hợp chất" vô hình phức tạp nhất là phiền não. Tuy nhiên, lợi ích đáng kể nhất của thiền định là tạo điều kiện cho trí tuệ phát sinh: Định năng sinh tuệ.
3. Tuệ (pannā): Thiền định được dùng trong Phật Giáo chỉ với mục đích ổn định những phiền não, dưới hình thức triền cái, phát khởi trong lãnh vực ý thức làm ô nhiễm và xáo trộn tâm chúng ta, nhưng không thể trừ được tận gốc những mầm móng phiền não ẩn náu sâu xa trong lãnh vực vô thức, dưới dạng phiền não ngủ ngầm gọi là tùy miên (anusaya). Vì vậy, Đức Phật dạy pháp hành thiền tuệ với mục đích sử dụng tuệ giác để đoạn tận phiền não trong cả hai lãnh vực hữu thức và vô thức. Thiền tuệ (vipassanā) lấy chánh niệm (sati) và tỉnh giác (sampajanna) để chiếu soi, quan sát với tâm hướng trung thực (yoniso manisikāra) các diễn biến của thực tại thân, thọ, tâm, pháp. Khi chúng ta soi chiếu một cách chú tâm tỉnh thức như thế các hiện tượng sẽ tự tách bạch thành những chuỗi động tác nối liền bằng mối liên hệ nhân quả, y như lúc ta nhìn lại từng tấm phim riêng rẽ kết nối những động tác có vẻ như liên tục trên màn hình.
Như vậy, tuệ tổng hợp phát sanh nhờ chỉ, tuệ phân tích phát sanh do quán. Thực ra, trong thiền vipassanā chánh niệm giữ vai trò của chỉ và tỉnh giác giữ chức năng của quán, cả hai trở thành tuệ giác để trực nhận pháp chân đế, lấy Niết-bàn làm đối tượng và thành tựu mục đích giác ngộ giải thoát: giải phóng tự ngã.
Tiến trình Giới-Định-Tuệ được thực hiện nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào quyết tâm bền chí của mỗi người, đó là tinh tấn (viriya) và nhẫn nại (khanti). Thật vậy, nếu thiếu tinh tấn và kiên trì thì tiến trình sẽ bị ngưng trệ và gián đoạn.
Trong kinh điển Pàli, tiến trình giải thoát được khai triển theo thứ tự như sau:
Sīla (giới) à Avippatisāra (bất hối) à Pāmojja (hoan) à Pīti (hỷ) à Passaddhi (an) à Sukha (lạc) à Samāddhi (định) à Yathā-bhūta-nāna-dassana (tri kiến như thật) à Virāga (ly dục) à Vimutti (giải thoát).
Giới trong sạch thì tâm không hối tiếc, tâm không ân hận ray rứt tất được hân hoan, vi tế hơn tâm cảm nhận được trạng thái hỷ, an và lạc. Lạc khiến cho tâm không trạo cử và đưa đến an chỉ. Nhờ định tâm được sáng suốt, thấy biết thực tánh của vạn pháp, không còn tham ái và cuối cùng là giải thoát.
Tóm lại, tiến trình của Pháp qua Giới-Định-Tuệ được chuẩn bị bằng đức tin và thực hiện bằng tinh tấn, nhẫn nại liên tục cho đến bao giờ được hoàn toàn giải thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.