- Thư số 01
- Thư số 02
- Thư số 03
- Thư số 04
- Thư số 05
- Thư số 06
- Thư số 07
- Thư số 08
- Thư số 09
- Thư số 10
- Thư số 11
- Thư số 12
- Thư số 13
- Thư số 14
- Thư số 15
- Thư số 16
- Thư số 17
- Thư số 18
- Thư số 19
- Thư số 20
- Thư số 21
- Thư số 22
- Thư số 23
- Thư số 24
- Thư số 25
- Thư số 26
- Thư số 27
- Thư số 28
- Thư số 29
- Thư số 30
- Thư số 31
- Thư số 32
- Thư số 33
- Thư số 34
- Thư số 35
- Thư số 36
- Thư số 37
- Thư số 38
- Thư số 39
- Thư số 40
- Thư số 41
- Thư số 42
Tác giả: Viên Minh
[Thư số 18]
Ngày ........ tháng ........ năm ........
Tâm Đạt con,
Hôm nay Thầy góp ý về pháp danh Tâm Đạt của con. Đúng ra Thầy không nên nói vì pháp danh đó do một vị Thầy khác đặt, tất nhiên vị ấy có chủ ý riêng làm sao Thầy biết được. Nhưng thôi, theo lời yêu cầu của con, Thầy cứ giảng theo ý Thầy vậy. Con có đồng ý không?
Theo Thầy, đạt là đắc, là được, là tới mục đích rốt ráo. Nhưng ở đâu là nơi rốt ráo của tâm?
Một khi quá khứ tâm không thể đạt, tương lai tâm không thể đạt, hiện tại tâm không thể đạt, vậy tâm đạt chỗ nào?
Và khi mà: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” nghĩa là nên sinh cái tâm không trụ vào đâu cả. Vậy tâm trụ chỗ nào?
Ngài Huệ Khả đến viếng Tổ đạt-Ma hỏi: “Xin Hòa Thượng an cái tâm cho tôi”. Tổ Đạt-Ma nói: “Ông đưa cái tâm đây ta an cho”. Huệ Khả tìm tâm hồi lâu bèn thưa: “Bạch Hòa Thượng, tôi không thấy tâm đâu cả”. Tổ nói: “Ta đã an cái tâm cho ông rồi đó”. Sau này Ngài Huệ Khả được Tổ truyền y bát.
Qua câu chuyện trên con thấy Tổ Đạt-Ma đã an cái tâm cho Huệ Khả ra sao? Thôi, bao nhiêu câu hỏi đó cũng đủ cho con thấy tâm bất khả đạt! Tâm không thể đạt được vì đạt chỗ nào thì chỗ ấy trở thành trụ tướng (tướng ngưng trệ) và tất nhiên đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não.
Thế thì con phải làm sao?
Thực ra chỉ đơn giản là nếu con muốn tâm đạt thì phải đạt chỗ không đạt mới được. Người tu phần đông nghĩ rằng tâm phải đạt đến chỗ tịnh, phải an trụ vào chỗ tịnh. Theo Thầy thì không phải đạt, không phải trụ mà là thấy, thấy tịnh và động để không bị rơi vào chỗ nào. Để khi đáng tịnh thì tịnh, khi đáng động thì động.
Ngày nọ có người hỏi Đức Phật: “Có phải mục đích tu hành là để đạt được giới tịnh, tâm tịnh, kiến tịnh, đoạn nghi tịnh, đạo phi đạo tri kiến tịnh, đạo tri tịnh, tri kiến tịnh không?”. Đức Phật trả lời: “Không”. Người kia ngạc nhiên: “Nếu mục đích tu hành không phải thanh tịnh thì để làm gì?”. Phật dạy: “Thanh tịnh là trạm xe, mục đích tối hậu là vô thủ trước Niết-Bàn”.
Vô thủ trước, vô sở trụ, bất khả đắc là những từ để chỉ tâm phải đạt tới chỗ không đạt, nghĩa là tâm đã buông hết mọi chỗ nắm bắt, mọi sinh y, mọi dục hỷ... chính vì vậy mà tâm lúc ấy được gọi là không, vô tướng, vô tác... Niết-bàn.
Khi tôn giả Mahàkotthita hỏi Ngài Sàriputta có phải mục đích sống phạm hạnh là để đạt được cảm thọ hay không cảm thọ như đã hy vọng không, Ngài Sàriputta trả lời: “Không”. Và Ngài nói tiếp: “Với mục đích để biết, để thấy, để chứng, để ngộ, để hiện quán đây là khổ... Đây là nguyên nhân của sự khổ... đây là khổ diệt... đây là con đường diệt khổ mà phạm hạnh được sống dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn”.
Đoạn trên Ngài Xá-Lợi -Phất một lần nữa xác nhận mục đích của Đạo Phật không phải đạt được một trạng thái tâm nào, mà chỉ để thấy, để biết, để chứng, để ngộ, để hiện quán những sự thật ở đời. Mà chứng, ngộ, hiện quán... tức là vô thủ trước, vô sở trụ, bất khả đắc.
Nói thì nghe rắc rối nhưng thật rất giản dị, con có thể thực hiện một cách dễ dàng:
Khi tâm con có tham, hãy biết (thấy, chứng, ngộ, hiện quán) tâm có tham, không dừng lại (đạt, trụ, thủ trước) nơi tham.
Khi tâm con không có tham, hãy biết tâm không có tham, không dừng lại nơi không tham.
Khi tâm con có sân, không sân, có động, có tịnh, có ràng buộc, có giải thoát, v.v... con đều biết thật có như vậy và không dính mắc, không trụ trước vào tâm ấy.
Như vậy là không đạt hay đạt chỗ không đạt, nghĩa là không dính mắc vào đâu, là tâm thong dong tự tại.
Thấy, biết tâm mình ở mọi nơi là hiện quán, là chứng ngộ. Tâm mình không dính mắc vào nơi nào là an nhiên giải thoát.
Nhưng con đừng tưởng không dính mắc nơi nào là tâm không không đâu nhá. Không không là dính mắc vào không rồi. Dính mắc vào không còn nguy hại hơn dính mắc vào có ở trạng thái này hoặc trạng thái kia tùy nhân duyên sinh khởi “tùy cảm nhi ứng tùy ngộ nhi an” mà, nhưng chính nhờ không dính mắc vào đâu mới có vô lượng tướng dụng, vô lượng lợi ích cho mình và người.
Nói thì nghe như lý luận chơi nhưng ai có thực sống mới thấy thật là dễ dàng, đơn giản và thiết thực vô cùng.
Tâm Đạt con, bây giờ tâm con phải đạt thế nào
Thầy.