- Tiểu sử dịch giả
- Tựa
- Niên biểu lịch sử Ấn Độ
- Chương 1: Tổng quan về Ấn Độ
- Chương 2: Phật Thích Ca
- Chương 3: Từ Alexandre tới Aureng-Zeb
- Chương 4: Đời sống dân chúng
- Chương 5: Thiên đường của thần linh
- Chương 6: Đời sống tinh thần
- Chương 7: Văn học Ấn Độ
- Chương 8: Nghệ thuật Ấn Độ
- Chương 9: Ấn Độ và Ki Tô Giáo
- Danh từ Ấn, Hồi
LỊCH SỬ VĂN MINH ẤN ĐỘ
Tác giả: Will Durant - Nguyễn Hiến Lê dịch
CHƯƠNG III -
TỪ ALEXANDRE TỚI AURENG-ZEB
I. CHANDRAGUPTA
Vua Alexandre vô Ấn Độ - Nhà giải phóng: Chandragupta – Dân chúng – Đại học Taxila – Cung điện – Một ngày của một ông vua – Một Machiavel thời cổ - Tổ chức hành chánh – Luật pháp – Y tế - Giao thông và chuyên chở, đường sá – Cơ quan hành chánh ở các thành thị
Năm 327 trước Công nguyên, Đại đế Hi Lạp Alexandre mới chiếm xong Ba Tư, xua quân qua đèo Hindoukouch tiến vô Ấn Độ. Trong một năm ông xông pha trong các tiểu quốc trù phú ở Tây Bắc, trước kia thuộc đế quốc Ba Tư, tới đâu cũng bắt dân chúng cung cấp lương thực cho đại quân của ông và đóng thuế cho ông. Đầu năm -326, ông vượt sông Indus, vừa đánh vừa tiến từ từ xuống phương Nam và phương Đông, qua các xứ Taxila và Rawalpindi. Ông gặp và đánh tan đạo quân của vua Porus gồm 30.000 bộ binh, 4.000 kị binh, 300 chiến xa và 200 thớt voi, giết 12.000 quân của Porus. Porus đã anh dũng chiến đấu tới cùng, cho nên khi ông ta đầu hàng, Alexandre vừa phục sự can đảm, vừa khen vóc dáng to lớn, tướng mạo đường đường lẫm liệt của ông, hỏi ông muốn được đối xử ra sao. Vua Porus đáp: “Alexandre, ông nên đãi tôi vào hàng quân vương”. Alexandre đáp: “Đành rồi, đó là chuyện của tôi, nhưng ông cho tôi biết ông muốn gì hơn cả”. Porus bảo Alexandre hỏi như vậy là đủ cho mình mãn nguyện rồi, không đòi gì nữa. Lời đáp đó làm cho Alexandre thích chí, và Alexandre cho Porus làm vua trọn phần Ấn Độ mà ông mới chiếm được. Từ đó, Porus phải lệ thuộc xứ Macédoine (tổ quốc của Alexandre) nhưng là đồng minh trung tín và cương nghị. Alexandre muốn tới biển đông – tức vịnh Bengale – nhưng quân sĩ không chịu tiến thêm nữa. Thuyết phục rồi giận dỗi cũng vô hiệu, ông đành phải nhượng bộ, kéo đoàn quân kiệt quệ trở về, mới đầu dọc theo bờ sông Hydaspe rồi theo bờ biển, ngược lên Gédrosie và Béloutchistan. Trong cuộc lui binh đó, ông qua nhiều miền có những bộ lạc bất qui phục và gần như ngày nào quân đội của ông cũng phải chiến đấu. Sau hai mươi tháng rút quân như vậy, trở về tới Suse thì đạo quân ông xua vào Ấn Độ ba năm trước, nay xơ xác, thiểu não.
Bảy năm sau Macédoine không còn giữ được chút quyền hành gì ở Ấn Độ nữa. Sở dĩ có sự thay đổi hoàn toàn đó là nhờ hoạt động của một nhân vật lãng mạn nhất trong lịch sử Ấn Độ, tài cầm quân kém Alexandre – dĩ nhiên – nhưng tài nội trị và ngoại giao thì vượt xa Alexandre: Chandragupta, vốn là một thanh niên quí tộc Kshatriya, bị quốc vương Nanda, có họ hàng với chàng, đày ra khỏi Magadha. Được Kautilya Chanakya, một người quỉ quyệt, giàu thủ đoạn, làm cố vấn, chàng tổ chức một đạo quân nhỏ, dẹp được hết các đồn quân Macédoine và tuyên bố Ấn Độ độc lập. Rồi chàng tiến về Pataliputra[1] kinh đô vương quốc Magadha, gây một cuộc cách mạng, chiếm ngôi báu và sáng lập triều đại Mauryan, triều đại này làm chủ Hindoustan và A Phú Hãn trong một trăm ba mươi bảy năm. Vừa can đảm vừa biết dùng mánh khoé khôn khéo của Kautilya, Chandragupta làm cho triều đại của ông thành mạnh nhất thời đó. Khi Mégasthènes, với tư cách là sứ thần của Seleucus Nicator, vua Syrie, tới kinh đô Pataliputra, ông ngạc nhiên thấy một nền văn minh mà ông ta về khoe với các người Hi Lạp ngây thơ rằng không kém nền văn minh Hi Lạp chút nào – ta nên nhớ văn minh Hi Lạp thời đó toàn thịnh.
Mégasthènes đã lưu lại nhiều trang ca tụng đời sống ở Ấn đương thời, có lẽ ông ta hơi tô điểm một chút. Trước hết ông lấy làm lạ rằng Ấn không có chế độ nô lệ[2], và dân chúng chia làm nhiều tập cấp tuỳ theo nghề nghiệp, ông cho sự phân chia xã hội như vậy rất tự nhiên, hợp lí, chấp nhận được. Vị sứ thần đó bảo dân chúng sống sung sướng.
Vì cách thức họ bình dị mà đời sống của họ đạm bạc. Không khi nào họ uống rượu, trừ trong các buổi lễ tế thần… Luật pháp và cách lập khế ước của họ rất giản dị, chứng cớ là gần như không bao giờ họ ra toà. Họ không kiện cáo nhau vì các tờ hợp đồng hoặc vì cho vay mượn, họ không cần dùng con dấu hoặc người làm chứng vì họ tin nhau… Họ trọng đạo đức và tính thành thực… Đa số đất đai đều cày cấy, mỗi năm hai mùa… Vì vậy người ta bảo Ấn Độ chưa hề biết nạn đói kém, chưa bao giờ thiếu thức ăn cho dân chúng.
Thời Chandragupta, Bắc Ấn có khoảng hai ngàn thị trấn, và thị trấn cổ nhất là Taxila, cách thị trấn Rawalpindi hiện nay khoảng ba chục cây số về phía Bắc. Arrien bảo thị trấn đó “lớn và thịnh vượng”, Strabon bảo nó rộng và có nhiều luật lệ rất tốt. Nó vừa là một quân khu vừa là một đất văn vật vì nó có một địa vị rất quan trọng về phương diện chiến lược, ở trên con đường chính đưa sang Tây Á, mà lại có trường đại học lớn nhất đương thời Ấn Độ. Sinh viên mọi nơi đổ xô lại Taxila cũng như thời Trung Cổ họ đổ xô lại Paris, ở đó có những giáo sư giỏi nhất dạy đủ các môn nghệ thuật và khoa học, trường Y khoa Taxila nổi danh khắp phương Đông[3].
Mégasthènes đã tả Pataliputra, kinh đô của Chandragupta như sau: kinh đô dài khoảng mười lăm cây số, rộng ba cây số, cung điện nhà vua tuy cất bằng cây nhưng Mégasthènes cho là đẹp hơn các cung điện ở Suse và Ecbatane, và chỉ kém các cung điện Persépalis thôi. Cột đều bọc một lớp vàng, vẽ những hình chim và lá cây, trong cung bày những đồ đạc vàng son rực rỡ. Nền văn minh đó vẫn có chút vẻ khoe khoang đặc biệt của phương Đông, chứng cớ là có những bình lớn bằng vàng trực kính một thước tám mươi; một sử gia Anh sau khi nghiên cứu các tài liệu văn học hoặc hội hoạ, các cổ vật còn lại, kết luận rằng thế kỉ thứ IV và thứ III trước Công nguyên, nghệ thuật và kĩ nghệ của đế quốc Maurya không kém nghệ thuật và kĩ nghệ dưới thời các vua Mông Cổ mười tám thế kỉ sau.
Chandragupta dùng võ lực chiếm được ngôi rồi, sống trong cảnh vàng son rực rỡ của cung điện hai mươi bốn năm, chỉ đôi khi mới ra ngoài thành tiếp xúc với dân chúng, những lúc đó, bận bộ triều phục bằng lụa là thêu kim tuyến, ngồi trong một chiếc kiệu bằng vàng hoặc cưỡi một thớt tượng trang sức lộng lẫy. Trừ những buổi đi săn hoặc tiêu khiển, còn thì ông dùng hết thì giờ vào việc cai trị một quốc gia đương phát triển mạnh. Mỗi ngày của ông chia làm mười sáu khoảng, mỗi khoảng chín mươi phút. Khoảng thứ nhất, ông thức dậy, trầm tư, khoảng thứ nhì ông đọc các bản điều trần của các đại thần rồi ban các mật lệnh, khoảng thứ ba ông họp với các nhà cố vấn trong một điện riêng, khoảng thứ tư, lo về vấn đề tài chính và binh bị, khoảng thứ năm, đọc các sớ thỉnh cầu của dân và xử án, khoảng thứ sáu dùng để tắm và ăn, khoảng thứ bảy thu thuế và các cống phẩm, bổ dụng quan lại, khoảng thứ tám lại họp nội các, nghe các lời báo cáo của bọn mật vụ và bọn triều thần cũng do thám cho ông, khoảng thứ chín dùng để nghỉ ngơi, tụng niệm, khoảng thứ mười và mười một dùng để giải quyết các vấn đề võ bị, khoảng thứ mười hai cũng nghe báo cáo mật, khoảng thứ mười ba để tắm và ăn bữa tối, ba khoảng cuối cùng, mười bốn, mười lăm và mười sáu để ngủ. Sự thực không chắc đã đúng như vậy, có lẽ đó chỉ là chương trình lí tưởng mà sử gia mong cho Chandragupta theo được hoặc muốn cho dân chúng tưởng rằng Chandragupta theo được. Các tin tức trong cung điện đưa ra ít khi đúng sự thật lắm.
Sự thực mọi quyền hành do viên đại thần quỉ quyệt Kautilya nắm hết. Kautilya vốn là một tu sĩ Bà La Môn, biết rõ giá trị của tôn giáo về phương diện chính trị, nhưng trong cách hành động lại không theo các qui tắc đạo đức, như các nhà độc tài hiện thời, ông ta cho rằng phương tiện nào cũng tốt miễn là có lợi cho quốc gia. Con người đó vô sở bất vi, tráo trở, nhưng rất trung tín với vua, ông ta hầu hạ Chandragupta trong cảnh lưu đày, trong cơn thất bại, trong thời mạo hiểm, bày mưu lập kế cho chủ để giết người, thắng trận, và nhờ thủ đoạn khôn khéo, làm cho đế quốc của chủ hoá mạnh nhất Ấn Độ thời đó, các thời trước cũng không bằng. Như Machiavel ở Ý thời Trung cổ, tác giả cuốn Prince, Kautilya nghĩ nên chép lại những thuật ông ta dùng trong chiến tranh và ngoại giao, theo truyền thuyết ông ta là tác giả cuốn Arthshastra, cuốn sách cổ nhất viết bằng tiếng Sancrit. Bảng liệt kê các cách ông đề nghị để chiếm một đồn đủ cho ta thấy óc thực tế của ông “tế nhị” ra sao. Các cách đó là “gian kế, dùng gián điệp, hối lộ bên địch, bao vây, xung phong”. Rõ ràng là ông ta muốn phí ít sức nhất. Cách trị dân của Chandragupta và viên tể tướng của ông không có tính cách dân chủ, nhưng triều đại đó vẫn là triều đại tốt nhất, vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Ấn Độ. Akba, minh quân bậc nhứt của Mông Cổ “không so sánh được với Chandragupta và người ta có thể tin rằng không một thành thị Hi Lạp nào thời cổ được tổ chức khéo hơn”. Chính quyền rõ ràng là dựa trên sức mạnh của quân đội. Nếu lời của Mégasthènes đáng tin (nhưng có lẽ lời của ông cũng đáng ngờ như lời các phóng viên báo chí ngày nay ở ngoại quốc) thì Chandragupta có một đạo quân gồm 600.000 bộ binh, 30.000 kị binh, 9.000 thớt voi, và một số chiến xa không biết rõ là bao nhiêu. Nông dân và tu sĩ Bà La Môn được miễn dịch, Strabon bảo nông dân được yên ổn cày ruộng trong thời chiến. Theo nguyên tắc, quyền của nhà vua không bị hạn chế, nhưng sự thực một phần quyền hành thuộc về một hội đồng – có khi do nhà vua chủ toạ, có khi không – nhiệm vụ là thảo luật, quyết đoán về tài chánh, lo việc ngoại giao và bổ nhiệm cả vài chức lớn trong triều đình. Mégasthènes nhấn mạnh vào “tư cách cao thượng và sáng suốt” của các vị cố vấn đó mà nhiệm vụ trong chính quyền thật là quan trọng.
Nội các gồm nhiều bộ có quyền hạn rõ rệt và một số công chức đủ các cấp: các bộ đó lo việc thu thuế, đánh thuế quan, cấp giấy thông hành, giải quyết các vấn đề biên giới, giao thông, thuế gián thu, mỏ, canh nông, mục súc, thương mại, lâm sản, thuyền bè, kho chứa hàng, xưởng đúc tiền, cả vấn đề du hí trong dân gian và mãi dâm nữa. Chẳng hạn viên tổng giám đốc thuế gián thu kiểm soát việc bán thuốc men, rượu, quyết định cho mở bao nhiêu quán rượu, ở đâu, mỗi quán được bán bao nhiêu rượu. Viên tổng giám đốc mỏ định chu vi khai thác cho những người được phép, những người này phải nộp một số thuế nhất định là bao nhiêu đó cho triều đình và nộp cho ông ta một số tính theo lợi tức, về canh nông cũng gần gần như vậy vì theo nguyên tắc, đất thuộc về quốc gia hết. Viên tổng giám đốc du hí kiểm soát các sòng bạc, cung cấp các con thò lò, các sòng phải nộp thuế mới được dùng các con thò lò đó, ngoài ra còn nộp cho quốc khố 5% số lời. Viên tổng giám đốc mãi dâm coi chừng các gái điếm, coi chừng sự chi tiêu của họ, bắt họ phải nộp mỗi tháng hai ngày tiền họ kiếm được, ông ta còn nuôi hai ả trong cung để họ “tiếp đãi” khách khứa của ông và cũng để làm gián điệp cho ông nữa. Làm nghề nào cũng phải đóng thuế, ngoài ra triều đình thỉnh thoảng quyên tiền của bọn phú gia nữa. Triều đình định giá cả các món hàng, cứ đúng kì hạn kiểm soát xem thước và cân có đúng cách thức không; lập các xưởng quốc gia để chế tạo một số hoá phẩm nào đó; chính quyền còn bán rau và giữ độc quyền về mỏ, muối, gỗ, tơ lụa, ngựa và voi.
Tại các làng, chính các hương trưởng hoặc các panchayat – hương hội gồm năm hương chức – lo việc xử kiện, tại các thành phố, quận hoặc tỉnh, có những toà án thuộc nhiều cấp; tại kinh đô, Nội các lãnh nhiệm vụ của tối cao pháp viện, và nếu cần thì nhà vua sẽ xử các vụ chống án cuối cùng. Hình phạt rất nghiêm khắc: chặt tay, chặt chân, khổ hình và tử hình, thường thường là quyết định theo luật báo thù hoặc luật bồi thường. Nhưng chính quyền không phải chỉ lo trừng trị tội ác, mà còn săn sóc đến vệ sinh, y tế, mở nhiều dưỡng đường, nhiều cơ quan từ thiện, gặp những năm đói kém thì lấy thóc gạo, thức ăn trong kho ra phát chẩn, bắt buộc người giàu bố thí cho kẻ nghèo, và những năm kinh tế khủng hoảng, tổ chức các đại công tác cho dân thất nghiệp có công ăn việc làm.
Bộ giao thông trên thuỷ qui định sự chuyên chở bằng đường thuỷ, che chở các hành khách đi trên sông hoặc trên biển; tu bổ các cầu, hải cảng, giang cảng, đặt những đò đưa qua sông chỗ nào tư nhân không lập sẵn bến – lối tổ chức nửa công nửa tư đó rất tốt, một mặt các tổ chức tư nhân không bóc lột dân chúng được vì còn có sự cạnh tranh của chính phủ, một mặt, nhờ có những tổ chức tư nhân mà các tổ chức chính phủ không phung phí quá vì không được độc quyền mà phải cạnh tranh. Bộ giao thông trên bộ đắp và sửa tất cả các đường trong nước, từ những hương lộ dùng cho xe bò, nối làng nọ với làng kia, tới những thương lộ (đường để giao thông buôn bán) rộng mười thước và vương lộ (tức như quốc lộ) rộng gần hai chục thước. Một trong những vương lộ đó dài gần hai ngàn cây số, đưa từ kinh đô Pataliputra tới biên giới Tây Bắc, nghĩa là bằng nửa đường băng ngang Hoa Kì từ Đông qua Tây. Mégasthènes bảo bên bờ lộ, cứ cách ngàn rưỡi thước lại cắm một cây trụ ghi hướng đi về đâu và khoảng đường còn bao xa. Cùng cách khoảng gần đều đều, người ta trồng cây có bóng mát bên lề đường, đào giếng, dựng các nhà trạm và các lữ điếm. Chuyên chở thì dùng xe bò, kiệu, xe trâu, ngựa, lạc đà, voi, lừa và phu phen. Đi bằng voi là cách thức sang nhất, chỉ hoàng tộc và các đại thần mới dùng, cách đó được dân rất ham mê và người ta cho rằng một con voi đáng quí hơn cái trinh tiết của đàn bà[4].
Việc hành chánh trong các thị trấn cũng tổ chức theo qui tắc phân phối các dịch vụ thành nhiều ti riêng biệt. Chẳng hạn kinh đô Pataliputra gồm một hội đồng gồm ba mươi nhân viên chia làm sáu ti. Một ti điều khiển kĩ nghệ, một ti lo về ngoại kiều, kiếm chỗ ở cho họ, hướng dẫn họ mà cũng dò xét sự di chuyển của họ, một ti giữ sổ sinh và sổ tử, một ti nữa cấp giấy phép cho thương nhân, qui định việc bán các sản phẩm tự nhiên, kiểm soát các đồ đo lường, một ti nữa kiểm soát việc bán hoá phẩm, một ti nữa đánh thuế 10% vào mọi việc giao dịch. Hawell bảo: “Tóm lại, ở thế kỉ thứ IV trước Công nguyên, Pataliputra có vẻ là một đô thị tổ chức và cai trị rất hoàn hảo theo những qui tắc tốt nhất của môn xã hội học”. Còn Vincent Smith thì khen: “Sự tuyệt hảo của các biện pháp đó đáng làm cho ta ngạc nhiên dù ta chỉ mới xét các đại cương mà thôi, nếu đi sâu vô chi tiết thì ta càng thán phục rằng ba trăm năm trước Công nguyên, làm sao Ấn Độ đã sáng lập và thực hành được một nền hành chánh như vậy”.
Chính quyền đó chỉ có mỗi một nhược điểm là chuyên chế, do đó luôn luôn phải dùng đến sức mạnh và mật vụ. Như mọi nhà cầm quyền chuyên chế, ngai vàng của vua Chandragupta rất lung lay, ông ta luôn luôn sợ một vụ nổi loạn, sợ bị ám sát. Đêm nào cũng phải đổi phòng ngủ, không dám ngủ hoài một phòng, và lúc nào cũng có vệ binh ở chung quanh. Theo truyền thuyết Ấn mà các sử gia châu Âu cho là đúng, có lần một nạn đói kém kéo dài quá (lời của Mégasthènes) làm cho nước điêu tàn, Chandragupta thất vọng vì bất lực, không cứu nổi dân, thoái vị, sống cuộc đời khổ hạnh như các tín đồ Jaïn trong mười hai năm nữa rồi tuyệt thực để chết. Voltaire bảo: “Đành rằng xét cho cùng thì đời sống của một gã đưa đò có phần sướng hơn đời sống của một vị đại-thống-lãnh, nhưng tôi nghĩ cũng chẳng khác nhau bao nhiêu, nên chẳng cần phải phí công bàn”.