- Tiểu sử dịch giả
- Tựa
- Niên biểu lịch sử Ấn Độ
- Chương 1: Tổng quan về Ấn Độ
- Chương 2: Phật Thích Ca
- Chương 3: Từ Alexandre tới Aureng-Zeb
- Chương 4: Đời sống dân chúng
- Chương 5: Thiên đường của thần linh
- Chương 6: Đời sống tinh thần
- Chương 7: Văn học Ấn Độ
- Chương 8: Nghệ thuật Ấn Độ
- Chương 9: Ấn Độ và Ki Tô Giáo
- Danh từ Ấn, Hồi
LỊCH SỬ VĂN MINH ẤN ĐỘ
Tác giả: Will Durant - Nguyễn Hiến Lê dịch
CHƯƠNG III -
TỪ ALEXANDRE TỚI AURENG-ZEB
IV. LỊCH SỬ RAJPUTANA
Các “võ sĩ” Ấn Độ - Thời đại các hiệp sĩ – Thành Chitor thất thủ
Trong suốt thời đại u ám đó, chỉ có công nghiệp anh hùng của miền Rajputana là chiếu bừng lên một lát. Miền đó gồm những tiểu quốc tên rất du dương: Mewar, Marwar, Amber, Bikaner vân vân… Dân chúng, một nửa là người bản xứ, một nửa là hậu duệ các dân tộc xâm lăng Scythe hay Hung Nô, đã dựng nên một nền văn minh phong kiến, các “rajah” (tiểu vương Ấn Độ) của họ hiếu chiến và chỉ nghĩ tới nghệ thuật hưởng thụ chứ không nghĩ tới bồi dưỡng nghệ thuật. Mới đầu họ chịu phục tòng các vua Maurya và Gupta, rồi sau biết bảo vệ sự độc lập của họ, và của toàn thể Ấn Độ khi các rợ Hồi giáo vô cõi. Các thị tộc của họ chiến đấu rất anh dũng, ít miền khác nào bằng[14]. Theo Tod, sử gia tán dương họ, thì mỗi người đàn ông là một Kshatriya bất khuất và mỗi đàn bà là một nữ kiệt. Tên của dân tộc họ, Rajput, có nghĩa là “con vua”, và đôi khi họ gọi xứ họ là Rajasthan, tức “xứ của vua chúa”.
Tất cả cái điên khùng và tất cả cái thi vị của thời hiệp sĩ Trung cổ châu Âu – can đảm, trung tín, mê nhan sắc phụ nữ, tranh nhau, chém giết nhau, đầu độc, ám sát nhau – tất cả những cái đó đều có đủ trong lịch sử của xứ anh dũng Rajputana. Sử gia Tod bảo: “Các thủ lãnh Rajpute có đủ các đức hiệp sĩ châu Âu mà trí tuệ còn hơn nhiều”. Phụ nữ của họ rất khả ái, đàn ông sẵn sàng hi sinh cho đàn bà mà đàn bà cho sự tự hỏa thiêu để chết theo chồng là một phép lịch sự chứ không có gì đáng khen. Một số ít phụ nữ có văn hóa cao, vài rajah là thi sĩ hoặc nhà bác học nổi danh, thỉnh thoảng vẽ những bức hoạ rất đẹp bằng màu pha nước theo kiểu Ba Tư thời Trung cổ. Trong bốn thế kỉ họ gom góp được không biết bao nhiêu vàng bạc châu báo tới nỗi có thể trong một ngày tiêu một số tiền bằng bốn trăm triệu quan hiện nay[15] vào lễ đăng quang.
Họ hãnh diện rằng coi chiến tranh là nghệ thuật tối cao và một số nhà quí phái Rajpute thì không nên làm nghề gì khác nghề võ, đó là bi kịch của lịch sử họ. Nhờ tinh thần thượng võ đó họ chống cự nổi với bọn Hồi giáo và khét tiếng là anh dũng[16], nhưng đồng thời họ cũng ham gây lộn với nhau quá, nội chiến lung tung, các tiểu quốc chia rẻ nhau, yếu đi, và khi gặp nạn ngoại xâm, mặc dầu họ chiến đấu can đảm mà cũng không tự cứu được. Chuyện thành Chitor – một trong những kinh đô của họ - thất thủ, do Tod kể lại, đọc cũng say mê như truyện hoang đường Athur hoặc truyện Charlemagne, vì tài liệu đều mượn của các sử gia Rajpute, những người quá yêu nước, chắc là không chép hết sự thực, cho nên bộ sử Rajasthan có lẽ cũng chỉ là những truyện hoang đường như La Mort d’Arthur hoặc La chanson de Roland. Theo người chép sử, tướng Hồi xâm lăng Alau-d-din không muốn chiếm thành Chitor mà muốn chiếm công chúa Pudmini – “danh hiệu này chỉ để tặng người đẹp nhất trong nước” – Viên tướng Hồi bảo sẽ rút quân, không bao vây thành Chitor nữa nếu viên phụ chánh chịu dâng công chúa cho hắn. Viên phụ chánh không chịu, hắn lại đề nghị sẽ rút quân nếu chỉ cho hắn được thấy mặt công chúa thôi, cũng lại từ chối nữa, sau cùng hắn chỉ xin được thấy cái bóng của công chúa trong gương thôi, như vậy mà cũng bị từ chối nữa. Chẳng những vậy, các phụ nữ Chitor cũng tiếp sức chồng con để bảo vệ đô thành và đàn ông Rajpute thấy mẹ và con gái chết trong chiến tranh bên cạnh mình thì càng hăng mà chiến đấu tới người cuối cùng. Khi Alau-d-din vô được Chitor thì trong thành không còn lấy một người sống sót, bao nhiêu đàn ông đều chiến đấu mà chết hết, còn những phụ nữ nào không ngả gục bên cạnh chồng con thì theo tục Jokur ghê gớm, tự chất củi, châm lửa để thiêu mình.