Cuộc đời Tôn giả A NẬU LÂU ĐÀ
(Anuruddha)
Nguyễn Điều
Mục lục
Lời nói đầu ANURUDDHA 1- Thời niên thiếu và duyên lành xuất gia 2- Đắc “Thiên nhãn thông” 3- A-nậu-lâu-đà tiến lên Thánh hạnh A-la-hán 4- A-nậu-lâu-đà và Thánh pháp Tứ niệm xứ 5- A-nậu-lâu-đà và nữ phái 6- Vài giải đáp và va chạm của Sa-môn A-nậu-lâu-đà 7- Tiền kiếp A-nậu-lâu-đà 8- A-nậu-lâu-đà sau khi Phật nhập diệt Bài thơ cúng dường Thánh Tăng A-nậu-lâu-đà
|
LỜI NÓI ĐẦU
Như chúng ta đã biết : Đức Phật có năm thượng thủ đại đệ tử, sắp theo thứ tự là :
1- Đại Ca-diếp (Mahà Kassapa).
2- Xá-lợi-phất (Sàrìputta).
3- Đại Mục-kiền-liên (Mahà Moggallàna).
4- A-nậu-lâu-đà (Anuruddha), và
5- A-nan-đà (Ànanda).
Lịch sử của bốn vị : đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, và đệ ngũ cao đệ kể trên, chúng tôi đã tùy duyên phiên dịch ra Việt ngữ, và phổ biến rồi.
Bây giờ đến sử tích của vị đại đệ tử thứ tư, tức thiền Tăng A-nậu-lâu-đà, một Thánh nhơn rất thâm hậu trong thiền pháp, nhất là ngài đã đắc “Thiên nhãn thông” siêu đẳng (Dibbacakkhu), nhờ thuần thục tuyệt diệu trong Chánh định, trước khi đạt đến cứu cánh giải thoát.
Thiền Tăng A-nậu-lâu-đà cũng là Sa-môn có đủ công phu tu luyện để dùng “Thiên nhãn” theo dõi “Tịnh quang” của Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni khi đấng Toàn giác thanh thoát xả báo thân, an nghỉ Niết-bàn.
Lúc còn sanh tiền, Thiền Tăng A-nậu-lâu-đà tuy là người ít nói, ít tiếp xúc với các hàng tứ chúng, nhưng ông lại là một Sa-môn dễ hòa hợp với chư huynh đệ nhất, ngay cả trong các trường hợp đang bế môn tu luyện ở những nơi thanh vắng. Đọc qua sử tích của Thánh Tăng, chúng ta không thể không chú ý đến đặc điểm này.
Do đó, cuộc đời của Thiền Tăng A-nậu-lâu-đà đáng coi là một tấm gương sáng cho hậu thế noi theo. Vì quả lành noi gương ấy cũng chẳng kém gì hạnh phúc của sự thực hành đúng lời Phật dạy.
Chúng tôi cố gắng làm công tác của một cư sĩ nghiên cứu Phật học, và góp phần vào tủ sách dịch thuật. Khả năng của chúng tôi quả thật còn tương đối, khi đứng trước một rừng chơn lý Phật giáo vi diệu mênh mông. Nếu có điều chi sơ sót, ngưỡng mong chư vị học giả niệm tình bổ túc cho. Chúng tôi vô cùng cảm tạ .
Quả phúc do sự phiên dịch này thực tế không phải hoàn toàn quy về dịch giả, mà là của tất cả những ai hằng giúp đỡ, sưu tầm tài liệu, hùn phước ấn tống, và nhất là do công đức của hai học giả Hellmuth Hecker và Nyànaponika Thera đã có công đi tiên phong trong việc tra cứu rất sâu vào Tam tạng Kinh điển chánh thống, bằng chữ Pàli và chữ Sanskrit, để biên soạn và chuyển ngữ ra hai bảng tiếng Đức và tiếng Anh.
Dịch giả chân thành dâng hiến phước lành này đến hai vị tiền bối ấy, và cũng không quên hồi hướng công đức ấn tống đồng đều đến tất cả Phật tử hữu duyên, đã góp phần trong việc hoằng dương Chánh pháp.
Một phần phước khác, dịch giả xin thành tâm cúng dường đến hai đấng sanh thành, và các bậc ân nhân, Thầy Tổ của dịch giả.
Dịch giả Nguyễn Điều
ANURUDDHA
ANURUDDHA (A-nậu-lâu-đà) : Một cái “tên” tuy ít được “giới thiệu” trong các Kinh sách Phật giáo, nhưng là một cái “tên” rất đáng cho các hàng Phật tử, ở thời đại khoa học không gian “tìm hiểu” ! Lý do chỉ vì cái “tên” ấy ám chỉ một nhà “Thiên văn huyền bí”, một Thiền giả chuyên phát triển “Thần lực”, để có thể nghe, thấy và biết được nhiều thế giới vô hình lẫn hữu hình khác nhau, trong cái vũ trụ vô biên, cực kỳ phức tạp này.
Hai danh từ “Thiên nhãn thông” (thấy xa vạn dặm) và “Thiên nhĩ thông” (nghe xa vạn dặm) trong ngôn ngữ “siêu hình”, cho đến nay vẫn còn là một vấn đề “huyền bí” ! Nhưng Thánh nhơn A-nậu-lâu-đà đã “rõ” được sự huyền bí đó, cách nay hơn hai mươi lăm thế kỷ, nhờ thuần thục Cực định trong Thiền pháp Phật giáo !
Muốn biết sử tích của vị đại Thanh-văn, đệ tử Phật, đã luyện thành “thần lực độc đáo” ấy ra sao, mời quý vị hãy đọc qua những trang sách này.
Dịch giả