A Lan Nhã
Thuở xưa, tại thành Savatthi, có một ông vua nọ muốn bày trò vui, ra lệnh nhóm tất cả những người sanh ra đã mù trong thành lại một chỗ, bảo chia họ thành nhiều nhóm, rồi sai đưa một con voi ra.
- “Đây là con voi!”, người hầu của vua bảo với những người mù.
Với một số người mù, ông ta cho sờ vào đầu con voi; một số người khác thì được sờ vào lỗ tai voi; số khác nữa thì cho sờ vào ngà voi; rồi thì vòi, chân, lưng, đuôi, lông đuôi voi... cũng được những nhóm khác sờ nắn - mỗi nhóm sờ một thứ.
Xong, vua đến các người mù ấy, hỏi: “Này, các ông đã thấy con voi chưa?”. “Thưa Đại vương, chúng tôi đã thấy con voi!”, những người mù trả lời. “Vậy các ông hãy nói cho ta nghe xem con voi như thế nào?”, vua bảo.
Nhóm người sờ đầu voi nói: “Thưa Đại vương, con voi giống với cái ghè!”. Nhóm người sờ tai nói: “Con voi giống cái rổ sàng gạo!”. Nhóm sờ ngà nói: “Con voi giống với cái lưỡi cày!”. Cứ như vậy, nhóm sờ vòi nói con voi giống cái cày; nhóm sờ chân nói giống cái cột; nhóm sờ lưng bảo như cái cối; nhóm sờ đuôi bảo y như cái chày; nhóm sờ lông đuôi nói con voi giống với cái chổi!
- “Con voi như các ông nói không phải là con voi. Con voi phải như chúng tôi nói mới đúng là voi!”, những nhóm người mù bắt đầu tranh cãi, ai cũng cho nhóm mình đúng, còn nhóm kia sai. Tranh cãi bằng miệng không ngã ngũ, họ xoay ra đánh nhau bằng tay. Ông vua nọ rất lấy làm hoan hỷ!
(Kể theo Kinh Tiểu bộ, tập I, Kinh Phật tự thuyết, chương VI - phẩm Sinh ra đã mù. HT.Thích Minh Châu, dịch)
Bàn thêm:
Trên đây là một trong những câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng bậc nhất, không chỉ trong kinh Phật mà trong kho tàng văn học dân gian nhiều nước, như: Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam... Câu chuyện cũng đến Mỹ qua lối kể bằng thơ của nhà thơ - nhà triết lý nổi tiếng John Godfrey Saxe (1816-1887), với tên gọi “The Blind Men and the Elephant” (Những anh mù và con voi), hoặc “Six Men of Indostan” (Sáu anh chàng ở xứ Indostan).
Dị bản tiếng Việt của câu chuyện trên được tuyển in trong sách giáo khoa Ngữ văn cấp THCS, với tựa đề “Thầy bói xem voi” - do Trương Chính kể. So với bản kinh Pali (và bản kể trong truyện cổ dân gian Ấn Độ) thì dị bản tiếng Việt có phần hóm hỉnh, hấp dẫn hơn, với một số chi tiết khác biệt (bởi góc nhìn và văn hóa), điển hình như người mù ở đây được xác định hẳn là “thầy bói mù”, trong bối cảnh “nhân buổi ế hàng”. Sự khác biệt này hẳn nhiên dẫn đến cảm thức và cách tiếp nhận triết lý câu chuyện cũng khác đi phần nào so với bản kể Ấn Độ (mà ở đây chúng ta không đi sâu tìm hiểu).
Duyên khởi của ẩn dụ trên được tóm kể như sau: Một thời, Thế Tôn trú ở Savatthi. Bấy giờ có một số đông các nhóm ngoại đạo vào thành khất thực. Nhóm người này có sự kham nhẫn và sở thích khác nhau, y cứ nương tựa vào quan điểm khác nhau. Một số cho rằng: “thế giới thường còn”; số khác không đồng ý, bảo: “thế giới là vô thường”; số khác nữa lại bảo: “thế giới là có biên tế”; số nữa lại khẳng định: “thế giới là vô biên” v.v... Nhóm nào cũng cho rằng: “chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng”, “... như thế này không phải pháp, như thế này là pháp”. Họ cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi.
Các Tỳ kheo đi khất thực nghe được, về bạch lại với Đức Thế Tôn. Ngài dạy: “Này các Tỳ kheo, các du sĩ ngoại đạo là những người mù, không có mắt, không biết mục đích, không biết phải mục đích, không biết pháp, không biết phi pháp. Do họ không biết mục đích, do họ không biết không phải mục đích, do không biết pháp, do không biết phi pháp, họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh...”. Nhân đó, Ngài đưa ra thí dụ về Những người mù sờ voi để làm rõ và làm sinh động thêm vấn đề.
Duyên khởi câu chuyện cho chúng ta thấy rằng, cốt yếu của ẩn dụ này chính là vấn đề nhận thức - cố chấp cho nhận thức của mình là đúng, trong khi thực sự nó là sai, bị trói buộc bởi nhận thức hạn hẹp theo kiểu “ếch ngồi đáy giếng”, hay bị tướng trói buộc mà không nhận ra thể.
Mục đích của một hành giả là hướng đến con đường giải thoát, giải quyết rốt ráo cái khổ bằng cách nhận ra nguyên nhân của khổ và con đường diệt khổ chứ không phải tranh luận về thế giới này thường hay vô thường, sinh mạng và thân thể là một hay là khác, sau khi chết Như Lai có tồn tại hay không tồn tại... Sự tranh luận đó thực chất chỉ là hý luận và đau khổ chứ không đem lại chút ích lợi nào. Giả như một người bị trúng tên, việc đầu tiên và cần kíp của anh ta là cứu chữa chứ không phải truy xét. Do vậy, chỉ khi nào có đầy đủ chánh kiến và chánh tư duy, hành giả mới hiểu rõ đâu là pháp, đâu là phi pháp. Hiểu và hành như thế mới thấu đạt được mục đích, mới đi đúng con đường.
Câu chuyện trên còn cho ta thấy một vấn đề mang tính lịch sử, xã hội: sự xung đột giữa các tư tưởng, học thuyết - tôn giáo lẫn chính trị - luôn luôn dẫn đến sự bất hòa, chia rẽ và tranh đấu. Chúng ta đều thấy rằng, từ xưa đến nay, rất nhiều học thuyết đã ra đời, tồn tại trong một thời gian rồi bị xô ngã. Người theo học thuyết, quan điểm nào cũng cho rằng mình nhất, mình đúng, phần còn lại là sai, là thù, mà hậu quả của nó là xung đột, chiến tranh, kể cả thánh chiến..., gây nên bao cảnh tang thương, đẫm máu. Vì lòng tham, vì chấp thủ, người ta đã trở nên “mù” một cách nguy hại như thế.
Trên bình diện khoa học, mặc dù ngày nay khoa học đã tiến bộ vượt bậc, nhưng người ta vẫn chưa “sờ” được đến cái tận cùng của vật chất lẫn tâm thức. Dù kính viễn vọng có nhìn xa đến đâu cũng không thể thấy được cả tam thiên đại thiên thế giới; kính hiển vi có nhìn sâu đến mấy cũng không thể soi được tổng thể của vạn pháp. Cho nên người ta phải dựa trên những quan sát bộ phận để suy đoán cái tổng thể, chẳng khác nào những người mù sờ voi. Ngay như Blaise Pascal (1623-1662), một nhà khoa học, triết học lừng danh, cũng phải thốt lên: “Làm thế nào để một bộ phận có thể nhận thức được cái toàn thể?” (How can a part know the whole?). Câu nói đó chính là sự bất lực của ông khi muốn hiểu thấu rốt ráo bản thể của vạn pháp, song cũng là một sự thúc đẩy mong muốn tìm tòi, mong muốn vươn đến cái hoàn thiện của con người.
Ở một khía cạnh gần gũi hơn của cuộc sống, chúng ta cũng dễ dàng thấy được rằng chúng ta đang tiếp xúc với thực tại theo kiểu những người mù sờ voi. Không ai dám chắc rằng mình hiểu hết người bạn thân nhất, thậm chí ngay cả bản thân mình. Khi tiếp xúc một người hay một vật, chúng ta thường bị giới hạn bởi kiến thức và kinh nghiệm của bản thân, nên những nhận định, đánh giá của chúng ta về người ấy, vật ấy cũng hết sức phiến diện. Duy thức học gọi sự “ô nhiễm” trong nhận thức này là “đới chất cảnh” và cái chấp đó là “biến kế sở chấp”. Tất cả đều do cái tâm phân biệt của chúng ta mà ra, khiến chúng ta không tiếp xúc được với “tánh cảnh” - cái cảnh chân thật, cái “tổng thể”. Do vậy, không nên vội vã khi nhận xét về một người, một vấn đề!
Xin được kể câu chuyện có thật như sau: một người Việt sinh ra và lớn lên ở Lào khoe với tôi rằng anh đã được trở về thăm quê cha đất tổ. Anh đi đường bộ từ Lào, băng qua Campuchia rồi đến Việt Nam, ở chơi tại TP.HCM một tuần trước khi về nước. Nhận xét của anh là: phong cảnh Việt Nam thật đẹp, nhưng tiếc rằng Việt Nam chẳng có lấy một ngọn núi nào! Nhận xét đó khiến tôi bất ngờ, nhưng tôi cũng kịp mỉm cười vì nhận ra anh chỉ tiếp xúc với một phần nhỏ của Việt Nam - một phần nhỏ thôi chứ chưa phải là một Việt Nam thật sự. Kiểu như người ta nói rằng, một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa của sự thật không phải là sự thật!
Hãy thực tập tiếp xúc mọi thứ bằng chánh niệm, chúng ta sẽ dần dần làm cho đôi mắt mình sáng ra!Source: thuvienhoasen