Tết, Tết Nguyên đán, Tết Táo quân, đêm trừ tịch, giao thừa...- những từ ngữ đã trở nên thân thuộc ấy lại có nguồn gốc rất thú vị, độc đáo và mang nhiều ý nghĩa phức tạp. Niềm vui năm mới của chúng ta sẽ trọn vẹn hơn khi tìm hiểu và cảm nhận những từ ngữ Tết.
Tết
Đối với người Việt Nam, tiếng Tết đã trở nên thân thuộc. Chúng ta gặp nó từ trong những câu tục ngữ, ca dao, dân ca mộc mạc đến những bài diễn văn trang trọng, từ những câu chuyện thường ngày đến lời cầu khấn trước bàn thờ linh thiêng...Và mỗi dịp cuối năm cũ đầu năm mới, nó lại nở rộ, ngự trị trong sự xốn xang của mọi người. Không biết chính xác nó xuất hiện trong tiếng Việt từ bao giờ, chỉ biết nó vốn là một từ gốc Hán.
Theo ngôn ngữ Hán, tiết có nhiều nghĩa. Nghĩa gốc của tiết là "mấu tre" (vì thế, khi viết chữ này, người ta phải viết với bộ trúc). Rồi nó dần chuyển nghĩa, chỉ sự tiếp nối giữa hai gióng cây, hai khúc, hai đoạn vật thể (tương đương với "đầu mặt", "khớp", "khuỷu"... trong tiếng Việt). Từ nghĩa này, nó tiếp tục mở rộng để chỉ thời điểm tiếp xúc giữa hai khoảng thời gian phân chia theo thiên văn - khí tượng trong năm, ví dụ như một năm chia làm 24 tiết (lập xuân, vũ thuỷ, kinh trập, xuân phân, thanh minh, cốc vũ, lập hạ, tiểu mãn, mang chủng, hạ chí, tiểu thử, đại thử, lập thu, xử thử, bạch lộ, thu phân, hàn lộ, sương giáng, lập đông, tiểu tuyết, đại tuyết, đông chí, tiểu hàn, đại hàn). Sau đó tiết chuyển thành nghĩa "ngày lễ, dịp cúng lễ, vui mừng" - đây chính là nguồn gốc trực tiếp của tết mà ta đang đề cập.
Ngoài ra, tiết còn có nghĩa là "bộ phận nhỏ của một chỉnh thể" (chi tiết, tình tiết....), "khoảng, đoạn nhỏ" (chương tiết, tiết học, tiết mục...), "phẩm chất trong sạch, khảng khái" (tiết tháo, tiết hạnh, tiết khí, trinh tiết...).
Phần lớn tiếng Hán có phiên âm iê khi sang tiếng Việt biến thành ê: thiêm biến thành thêm, thiết (yến) biến thành thết (tiệc), chiết biến thành chết... Tiết cũng vậy - biến thành tết. Ngoài nghĩa "ngày lễ, dịp cúng lễ, vui mừng" như tết Khai hạ, tết Thanh minh, tết Đoan ngọ, tết Trùng cửu...., trong tiếng Việt, Tết còn dùng để chỉ một dịp đặc biệt duy nhất đầu năm - như người ta thường nói: ăn Tết, đi Tết, chơi Tết, chúc Tết... Như vậy, từ danh từ chung, nó trở thành danh từ riêng (vì thế phải viết hoa). Nó là kết quả của sự rút gọn và biến âm từ xuân tiết trong tiếng Hán hay sự nói gọn từ Tết Nguyên đán (Tết Cả) trong tiếng Việt.
Tết Nguyên đán
Nguyên đán là từ gốc Hán, Nguyên là "đứng đầu, số một, nhất"; đán là "buổi sáng". Do đó, Tết Nguyên đán nghĩa là "Tết (mừng, của, vào) buổi sáng đầu (năm)".
Gọi như thế bởi vì buổi sáng ngày mồng Một tháng Giêng là thời gian quan trọng nhất trong năm; năm mới chính thức bắt đầu, mọi hoạt động tiêu biểu nhất cho Tết được tiến hành (lễ gia tiên, chúc mừng năm mới, mừng tuổi, chúc thọ người già, đại tiệc đầu năm...). Điều kiện ngoại cảnh cũng rất đẹp và thuận lợi: bắt đầu sang xuân, cây cối đâm chồi nẩy lộc, hoa nở, chim hót, không khí ấm áp, trời quang đãng, nhịp độ lao động vất vả của một năm tạm ngừng...
Con người thư thái, vui vẻ về tinh thần, trở nên lịch sự, cởi mở hơn về phong cách; rực rỡ hơn với dung nhan, trang phục mới....Tất cả những hiện tượng trên đều tập trung vào buổi sáng đầu năm khiến người ta cảm thấy buổi sáng đó thật quan trọng, thiêng liêng. Ai cũng tin tưởng, mơ ước mọi việc trong năm đều diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp, may mắn như buổi sáng đầu năm và cố gắng không làm điều xấu để khỏi xúi quẩy cả năm.
Tết táo quân
Táo gốc tiếng Hán có nghĩa là "bếp". Táo quân hay ông Táo nghĩa là "ông quản bếp", "ông vua bếp". Theo truyền thuyết nước ta, xưa có hai vợ chồng nghèo khổ quá phải bỏ nhau, mỗi người một nơi tha phương cầu thực. Sau đó, người vợ may mắn lấy được chồng giàu. Một năm, vào ngày 23 tháng Chạp, người chồng cũ đi ăn xin, vô tình vào phải nhà người vợ cũ. Người vợ nhận ra chồng cũ, liền đem cho nhiều cơm gạo, tiền bạc. Người chồng mới biết chuyện, nghi ngờ vợ. Người vợ khó xử, uất ức lao vào bếp lửa, tự vẫn. Người chồng cũ đau xót, cũng nhảy vào lửa chết theo. Người chồng mới ân hận, lao vào lửa nốt! Trời thấy ba người đều có nghĩa nên phong cho họ làm "vua bếp"...
Truyền thuyết này thể hiện rất đậm nét trong sinh hoạt của người Việt. Trong bếp ngày xưa, thường có ba "ông đầu rau" - tức là ba hòn đất nặn dùng để kê nồi xanh đun bếp, trong đó hai hòn nhỏ hơn hòn thứ ba. Và nhân dân có tục lệ thờ "hai ông một bà", ngày 23 tháng Chạp hàng năm làm "lễ Táo quân", "Tết ông Công ông Táo", "tiễn ông Táo lên chầu Trời"...
Đây rất có thể là ảnh hưởng của phong tục thờ thần lửa - một phong tục có từ lâu đời của nhiều dân tộc, tuy nhiên cách thể hiện ở mỗi nước một khác. Ví như ở Trung Quốc, từ thời cổ đại, Táo quân (còn được gọi là "Táo thần", "Táo vương", "ông Táo") đã được coi là một trong bảy vị thần đất được toàn dân cúng lễ. Nhưng nguồn gốc của Táo quân thì không nhất quán.
Theo sách Hoài Nam Tử, Viêm Đế (tức Thần Nông) mang lửa đến cho dân nên khi chết được thờ làm thần bếp. Sách Lã Thị Xuân Thu lại coi Chúc Dung mới là thần quản lý lửa (do Viêm Đế mang tới) nên khi chết người dân thờ làm thần lửa. Còn sách Tây Dương tạp trở thì kể: thần lửa trông như một cô gái đẹp, tên là ổi hay Trương Đan, tên chữ là Tử Quách, những ngày không trăng thường lên trời tâu về việc người nào có lỗi....
Chuyện truyền miệng của người Trung Quốc lại cho rằng trước kia mỗi tháng vua bếp lên trời một lần vào ngày tối (ngày cuối tháng âm lịch) để báo cáo về từng người trong mỗi gia đình (nhất là về những người đàn bà làm điều xấu); sau này, mỗi năm vua chỉ lên trời một lần vào ngày 23 hoặc 24 tháng Chạp. Đến ngày ấy, người Trung Quốc bày bàn thờ gần bếp, cúng vua bếp bằng thịt, cá, rượu nếp, bánh kẹo; đặc biệt có thêm cả nước và cỏ khô (cho ngựa của vua bếp "ăn" để bay và chở vua lên trời - khác với Táo quân của ta thì cưỡi cá chép lên trời)!
Còn việc "ông Công" và "ông Táo" được nhân dân ta cúng tiễn vào cùng một ngày có hai cách giải thích. Một: Công là từ rút gọn của Táo công. Hai: Công là từ rút gọn của Thổ công. Cách giải thích thứ nhất xem ra có lý hơn bởi nếu theo cách thứ hai thì khó thể lý giải vì sao lễ tiễn ông Công lại trùng với lễ tiễn ông Táo?!
Đêm trừ tịch
Tịch gốc tiếng Hán nghĩa là "đêm". Tuy nhiên, theo nguyên tắc thuận ngữ, trong tiếng Việt, người ta vẫn nói "đêm trừ tịch" chứ ít nói "trừ tịch", cũng như thường nói: chân thật, cây cổ thụ, sông Hồng Hà, núi Trường Sơn... Còn trừ trong tiếng Hán có nhiều nghĩa, nhưng nghĩa gốc là "qua đi, bỏ đi". Như vậy, trừ tịch nghĩa là "đêm của năm qua đi" - đêm cuối cùng của năm cũ.
Tác giả Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục lại có cách lý giải hoàn toàn khác, coi trừ tịch là xua đuổi, trừ khử ma quỷ: "Nguyên tục bên Tàu ngày xưa, cứ về hôm ấy thì dùng một trăm hai mươi đứa trẻ con độ chín, mười tuổi, mặc áo thâm, đội mũ đỏ, cầm trống, vừa đi đường vừa đánh để trừ khử ma quỷ, cho nên gọi là trừ tịch".
Giao thừa
Giao gốc tiếng Hán nghĩa là "xen kẽ nhau, thay nhau" hoặc "nối tiếp nhau, trao đổi lẫn nhau"... Còn thừa nghĩa là "đảm nhận, thi hành (nhiệm vụ, nghĩa vụ)" hoặc "thừa kế, kế tiếp"... Gọi là giao thừa vì theo quan niệm tín ngưỡng, 12 giờ đêm ngày 30 tháng Chạp - thời điểm nối tiếp giữa năm cũ và năm mới - là lúc mà hai vị thần cai quản trần gian (gọi là ông Hành khiển), một cũ và một mới, "bàn giao và tiếp nhận" công việc của nhau. Vào ngày này, nhân dân ta hay làm lễ thiên địa để cầu mong các vị thần ấy ban cho nhiều may mắn, hạnh phúc trong năm mới. Lễ thường được bày ngoài trời vì mọi người cho rằng các vị thần rất bận, không thể vào tận trong từng nhà để hưởng lễ!
Phong Hóa