LỊCH SỬ KẾT TẬP KINH LUẬT
Thích Phước Sơn
LỊCH SỬ KẾT TẬP KINH LUẬT LẦN THỨ NĂM VÀ SÁU
LỊCH SỬ KẾT TẬP PHÁP TẠNG LẦN THỨ V
Sau lần kết tập pháp tạng thứ tư đúng 2015 năm thì đến lần kết tập pháp tạng thứ 5. Theo sự ghi chép của Pàli giáo sử chương 6 và sử Miến Điện; thì vào năm 1871, quốc vương Miến Điện là Mẫn Đông (Mindon - tại vị từ 1853 - 1878) đứng ra triệu tập 2400 vị cao tăng, cử hành kết tập Tam tạng giáo điển lần thứ 5, tại thủ đô Man-Đức -Lặc (Mandalay), chính quốc vương làm người hộ pháp. Lần kết tập này lấy Luật tạng làm trung tâm, khảo đính đối chiếu những điểm dị đồng của thánh điển, rồi đại chúng cùng đọc tụng, trải qua 5 tháng mới hoàn thành. Sau đó nhà vua truyền lệnh đem văn tự của 3 tạng đã được kết tập sắp xếp theo thể loại, rồi cho khắc trên 729 khối đá hình vuông và đem cất vào trong chùa tháp Câu-tha-đà (Kuthodaw), dưới chân núi Mạn-đức-lặc và cho xây 45 tòa tháp Phật bao quanh ở bên ngoài. Thành quả kết tập này vẫn còn được bảo quản tại cố đô Mạn-đức-lặc, cho đến ngày nay (PQĐTĐ, tr 5189b).
Tóm tắt:
1.
Lý do kết tập: Để thống nhất và giữ sự trong sáng của
kinh điển.
2.
Thời gian kết tập: Vào năm1871, và trải qua 5 tháng mới hoàn
thành.
3.
Địa điểm kết tập: Tại thủ đô của Miến Điện lúc
bấy giờ là Mạn-đức-lặc (Mandalay).
4.
Số người tham dự kết tập: 2400 vị cao tăng.
5.
Người khởi xướng và bảo trợ cuộc kết tập: Vua Mẫn
Đông (Mindon), vị hộ pháp đắc lực của Phật giáo Miến
Điện lúc bấy giờ.
6.
Thành quả cuộc kết tập: Khảo đính lại 3 tạng, rồi đem
khắc trên 729 phiến đá hình vuông.
7.
Phương thức bảo quản: Đem cất 3 tạng vào trong chùa tháp
Câu-tha-đà (Kuthodaw), và xây 45 ngôi bảo tháp xung quanh bên
ngoài.
LỊCH SỬ KẾT TẬP PHÁP TẠNG LẦN THỨ VI
Đại hội kết tập pháp tạng lần này được tổ chức tại Miến Điện, cách lần kết tập pháp tạng thứ 5 đúng 83 năm. Phật giáo Miến Điện vốn được Chính phủ tán trợ, đã long trọng cử hành đại hội kết tập Tam tạng lần thứ 6 vào dịp đại lễ Phật Đản, nhằm ngày 17 tháng 5 (Visàkha Day), năm 1954. Mục đích lần kết tập này là nhằm đoàn kết Phật giáo đồ, chấn hưng Phật giáo Thượng tọa bộ, và đề cao địa vị độc lập của nước Miến Điện. Địa điểm kết tập đặt tại phía Bắc Ngưỡng Quang trên đồi núi Nghệ Cố; cách tổ chức rập khuôn theo lần kết tập thứ nhất tại hang Thất Diệp, nước Ấn Độ. Lần kết tập này dùng những bản văn đã khắc trên 729 khối đá của lần kết tập thứ 5 làm căn cứ, và thu thập rộng rãi các bản văn Tích Lan, Thái Lan, Cao Miên, Hiệp hội Pàli Thánh điển ở Luân Đôn và những bản văn Pàli tại Miến Điện, rồi đem ra khảo đính một cách kỹ lưỡng. Sau khi kết tập hoàn thành, Giáo hội bèn đem in để lưu truyền. Lần kết tập này có mời các Tỷ kheo thuộc những nước Phật giáo Nam truyền tham dự, đồng thời các Tỷ kheo của những nước Phật giáo Bắc truyền cũng được mời đến dự khán. Thời gian kết tập trải qua hơn 2 năm, đến Phật Đản 1956 (Phật lịch 2500) mới hoàn thành (PQĐTĐ, tr 5189).
Tóm tắt:
1.
Lý do kết tập: Nhằm đoàn kết Phật giáo đồ và chấn hưng
Phật giáo Thượng tọa bộ.
2.
Thời gian kết tập: Bắt đầu ngày 17 tháng 5, dịp lễ Phật
Đản năm 1954, trải qua 2 năm, đến Phật Đản 1956 (PL. 2500)
mới hoàn thành.
3.
Địa điểm kết tập: Tại phía Bắc Ngưỡng Quang, trên đồi
núi Nghệ Cố.
4.
Người khởi xướng cuộc kết tập: Giáo hội Phật giáo Miến
Điện.
5.
Người bảo trợ cuộc kết tập: Chính phủ Miến Điện.
6.
Thành quả của cuộc kết tập: Tham khảo tất cả kinh điển
của các nước Phật giáo Nam truyền, rồi đúc kết và đem
xuất bản để truyền bá.
Tóm lược tổng quát:
Đến
đây, chúng ta đã thấy một cách khái quát lịch trình kết
tập pháp tạng từ khi Phật Niết bàn cho đến ngày nay. Hai
lần kết tập thứ nhất và lần thứ hai, đều được các
hệ phái Phật giáo công nhận giá trị lịch sử của nó.
Lần kết tập thứ ba gồm có 3 thuyết đề cập đến, trong
đó có đôi chỗ bất đồng. Nhưng thuyết được Tam Tạng
Pháp sư Huyền Trang ghi lại trong Đại Đường Tây Vức Ký
là tương đối có giá trị nhất về mặt lịch sử. Lần
kết tập thứ nhất, hai, ba và tư, đều xảy ra tại Ấn Độ.
Riêng lần thứ tư, ngoài Ấn Độ, tại Tích Lan cũng có một
đại hội kết tập pháp tạng được tổ chức cùng thời
gian tương tự. Sau lần kết tập này, lần thứ năm và thứ
sáu được diễn ra tại Miến Điện, chỉ là công việc kết
tập Tam tạng của Phật giáo Thượng tọa bộ; và từ đó
đến nay (1997), chưa có lần kết tập pháp tạng nào khác
nữa.
Hai
lần kết tập thứ nhất và thứ hai được thực hiện bằng
hình thức khẩu tụng và khẩu truyền, chứ chưa ghi chép thành
văn bản. Mặc dù cũng có người cho rằng đã có dùng văn
tự, nhưng ý kiến này không được các học giả công nhận.
Luật tạng: Được hình thành ngay từ lần kết tập đầu tiên, do Ưu Ba Ly tụng xuất, được gọi là Bát Thập Tung Luật (và được truyền nhau bằng đọc thuộc lòng). Từ đó trở đi, hầu hết các bộ phái Phật giáo đều lấy bộ luật này làm căn cứ, rồi bổ sung và chú giải rộng rãi thêm. Do đó mà về phương diện Giới luật, sự sai khác giữa các bộ phái tương đối rất ít.
Kinh tạng: - Chủ yếu là 4 bộ Nikàya, tương đương với 4 bộ A Hàm - cũng được hình thành từ lần kết tập đầu tiên, do A Nan tụng xuất; Còn Tiểu bộ kinh Nikàya thì được hình thành dần dần sau đó. Theo quan điểm của các học giả thì những gì được gọi là kinh thường hội đủ 3 yếu tố: 1. Phù hợp với chân lý (pháp tánh); 2. Phù hợp với đạo đức (hay giới luật); 3. Có giá trị thực tiễn. Luật thì chỉ có Phật chế định, nhưng kinh thì có 5 hạng người nói ra, đó là: 1. Do chính miệng Phật nói ra; 2. Do đệ tử Phật nói; 3. Do các vị thần tiên nói; 4. Do chư Thiên nói; 5. Do hóa nhân nói. (1)
Luận tạng: Chính thức được thành lập từ đại hội kết tập lần thứ 3 trở đi, do yêu cầu phản bác những chỉ trích và xuyên tạc của ngoại đạo, đồng thời cũng nhằm làm sáng tỏ giá trị của giáo điển mà thành lập. Hơn nữa, cũng chính từ lần kết tập thứ 3 này, Tam tạng giáo điển mới bắt đầu chính thức ghi chép thành văn bản. Theo Phán sư Ân Thuận thì tôn giáo cổ đại cũng như các nền triết học khác, từ lúc khai sáng đến lúc hoàn thành, về phương diện văn cú, đều từ đơn giản đến phong phú; về phương diện nghĩa lý, đều từ chỗ mù mờ đến chỗ sáng tỏ, từ chỗ sơ lược đến chỗ tinh vi, từ chỗ rời rạc đến chỗ có hệ thống. Thánh điển Phật giáo cũng không ra ngoài công lệ đó; nghĩa là sự tụng đọc, kết tập ban đầu rất đơn giản, ngắn gọn, rồi dần dần trở nên phong phú và hoàn chỉnh (2). Thế nên, 7 bộ luận thư của Phật giáo Nam truyền không phải được soạn ra cùng một lúc, mà ít nhất cũng trải qua thời gian từ 200 đến 300 năm mới hoàn tất.
Các
nhà Phật học cho rằng Thánh điển Phật giáo bao gồm mấy
loại sau đây:
1.
Thánh điển Pàli: Thánh điển này thuộc các nước Phật giáo
Nam phương như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào.
Cơ sở của văn Pàli là tiếng Paisàci và có pha trộn ít nhiều
tiếng Ma Kiệt Đà (Magadha). Cách cấu trúc của văn Pàli được
chia làm 5 nhóm, mỗi nhóm gồm 5 âm tiết, văn phạm rất chặt
chẽ, đọc lên nghe có nhạc điệu, khiến cho người học
dễ ghi nhớ và thuộc lòng; nên dù không phải là ngôn ngữ
chính của Phật, vẫn được các học giả đặc biệt quan
tâm nghiên cứu. Hơn nữa, Thánh điển này được bảo tồn
tại Tích Lan và các nước Phật giáo Nam phương khác, ít bị
nạn binh lửa chiến tranh tàn phá, chưa trải qua sự phiên
dịch, nên khi nghiên cứu, các học giả có cảm giác rất
gần với Phật giáo Nguyên thủy. Đó là ưu thế của loại
Thánh điển này.
Chúng ta còn biết rằng Tam tạng giáo điển sau khi truyền vào Tích Lan, trải qua hơn 150 năm đến đời vua Phạt-đa-già-ma-ni trị vì, ông mới ra lệnh viết thành văn tự lần đầu tiên, khoảng năm 20 trước Tây lịch (3). Thế rồi, mãi đến năm189 Tây lịch, vua Tích Lan là Tấn La, nhân kỷ niệm lần thứ 25 ngày lên ngôi của mình, nhà vua mới cho in tạng Pàli thánh điển. Đây là một bộ Đại tạng khá hoàn chỉnh, thường được gọi là Nam truyền Đại tạng kinh, nội dung thiên về Phật giáo Tiểu thừa. Đại khái các bản Hán dịch về Luật tạng và kinh A hàm, tương đương với các Kinh Luật trong Đại tạng này (4).
2. Thánh điển Sanskrit: gồm 2 loại :
a)
Nê Bá Nhĩ thánh điển: loại kinh điển này không giống với
kinh điển Pàli, và đều thuộc về Phật giáo Đại thừa.
Những tác phẩm tác này có hình thức giống như Áo Nghĩa
Thư.
b)
Các Thánh điển Phật giáo được phát hiện tại Trung Á Tế
Á: loại Thánh điển này cho đến nay đều là những bản
văn rời rạc, không đầy đủ.
Ngoài ra, chúng ta còn có thể kể thêm Hán dịch Thánh điển và Tạng dịch Thánh điển:
- Hán dịch Thánh điển: bao gồm các bản dịch bằng Hán văn từ những tác phẩm thuộc các bộ phái. Công việc phiên dịch bắt đầu từ năm Đinh Mão, niên hiệu Vĩnh Bình thứ 10, tức năm 67 Tây lịch, đến năm 730 thuộc niên hiệu Đường Khai Nguyên thứ 18, gồm tất cả 664 năm, và số người phiên dịch là 176 người, kể cả chư Tăng và cư sĩ. Tất nhiên, sau đó công việc phiên dịch còn tiếp tục đến thế kỷ 13. Những bản Hán dịch về Phật điển gồm đủ các bộ phái, mặc dù chưa hoàn chỉnh, nhưng đây là một kho báu trong lĩnh vực văn hóa Trung Quốc, khiến Trung Quốc thành một trung tâm Phật giáo vĩ đại nhất, ngoại trừ Ấn Độ (5).
- Tạng
dịch Thánh điển: Thánh điển này chủ yếu được dịch
từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 11.
Đây
là loại văn hiến được nhiều học giả Phật giáo trọng
thị để tâm nghiên cứu.
Còn
các kinh điển mà Phật giáo Nhật Bản và Triều Tiên sử
dụng chẳng qua chỉ là những bản Hán dịch đặc biệt, chứ
không phải là bản dịch từ ngôn ngữ chính quốc; ngoại
trừ, gần đây Nhật Bản đã dịch đầy đủ bộ Nam truyền
Đại tạng kinh (6).
Tóm lại, thông thường chúng ta chỉ biết có 3 tạng là; tạng Kinh, tạng Luật và tạng Luận. Thế nhưng có thuyết còn đề cập đến 5 tạng, đó là: 1. Tạng Kinh; 2. Tạng Luật; 3. Tạng Luận; 4.Tạp tạng; 5. Cấm chú tạng (hay Bồ Tát tạng). Thậm chí trong "Bồ Tát Xử Thai kinh, phẩm Xuất Kinh" còn liệt kê ra đến 8 tạng là: 1. Thai Hóa tạng; 2. Trung Ấm tạng; 3. Ma Ha Diễn Phương Đẳng tạng; 4. Giới Luật tạng; 5. Thập Trụ Bồ Tát tạng; 6. Tạp tạng; 7. Kim Cương tạng; 8. Phật tạng (7).
Tất nhiên, thuyết này ít ai công nhận.
Ngoài các đại hội kết tập pháp tạng mà chúng ta đã tìm hiểu, Đại Trí Độ Luận quyển 100 và Kim Cương Tiên Luận quyển 1 còn cho biết: Cùng lúc Ca Diếp kết tập 3 tạng Tiểu thừa tại núi Kỳ Xà Quật, thì có Văn Thù, Di Lặc... cùng với A Nan kết tập kinh điển Đại thừa tại núi Thiết Vi. Cuộc kết tập này được gọi là Kết tập Kinh điển Đại thừa. Nhưng thuyết này có lẽ là truyền thuyết phát sinh sau khi Phật giáo Đại thừa đã hưng khởi (8).
Trong loạt bài vừa qua, chúng tôi đã giới thiệu khái quát lịch sử kết tập pháp tạng và diễn tiến hình thành Tam tạng giáo điển qua các thời kỳ từ lúc khẩu truyền cho đến khi được viết thành văn bản. Những bài kế tiếp, chúng tôi sẽ trình bày sơ lược nội dung của hai Tạng giáo Nam truyền và Bắc truyền, để quý độc giả có cái nhìn tổng quát về Tam tạng giáo điển của đạo Phật.
Ghi chú:(1), (2): Nguyên thủy Phật giáo thánh điển chi tập thành, Ấn Thuận, Đài Bắc XB 1988, tr.6, tr.21.
(3), (6): Ba Lợi hệ Phật giáo sử cương, nhiều tác giả, Đài Bắc XB 1987, tr.242, tr.233.
(4), (5): Phật điển Hán dịch chí nghiên cứu. Vương Văn Nhan, Đài Bắc XB 1984, tr.3, tr.1.
(7), (8): Phật Quang Đại Từ Điển, Đài Bắc Xb 1989, tr.1588.