Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)
PHẦN THỨ HAI
ẤN ÐỘ SUỐI NGUỒN THIÊNG LIÊNG (tt)
LÂM-TÌ-NI, KHU VƯỜN ĐÃ QUÊN
Vương quốc của vua Tịnh-phạn thật ra rất nhỏ. Theo ký sự của Huyền Trang, tiểu quốc Thích-ca có một chu vi chừng 4000 lí (khoảng 1880Km). Theo Schumann đó là một vùng đất dài và hẹp với 180.000 dân, có một diện tích chừng 2000 cây số vuông, kinh đô là Ca-tì-la-vệ với khoảng 8000 dân. Tiểu quốc Thích-ca thần phục nước Kiều-tát-la, mỗi năm phải đóng thuế, bản thân vua Tịnh-phạn có khi phải đi hội họp tại Xá-vệ, kinh thành của Kiều-tát-la cách đó khoảng 140km.
Vương quốc của Tịnh-phạn có 9 thị trấn, trong đó có một nơi tên là Devadaha. Tại Devadaha có hai chị em lọt vào cặp mắt xanh của vua Tịnh-phạn, người chị là Ma-gia (Maya), người em là Pajapati. Ma-gia không ai khác hơn là vị hoàng hậu sinh ra thái tử Tất-đạt-đa. Pajapati cũng tặng cho vua Tịnh Phạn hai con, một trai một gái.
Một ngày nọ trong tháng năm của năm 563 trước công nguyên, bà Ma-gia lúc đó đã 40 tuổi, thấy mình sắp sinh, xin với vua Tịnh-phạn rời hoàng cung, về quê tại Devadaha để sinh con đầu lòng. Đó là tục lệ thời đó, ngày nay nhiều nơi vẫn còn. Thế nhưng bà không tới kịp Devadaha. Cách kinh thành chừng 25km, ngang một khu vườn tại làng Lâm-tì-ni, dưới một gốc cây mà có người gọi là hoa Vô Ưu, người khác gọi là cây Sala, bà sinh một người con trai mà ngày sau thành Phật.
Sinh xong, hoàng hậu Ma-gia không còn lý do về nhà cha mẹ nữa, bà trở lại Ca-tì-la-vệ. Ba ngày sau hoàng cung mời đạo sĩ A-tư-đà đến xem tướng cho thái tử, hai ngày sau đó một đoàn gồm tám bà-la-môn đến tham dự lễ đặt tên cho thái tử. Trong đoàn tám người đó thì người trẻ nhất trong số đó tên gọi là Kiều-trần-như. Ba mươi năm sau, Kiều-trần-như gặp lại thái tử và ta được biết ông chính là người trong nhóm năm người được Phật giáo hóa tại Lộc Uyển sau khi đắc đạo.
Bảy ngày sau khi sinh, Ma-gia mất, kinh sách chép bà tái sinh ngay vào cõi trời Đao Lợi. Bà ở tại đó để đợi Phật có ngày lên thuyết pháp cho bà nghe và 80 năm sau lúc Phật nhập Niết Bàn tại Câu-thi-na cách chỗ sinh chừng 100km, bà hiện xuống khóc tiễn.
Ca-tì-la-vệ và Lâm-tì-ni sớm bị chìm vào quên lãng sau khi dòng Thích-ca bị diệt vong. Trong thế kỷ thứ năm lúc Pháp Hiển đến thì ở đây đã thành bình địa, ông chỉ nhắc đến một phế tích không rõ ràng. Lúc Huyền Trang đến khoảng hai trăm năm sau, ông ghi rằng một địa danh tên hiện nay là Tilaurakot (cũng có tên là Taulihawa) phải là thành Ca-tì-la-vệ cũ. Còn Lâm-tì-ni thì được Huyền Trang tìm ra chính xác. Ông thấy nơi đó có một trụ đá của vua A-dục và ghi rõ trụ đã bị hư hại, đầu trụ là hình con ngựa nằm lăn lóc trên mặt đất. Sau đó không còn ai biết đến Lâm-tì-ni.
May thay, năm 1806 các nhà khảo cổ đào bới ra được Lâm-tì-ni và tìm thấy lại trụ đá của vua A-dục, nhưng hình đầu con ngựa nay đã mất. Kì diệu thay, người ta còn đọc trên trụ đá hàng chữ sau đây: "Hai mươi năm sau khi đăng quang, nhà vua Devanampiya Piyadasi [72] đến đây và tỏ lòng ngưỡng mộ vì Phật, người minh triết của dòng Thích-ca, đã được sinh tại đây. Ngài cho dựng phiến đá và một trụ đá để kỷ niệm nơi sinh của đức Thế Tôn. Làng Lâm-tì-ni được miễn giảm khỏi đóng thuế và giảm phần nộp lợi tức xuống còn 1/8 [73]". Đó là năm 245 trước công nguyên.
Tôi đến đây vào một buổi sáng trời đẹp. Con đường từ Bhairawa dẫn đến Lâm-tì-ni được UNESCO xây dựng, còn đoạn đi tiếp từ Lâm-tì-ni về Tilaurakot (tức là Ca-tì-la-vệ ngày xưa) chưa hoàn tất. Lâm-tì-ni là một khu vực xanh tươi nằm dưới chân Hy-mã lạp sơn, phía Bắc là những đỉnh núi tuyết lóng lánh. Lúc tôi đến hoa Vô Ưu không thấy nở, nó chỉ nở vài ngàn năm một lần khi có bậc đại giác sinh ra.
Trong vườn Lâm-tì-ni được rào bọc cẩn thận, ngày nay ta thấy còn một hồ nước, huyền sử chép là nơi rồng hiện lên tắm Phật. Hồ bây giờ tuy còn nước nhưng rêu xanh bám đầy mặt hồ. Gần đó là trụ đá của A-dục cao 6,4 m, phía trên có một niền sắt siết chặt, được rào bọc cẩn thận và nhờ đó những hàng chữ nói trên, viết bằng ngôn ngữ Brahmi và Ma-kiệt-đà vẫn còn đọc được. Tôi cũng ném vào đó vài đồng tiền như mọi người, lòng đầy hoài vọng và xúc cảm làm sao một trụ đá mà sống trên hai mươi thế kỷ được. Lúc tôi đến, đền thờ hoàng hậu Ma-gia đang được tu bổ, lều bạt ngổn ngang trên một nền gạch đỏ thẫm. Đi quanh nền gạch của đền này, nghe nói nó mới xây dựng trong năm 1933, tôi cố tìm một kẻ nứt để cắm một nén nhang nhưng lạ thay không sao tìm thấy. Di tích trong đền này được dời tạm qua một căn nhà khác, vào đó thì thấy một phiến đá khắc họa lại sự tích đản sinh. Theo nhiều tài liệu phiến đá này được hình thành trong thế kỷ thứ hai hay thứ năm sau công nguyên.
Quyết định của vua A-dục ghi trên trụ đá tại Lâm-tì-ni [74]
Trong nắng sớm bỗng có những tiếng trống nhỏ. Từ xa đi về phía chúng tôi là một nhóm khoảng bốn năm người. Họ theo đường ruộng đến Lâm-tì-ni, cứ đi vài bước lại đánh một tiếng trống. Đó là những thanh niên trẻ, người Âu có người Á có. Họ mặc đồ đen, không rõ tu sĩ hay cư sĩ, mặt mày thành kính, rõ là đang đi thiền hành. Đến đền thờ hoàng hậu Ma-gia họ đi vòng quanh đền cả chục lần, tiếng trống nhỏ đều đều vang lên. Chúng tôi chắp tay vái chào nhau với một lòng thiện cảm không nói ra lời. Không rõ các vị mặc đồ đen này thuộc giáo phái nào nhưng về sau tôi lại gặp nhiều người như thế tại Cửu Hoa sơn tại Trung Quốc, thái độ họ cũng hết sức thành kính.
Trong gió mai bỗng có tiếng phần phật, nhìn lại tôi thấy một nhóm người khác đang giăng những hàng giây có mang những lá cờ hình tam giác. Những lá cờ sa xuống đầu tôi, trên đó là vô số Tạng ngữ. Đó là cách cúng dường của người Tây Tạng, họ viết kinh lên cờ và cho nó tung bay trong gió. Những lá phướn trắng vàng và đỏ tung phần phật hòa trong tiếng trống dưới nắng sớm mang lại cho tôi một niềm an bình rộn rã. Tôi đi quanh quẩn trong vườn, không muốn rời, một chị người châu Á đi ngang nhắc khẽ tôi " Clockwise ". Tôi cám ơn chị, lúc đó tôi đi ngược chiều nên chị nhắc tôi hãy đi theo chiều kim đồng hồ. Đó là cách đi nhiễu quanh các tháp tượng, luôn luôn phải theo chiều kim đồng hồ mới thuận theo chiều của phước lạc.
Tiếng trống đã dứt, các thanh niên áo đen đã tìm chỗ ngồi thiền định dưới ánh sáng mặt trời êm dịu, mặt nhìn về hướng đền hoàng hậu Ma-gia. Chúng tôi tìm chỗ ngồi thiền định dưới gốc cây, đó là chỗ tôi có thể cắm nhang. Đó là nén nhang Việt Nam cuối cùng trong ba-lô tôi.