Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)
PHẦN THỨ TƯ
TÂY TẠNG HUYỀN BÍ (tt)
SHIGATSE VÀ DÒNG BAN-THIỀN LẠT-MA
Nhìn bản đồ, ta thấy Gyantse quả thật là ngã tư của nhiều con đường lữ khách. Cách Gyantse khoảng 300km về phía nam là Gangtok, thủ đô nước Sikkim. Từ Gyantse ta chỉ đi về phía tây thêm 100km là đến Shigatse, đô thị lớn thứ hai của Tây Tạng. Từ Shigatse mà đi về hướng tây nam thêm khoảng 500km là đến Kathmandu, thủ đô Nepal. Mấy năm về trước tại Kathmandu tôi đã ngắm đường đi Tây Tạng, nào ngờ hôm nay tôi đứng trên đất Tây Tạng nhìn về Nepal.
Thế nhưng hướng về miền tây Tây Tạng, lòng tôi rộn rã không vì gì khác mà chỉ vì Ngân sơn [21], nó còn cách Gyantse chỗ tôi đang đứng đến hơn 850km, chỗ đó là niềm mơ ước nhiều năm nay của tôi. Tôi mơ ngày đến Ngân sơn lúc đứng tại cao nguyên Simla tại Ấn Độ mười năm về trước. Đến Ngân sơn là đến núi Tu-di trên địa cầu. Đến Ngân sơn là thăm trú xứ của thánh thần, là đến nơi sinh ra các sông thiêng như sông Hằng của Ấn Độ, như sông Yarlung Tsangpo của Tây Tạng. Nếu đến được đó tôi sẽ đi thêm khoảng 200km nữa là đến Tsaparang, kinh đô tàn tạ của vương quốc Guge. Người ta không thể được tất cả, phải chăng phải còn một chỗ chưa đạt tới để lòng còn mơ ước, tôi
tự nhủ.
Đường từ Gyantse tới Shigatse là một con đường đi qua một cao nguyên xanh tươi nằm trên độ cao 4000m, chạy dọc theo con sông Nyang Chu. Nyang Chu chỉ là một con sông nhỏ, nước trong xanh. Tây Tạng là xứ thưa dân, xe chạy cứ cả vài chục cây số mới thấy xuất hiện làng mạc ruộng đồng. Thỉnh thoảng vài tu viện đổ nát hay phế tích nằm cao trên đỉnh đồi hiện ra như một tiếng gọi trầm mặc vang vọng từ quá khứ. Đâu phải chỉ vương quốc Guge, tất cả các triều đại của Tây Tạng đều đang tàn tạ.
Khoảng 20km trước khi đến Shigatse ta có thể thấy tu viện Shalu. Tu viện này mới đầu được xây năm 1040, có kiến trúc hỗn hợp của người Hán và Tây Tạng. Ngày nay ta còn thấy mái của tu viện được lợp bằng một thứ ngói có tráng men xanh của đời nhà Nguyên, đó loại ngói ta hay thấy tại các chùa của Trung Quốc. Ngói này cũng là loại ngói tráng men của các cung điện xứ Huế. Dưới mái ngói này của tu viện Shalu thuộc phái Tát-ca, Buton đã tu học và kết tập kinh điển thành các bộ Kanjur và Tanjur. Trong tu viện Shalu này Buton cũng đã lấy tên của tu viện mà sáng lập ra bộ phái Shalupa.
Xe đến Shigatse lúc trời đã tối. Đây là đô thị lớn thứ hai sau Lhasa và bộ mặt của nó đang dần dần biến thành một thành phố nhỏ của Trung Quốc với các sạp hàng với cửa cuốn bằng kim loại. Lại những cơ quan nhà nước với hai người lính bồng súng trước cửa. Cách đó không xa là các tiệm ăn, trước mỗi tiệm cũng có hai người Hán, nhưng là hai cô gái đứng trước cửa mời chào chúng tôi.
Shigatse đã được xây dựng trên một độ cao 3900m khoảng trong thế kỷ thứ 13. Shigatse có một tu viện nổi tiếng, đó là Tashilhunpo, nó được kiến lập năm 1447. Tu viện này do các đệ tử của Tông-khách-ba trụ trì. Nó nổi tiếng ở chỗ các sư trưởng đầu tiên của nó chính là vị Đạt-lai thứ
nhất và thứ hai và các vị sư trưởng thừa kế được gọi là Ban-thiền lạt-ma. Khi vị Đạt-lai thứ năm lên ngôi thì vị thầy của ông tên là Choki
Gyeltshen (1475-1542) được phong làm Ban-thiền đời thứ tư.
Vì Đạt-lai là hiện thân của Quán Thế Âm nên Ban-thiền, thầy của Đạt-lai được xem là hiện thân của A-di-đà. Các vị Đạt-lai và Ban-thiền được xem là đời đời làm thầy trò của nhau, vị này ấn chứng cho vị kia khi một vị được khám phá là mới tái sinh. Potala là cung điện của dòng Đạt-lai và Tashilhunpo là tu viện của dòng Ban-thiền. Hai dòng đều có trách nhiệm giáo hóa của mình nhưng công việc chính sự chỉ do các vị Đạt-lai nắm giữ. Thế nhưng trong thế kỷ hai mươi, với sự có mặt của Trung Quốc, vấn đề không còn đơn giản như thế.
Tôi đến tu viện Tashilhunpo, từ xa đã thấy mái điện mạ vàng sáng rực.
Điện có nhiều công trình, được bao bọc xung quanh bởi một lớp tường thành mà tín đồ Tây Tạng nào cũng đi một vòng trước khi bước vào. Toàn thể công trình của điện chiếm một diện tích 150.000 mét vuông. Điện được
xây dựng để thờ Di-lặc, vị Phật tương lai và vì thế trong chính điện ta
thấy ngay bức tượng vĩ đại của Ngài với chiều cao 27m, đúc toàn bằng đồng. Tôi yêu tượng Di-lặc của Tây Tạng hơn cách trình bày Ngài của Trung Quốc. Mỗi lần đến đảnh lễ tượng Di-lặc của Tây Tạng tôi đều nhìn lên để thấy cặp mắt xanh biếc đầy trí tuệ của Ngài.
Tôi nhớ Ung Hòa cung tại Bắc Kinh với bức tượng Di-lặc cao 18m đẽo từ một cây gỗ trầm hương. Nơi đó Ngài đã nhắc tôi "không có gì được thành tựu hết". Đó
là cách nói của Ngài mà ngày nay ta sẽ nói một cách hiện đại là "không có gì tồn tại trên cơ sở tự tính cả" [22]. Bức tượng tại Tashilhunpo cao hơn tại Ung Hoà cung, cặp mắt Ngài vẫn xanh biếc, hình như nhìn ngắm
những gì diễn ra tại Shigatse lịch sử này một cách bí ẩn và hóm hỉnh. Vì rằng những gì xảy ra tại Shigatse cũng chẳng có tự tính, tất cả đều dựa lên nhau mà thành.
Điều gì đã xảy ra tại Shigatse và Tashilhungpo? Đã từ lâu Trung Quốc
tìm cách chia rẻ hai dòng Đạt-lai và Ban-thiền. Khoảng năm 1924 Đạt-lai
thứ 13 và Ban-thiền thứ 9 có mâu thuẫn với nhau, kể từ khoảng thời gian
đó ta có thể nói Ban-thiền chủ trương thân Trung Quốc, còn quan điểm của Đạt-lai là duy trì và phục hồi nền độc lập chính trị của Tây Tạng. Khi Trung Quốc tiến quân vào Tây Tạng và Đạt-lai thứ 14 lưu vong đi Ấn Độ năm 1959 thì sau đó vị Ban-thiền thứ 10 cũng bị giam lỏng tại Bắc Kinh. Đến năm 1978 Bắc Kinh bỗng nhiên tôn vị Ban-thiền lên làm phó chủ tịch Quốc hội.
Mưu kế đó không mới mẻ cho lắm, chẳng qua là một biện pháp chính trị để giữ "mặt trận đoàn kết dân tộc". Tháng giêng năm 1989, Ban-thiền được về lại Shigatse, đến tu viện Tashilhunpo để làm lễ tế tự cho tháp mới xây của các vị Ban-thiền từ thứ 5 đến thứ 9. Trong buổi lễ đó, bỗng nhiên Ban-thiền thứ 10 chết, lúc đó ông mới 51 tuổi. Ông ít khi được về lại Tashilhunpo, nay về lại tu viện của mình sau khi bị giam lỏng và chết ngay tại lúc tế tự các tiền thân của chính mình. Bí
ẩn thay cái chết của ông. Về mặt chính thức thì ông chết vì bịnh tim, nhưng ai biết được điều gì đã xảy ra.
Ngày nay tại Tashilhunpo khách có thể đi thăm tháp thờ di cốt hai vị Đạt-lai thứ nhất và thứ hai, tháp của các vị Ban-thiền thứ 5 đến thứ 9. Và kể từ khoảng 10 năm nay có thêm tháp của vị Ban-thiền thứ 10 mà hình chụp của ông cho thấy là một người thông thái và khỏe mạnh. Dưới chân Di-lặc bao nhiêu điều đã xảy ra, hẳn chỉ có Ngài mới biết rõ. Đối với Di-lặc, cái chết hiển nhiên không phải là sự chấm dứt. Còn đối với tôi, cái chết bí ẩn của Ban-thiền chỉ lập lại thêm một lần nữa, là Phật giáo hãy xa rời triều đình và quyền lực, hãy bỏ lại đằng sau "tám bận tâm thế gian" [23] .
Sau khi Ban-thiền thứ 10 chết, dĩ nhiên người ta đi tìm thân tái sinh của ông. Theo nguồn tin chưa chính xác, vị Đại-lai hiện nay đã xác định một thiếu niên sinh đầu những năm 90 là hậu thân của ông. Thế nhưng không ai tiết lộ thiếu niên này hiện đang ở đâu vì lý do an ninh. Còn những người lãnh đạo Bắc Kinh cũng tuyên bố đã tìm ra hậu thân của Ban-thiền thứ 10. Buồn cười thay, họ đâu tin có sự tái sinh mà phải cất công đi tìm và ngày ngày phải lo cung dưỡng vị đó tại Bắc Kinh. Ngày nay tại Tashilhunpo hình của thiếu niên đó do Bắc Kinh "ấn chứng" được thờ như Ban-thiền thứ 11. Hỡi Di-lặc, cái nhìn của Ngài có gì bí ẩn và hóm hỉnh?