- [01 - 10]
- [11 - 20]
- [21 - 30]
- [31 - 40]
- [41 - 50]
- [51 - 60]
- [61 - 70]
- [71 - 80]
- [81 - 90]
- [91 - 100]
- [101 - 110]
- [111 - 120]
- [121 - 130]
- [131 - 140]
- [141 - 150]
- [151 - 160]
- [161 - 170]
- [171 - 180]
- [181 - 190]
- [191 - 200]
- [201 - 210]
- [211 - 220]
- [221 - 230]
- [231 - 240]
- [241 - 250]
- [251 - 260]
- [261 - 270]
- [271 - 280]
- [281 - 290]
- [291 - 300]
- [301 - 310]
- [311 - 320]
- [321 - 333]
- Thư mục
DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN
(333 Câu Chuyện Thiền)
Đỗ Đình Đồng góp nhặt
131. PHÚC ĐỨC TRONG ĐỜI
Một hôm Lãnh chúa Yasushina, tộc trưởng của bộ tộc Aizu, hỏi Yamazaki Ansai, phúc đức trong đời sư là gì?
Sư đáp:
- Có ba điều. Thứ nhất là được sinh ra làm người. Thứ hai là được sinh ra trong hạng người có học nhờ đó mà tôi có thể học và đọc kinh điển.
Đến điều thứ ba, sư ngừng lại một chút rồi nói gọn hơ:
- Thứ ba, vĩ đại nhất, là tôi được sinh ra trong cảnh nghèo mà không phải trong hàng quý tộc.
Vị lãnh chúa lấy làm lạ hỏi thêm và được sư cho biết là được sinh trong gia đình quý tộc có nghĩa là có đàn bà chiều chuộng, có tôi tớ nịnh bợ, và kết cục như một thằng ngu. Vị lãnh chúa vuốt chiếc áo choàng của mình và nhìn xuống.
(Bước Đầu Đọc Thiền)
132. HAI CON THUYỀN
Hoàng đế Huy Tông là một vị vua danh tiếng đời nhà Đường ở Trung quốc. Một hôm nhà vua đến viếng chùa Kim Sơn bên bờ sông Dương tử. Phong cảnh quanh chùa đẹp phi thường và chỗ ngồi của nhà vua được xếp đặt trên đỉnh tháp của chùa để có thể nhìn thấy cảnh sông được rõ nhất.
Khi được đưa đến chỗ ngồi, nhà vua thấy trên sông lớn có vô số thuyền chạy ngược, chạy xuôi, chạy trái, chạy phải, đến nỗi có thể nhầm cho là đang trên biển. Nhà vua quá vui khi thấy sự thịnh vượng của đất nước mà mình đang trị vì: dịch vụ và thương mại đang phồn thịnh - những gì mà ngày nay chúng ta gọi là một quốc phát triển đầy đủ. Đứng bên cạnh nhà vua là trụ trì của chùa, Thiền sư Hoàng Bá Hy Vận
Hoàng đế lưu ý sư:
- Trẫm không biết là bao nhiêu cánh buồm đang lả lướt trên sông?
Nói cách khác, là có bao nhiêu con thuyền trên mặt nước. Vị trụ trì vuốt tăng bào của mình và cung kính trả lời:
- Chỉ có hai.
Vẻ tự mãn trên khuôn mặt cuả hoàng đế vụt tiêu tan. Nhà sư muốn nói gì khi nói chỉ có hai con thuyền? Ngay bây giờ trước mắt ít nhất cũng một trăm, có lẽ hai trăm. Hai con thuyền, thực à! Nhà sư đang coi nhẹ hoàng đế, chế nhạo và cho hoàng đế là ngu sao? Nét mặt nhà vua cho thấy là câu trả lời không thể tha thứ được. Nhà vua hỏi:
- Chỉ có hai à?
Thiền sư Hoàng Bá không chút bối rối, cung kính đáp:
- Ở đây chỉ là thuyền danh và thuyền lợi.
Danh có nghĩa là cầu danh tiếng, lợi có nghĩa là tìm lợi ích. Như Hoàng thượng thấy, có nhiều thuyền trên sông, nhưng một nửa là chạy theo danh, còn nửa kia thì chạy theo tiền. Thuyền danh và thuyền lợi, trên sông chỉ là hai thứ thuyền này. Suy gẫm ý ấy, nhà vua thở dài.
(Bước Đầu Đọc Thiền)
Thiền sư Pháp Thuận (914-990) thuộc dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Sư họ Đỗ, xuất gia từ thuở bé, thọ giới với Thiền sư Long Thọ Phù Trì. Sau khi đắc pháp, sư nói lời nào cũng phù hợp sấm ngữ.
Nhà Tiền Lê dựng nghiệp, thường mời sư vào triều luận bàn việc chính trị ngoại giao. Khi quốc thái dân an, sư không nhận sự phong thưởng. Vì thế vua Lê Đại Hành rất kính trọng. Nhà vua nhờ sư trông coi việc soạn thảo văn kiện, thư từ ngoại giao.
Nhân một hôm (năm 986), nhà Tống sai sứ giả là Lý Giác sang phong tước hiệu cho vua Đại Hành. Vua nhờ sư cải trang làm lái đò để đón sứ.
Trên sông bất chợt Lý Giác thấy hai con ngỗng đang bơi, cảm hứng liền ngâm:
Song song một đôi ngỗng
Ngửa mặt ngó ven trời.
Sư đang chèo, ứng khẩu ngâm tiếp:
Lông trắng phơi dòng biếc,
Sóng xanh chân hồng bơi.
(T.T. Mật Thể dịch)
Lý Giác rất thán phục.
Một hôm, Vua Đại Hành hỏi vận nước dài ngắn thế nào, sư đáp bằng bài kệ:
Vận nước như dây quấn,
Trời Nam sống thái bình,
Rảnh rang trên điện các,
Chốn chốn dứt đao binh.
(Thiền
Sư Việt Nam)
134. DỰ TIỆC
Thiền sư Nhất Hưu Tôn Thuận được các nhà từ thiện giàu có mời dự một bữa tiệc. Sư mặc quần áo như một tên ăn mày đến dự. Người chủ bữa tiệc không nhận ra, vội vàng xua sư đi: “Chúng tôi không thể để anh lảng vảng trước cửa nhà này được. Chúng tôi đang đợi Thiền sư danh tiếng Nhất Hưu sẽ đến bất cứ lúc nào.” Sư trở về chùa thay áo lễ bằng gấm tím rồi trở lại trình diện trước cửa nhà chủ. Sư được đón tiếp long trọng và hướng dẫn đến phòng tiệc. Ở đó sư đặt cái áo lễ thẳng tắp trên chiếc bồ đoàn, nói: “Tôi mong là ông mời cái áo này bởi vì khi nãy ông đã xua đuổi tôi.” Nói xong, sư bỏ đi.
(Trí Tuệ Thiền Sư)
135. CẢNH CÁO
Thiền sư Sesso cảnh cáo: ‘Chẳng có chi nhiều để chọn lựa giữa một kẻ say mèm bên hũ rượu và một người say ngộ’. Về người say ngộ, sư nói, cái ấy giống như bọn trẻ con đi hội chợ, mỗi đứa mua một cái túi ny-lông trong chứa đầy nước và một con cá vàng. Trên đường về nhà, chúng tranh cãi với nhau, “Con của tao to nhất,” “Nhưng con của tao có màu đẹp nhất,” “Không, không, xem nè, con của tao sống động nhất,” và chẳng bao lâu chúng cãi nhau rất hăng say. Rồi viên đá đầu tiên bay đến, một cái túi bể, vật lấp lánh không còn nữa, chỉ còn buồn bã, tiếc thương.
(Trí Tuệ Thiền Sư)
136. CÒN MÙI THIỀN
Một Thiền sư nằm trên giường sắp chết thì người đệ tử đắc pháp của sư hỏi:
- Hòa thượng, còn có gì khác con cần biết thêm không?
Sư đáp:
-Không. Nói chung, ta rất hài lòng. Nhưng có một điều ta lo cho con.
Người đệ tử hỏi:
- Điều gì? Xin nói con biết để con sửa.
Sư nói:
- Cái chẳng ổn là con còn mùi thiền.
(Trí Tuệ Thiền
Sư)
137. CẨN THẬN! CẨN THẬN!
Một bậc thầy trong nghề làm vườn, nổi tiếng về tài leo và tỉa cành cho những cây cao nhất, đã khảo nghiệm đệ tử bằng cách cho đệ tử trèo lên một cây rất cao. Nhiều người đến xem. Ông thầy đứng lặng lẽ, cẩn thận theo dõi từng động tác mà không xen một lời. Tỉa xong ngọn cây, người đệ tử leo xuống, khi chỉ còn độ ba bốn thước cách mặt đất, ông thầy bỗng nhiên la lên, “Cẩn thận! Cẩn thận!” Khi người đệ tử đã xuống đất an toàn, một ông lão hỏi ông thầy:
- Khi anh ta còn ở trên cao, chỗ nguy hiểm nhất ông chẳng nói một tiếng. Tại sao khi anh ta đã xuống gần mặt đất ông lại kêu anh ta phải cẩn thận? Nếu như ngay lúc ấy anh ta có trượt té cũng chẳng đau gì mấy.
Ông thầy đáp:
-Vậy không rõ ràng lắm sao? Ngay ở trên ngọn anh ta ý thức sự nguy hiểm, tự chăm sóc lấy mình. Nhưng khi gần kết thúc người ta bắt đầu cảm thấy an toàn, đây là lúc tai nạn xảy ra.
(Trí Tuệ Thiền Sư)
138. SAO CHẲNG NÓI CON BIẾT?
Một ông tăng ở với Thiền sư Kassan một thời gian rồi đi khắp các nơi tham vấn Thiền, nhưng thấy không nơi nào thích hợp với mình. Hơn nữa, nơi nào cũng ca tụng Kassan là Thiền sư vĩ đại. Vì vậy ông tăng trở về và hỏi sư:
- Mọi nơi đều nói hoà thượng có kiến giải thâm sâu, sao không nói con biết?
Sư đáp:
- Khi ông nấu cơm thì ta nhóm lửa, khi ông bới cơm thì ta đưa bát. Có khi nào ta phụ lòng ông đâu?
Ngay câu nói này, ông tăng giác ngộ.
(Trí Tuệ Thiền Sư)
139. NGƯỜI TRÍ KHÔNG NGỘ ĐẠO
Một hôm có ông tăng đến hỏi Thiền sư Tịnh Không (1091-1170), đời thứ mười dòng Vô Ngôn Thông:
- Từ trước chỉ thẳng là nói cái gì?
Sư đáp:
- Ngày ngày đi gặt lúa, giờ giờ kho lẫm không.
- Con chẳng hội.
- Nhật nguyệt hằng sáng, mây nổi phủ che.
Sư lại cho thêm bài kệ:
Người trí không ngộ đạo,
Ngộ đạo tức kẻ ngu.
Khách nằm thẳng duỗi chân,
Nào biết giả cùng thật.
Có ông tăng khác hỏi:
- Thế nào là Phật ?
Sư đáp:
- Nhật nguyệt sáng, trời trùm ức cõi,
Ai biết mây mù rơi núi sông.
- Làm thế nào hội được?
- Mục đồng chỉ thích nằm lưng trâu,
Kẻ sĩ thường khoe được anh hùng.
- Ý Tổ và ý kinh là đồng là khác?
- Muôn dặm nhờ thuyền đều đến triều vua.
- Hòa Thượng có việc kỳ đặc, tại sao không nói cho con?
- Ngươi thổi lửa, ta hốt gạo; ngươi khất thực, ta giữ bát; ai mà cô phụ ngươi.
Tăng nghe xong liền khai ngộ.
Thiết Chủy Giác đến viếng Thiền sư Pháp Nhãn Văn Ích. Pháp Nhãn hỏi Giác từ đâu đến. Giác đáp:
- Từ Triệu Châu đến.
Pháp Nhãn nói:
- Có phải hòa thượng Triệu Châu dạy, ‘Cây bách trước sân chăng’?
Giác phủ nhận. Pháp Nhãn khăn khăn:
- Mọi người nói rằng khi có người hỏi ‘Ý Tổ sư từ Tây thiên đến’, hòa thượng Triệu Châu đáp, ‘Cây bách trước sân’. Sao ông lại phủ nhận?
Giác lớn tiếng đáp:
- Tiên sư tôi không có nói. Chớ phỉ báng tiên sư tôi.
Pháp Nhãn nói:
- Thật là sư tử con.
(Trí Tuệ Thiền Sư)