- 01. Chút tâm sự để mở đầu buổi Hội Luận
- 02. Vận dụng bài học lịch sử cận đại về hoằng pháp của các cư sĩ tiền bối
- 03. Thật tâm, Thâm tâm và Bồ Đề tâm là ba sức bật Hoằng Pháp
- 04. Nghiệp Hoằng pháp: Hãy giữ linh hồn cho nhau!
- 05. Cư sĩ và việc hoằng pháp
- 06. Phật tử là người Hoằng Pháp
- 07. Đúc kết buổi “Hội luận Đuốc Tuệ 2011”
- 08. Người Cư sĩ gương mẫu
- 09. Vấn đề đào tạo Cư sĩ Hoằng pháp
- 10. Đào tạo Giáo thọ sư tại Mỹ
- 11. Hải ngoại và Dòng Sinh mệnh Phật giáo
- 12. Người Cư sĩ Phật giáo
- 13. Người Cư sĩ phải làm gì để Truyền bá Phật giáo trong Thế kỷ 21
- 14. Tu học để hoằng pháp
- 15. Đem Phật pháp đến cho giới trẻ
- 16. Tăng đoàn của Đức Phật buổi sơ khai và Vài ý nghĩ về Hoằng pháp
ĐÓNG GÓP CỦA CƯ SĨ
TRONG VIỆC HOẰNG PHÁP TẠI HẢI NGOẠI
(Kỷ Yếu Hội Luận 2011, Hội Phật Học Đuốc Tuệ)
CHÚT TÂM SỰ ĐỂ MỞ ĐẦU NGÀY HỘI LUẬNMật Nghiêm Đặng Nguyên Phả
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính thưa quý vị trưởng thượng, Quý vị Thiện Tri Thức, Quan Khách và Diễn giả, Quý vị thân hữu Phật tử, quý vị đồng hương và toàn thể Pháp Hội.
Chúng tôi, Mật Nghiêm, xin đại diện hội Phật học Đuốc Tuệ và ban tổ chức, kính gửi lời chào mừng an vui, thanh tịnh và tinh tấn đến toàn thể quý vị.
Kính xin chư Phật, chư Bồ Tát mười phương, cùng chư Thiên, chư Tiên các cõi, chư vị Thiên Long Bát bộ và chư vị Hộ pháp thiện thần, ban lực và hộ trì cho Pháp hội hôm nay, đi đúng con đường chánh pháp và được viên thành.
Kính thưa toàn thể quý vị,
Khi chúng tôi được đề cử ngỏ lời khai mạc thì tôi nhận lời, nhưng trong lòng phân vân không biết nói gì và khởi sự từ đâu và vì sao lại tổ chức Pháp hội này với chủ đề về “Hoằng Pháp của người Cư sĩ”. Từ xưa đến nay, theo truyền thống thì việc Hoằng Pháp là của Tăng sĩ còn Cư sĩ thì chỉ hộ pháp mà thôi. Nói một cách bình dân và dễ hiểu cho các em nhỏ ở đây hiểu hơn và thấy đúng hơn là vai trò Hộ pháp tức là để Thầy Cô “sai”, chỉ đâu đánh đó, chứ biết gì giáo lý mà hoằng pháp?
Kính thưa quý vị, Chúng tôi thì nghĩ khác, nếu có gì sai trái thì xin đến giờ thảo luận Quý vị Thiện tri thức sửa sai cho. Trong kinh Pháp Cú, Phật nói: “Hạnh phúc thay tứ chúng đồng tu” nghĩa là Tăng Ni và Cư sĩ nam nữ, đều cùng tu cả và tu học Phật pháp, hành pháp và hoằng pháp đủ cả ba phần mới là trọn ven. Và như thế thì quý Tăng Ni là những người truyền pháp còn cư sĩ là người “Đem Đạo vào đời, sống đạo nơi đời” đúng là hành pháp và hoằng pháp đấy! Trong cuốn Cẩm Nang Cư Sĩ của cư sĩ Tâm Diệu đương có mặt tại đây và là diễn giả hôm nay, ở trang 44 có dẫn lời Hòa Thượng Thích Thanh Từ như thế này: “Giờ rảnh rỗi, Phật tự nói chuyện thân mật trong gia đình, hoặc đi thăm người láng giềng đau yếu . . . đều là những buổi thuyết pháp linh động của cư sĩ. Cách ăn ở trong nhà, sự đối xử với hàng xóm hợp đạo lý ấy là bài thuyết pháp sống của cư sĩ tại gia. Phật tử tại gia thực hiện được nhiệm vụ mình mới là hộ pháp chân chính”.
Như vậy thì vị trí của người Cư sĩ Phật tử tại gia “Sống Đạo nơi đời” thật là quan trọng, đó là lý do vì sao chúng tôi chọn chủ đề về việc Hoằng Pháp của người Cư sĩ hôm nay. Tóm lại: Các Thầy Cô truyền pháp và làm trách vụ độ sanh, độ tử cầu an, cầu siêu trong nghi thức giáo pháp, còn người Cư sĩ thì sống Đạo nơi đời, đem đạo vào đời cũng là Hoằng pháp.
Tuy nhiên, hoàn cảnh chúng ta, những người Phật tử hải ngoại sống trong môi trường mới và nền văn hóa mới mà không bị lôi cuốn, không bị mất đi bản chất dân tộc, đó mới là vấn đề. Rồi làm sao để lớp trẻ Việt Nam ở đây không quay lưng đi, không bị dụ dỗ, mà bắc được nhịp cầu đạo pháp giữa ông bà, cha mẹ với con cháu, đó là vấn đề thứ hai. Vấn đề thứ ba là khi bước chân đến quê người, chúng ta phải làm lại từ đầu cuộc sống xã hội và tâm linh vậy thì chúng ta còn lại được gì và cần xây dựng những gì về mặt tinh thần. Thứ tư là sinh hoạt Phật giáo hiện nay đã hiệu quả chưa? Phải làm thế nào để vừa hội nhập vừa phát triển tốt về hai mặt đời sống xã hội và đời sống tâm linh song hành? Thứ năm là chúng ta hiện giờ tu hành thế nào? Đã tu chưa và có đúng đường không? Đó là những câu hỏi mà chúng tôi thường băn khuăn ấp ủ lâu nay! Buổi hội luận này có lẽ chỉ bàn thảo được một phần nào thôi, hy vọng trong tập Kỷ Yếu sẽ ra được sự đóng góp nhiều và soi sáng được các vấn đề khác. Kính xin quý vị đóng góp gửi bài hoặc cảm nghĩ hay ý kiến cho Đuốc Tuệ trong vòng từ nay đến cuối năm để sang năm 2012 chúng ta có tài liệu trao đổi để cùng tham khảo và thực hành.
Kính thưa toàn thể quý vị,
Trong năm nay có 3 sự kiện thế giới được ghi nhận làm tôi suy nghĩ, hôm nay xin đem ra trình lên quý vị để cùng nhận định:
■ Thứ nhất là vào tháng sáu vừa qua, tờ báo lớn của Anh là The Guardian đã đăng một bài về một tu sĩ Phật giáo Tây Tạng với đầu đề “Mingyur Rinpoche, the millionaire monk who renounced it all” tức: Mingyur Rinpoche, nhà sư triệu phú xả bỏ hết thảy. Nói về một Lạt Ma Tây Tạng nổi tiếng tại Anh, sinh năm 1975, đã viết nhiều sách PG thuộc loại Best seller như cuốn The Joy of Living – Sống An Lạc -, đã có nhiều đạo tràng và đi truyền giảng khắp thế giới.
Ông có những cơ sở và tài sản hàng nhiều triệu Anh kim, thường sống ngay tại tu viện ở Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ, thuộc dòng Kagyupa. Sau 10 năm ẩn tu thiền định và hai chuc năm truyền dạy pháp môn cho hàng chục ngàn người, trong đĩ có rất nhiều người Tây phương. Rồi một ngày đẹp trời đầu tháng 6 năm 2011, Ngài đã bỏ lại tất cả lưu lại một lá thư để từ giã đệ tử để lên núi tuyết Hymalaya tu, hẹn ngày trở lại. Người ta thấy Ngài bỏ lại cả cell phone, bàn chải đánh răng và tất cả những đồ trang trí của 1 người thời đại. Việc này nói lên một sự từ bỏ tiền tài danh lợi mà người Tây phương cho là trong lúc thành công mà buông bỏ. Điều thứ hai là tuổi đời mới 36 là tuổi nên danh vào đời mà lại xả ly. Chỉ có người quyết đi tìm đạo và một ý chí giải thoát rốt ráo mới thực hiện hành động này.
■ Thứ nhì là việc mà có lẽ số đông các vị theo dõi thời sự đều đã biết. Đó là vào ngày 5 tháng 10 năm 2011, sự ra đi của Phật tử người Mỹ, người sáng lập công ty sản xuất máy Iphone, Ipad v.. v.. là hãng Apple, đó là ông Steve Jobs. Ông đã sống đúng tinh thần của người Phật tử dấn thân phụng sự nhân sinh, phát huy sáng tạo làm thay đổi thế giới về mặt tin học. Ông ra đi ở tuổi 56, sau một thời gian đấu tranh với sống chết, khi bị ung thư tụy tạng. Ông đã bình an ra đi, để lại một bài học về nhân duyên, về tình yêu và cuộc sống và cái chết nhẹ nhàng, làm cả thế giới tiếc thương. Đó là một sự sống đạo của người Phật tử mà ta phải thán phục và noi gương.
■ Thứ ba là vào ngày 19 tháng 11 vừa qua, tổ chức INEB tức mạng lưới quốc tế của các Phật tử dấn thân (International Network of Engaged Buddhists) họp đại hội gồm 20 quốc gia tại New York, đã đề ra những đòi hỏi về hòa bình, công bằng xã hội, nhân quyền và bình đẳng giới tính, cùng bảo vệ môi sinh. Có 3 điểm mà tôi quan tâm nhất là:
- Cải cách và phục hồi các tổ chức Phật giáo
- Trẻ hóa và phát triển đội ngũ lãnh đao tâm linh
- Thúc đẩy hợp tác đối thoại giữa các tôn giáo
Tổ chức Phật tử dấn thân này được thành lập từ năm 1989 tại Thailand, để đáp ứng thời đại mới.
Ba sự kiện thế giới chúng tôi vừa kể trên là những tiếng chuông thức tỉnh trong tôi, thúc đẩy chúng tôi nỗ lực hơn trong việc Phật giáo hóa cuộc sống gia đình và xã hội, đó là động cơ khiến chúng tôi tích cực tổ chức buổi Hội Luận hôm nay.
Cuối cùng, xin kính chúc Pháp Hội thành công tốt đẹp.
Califonia, ngày 11 tháng 12 năm 2011
Mật Nghiêm Đặng Nguyên Phả