- Tuyển tập 01
- Tuyển tập 02
- Tuyển tập 03
- Tuyển tập 04
- Tuyển tập 05
- Tuyển tập 06
- Tuyển tập 07
- Tuyển tập 08
- Tuyển tập 09
- Tuyển tập 10
- Tuyển tập 11
- Tuyển tập 12
- Tuyển tập 13
- Tuyển tập 14
- Tuyển tập 15
- Tuyển tập 16
- Tuyển tập 17
- Tuyển tập 18
- Tuyển tập 19
- Tuyển tập 20
- Tuyển tập 21
- Tuyển tập 22
- Tuyển tập 23
- Tuyển tập 24
- Tuyển tập 25
- Tuyển tập 26
- Tuyển tập 27
- Tuyển tập 28
- Tuyển tập 29
- Tuyển tập 30
- Tuyển tập 31
- Tuyển tập 32
- Tuyển tập 33
- Tuyển tập 34
- Tuyển tập 35
- Tuyển tập 36
- Tuyển tập 37
- Tuyển tập 38
- Tuyển tập 39
- Tuyển tập 40
- Tuyển tập 41
- Tuyển tập 42
- Tuyển tập 43
- Tuyển tập 44
- Tuyển tập 45
- Tuyển tập 46
- Tuyển tập 47
- Tuyển tập 48
- Tuyển tập 49
- Tuyển tập 50
- Tuyển tập 51
- Tuyển tập 52
- Tuyển tập 53
- Tuyển tập 54
- Tuyển tập 55
- Tuyển tập 56
- Tuyển tập 57
- Tuyển tập 58
- Tuyển tập 59
- Tuyển tập 60
- Tuyển tập 61
- Tuyển tập 62
- Tuyển tập 63 & 64
- Tuyển tập 65
- Tuyển tập 66
- Tuyển tập 67
- Tuyển tập 68
- Tuyển tập 69
- Tuyển tập 70
- Tuyển tập 71
- Tuyển tập 72
- Tuyển tập 73
- Tuyển tập 74
- Tuyển tập 75
- Tuyển tập 76
- Tuyển tập 77
- Tuyển tập 78
- Tuyển tập 79
- Tuyển tập 80
- Tuyển tập 81
- Tuyển tập 82
- Tuyển tập 83
- Tuyển tập 84
- Tuyển tập 85
- Tuyển tập 86
- Tuyển tập 87
- Tuyển tập 88
- Tuyển tập 89
- Tuyển tập 90
- Tuyển tập 91
- Tuyển tập 92
- Tuyển tập 93
- Tuyển tập 94
- Tuyển tập 95
- Tuyển tập 96
- Tuyển tập 97
- Tuyển tập 98
- Tuyển tập 99
- Tuyển tập 100
- Tuyển tập 101
- Tuyển tập 102
- Tuyển tập 103
- Tuyển tập 104
- Tuyển tập 105
- Tuyển tập 106
- Tuyển tập 107
- Tuyển tập 108
- Tuyển tập 109
- Tuyển tập 110
- Tuyển tập 111
- Tuyển tập 112
- Tuyển tập 113
- Tuyển tập 114
- Tuyển tập 115
- Tuyển tập 116
- Tuyển tập 117
- Tuyển tập 118
- Tuyển tập 119
- Tuyển tập 120
- Tuyển tập 121
- Tuyển tập 122
- Tuyển tập 123
- Tuyển tập 124
- Tuyển tập 125
- Tuyển tập 126
- Tuyển tập 127
- Tuyển tập 128
- Tuyển tập 129
- Tuyển tập 130
- Tuyển tập 131
- Tuyển tập 132
- Tuyển tập 133
- Tuyển tập 134
- Tuyển tập 135
- Tuyển tập 136
- Tuyển tập 137
- Tuyển tập 138
- Tuyển tập 139
- Tuyển tập 140
- Tuyển tập 141
- Tuyển tập 142
- Tuyển tập 143
- Tuyển tập 144
- Tuyển tập 145
- Tuyển Tập 146
- Tuyển Tập 147
- Tuyển Tập 148
- Tuyển Tập 149
- Tuyển Tập 150
TUYỂN TẬP THƠ MẶC GIANG
Tuyển tập 10 bài Số 130 - thơ Mặc Giang
(Từ bài số 1291 đến số 1300)
macgiang@y7mail.com ; thnhattan@yahoo.com.au
01. Xin chắp tay hoa
02. Mẹ là tất cả
03. Không gì so sánh Mẹ
04. Quê hương ôm ấp trong lòng
05. Mây treo đầu núi
06. Hình bóng quê nhà
07. Ai có nghe
08. Tiếng nói Mùa Đông
09. Mắt ướt Đông Về
10. Quê nhà ta đó
Xin Chắp Tay Hoa
Xin chắp tay hoa gởi tặng đời
An lành hạnh phúc khắp nơi nơi
Không đâu vướng lụy vòng sầu khổ
Trang trải yêu thương miệng mỉm cười
Xin chắp tay hoa gởi tặng người
Trên cây sầu mộng trổ xinh tươi
Chồi non nẩy lộc cành khô héo
Trần thế gian nan đã lắm rồi
Xin chắp tay hoa gởi tặng em
An vui trong lứa tuổi thần tiên
Mài trang giấy trắng soi đèn sách
Chẳng ngại mai sau ngày với đêm
Xin chắp tay hoa tặng chị nghe
Ve kia còn kéo mỗi mùa hè
Vỏ cây gởi xác, mùa sau nữa
Chị cứ đeo mang lối ngõ về
Xin chắp tay hoa gởi tặng anh
Nam nhi chi chí mạnh đăng trình
Dọc ngang bốn biển tung trời đất
Xuôi ngược năm châu thỏa ước nguyền
Xin chắp tay hoa tặng mọi nhà
Hương lành lan tỏa khắp gần xa
Ai ai cũng sống hòa thân ái
Thì cõi trần gian mãi nở hoa.
Tháng 9 – 2009
Mẹ là tất cả
Bầu trời chuyên chở ngàn mây
Nhìn đôi mắt Mẹ, chứa đầy trăng sao
Biển sâu núi thẳm non cao
Nhìn đôi mắt Mẹ, rạt rào mến thương
Trần gian muôn lối vạn đường
Nắm vòng tay Mẹ, tư lường tình tang
Thế nhân bỉ thử vô vàn
Trở về bên Mẹ, an nhàn thanh lương
Cuộc đời khổ ải khôn lường
Gối đầu tay Mẹ, bình thường ngủ yên
Trải bao đồi dốc não phiền
Nhìn hình bóng Mẹ, thần tiên hiện về
Trường đời vạn lý nhiêu khê
Cầm bàn tay Mẹ vỗ về ấm êm
Phiêu du đêm tối dế mèn
Khi về bên Mẹ, bỏ quên ngoài đường
Kinh qua thành bại nhiễu nhương
Nhìn hình bóng Mẹ, tình thương tuyệt vời
Mẹ là tuyệt tác đất trời
Mẹ là tất cả cho đời Mẹ ơi !
Tháng 9 – 2009
Không gì so sánh Mẹ
Viết cho Mẹ dù ngàn lời chưa cạn
Bởi suối nguồn tràn ngập nước thương yêu
Băng núi rừng, vượt đồi dốc, cầu kiều
Qua đồng nội, xuyên sông dài, biển rộng
Tình thương Mẹ là con tim biết sống
Mỗi nhịp đập tùy cơ cảm dây rung
Nhồi cơ tim, rồi chảy khắp châu thân
Mang sinh lực đi tận cùng cơ thể
Hình ảnh Mẹ là bức tranh tuyệt thế
Bao họa sĩ, nghệ nhân, diễn không cùng
Mẹ là một con người, mà lại ép vô khung
Nên thiếu nét diễm kiều chưa chấm phá
Tình thương Mẹ phủ đất trời cao cả
Vạn bài ca chưa diễn hết ngôn từ
Vũ trụ kia còn trống rỗng thái hư
Chừa những chỗ thiêng liêng cao quý nhất
Miệng Mẹ cười, trăng sao kia chất ngất
Mắt Mẹ buồn, bóng tối kéo hoàng hôn
Tóc Mẹ bạc, màu trắng phủ cô thôn
Da Mẹ nhăn, vết chai sần sương gió
Mẹ còn sống, ngàn số không thành có
Mẹ mất đi, ngàn cái có thành không
Nhớ về Mẹ, xa xót cả tâm hồn
Thương về Mẹ, lòng khô tràn ngấn lệ
Dù dũng tướng giữa ba quân thét gió
Dù anh hùng sống chết phớt hồng mao
Dù người điên thần khí đã hư hao
Về bên Mẹ vẫn ngập ngừng khép nép
Bậc siêu phàm, triết gia hay bác học
Người bình dân, lê thứ tận thấp hèn
Hay những ai du thủ con dế mèn
Đối diện Mẹ, ta vẫn còn bé nhỏ
Mẹ là một con người, nhưng tuyệt siêu thế đó
Mẹ là một con người, nhưng mầu nhiệm vô cùng
Đổi vô thỉ và đổi cả vô chung
Vẫn chưa thể đền bù và so sánh.
Tháng 9 – 2009
Quê hương ôm ấp trong lòng!
Quê hương ôm ấp trong lòng
Đi đâu cũng thấy khơi dòng nhớ thương
Quê hương từ độ mù sương
Đi đâu cũng thấy dặm trường xát xây
Quê hương ôm ấp vơi đầy
Đi đâu cũng thấy nỗi nầy tình kia
Xa trông cánh nhạn bay về
Biết đâu tổ ấm lê thê cuối trời
Biển sâu, cá lặn tăm hơi
Núi cao, mất hút giữa đồi mênh mông
Thoảng nghe hương lúa ngô đồng
Bay bay trước gió ven sông lững lờ
Tìm trong ký ức ươm mơ
Khi xa mới thấy vật vờ hồn đau
Nói quên, nào khác nương dâu
Nói nhớ, đành đoạn bờ lau cát vàng
Nhìn trên thân thể cưu mang
Cơ chừng ẩn nét muôn ngàn năm xưa
Quê hương nhung nhớ dư thừa
Như cây nhớ cội bốn mùa lại qua
Quê hương biết mấy đậm đà
Như gia nhớ quốc canh gà kêu sương
Dù cho biền biệt dặm trường
Ta luôn nương níu quê hương trong lòng
Dù cho vận nước long đong
Nước đi đâu nữa chờ con nước về
Đổ mưa ta gặp sơn khê
Quê hương ôm ấp mộng kề gối trăng.
Tháng 10 – 2009
Mây Treo Đầu Núi
Đi trong mơ mà vẽ vời ru ngủ
Đi trong mộng mà sơn phết ảo huyền
Chốn ta bà trào lộng cõi thần tiên
Chân lún đất tưởng cỡi mây cỡi gió
Một đàn con đẩy đưa nhau bỏ chợ
Các con cứ an vui, nhưng không phải ăn mày
Từ các con sẽ biến hóa đẹp thay
Thành dấu ấn ly kỳ hơn cổ tích
Các con có những năng lượng siêu tuyệt
Các con là những nhân tố thần kỳ
Các con cứ vững tin, chịu đựng nhau đi
Từ các con đâu đâu cũng biến hiện
Đi trong mơ, đã huyễn, nên nói huyễn
Đi trong mộng, đã ảo, làm sao chơn
Ai có nghe trái đắng ngậm bồ hòn
Hóa Thành Dụ, biết rồi, còn phải nói
Hãy nhìn kia rừng khuya mờ tỏa khói
Biển nghìn trùng sóng vỗ đẩy bờ xa
Bọt bèo phơi sương gió ngỡ châu pha
Hoa đom đóm ôm mây treo đầu núi.
Viết bởi nghe chuyện thần kỳ
Viết bởi mây treo đầu núi
Tháng 10 – 2009
Mặc Giang
Hình bóng quê nhà
Tôi vốn dĩ người quê mùa dân dã
Được sinh ra nơi mái khói nhà tranh
Lớn lên với những con đường đất loanh quanh
Bên ruộng lúa ngô khoai thơm mùi gốc rạ
Chân lấm tay bùn, trầy trụa sỏi đá
Mưa nắng hai mùa, vá nhuộm tấm thân
Cái tuổi thơ đã tắm gội phong trần
Thời bé bỏng sớm dập vùi gió bụi
Đồng cao đồng thấp, cày sâu cuốc bẫm
Tát nước vét mương, chai đá chân tay
Cái tuổi thơ phơi nắng cháy khô gầy
Da thịt chắc đen huyền như bánh ít
Mái nhà tranh không đủ che mưa dột
Nên ngày đêm chừa lỗ ngó ông trời
Gió phập phù lồng lộng dễ thông hơi
Quần áo rách phất phơ bay trước gió
Cái tuổi thơ đã quen mùi bông cỏ
Mùi mạ non, mùi lúa chín, sim đồng
Mùi «chim chim», mùi «dủ dẻ», mùi trâm
Mùi gian khổ năm từng năm lũ lụt
Mùi khoai nướng, khoai lùi, bột nhì, bột nhứt
Mùi cơm nguội, cơm cháy, chan húp ngon lành
Vậy mà quây quần, nào cha mẹ, nào anh em
Còn hơn cục muối chia đôi, cục đường chia bốn
Khi ra đi, nghĩa là chốn quê nhà mất hút
Phố thị, châu thành không tìm được cõi trời quê
Cao ốc, cao tầng, không lấp nổi mái tranh che
Sống vẫn sống nhưng lòng chôn gốc rạ
Khi ra đi, nghĩa là đường dài khua sỏi đá
Vọng âm vang tê tỉ mái quê nghèo
Cái thuở đầu đời gắn bó đẳng đeo
Luôn lay động trong chiều sâu ký ức
Ấy thế, mà chốn quê nhà là nhất
Cái phồn vinh không che lấp quê mùa
Khi ra đi, không phải bán phải mua
Nhưng tìm lại, như mò kim đáy biển
Cái màu xanh biến thành màu vàng, màu tím
Một năm, mười năm, lần lữa mấy mươi năm
Nhưng tôi vẫn ngửi được mùi lúa mới, mạ non
Mùi đất, mùi bùn, mùi khổ nghèo chơn chất
Đường trường xa dù chùn chân mỏi gối
Bước phong trần đãi bạc nhuộm sương pha
Nắm đôi tay ôm hình bóng quê nhà
Như hương lúa ôm ruộng đồng mưa nắng.
Tháng 10 – 2009
Mặc Giang
Ai có nghe !
Thế thời núi đá lưng đèo
Chim bay dưới nước thuyền chèo trên non
Giày vò cay xé tâm hồn
Tóc tơ đay nghiến lòng son cực hình
Tưởng ai, nào ngỡ lại mình
Càng xa xót nỗi, càng tình tình tang
Thế thời nghiệt ngã Đèo Ngang
Cá khô đáy vực nước tràn sơn khê
Trượng phu cạn kiệt ước thề
Tiểu nhân ngất ngưởng kết bè đeo ngai
Dẫu cho con nước còn dài
Khúc sông lạnh ngắt tuyền đài giá băng
Thế thời đảo lộn chịt chằng
Tre già chết gốc, non măng phủ đầu
Nước non gãy mấy nhịp cầu
Quan san cách trở vũng nâu tư lường
Đèo bòng nát cõi quê hương
Đa mang cát đá phơi đường xác xơ
Thế thời ác mộng ru mơ
Ma trơi dẫn lối quỷ chờ bóng đêm
Ba mươi không có ánh đèn
Vật vờ nghĩa địa hỏi thềm hư vô
Đan tay vá víu cơ đồ
Đan tâm ôm ấp mịt mờ nước non
Tâm đâu mà hỏi nát hồn
Lòng đâu mà hỏi vết son nhũn tàn
Thương không, Thế Lữ - Nhớ Rừng
Buồn không, Công Trứ - vẫy vùng nam nhi
Bạch Đằng róc rách Ba Vì
Hát Giang sóng vỗ thầm thì Nhị Trưng
Thế thời núi ngã nghiêng rừng
Ai nghe trống giục, ai đừng có nghe !
Tháng 10 – 2009
Tiếng nói Mùa Đông
Ta lắng nghe tiếng nói mùa đông
Để sẻ chia những mảnh đời giá lạnh
Đếm cô đơn âm thầm trong ngõ vắng
Khi hoàng hôn buông xuống mỗi đêm về
Ta lắng nghe tiếng nói mùa đông
Để ủi an những mảnh đời bất hạnh
Đi đến đâu, thềm hoang đeo tuyết trắng
Đắp mền nhung không đủ ấm tâm hồn
Ta lắng nghe cái buốt mùa đông
Không còn ai lạnh lùng khi đông đến
Hỏi mùa thu, sao thu vàng thu tím
Thì đông ơi, ta sưởi ấm đông về
Bốn mùa, chỉ một mùa đông
Thương cho ai đó lại đông bốn mùa
Lạnh lùng, không bán không mua
Mà sao trả giá gió lùa đêm đông
Nhớ xưa thi bá Nguyễn Du
Ba trăm năm nữa, mịt mờ bao lâu
« Cảnh nào, cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ »
Thì ta chia sẻ mùa đông
Vườn cây khép lá, bông hồng trơ vơ
Thì ta nhặt bóng ru mơ
Cho đời bớt lạnh, hững hờ đêm đông.
Tháng 11 – 2009
MG
Mắt ướt Đông Về
Nếu không đông, rừng cây khô tuyết trắng
Thì còn đâu rừng núi tuyết giá băng
Đêm còn gì, nếu không có ánh trăng
Hỡi ngàn sao mập mờ trong đêm tối
Nếu không đông, còn ai biết giá lạnh
Đời ấm êm thái quá sẽ dư thừa
Không hạn hán, nào có nghĩa chi mưa
Cho ngàn mây bồng bềnh thêm thống khổ
Nếu không có mùa đông
Còn gì nữa bốn mùa
Còn đâu ngọn gió lùa
Lạnh lùng hong giọt nắng
Nếu không có mùa đông
Còn gì nữa đất trời
Còn gì nữa cuộc đời
Bập bùng khơi bếp lửa
Đời, phải thế không anh
Đời, phải thế không em
Biển sóng vỗ gập ghềnh
Rong rêu phơi bờ cát
Ta xin mang hết những mùa đông
Cho mùa xuân, hoa cười xanh lá
Cho mùa thu, tím lòng nắng hạ
Và bờ cây vọng tiếng ve sầu
Ta xin mang hết cả mùa đông
Cho đất trời bảo hòa sự sống
Cho tin yêu ươm mầm hy vọng
Và mắt ai, thôi ướt mỗi đông về.
Tháng 11 – 2009
MG
Quê nhà ta đó
Cuộc đời này, xin dành cho dân tộc
Tấm lòng này, xin dành cho quê hương
Dù có ở đâu, trên muôn hướng ngàn phương
Ta vẫn gặp nhau, giữa hồn thiêng sông núi
Em lắng nghe, tiếng lâng lâng tình tự
Chị se lòng, lời Mẹ dặn xa xưa
Anh thấm đau, lời Cha thuở dựng cờ
Máu Văn Lang nối dòng đan thanh sử
Thành Cổ Loa, bóng cờ bay hùng cứ
Đất Thăng Long, nền văn vật một thời
Huế Kinh Đô trầm mặc mãi không nguôi
Phố Sài Gòn lớn hơn ba trăm tuổi
Này anh hỡi, Trường Sơn mờ bóng núi
Này em ơi, Biển Đông khóc bờ xa
Chị thì sao mà mắt lệ không nhòa
Bởi vận nước lênh đênh, sơn hà nguy biến
Ta còn nhau, lửa hồn thiêng khói quyện
Ta còn nhau, máu đỏ với da vàng
Năm ngàn năm, dòng lịch sử thênh thang
Càng ôm ấp, càng tình sâu nghĩa nặng
Nước chảy mãi, mới sông dài biển rộng
Núi lên cao, mới thấm vị sơn khê
Anh em ta, nung nấu vẹn câu thề
Hồn dân tộc, mái quê nhà ta đó.
Tháng 11 – 2009