PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG
truyện dài của Vĩnh Hảo
Chiêu Hà xuất bản tại California, Hoa Kỳ năm 1993, tái bản năm 1995
oOo
CHƯƠNG HAI
Cách nhà tôi hai căn là ngôi chùa sư nữ Vạn Thạnh. Tôi và bầy em bốn đứa cũng thường đến chùa tụng kinh Pháp Hoa vào mỗi tối. Từ lúc nảy ý muốn xuất gia, tôi càng đến chùa thường xuyên hơn. Tôi đến vào buổi sáng sớm để giúp các sư cô lau chánh điện, quét sân. Rồi mỗi tối thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu, từ sáu đến bảy giờ, tôi lại được sư cô trụ trì cho tham dự lớp học giáo lý dành riêng cho các tiểu ni. Lớp học vỏn vẹn có mười người mà chỉ mình tôi là con trai, lại là tục khách. Vậy mà cuối tháng cộng sổ điểm, tôi được xếp hạng nhất. Sư cô trụ trì lấy đó làm buồn, rầy la các tiểu ni sao học dở để cho tôi là người ngoài chùa vào lại đứng đầu. Các tiểu ni lớn tuổi hơn tôi có hai cô cỡ mười sáu, mười bảy tuổi đã cạo nhẵn tóc, chít khăn rồi thì chỉ cười cười, không tỏ vẻ gì là tự ái. Một cô còn khuyến khích tôi học giỏi để sau này đi tu dễ được chấp nhận. Riêng các tiểu ni cùng lứa hoặc lớn hơn tôi chừng một, hai tuổi thì lại đố kỵ, đâm ghét tôi, cho rằng vì tôi mà các cô bị la. Cũng không trách các tiểu ni này được vì dù sao các tiểu ni này tuy đã mặc đồ tu nhưng vẫn chưa được cạo tóc (chắc là mới đi tu). Chỉ có tiểu ni nhỏ nhất chùa, đâu khoảng tám, chín tuổi (trong chùa thường gọi là Bé, pháp danh Diệu Nguyên, chẳng rõ tên thật là gì) là tiểu ni duy nhất được cạo tóc, để một cái chóp dài vắt qua vành tai (nghe đâu đi tu đã lâu, từ lúc bốn, năm tuổi) là hồn nhiên vui vẻ, có gì chưa hiểu cũng hỏi tôi, coi như chuyện tôi hơn cô ấy là thường vì ở ngoài, tôi học lớp cao hơn, mà tuổi đời tôi cũng lớn hơn nữa. Thấy sự có mặt của mình làm cái gai cho các tiểu ni kia, khiến lớp học mất hòa khí, tôi xin nghỉ học. Nhưng tôi vẫn đến chùa thường xuyên để tụng kinh Pháp Hoa mỗi tối hoặc có mặt tại chùa mỗi cuối tuần để tổng vệ sinh (chùi rửa kỹ lưỡng ngoài sân cũng như trong chánh điện và các dãy phòng). Cái tế nhị không muốn mất lòng người khác không hiểu đuợc tôi học từ đâu mà đã biết áp dụng từ lúc đó. Chỉ một thời gian ngắn ngủi sau khi tôi thôi học giáo lý, các tiểu ni đã vui vẻ trở lại với tôi. Buổi tối, chúng tôi cùng ngồi hai hàng dọc ở dưới thấp (các sư cô lớn ngồi ở bục trên sát bàn Phật) tụng kinh Pháp Hoa, hồn nhiên như những chim non.
Nếu tôi là một cậu bé bốn, năm tuổi, có lẽ tôi được khuyến khích xuất gia ở chùa sư nữ này rồi. Một số các chùa sư nữ đã nhận cho xuất gia những bé trai nhỏ như vậy, nuôi đến tuổi mười hai, mười ba thì đem gởi ở chùa tăng của quý thầy. Nhưng tôi không thích vậy. Từ khi thường xuyên đến chùa sư nữ, tôi chưa hề có ý niệm là xin xuất gia ở đây. Có nhiều lý do lắm. Thứ nhất, đây là chùa dành cho phái nữ. Thứ hai, nếu “tu tạm” ở đây một thời gian rồi chuyển qua chùa sư tăng thì tôi cũng đã quá lứa để được nhận rồi (lúc này tôi đã được mười một tuổi). Thứ ba, chùa gần nhà quá. Thứ tư, chùa nhỏ mà gần nơi thị tứ quá. Khi nghĩ đến chuyện xuất gia, tôi luôn phóng sẵn trong đầu mình một ngôi chùa rộng, khoảng khoát, có cây đa hay cây bồ đề thật to, tọa lạc trên núi cao, tách hẳn với thế tục.
Các sư cô lớn và các tiểu ni ở đây đều biết hoặc nghe nói tôi có ý định xuất gia nhưng không ai biết là tôi bị gia đình ngăn cản. Các tiểu ni thì vui vẻ coi tôi như bạn đạo (ít ra cũng đã từng bạn học cùng lớp) hay như người trong chùa, có chuyện gì tiến bộ hay khó khăn trong việc tu học cũng kể cho tôi nghe. Nhưng tôi chỉ lắng nghe, đôi khi góp ý với các tiểu ni mà chính tôi vẫn có nỗi niềm riêng tư còn phong kín cho riêng mình, chẳng biết bộc lộ với ai.
Nhắm số tiền để dành đã đủ cho một chuyến xe đò đi xa, trưa hôm đó tôi đến chùa sư nữ xin một cuốn kinh nhật tụng. Nhưng chùa hiếm kinh quá, mỗi tiểu ni chỉ được một cuốn, không ai có dư mà cho tôi. Các tiểu ni bảo tôi hãy lên xin sư cô trụ trì. Tôi ngại, không dám vì đang giờ nghỉ trưa, sư cô đã đóng cửa phòng. Tôi còn tần ngần đứng ở phòng khách chưa biết làm sao để có một cuốn kinh thì một tiểu ni đến gần, tìm hiểu, hỏi tôi đủ chuyện. Tiểu ni này lớn hơn tôi vài tuổi, tên là Su (hay Xu gì đó). Tôi vẫn thường gọi bằng chị Su.
“Chiều tối đến xin cũng được chứ chờ chi cho mệt. Bộ gấp lắm hả?”
Tôi đáp:
“Dạ, phải nội trong trưa nay.”
“Bộ đi tu hay sao mà đòi xin kinh? Mà nếu đi tu thì tu chùa nào chùa đó sẽ cho mình kinh chớ, lo gì phải có trước!”
“Em muốn có kinh để lo học cho thuộc trước khi vào chùa chị Su à!”
“Vậy thì chiều đến xin kinh sư cô, xong nhờ sư cô chỉ cho biết kinh nào cần học trước, gấp gáp gì dữ vậy!”
Tôi nóng ruột quá đành nói thật:
“Em tính trốn nhà đi tu, chị Su à! Chị đừng nói ai biết nghe, chút nữa em về nhà lấy đồ xong là đi luôn, cho nên em mới xin kinh đó chứ.”
Chị Su nghe nói giật mình, nhưng cũng tận tình giúp đỡ tôi chứ không có ý can ngăn gì. Chị nói trong tủ kinh có một cuốn kinh rách nát, thiếu một số trang nhưng các kinh quan trọng cũng còn đầy đủ không bị mất trang nào. Tôi mừng rỡ xin chị lấy dùm cho cuốn kinh rách đó. Chị ngập ngừng một lúc rồi nói:
“Cuốn kinh đó không phải của chị. Chị thấy trong tủ kinh trên bàn thờ Phật. Chắc là bỏ rồi, nhưng... cũng đâu được quyền lấy ngang như vậy, phạm giới ăn cắp đó!”
Tôi năn nỉ:
“Chị lấy đi rồi đổ hô em ăn cắp cũng được. Ăn cắp gì chứ ăn cắp kinh để tụng đọc thì đâu có sao!”
Chị Su xì một tiếng:
“Em lấy kinh đi mất tiêu rồi thì chị ở đây chịu thôi chứ đổ hô với ai bây giờ.”
“Chắc chị lấy kinh đó cũng chẳng ai biết đâu, kinh hư rách rồi mà!”
“Biết là vậy nhưng cũng thấy làm sao ấy, sợ mang tội quá à!”
“Chị lên lạy Phật trước, thưa với Ngài là chị lấy kinh cho em để em học mà xuất gia. Như vậy đâu có mang tội gì chứ!”
Chị Su cười rồi bảo tôi đứng ngoài hiên phòng khách chờ. Chị lên chánh điện một lúc, trở ra, dúi cuốn kinh rách vào tay tôi, bảo giấu đi. Tôi nhét vào bụng. Chị la lên:
“Mô Phật, kinh mà nhét vô bụng vậy đó!”
“Chứ giấu ở đâu bây giờ?”
“Thôi, thôi, cầm tay cũng được, em đi mau đi.”
Tôi cám ơn chị rồi đi nhanh. Chị ngó theo một lúc rồi bước theo, tiễn tôi ra cổng. Tôi dặn chị đừng nói cho ai biết tôi bỏ nhà đi tu. Chị nói:
“Chị hứa không nói ai đâu. Em đi may mắn nghe. Sau này có thành Phật thì nhớ độ chị với nghe.”
Tôi cười rồi vụt chạy về nhà.
Giờ này, ba tôi và các anh chị lớn đã đi làm, đi học. Mấy đứa em nhỏ của tôi đến trường buổi sáng, bây giờ đang chơi trước sân. Mẹ tôi ngồi viết gì đó ở phòng khách. Tôi vờ lấy tập học ra học, nhưng thực ra là viết thư để lại cho gia đình.
“Ba Me thương kính,
Con viết lá thư này để ba me đừng lo lắng cho con. Con đi tu một nơi xa, không ở nhà nữa. Ba me đừng tìm con.”
Thư viết ngắn gọn như vậy. Phần tái bút có thêm một câu “có ngày con sẽ về thăm ba me và các em con”. Thăm ba mẹ và các em thôi chứ không đá động gì đến các anh chị, vì ngay lúc viết thư, nhìn ra sân chỉ thấy bầy em chơi đùa chứ có thấy ai khác. Nhìn em út mà lòng tự dưng thắt lại, nước mắt trào ra. Chính lúc ấy mới biết rằng mình thương em cho nên mới thêm là “sẽ về thăm ba me và các em con”. Trên phần tái bút, chỗ ký tên, tôi đề mấy chữ “con bất hiếu của ba me”. Dòng chữ nghe kiểu cách, không biết tôi đã học từ đâu, vào lúc nào. Nhưng bây giờ đem ra áp dụng cho trường hợp ra đi lén lút này, nó khiến tôi nghẹn ngào không sao ngăn được nước mắt.
Viết xong tôi xếp lá thư, không phong bì, đem vào ngăn tủ quần áo và sách vở của mình, đặt nó trên cuốn tập ở trên cùng. Rồi tôi soạn áo quần, mặc vào người hai lớp áo hai lớp quần để khi đi không cần phải mang hành lý. Một áo thun và một quần sọt ở trong, một áo sơ mi và một quần dài ở ngoài. Trời Nha Trang lúc đó đã gần tàn xuân, hơi nóng, nhưng phải chịu vậy thôi. Trong túi tôi có khoảng một trăm năm chục đồng. Một số tiền khá nhiều mà chỉ quyết tâm để dành mới có nổi. Tôi dắt theo một cây bút máy. Cầm theo mấy cuốn tập để ai trong nhà có thấy tưởng tôi đi học. Cuốn kinh rách thì cứ nhét vào bụng mặc dù chị Su lúc nãy đã rầy là không nên. Xong, tôi lau nước mắt kỹ lưỡng rồi đến bên mẹ, hôn bà một cái nơi má.
“Đi học hở con?” mẹ tôi hỏi mà không ngước mặt lên.
Tôi “dạ” nhỏ một tiếng rồi đi nhanh. Có lẽ mẹ tôi có nhìn phớt tôi một cái, lại tiếp tục viết nên không biết nước mắt tôi rơi như mưa. Ra sân, tôi không dám nhìn bầy em mình lần cuối. Những lần trốn nhà trước tôi không hề khóc. Tôi không ngờ lần này quyết tâm ra đi mà lòng tôi lại thấy đau như cắt. Ra khỏi nhà, đi một khoảng khá xa, tôi mới dám quay đầu nhìn lại ngôi nhà thân yêu lần cuối. Đến gần bến xe đò, tôi vứt mấy cuốn tập học vào thùng rác của bến xe. Chưa lúc nào trong đời tôi thấy hả hê bằng lúc vứt bỏ sách vở này. Tôi thấy tôi đã có thẩm quyền, đã có tự do quyết định sự chọn lựa cuộc sống của tôi. Tôi bước lên xe tìm một chỗ ngồi.
Tuyến xe đò Nha Trang – Ba Ngòi tôi đã từng đi với mẹ nhiều lần để thăm bà Vú và thỉnh thoảng đến dự lễ tại chùa Quận hội ở Đá Bạc nên lần đi này dù là đi xa, tôi cũng không thấy bỡ ngỡ hay sợ hãi gì. Trái lại, tôi còn thấy sung sướng nữa đằng khác. Có lẽ giây phút sung sướng nhất của một con chim non là khi nó bắt đầu biết bay. Tôi chọn ghế gần cửa sổ để có thể ngắm cảnh trên đường đi. Tài xế đến thâu tiền, tôi móc tiền ra trả một cách “người lớn”. Tiền vé là sáu chục đồng, mất một nửa số tiền tôi mang theo. Nhưng không sao, tôi nghĩ bụng. Nếu một chùa nào có nhận cho tôi xuất gia thì còn bao nhiêu tiền tôi cũng vứt hết cho những người ăn xin hay ai đó ngoài đường lượm cũng được. Ở chùa đâu cần xài tiền!
Chuyến xe khởi hành đâu khoảng hai giờ trưa. Tạm biệt Nha Trang. Tạm biệt bãi biển hiền hòa tuyệt đẹp. Tạm biệt trường Sinh Trung, ngôi trường cũ thời tiểu học, ngôi trường mà tôi trải qua năm năm ở đó vẫn không thấy chán. Tạm biệt những đường phố với những vỉa hè tôi thường lang thang. Tạm biệt chùa Tỉnh Hội với Kim Thân Phật Tổ. Tạm biệt chùa Hải Đức với những vị sư hiền lành treo võng đọc sách. Xe lao nhanh về hướng Thành, bỏ thành phố Nha Trang lại phía sau. Qua khỏi Thành (Diên Khánh) thì hai bên đường toàn những núi là núi. Tôi nhìn chăm chăm lên những ngọn núi cao, ước ao có một ngôi chùa trên đó. Nếu mai này đã trở thành một chú tiểu ở chùa rồi, tôi sẽ viết thư về cho ba mẹ biết tin. Chắc lúc đó ba mẹ tôi không còn buồn lo nữa mà sẽ vui lòng để tôi xuất gia theo ý nguyện của tôi. Ba mẹ và anh chị em tôi sẽ tìm đến chùa thăm tôi.
Đang lan man suy nghĩ thì xe từ từ vào bến. Chắc cũng khoảng bốn năm giờ chiều. Tôi hăm hở xuống xe, tìm đường ra quốc lộ rồi hướng về phía Ba Ngòi, nơi tôi tin là sẽ có một vài ngôi chùa đâu đó gần ngã ba Đá Bạc. Bất cứ ngôi chùa nào cũng có thể vào mà xin đi tu được, tôi nghĩ vậy. Định bụng rằng nếu không tìm được chùa nào trên quốc lộ này, hoặc có chùa mà không được phép sư trụ trì cho xuất gia, tôi sẽ đến nhà bà vú nuôi mà tá túc, sau đó nhờ bà vú nhận làm con để xin phép cho mình xuất gia. Kế hoạch trốn nhà đi tu của tôi lúc đó “quy mô” như vậy.
Đi bộ bốn, năm cây số rồi mà tôi chẳng thấy ngôi chùa nào cả. Tôi nhớ rõ ràng những lần đi chung với mẹ, xe lam chạy ngang khoảng này, có một ngôi chùa nằm phía bên trái như vầy. Vậy mà bây giờ đi bộ hoài hủy, vả mồ hôi, ướt dầm cái áo thun bên trong, vẫn chẳng thấy tăm dạng một ngôi chùa nào. Mệt quá tôi ghé vào một quán nước mía, kêu một ly lớn. Vẫn còn sang! Chưa học được tánh cần kiệm. Rồi tôi hỏi chị bán nước mía:
“Chị à, ở gần đây có một ngôi chùa, sao em đi hoài chẳng thấy, chị biết ở đâu không?”
“Làm chi có chùa ở gần đây em. Chị nhớ có chùa nhưng ở xa lắm, phải đi xe đò hay xe lam mới tới được. Mà chị cũng chẳng biết đường đâu. Em hỏi người khác đi.”
Hỏi xong, tôi trả tiền rồi lầm lũi bước tiếp. Chẳng muốn hỏi ai. Mình tự do rồi, đi bộ cho tới lúc nào gặp chùa cũng được, đâu có sợ trời tối hay trời sáng. Vậy đó, cứng đầu cứng cổ, cứ cho rằng phải có một ngôi chùa ở trên quốc lộ này, nằm phía bên trái, nên đi hoài, đi hoài cho tới khi trời tối dần. Trong lòng bắt đầu thấy lo sợ. Ở Nha Trang còn biết chỗ này chỗ nọ, không vào chùa thì lẻn vào trường học mà ngủ hoặc đến nhà bạn bè, thiếu gì. Còn ở đây là Ba Ngòi, chỉ biết có nhà bà vú nuôi. Nhà bà vú phải đi ngược chiều lại. Ba Ngòi là vùng quê, chỉ có một khoảng ở gần nhà bà vú tức ngã ba Đá Bạc là được tạm coi như phố thôi. Mà nhà quê thì ghê lắm. Nhà cửa thưa thớt, nào ma, nào Việt cộng, làm sao dám ngủ bậy ngoài vỉa hè. Cũng chẳng có vỉa hè đâu mà ngủ. Nhà nào nhà nấy nằm thụt vào trong, có vườn, có rào, có chó dữ, ai mà vô ngủ ké được. Tôi đã bắt đầu thấy chùn bước. May sao thấy một cái chùa lờ mờ trong bóng đêm. Đúng rồi, đây là cái chùa nằm phía bên trái quốc lộ mà tôi đang tìm kiếm. Tôi mừng quá bước vội vào cổng lớn. Băng qua một khoảnh sân nhỏ, hai bên có trồng dăm ba chậu kiểng, nhưng cửa chùa đóng im ỉm. Chỉ có cửa sổ phía trước là hơi hé ra một chút. Tôi gõ cửa mấy cái rồi đứng chờ một chặp. Thấy bên trong không động tĩnh gì, tôi mới kéo cánh cửa sổ để nhìn vào. Bên trong tối hù. Chỉ ở bàn thờ giữa là có một cây đèn dầu leo lét không soi nổi tượng thờ ngự ở sâu phía trong, sau những bình bông và cỗ bồng trên bàn. Tự dưng thấy rùng mình. Nghĩ rằng đây là một ngôi chùa hoang, định bụng quay lui thì đụng phải một ông già từ đâu bước tới ngó bộ như muốn túm lấy cổ mình. Tôi mới buột miệng la “ớ” một tiếng thì ông già đã lớn tiếng:
“Thằng nhỏ này làm gì ở đây mậy? Tính ăn trộm hả? Đây là đình miếu có cái khỉ gì đâu mà ăn trộm hả mậy?”
Tôi vội đáp nhanh:
“Dạ đâu có. Con tưởng đây là chùa nên mới vào...”
“Vậy mày ở đâu tới chứ đâu phải dân ở đây phải không?”
“Dạ, con ở Nha Trang.”
“Kiếm chùa làm gì?”
“Dạ, xin đi tu,” tôi phải trả lời rõ ràng như vậy chứ úp úp mở mở thì bị nghi oan là ăn trộm.
“Đi tu?” ông già vừa hỏi vừa nhìn kỹ lại tôi trong bóng tối nhờ nhờ. Chắc thấy tôi ăn mặc cũng khá tươm tất, ra vẻ con nhà chứ không phải dân bụi đời, ông đổi giọng:
“Con muốn đi tu thật hả? Thất tình hay sao mà đi tu vậy?”
Tôi chưa biết trả lời sao thì ông cười nói tiếp:
“Giỡn chơi vậy thôi chứ con đi tu được là tốt đó chớ, nhưng cha mẹ đâu không dẫn đi, lại đi tìm chùa giữa đêm hôm như vậy?”
“Dạ... con muốn đi tu... nhưng...”
“Ba má không cho phải không? Phải rồi, đi tu cực khổ lắm con à. Còn nhỏ xíu như vầy sao không lo ở nhà vui chơi mà đi tu làm gì con! Mà con có muốn trốn nhà đi tu cũng chẳng được đâu, chùa đâu có nhận.
“Sao vậy bác?”
“À, thì cái luật nó như vậy. Đây là cái đình làng, bác ở đây trông coi, bây giờ con muốn xin ở đây với bác, bác cũng đâu dám nhận. Suy ra ở chùa cũng vậy thôi. Con nít con nôi đi đâu, ở đâu cũng phải có phép của cha mẹ chớ.”
“Vậy...” tôi nói đến đó thì rơm rớm nước mắt, chẳng biết tính đường nào nữa. Ông già thấy tội nghiệp nói:
“Bây giờ đón xe về lại Nha Trang cũng còn kịp. Nếu hết xe thì trở lại đây, ngủ với bác một đêm rồi mai hãy tính.”
Tôi dạ một tiếng rồi cám ơn ông già, lật đật quay đi. Ngược về hướng bến xe. Nhưng tôi không đến bến xe. Tôi tìm đến nhà bà vú.
Ô
Bà vú tên là Nở, có chồng tên là Bộ. Chúng tôi thường gọi bà Vú và ông Bộ. Bà Vú là dân quê, chẳng biết ở tỉnh nào. Có lẽ là Phú yên hay Bình Định. Bà là vú nuôi của anh chị nào đó trong nhà tôi. Tôi sinh sau đẻ muộn không biết trong trường hợp và thời gian nào bà trở thành vú nuôi thân thuộc của gia đình. Chỉ thấy, chỉ nghe trong nhà ai cũng gọi “bà vú” thì gọi theo vậy thôi. Không biết trong năm nào, ba tôi được chính phủ cấp đất ở Ba Ngòi. Thưởng công và ân tình Vú dành cho bầy con mình, ba tôi biếu miếng đất đó cho vợ chồng của Vú để làm vườn mà sống. Từ hoàn cảnh đi làm thuê, ở mướn, làm vú nuôi, vợ chồng Vú trở thành chủ đất, làm ăn càng lúc càng phát đạt. Cuối cùng xây lên căn nhà ba gian rộng lớn để cho thuê, lại thêm vườn cây ăn trái trên miếng đất cũ hãy còn đem lại huê lợi cho nên vợ chồng Vú đã có thể gác cuốc dưỡng già. Vợ chồng Vú không con nên bao nhiêu tình cảm Vú dành hết cho anh chị em tôi. Lâu lâu Vú mang quà cáp từ Ba Ngòi đến nhà biếu ba mẹ tôi, không quên mang mấy thúng trái cây đủ loại cho anh chị em tôi nữa. Thỉnh thoảng mẹ tôi có dịp đi Cam Ranh hay công việc gì đó cũng dẫn chúng tôi ghé chơi ở lại nhà Vú một đêm, lần nào gặp anh chị em chúng tôi, Vú cũng móc túi áo bà ba, dúi nhanh cho mỗi đứa mấy chục đồng. Ông Bộ không gần gũi và biểu lộ tình cảm với chúng tôi như bà Vú, nhưng ông cũng hiền và vui vẻ mỗi khi anh chị em chúng tôi đến thăm chơi. Hai ông bà đều là những người dân quê mộc mạc, dễ thương, sống đơn giản, bình dị, suốt năm suốt tháng ở nhà, quấn quýt bên nhau như đôi vợ chồng son.
Tôi tìm nhà Vú không khó, cũng nằm ngay trên quốc lộ này thôi. Lúc đó ít nhất cũng là bảy hay tám giờ tối. Cũng may là từ khi xây được ngôi nhà đúc ba gian và vùng này trở thành khu thị tứ ngày càng sầm uất, nhà Vú đã bắt được đèn điện sáng trưng chứ không như hồi cách đây vài năm chỉ xài đèn dầu khiến cho khung cảnh nhà quê tăm tối dễ sợ. Tôi vừa đến trước cổng rào đã bị con chó của Vú từ trong cửa sắt chu mõ ra sủa ầm lên. Tôi với tay bấm cái chuông điện mà cứ sợ nó táp. Một lúc thì ông Bộ bước ra, tôi mừng rỡ kêu lên:
“Ông Bộ, con nè!”
“Con nào? À, thằng Hiếu, thằng Khang gì đó phải không?”
Ông mở cửa đưa tôi vào trong. Bà Vú cũng vừa bước ra, thấy tôi thì vừa mừng vui vừa lo thấy rõ, bà hỏi dồn:
“Có chuyện gì vậy con? Sao trời tối đui mới đến hả con?”
Tôi bịa chuyện nói láo để ông bà cho tôi ở tạm vài ngày rồi tính sau:
“Con sắp đi tu rồi. Thầy ở chùa nói con phải học thuộc mấy bài kinh nhật tụng rồi thầy mới cho xuất gia. Ở nhà ồn ào quá con học kinh không được nên ba me con cho con vô đây xin ông Bộ bà Vú cho con ở một thời gian để học kinh.”
Nghe vậy ông bà mừng lắm, quên luôn là lâu nay có việc gì quan trọng ba mẹ tôi cũng viết thư sai chúng tôi cầm đến chứ đâu có để con nít nói miệng kiểu đó. Bà Vú cứ xuýt xoa khen sao nhỏ mà đòi đi tu hay quá, gia đình phước đức quá. Bà kéo tôi lại ôm hôn, bất kể cái miệng nhai trầu đỏ lói hãy còn dính hai bên mép. Rồi bà bảo thôi đi tắm để bà kiếm cái gì cho tôi ăn. Vú dành riêng cho tôi một phòng ở phía sau gian bàn thờ tổ tiên. Tôi thở vào nhẹ nhõm. Coi như tạm ổn ngày hôm nay, ngày mai tiếp tục tìm cách đến một ngôi chùa nào đó.
Sáng hôm sau, nhân lúc ăn điểm tâm, tôi hỏi bà Vú có biết chùa nào ở Ba Ngòi hay Cam Ranh không. Vú đáp:
“Có chứ sao không. Vú cũng đi chùa mỗi ngày mùng một nè. Để rải rải rồi vú dẫn con đi cho biết.”
Tôi nghe nói vậy mừng lắm. Nhưng tôi cũng chưa dám nói sự thật là tôi trốn nhà. Cùng sáng đó, tôi ra tiệm mua một cuốn tập và một lọ mực về chép cuốn kinh rách. Trong cuốn kinh nhật tụng có hình tượng Đức Phật A Di Đà in mực trắng đen không được rõ nét lắm, tôi cắt ra dán vào một tấm bìa cứng để làm tranh thờ vì nhà bà Vú không có thờ Phật. Tôi lập một bàn Phật không nhang khói trầm hương hay chân đèn hoa quả gì hết, chỉ là bức tranh tượng treo lên vách nơi đầu nằm. Cái gối nằm thì làm án kinh. Sau đó, tôi nắn nót chép lại kinh A Di Đà, Phổ Môn và các bài sám nguyện với nét chữ to dễ đọc. Chép một buổi sáng là xong. Buổi tối, tôi đã có thể tụng thời kinh Tịnh Độ bằng cuốn tập tôi vừa chép. Lễ bái cũng đứng trên giường mà lễ bái. Tụng kinh xong tôi đem kinh cất trên bàn viết rồi buông mùng xuống mà ngủ. Ban ngày cuốn mùng xong, lại đem kinh đặt trên gối, gối đặt trước tượng thờ. Suốt ngày đêm, rảnh lúc nào là tụng kinh, lễ bái lúc đó, không biết mệt mỏi. Bà Vú có để ý và cảm động lắm nên soạn mấy cái dĩa cổ nhạc trong đó có tuồng “Quan Âm Thị Kính”, rồi bỏ vào máy dĩa cho tôi nghe. Vậy là suốt ngày cứ nghe toàn tuồng tích Phật giáo. Tôi thích đọc kinh hay truyện Phật giáo chứ đâu có thích nghe cải lương hay tân cổ giao duyên. Nhưng bà cứ mở máy thật to, vừa nghe vừa bàn, rồi hỏi, rồi đố, khiến tôi phải chăm chú mà nghe để trả lời bà. Bà cũng chịu khó nấu riêng món chay cho tôi ăn từ bữa đầu. Bà chăm chăm quan sát tôi nói năng, tụng kinh. Rồi cứ xuýt xoa, “thiệt dễ thương quá, giỏi quá!”
Đến ngày thứ ba, trong khi đang nằm võng nghe tân cổ nhạc, cũng tuồng Quan Âm Thị Kính, bất chợt bà ngưng võng, quay qua hỏi khi tôi đang ngồi học kinh gần đó:
“Bộ ba me muốn cho con đi tu thiệt chớ sao?”
Tôi nhìn qua Vú, ngạc nhiên vì Vú hỏi câu đó:
“Chứ Vú nghĩ con đi tu không được hở?”
“Được chứ sao không... nhưng... vú nghĩ là ba me con không cho con đi tu. Ổng bả sợ con đi tu khổ quá làm sao con chịu nổi!”
“Ba me con cũng nói như vậy đó. Nhưng con biết con chịu được mà!”
Vú nằm lắc đầu nhìn trần nhà, ra dáng suy nghĩ một lúc, rồi nói:
“Chừng nào ba me con dẫn con lên chùa?”
Ấp úng một lúc, tôi đứng dậy bước đến bên Vú. Tôi quỳ dưới đất vịn vào dây võng của Vú, im lặng một lúc tôi chỉ nói được mấy chữ “ba me không cho con đi tu... con trốn nhà” rồi khóc nức nở. Vú chồm người ngồi dậy, xoa đầu tôi, bảo nín, rồi Vú ôm tôi vào lòng. Tâm trạng của một đứa bé trai ba ngày xa nhà không biết bộc lộ với ai, nay vỡ òa ra trước người vú già bình dân, tình cảm. Thấy tôi khóc mãi và cứ nằng nặc đòi đi tu, đòi Vú giúp cho, Vú hứa:
“Được rồi, được rồi. Nếu ba me không cho thì vú cho. Để vú dẫn con lên chùa Khánh Long tu. Vú có làm công quả ở đó mỗi tháng. Thầy ở đó biết vú mà. Nín đi. Để chọn ngày lành tháng tốt rồi vú dắt con lên chùa xin đi tu. Trời ơi, tội nghiệp quá!”
Từ đó Vú càng cưng tôi hơn, nhưng ông Bộ biết thì muốn tập cho tôi quen cực khổ bằng cách rủ tôi ra vườn làm ba việc lặt vặt như hốt cỏ, hái trái v.v... Ông thường nói khi sai tôi làm một việc gì:
“Tu là phải hành chớ! Hành tức là hành hạ, là chịu cực chịu khổ, là làm việc đó chớ có gì khó hiểu đâu! Tu mà không hành thì làm sao thành Phật được!”
Dù chưa học hiểu được giáo lý bao nhiêu tôi cũng biết ông hiểu sai chữ “hành” đó. Tôi rất khó chịu. Tuy nhiên, tánh tôi không thích nói ngược với người lớn. Cứ im lặng mà tập làm việc thôi. Sau này lớn lên, tôi thấy đôi khi một sự sai lầm không ác ý cũng có cái vẻ rất dễ thương của nó. Bà Vú thì cằn nhằn với chồng, bảo rằng tôi cần thì giờ học kinh cho thuộc để tu, đừng sai tôi làm việc nhiều. Thực ra, lúc ấy tôi không ngại chuyện làm việc. Tôi nghĩ ông Bộ cũng rất có lý khi muốn tập cho tôi làm việc khó nhọc hàng ngày. Ở chùa nào cũng làm việc cực nhọc, ăn uống kham khổ, tôi luôn nghĩ vậy. Nếu không tập quen bây giờ thì mai sau vào chùa làm sao chịu nổi. Tôi vui vẻ làm việc và hăng hái học kinh, chờ ngày Vú dẫn đi tu.
Điều kỳ lạ là trong suốt mấy ngày ở đây, tôi không thấy nhớ nhà. Hàng ngày tụng kinh, học kinh, làm việc, tôi chạy theo sự hăng hái nhiệt tình của mình mà quên bẵng đi cái thực tế rằng mình đang trốn nhà và đang làm cho gia đình rầu lo, buồn khổ. Buổi tối trước khi ngủ, thay vì gác tay lên trán suy nghĩ hay nhớ về ba mẹ mà khóc, tôi chỉ ngồi niệm Phật rồi cầu nguyện cho ba mẹ và anh chị em bình an, hạnh phúc. Tâm tư tôi bình thản, nhẹ nhàng, không còn chút âu lo hay nghĩ ngợi gì ngoài nỗi nôn nóng được vào chùa.
Tôi ở yên như vậy được bảy ngày. Đến ngày thứ tám, tôi vừa đi bộ vừa niệm Phật ở vườn sau thì bà Vú từ cửa sổ phòng ăn gọi tên tôi, kêu vào có vẻ gấp lắm. Tôi vội bước vào trong thì gặp ngay anh Thu, người anh rể (chồng của người chị họ) từ Nha Trang đi Đà Lạt ghé tạt nhà Vú. Anh ấy là sĩ quan quân đội, cấp bậc đại úy. Nhân dịp anh đi công tác, mẹ tôi đưa địa chỉ nhờ anh ghé thử nhà Vú xem có tôi không. Vừa thấy anh, tôi hơi giật mình, tưởng người nhà đã tìm tới đây, nhưng nhìn lại thấy anh cười vui, còn tới xoa đầu nữa, tôi mới yên tâm. Anh nói ngay:
“Me nhờ anh ghé xem có em ở đây không, có thì kêu em về. Me nói là ba me và gia đình đều đã vui vẻ chấp nhận chuyện đi tu của em. Vậy em về gấp đi để ba me khỏi lo. Cả nhà đi tìm kiếm em suốt tuần nay đó.”
Rồi anh móc túi, dúi vào túi áo tôi năm trăm đồng, bảo cất tiền xe mà về. Sợ tôi không dám về, anh còn dặn tới dặn lui mấy bận, nhắc rằng ba mẹ tôi rất nhớ thương tôi, mong tôi về sớm. Nếu không bận công tác, anh sẽ đích thân đưa tôi về nhà bằng xe jeep của anh. Tôi cảm động, âm thầm cám ơn anh. Và qua lời kể của anh, đến lúc đó tôi mới chạnh lòng nhớ thương ba mẹ. Anh hỏi tôi có chịu về không. Tôi gật đầu. Anh tin. Bà Vú hình như đã có nói chuyện trước với anh khi tôi còn ở ngoài vườn. Và bây giờ, muốn chứng minh những điều bà nói không phải là nói thêm, bà đưa anh đến căn phòng nhỏ mà tôi dùng làm chỗ tụng kinh, chỉ cho anh thấy cái bàn thờ đơn sơ tôi tự thiết lập trên đầu nằm. Giọng kể của bà, tôi nhớ rất rõ rằng nó chứa chan một thứ tình cảm vượt hẳn thứ tình mà lâu nay bà vẫn dành cho anh chị em chúng tôi.
Vú và tôi đưa anh Thu ra cổng rào.
Tối đó, Vú ngồi têm trầu và nói chuyện với tôi rất khuya. Vú kể nhiều câu chuyện hồi xưa có liên quan đến Phật, đến chùa cho tôi nghe. Đến khi thấy tôi buồn ngủ thật sự, Vú mới thôi. Vú quên rằng lúc ăn cơm tối, Vú đã nói trước là đêm nay tôi phải ngủ sớm để bốn giờ sáng Vú gọi dậy, theo Vú về lại Nha Trang.
Đúng giờ, Vú gọi tôi dậy đi ngay chuyến xe đầu. Trên xe Vú chẳng nói gì. Cứ ngồi nắm tay tôi, chốc chốc lại xoa đầu. Xe chạy hai tiếng đồng hồ mới đến bến xe Nha Trang. Vú gọi xích lô cho hai vú-cháu đi cho nhanh mặc dù từ bến xe về nhà tôi không xa lắm. Vú và tôi vào được sân, nhưng cửa nhà tôi hãy còn đóng vì chưa tới sáu giờ sáng. Vú bảo tôi gõ cửa, tôi e sợ không dám, đứng nép một bên. Vú nói nhỏ:
“Nhà mình chứ nhà ai đâu mà sợ. Không ai la đánh con đâu. Ba me thương nhớ mong con về không phải để la mắng. Còn mấy đứa kia đâu có ăn thua gì! Vú không để con bị đòn đâu!”
Tôi ngại ngùng gõ ba tiếng trên cánh cửa gỗ thật dầy ở trước phòng ăn và gần phòng ba mẹ. Vắng nhà hơn tuần lễ, giờ trở lại, tôi thấy mình như một người khách lạ.
Người mở cửa chính là mẹ tôi. Từ ngày tôi bỏ nhà đi, mẹ tôi không ăn, không ngủ được, cứ thấp thỏm chờ tin tôi. Cả nhà túa ra đường đi tìm tôi, nhắn người này, người kia tìm giúp. Ba tôi còn đưa hình tôi cho ty cảnh sát nhờ họ điều tra, nói rằng có thể tôi đang đi lạc. Mẹ tôi thì cũng tin một phần vào lá thư để lại của tôi, hy vọng tôi tìm đến một chùa nào đó, nội trong thị xã Nha Trang này thôi. Bà đích thân lặn lội khắp các chùa để hỏi thăm tin tức tôi. Không thấy tôi ở các chùa Nha Trang, bà vẫn tin rằng tôi đi tu thật sự chứ không phải như các anh chị tôi phỏng đoán. Các anh chị cứ đinh ninh là tôi đi bụi đời, theo những đứa bạn chẳng ra gì ở xóm Lò Heo. Lời ra tiếng vào cứ rót mãi vào tai mẹ khiến bà cũng đâm lo ngại, tin rằng chuyện tôi đi bụi đời cũng có thể xảy ra lắm. Rồi bà thao thức mấy đêm liền, canh cánh bên lòng chuyện bỏ nhà lang thang của tôi. Cho nên, tôi chỉ gõ cửa ba tiếng là mẹ vùng dậy, bước ra mở cửa ngay. Có lẽ là tiếng gõ cửa của một bàn tay thiếu niên, nhỏ, yếu ớt khiến bà nhận ra tôi. Cũng có thể vì tâm cảm nhớ thương đòi đoạn của một người mẹ đối với đứa con xa vắng đã đến mức độ chín muồi khiến bà bén nhạy nhận ra ngay người gõ cửa đó chính là tôi. Thấy tôi, mẹ mừng rỡ, mà cũng có vẻ sửng sốt, như đón nhận một sự nhiệm màu có thể đoán trước nào đó. Bà nắm tay kéo tôi vào lòng, xoa đầu, khóc, không nói một lời. Tôi chỉ biết lặng thinh. Bà Vú nói thay cho tôi mọi chuyện. Cùng ngồi vào bàn khách rồi, mẹ tôi nói với Vú mà mắt nhìn tôi trách yêu:
“Tôi cứ sợ nó đi lang thang không nơi ăn ngủ. Mỗi đêm về tưởng tượng nó ngủ ngoài đường, muỗi cắn, gió chướng lạnh lẽo là lòng se thắt lại, đau như dao cắt. Chẳng đêm nào chợp mắt được.”
Vú chờ mẹ tôi bộc bạch đôi lời rồi, bèn ướm hỏi:
“Vậy bây giờ nó về rồi, cô có tính cho nó đi tu không?”
“Dĩ nhiên là phải tính chớ. Tôi có nhắn với anh Thu nếu có gặp Khang thì nói cho biết ý kiến của ba me là đã chấp nhận chuyện xuất gia của Khang rồi.”
Vú xoay qua tôi nói:
“Đó, me hứa cho con đi tu rồi đó. Vậy là yên tâm nghe. Đừng có đi đâu nữa nghe. Ráng học thuộc kinh rồi me dẫn lên chùa. Thôi, bây giờ Vú phải về.”
Vú chào mẹ tôi. Mẹ tôi cám ơn Vú, đưa Vú ra tận cổng. Tôi cũng bước theo ra tới cửa phòng khách. Khi mẹ tôi trở vào, tôi nghe có tiếng xầm xì ở nhà dưới, bàn tán chuyện tôi. Có lẽ các anh chị tôi đã thức giấc. Hình như các anh chị có lời đay nghiến, hăm dọa tôi. Mẹ tôi nghe được, liền bước xuống nhà dưới nói lớn rằng:
“Kể từ hôm nay, em nó thuộc về chùa rồi, có còn ở đây là ở tạm để chờ ngày xuất gia mà thôi. Không cần phải bàn tán hay nói nặng nói nhẹ gì em nó nữa.”
Lần đầu tiên mẹ tôi nghiêm giọng và lớn tiếng bênh vực tôi như vậy. Tôi thấy yên tâm, sung sướng biết rằng ba mẹ đã thực sự đồng ý cho phép tôi xuất gia. Giấc mơ đi tu trở thành sự thực. Nhưng mấy tiếng “đã thuộc về chùa rồi” cũng đồng thời hàm một ý biệt ly chia cắt nào đó mà cho đến lúc ấy, hình như tôi mới nhận ra được. Tôi muốn thoát ly, nhưng rõ ràng là không thể không đau nhẹ trong lòng khi biết mình trong nay mai sẽ không còn là một thành viên có những liên đới thân tình và sinh hoạt bình thường với gia đình này nữa. Mẹ dứt lời thì ba tôi bước ra. Ông chuẩn bị ăn sáng để đi làm. Ông đến ôm tôi, nắn nắn đôi vai tôi rồi ôm hôn trên đầu trên trán tôi:
“Con đói bụng không? Uống sữa ăn bánh mì với ba nha?”
Tôi không trả lời câu hỏi của ông mà sung sướng, cảm động nép vào lòng ông thôi. Ba mẹ tôi lúc nào cũng vậy, luôn luôn là bóng mát thân tình để bầy con nương tựa. Xa nhà hơn tuần lễ có khi tôi đã cảm thấy thèm nhớ cái gì đó mà không sao nhớ, không sao hiểu nổi. Bây giờ ôm ba, tôi mới sực nhận ra là tôi thèm nhớ vòng tay thương yêu của mẹ cha. Tôi ôm ba, hưởng thụ trọn vẹn tình thương bao la của ông. Trong phút chốc, tôi hầu như muốn quên đi rằng khi chọn con đường xuất gia là tôi đã tự nguyện xa lìa, cắt bỏ đi những liên hệ thiết thân này rồi.