Cứ độ khoảng 4 giờ sáng là Nam thức dậy ra lan can lầu ngắm nhìn thành phố chuẩn bị thức giấc trong không khí lành lạnh, sương phủ mờ mờ.
Bà Hai bán cháo lòng bên cạnh nhà lục đục quang gánh để đi bán tuốt dưới chợ; quán cà phê đầu ngõ bắt đầu mở cửa bày biện bàn ghế trong tiếng nhạc xập xình; mấy chiếc xe đẩy bán bánh mì, xôi mặn, bánh bao được kéo lê trên hẻm phát ra những tiếng kêu kẽo kẹt vui tai; người công nhân quét rác nhà đối diện đạp xe về nhà rất đúng hẹn... Cái điệp khúc thân quen cứ lặp đi, lặp lại năm này sang năm khác.
Ảnh minh họa
Sau ly trà nóng, Nam chợt giật mình khi thấy trên báo xuất hiện một hình ảnh rất quen kèm dòng tin “Người công nhân không tham của rơi”. Người hàng xóm đối diện nhà mình đây chứ đâu. Nam nóng ran cả người. Cái thằng cha quanh năm suốt tháng không thấy nói cười, mặt cứ đăm đăm như sợ người ta ăn hết của, không thấy lân la sang nhà hàng xóm dù chỉ một lần. Chả tốt vậy thiệt sao? Đọc lại mẩu tin lần nữa, Nam cố đánh lừa suy nghĩ của mình. Không. Không thể có chuyện đó. Vậy mà nó có thiệt. Chính hắn.
Từ sự bực bội, coi thường, Nam bắt đầu có cảm tình với Trung sau khi đọc xong bài viết. Trung đã trả lại một cái bóp tiền của người đánh rơi có tới tám mươi triệu đồng khi đang quét rác ban đêm giữa lòng thành phố. Chủ nhân hậu tạ số tiền kha khá, anh chối từ với cái cười đôn hậu, thật thà. Báo, đài đến viết bài, đưa tin, phỏng vấn, anh trốn biệt. Một tay nhà báo bí mật chụp lén được ảnh anh khi đang quét rác. Vậy là chịu.
Sáng nay Nam quyết định sang nhà Trung như một sự chia sẻ khâm phục, lại như một hành động chuộc lỗi với chính mình khi đã nghĩ không tốt về Trung.
- Anh đi làm mới về hả? Nam hỏi khẽ khi thấy Trung dắt chiếc xe đạp cà tàng về tới trước của căn nhà ọp ẹp, có lẽ nghèo nhất hẻm này.
- Dạ. Mà anh kiếm tui có chuyện gì hôn? Trung lo lắng.
- Không. Tui rủ anh uống cà phê sáng. Đọc báo thấy anh “ngon lành” quá.
- Ạ, cái vụ trả bóp đó hả. Có gì đâu. Người ta làm mất. Mình lượm thì trả lại. Đồ đó đâu phải của mình, lấy làm chi tội chết. Trung đáp tỉnh queo, dứt khoát.
- Rồi nhà anh? Rồi con anh? Tôi thấy anh còn khổ lắm phải hôn? Sao... sao…?
- Nghèo cho sạch, rách cho thơm. Tui nghèo tiền, nghèo bạc, chớ nhứt định không tham lam, mình còn phải để đức cho con. Chuyện nhỏ có gì đáng nói.
Câu chuyện của Trung cứ lôi cuốn Nam không dừng lại. Trung xung phong đi bộ đội trong sự ngỡ ngàng của gia đình người thân. Mẹ anh khóc lóc vật vã:
- Con đừng đi. Bên Miên đánh nhau dữ lắm. Lỡ có gì. Bà bỗng im bặt.
- Nó muốn thì chìu. Làm anh hùng “rơm” với trái tim hồng hả con? Muốn làm liệt sĩ hay thương binh thì tùy. Tao không cản. Ba anh mai mỉa.
Không ai ngăn cản được Trung. Sau hơn bốn năm công tác ở chiến trường Campuchia, Trung ra quân cưới vợ, nhưng đứa con trai đầu lòng bị bại liệt hai chân. Trung đi xin việc khắp nơi nhưng đi đâu cũng bắt gặp cái lắc đầu kèm nụ cười thương hại. Có cơ quan lịch sự hơn thì cho một cái hẹn cho vui nhưng anh biết sẽ không bao giờ có kết quả.
Một đêm mưa, Trung thức giấc. Không thấy vợ, anh bồn chồn lo lắng. Mấy ngày nay cô ấy thất sắc, cứ nhìn cha con anh bằng ánh mắt lạ lùng. Lá thư viết vội vàng sai lỗi chính tả đầy dẫy trên bàn làm anh hiểu tất cả. Vợ anh không chịu đựng được cái cảnh chồng thất nghiệp, con trai tật nguyền lê lết khắp nhà, đến chuyện vệ sinh cũng không tự làm được. Anh trầm lặng không oán trách nửa lời, chỉ ôm con mà rơi nước mắt.
Thấy vắng bóng cô vợ khá lâu, hàng xóm tới thăm, anh nói vợ đi làm ăn xa kiếm tiền nuôi con rồi cười héo hắt. Rồi cái tin vợ Trung bỏ chồng theo trai cũng lan nhanh trên con hẻm nhỏ này. Người thương cảm cũng có. Người mai mỉa cũng có, với những câu chì chiết đau lòng “... Chắc nó ăn ở ác đức nên con nó mới bại xụi, vợ bỏ theo trai như vầy...”. Anh lặng im chịu đựng.
Ban ngày, thường sau một giấc ngủ ngắn ngủi, anh lại tranh thủ đi bán vé số dạo. Đứa nhỏ chắc độ sáu tuổi nhưng ốm yếu xanh xao được đeo phía sau lưng. Có lần giữa trưa nắng chang chang, Nam thấy Trung cho con ăn dưới bóng hàng cây sao bên cổng chùa. Mồ hôi nhễ nhại, anh vẫn cười. Từng muỗng cơm anh đút rất gọn gàng với những lời động viên âu yếm, xé lòng:
- Ráng ăn, ba cưng nhiều...
- Sao mẹ đi làm lâu quá không về thăm cha con mình hả ba? Đứa bé hỏi dồn.
- Ờ. Tại mẹ bận nhiều chuyện quá. Mà con có ba chăm sóc là đủ rồi.
Nói cho qua lề, chớ anh không hy vọng người đàn bà ấy trở về. Mặc. Anh không trách, không buồn, chỉ thương thằng bé thiếu vắng hơi ấm của mẹ nó. Biết sao bây giờ.
Buổi chiều, trước lúc đi làm, Trung lại tập đi cho con từng bước rất thận trọng, chỉ sợ con ngã, con đau. Có lần vấp ngã, đứa bé khóc òa lên giận dỗi, anh cuống cuồng dỗ dành đến khàn giọng. Quanh năm Nam chỉ thấy Trung loay hoay với mấy bộ đồ cũ mèm, đến đôi dép đứt quai vá víu nhiều chỗ, anh cũng không quan tâm... Vậy mà đứa bé luôn mặc những chiếc áo đẹp và mới, giày dép tươm tất. Có lẽ anh muốn dành tất cả cho con những gì tốt nhất, đẹp nhất, hạnh phúc nhất như để bù đắp những thiếu thốn, bất hạnh mà nó không đáng có.
- Chuyện học hành thằng nhỏ anh tính sao? Nam hỏi khẽ.
- Mai tui đưa nó tới trường. Nghèo mấy cũng cho nó ăn học đàng hoàng. Mấy anh ở phường tới động viên và cho tập vở, quần áo, thiệt tui mùng hết sức nhưng cứ lo.
- Lo gì, anh nói thử coi. Nếu được tôi giúp cho.
- Không, tui chỉ lo bạn nó trêu chọc chuyện bại liệt của nó. Mình thì sao cũng được, còn nó... Anh thở dài.
Người cha ấy và cũng là người mẹ đảm đang đang dang tay che chở cho đứa con bất hạnh của mình bằng tình thương không gì so sánh được. Người công nhân nghèo ấy sẵn sàng trả lại số tiền đánh rơi to tát, từ chối sự đền ơn có hậu đáng nhận kia để sống một cuộc đời trong sạch, thanh thản, thẳng ngay. Có lẽ đó cũng là một bài học lớn đầu đời của một người cha dành cho con mình trước bao cám dỗ, gian dối của cuộc đời.
Truyện ngắn của Song Anh
Send comment