TUỆ SỸ ĐẠO SƯ
Thơ và Phương Trời Mộng - Tập 1
Tác giả: Nguyên Siêu
Ban Tu Thư Phật Học Hải Đức Nha Trang
In lần thứ nhất
California - Hoa Kỳ 2002
Tái bản lần thứ nhất
California - Hoa Kỳ 2006
Sáu
Những ngày đầu của lớp học chuyên khoa dưới mái Phật Học Viện đến nay đã tròn 32 năm. Thời gian 32 năm quả là dài, nhưng kỷ niệm dường như mới hôm qua. Những hình ảnh quả Quý Ôn, Quý Thầy nhất mực lo cho Tăng sinh ăn học đã in sâu vào tâm trí, khó có thể quên được. Một đời của Quý Ngài đã hy sinh cho việc đào tạo Tăng tài, xây dựng, tài bồi cho thế hệ kế thừa mạng mạch Phật pháp, cho dẫu hao tổn bao nhiêu tâm huyết Quý Ngài cũng chẳng từ nan. Những sự hy sinh cao cả ấy đã khiến anh em cựu học Tăng, mỗi lần có dịp gặp nhau lại tha thiết nhắc đến những kỷ niệm đẹp của thời cắp sách dưới mái học đường.
Ngày đầu tiên gặp Thầy Tuệ Sỹ từ Sài Gòn ra đảm nhận lớp chuyên khoa của Viện, bản thân người viết cũng như anh em học Tăng ai cũng cảm thấy có một cái gì là lạ. Có lẽ một phần vì dáng người nhỏ nhắn, gầy gò của Thầy, cộng với mái tóc hơi dài, ung dung trong bộ áo nhật bình 4 vạt bạc thếch màu đà, dài quá đầu gối một chút khiến Thầy có vẻ khác thường hơn người. Hình như Thầy là vị giảng sư duy nhất của Viện có cung cách ăn mặc giản dị và khiêm tốn như thế.
Nghe tin Thầy ra dạy, cả Viện xôn xao chuẩn vị đón Thầy, ngay cả Quý Thầy trong Ban Giám Đốc của Viện cũng nôn nao không kém.
Không khí Phật Học Viện tự nhiên tươi vui, nhộn nhịp hẳn lên. Nào là dọn phòng ốc, nào là lo sắm sửa bộ tách trà, phin lọc cà phê, cắt đặt người làm thị giả...
Không những bên Viện, mà đến Quý Ôn bên Tỉnh Hội dường như cũng bận rộn hẳn lên. Chiều nào Quý Ôn cũng chống gậy qua Viện coi sóc công việc và chuẩn bị những thứ cần dùng cho Thầy. Đích thân Quý Ôn, sắp xếp từ nơi ăn, chốn ở, từ giường nằm, bàn làm việc cho đến bàn uống trà, cà phê... Có lần người viết được thoáng nghe, Quý Ôn chỉ sợ công việc giảng dạy ở đây không giữ được một vị Thầy tài giỏi thông minh hiểu biết như Thầy, để cùng Quý Ôn chăn dắt Tăng sinh.
Bao nhiêu háo hức, nôn nao, chờ đợi. Rồi ngày ấy cũng đến. Cả Viện rộn ràng tiếp đón Thầy, Quý Ôn trong Ban Giám Đốc vui mừng, ai cũng cười, ai cũng nói. Riêng các anh em học Tăng, tuy rất ngưỡng mộ Thầy, nhưng chỉ dám đứng xa mà nhìn. Quy luật của Viện đối với học Tăng thời bấy giờ rất nghiêm túc, nên chúng tôi không được ngồi ngang hàng hoặc nói chuyện với Quý Ôn, cần thưa gửi việc gì đã có vị lãnh chúng đại diện, và: "Giá trị đánh điệu ngang bằng với ý nghĩa cắm ba nén nhang lên bàn thờ Phật."
Trong thời gian đầu ở Viện, Thầy còn nghỉ ngơi chưa giảng dạy, nên anh em cũng chưa có dịp tiếp xúc với Thầy. Cho đến hôm Thầy đến lớp và cũng là ngày giới thiệu Thầy với học Tăng. Ôn Vụ Trưởng Vụ Phật Học Viện đích thân đưa Thầy tới giới thiệu với lớp học, cả lớp đứng dậy im phăng phắc. Sau đôi lời giới thiệu, Ôn Vụ Trưởng trao nhiệm vụ giảng huấn lớp cho Thầy.
Lần đầu tiên nghe Thầy giảng, sao mà khó hiểu quá! Có lẽ chưa quen, hay vì trình độ mình quá kém chăng? Có lẽ cả hai. Cả lớp học hầu như không ai lãnh hội kịp những lời Thầy giảng. Một hôm Thầy giảng Triết học Tây Phương, Thầy cứ thao thao bất tuyệt trên bục giảng, đám học Tăng chúng tôi lại được dịp ngỡ ngàng trước những danh từ Triết học mới lạ.
Thế rồi, vào những giờ văn học Trung Hoa, Thầy cũng vẫn thao thao bất tuyệt. Nào là "Tựa Đằng Vương Cát" của Vương Bột:
Nam Xương cố quận,
Hồng Đô tân phủ.
Tinh phân Dực Chẩn,
Địa tiếp Hành Lô...
Lạc hà dữ cô vụ tề phi,
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc.
Trước những đôi mắt ngưỡng phục của chúng tôi, và bằng những tư tưởng uyên bác, Thầy đã dẫn anh em học Tăng đi từ những tư tưởng Đông Phương qua Triết lý Âu Tây. Cả một trời kiến văn thông thái, chưa kể những am hiểu sâu sắc về Kinh, Luật, Luận mà Thầy trao truyền cho lớp học.
Suốt bốn năm Trung đẳng, từ năm 1970-1974, ngày hai buổi đều đặn cắp sách đến lớp học, Thầy trò chẳng rời nhau. Từng giờ học, từng bữa ăn, những buổi chiều tản bộ trên đồi Trại Thủy, khi nấu nước sớm nơi nhà bếp, hay khi hóng gió trên tháp sắt nhìn ra biển khơi, lúc nào Thầy cũng chu đáo, ân cần khuyến khích anh em gắng học để nối tiếp Quý Ôn trong trách nhiệm truyền thừa đạo Pháp.
Bốn năm Trung đẳng, thời gian tuy không dài, nhưng anh em đã học được rất nhiều từ nơi Thầy, từ sự tu tập bản thân đến kiến thức trên nhiều lãnh vực. Thầy rất nghiêm túc và khắc khổ trong công việc giảng dạy và nghiên cứu. Nhờ vậy, nên thời gian sau này anh em học Tăng chúng tôi đã tỏ ra khá vững vàng trong công việc phiên dịch, thuyết pháp, giáo dục...
Ngày thi mãn khóa Trung đẳng rồi cũng đến.
Chắc hẳn anh em học Tăng khó mà quên được thời gian học thi ngày ấy, ai ai cũng cố gắng hết sức để khỏi phụ lòng Thầy. Dãy Tăng đường xây trên lưng đồi Trại Thủy, phía trước là lối đi dưới hàng bông sứ, phía sau nhìn xuống cánh đồng dừa, xóm Xưởng, Phương Xài, Ngọc Hiệp... dường như được thắp sáng suốt đêm, vì anh em mỗi người một bóng đèn tròn treo lửng lơ trên vách cặm cụi học thi. Sự chăm chỉ này phần lớn là nhờ công lao của Ôn Từ Đàm (Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Viện Trưởng Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức, Nha Trang) và Thầy.
Lên Cao Đẳng, anh em càng nhìn thấy rõ hơn tinh thần trách nhiệm của Thầy. Thầy đích thân soạn thảo chi tiết chương trình bốn năm Cao Đẳng và Thầy đã nhận trách vụ Giám Học Học Vụ của Viện Cao Đẳng Phật Học năm ấy, 1974.
Năm Cao Đẳng Phật học bắt đầu, 1974, Thầy như một "Đạo Sư", hướng dẫn, chỉ đạo những luận đề cao hơn, và Thầy cũng gần gũi với anh em học Tăng hơn.
Nhưng chính vì sự gần gũi và trách nhiệm giáo huấn nặng nề, Thầy có vẻ khắt khe, nghiêm túc hơn thời gian Thầy dạy chúng tôi ở ban Trung Đẳng. Ban ngày Thầy dạy học, ban đêm đi canh thiền. Từ phòng Thầy ở, nay là văn phòng của Ôn Viện Trưởng, đến cư xá Tăng Sinh Viên, mới cất trên cốc Ôn Già Lam (Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Giám Viện Phật Học Viện), phải leo lên hai tam cấp và qua một cái cổng. Ấy vậy mà cứ đến mười giờ đêm hô canh ngồi thiền là đã thấy Thầy canh thiền, bất chấp những đêm mưa bão, chưa bao giờ thấy Thầy vắng mặt ngày nào. Và đó cũng là điều anh em học Tăng phải "ngán" Thầy mà chẳng dám "ngọa thiền."
Thầy "khó" trong lãnh vực giảng dạy, và "nghiêm" trong phạm vi tu tập, nên có lần Thầy đã bỏ lớp, về phòng đóng cửa không tiếp ai, vì một anh em học Tăng không thuộc bài. Thầy tâm sự: "Kể từ ngày tôi đến với quý thầy cho đến hôm nay, tôi không đi đâu cả, chỉ nhất mực hướng dẫn cho quý thầy và mong quý thầy phải học, mong quý thầy phải ý thức bổn phận của mình, nếu không sẽ uổng công Quý Ôn đã lo lắng. Khi xưa tôi cũng vậy, mình phải nghĩ đến công ơn của Thầy Tổ, công ơn của đàn na thí chủ lo cho mình, đừng phí công ấy mà đắc tội." Lời lẽ tuy giản dị nhưng đanh thép, hàm chứa bao nhiêu tâm huyết lo lắng cho đàn hậu duệ. Và cũng chính vì tâm huyết ấy mà sau biến cố 75, Thầy nhất quyết ở lại với quê hương.
Thời gian êm đềm trôi qua dưới mái Học Viện, nhưng sự êm đềm ấy đã bị biến cố 75 bất ngờ thổi đến, phá tan bao mộng ước tương lai. Viện Cao Đẳng đóng cửa, quý Thầy không còn được giảng dạy như xưa; anh em học Tăng phân tán mỗi người mỗi nơi, có người phải rời Viện về nhà với cha mẹ. Việc học bị dừng lại nơi đây. Thầy một mình một bóng, thỉnh thoảng gặp một vài học Tăng chuyện trò, nhưng không khí đã ảm đạm mất rồi, đâu còn những ngày rộn rã khi xưa.
Để khỏi lãng phí thời giờ và để khuây khỏa, Quý Ôn đề nghị anh em học Tăng dịch Kinh A Hàm và Thầy duyệt lại. Công việc dịch Kinh sách đã làm Thầy hăng hái, mẫn tiệp hơn lên. Mỗi sáng, sau giờ công phu sớm, điểm tâm xong, thầy trò dẫn nhau lên Thư Viện, mỗi người mỗi việc, người dịch sách, người chấp bút duyệt bản thảo, và người viết cặm cụi đánh máy cho đến khi dịch xong bộ Trung A Hàm. Và rồi những bộ sách khác được tiếp nối: Truyện Pháp Cú, tuyển tập Nikàya A Hàm... sau đó đưa qua nhà in Hoa Sen của Viện để in.
Nhưng, thời gian êm ả ấy cũng chẳng được bao lâu. Năm 1977, thời cuộc biến đổi khốc liệt hơn, người phải đi lao động kinh tế mới, người bị buộc đi nghĩa vụ quân sự... Anh em lần lượt trở về nguyên quán, nơi chùa của Thầy Tổ, thất tán tha phương, tù tội và ngay cả Thầy cũng cùng chung số phận với anh em. Cũng từ năm ấy, Thầy phải về làm rẫy ở Vạn Giả, cách Nha Trang khoảng 60 cây số, về hướng Bắc. Thầy một mình lặng lẽ trong những chuyến tàu đêm đi về hôm sớm, ghé thăm Chùa, Viện.
Cho đến một hôm, mọi người bàng hoàng khi nghe tin Thầy bị bắt giam ở trại tù Phan Đăng Lưu, Sài Gòn, (1978-1980). Sau đó, Thầy được thả về tạm trú tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam, cho đến ngày bị bắt lại và "được" nhà nước ban cho cái án tử hình, năm 1984 (bằng những sự vận động và can thiệp của nhiều quốc gia trên thế giới, án tử hình giảm xuống còn án tù chung thân).
Cuộc đời cũng có lắm cái bất ngờ. Năm 1980, Quý Ôn sai mang máy quay ronéo vào Chùa Già Lam, để giúp việc dịch Kinh sách. Người viết lại có cơ duyên được học lại với Thầy lớp Cao Cấp Phật học tại Già Lam (lớp học này dĩ nhiên không hợp pháp đối với nhà nước đương thời). Thầy lại trở về với vai trò giảng dạy, từ những tư tưởng Tánh Không cho đến Nhơn Minh Luận, từ chân trời Hoa Nghiêm duyên sinh cho đến giáo nghĩa u huyền Bát Nhã... anh em học Tăng lại được dịp quây quần về núp bóng Ôn Già Lam để cùng học với Thầy.
Thời gian này, anh em học Tăng vừa học vừa làm việc với những công trình trước tác, phiên dịch của Ôn Già Lam, dưới sự trông coi và hướng dẫn làm việc của Thầy.
Ngay cho đến bây giờ, những công trình biên khảo ấy của Ôn Già Lam, nhiều bản cũng chưa được in ấn, kể cả bộ Tự Điển Phật Học Phổ Thông, bộ Bách Khoa Phật Học Đại Tự Điển... Anh em học Tăng được nương tựa dưới bóng tùng đức độ của Ôn và dưới sự coi sóc của Thầy, đã hoàn thành được nhiều công trình trong lãnh vực văn học khảo cứu. Một trong những kết quả gặt hái được là sự thành tựu các tác phẩm cho ngày "Truyền Thống Cúng Dường Pháp", 19-09 Âm lịch hàng năm, cũng là ngày sinh nhật của Ôn Già Lam. Đây cũng là ước nguyện bày tỏ lòng tri ân công đức của Ôn, trong suốt mấy thập niên qua. Ôn đã vì tương lai của đàn hậu duệ, mở ra các Phật Học Viện, đào tạo bao lớp Tăng tài để cung ứng cho đạo pháp. Sự hy sinh và ân đức của Ôn còn mãi in sâu trong tâm khảm của tất cả cựu học Tăng ngày ấy.
Bốn năm, 1980-1984, trôi qua trong âm thầm lặng lẽ với dáng vẻ bình an, nhưng tự trong thân tâm của mỗi học Tăng tạm trú chúng tôi đều hiểu rằng: "Không ai có thể biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra cho mọi người, cũng như chương trình đang học có được hoàn tất như ước nguyện."
Cho đến một ngày, Thầy lại dở dang với chương trình dạy, cả hai lần Thầy dạy đều không hoàn tất - lớp học ở Viện Hải Đức Nha Trang, và lớp học ở Chùa Già Lam. Thầy lại bị bắt mang đi vào ngày 01 tháng 04 năm 1984, chế độ tuyên án tử hình năm 1988 (do sự can thiệp của quốc tế, Thầy bị tù gần 15 năm, và bị chế độ quản chế sau khi ra khỏi tù cuối tháng 9 năm 1998). Ước vọng đào tạo Tăng tài một lần nữa lại không thành, Ôn Già Lam viên tịch.
Nghĩ lại những ngày qua, tuy không thiếu những kỷ niệm đẹp, nhưng sao cũng lắm nỗi bất trắc, kinh hoàng!